Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

30/08/2014

Người quân tử làm việc thiện, ví như là ăn cơm : Đi gặp Đoàn Huyên ở Hà Nội - 2

Gặp Đoàn Huyên và Đoàn Triển ở Hà Nội, đúng là nhân duyên (đã nói ở entry trước, viết từ hồi tháng 4 năm 2013).

Tôi không thích thơ của gia đình họ Đoàn mấy, vì về cơ bản, đều cổ và sáo. Chẳng hạn một bài thơ của Đoàn Huyên, thì như sau. 

Lấy ví dụ bài tả trăng (vịnh nguyệt), thì:
Chiếm đoạn càn khôn phẩm tuyệt thanh,
Tài thông bán nguyệt tức tinh huỳnh.
Giang sơn tiếp ngộ câu thành sắc,
Phẩm vật tương khan tiện ủy hình.
Hiển đáo mãn thời năng dụng hối,
Khuy tương yết xứ hựu hoàn doanh.
Kham lân dữ ngã hồn vô gián,
Thời nhập song hư cộng mục thành
.

Nhà thơ Trần Lê Văn dịch ra thơ, thành:
Vịnh trăng
Chiếm của càn khôn vẻ tuyệt thanh,
Mới phô nửa mặt đã lung linh.
Non sông tiếp sáng đều nên sắc,
Muôn vật nhờ trăng mới rõ hình.
Sáng đã đầy tràn thì tối sẫm,
Khuyết vừa hết mức lại tròn xinh.
Cùng ta trăng vốn là bè bạn,
Thường vẫn vào song ngắm nghía mình
.



Tức là có bài thơ ấy, hay không, ta hầu như không cảm nhận được một cách rõ rệt. Đọc là trôi ngay, không nhớ nữa. Bởi cái tứ trăng tròn rồi lại khuyết, làm bạn cùng trăng bên song cửa, thì đã mòn trên lối đi thơ ca phương Đông.


Thật ra, bản thân câu nói "Người quân tử làm việc thiện, ví như ăn cơm" được thấy trong trước tác dạng niên phả - tự kể chuyện đời mình - của Đoàn Huyên, hiện nay, cũng chưa thật rõ nghĩa. Cả câu trọn vẹn là: "Người quân tử làm việc thiện, ví như là ăn cơm. Ở nhà đã ăn no rồi, cần gì phải nhận xin thêm". Cần phải tham chiếu thêm.


Dưới là một bài của bác Lê Văn Lan về Nguyễn Cao viết tháng 11/2013, trong đó, có một đoạn nói đến Đoàn Huyên. Câu nói chưa rõ nghĩa trên của Đoàn Huyên lại một lần nữa được bác "chép" vào bài.

---

---
LƯU TƯ LIỆU

Bài Lê Văn Lan trên tờ Quân đội Nhân dân (tháng 11 năm 2013)


Người thầy tác thành cho Giải nguyên Nguyễn Cao

QĐND - Thứ Ba, 12/11/2013, 9:59 (GMT+7)


QĐND - Nhà giáo Đoàn Huyên ở thế kỷ 19 có thể chưa được nhiều người biết đến như bậc thầy tiêu biểu Chu Văn An ở thế kỷ 14, hoặc như Trạng nguyên Nguyễn Trực ở thế kỷ 15, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ 16, Thám hoa Vũ Thạnh ở trường Hào Nam hồi thế kỷ 17, Hoa đường Phạm Quý Thích ở trường Tự Tháp hồi thế kỷ 18... Ngay trong thế kỷ 19, thầy Đoàn Huyên có thể cũng chưa được nổi tiếng như ông nghè Vũ Tông Phan ở trường Hồ Đình, ông Nghè Nguyễn Văn Lý ở trường Đông Tác, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu-“Thần Siêu”, được sánh cùng “Thánh Quát” (Cao Bá Quát)-ở ngôi trường hình vuông “Phương Đình”, hoặc chính ngay “Người cùng thời đại”: Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị-thầy học của hai Tam nguyên: Vị Xuyên Trần Bích San và Yên đổ Nguyễn Khuyến...
Đền thờ Nguyễn Cao tại thôn Cách Bi (đông), xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh tư liệu.
Bởi vì, sinh năm 1808-đầu đời vua Gia Long triều Nguyễn, thầy Đoàn Huyên chỉ đỗ cử nhân khoa thi Hương năm 1831 thời vua Minh Mệnh, và chỉ được bổ mấy chức quan cấp thấp: Tri huyện, chủ sự, viên ngoại..., và cũng chỉ làm quan được 5 năm ở thời ông vua này là đã cáo bệnh về quê: Làng Hữu Châu (tên nôm là Hữu Tó), huyện Thanh Oai, nay là xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, ở bên bờ phải dòng sông Nhuệ, thủ đô Hà Nội.
Dưỡng bệnh đến 25 năm tại quê nhà, nhưng vừa phục thuốc vừa dạy học, và dạy học giỏi đến mức vào năm 1861-vì tiếng tăm dội đến tận triều đình Huế-vua Tự Đức quyết định bổ chức Đốc học cho thầy, mà lại là Đốc học một tỉnh lớn, nổi tiếng là một tỉnh thi thư văn hiến hàng đầu: Bắc Ninh.
Thầy Đoàn Huyên có 15 năm làm người đứng đầu, chuyên trách việc học hành thi cử ở Bắc Ninh, là thời gian đáng ngẫm ngợi nhiều nhất trong cuộc đời 65 năm tuổi thọ của thầy. Bởi vì trong tập “Ứng khê niên phả” do thầy tự viết để thuật lại thời thế và cuộc đời mình, có nhiều đoạn liên quan đến quãng thời gian này.
Như chuyện người bạn đồng liêu, về sau thăng tiến đến chức đại thần ở triều đình Huế-Phạm Thận Duật. Một hôm vì mớ “dây mơ rễ má” giữa ông này với người em trai thầy học cũ của mình đến nhờ vả chuyện thi cử, đã mấy lần nài nỉ thầy Đoàn Huyên sắp xếp lại danh sách trúng thi. Đốc học Đoàn Huyên nể tình, lấy bài thi có tên người nhờ vả ra xem lại, thấy dở quá, nên dứt khoát trả lời:
- “Bảng (kết quả thi cử) đã treo, tổng số người đỗ đạt cũng đã báo rồi, không dám có riêng tư gì cả!”. Kết quả là chính lời (về sau thầy Đoàn Huyên được nghe lại) Phạm Thận Duật nói với kẻ cầu cạnh chạy chọt kia:
- “Nếu muốn cố xin vào danh sách (thi đỗ), trừ phi là đổi viên Đốc học khác, thì may ra mới được!”. Nhưng thầy Đoàn Huyên không thể bị đổi đi, vì thế mới có chuyện khác, như sau:
Tháng 5 năm Canh Ngọ (1870) vừa xong cuộc khảo hạch, bảng kết quả đã treo, lại thêm một vị đứng đầu việc học hành thi cử ở cấp phủ-huyện là ông “Huấn đạo họ Ngô gì đó”-nguyên văn lời thầy Đoàn Huyên viết “muốn đến cầu xin cho môn đệ của mình”. Tất nhiên là bị thầy từ chối. Nhưng rất bất ngờ là lời thú thực của vị Huấn đạo:
- “Tôi đi chuyến này, gặp người bạn cũ can: Chớ nên đi! Nói rằng đại nhân rất nghiêm cẩn, từ trước tới nay chưa nghe thấy nói có người nào cầu cạnh mà lại được cả! Dùng lợi lộc thì không đút lót được, dùng thế lực hoặc tình cảm, thì khi bảng chưa treo làm sao biết được ai đỗ ai hỏng mà xin? Còn khi bảng đã treo lên thì càng không thể có cách nào thay đổi, đi xin chỉ uổng công thôi. Nay quả nhiên như thế!”.
Kể lại những “người thực, việc thực” làm vậy, thầy Đoàn Huyên còn có dịp nhắc lại cả một câu đối thoại cùng thuộc cấp nữa như sau:
“Thuộc viên, nha lại ở dinh đốc học rất đông. Họ đều ra sức biện bạch rằng: “Các quan Đốc học trước đây đều thiếu công chính cả. Ở các tỉnh khác, cũng đều như thế. Chỉ riêng có đại nhân là cố giữ công chính. Đã không lợi lộc, lại cũng chẳng có danh phận nào. Thế thì bổ ích nỗi gì ?”. Ta bèn nói với họ: “Người quân tử làm việc thiện, ví như là ăn cơm. Ở nhà đã ăn no rồi, cần gì phải nhận xin thêm?”. Thế là mọi người không ai dám nói gì nữa!
Không chỉ viết sách “Ứng khê niên phả” để kể lại những chuyện như thế, thầy Đoàn Huyên còn tự tay viết đôi câu đối sau đây, treo ở nơi làm việc-“Học chính đường” để tự nhắc nhở mình, và “tuyên ngôn” cùng mọi người:
“Tác hưng cổ vũ vương cảnh kỷ
Quảng đại công bình đế huấn di”
Nghĩa là:
Mở rộng công bằng lời dạy thánh
Chấn hưng cổ vũ kỷ cương vua”!
Và còn có cả lời tâm sự cảm động mà thật chí lý, thậm chí rất thời sự nữa:
- Ta giữ chức Đốc học đã nhiều năm. Các quan đại nhân ở tỉnh đường thấy ta lương bổng ít, sống khắc khổ, mới đoán rằng ta vì nhút nhát, e sợ nên mới đến nỗi thế. Do đấy, nhân có việc gì thì thường châm chích, ý muốn ta nên theo thói tục để cuộc sống được dễ chịu hơn. Có người còn dẫn chứng rõ ràng lời vị học quan khóa trước, bảo rằng: “Chức Đốc học này là loại “thanh quan”. Tuy nhiên, vẫn là không để mất thể thống, khi có người đến cầu cạnh mà nhận của họ chút quà biếu tạ ơn thì cũng là việc bình thường, chẳng hại gì. Sao lại cho là lỗi mà cẩn trọng e dè đến thế?”.
Ta bèn tạ ơn mà nói rằng: “Lão phu chẳng dám làm ra vẻ liêm khiết. Chỉ vì bản tính vụng về, mà sợ pháp luật đấy thôi. Hễ thấy việc gì tư túi khuất tất là cứ run lên bần bật, nên không dám làm. Trước đây khi giữ chính sự (ý muốn nói về thời gian 5 năm làm quan tri huyện, chủ sự, viên ngoại...) đã thế, huống hồ nay lại làm thầy, dạy bảo người khác. Mỗi một hành vi, lời nói, muôn người đều để tai mắt vào. Tư túi với một người thì người khác sẽ làm theo. Mọi người đều làm thế cả, rồi sẽ xử trí ra sao? Từ thuở bình sinh tôi đã cố giữ gìn, nay đã già rồi, chỉ cần một lần lầm lỡ thì có khác gì người đàn bà trinh tiết đến lúc đầu bạc rồi còn thất tiết! Thế thì một đời thanh bạch sẽ là bỏ đi, chẳng đáng tiếc lắm sao?”.
Cẩn trọng, giữ gìn nguyên tắc là thế ấy vậy mà có lần, một lần duy nhất thầy Đoàn Huyên đã “phá nguyên tắc”! Không ngờ đây lại là lần “phá nguyên tắc” dẫn đến hệ quả cực kỳ... vĩ đại!
Bấy giờ là lúc mở kỳ thi Hương năm Đinh Mão (1867). Lệ thi ngặt nghèo định rõ: Thí sinh trước khi vào thi phải qua một cuộc “khảo khóa” (làm bài kiểm tra). Tuy nhiên, có một sĩ tử họ Nguyễn tên Cao, người làng Cách Bi (nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), đúng dịp “khảo khóa” lại bị ốm. Chắc chắn thế là phải chờ đến khoa sau, 3 năm nữa mới được dự thi. Đốc học Đoàn Huyên nghe tin, biết Nguyễn Cao là người có tài học, thường nuôi chí lớn, bèn quyết định cứ cho thí sinh này vào thẳng trường thi khoa ấy luôn. Thế là quả nhiên, qua được cả “tứ trường” (4 vòng thi chính thức), không những thế, “trường” nào bài thi cũng xuất sắc, Nguyễn Cao đỗ thủ khoa, giành danh hiệu “Giải nguyên”!
Đốc học Đoàn Huyên sau đấy mới tạ lỗi với các quan đầu tỉnh về việc phá lệ thi. Tất cả, sau đấy nữa đều ấm lòng khi hay tin: Vào năm 1873, Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, chính Giải nguyên Nguyễn Cao đã tự đứng ra mộ được hơn một nghìn nghĩa dũng đánh giặc. Đến năm 1882, Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, lại chính Giải nguyên Nguyễn Cao đã đứng ra với đoàn nghĩa dũng của mình, anh dũng chống lại kẻ ngoại bang xâm lược.
Và đến năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, lại vẫn là Nguyễn Cao, cùng với các thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện, Ngô Quang Huy... xướng suất việc lập “Đại Nghĩa Đoàn”, chống giặc trên khắp vùng ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương hiển hách chiến công.
Nhưng sau đấy thì Nguyễn Cao sa vào tay giặc, lúc này đã gồm cả quân thực dân Pháp xâm lược và lúc vua quan nhà Nguyễn đầu hàng, làm tay sai cho ngoại bang. Bọn này vừa tra tấn vừa ngọt nhạt chiêu dụ vị giải nguyên theo giặc. Nhưng một lần, để đáp lại lời lẽ chiêu dụ rằng, không theo triều đình hàng giặc là... xấu bụng. Nguyễn Cao đã giận dữ quát mắng, rồi tự rạch bụng lôi ruột mình ra cho kẻ thù thấy bụng dạ thật của mình: Yêu nước là như thế nào!
Giặc cuống cuồng sai băng bó vết thương cho Nguyễn Cao. Nhưng vị thủ lĩnh nghĩa quân lại giật tung bông vải băng bó ra. Và ngày 14-4-1887, thì anh dũng nhận lấy cái chết chém đầu ở pháp trường Vườn Dừa, nay là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đốc học Đoàn Huyên chỉ kịp biết những sự tích anh hùng của vị giải nguyên được mình tác thành, ở buổi Nguyễn Cao đánh Pháp xâm lược lần thứ nhất: Năm 1873. Nhưng nghĩa khí ngất trời của Giải nguyên Nguyễn Cao, những năm sau đấy, thì nhà giáo công chính họ Đoàn không được biết nữa. Quan Đốc học tỉnh Bắc Ninh, sau đợt đầu Pháp đánh Bắc Kỳ, đã xin lại được từ quan, trở về quê hương dưỡng bệnh. Và thầy Đoàn Huyên đã mất ở quê nhà Hữu Tó (Hữu Châu, Hữu Hòa) từ năm 1882 rồi!   
GS LÊ VĂN LAN
http://sknc.qdnd.vn/sukiennhanchung/vi-vn/89/70/269/269/269/272469/default.aspx



---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Người quân tử làm việc thiện, ví như là ăn cơm : Đi gặp Đoàn Huyên ở Hà Nội - 2
- Người quân tử làm việc thiện, ví như là ăn cơm : Đi gặp Đoàn Huyên ở Hà Nội - 1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.