Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

24/08/2014

Trong dịp quốc khánh, lần đầu tiên trưng bày "Cải cách ruộng đất 1946-1957", tại Hà Nội

Tin vừa được chính thức loan đi.



Nguyên chúNông dân biểu tình chống cường hào trong cải cách ruộng đất

Dưới là chép nguyên xi tin đó.




---


Cập nhật: 1:51 PM GMT+7, Thứ sáu, 22/08/2014



Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiến hành “Cải cách ruộng đất” là một nhiệm vụ cơ bản của Cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, nhằm mục đích xóa bỏ chế độ ruộng đất phong kiến, địa chủ, chia ruộng cho dân nghèo.

Nhằm giúp công chúng tiếp cận với những tài liệu, hiện vật gốc và có cái nhìn thực tế, khoa học khách quan về cuộc cách mạng ruộng đất trong tiến trình lịch sử cách mạng dân tộc ở nước ta giai đoạn từ năm 1946-1957; Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề “Cải cách ruộng đất 1946-1957”. Trưng bày sẽ giới thiệu với công chúng hơn 150 tài, liệu, hình ảnh, hiện vật  gốc phản ánh  chân thực nội dung của cuộc cách mạng cải cách ruộng đất  từ 1946- 1957. Với 2 nội dung:
Phần 1: Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất.
Phần 2: Cải cách ruộng đất 1946-1957.
Rất nhiều những tư liệu, hiện vật quý hiếm, chứa đựng nhiều giá trị nội dung lịch sử và lần đầu tiên được đưa ra trưng bày, giới thiệu đến đông đảo công chúng.
Để chuẩn bị tốt cho nội dung trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc Hội, Bảo tàng các tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên…
Trưng bày sẽ khai mạc vào sáng ngày 8-9-2014 tại Phòng trưng bày chuyên đề số 25- Tông Đản- Hà Nội.

Một số hình ảnh về trưng bày:
 Nông dân biểu tình chống cường hào trong cải cách ruộng đất.
Nông dân phấn khởi nhận ruộng được chia.
 phục dựng tiểu cảnh nhà nông dân tại trưng bày.

Tin, ảnh: Minh Vượng





Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam
http://baotanglichsu.vn/portal/vi/Tin-tuc/Hoat-dong-cua-bao-tang/2014/08/3A9241C7/#






Bổ sung 1 (12/09/2014): Chép thêm từ Bảo tàng (bài này bổ sung thêm các ảnh).

Cập nhật: 1:40 PM GMT+7, Thứ ba, 26/08/2014


Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Ngay từ cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta vạch rõ cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: trước hết là cách mạng dân tộc dân chủ, sau đó chuyển thẳng lên cách mạng xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Ở Việt Nam, sự câu kết giữa đế quốc và phong kiến là đặc trưng của chế độ thuộc địa. Do đó, mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc xâm lược gắn liền với mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chế độ phong kiến, chỗ dựa cho ách thống trị và bóc lột, của chủ nghĩa đế quốc. Vì vậy, nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến không thể tách rời nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc nhất thiết phải bao hàm nội dung dân chủ.
Nước ta là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm hơn 90% số dân. Chủ nghĩa đế quốc dựa vào chế độ phong kiến bóc lột nhân dân ta căn bản là bóc lột nông dân. Vì vậy, giải phóng dân tộc trước hết và căn bản phải là giải phóng nông dân. Nguyện vọng thiết tha của nông dân là dân tộc độc lập và người cày có ruộng, là được giải thoát khỏi cả hai tầng áp bức của đế quốc và phong kiến. Nông dân chỉ có thể thoát khỏi ách áp bức và bóc lột của địa chủ nếu đánh đổ được chủ nghĩa đế quốc, kẻ duy trì và bảo vệ chế độ phong kiến, kẻ thù lớn nhất của dân tộc và cũng là của nông dân. Giải phóng nông dân khỏi ách địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân là nội dung cơ bản của cách mạng dân chủ đồng thời cũng là xuất phát từ chính ngay yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc bởi vò vấn đề dân tộc thuộc địa thực chất là vấn đề nông dân.
Nắm vững và giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ với hai khẩu hiệu chiến lược “dân tộc độc lập” và “người cày có ruộng” đã được cụ thể hoá bằng những mục tiêu thích hợp với từng thời kỳ. Song, dù ở bất cứ thời kỳ nào, những mục tiêu và nhiệm vụ chính trị cụ thể do Đảng đề ra, về cơ bản đều bao hàm cả hai nội dung dân tộc và dân chủ, đều gắn liền hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống Pháp, trong khi hướng mũi nhọn của cách mạng chủ yếu vào đế quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai, Đảng đã từng bước thực hiện nhiệm vụ cách mạng ruộng đất. Chính sách ruộng đất của Việt Nam tiến hành qua 03 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1946-1949: tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho nông dân. Giai đoạn 2 từ năm 1950-1953: thực hiện giảm tô giảm tức, hoãn nợ và xóa nợ, thu thuế nông nghiệp, trong đó đánh thuế nặng đối với địa chủ. Giai đoạn 3 (ở miền Bắc) từ năm 1954-1957: phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất triệt để với các hình thức khác nhau như hiến ruộng đất, tịch thu, trưng thu, trưng mua, chia ruộng đất cho tầng lớp cho tầng lớp cố nông, bần nông và trung nông lớp dưới. Kết thúc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, hơn 810 nghìn ha ruộng đất của thực dân và địa chủ, ruộng đất công và nửa công, nửa tư đã được chia cho 2,22 triệu hộ nông dân lao động (chiếm 72,8% số hộ ở nông thôn).
Cải cách ruộng đất đã tạo ra chuyển biến to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội, quan hệ sản xuất ở nông thôn được đổi mới, sức sản xuất to lớn của nông thôn được giải phóng, tạo điều kiện bước sang một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn và góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và vào việc củng cố miền Bắc sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng ta.
Hướng tới kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Cải cách ruộng đất 1946-1957”.
Với diện tích trưng bày khoảng 230m2, công chúng sẽ có dịp tiếp cận trực tiếp với gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các cơ quan lưu trữ, các bảo tàng ở Hà Nội và địa phương như: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn Phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, II, III, Bảo tàng Hồ Chí Minh và bảo tàng các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình… Đây là những tư liệu, hiện vật quý hiếm, chứa đựng nhiều giá trị nội dung lịch sử và lần đầu tiên được đưa ra trưng bày, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong khuôn khổ một trưng bày chuyên đề với qui mô lớn và được BTLSQG nghiên cứu nội dung, lựa chọn hiện vật kỹ lưỡng trong nhiều tháng qua.
Trưng bày chuyên đề: “Cải cách ruộng đất 1946-1957” gồm 2 nội dung:
Phần 1: Nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất:
1.Tình hình ruộng đất trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thời kỳ này, ở Việt Nam tồn tại bốn chế độ sở hữu chính về ruộng đất: ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến; của tư bản thực dân Pháp; ruộng đất công và ruộng đất của nông dân. Những hình thức sở hữu ruộng đất đó đã tạo cho giai cấp thống trị có đầy đủ phương tiện vật chất để áp bức bóc lột nông dân, làm tuyệt địa đa số nông dân Việt Nam sống trong cảnh bần cùng, đói rách. Một số hình ảnh, số liệu, bảng thống kê... sẽ được giới thiệu để làm rõ nội dung trưng bày.
2. Đời sống địa chủ phong kiến và nông dân trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Dựa vào sự chiếm hữu ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột nông dân dưới nhiều hình thức như: địa tô, nợ lãi và thuê mướn bóc lột nhân công. Đối với thực dân Pháp, để khai thác ruộng đất thuộc sở hữu, về cơ bản tư bản Pháp vẫn lợi dụng phương thức bóc lột phong kiến. Điểm khác ở đây là bộ máy chính quyền thực dân trực tiếp bảo vệ quyền lợi của các chủ đồn điền. Chủ đồn điền mộ phu phần lớn ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Người nông dân bị dồn vào thế cùng quẫn bởi sưu cao thuế nặng, địa tô, nợ lãi…cuối cùng phải rời bỏ quê quán vào làm thuê cho các chủ đồn điền. Tại đây, tư bản thực dân bóc lột lao động làm thuê một cách tàn bạo, thân phận người lao động trở thành thân phận người nô lệ.
Ngoài các hình thức bóc lột trên đây, địa chủ và thực dân Pháp còn bóc lột nông dân bằng sưu cao thuế nặng: thuế đinh, thuế điền, thuế ngoại phu. Chính quyền thực dân dùng thuế quan nhằm bảo hộ công thương nghiệp chính quốc, kìm hãm sự phát triển kinh tế thuộc địa, triệt tiêu các nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống nông dân Việt Nam ngày càng khốn quẫn.
Trong phần này, nhiều hình ảnh tư liệu và các hiện vật là đồ dùng sinh hoạt của địa chủ ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ; những tư liệu gốc như: sổ ruộng đất, sổ thu tô... của địa chủ được trưng bày. Đối lập lại, một số đồ dùng của nông dân như: áo bông, áo đụp, cày chìa vôi, thẻ thuế thân... cũng được thể hiện trong hai tiểu cảnh phục dựng về sự đối lập giữa cuộc sống của địa chủ phong kiến và người nông dân Việt Nam thời kỳ trước cách mạng tháng 8-1945.
Sổ thu tô của địa chủ Trần Điện ở Thọ Vực, Tiên Hưng, Thái Bình, ghi thu thóc tô và nợ của nông dân từ 1951 1953.
Phần 2: Cải cách ruộng đất 1946-1957:
1.Chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách ruộng đất.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, trên cơ sở tình hình cụ thể, ở từng nơi, từng thời điểm mà Đảng chủ trương thực hiện các chính sách cải cách dân chủ từng phần, nhằm từng bước hạn chế sự bóc lột của thực dân, phong kiến, cải thiện điều kiện sống cho nhân dân.
Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Đảng tiếp tục đặt nhiệm vụ giành độc lập trọn vẹn cho dân tộc lên hàng đầu, đồng thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách vừa có lợi cho việc bồi dưỡng sức dân, trong đó đa số là nông dân đóng góp cho kháng chiến, vừa phát triển mạnh mẽ mặt trận đoàn kết toàn dân chống đế quốc và tay sai phản quốc.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường huấn luyện cán bộ chuẩn bị thực hiện Cải cách ruộng đất, ngày 20/9/1954. (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng (tháng 2-1951), nhận thức về tiến trình cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân nói chung và đường lối cách mạng ruộng đất đã thực sự phát triển hoàn thiện. Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam đã khẳng định nhiệm vụ xóa bỏ những tàn tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng  được thực hiện ở giai đoạn thứ hai của tiến trình cách mạng dân tộc dân chủ, nhân dân ở Việt Nam.
Nhân dân mít tinh ủng hộ chính sách cải cách ruộng đất của Đảng, Chính phủ. (Ảnh tư liệu)
Vào đầu năm 1953 trước yêu cầu động viên sức người sức của cho tiền tuyến và vấn để bồi dưỡng sức dân đang đặt ra những đòi hỏi mới cao hơn trước, Đảng và Chính phủ đã quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất ngay ở các vùng tự do. Tháng 11/1953 Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua Cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất trong kháng chiến. Tại kì họp thứ 3 (tháng 12/1953), Quốc hội đã thông qua Luật cải cách ruộng đất.
Phần này trưng bày nhiều ảnh tư liệu về các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng chính phủ, Quốc hội...; các văn bản như: luật, sắc lệnh, pháp lệnh, nghị định, chỉ thị, thông tư, báo cáo, sách, tài liệu tuyên truyền về cải cách ruộng đất...
2.Cải cách ruộng đất.
Từ năm 1953 đến năm 1956 đã có 8 đợt phát động quần chúng giảm tô tại 1875 xã và 5 đợt cải cách ruộng đất ở toàn bộ vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi.. Kết quả của các chiến dịch này là: Trong 3.314 xã, có 10 triệu dân, đã tịch thu hơn 70 vạn héc ta, bằng 44,6% ruộng đất trong vùng, chia cho gần 4 triệu nông dân. Cuộc vận động cải cách ruộng đất đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc; hoàn thành xóa bỏ giai cấp địa chủ, xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến ở miền Bắc; nâng cao quyền làm chủ của nông dân trong nông thôn. 
Phần này giới thiệu một số ảnh tư liệu lịch sử, một số báo cáo tổng kết, bản thống kê, tờ tin, bản tin... về quá trình và kết quả thực hiện cải cách ruộng đất thời kỳ này.
Cán bộ đang giải thích Luật Cải cách ruộng đất của Chính Phủ cho nông dân. (Ảnh tư liệu)
3. Sửa chữa sai lầm.
Mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Ngày 18/8/1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thông và cán bộ nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) đã thảo luận kỹ và có kết luận về thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị cũng đã đề ra phương hướng và chủ trương sửa sai 10 điểm.
Với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng Lao động Việt Nam một mặt nhanh chóng sửa chữa sai lầm, mặt khác có những biện pháp củng cố và phát huy thắng lợi, kịp thời có những chủ trương đúng đắn đưa nông thôn miền Bắc tiến lên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, ngày 4/3/1957. (Ảnh tư liệu)
Công tác sửa sai được tiến hành trong những điều kiện phức tạp. Một mặt phải khắc phục những sai lầm, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, mặt khác phải tiếp tục cuộc đấu tranh chống bọn địa chủ và phản động âm mưu xóa bỏ những thành quả của cải cách ruộng đất. Tuy vậy, Do chủ trương đúng đắn của Đảng và được toàn dân ủng hộ nên sau gần 1 năm, tới cuối năm 1957, công tác sửa sai đã đạt kết quả tốt, nông thôn miền Bắc đã dần dần ổn định, nội bộ Đảng đoàn kết nhất trí, lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Chính phủ được khôi phục, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, khối liên minh công nông được củng cố, chính quyền nhân dân được ổn định, sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường. Sau 1 năm sửa sai, năm 1957 công cuộc cải cách ruộng đất đã hoàn thành thắng lợi.
Phần này, một số ảnh tư liệu lịch sử, nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương... sẽ được đưa ra trưng bày.
4. Hoàn thành thắng lợi.
Sau cải cách ruộng đất, giai cấp địa chủ đã hoàn toàn bị xóa bỏ, ruộng đất đã thuộc về tay nông dân. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được hoàn thành ở một nửa đất nước, nhiệm vụ dân chủ “người cày có ruộng” đã hoàn thành ở miền Bắc, từ đó tạo điều kiện để xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc để tiến hành hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất cấp cho nông dân Bắc Ninh sau Cải cách ruộng đất
Trưng bày sẽ giới thiệu một số ảnh tư liệu về thành quả, kết quả mà người nông dân Việt Nam đã có sau cải cách ruộng đất; một số đồ dùng sinh hoạt của nông dân; nhóm huy hiệu, cờ thưởng, giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất người nông dân được cấp sau cải cách...
Các tổ đổi công thi đua sản xuất cung cấp lương thực cho tiền tuyến sau Cải cách ruộng đất. (Ảnh tư liệu).
Trưng bày chuyên đề: “Cải cách ruộng đất 1946-1957” là một hoạt động góp phần tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ nhận thức đúng về cuộc cách mạng ruộng đất trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta những năm 1946-1957. Qua đó củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, Chính Phủ và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Trưng bày sẽ khai mạc vào 9h30 ngày 8/9/2014 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA



10 nhận xét:

  1. Cái ảnh do Bảo tàng chú thích, thì là "biểu tình" ! Nghe có vẻ không đúng !

    Trả lờiXóa
  2. Gọi là "biểu tình" cũng được nếu hiểu "biểu tình" là biệu thị thái độ, tình cảm, còn không thì cứ gọi là "đấu tố". Nhưng ai "tố" ai???

    Đã lâu lu bu không comment với bác Giao, nay viết dài một tý, kể chuyện nhà mình thời cải cách ruộng đất.

    Các cụ bên ngoại nhà tôi, ngày xưa có khá nhiều ruộng đất. Năm ngoái về quê, bác gái (chị mẹ tôi, nay đã hơn 90 tuổi) còn chỉ cái ao, rộng chừng hơn 2 ha, nay trồng sen, tọa lạc ngay trước mặt đình làng, nơi có một cái gác chuông cổ rất đẹp soi bóng, bảo "đất nhà tao đấy, ngày xưa trồng lúa". (Những lúc kể chuyện xưa, bác xưng "tao", "nhà tao" một cách tự hào, chứ không dùng chữ "ta").

    Ngoài chỗ ruộng ấy ra, thì còn nhiều cánh đồng, mảnh ruộng rải rác ở vài ba chỗ khác, cũng trồng lúa.

    Nhưng bác cũng nói "nhà tao xưa nay không ai biết trồng lúa", hai chữ "xưa nay" có thể hiểu là tính từ đời ông của bác, tức là cụ ngoại chúng tôi, một trong những người từng tham gia Bãi Sậy. Còn chúng tôi cũng chỉ biết từ đời ông ngoại trở xuống, thì rõ không có ai thực sự làm nông nghiệp, duy bà ngoại tôi và bác gái có trồng dâu nuôi tằm, mãi năm 1964 vẫn còn nuôi.

    Ấy, không biết trồng lúa thế mà lại có nhiều ruộng đất. Ở đâu ra? Thưa, các cụ toàn làm nghề dậy học, hoặc bốc thuốc, lại còn vác tiền nhà đi làm "phiến loạn" chống Tây, làm gì có tiền tậu ruộng.

    Số là các cụ lắm anh em trai, mà mỗi lần cưới vợ, thì tự nhiên ruộng đất lại theo cô dâu mà về nhà chồng. Vì thế mà "vinh dự" trở thành "địa chủ" lúc nào không biết.

    Đã không có tay nghề làm ruộng, mà lại có lắm ruộng, lại không dám bán vì đó là của hồi môn bên vợ, lẽ dĩ nhiên là phải cho các đồng chí bần cố nông thuê lại, hoặc cấy rẽ (gọi là phát canh thu tô), win-win hai bên đều khoái vì gia chủ thì có lúa gạo nông sản để ăn (vì không biết trồng), còn bần cố nông khỏi lo chết đói (vì không có ruộng).

    Các đồng chí bần cố nông ấy là ai? Không thể là người ngoài, người xa lạ vì mất cả chì lẫn chài như chơi, hơn nữa con cháu dòng họ mình thì phải ưu tiên win-win trước rồi mới đến người ngoài. Và thế là ....câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên "ai đấu tố ai" đã rõ.

    Vâng, người cấy rẽ, kẻ ăn người ở toàn là con cháu các cụ nhà mình cả. Người ngoài liên quan gì đâu mà đấu mới chả tố. Bà ngoại tôi khi còn sống kể lại chuyện thằng A con B, con nhà chú X cô Y chỉ mặt ông bà "đấu tố" nơi sân đình mà cười vui vẻ sảng khoái lắm, chẳng có chút oán hận. Mà vui thật vì có chi tiết "tố" ngược: kiểu cái đận ấy "mày" cho "tao" hai cái áo, nhưng là áo cũ.

    Nhưng tôi đoán, vui là vui sau này, tức là khi được xét lại thành phần, xuống trung nông, chứ lúc ở sân đình còn đang là đương kim địa chủ chắc hai cụ cũng phải phát rét.

    Và cũng năm ngoái, khi bác gái tôi chỉ đất chỉ ruộng, tôi hỏi khích, thế bây giờ ruộng nhà mình giao cho người khác, bác có thấy tiếc không. Bác tôi bảo,"tiếc gì mà tiếc, nhà tao xưa nay có ai biết làm ruộng đấu, thì giao cho người biết làm người ta làm".

    Hóa ra bác ở quê suốt đời mà lại "thông chính sách" hơn cả các ông bà "thoát ly", như ông thân sinh ra tôi chẳng hạn, năm cán bộ phải đi làm cải cách ruộng đất, ông không thông về cách làm nên dứt khoát không tham gia, và bị giáng, gọi là "phụ trách Ty Giao thông" chứ không phải "trưởng" hay "phó" như các ông khác (cụ có ghi lại vài dòng như vây).

    Quan điểm của tôi, cũng giống các cụ nhà tôi, trả ruộng đất về với nông dân là đích đáng, nhưng cách làm kiểu "đấu tố" thì quá tệ hại, vì ai lại giao trọn quyền công tố cho các đồng chí "bần cố nông", mà xuất phát của họ thì như đã nói ở trên, trong khi bị cáo không được quyền bào chữa, thậm chí không được "cãi".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quan điểm của tôi, về cơ bản giống với bác Lý.

      Liên quan đến cải cách thổ địa, tôi sẽ dần dần nói đến kinh nghiệm (như bác Lý kể), và kết quả nghiên cứu thực tế (nông thôn Nhật Bản, nông thôn và miền núi Việt Nam).

      Xóa
    2. Nhà em cũng gần vậy cụ Lý.

      Xóa
    3. Mải theo bác Giao, hôm nay mới để ý viết còm vào bài đăng từ hồi tháng 8.
      Ông ngoại tôi, vốn là người làm thuốc và dạy học ở Phòng đấy bác Khoằm, sinh ra mẹ tôi ở đó. Độc lập rồi, ông khoái quá, hiến tặng mấy căn nhà ở HP rồi đưa cả nhà về quê.

      Về quê, thì mới "được" quy là địa chủ, chứ nếu ở lại Hp thì ... Chả có chuyện để kể. Hihi...

      Xóa
    4. Tiền bối bên mẹ em hiến cả dãy nhà góc ngã tư Trần Nguyên Hãn - Tôn Đức Thắng, mé bên chợ An Dương, ông ngoại được phân lại một gian trong dãy nhà đó để ở, ông bà và các bác, mẹ em cùng các cậu, dì tổng cộng 11 người ở trong gian phòng 9m2 đó cho tới tận 1990 thì nhà em ở đó mấy năm rồi bán đi. Nay dấu tích chặt nhà để mở rộng đường vẫn còn.

      Cụ nội em vốn là quan lại, cụ là Chánh tổng Tổng Phong Cốc, huyện Đường Hào, bố em năm đó lên đội chở cữu cụ về làm tang, đấy là cụ còn nuôi giấu cụ Anh cả Đỏ.

      Xóa
    5. Anh cả Đỏ ở đây là cụ Nguyễn Lương Bằng, đúng không Khoằm ? Hay là cụ khác ?

      Xóa
    6. Vâng, cụ Nguyễn Lương Bằng ạ, bác cả em vẫn nhắc việc năm mới thành lập nước, cụ Nguyễn Lương Bằng có về hầu rượu cụ nhà em nhiều lần.

      Xóa
    7. Anh cả Đỏ là tay hòm chìa khóa của Ông Cụ mà ! Các cụ nhà Khoằm cũng "ác liệt" đấy chứ, quả là "đại gia" đất cảng đó.

      Đất cảng là nơi hoạt động quan trọng của các cụ cách mạng gộc trước khởi nghĩa. Có lẽ đã được nhân dân (cả tư sản yêu nước, cả dân lao động, công nhân thợ thuyền,...) bao bọc.

      Xóa
    8. "Đại gia" đất Cảng là các cụ bên mẹ em, còn các cụ bên bố em là ở Đường Hào, Hưng Yên bác ạ.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.