Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách
▼
10/08/2014
Trống đồng Cao Bằng, của người Lô Lô
Các trống này hiện lưu giữ trong làng bản người Lô Lô và Bảo tàng tỉnh Cao Bằng. Lại có một chút trùng hợp, hoàn toàn ngẫu nhiên, là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng tên là Phùng Chí Kiên.
Trống sưu tầm về Bảo tàng tỉnh chủ yếu là do công an tỉnh bắt được, hoàn toàn ngẫu nhiên, của con buôn đồ cổ. Chưa có cái nào đào được ở dưới địa tầng.
Người Lô Lô mà tôi đã thấy trước năm 2000, thì hay cất trống đồng trong cót thóc. Họ cho vào trong cót và đổ tràn thóc.
Hai tuần sinh sống cùng người Lô Lô
đen ở Cao Bằng Việt Nam của ngôi sao bóng bầu dục người Pháp Frederic
Michalak đã được ghi lại bằng một bộ phim sống động. Bộ phim thực chất
là một phần của show truyền hình thực tế về du lịch nổi tiếng trên kênh
France 2 của Pháp mang tên Hẹn nhau nơi đất lạ (Rendez-vous en terre
inconnue).
Mỗi tập của chương trình là một cuộc phiêu lưu khám
phá của một ngôi sao nổi tiếng đến miền đất mà ít người biết tới. Và tập
phát sóng đêm 1/11/2011 của Hẹn nhau nơi đất lạ là ngôi sao Michalak và
bản người Lô Lô đen thuộc tỉnh Cao Bằng, Việt Nam.
Phim mở đầu
bằng hình ảnh Frederic Michalak đồng ý bị bịt mắt, lên máy bay đến một
vùng đất lạ. Trong chuyến bay, Frédéric Lopez -- biên kịch của chương
trình - thông báo đích đến cuối cùng là vùng biên giới Đông bắc Việt
Nam. Frédéric Michalak sẽ gặp gỡ một trong những dân tộc thiểu số của
Việt Nam là dân tộc Lô Lô đen.
Sau 3 ngày xuất phát, cuối cùng
anh đến khu vực miền núi Cao Bằng, cách biên giới Trung Quốc khoảng ba
mươi cây số. Đó là nơi mà người Lô Lô đen sinh sống. Dân số ở đây dưới
2000 người.
Sau hai tuần gắn bó với người Lô Lô đen, Michalak trở
lại Pháp và tham gia vào phần 2 của chương trình tại trường quay mang
tên Trở về đất lạ. Michalak đã khóc tại trường quay khi xem lại chính
những kỷ niệm của mình.
Suốt 1 giờ 40 phút khán giả liên tục phải
ngẩn ngơ trước thiên nhiên khoáng đạt và những mô ruộng bậc thang chạm
khắc kỳ công của con người, liên tục phải đong đưa giữa cười vui - rơm
rớm.
Cười Michalak ngô nghê cấy lúa, cuốc đất, bắt heo, cày ruộng bị trâu kéo băng băng...
Rơm rớm thấy Michalak xúc động nghe cụ bà vuốt ve, nói tao thương mày giống như con.
Rơm rớm thấy Michalak tặng cho làng quả bóng kỷ niệm...
Nửa cười nửa rơm rớm khi đêm liên hoan tiễn đưa, một cô gái xin cưới Michalak, và rưng rưng khi Michalak nói tôi có vợ rồi...
Dưới là lưu bài của Báo Cao Bằng và bổ sung từ một vài nơi khác.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, trưng bày bộ sưu tập trống
đồng khá phong phú, gồm 16 chiếc trống và 1 mặt trống có giá trị cao về
lịch sử. Tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm còn nhiều trống đang được cất
giữ trong các gia đình người dân tộc Lô Lô.
Trống Nam Quang 1(BTCCB 5707/KL432 sản phẩm của văn hoá Đông Sơn.
Bộ sưu tập trống đồng phong phú
Do phần lớn các trống lưu giữ ở
Bảo tàng tỉnh phát hiện trong tình trạng ngẫu nhiên, không có địa tầng
văn hóa, không có di vật khác đi kèm theo, do vậy việc xác định niên đại
của trống gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu, các
nhà nghiên cứu cũng chưa có sự thống nhất trong cách gọi tên trống. Dựa
vào tiêu chí phân loại của ông F. Heger và cách phân loại trống đồng
của các nhà khảo cổ học Việt Nam, các trống ở Bảo tàng tỉnh có thể được
chia làm 4 nhóm: 7 trống thuộc loại Heger I; 4 trống thuộc loại Heger I-
IV; 3 trống thuộc Heger IV; 2 trống thuộc Heger II. Các trống đồng cổ
này được tìm thấy ở 4 huyện: Trùng Khánh, Hòa An, Bảo Lâm, Bảo Lạc, tập
trung nhiều nhất tại huyện Bảo Lạc.
Theo nghiên cứu của tác giả
Trình Năng Chung, nhóm trống Heger I là nhóm trống có niên đại sớm nhất ở
Cao Bằng, nhưng giữa các trống thuộc nhóm Heger I cũng có niên đại sớm
muộn khác nhau. Tiêu biểu là trống Nam Quang 1 (số phân loại tại Bảo
tàng tỉnh BTCB 5707/KL: 432). Trống được phát hiện vào năm 2004 do Công
an Hà Nội chuyển giao từ vụ buôn đồ cổ, có nguồn gốc tại xã Nam Quang
(Bảo Lâm). Trống có nhiều đặc điểm hình dáng và hoa văn tương đồng với
trống Vĩnh Ninh ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa (là trống Đông Sơn nhóm B,
thuộc văn hóa Đông Sơn). Từ so sánh trên cho thấy, trống Nam Quang 1 là
sản phẩm của văn hóa Đông Sơn, có niên đại khoảng trước Công nguyên vài
thế kỷ.
Mặc dù trống đồng Cao Bằng
thuộc những loại khác nhau, nhưng cũng có những đặc điểm chung: Nhiều
trống có cùng một kiểu ngôi sao có tâm là khối tròn nổi, nhiều trống có
những lỗ khoan chỉnh âm, nhiều trống có màu gỉ đen xanh. Trống Heger IV ở
Cao Bằng là một loại hình mới, có thể xem là loại hình miền núi của
trống Đông Sơn muộn, là sự bảo lưu, nối tiếp truyền thống Đông Sơn. Qua
số lượng các trống đồng tìm được ở Cao Bằng hiện có ở Bảo tàng tỉnh và
còn lưu giữ trong nhân dân, có thể thấy cộng đồng cư dân cổ Cao Bằng
dùng trống Heger IV và I-IV khá nhiều, chủ yếu gặp trong vùng đồng bào
dân tộc Lô Lô tại xã Hồng Trị (Bảo Lạc).
Báu vật linh thiêng của người dân tộc Lô Lô
Hiện tượng trống các loại hầu
như cùng tồn tại trong một địa bàn, thậm chí là trong một xã là hiếm gặp
ở nước ta, cho thấy nền văn hoá trống đồng đã tồn tại lâu dài trong
lịch sử cộng đồng người Lô Lô. Ông Phùng Chí Kiên, Giám đốc Bảo tàng
tỉnh cho biết: Trong số trống đồng cất giữ tại kho của Bảo tàng Cao
Bằng, chủ yếu trống có nguồn gốc của người Lô Lô sinh sống tại huyện Bảo
Lâm và Bảo Lạc. Trống Cốc Pàng 5 (số phân loại BTCB 26/KL: 26) đang
được lưu giữ tại Bảo tàng được phát hiện năm 1993 thu lại từ các đối
tượng buôn đồ cổ. Trống Cốc Xả 1 (số phân loại BTCB 29/KL: 29) được lưu
giữ trong Bảo tàng cũng được sưu tầm ở làng Cốc Xả, xã Hồng Trị (Bảo
Lạc).
Người Lô Lô lưu giữ và sử dụng
trống đồng như những báu vật linh thiêng nhất của dân tộc mình được
truyền đời gìn giữ. Tài liệu dân tộc học cho thấy người Lô Lô đã biết
chế tác và sử dụng trống đồng cách nay gần 1800 năm. Đến nay, người Lô
Lô là tộc người duy nhất ở nước ta còn sử dụng trống đồng cổ trong sinh
hoạt tín ngưỡng và nghi lễ. Cùng với Hà Giang và Lào Cai, Cao Bằng có
nhiều người Lô Lô sinh sống.
Trống đồng của người Lô Lô là
nhạc cụ chỉ dùng trong nghi lễ chôn người đã khuất. Trống đồng là tài
sản của từng dòng họ. Khi có người trong dòng họ qua đời, người trong
dòng họ sẽ dùng 3 cặp trống, mỗi cặp có một trống đực và một trống cái
để thực hiện nghi lễ chôn cất. Vì tập quán kiêng kỵ dùng trong đám ma
nên trống đồng thường chỉ được để ở bên ngoài nhà, khi nào có người mất
thì mang ra dùng. Người Lô Lô quan niệm, nếu không có tiếng trống đồng
dẫn đường thì hương hồn của người quá cố không thể về với tổ tiên được.
Làm thế nào để bảo vệ cổ vật?
Trống đồng được sưu tầm tại
Bảo tàng tỉnh đã được bảo tồn, lưu giữ nhưng còn nhiều trống đang được
cất giữ trong các gia đình người Lô Lô chưa có giải pháp bảo vệ một cách
hợp lý. Nhiều năm trở lại đây, nhiều trống của người Lô Lô bị mất trộm
nên họ phải chuyển hình thức cất giữ sang chôn giấu xuống đất. Nhưng qua
nhiều đời việc tìm trống rất khó hoặc bị kẻ xấu biết nơi chôn giấu nên
đào trộm... Vì thế mà trống đồng của người Lô Lô đã mất mát nhiều. Trước
đây, mỗi dòng họ thường có đủ 3 cặp trống, nhưng nay họ ít khi còn đủ 3
cặp, thường chỉ còn 1 hoặc 2 cặp và phải mượn nhau khi cần sử dụng.
Hiện nay người Lô Lô cơ bản đã đem trống vào nhà cất giữ, chỉ khi nào có
người chết mới mang ra sử dụng.
Theo ông Phùng Chí Kiên, để
giúp người Lô Lô bảo vệ được cổ vật của mình, phải tuyên truyền để người
dân đăng ký cổ vật. Khi đó, cổ vật sẽ được bảo vệ bởi Luật Di sản văn
hóa, người dân có quyền giữ, trao đổi, chuyển nhượng trong khuôn khổ
pháp luật. Thế nhưng, việc tuyên truyền để người dân hiểu và đăng ký là
rất khó khăn, bởi trống nằm rải rác trong các nhà dân ở vùng sâu, vùng
xa và họ nghĩ đơn giản rằng, đã là của mình thì không cần phải đăng ký.
Mặt khác, việc thẩm định cổ vật cũng mất nhiều thời gian, kinh phí do
phải mời chuyên gia đến thẩm định, và theo quan niệm từ xưa, không có
đám ma chủ nhà không mang trống ra dùng. Do vậy, làm thế nào để không
làm “chảy máu” trống đồng, bảo vệ cổ vật quý giá của người Lô Lô vẫn là
điều trăn trở của các cấp, ngành.
Minh Đức
---
Bài trên Tin tức http://baotintuc.vn/dan-toc/trong-dong-co-vat-cua-nguoi-lo-lo-20120822201324964.htm
Trống đồng - cổ vật của người Lô Lô
Chủ Nhật, 26/08/2012 08:31
Cao
Bằng là một trong những địa phương tìm được khá nhiều trống đồng quý
hiếm, có giá trị cao về lịch sử. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng
đang lưu giữ, trưng bày bộ sưu tập trống đồng gồm 16 chiếc trống và 1
mặt trống. Tại các địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Lô Lô ở huyện
Bảo Lạc, Bảo Lâm vẫn còn nhiều trống đồng đang được cất giữ, sử dụng như
một vật của dòng họ.
Việc
tìm thấy nhiều loại trống trên một địa bàn (thậm chí một xã) là hiếm
gặp ở nước ta. Nó cho thấy nền văn hóa trống đồng đã tồn tại lâu dài
trong lịch sử cộng đồng người Lô Lô ở Cao Bằng. Ông Phùng Chí Kiên, Giám
đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng cho biết: Số trống đồng cất giữ tại Bảo tàng
Cao Bằng chủ yếu có nguồn gốc của người Lô Lô sinh sống tại huyện Bảo
Lâm và Bảo Lạc. Người Lô Lô lưu giữ và sử dụng trống đồng như một báu
vật linh thiêng nhất của dân tộc mình. Qua tài liệu dân tộc học cho thấy
người Lô Lô đã biết chế tác và sử dụng trống đồng cách nay gần 1.800
năm. Đến nay, người Lô Lô là tộc người duy nhất ở nước ta còn sử dụng
trống đồng cổ trong sinh hoạt tín ngưỡng và nghi lễ.
Trống Nam Quang 1 được tìm thấy tại xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm.
Trống
đồng của người Lô Lô là nhạc cụ chỉ dùng trong nghi lễ chôn người đã
khuất. Trống đồng là tài sản của từng dòng họ. Khi có người trong dòng
họ qua đời, người Lô Lô sẽ dùng 3 cặp trống, mỗi cặp có một trống đực và
một trống cái để thực hiện nghi lễ chôn cất. Vì tập quán kiêng kỵ dùng
trong đám ma nên trống đồng thường để ở bên ngoài nhà, khi nào có người
mất thì mang ra dùng. Trước đây, vì cuộc sống vất vả nên người Lô Lô
thường phải di cư liên tục, nhưng đi đâu họ cũng mang theo những chiếc
trống. Người Lô Lô quan niệm, nếu không có tiếng trống đồng dẫn đường
thì hương hồn của người quá cố không thể về với tổ tiên được.
Trống Đoóng Đèn được tìm thấy tại huyện Trùng Khánh.
Trống
đồng ở Bảo tàng Cao Bằng được chia làm 4 nhóm: 7 trống thuộc loại Heger
I; 4 trống thuộc loại Heger I - IV; 3 trống thuộc Heger IV; 2 trống
thuộc Heger II (Heger I, hoặc II, III, IV là cách phân loại niên đại của
trống). Trống Nam Quang 1 (số phân loại tại Bảo tàng tỉnh Cao Bằng)
được phát hiện vào năm 2004, do Công an Hà Nội chuyển giao từ vụ buôn đồ
cổ, có nguồn gốc tại xã Nam Quang (Bảo Lâm). Trống có nhiều đặc điểm
hình dáng và hoa văn tương đồng với trống Vĩnh Ninh ở huyện Vĩnh Lộc,
Thanh Hóa (là trống Đông Sơn nhóm B, thuộc Văn hóa Đông Sơn). Từ so sánh
trên cho thấy, trống Nam Quang 1 là sản phẩm của Văn hóa Đông Sơn, có
niên đại trước Công nguyên vài ba thế kỷ.
Trống Cốc Pàng 4 được tìm thấy năm 1993 tại xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc.
Trống
đồng Cao Bằng có những loại khác nhau, nhưng đều có những đặc điểm
chung: Nhiều trống có cùng một kiểu ngôi sao có tâm là khối tròn nổi,
nhiều trống có những lỗ khoan chỉnh âm, nhiều trống có màu gỉ đen xanh.
Trống Heger IV ở Cao Bằng là một loại hình mới, có thể xem là loại hình
miền núi của trống Đông Sơn muộn, là sự bảo lưu, nối tiếp truyền thống
Đông Sơn.
Qua
số lượng các trống đồng tìm được ở Cao Bằng hiện có ở Bảo tàng và còn
lưu giữ trong nhân dân, có thể thấy cộng đồng cư dân cổ ở Cao Bằng dùng
trống Heger IV và I-IV khá nhiều, chủ yếu gặp trong vùng đồng bào dân
tộc Lô Lô tại xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc.
Mặc
dù có giá trị khảo cổ, lịch sử rất lớn, nhưng hiện nay, trống đồng Lô
Lô ở Cao Bằng đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều trống đồng đang
được cất giữ trong các gia đình người Lô Lô chưa có giải pháp bảo vệ một
cách hợp lý.
Những
năm trở lại đây, nhiều trống của người Lô Lô đã bị mất trộm. Người Lô
Lô phải chuyển hình thức cất giữ sang chôn giấu xuống đất. Đời cha làm
lễ cho ông xong đem chôn trống xuống đất, đến khi cha qua đời, đã trải
qua một thời gian dài nên con tìm trống rất khó. Hoặc bị kẻ xấu biết nơi
chôn giấu đã đào trộm... Vì thế mà trống đồng của người Lô Lô đã mất
mát nhiều. Trước đây, mỗi dòng họ thường có đủ 3 cặp trống, nhưng nay
rất ít khi còn đủ 3 cặp, thường chỉ còn 1 hoặc 2 cặp và phải mượn nhau
khi cần sử dụng. Hiện nay người Lô Lô cơ bản đã đem trống vào nhà cất
giữ, khi có người chết mới mang ra sử dụng.
Theo
ông Phùng Chí Kiên, để giúp người Lô Lô bảo vệ được cổ vật của mình,
cần tuyên truyền để người dân đăng ký cổ vật. Khi đó, cổ vật sẽ được bảo
vệ bởi Luật Di sản văn hóa, người dân có quyền giữ, trao đổi, chuyển
nhượng trong khuôn khổ pháp luật.
Thế
nhưng, việc tuyên truyền để người dân hiểu và đăng ký là rất khó khăn,
bởi trống nằm rải rác trong nhà dân ở vùng sâu, vùng xa và họ nghĩ đơn
giản rằng đã là của mình thì không cần phải đăng ký. Mặt khác, việc thẩm
định cổ vật cũng mất nhiều thời gian, kinh phí do phải mời chuyên gia
đến thẩm định, và theo quan niệm từ xưa, không có đám ma chủ nhà không
mang trống ra dùng. Do đó, bảo vệ trống đồng vẫn đang lúng túng chưa tìm
được cách thức hữu hiệu.
(PL&XH) - Trống đồng là một
biểu tượng văn hóa của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Song mỗi dân tộc
đều có cách sử dụng trống đồng khác nhau theo truyền thống văn hóa riêng
của dân tộc mình.
Trống đồng của dân tộc Lô Lô ở
nước ta chỉ được sử dụng trong các đám tang. Họ thường sử dụng trống
đồng theo cặp trống đực - cái. Trống cái to hơn trống đực. Đây là một
trong những nghi lễ thiêng liêng và độc đáo của một trong những dân tộc
ít người nhất trong cả nước.
Theo chân ông Chi Viết Hải, một
người dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao
Bằng, xe chúng tôi chầm chậm bò dần lên dốc, với những khúc cua quanh
co, vòng vèo. Con đường lên xóm Khuổi Khon của ông Hải tuy không dài
nhưng rất khó đi, nhiều đất sỏi, chỉ vài cây số nhưng chúng tôi phải
mất hơn 30 phút mới lên đến nơi. Người Lô Lô thật hiếu khách, từ trẻ nhỏ
đến người lớn, chúng tôi đi trong sự chào đón hân hoan của mọi người
giữa núi rừng trùng điệp.
Vị
trí của bản cách xa với cuộc sống hiện đại dưới xã, những ngôi nhà sàn 2
tầng được làm bằng gỗ và lá, tầng 1 chủ yếu là nơi chăn nuôi và nấu
rượu của gia đình, tầng 2 là nơi sinh hoạt chung, trên tầng 2 có chia ra
vài "phòng riêng", vừa đủ chỗ cho một cặp vợ chồng, được ngăn bằng vách
gỗ. Ngồi cạnh bếp củi trên tầng, ông Hải cho biết, trống đồng đối với
người Lô Lô được coi là vật rất linh thiêng, mỗi dòng họ chỉ có 2 -3 cặp
trống, tính ra cả bản này cũng chỉ có hơn chục cặp trống. Trước đây,
người ta thường chôn trống đồng ở sân nhà người trưởng họ. Nhưng nhiều
năm gần đây, việc lấy trộm trống đồng xảy ra liên tiếp khiến cho người
dân không còn cất giữ theo tập tục xưa, họ phải cất và treo trống ở
trong nhà.
Người Lô Lô múa điệu múa dân gian trước các cặp trống đồng. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Sau
khi nghỉ ngơi, chúng tôi cùng ông Hải sang nhà cụ Chi Văn Rổng. Cụ Rổng
84 tuổi và mới qua đời được vài tháng nay. Gia đình và họ hàng cụ đang
chuẩn bị việc tổ chức lễ "ma khô" cho cụ vào ngày mai. Theo tục của
người Lô Lô thì khi gia đình có người chết, họ làm đám tang đơn giản,
rồi đem chôn trong vòng 24 giờ trở lại. Đây được gọi là lễ "ma sống".
Sau đó, người Lô lô mới tổ chức lễ "ma khô", thời gian tổ chức tùy theo
thời tiết và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Lễ "ma khô" được tổ
chức linh đình, kéo dài từ 2 -3 ngày.
Một điều đặc biệt nữa là,
trong suốt thời gian từ lễ "ma sống" đến lễ "ma khô" thì người thân gia
đình vẫn phải nấu cơm và mang cơm đến cúng cho người đã mất. Người Lô Lô
quan niệm rằng, lễ "ma sống" mới chỉ là tiễn đưa phần thể xác của người
đã mất, còn linh hồn họ vẫn còn ở lại với gia đình cho đến khi làm xong
lễ "ma khô".
Buổi tối trước hôm làm lễ, gia đình và anh em hàng
xóm quây quần tại nhà người đã mất để bàn bạc cho việc chuẩn bị nghi lễ
ngày mai, các thầy mo ngồi cúng tế. Xung quanh nơi đã từng để quan tài,
người Lô Lô che lại và để các bộ quần áo mới treo xung quanh. Theo phong
tục, mỗi người tham gia lễ tang phải mặc 1 bộ quần áo mới, đối với phụ
nữ thì còn phải đội trên đầu một bộ quần áo.
Cặp trống đồng đực - cái được treo lên và được gõ từng nhịp để tiễn đưa người đã mất.
Sáng
hôm sau, người dân bản tập trung xung quanh nhà người đã mất để làm lễ.
Các thầy mo cùng dân bản trong các trang phục sặc sỡ vừa đi vừa hát
quanh nhà người mất, như lời từ biệt với người hàng xóm thân yêu. Sau
đó, họ tập trung tại sân chính của bản (nơi được dùng tổ chức các việc
quan trọng trong bản), họ xếp thành một vòng tròn lớn. Đi đầu và trang
phục lạ mắt nhất là người cháu trưởng (với người Kinh là cháu đích tôn),
sau đó mới đến những người khác.
Họ cùng hát và múa điệu múa
của dân tộc, rồi xếp vòng tròn. Ba cặp trống đồng được treo trên giá
thành cặp đực - cái, mặt trống quay vào nhau (treo càng nhiều cặp trống
đồng thì lễ "ma khô" càng to). Các thầy mo ngồi làm lễ cho người đã mất
trước ba cặp trống đồng đó. Tiếng trống đồng được đánh vang lên, là nhạc
khí, giữ nhịp cho các điệu múa dân gian của người Lô Lô. Cứ như vậy,
các động tác đưa tay, đưa chân đều theo nhịp trống đồng. Người thân của
người đã mất đứng rót rượu mời những người đang múa để thay cho lời cảm
ơn. Điệu múa cứ du dương cùng với men rượu làm say đắm lòng người. Trong
suốt buổi lễ, hầu như không có tiếng khóc.
Tiếp đến là lễ hiến
tế, một nghi lễ không thể thiếu cho người đã mất của dân tộc Lô Lô.
Những con vật hiến tế được người Lô Lô dùng là bò và lợn. Trong lễ hiến
tế này, gia đình cụ Rổng đã sử dụng 2 con bò và 20 con lợn con. Nhưng có
lẽ điểm đặc biệt ở đây là các con lợn con đều do họ hàng và hàng xóm
mang đến. Khi hiến tế, mỗi con vật đều được người thân hoặc hàng xóm
chịu trách nhiệm đọc bài cúng. Sau đó, những người phụ nữ treo các bộ
quần áo đội trên đầu lên dàn giáo, cạnh các cặp trống đồng.
Kết
thúc buổi lễ, những người hàng xóm ra về với một phần lộc bao gồm: Thịt,
rượu, cơm. Còn họ hàng thì ở lại để cùng ăn với gia đình. Các thầy mo
thường ra về với những chiếc thủ lợn, tỏ rõ sự kính trọng của gia chủ.
Tạm
biệt gia đình cụ Rổng, chúng tôi ra về mà lòng lâng lâng với những điệu
múa cùng tiếng trống đồng, một biểu tượng văn hóa dân tộc vẫn đang được
sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đây quả là một nét văn hóa riêng và
đặc sắc, cần phải gìn giữ của người Lô Lô.
Truyền
thuyết kể rằng, hai người Lô Lô sống sót cuối cùng trong trận đại hồng
thủy nhờ vào hai chiếc trống đồng "của trời". Chính vì vậy, trống đồng
được cho là biểu tượng của đời sống tâm linh. Theo người Lô Lô, tiếng
trống đồng là cách duy nhất để người trần gian "trò chuyện" với tổ tiên,
với trời, cũng là "con đường" đưa linh hồn người Lô Lô về trời - thế
giới có những ngôi nhà làm bằng vàng bạc, hạt lúa tự bò về nhà, con
người không biết ốm đau,...
Tiêu hết tiền bán trống đồng, một số người Lô Lô mới
nhận ra rằng trống bán đi rồi không mua lại được, không bán trống thì
đời con, đời cháu còn có cái để dùng…
Để giữ lại báu vật của cha ông, anh Chu Văn Ngấn phải dùng xích khóa chặt trống vào xà nhà
Người
Lô Lô là tộc người duy nhất ở nước ta hiện nay còn sử dụng trống đồng
cổ trong sinh hoạt tín ngưỡng và nghi lễ. Cao Bằng là một trong ba nơi
cư trú chủ yếu của người Lô Lô (hai nơi còn lại là Hà Giang và Lào Cai).
Người Lô Lô Cao Bằng tập trung thành các làng tương đối ổn định. Họ ở
nhà sàn, hoạt động sản xuất chủ yếu là trồng lúa nương. Trống
đồng của người Lô Lô là nhạc cụ chỉ dùng trong nghi lễ chôn người chết
nên trước kia họ không mang trống vào nhà mà thường để ở kho thóc bên
ngoài. Việc cất giữ trước đây an toàn và phù hợp với tín ngưỡng dân tộc.
Khi
người Lô Lô tiếp cận với xã hội hiện đại thì trống bị mất trộm nhiều và
họ buộc phải chôn giấu xuống đất. Thế nhưng, đời cha làm lễ cho ông
xong đem chôn trống xuống đất, đến khi cha qua đời con tìm trống rất
khó, phần là do không biết chính xác nơi chôn giấu, phần vì bị kẻ xấu
biết nên đã đào trộm lấy đi... Hiện nay người Lô Lô cơ bản đã đem trống
vào nhà cất giữ, nhưng vẫn phải kiêng: chỉ khi nào có người chết mới
mang ra sử dụng.
Cổ vật trống đồng Lô Lô
Trống
đồng Lô Lô Cao Bằng đích thực là cổ vật. Song cổ đến mức độ nào và quí
hiếm đến đâu thì hiện chưa có một đánh giá thống nhất. Trong số trống
đồng cất giữ (16 chiếc) tại kho của Bảo tàng Cao Bằng thì chủ yếu có
nguồn gốc của người Lô Lô.
Anh Chi Viết Hải thường xuyên lau chùi những chiếc trống của dòng họ
Hai
chiếc trống mới thu được từ bọn buôn đồ cổ bất hợp pháp năm 2008 cũng
có nguồn gốc trống Lô Lô (làng Cốc Xả dưới, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc),
trong đó một chiếc được xác định có tuổi đời trên 1.000 năm và một
chiếc có tuổi đời trên 400 năm.
Anh Chi Viết Hải (làng Khuổi
Khon, xã Kim Cúc) và anh Chu Văn Ngấn (làng Cốc Xả trên, xã Hồng Trị,
huyện Bảo Lạc), đều là người Lô Lô và thông thạo tiếng Việt, cho chúng
tôi biết: Trống đồng gắn liền với đời sống tín ngưỡng truyền thống của
người Lô Lô. Lịch sử người Lô Lô là lịch sử của sự thiên di.
Cuộc
sống của người Lô Lô trước đây rất khổ do phải di cư liên tục, nhưng dù
nghèo khổ đến mấy, gian nan vất vả đến mấy cũng phải cõng những chiếc
trống đi theo, vì nếu không có tiếng trống đồng dẫn đường thì hương hồn
của người quá cố không thể về với tổ tiên được.
Trống đồng được
phân bố theo các dòng họ và là tài sản của từng dòng họ. Trong đám ma,
khi chôn người chết thường dùng 3 cặp trống, mỗi cặp có một trống đực và
một trống cái. Trước đây, mỗi dòng họ thường có đủ 3 cặp trống nhưng
nay rất ít họ còn có đủ 3 cặp, thường chỉ còn 1 hoặc 2 cặp và phải mượn
nhau khi cần sử dụng.
Chúng tôi đến tìm hiểu tại xóm Cốc Xả (trên)
của xã Hồng Trị thấy họ Chu và họ Ban chỉ có một bộ và họ Chung có hai
bộ. Tại xóm Khuổi Khon xã Kim Cúc có các họ: Na, Hoàng, Dương, Pâu và
Chi. Riêng họ Chi ở đây lại có 3 nhánh (tức 3 cộng đồng này cùng mang họ
Chi), thành ra ở đây có bảy "họ"..
Mỗi họ có 1 cặp trống, riêng
họ Chi của ông Chi Văn Che là có 3 cặp nhưng chỉ có 2 cặp là đồ cổ còn
một cặp là đồ “rởm” do đã bị bọn buôn lậu đồ cổ đem trống mới đến lừa
đổi. Ông cho biết bộ trống mới này đến khi có việc vẫn đem ra dùng nhưng
tiếng không vang và có một chiếc đã bị bật tai.
Chiếc trống "rởm" tiếng không vang và mau hỏng
Làm cách nào giúp người Lô Lô bảo vệ trống đồng?
Người
Lô Lô ở Cao Bằng giờ đây đã thấu hiểu mình đang giữ trong tay báu vật
của tổ tông. Thế nhưng người Lô Lô từng ngày từng giờ vẫn phải đối mặt
với biết bao khó khăn, thách thức, cám dỗ… ai dám đảm bảo rằng những
chiếc trống đồng sẽ không tiếp tục biến mất nếu không có giải pháp bảo
vệ một cách hợp lý.
Trả lời câu hỏi này, ông Phùng Chí Kiên, Giám
đốc Bảo tàng Cao Bằng cho biết: Đã có Luật Di sản Văn hóa, thực hiện
đúng luật sẽ giúp người Lô Lô bảo vệ được cổ vật của mình. Thế nhưng
triển khai Luật Di sản Văn hóa hiện nay tại địa phương có rất nhiều bất
cập, từ việc tuyên truyền (để dân biết rằng tài sản cổ vật có quyền giữ,
quyền trao đổi, chuyển nhượng trong khuôn khổ luật) đến sự tác nghiệp
của các cơ quan chuyên môn.
Ông Kiên nói, muốn bảo vệ được cổ vật
thì phải làm sao để người dân chủ động đăng ký cổ vật của mình. Khi đăng
ký thì cổ vật phải được thẩm định. Luật Di sản Văn hóa qui định việc
thẩm định cổ vật là miễn phí... Nghe như vậy có vẻ đơn giản nhưng không
hề đơn giản chút nào bởi trống đồng nằm rải rác trong vùng sâu vùng xa
và là của dân, thậm chí do quan niệm mê tín, không có đám bà con còn
không đem ra cho xem.
Muốn thẩm định lại phải mời chuyên gia đến
tận nơi hoặc đem hiện vật về Hà Nội. Việc đem trống đồng của bà con đi
là không thể, còn mời chuyên gia đến thẩm định cũng vấp phải những vấn
đề không nhỏ, mà trước hết là kinh phí.
Ông Kiên khẳng định một
khi cổ vật được đăng ký rồi thì vấn đề quản lý sẽ rất đơn giản và việc
mua bán, trao đổi cổ vật sẽ không làm chảy máu trống đồng của người Lô
Lô như hiện nay.
Nguồn VietNamNet
---
BỔ SUNG
1.
Người Lô Lô với trống đồng
21/05/2018 19:05
Vài năm trước, ngành Di sản Văn hóa tỉnh Hà Giang trình hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia với hai chiếc trống đồng, phát hiện được ở lòng đất của cộng đồng người Lô Lô sinh sống, trong trường hợp cặp đôi Bố - Mẹ, có niên đại cách ngày nay khoảng 2300 năm, thuộc sản phẩm vật chất của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, có nhiều yếu tố giao thoa với đồ đồng Vân Nam, Trung Quốc.
Hai chiếc trống ấy đã được Chính phủ công nhận và dường như chúng chỉ là hai trong những đại diện tiêu biểu của trống đồng của người Lô Lô đã từng được tìm thấy trên địa bàn cư trú của họ.
Trống đồng hiện hữu trong sinh hoạt và tín ngưỡng của người Lô Lô. Ảnh: Internet
Gần đây, trong bao câu hỏi vấn vương về trống đồng và người Lô Lô, tôi tìm đọc lại cuốn sách được Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 1996 với tên gọi “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang” của TS Lò Giàng Páo – người con của chính dân tộc này biên soạn và thấy có những truyền thuyết khá hấp dẫn liên quan tới trống đồng: “Có dòng họ Mô (Trời) chuyên chế tác các loại nhạc cụ cho người Lô Lô. Trước hết, họ tạo ra những trống đồng để dùng trong đám ma đưa hồn người chết về với tổ tiên, dáng trống mô phỏng dáng người. Tiếp đó, họ tạo ra cồng chiêng và trống da để dùng trong lễ mừng nhà mới, kèn môi và sáo đôi để dùng cho các đôi trai gái tỏ tình.
Ngày khánh thành những chiếc trống đồng đầu tiên, ông vua đầu tiên của người Lô Lô ra lệnh cho dân chúng ăn mừng bảy ngày, bảy đêm. Vua cũng cho mời vị bố mo giỏi nhất đến cúng hồn cho trống đồng. Trong tiếng trống đồng Vua cùng dân múa điệu múa tế trời. Sau bảy ngày đêm đó, trời mưa to như trút ba ngày, ba đêm mới hửng nắng, khiến cỏ cây hoa lá đều xanh tốt. Năm đó, khắp nơi đều được mùa, dân chúng no ấm, hạnh phúc.
Truyền thuyết bảo rằng, người Lô Lô có đúc trống đồng, nhưng những chiếc trống ấy là trống loại I Heger (trống Đông Sơn) hay trống loại IV theo phân loại của Heger? Và, những chiếc trống sớm nhất của hai loại trống này cũng cách nhau hơn một thiên niên kỷ, còn những chiếc trống muộn nhất giữa loại I Heger và loại IV Heger, cũng cách nhau khoảng hai thiên niên kỷ. Thế nhưng, cả hai loại ấy, giờ đây vẫn là vật sở hữu của người Lô Lô, được dùng trong đám tang ma đưa tiễn hồn người chết về với ông bà, tổ tiên – như truyền thuyết có nói đến là hoàn toàn đúng sự thật, ít nhất là cho tới trước sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945.
Người Lô Lô sử dụng trống đồng thường có đôi, có cặp: một trống đực và một trống cái. Ảnh: Internet
Nhiều người, trong đó có tôi lại cho rằng, người Lô Lô nói tiếng Tạng - Miến ở Vân Nam (Trung Quốc), chỉ đúc trống đồng loại IV Heger, nhưng những chiếc trống đực - cái vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia lại là trống loại I Heger, hẳn là sản phẩm của người Đông Sơn miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ đưa lên, sau đó, người Lô Lô sử dụng, chứ không như truyền thuyết đã được Lò Giàng Páo ghi chép. Vậy nên, truyền thuyết vẫn ảnh xạ nhiều giá trị lịch sử nhưng cần phải bóc tách qua những lớp bụi thời gian, may chăng mới hiển lộ những cốt lõi đích thực của lịch sử.
Quanh câu chuyện về trống đồng, người Lô Lô còn có một truyền thuyết khác, thiên về quan niệm tín ngưỡng cổ xưa: “Ngày xưa, có một năm hạn hán kéo dài, người, cây, con đều chết, mùi hôi thối bốc lên khiến cả đất lẫn trời đều ngột ngạt. Vua Trời sai thần mưa thả nước xuống làm sạch trần gian. Mưa ào ào chín ngày, chín đêm khiến trần gian ngập lụt, người vật chết gần hết, chỉ còn hai chị em con một nhà làm trống may mắn kịp chui vào hai chiếc trống. Trời thôi làm mưa, hai chiếc trống dừng lại trên đồi cao. Hai chị em từ trống ra ngoài, thấy mọi vật trơ trụi, không một bóng người. Vua Trời phái một vị thần xuống khuyên hai chị em lấy nhau, gây dựng lại nòi giống. Hai chị em nghe theo. Khi già yếu, họ kể chuyện, dặn con cái giữ hai chiếc trống nơi linh thiêng, gọi trống to là trống Mẹ, trống bé là trống Bố, khi mẹ và bố chết thì đem ra đánh để đưa hồn bố mẹ lên trời.”
Ở đây, chúng ta thấy cặp phạm trù Đực - Cái tương tự Bố - Mẹ của 2 chiếc trống vừa được công nhận Bảo vật quốc gia. Quan niệm này không chỉ có ở cộng đồng Lô Lô mà còn ở nhiều cư dân làm nông khác với tín ngưỡng phồn thực như một hằng số của văn hóa cộng đồng. Rồi, cả hai truyền thuyết, nhắc tới con số 7 và con số 9 (mưa 7 ngày đêm, mưa 9 ngày đêm) ta cũng từng thấy trong nhiều cộng đồng các dân tộc phương Đông khác, với quan niệm 7 hồn, 9 vía ở nữ và nam. Nếu như ở người Mường, số lượng các cột đá – hòn mồ tượng trưng và chỉ định cho chủ nhân ngôi mộ là nam hay nữ qua hai con số này, thì ở người Lô Lô, nằm ở truyền thuyết, hẳn không phản ánh quan niệm rõ ràng, nhưng dường như trống Đực, trống Cái, trống Bố, trống Mẹ thì chỉ riêng có của người Lô Lô. Còn Mẹ to, Bố nhỏ cũng là một hiện tượng khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc tượng tròn của người Việt (Kinh) trong các thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ và đó cũng là một quan niệm về phồn thực nguyên thủy trên hầu hết các dân tộc của các quốc gia trên thế giới.
Người Lô Lô ở Hà Giang sử dụng trống đồng. Ảnh: Internet
Như vậy, kể cả di vật và truyền thuyết, người Lô Lô có sử dụng trống đồng và thậm chí, họ sử dụng trống đồng từ khá sớm. Có lẽ vì điều này và hẳn còn nhiều lý do khác nữa về ngôn ngữ tộc người, về lịch sử, văn hóa, khiến có ý kiến cho rằng, người Lô Lô có gốc là người Lạc Việt, nhưng ở xa tít xứ Ba Thục vùng Vân Nam (Trung Quốc).
Tôi thì không nghĩ như vậy và cho rằng, trống đồng Đông Sơn có mặt trong cộng đồng người Lô Lô, được đưa lên từ vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam vào những thế kỷ thứ III – II Trước Công nguyên với nhiều yếu tố giao thoa văn hóa để thích ứng với sở thích cộng đồng, khiến cho bộ sưu tập trống Đông Sơn hiện biết ở Hà Giang có nhiều nét tương đồng và dị biệt với trống Đông Sơn vùng trung du, châu thổ thuộc miền Bắc Việt Nam bây giờ. Đó là một hướng suy nghĩ và tiếp cận, trong rất nhiều hướng suy nghĩ và tiếp cận khác đang được đặt ra đối với một loại hình di vật hết sức độc đáo này, qua rất nhiều vấn đề còn đang để ngỏ, chưa đi đến kết luận cuối cùng trong giới nghiên cứu trống đồng kể cả trong và ngoài nước.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.