Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

29/11/2014

Da thịt vẫn như lúc trần truồng (viết về Đinh Gang, của Đào Tuấn)

Đinh Gang là một người kể sử thi của dân tộc Ba Na ở Tây Nguyên. Hôm trước, đã nói ở đây

Hôm nay, thì giới thiệu một bài của nhà báo Đào Tuấn. Lấy về từ blog của anh. Hiện chưa rõ bài này đã đăng chính thức ở đâu chưa (nếu được, mong anh Đào Tuấn chỉ dẫn giùm).


---


Ba trăm lớp váy màu đen thẫm/ Da thịt vẫn như lúc trần truồng..









Đinh Gang, người kể chuyện của đại ngàn

Hở bắp chân sấm rền dữ dội
Đinh Gang chỉ có hai cái khố. Đêm đêm, bên cái nhập nhoạng của bếp lửa, Gang kể Hơ mon (sử thi) bằng giọng ca cao vút như âm vực của đàn đá. Trong câu chuyện ấy, có chàng  trai J”rai Dyông Dư tài giỏi, mũi tên của chàng leo lên đến đỉnh núi Kăh Ping cao vút; có Bia Brâu (nàng Brâu) xinh đẹp, cái đẹp của nàng như con chim vẹt ngoài rừng. Chêt chêt chêl chêl khit khing ding tơgrung dung gruih, tiếng chiêng bay tròn bên mái nhà rông. Các nàng xinh đẹp nhún nhảy đôi chân, huơ huơ đôi mông. Gang kể chuyện trong mái nhà đầy bóng tối và nồng nặc mùi khai. Vợ Gang, một phụ nữ 60 tuổi  lấy Gang theo tục nối dây, lẳng lặng che chăn thay khố cho chồng. Bà đem chiếc khố ướt ra phơi ngoài cây đào trước cổng, mang chiếc khố đã khô vào thay. Đêm cứ thế trôi, rượu ghè cứ thế chêm nước, chàng Dyông Dư đã uống rượu đến cạn nước sông Ba, sông Yun Pa, nàng Brâu đã dệt nên tấm áo mới, tấm áo có hương vị của bắp non, và những chiếc khố ướt lại được đem ra phơi.
Gang sống ở làng Hơn, một cái làng bé tí xíu với ba chục nóc nhà nằm xa lơ xa lắc dưới chân dãy Chro thuộc xã Yama huyện Kông Chro, Gia Lai. Đây là vùng đất căn cứ của Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn. Đó đây vẫn còn sót lại những di tích được đánh số. Chẳng hạn 1- Ao ông Nhạc; 2- Kho tiền ông Nhạc…Từ An Khê và Kông Chro chỉ có một đường độc đạo leo qua một cái đèo dài toàn là vách núi và vực, một khung cảnh dữ dội cực hiếm của Tây Nguyên. Đường vào Hơn như đường thằn lằn bò. Dân Hơn từ khi đẻ ra trên nhà sàn cho đến khi về với ông bà tổ tiên thường hướng lên núi chứ chẳng mấy khi ra huyện, thành thử con đường nhiều chỗ chỉ bé bằng hai bàn tay, lụt trong cỏ tranh cao quá đầu người. Hơn lành. Không khí trong trẻo. Nắng trong trẻo. Aánh mắt người Hơn cũng trong trẻo. Hơn hiền hoà. Buổi chiều, làng chỉ có tiếng gió sào sạc qua mái liếp, tiếng gà gáy lảnh lót giữa cảnh âm u của núi rừng và tiếng trẻ con ríu rít như chim ngoài rừng. Gang không có nhà, đã đi rẫy. Chúng tôi theo anh Êu, cán bộ phòng văn hoá thông tin huyện ngồi đợi Gang trên nhà rông của làng. Làng Hơn nghèo. Cái nghèo lỗ chỗ trên mái nhà rông. Bếp nguội lạnh, tro cũng không còn. Ở góc thiêng của nhà rông, biểu tượng cho làng của người Tây Nguyên, một ghè rượu lăn lóc bốc mùi chua loét, cây cột đâm trâu nằm lăn lóc phủ bụi tầng tầng . Từ lâu lắm rồi làng Hơn không có múa hát, lễ hội, không có uống rượu ghè. Một làng Tây Nguyên mà không có rượu ghè uống thì được coi như là làng chết vậy. Theo trưởng làng Đinh Cheng thì Hơn có 31 hộ/262 nhân khẩu. Cheng vừa đi uống rượu về, nói là đi họp xã, cuốn sổ cắp dưới nách đã nát nhừ nhưng chưa hề viết một chữ nào. Vừa dùng chân, vừa dùng tay khoát khoát mấy vòng, Cheng bảo “Làng không có lúa nước đâu”. “Lúa rẫy à? Mỗi nhà được 5-6 gùi mỗi mùa thôi”. Đương đúng độ giáp hạt, dân làng đã phải đi bẻ bắp non về ăn. Bắp non mọng sữa nhưng ăn hai hôm thì cái bụng nó kêu sùng sục. Chúng tôi gặp Keng, cô gái 16 tuổi đã có chồng và con đi hái trái bơ về. Keng má hồng, người đầy mồ hôi. Trên vai cô chất ngất một chiếc gùi to tướng đầy những trái bơ non bằng quả trứng gà. Mấy bữa nay nhà Keng ăn chỉ toàn ngô. Chồng cô, một chàng trai 17 tuổi, bảo: “Đói rồi. Không đợi bơ lớn được đâu”. Thế là Keng đi hái bơ bán 500 đồng một chục trái.
Gang về vào lúc chiều nhập nhoạng, đó là một người đàn ông bé nhỏ, đen đúa, gầy guộc như củ sắn còi. Đôi bàn chân trần to bè, bắp chân như ống sáo thui tro bếp. Gang vừa đi vừa hát. Giọng hát của ông lục cục những đá sỏi và cỏ tranh, khi lại chấp chới như cánh bướm ngoài rừng, lúc ồn ào rầm rập như bước chân voi, chân ngựa. Đôi mắt của Gang sáng long lanh, cái tinh khiết ngây thơ của kẻ chưa nếm chút bụi trần. Như tất cả những người làng Hơn khác, ban ngày, Gang như con dũi chui vào lòng rừng kiếm ăn. Cái đói, cái khát có ngay ở trong gùi của ông: 4 con cá bé bằng hai ngón tay, 6 quả cà đắng và một nắm rau nhàu nhĩ. Buổi tối nay, với những thứ đó, thêm vào mấy bắp ngô, 6 con người của nhà Gang sẽ lại có một bữa tuý luý. Dứt khoát Gang sẽ khui một ghè rượu. Thức ăn thì có thể không có trong dạ dày chứ rượu thì không thể không có.
Chúng tôi nhờ Giai, một thanh niên 21 tuổi, tóc xù đỏ nắng có hai vợ và hai con đi mua hộ hai con gà to nhất làng để làm “lễ nhờ vả”. Gang không phải là người  khó tính, tôi nghĩ thế. Nhắp một ngụm rượu, ông bảo đêm nay sẽ kể hơ mon Dyông Dư, hơ mon Bia Brâu những sử thi có tính chất anh hùng ca và trữ tình của người Bahna. Chúng tôi ngồi trên nhà sàn cẩn thận đếm những ghè rượu. Hồi xưa, Hơn, cũng như tất cả các làng Tây Nguyên khác nhà nào có nhiều trâu bò, nhiều ghè rượu là nhà giàu trong vùng. Gang có hơn ba chục ghè rượu nhưng không phải là người giàu, vì đó là rượu được cho. Không có một chút gì trong ngôi nhà sàn này chứng tỏ chủ nhân của nó là một nghệ nhân hát hơ mon nổi tiếng nhất trong tộc người Bahna ở Tây Nguyên.
Bóng tối chụp xuống rất nhanh. Ngọn núi Chro chỉ còn là một đám sẫm màu. Cơm được dọn ra. Đeh, vợ Gang đi mượn được hai chiếc đèn cầy. Chúng tôi xúm lại trong bóng tối. Thắp mãi mà đèn không sáng. Hoá ra hết dầu. Trưởng làng Đinh Cheng phân công Giai đi khắp làng, cuối  cũng cũng xin được một dúm dầu đựng trong một chiếc lá. Đèn được thắp lên, ánh sáng vàng vọt bé bằng hạt đỗ, sáng được mỗi đĩa muối, trẻ con reo hò khoái trá, người lớn cũng vui, trong mắt có ánh lửa. Người Bahna có tính cộng đồng rất cao, một nhà có khách, có nghĩa là cả làng có khách. Lẳng lặng từng người làng Hơn đến, âm thầm ngồi sau bếp lửa tay vít cần rượu. Bữa nay có khách  “từ Hà Nội vào”, Gang khui liền một lúc hai ghè rượu, ông vui lắm, ánh mắt sáng biếc như ánh trăng rừng.
 
(Sáng đầu gối -dông nổi đầy trời)
Cái đẹp của Bia Brâu từ ở nước da trắng ghê trắng ghớm. Cánh tay mềm mại tựa bông, tựa mây trên trời, ngón tay lóng lánh như đeo bạc, bắp đùi lóng lánh như dính những hạt vàng li ti. Nàng đẹp như con nhện, xinh tựa ong chúa, đẹp như ánh mặt trời, dịu dàng như ánh sáng mặt trăng
Bước đi uyển chuyển nhẹ nhàng
Lung linh sáng cả một vùng xung quanh
Hở bắp chân- sấm rền dữ dội
Sáng đầu gối- đông nổi đầy trời
Trắng bắp vế- mưa dâng khắp nguồn sông Ba, sông Yun
Ba trăm lớp váy màu đen thẫm
Da thịt vẫn như lúc trần truồng..
Khi kể về vẻ đẹp của Brâu, đôi mắt Gang long lanh tình tứ. Gang là kẻ tật nguyền. Gang, người bất hạnh. Từ mười năm trước đây, trong một lần đi rừng trèo cây đặt bẫy, người đàn ông Bahna 50 tuổi này đã ngã từ cây cao xuống đất. Cành cây đã đâm thủng bàng quang của ông. Như tất cả những người làng Hơn khác, Gang chỉ quấn chặt khố cho máu thôi chảy, và khi máu thôi chảy rồi thì có nghĩa là con ma đã không còn bắt người nữa. Thôi. Không phải chữa trị gì cả. Di chứng của cú ngã này đã khiến bàng quang của ông bị thủng, ông không điều khiển được việc tiểu tiện của mình. Gang gọi việc này là “Tự nó đái thôi”.
Gang đầu gối lên một đống quần áo, bao gói nhùng nhình và đen thui, tay phải đặt trên bụng, tay trái vắt trên trán, đôi chân trần trụi dưới khố gác chữ ngũ. Ông kể bằng giọng hát véo von:
Dyông Dư, Mong Maih và bia Chăm uống rượu. 3  người cắm cúi cic cic cic uống. Mỗi người uống hết 8 sừng trâu. Họ uống rượu làm cạn cả nước sông Ba. Con trăn khổng lồ dưới đáy sông nóng quá không chịu nổi, quẫy đạp kêu la ầm ĩ.
Những bản sử thi dài, Gang kể hết 5 đêm, kể từ lúc ghè rượu còn ngọt lừ, say ngất ngư cho đến khi trong cần chỉ còn nước trắng không còn mùi của rượu. Riêng hơ mon Dyông Dư đã được kể trong suốt 10 đêm với 9 băng cát sét, tương đương với 13 tiếng và dài khoảng 6000 dòng. Gang nhớ được 6 sử thi. Ông sống tự do tự tại. Thích thì hơ mon. Đêm hơ mon, ngày cũng hơ mon. Ở nhà cũng hơ mon mà đi rừng cũng hơ mon. Gang vừa ho vừa hát, vừa hút thuốc vừa xoa dầu. Trong căn nhà của ông, chỉ có ánh lửa bập bùng, khi mờ, khi tỏ, chỉ có ngọn lửa nhảy múa trong ánh mắt.
Đinh Thị Đeh, vợ Gang đã 60 tuổi. Bà đã già lắm rồi. Chồng “nó” là anh trai của Gang đã mất, (theo tục nối dây của đồng bào Bana, khi anh trai chết, em trai sẽ lấy chị dâu). Khi Gang “bắt”, nó đã già đến nỗi “cái vú như trái bầu khô, sắp rơi xuống đất”. Không ai biết là bởi vì sao nhưng Gang không có con. Đây là nỗi bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời một con người, tôi nghĩ thế. Đeh quay sang những đứa con của mình, ánh mắt bà ấm như ánh lửa. Hai vợ chồng bà nuôi 5 con. Đinh Thị Thương đứa lớn nhất, 11 tuổi, không biết nói (bị câm), không có cái chữ. Cả 5 đứa lầm lũi ăn trong bóng tối, không có một tiếng động nào. Buồn thế.
Nhưng nhà Gang không có ai buồn cả. Mỗi khi câu chuyện được kể mỗi đêm, mỗi khi rượu ghè đổ nước, má Đeh đỏ, miệng Đeh cười, chếng choáng say. Ngay cả những đứa trẻ cũng tưởng tượng mình là chàng Dyông Dư tài giỏi, đẹp đẽ đang cic cic uống rượu với Bia Chăm đến cạn cả nước sông Ba.
Gang không có trâu bò. Đêm hát, ngày vác dao lên rừng. Suốt cuộc đời 50 năm của mình, Gang chưa từng đi quá con dốc đầu làng, dẫu là các nhân vật trong hơ mon của ông lên rừng xuống biển với yêu đương, đánh nhau, si mê và say rượu.
Nhân tiện nói thêm là Hơ mon, tức sử thi của người Bana mang tính trữ tình nhiều hơn tính chất anh hùng ca và sử dụng rất nhiều hình ảnh, rất nhiều từ ngữ mô tả âm thanh. “Tiếng cồng chiêng Chêt Chêt Chêt, khing khing ding teg rung dung. Tiếng chim diều hâu: Kek coc klel klang klel gruil. Hình ảnh: Cười ngất ngưởng, cười đau cả bụng, cười đầy cả mồm.. Sau rất nhiều năm, lần đầu tiên, Sở Văn hoá thông tin Gia Lai đã cho ra mắt bạn đọc 2 cuốn sử thi Dyông Dư và Bia Brâu. Đây là những nỗ lực rất lớn trong điều kiện kinh phí eo hẹp để gìn giữ những nét văn hoá truyền thống của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng người Bana đang phải đối mặt với tình trạng thất truyền những hơ mon cuối cùng. Ở  Hơn, ngoài Gang không ai biết kể hơ mon cả. Trưởng thôn Đinh Cheng nói hồn nhiên: Hơn chỉ cần một người biết kể thôi. Còn Giai, thanh niên ưu tú, thông minh nhất Hơn thì bảo: “Nghe người ta hát, kể thì nhớ trong tai chứ không kể ra ra miệng được”. Ông Nguyễn Thanh Minh, trưởng phòng văn hoá huyện Kông Chro cho biết ở Kông Chro có đến 68 nghệ nhân kể hơ mon nhưng bây giờ thì chỉ còn 16 người còn đủ sức để nhớ, để kể một hơ mon.
Duch Bum và Seh Tang hai người yêu nhau, một người chết. Họ yêu nhau và họ chết cũng nhau. Đấy là bản hơ mon trữ tình và đau buồn về tình yêu mà Gang đã kể cho chúng tôi nghe đêm đó. Ông giải thích: “Cha mẹ không ưng mà, thế thì họ phải chết cũng nhau thôi”. Không cần thêm lời cho cái chết vì tình yêu ấy. Người làng Hơn, Gang, Đeh, Giai, Keo cũng vậy. Họ sống, và vô tư, và yêu đương và say rượu, sống với con dốc nghiêng nghiêng, gà trống gáy, gió rào rạt từ núi Chro thổi về và những bản tình ca đẫm mùi tối tăm, đói khát và ẩm mốc như thế đấy.
Ngay cả chuyện “tự cái bàng quang nó đái”, ngay cả chuyện “vợ nó không đẻ được” cũng không làm Gang buồn, ông sống với những câu chuyện trữ tình và thượng võ trong hơ mon, vô tư lự như cây cỏ ngoài rừng. Êu, cán bộ văn hoá bảo: Ngày mai, ngày kia, ngày kìa, có khi là lâu hơn, nó (Gang) sẽ ở nhà hút thuốc lá, ăn thịt gà và uống rượu ghè. Bao giờ hết mới đi làm. Thế đấy. Và trong ngôi làng bé tí xíu chẳng hơn bất cứ ngôi làng nào trong chuyện cổ sẽ lại cất cao giọng ca của Gang.
Ba trăm lớp váy màu đen thẫm
Da thịt vẫn như lúc trần truồng…

Đào Tuấn

https://daotuanddk.wordpress.com/2009/10/29/ba-tram-l%E1%BB%9Bp-vay-mau-den-th%E1%BA%ABm-da-th%E1%BB%8Bt-v%E1%BA%ABn-nh%C6%B0-luc-tr%E1%BA%A7n-tru%E1%BB%93ng/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.