Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

09/09/2014

Nhầm lẫn hữu ích của Trần Đĩnh trong Đèn Cù (1) : Cải cách ruộng đất đối với gia đình nhà cách mạng Phan Đăng Lưu


Mong là qua không gian mạng, có thể đến được với bác Trần Đĩnh. 

Ở trong Đèn cù (bản in năm 2014), có nhiều chi tiết bị nhầm lẫn, có thể do trí nhớ mà cũng có thể chỉ do sơ suất trong chế bản. Tôi gọi đó là "nhẫm lẫn hữu ích". Tức là, dù có nhầm chút xíu, nhưng trên thực tế, quả là có những sự kiện/hành động/màn diễn như vậy. Chỉ cần chỉnh lại, cũng chỉ chút xíu, là có thể hoàn thiện hơn.

Hi vọng là tác giả Trần Đĩnh có thể tự chỉnh lí với những "nhầm lẫn hữu ích" như vậy. 

Ở đây, xin dẫn những chỗ ông đề cập đến Phan Đăng Lưu, quả là "nhầm lẫn hữu ích". Đầu tiên là về cuộc cải cách ruộng đất ở xứ Nghệ, trên chính quê hương của nhà cách mạng họ Phan.


1. Trần Đĩnh đã nhớ và viết rằng (thật ra là nghe lại từ Kỳ Vân):



2. Nhưng thật ra, không đúng ở chi tiết sau: "bố đẻ của Phan Đăng Lưu là Phan Đăng Tài".

Cụ Phan Đăng Tài mãi sau này, những năm 1980, vẫn còn biên soạn sách. Trong đó, có thể kể đến những bộ về ca dao tục ngữ. Cụ còn kì công ngồi nghĩ ra tên có ý nghĩa để đặt cho các cháu. Nhiều cháu trong họ bây giờ là mang tên do cụ đặt cho (năm nay trên 20 tuổi).

Vì vậy, đây là nhầm lẫn.

Cụ Phan Đăng Tài là cha ruột của nhạc sĩ Hồng Đăng. Và đồng thời, cũng là cha ruột của một phóng viên ở báo Nhân Dân (cơ quan cũ của hai vị Trần Đĩnh và Bùi Tín), cũng là dân tiếng Trung, bây giờ cũng đã hưu trí.

Cụ Phan Đăng Tài chỉ là ngang hàng với cụ Phan Đăng Lưu. Là anh em. Mà không phải cha/chú/bác của Phan Đăng Lưu.


3. Câu nói rất được "ghi nhớ" bởi gia đình và những người có liên quan, đại khái: thằng Lưu ơi, mày đi làm cách mạng làm gì, hả mày, để bây giờ cách mạng xử bố mày thế này đây.

Phan Đăng Lưu đã hi sinh năm 1941. 

4. Tôi nghĩ là bác Trần Đĩnh có thể bỏ luôn tên người cha của Phan Đăng Lưu. Hoặc nếu không, có thể ghi là "Phan Đăng D.". Thế là đủ, không phạm húy đến tiền nhân đã khuất núi.

12 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. "Bi thương" gì đâu? Triển lãm toàn trưng bày thành tựu của CCRĐ mà. Có chút sai lầm, nhưng Đảng đã dũng cảm nhận sai và sửa sai rồi còn gì.

      Xóa
  2. Có ai đó cũng lên tiếng về sự nhầm lẫn ở đây: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=702878903139216

    Chi tiết nhầm lẫn trong Đèn Cù về bố cụ Phan Đăng Lưu

    Hôm qua, mình có gửi nội dung trang 109, kể về chuyện bố của cụ Phan Đăng Lưu bị đấu tố, cho một người bạn (con cụ Phan Thị Đương) là người trong gia đình của cụ Phan Đăng Lưu. Người này cho biết như sau:

    "Anh vừa gọi điện hỏi mẹ mình, ông Chu Văn Biên ở xóm bên cạnh. Có một sự nhầm lẫn của tác giả: bố cụ Phan Đăng Lưu tên là Phan Đăng Dư, còn ông Phan Đăng Tài là em ruột cụ Phan Đăng Lưu.

    Cụ Phan Đăng Dư bị bắt giam, cụ bà cả ngày đi vô đi ra, ngơ ngẫn như người mất trí, suốt ngày hát mấy câu, gần 60 năm sau mẹ anh vẫn nhớ như in:

    Chồng hỡi chồng! Con hỡi con!
    Cùng nhau chia cách mấy năm tròn.
    Ven trời góc bể buồn chim cá,
    Dạn gió dày sương tủi nước non...

    Cụ Dư bị chết trên trại tù. Vài năm sau người nhà lên bốc mộ. Mẹ anh (lúc đó khỏang 16-17 tuổi) đi theo. Mẹ nói: bác Dư không còn răng, người được bốc lên lại có răng. Vậy là bốc nhầm, thật đau xót!"

    Chi tiết nhầm lẫn trên không ảnh hưởng tới nội dung câu chuyện mà cụ Trần Đĩnh kể, nhưng cũng nhờ bà con chuyển thông tin này cho tác giả, để ông sửa lại cho lần tái bản kỳ tới hoàn chỉnh hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuy nhiên, những nhầm lần hữu ích liên quan đến Phan Đăng Lưu, chỗ giá trị nhất, tôi sẽ chỉ dần dần sau.

      Xóa
    2. Phan Đăng Lưu was born on May 5, 1902, in the Tràng Thành commune (now Hoa Thành commune), Yên Thành district, Nghệ An province, Vietnam. His father Phan Đăng Dư (1874–1955) and his mother Trần Thị Liễu had four sons. Three of them, Phan Đăng Lưu (Phán Tằm), Phan Đăng Triều (Phán Triều), Phan Đăng Tài (Phán Tài) would later join the revolutionary struggle against the French colonial occupation.

      Xóa
    3. Chuyện trong nhà mà Khoằm.

      Xóa
  3. Bổ sung thêm một bài từ Văn hóa Nghệ An
    CỤ PHAN ĐĂNG DƯ VÀ BÀI PHÚ TỰ TRÀO
    NGÔ ĐỨC TIẾN
    Thứ năm, 24 Tháng 5 2012 05:47

    http://vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/cu-phan-dang-du-va-bai-phu-tu-trao

    Cụ Phan Đăng Dư (1874 - 1955), còn có tên là Phan Đăng Kính, lúc sinh thời bà con Tràng Thành (Hoa Thành) thường gọi là Cụ Phán, bởi cụ có 4 người con trai, trong đó có ba người con là trí thức yêu nước, làm Thông phán nhưng đều hoạt động cách mạng: Phan Đăng Lưu (Phán Tằm), Phan Đăng Triều (Phán Triều), Phan Đăng Tài (Phán Tài).
    Sinh ra vào năm 1874, trong một dòng họ có truyền thống yêu nước, khoa bảng và nhân văn, ở vào thời gian mà nhân dân làng Tràng Thành quê ông đang đứng lên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Nguyễn Xuân Ôn và Lê Doãn Nhã, Phan Đăng Dư đã sớm bộc lộ tư chất của mình: ham học, khí khái, ghét áp bức cường quyền, ghét bọn xâm lược… Lúc nhỏ, cụ được cha mẹ cho đi học chữ Hán, cụ có dự thi hương Trường Nghệ nhưng không đỗ đạt, về nhà làm nghề bốc thuốc nam, làm thầy địa lý để giúp đỡ dân làng và giao du với bạn bè. Năm 1908, Cụ cử nhân Chu Trạc tập hợp những người nghĩa khí vào “nghĩa đảng” để mưu đồ sự nghiệp chống Pháp, cụ đã cùng một số bà con trong họ tham gia nghĩa quân, đồng thời vận động những nhà phú hữu góp tiền cho nghĩa quân mua võ khí. Với ít nhiều chữ nghĩa và năng khiếu làm thơ phú, câu đối, Phan Đăng Dư đã giúp Chu Trạc cùng Chu Trạc và những cộng sự thân tín soạn bài hịch cứu nước, những bản cáo thị sục sôi tinh thần yêu nước, chống Pháp có tác dụng thức tỉnh tinh thần nhân dân, mà đến nay ta được đọc đôi dòng trích trong các sách lịch sử:
    “Ai là khách anh hùng xin hãy chung lưng đấu cật
    Nước mất còn chỉ ở lúc ni”.
    Tây và Nam triều tìm cách bắt bớ, tra tấn nghĩa quân, cụ Dư cũng bị bắt và bị đánh hỏng bàn tay cầm bút. Vì vậy khi đi thi, chữ cụ quá xấu nên bị đánh hỏng.
    Khi người con trai cả Phan Đăng Lưu bỏ việc để đi vào con đường hoạt động cách mạng, cụ và cụ bà Trần Thị Liễu đã khuyến khích, tạo điều kiện để các con mở xưởng dệt vải khổ rộng tại làng để làm cơ sở hoạt động của Đại tổ Tân Việt Tràng Thành năm 1927-1928.
    Từ cuối năm 1929 đến năm 1936, khi đồng chí Phan Đăng Lưu bị địch bắt đày vào nhà lao Ban Mê Thuột, hai vợ chồng cụ vừa phải tìm mọi cách để tránh sự theo dõi, khống chế của bọn mật thám và binh lính vừa giúp đỡ vợ con Phan Đăng Lưu vượt qua những năm tháng gian khó. Biết con trai đang ở tù nhưng cụ vẫn tin tưởng vào con đường các con đã đi “gửi chí lớn vào đàn con trẻ”.
    Năm 1936, đồng chí Phan Đăng Lưu ra tù, tiếp tục hoạt động cách mạng và tiếp đó bị địch bắt và xử bắn vào ngày 25-5-1941. Đứng trước sự mất mát quá to lớn, cụ đã nén đau thương, động viên vợ con chịu đựng đau thương.
    Trong những năm hoạt động cách mạng ở Huế, để che mắt địch, theo yêu cầu của công tác, đồng chí Phan Đăng Lưu đã kết hôn với bà Nhồng, giao thông viên của Xứ ủy và đã có một người con trai. Sau ngày đồng chí Phan Đăng Lưu hy sinh, bà Nhồng cùng con trai về quê Tràng Thành ở với ông bà. Thương hai người con dâu góa bụa và để tránh va chạm thường tình, cụ đã khuyên bà Nhồng: “Con còn trẻ quá, có ai thương thì chắp nối, ông bà nuôi cháu cho con". Ở với hai cụ một thời gian, bà Nhồng trao người con lại cho hai cụ và tái giá với ông Bính, một cựu tù chính trị quê ở huyện Nghi Lộc. Người cháu trai ấy là Phan Đăng Luyến được ông bà nuôi dưỡng, sau này là Vụ phó của Ban Tổ chức Chính phủ (Bộ Nội vụ). Bà Nguyễn Thị Danh, vợ trước của đồng chí Phan Đăng Lưu ở quê với ông bà, tiếp tục tham gia Hội phụ nữ cứu quốc và trở thành Ủy viên chấp Ủy Việt Minh làng Tràng Thành từ tháng 12-1945, sau đó tiếp tục là Hội trưởng phụ nữ Tràng Thành nhiều năm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. (tiếp)

      Trong kháng chiến chống Pháp, các con cháu của cụ hầu hết đều thoát ly, tham gia kháng chiến. Ông Phan Đăng Tài, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Tĩnh, là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Hà Tĩnh, sau ra công tác ở Liên khu Bốn, rồi ra Việt Bắc.
      Đầu năm 1955, trong cải cách ruộng đất, gia đình cụ Phan Đăng Dư bị quy địa chủ, tất cả nhà cửa, tài sản bị tịch thu. Cụ bị kết án 20 năm tù và bị giải đi nhà lao Bến Hới (Tân Kỳ). Trên đường từ trại Mụ Vạc (Đồng Thành-Yên Thành) lên Tân Kỳ, vì tuổi cao, sức yếu, bấy giờ cụ đã 80 tuổi, cụ không đi nổi, phải ngồi lên gióng cho các bạn tù thay nhau gánh đi, đường xa phải đi 2 ngày, vì đói, có lúc phải kéo trệt giữa đường. Lên đến Bến Hới, cụ đã yếu lắm rồi, hai ngày sau thì cụ qua đời. Có hai người tù cùng quê, một người là thông gia, một người là bà con… đã cùng các bạn tù chôn cất cụ. Sau mấy năm, một người anh em trong thân tộc đã lên Bến Hới bốc hài cốt cụ về an táng tại Bờ Già, gần làng Đông (tức là chòm Phan Đăng Lưu) quê cụ. Trong phong trào cất bốc mồ mả, cải tạo đồng ruộng những năm 1968 - 1972, những người trực tiếp cải táng cụ ở Bờ Già không còn nữa nên tổ bốc mộ đã bốc nhầm hài cốt của một người khác. Gần đây, con cháu đã tìm lại được phần mộ của cụ ở gần khu lăng mộ tộc họ ở Cồn Sùng Hoa Thành.
      Rất đáng tiếc, người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu lại bị những oan trái trước những va đập của lịch sử. Đảng ta đã nghiêm túc kiểm điểm và nhận sai lầm của cải cách ruộng đất. Trong đợt sửa sai ở Tràng Thành năm 1956, ông Trần Hữu Dực, ông Chu Văn Biên thay mặt tổ chức gặp ông Phan Đăng Tài (con trai cụ Dư) hỏi ý kiến về việc sẽ trả lại nhà cửa cho gia đình con cháu cụ Dư, nhưng ông Phan Đăng Tài nói: “Sai thì đã sai rồi, nhà thì bà con đã được chia nhau ở, mà cũng phần lớn là người trong xóm, trong họ, đều nghèo cả, gia đình không nhận và xin cứ giữ nguyên như thế cho bà con yên”.

      Xóa
    2. (tiếp theo và hết)
      Về thơ phú, cụ Phan Đăng Dư để lại một số câu đối, trướng… còn lại trong trí nhớ các bậc cao niên, trong thư viện gia đình, trong đó nổi bật nhất là bài phú Tự trào, phần nào nói lên cuộc đời, khí tiết và nỗi niềm của cụ. Bài phú Tự trào do ông Phan Đăng Tài chép lại cho tác giả.(Cụ Phan Đăng Dư viết bài phú tự trào trong thời gian người con trai cả của cụ là Phan Đăng Lưu đang ở trong nhà tù Ban Mê Thuật (1929-1936)
      Tự trào
      Xưa có một thầy:
      Vốn dòng hào kiệt
      Gặp bước long đong...
      Trót sinh ra giữa buổi nhiễu nhương, cũng quyết theo đòi nghiên bút;
      Từng nghĩ lắm lời khắc khoải, thầm mong rửa nhục cha ông.
      Chí những toan cứu vãn sơn hà, giận nỗi không tài Gia Cát (1)
      Lòng vốn ước khuông phò xã tắc, buồn thay thiếu trí Khương Công (2)
      Thôi đành nương náu cho qua ngày tháng, duy gắng giữ gìn cho trọn thủy chung.
      Vậy cho nên:
      Khi bàn cờ, khi chén rượu, khi vọng nguyệt, khi thưởng hoa, ngất ngưởng tao nhân mặc khách.
      Lúc ngọn suối, lúc hòn non, lúc trông mây, lúc hướng gió, ung dung dạo gót tiên bồng.
      Đòi phen tay xách chiếc la bàn, tấp tểnh đóng vai Tả Ao(3), Hòa Chính(4).
      Mấy buổi đầu kê pho Nam dược, lân la nối gót Tuệ Tĩnh(5), Lãn Ông(6).
      Xót xóm làng trong cơn hoạn nạn, chẳng quản nửa đêm gà gáy, bắt mạch, bốc thuốc thang, cân nhắc bên hàn, bên nhiệt. Giúp đồng bào gặp bước khó khăn, không nề nắng dãi mưa dầu, xoay dương cơ, đặt mồ mả, nhắn nhe tay hổ, tay long.
      Lúc trong làng ngoài xã có kẻ cười người khóc, lập tức vì bà con vui mướn thương vay, chắp nhặt phú, thơ, trướng, đối.
      Khi ông đĩ(7), bà cu(8) lâm vận túng, cơn đen, sẵn sàng vì sự chủ mà cầu Tiên, vái Phật, đoán mò họa, phúc, cát, hung.
      May mắn ra phúc chủ lộc thầy, thủ lợn, xôi gà có đủ.
      Khó khăn lắm cây nhà lá vườn, cơi trầu hươu rượu cũng xong.
      Như thế là:
      Cuộc đời lặng lẽ
      Ngày tháng thong dong…
      Thời Kiệt Trụ mà mơ màng Nghiêu Thuấn
      Cuộc Á Âu thêm thương nhớ Lạc Hồng.
      Thấp thoáng bóng câu, chỉ mấy chốc mắt lòa chân chậm
      Lơ thơ tin nhạn, kịp đòi khi đầu bạc răng long.
      Rồi trí cũng kiệt, thân cũng mòn, gửi chí lớn vào đàn con cháu.
      Nghĩ công không thành, danh không toại, ôm hận trường về với tổ tông.
      -------------------
      (1), (2): Gia Cát Lượng, Khương Tử Nha, các vị danh tướng của Trung Quốc; (3), (4): Tả Ao, Hòa Chính: Những nhà phong thủy nổi tiếng của nước ta; (5), (6): Tuệ Tĩnh, Lãn Ông: các danh y của nước ta.
      (7), (8): Tiếng địa phương Nghệ Tĩnh chỉ người sinh con gái, con trai đầu lòng.

      Xóa
  4. Cảm ơn Giao, những tư liệu đối chứng rất bổ ích.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các cụ tha thiết viết, tha thiết tỏ bày, với kiểu loại là "truyện tôi", "tôi kể cho tôi nghe lại trước, và bạn nghe ké nhé". Với lại, thường dựa vào trí nhớ, lâu ngày bị lẫn lộn, mình đọc thì tự phải tìm hiểu bác Tuấn Công ạ.

      Xóa
  5. Giao blog: có câu "sai một ly đi một dặm" thì nhầm lẫn của Trần Đĩnh không phải hữu ích mà là "xin lỗi tôi cố tình".

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.