Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

21/10/2014

Bản Giốc chờ ngày cất cánh (bài nhóm Đỗ Hùng, 2011)

Tên bài báo đúng như vậy. Nhưng mở bài đã viết rối rồi, chỉ là tiếng Việt chứ chưa phải tiếng Tây tiếng Tàu. Bảo thác "nằm giữa hai tỉnh Cao Bằng của Việt Nam và Quảng Tây của Trung Quốc" là thế nào ? 

Và "Bản Giốc" cất cánh là thế nào ? Cái gì cất cánh ? Thác nước hay là bản làng ?

Dưới là chép nguyên xi về từ Thanh niên.

---
23/10/2011 0:09


Bản Giốc chờ ngày cất cánh



Nằm giữa hai tỉnh Cao Bằng của Việt Nam và Quảng Tây của Trung Quốc, Bản Giốc là một trong những thác nước nổi tiếng thế giới.


Du khách đi thăm thác Bản Giốc - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Chúng tôi trở lại thác Bản Giốc khi những thửa ruộng bên dòng sông Quây Sơn đang vào mùa lúa chín. Từ đỉnh dốc, gần trạm kiểm soát của đồn biên phòng Đàm Thủy nhìn xuống, những thảm lúa vàng óng nhấp nhô cùng dòng thác trắng xóa và những triền núi mờ xanh như một bức tranh tuyệt sắc. Đi theo con đường nhỏ lúc quanh co bên cánh đồng, khi cheo leo qua một dòng suối sâu, chúng tôi tới chân thác. Mùa này Bản Giốc không nhiều nước, nhưng vẫn đủ làm mê hoặc lòng người bởi một vẻ đẹp hùng vĩ. Từ dòng thác trắng, những đám bụi nước tung bay bắt ánh sáng mặt trời và tạo ra cầu vồng kỳ ảo.
Chúng tôi xuống một chiếc bè tre để đi vào chân thác và lập tức choáng ngợp bởi tiếng nước đổ ầm ầm cùng hơi nước mát lạnh phả vào mặt. Từ mặt nước nhìn lên, chỉ thấy một bức tường nước khổng lồ xây bên vách núi dựng đứng. Bản Giốc chính là dòng thác đẹp nhất Việt Nam, hơn cả những thác Prenn ở Lâm Đồng hay thác Đray Sáp ở Đắk Lắk.
Chiếc bè tre chúng tôi đi do những người dân tộc Tày ở xã Đàm Thủy làm chủ. Bên kia sông cũng có những chiếc bè của Trung Quốc đưa khách đi tham quan. Bè chở khách du lịch hai nước được thoải mái đi trên sông nhưng người trên bè không được lên đất của nhau. Bè Trung Quốc có vẻ chắc chắn hơn nhưng cũng chở lắm người hơn khiến nước luôn mấp mé. Điều này cũng phản ánh thực trạng du lịch hai nước tại khu vực này.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cao Bằng, mỗi năm có khoảng 30.000 người đến thăm Bản Giốc, phía bên kia đón gần 1 triệu lượt người. Từ Việt Nam nhìn sang, dễ dàng nhìn thấy những khu nhà nghỉ, khách sạn khá tốt của tỉnh Quảng Tây trên sườn núi. Được biết, từ năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã có Quy hoạch tổng thể Khu du lịch thác Bản Giốc tại Quyết định 134/2007QĐ-TTg. Quy hoạch này chỉ rõ: từ 2008-2010 xây dựng hệ thống hạ tầng, trồng cây xanh, tôn tạo cảnh quan, xây dựng trung tâm du khách… với kinh phí 500 tỉ đồng. Giai đoạn 2011-2015 với 1.000 tỉ đồng sẽ tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, xây khu dân cư, công viên đá, khu vui chơi thể thao. Từ năm 2016-2020 sẽ hoàn thiện các công trình với số tiền 900 tỉ đồng. Cụ thể hơn, quy hoạch này chỉ rõ nhu cầu về số phòng khách sạn các năm 2010, 2015 và 2020 lần lượt là 50 - 260 - 1.400, để đón số khách tương ứng 90.000 - 350.000 và 1 triệu lượt.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, bà Nhan Thị Minh Thi - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cao Bằng, cho biết đến hiện tại, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ở Bản Giốc hầu như chưa có gì. Ngoài việc thu vé thắng cảnh 10.000 đồng/du khách được giao cho một công ty du lịch thực hiện, hầu như chưa có nguồn thu đáng kể nào khác từ Bản Giốc.
Theo bà Thi, địa phương đang mong muốn được đầu tư trước tiên vào hạ tầng giao thông, hiện một nửa tỉnh lộ 206 dài 90 km từ Cao Bằng đi Bản Giốc vẫn chưa được nâng cấp và cản trở du khách. Khó khăn này được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Hoàng Anh, xác nhận và cho biết thêm không chỉ từ Cao Bằng tới Bản Giốc, đường đi chưa tốt từ Hà Nội và Lạng Sơn về Cao Bằng còn làm cản trở hai mũi nhọn khác của tỉnh là kinh tế cửa khẩu và khai khoáng.
Được biết, tỉnh Cao Bằng đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện chương trình hợp tác mở một khu du lịch liên hợp ở Bản Giốc. Tại đây, du khách hai nước và nước thứ ba sẽ được đi lại tự do. “Nếu dự án này trở thành hiện thực, đồng thời được Chính phủ đầu tư, các bạn sẽ thấy Bản Giốc sẽ khởi sắc và cất cánh, chứ không khiêm tốn, yên ắng như bây giờ”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói. 
Phương hại tới chủ quyền VN
Sau khi phân giới cắm mốc theo Hiệp ước 1999, một phần thác Bản Giốc nằm trên đất Việt Nam, một phần nằm ở Trung Quốc. Trả lời báo chí vào đầu năm 2009, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng cho biết: “Tại thác Bản Giốc, hai bên đã thống nhất đường biên giới đi từ mốc 53 cũ (do Pháp - Thanh xây dựng). Thác Bản Giốc có hai phần, phần hoàn toàn về phía Việt Nam gọi là thác cao. Thác cao nhưng lại là thác phụ vì lượng nước không lớn. Thác thấp là thác chính sẽ chia đôi, mỗi bên được một nửa”. Bên phía Trung Quốc, người ta gọi ngọn thác này là Đức Thiên (phiên âm Latin là Detian).
 
Ghi chú sai trái về thác Bản Giốc trên trang News.com.au và Tạp chí Life - Ảnh chụp lại từ News.com.au và Life
Điều rất nguy hiểm đối với chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam là một số hãng truyền thông quốc tế khi đề cập tới thác Bản Giốc lại ghi chú là “Detian Falls, China” (Thác Đức Thiên, Trung Quốc), khiến những độc giả không rành về địa lý khu vực ngộ nhận rằng dòng thác này hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.
Trong loạt ảnh Những thác nước kỳ vĩ nhất thế giới (World's most incredible waterfalls) được đăng tải mới đây trên website News.com.au (kênh tin tức nổi tiếng thuộc tập đoàn News Corp. của trùm truyền thông người Úc Rupert Murdoch), thác Bản Giốc được chú thích là “Detian Falls, China”. Cách ghi này rất vô lý, xâm hại nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam bởi những lý lẽ sau đây: Thứ nhất, theo Hiệp ước 1999 như đã nói ở trên, ngọn thác này đã được chia làm hai phần (với tỷ lệ khác nhau), một phần thuộc Trung Quốc, một phần thuộc Việt Nam. Trong hình chụp được đăng trên trang News.com.au, có cả phần Việt Nam lẫn phần Trung Quốc, nhưng trang tin này chỉ ghi chú "Detian Falls, China" làm người đọc hiểu nhầm ngọn thác này hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Thứ hai, bản trên News.com.au ghi nguồn là Wikipedia, nhưng trong trang Wikipedia, người ta ghi một tổ hợp tên Trung - Việt "Detian - Ban Gioc Falls", chứ không phải là kiểu ghi gây hiểu nhầm như trên trang tin của Úc. Thứ ba, cùng trong loạt ảnh nói trên, các ngọn thác nằm trên đường biên giới hai nước đều được chú thích thuộc về hai nước rất rõ ràng, như Victoria (Zambia/Zimbabwe); Iguazu (Argentina/Brazil); Niagra (Mỹ/Canada), trong khi thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt - Trung lại chỉ ghi là "Detian Falls, China".
Chúng tôi đã thử sử dụng tổ hợp từ “Detian Falls, China” để tìm kiếm bằng công cụ Google và nhận thấy một số trang mạng khác cũng chú thích sai. Life, một tạp chí ảnh báo chí hàng đầu thế giới, trong loạt ảnh Những thác nước đẹp sửng sốt nhất thế giới cũng chú thích bên dưới hình thác Bản Giốc (đề ngày 15.9.2005) là “Detian Falls, China”. 

Cần đính chính ngay lập tức

Cách ghi chú sai về thác Bản Giốc là vô cùng tai hại đối với Việt Nam. Một hệ lụy dễ thấy nhất đó là sau khi đọc thông tin trên News.com.au và Life, người đọc ở bên ngoài Trung Quốc và Việt Nam muốn đi thăm ngọn thác này sẽ đăng ký qua ngả Trung Quốc, thay vì Việt Nam.

Là những kênh tin tức và tạp chí uy tín của thế giới, News.com.au và Life cần đính chính những thông tin sai trái trên, ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như phải chịu trách nhiệm trước những thiệt hại mà cách ghi này gây ra cho Việt Nam.
Đỗ Hùng - Lưu Quang Phổ
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.