Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

29/10/2014

Từ Mã Phục, sang Mã Quỷnh

Hôm trước, đã nói về đèo Mã Phục (trên đường từ thị xã - bây giờ là thành phố - Cao Bằng đi các huyện miền đông, và ra biên giới Việt Trung).

Còn có đèo Mã Quỷnh.


Ở dưới là lưu hai bài về Mã Quỷnh.

---

1. Đài truyền thanh, truyền hình thành phố Cao Bằng


Năm ngựa kể chuyện Đèo Mã Phục – Mã Quỷnh


Đăng lúc: Thứ năm - 30/01/2014 20:02 - Người đăng bài viết: Ninh

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Hiệp



Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 3 tuyến quốc lộ đi qua gồm đường số 3, số 4 và 34. Là tỉnh miền núi nên đường giao thông có trên 30 đèo mỗi đèo đều mang tên gắn bó với sự tích địa phương. Nhân dịp năm Giáp Ngọ 2014 xin kể một số mốc lịch sử về hai con đèo mang tên ngựa: Đèo Mã Phục và Đèo Mã Quỷnh.

      Đèo Mã Phục ở về hướng Đông cách thành phố Cao Bằng 22km, đường vắt qua dãy núi đá Án Lại. Đường đèo dài 3,5km, cao 625m so với mặt nước biển. Đỉnh đèo là ngã ba của quốc lộ 3. Tay phải là đi tiếp ra của khẩu Tà Lùng – Thủy Khẩu dài 54km. tay trái đi qua của khẩu Trà Lĩnh – Phai Can dài 16km. trên đỉnh đèo có ngọn đồi Slí Kiển theo tiếng Tày là đứng ở đó có thể nhìn ra bốn hướng thấy rõ cánh đồng bao la ở chân đèo.

     Tục truyền rằng từ thế kỷ XI con thiên lý Mã của Nùng Trí Cao một tù trưởng ở Cao Bằng đưa chủ tướng đi đánh quân nhà Tống xâm lược ở biên cương khi về tới đèo mệt quá đã nằm phủ phục để lấy lại sức. Tiếp sau đó các đoàn ngựa thồ hàng tới đèo có nhiều con ngựa cũng nằm phủ phục lấy sức để vượt qua đèo. Nên đèo mang tên Mã Phục truyền tụng cho tới ngày nay.
     Năm 1858 thực dân Pháp đánh chiếm nước ta. Tháng 10/1866 thực dân Pháp đánh chiếm Thị xã Cao Bằng lập chính quyền cai trị rồi chia quân đi chiếm đóng các huyện lỵ. Năm 1937 thực dân Pháp bắt phu mở đường, xây đồn trên đèo Mã Phục. Quân số một trung đội lính khố xanh để bảo vệ các đoàn xe của chúng, chở quặng măng gan mà chúng khai thác lộ thiên ở xóm Lủng Riệc, Lủng Ngải, Pò Viễn... lấy gỗ nghiến đi xây đồn bốt.
     Sau cách mạng tháng 8/1945 thực dân Pháp quay lại xâm lược đất nước ta lần thứ 2. Ngày 9/10/1947 thực dân pháp thả quân nhảy dù chiếm đóng Thị xã Cao Bằng. ngày 27/10/1947 bọn chúng chiếm đèo Mã Phục xây đồn và đưa quân chiếm các huyện lỵ miền Đông của tỉnh. Tháng 3/1949 một đơn vị của trung đoàn 74 tấn công đồn Mã Phục, bọn địch bị thiệt hại nặng nên cuối năm 1949 địch rút quân của 41 đồn bốt về co cụm ở Thị xã và Đông Khê.
     Năm 1952 - 1953 để ngăn chặn sự chi viện của các nước anh em với cuộc kháng chiến của Việt Nam, thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ đã cho máy bay ném bom đèo Mã Phục. có ngày từ 2 đến 4 tốp máy bay ném từ 20 đến 40 quả bom. Một đơn vụ công binh của tỉnh và đại đội 202 thanh niên xung phong của ty giao thông được phân công bám trụ để bảo vệ đèo. Chiến sĩ trong đơn vị đã đếm bom rơi, bom nổ, đánh dấu nơi bom chưa nổ. San lấp hố bom, vào rừng lấy gỗ kết thành bè  gỗ lớn lát trên đoạn đường sình lầy đảm bảo cho đoàn xe vận tải đi qua. với bom chưa nổ hầu hết được tháo gỡ. Riêng một lần còn sót lại một quả, anh em công binh và thanh niên xung phong cũng hy sinh gồm có anh Phạm Văn Yên quê ở Nam Định, chị Đinh Thị Trường quê ở huyện Trà Lĩnh. Tinh thần dũng cảm và sự hy sinh cao cả của  bộ đội và thanh niên xung phong bảo vệ đèo Mã Phục  là nguồn động viên lớn cho các đoàn vận tải chở vũ khí đạn dược chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
     Ngày nay trong cuộc sống thanh bình, các đoàn xe chở hàng hóa ra vào cửa khẩu Tà Lùng – Trà Lĩnh đều qua đèo Mã Phục. Mong rằng trên đỉnh đèo nên có Bia tưởng niệm và Đài tri ân công lao đóng góp tuổi thanh xuân của một thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong với công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
     Đèo Mã Quỷnh ở về hướng Tây Bắc của thành phố Cao Bằng cách khoảng 45km. Đèo dài 4,5km ở về hai phía chân đèo có dốc Khau Công và Khau Mò. Đỉnh đèo cao 525m so với mặt nước biển, trên tuyến tỉnh lộ 204 là của ngõ vào huyện lỵ Thông Nông.
     Một đoạn đèo Mã Qủynh
      Năm 1886 thực dân pháp chiếm đóng Thị xã Cao Bằng. Năm 1889 Pháp đưa quân lên chiếm đóng Thông Nông. Chúng đã bị người nữ thanh niên Pa – Deng dân tộc H'Mông cùng một số thanh niên yêu nước người dân tộc Dao, Tày, Nùng tổ chức đánh phục kích, dùng vũ khí thô sơ như súng kíp hỏa mai, cung nỏ... đánh địch gây cho chúng bị thiệt hại nặng. Một số ngựa chở súng đại lương thực của địch bị chết, bị thương ngã lăn xuống chân đèo " bốn chân chổng lên trời". Từ sự kiện đó dân địa phương đặt tên cho đèo là Mã Quỷnh. Năm 1937 đèo Mã Quỷnh chứng kiến một đoàn đại biểu của tổng Thông Nông gồm các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng kéo nhau qua đèo về Hà Nội gặp tên thống sứ Bắc Kỳ đưa lá đơn đòi giảm thuế thân theo như Mặt trận dân chủ của nước Pháp ban hành.
     Tháng 3/1943 lực lượng vũ trang của tổng Thông Nông thuộc châu Hà Quảng đã vượt qua đèo Mã Quỷnh tiến vào bao vây đánh đồn Dẻ Rào và bắt được tên Bang tá và một số lính thu được toàn  bộ vũ khí. Hai ngày sau bao vây đánh đồn Bó Gai, 80 tên địch mang vũ khí ra hàng. Tháng 8/1949 làng Dẻ Rào là nơi đóng quân của trung đoàn 174 khi mới thành lập. Năm 1966 thành lập huyện Thông Nông, đường 204 qua đèo Mã Quỷnh được mở rộng mặt đường trải nhựa.
     Hiện nay trên đỉnh đèo có 2 trường tiểu học và trung học cơ sở có nhà xây hai tầng kiến cố với gần 100 em học sinh. Đứng trên đỉnh đèo nhìn ra phía xa xa ta sẽ thấy ngọn núi Phia Toọc. Truyện kể rằng: Ngày xưa nơi đó là một làng, trong làng có người đi câu được một con cá ở "Rằng Phạ" (ao trời nay vẫn còn). về tới nhà bỗng dưng trời sấm sét rồi một tiếng nổ lớn phát ra từ Phja Ngườm Slấm biến làng thành núi độc lập, nhân dân gọi là Phia Toọc. Sau này dân lại về ở lập ra xóm Nà Goại. năm 1937 ở đây là là nhà in báo "Lao Động" và " Chuông Giải Phóng" tờ báo tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng.
     Nước sông Tả Rọt hòa nhập vào sông Dẻ Rào chẩy vòng qua chân đèo tăng thêm cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của đèo Mã Quỷnh với hai câu thơ tiếng Tày:

 
Nặm lây pây chắc kỷ pầy poỏng kíu.
Khau Slung chắc kỷ nỉu tẳn rì.
Tạm dịch:
Nước trôi đi biết bao lần đầy vơi
Núi cao kia biết bao rẫy ngắn dài.
     Du khách đến Cao Bằng xin mời dành thời gian đi vãn cảnh đèo Mã Quỷnh và xem chợ miền núi huyện Thông Nông.

http://caobangtv.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=Xa-hoi-65/Nam-ngua-ke-chuyen-Deo-Ma-Phuc-Ma-Quynh-567





2. Trang Du lịch, GO



Thứ Tư, ngày 29 tháng 10 năm 2014



Đèo Mã Quỷnh - Cao Bằng



Từ trên cao nhìn xuống, Mã Quỷnh (còn gọi là đèo Mã Quýnh - Mã Quỳnh) tựa hình trái tim ôm trọn núi sông Cao Bằng.

Mã Quỷnh có nghĩa là Khuỷu tay ngựa là đoạn đèo ngắn dẫn đến huyện Thông Nông (Cao Bằng).

Đèo Mã Quỷnh nằm tiếp nối ngay sau đèo Mã Phục với cung đường đèo quanh co, uốn cong theo sườn núi, một bên vách núi, một bên vực sâu với lác đác vài ba ngôi nhà dân sàn của bà con dân tộc Tày thấp thoáng sau những ruộng ngô và những thửa ruộng bậc thang.


< Trên đỉnh đèo Mã Quỷnh.

Con đường xuyên núi, tít tắp không điểm dừng. Ruộng ở đây nhỏ và ít bậc. Tương tự Tây Bắc, vùng đất tại đây cũng là núi đồi, nhưng nơi này nhiều núi và đồi nhỏ, nhiều cây nên người dân chỉ tận dụng, cải tạo được khoảng đất rất nhỏ để trồng lúa quanh nhà.

Tháng 10 năm 2013, tỉnh Cao Bằng đã khánh thành đưa vào sử dụng công trình "Khắc phục, xử lý điểm đen mất an toàn giao thông trên đèo Mã Quỷnh từ Km 16-km17+500. Đây là một khúc quanh gắt nguy hiểm, một bên là vực sâu, một bên là núi trong khi mặt đường có dốc, độ nghiêng lớn, khúc cua nhỏ khiến xe có xu hướng lao xuống vực...
Vì vậy đây là điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.


Nhằm khắc phục điểm đen này, Sở GTVT tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan, tiến hành lắp đặt hộ lan tôn sóng bám quanh ta luy âm tại những điểm cua, những nơi bán kính cua quá nhỏ, khuất tầm nhìn đã đào mái ta luy dương cải thiện tầm nhìn cho xe đi lại trên đèo.

Tổng giá trị công trình lên tới 3 tỉ đồng, trong đó Quỹ Bảo hiểm hiểm xe cơ giới - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tài trợ 65% giá trị công trình. Sở GTVT Cao Bằng là chủ đầu tư góp vốn đối ứng 35% tổng giá trị công trình.
Đèo an toàn hơn nhưng đối với dân phượt cũng giảm 'sướng' hơn khi cưỡi ngựa sắt phiêu lưu trên đèo.

http://dulichgo.blogspot.jp/2014/10/eo-ma-quynh-cao-bang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.