Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

20/10/2014

Đèo Mã Phục ở Cao Bằng

Thời Mạc cai trị Cao Bằng, người ta biết dùng voi trận. Quân Lê Trịnh sở dĩ mãi không thắng được Mạc, có lẽ, một phần nhờ vào cách đánh sử dụng voi trận này (đây là tôi phỏng đoán, chứ trước nay chưa ai nghĩ như vậy). Hai bên cầm cự nhau tới gần 1 thế kỉ (là khoảng thời gian còn dài hơn 65 năm cai trị ở Thăng Long của nhà Mạc).


Không thấy rõ hình ảnh con ngựa chiến (). Nhưng nhiều người thì bảo đèo Mã Phục là vị trí chiến lược của nhà Mạc.

Bài lấy về từ PL&XH.

---

Huyền thoại đèo Mã Phục và chợ phiên đặc biệt


14:00 - 06/01/2013

(PL&XH) - Trên đường tuần tra biên giới trở về, thủ lĩnh Nùng Chí Cao ròng rã cả ngày trên yên ngựa, đến đây gặp con đèo dốc đứng mà quanh co, chiến mã của chàng không đi được nữa đành quỳ xuống khuất phục . Cái tên đèo Mã Phục có từ đó.

Chợ phiên trên đỉnh đèo

Nằm trên con đường độc đạo từ thị xã Cao Bằng đi vào 5 huyện biên giới miền Đông (Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hòa, Hạ Lang, Trà Lĩnh) của tỉnh Cao Bằng, đèo Mã Phục thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh.

Từ đèo Mã Phục trở vào biên giới “sở hữu” một vùng khí hậu khá đặc biệt, mùa đông thì lạnh giá đến tê tái, đến cóng người nhưng mùa hè lại mát mẻ khác thường, như thiên đường nghỉ mát. Nếu hạt dẻ, thương hiệu của Trùng Khánh ra khỏi đèo mà được trồng thì cây sẽ còi cọc, thậm chí không phát triển được, nhưng chỉ cần trồng trong vùng đất này thì sẽ xanh tốt tuy không bằng được “rốn dẻ” Trùng Khánh.

Có lẽ, không một con đèo nào lại đặc biệt như đèo Mã Phục, quanh co bên những dãy núi đá vôi cao chót vót, trên con đèo dường như không có một chỗ đất rộng và bằng phẳng nhưng giờ đây nó lại trở thành nơi họp chợ, trung tâm buôn bán sầm uất của cả khu vực.

Địa thế hiểm trở của đèo Mã Phục.

Ông Đàm Đình Ích, đã quá nửa đời người gắn bó với đỉnh Mã Phục chia sẻ: Chợ phiên “tự phát” này họp trên đỉnh đèo vào các ngày mùng 3, 8, 13, 18, 23 và 28. Tuy không được khang trang như những chợ khác nhưng phiên chợ này đã đáp ứng đủ nhu cầu mua bán của nhân dân trong vùng. Mặt hàng ở phiên chợ vùng cao phong phú, đa dạng. Tiểu thương khắp nơi kéo về họp chợ khiến cho không khí trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch xây dựng chợ trên đèo nhưng quỹ đất trên đèo hẹp, địa thế hiểm trở, nên vẫn chưa thể thực hiện được.

Ai đã từng qua đây hẳn sẽ không quên được “đặc sản” thịt bò tại con đèo huyền thoại này. Mỗi ngày phiên chợ tiêu thụ hàng trăm kg thịt bò cung cấp cho người dân bản địa cũng như khách qua đường. Thương hiệu thịt bò trên đỉnh Mã Phục đã trở thành một đặc sản mà bất kỳ ai có dịp ghé qua Cao Bằng đều muốn mua về làm quà.

Phiên chợ trên đỉnh đèo huyền thoại.

Huyền thoại đèo Mã Phục

Đèo Mã Phục uốn lượn quanh co nhưng cũng không kém phần mạo hiểm, gây thót tim cho những ai lần đầu đi qua. Trên đỉnh đèo là hai dãy núi đá vôi cao chắn giữ như một cửa ải. Khi lên đến đỉnh đèo, từ con đường độc đạo này được phân chia làm hai, một đường tiếp tục lên đèo để đến trung tâm huyện Trà Lĩnh rồi ra cửa khẩu Hùng Quốc, một đường khác xuống đèo rồi tỏa đi 4 huyện còn lại.

Bà Trương Thị Gianh, ở xóm Cao Xuyên – Mã Phục, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, cho biết: Đỉnh đèo thường được khách quá giang chọn làm nơi dừng chân để nghỉ ngơi rồi tiếp tục hành trình. Do đây là con đèo “độc đạo” nên lượng người qua lại khá nhộn nhịp.

Cái tên Mã Phục cũng gây tò mò và thắc mắc cho bao người lần đầu qua đây. Ông Ích cho biết: Tích xưa kể lại rằng, giữa thế kỷ 11 có chàng trai người Tày tên là Nùng Chí Cao, con của một thủ lĩnh địa phương vốn rất thông minh và tài giỏi. Khi giặc phương Bắc kéo xuống xâm lược bờ cõi, Nùng Chí Cao đã lãnh đạo nhân dân đứng lên dẹp giặc cứu nước, trả lại sự bình yên cho nhân dân vùng biên Đông Bắc.

Khi bờ cõi được yên ổn, trong lần cưỡi ngựa đi tuần tra biên giới phía Bắc trở về, Nùng Chí Cao băng qua một thung lũng rộng lớn, chàng đến giữa thung lũng thì ở phía những đỉnh núi xa xa có mấy nàng tiên đang vẫy gọi, nhưng chàng không dừng ngựa mà vẫn đi tiếp. Về đến địa phận thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng ngày nay, gặp con đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt, chiến mã của Nùng Chí Cao không thể đi tiếp được nữa liền khuỵa xuống. Cái tên đèo Mã Phục (ngựa quỳ) có từ đó. Thung lũng nơi có nàng tiên vẫy gọi Nùng Chí Cao được nhân dân đặt tên là Lũng Riệc (nghĩa là thung lũng vẫy gọi), còn vùng dưới chân đèo Mã Phục được gọi là Lũng Rặp (thung lũng đón tiếp người anh hùng trở về).

“Chuyện đèo Mã Phục ở huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng gắn với câu chuyện con ngựa của thủ lĩnh Nùng Chí Cao cũng là một sự tích dân gian được kể lại trong một bộ phận nhân dân vùng này, bên cạnh đó còn nhiều câu chuyện khác nữa về con đèo được lưu truyền trong dân gian” nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, bộ môn Văn học dân gian, khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho biết.

Nơi tháo ghép ô tô để vượt đèo


Theo lời kể của ông Đàm Đình Ích, trong cuộc khai thác thuộc địa lần hai, quân Pháp đã xây dựng hai chòi gác ở hai đỉnh núi đá vôi để canh gác, tránh sự tấn công của giặc phương Bắc. Đây là hai đỉnh núi cao nhất vùng, vừa có địa thế hiểm trở, có thể quan sát được cả vùng và nếu có chiến sự thì dễ dàng rút lui. Dưới thời ông Quan Hai, đây được coi là trạm gác cuối cùng bảo vệ thị xã Cao Bằng, binh lính đóng tại đây lên đến hàng trăm người. Họ dùng tín hiệu để cảnh báo bằng hai biển xanh và đỏ, khi hướng biển xanh về phía thị xã Cao Bằng chứng tỏ biên giới bình yên nhưng nếu hướng biển đỏ thì có nghĩa rằng biên giới đang căng thẳng hoặc đang có chiến sự.

Không cho các nước bạn sang chi viện cho ta, giặc Pháp ra sức ngày đêm bắn phá con đèo rất ác liệt, ngăn chặn cung đường vận tải quân sự “duy nhất” của ta ở Cao Bằng. “Để vượt đèo, bộ đội ta đã phải tháo từng bộ phận của ô tô ra, luồn rừng để khiêng qua đèo rồi mới lắp ráp lại và cho xe chạy tiếp, lương thực và súng đạn cũng được sự giúp đỡ của nhân dân khiêng qua đèo rồi chuyển lên xe tiếp tục hành trình”
 -ông Ích kể thêm.

Trao đổi với PV, ông Lê Viết Mạo, Chủ tịch UBND xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, cho biết: Về mặt quản lý hành chính thì đèo Mã Phục thuộc xóm Cao Xuyên – Mã Phục, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Đèo Mã Phục trước đây chưa có người sinh sống. Sau này khi kinh tế phát triển hơn, cùng với đó là lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều nên một số hộ đã chuyển từ trong làng lên đây buôn bán và sinh sống. Đèo Mã Phục chính thức hình thành và có dân sinh sống từ sau năm 1980. Đến nay đã có khoảng 20 hộ dân sống trên đỉnh đèo. Cuộc sống của họ chủ yếu vẫn là làm nông nghiệp, ngoài ra còn buôn bán nhỏ lẻ nơi khách dừng chân.

Xuân Thái – Xuân Thắng

2 nhận xét:

  1. Về tượng binh thì có nhiều điểm hồ nghi.

    Triều Lê-Trịnh vốn xuất thân từ vùng Thanh Hóa, gần gũi các tộc người Lào vốn chuyên dùng voi chiến, họ học cách dùng tượng binh của Lào từ rất sớm, trong quân đội của Lê-Trịnh luôn có đơn vị tượng binh. Chính binh của Lê-Trịnh cũng là lính lấy từ vùng Thanh-Nghệ, không có lý do gì họ kém về tượng binh hơn quân nhà Mạc. Nhà Mạc chỉ kiểm soát từ Ninh Bình trở ra, là vùng không sẵn voi. Mạc Đăng Dung vốn xuất thân là người đánh cá ở vùng Chí Linh, có lẽ là thạo thủy chiến hơn, các trận thắng lớn của nhà Mạc đều là thủy chiến.

    Sách Đại Việt Thông Sử của Lê Quý Đôn, NXB Trẻ năm 2012, quyển 2 trang 97 có ghi:

    "Tháng 12, cựu thần của nhà Lê là An Thanh hầu Nguyễn Kim, nhân lánh loạn sang ở châu Sầm Thượng, Sầm Hạ bên nước Ai Lao, chiêu tập các người trung nghĩa, nuôi dưỡng binh tướng, gồm vài nghìn người, 30 con voi và 300 con ngựa. Đến đây, theo thỉnh cầu của các tướng, bèn dẫn quân về kinh lược xứ Thanh Hoa. Ông đóng ở Lôi Dương, bị phục binh của Ngọc Trục hầu là tướng của Đăng Doanh phá tan."

    Cũng sách trên trang 98 có ghi:

    "Mùa thu, tháng 9 năm ấy, trời đổ mưa nhiều, nước sông dâng tràn, họ Mạc dùng chiến thuyền tiến đánh, quan quân tán loạn, không thế cố thủ, Nguyễn Kim lại phải trở về Ai Lao, để dưỡng sức đợi thời, Đăng Doanh cũng không dám tiến sâu vào nữa."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chuyên gia kinh tế nhà mình phải nói rất chịu khó học sử đấy !

      Toàn bộ phần viết của Nỡm là hồi nhà Mạc ở Thăng Long. Lúc ấy chưa lên Cao Bằng. Nhà Mạc lấy năm 1592 làm mốc chia, từ 1527 đến 1592 là thời kì Thăng Long, từ 1592-1683 là thời kì Cao Bằng.

      Vấn đề mình đặt ra là ở thời kì Cao Bằng. Tư liệu liên quan đến thuật sử dụng voi của nhà Mạc ở Cao Bằng là hoàn toàn mới, chưa từng được biết đến, mãi gần đây mới được khai lộ. Tất nhiên, hiện nay, mình bận, nên tạm gác lại, ghi một chút ở đây để khỏi quên.

      Khi phát hiện ra mớ tư liệu về voi ở Cao Bằng, là một sự ngạc nhiên. Là tại sao ở Cao Bằng có voi ? Cũng đang bí ở chỗ này đó Nỡm à.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.