Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

31/08/2014

Lịch sử Việt Nam bây giờ bị xuyên tạc bằng tiếng Mỹ (Hà Văn Thùy vs Liam, 2/2014)

Toàn văn của câu trên là: "Lịch sử Việt Nam từng bị xuyên tạc bằng tiếng Tàu, tiếng Tây và bây giờ bằng tiếng Mỹ. Đấy là sự thật đắng cay không ai chối cãi được !".

Còn toàn bài thì đọc ở dưới (từ tháng 2 năm 2014, tức là trước một chút so với thời điểm tranh luận sôi nổi về cuốn sách của Tạ Đức, và cũng là trước cuốn vừa ra của Hà Văn Thùy).


---




HỌC GIẢ MỸ VIẾT GÌ VỀ SỬ VIỆT?

Posted by Admin on February 22nd, 2014

Hà Văn Thùy

Sau năm 1975, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Việt Nam của xã hội Mỹ, một lớp nhà Việt học người Mỹ xuất hiện. Đẫn đầu là Keith W. Taylor. Vốn là cựu chiến binh  Việt Nam với vốn tiếng Việt và những trải nghiệm trong chiến tranh, ông đến với môi trường đại học và nhanh chóng trở thành học giả tên tuổi. Chỉ 8 năm sau, 1983, ông công bố cuốn Việt Nam thời khai sinh (The Birth of Vietnamese). Tôi đã hồ hởi đón nhận cuốn sách này với hy vọng, từ bên kia Trái đất, bằng nguồn tư liệu riêng, tác giả cung cấp cái nhìn mới về lịch sử Việt Nam. Nhưng rồi sớm thất vọng vì đó là cuốn sách nhạt nhẽo, gần như là sự nhai lại những gì đã có trong thông sử Việt, không cung cấp điều gì mới, ngoài một số tư liệu thời Bắc thuộc mà ví tính thứ yếu của nó, các sử gia Việt Nam đã không sử dụng. Không những thế, tôi buộc phải phản biện những bài Tôi đã bắt đầu giảng dạy về chiến tranh Việt Nam như thế nào (talawas.org 30.4.05), Các xung dột vùng miền giữa các dân tộc Việt từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX (talawas 30.5.05) và Cách nhìn mới về Việt Nam (BBCVietnamese.com 12.9.03)
Một người khác là Liam Kelley, còn có tên Việt là Lê Minh Khải. Không chỉ viết nhiều mà tác giả còn lập leminhkhaiviet.blog để đăng tải những bài được dịch sang tiếng Việt.
Bài viết này được dành riêng để trao đổi với tác giả.
I. Điểm một số bài viết của Liam Kelley.
Phản bác ý tưởng cho rằng “có thông tin về các giai đoạn xa xưa của lịch sử trong các công trình của người Việt Nam, vốn không tồn tại trong các nguồn tư liệu Trung Hoa, các học giả về cơ bản đã kết luận: người Việt Nam hẳn đã có những truyền thống lịch sử của riêng mình được họ lưu truyền bằng miệng và rồi cuối cùng được viết ra ngay khi vùng đất của họ thoát khỏi sự cai trị của Trung Hoa,” Liam Kelley viết:
“Tôi cho sự thảo luận về Hồng Bàng thị truyện trong bài tiểu luận này đã chứng minh rằng các vua Hùng không có thật. Thay vào đó, họ được kiến tạo ở thời trung đại với tư cách là một bộ phận của một quá trình trong đó đầu tiên giới trí thức tinh hoa Hán hoá ở Đồng bằng sông Hồng đã kiến tạo ra, sau đó khớp nối một bản sắc riêng vào các khái niệm thuộc di sản văn hoá của người Trung Hoa”
Để khẳng định luận điểm của mình, tác giả đưa ra những chứng cứ sau:
a. Không hề có một cộng đồng dân cư ổn định ở đồng bằng sông Hồng vào thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên:
“Các học giả Việt Nam cho rằng những phát hiện khảo cổ học ở đồng bằng sông Hồng từ thế kỉ đầu trước CN, như các trống đồng Đông Sơn, và những bằng chứng về các cuộc khởi nghĩa trong xấp xỉ một ngàn năm Trung Hoa cai trị, như cuộc khởi nghĩa của chị em họ Trưng ở thế kỉ đầu sau CN, đều chỉ ra sự tồn tại của một nhóm dân cư ổn định ở khu vực này trong suốt thời kì dài. Tuy nhiên, kiểu chứng cứ này không nhất thiết ủng hộ cho một tuyên bố như thế.
Thứ nhất, việc kết hợp các di vật khảo cổ với nhóm người đã tạo ra những câu chuyện trong Liệt truyện đòi hỏi một điều là người ta đã phóng chiếu sự tồn tại của một nhóm sắc tộc được cho là đã tồn tại trong lịch sử (“người Việt”) được nhận dạng từ các văn bản trung đại lên những di vật khảo cổ tiền sử…”
“Hệ quả là, các học giả Việt Nam không chất vấn sự tạo dựng [khái niệm] “nhân dân/dân gian” của họ và xem xét mức độ khác biệt của khái niệm “nhân dân/dân gian” với quan niệm của Vũ Quỳnh ở thế kỉ XV.”
b. “Và một vấn đề có can hệ nhiều hơn là: Liệt truyện được ghi chép bằng chữ Hán cổ, một ngôn ngữ không được dùng rộng rãi để nói và hẳn là không được những người được cho là thuộc phạm trù vua Hùng biết đến trong hầu hết lịch sử được biết của nó. Hơn nữa, nếu những cư dân đó sở hữu một kiểu cổ xưa của cái rốt cuộc sẽ trở thành ngôn ngữ tiếng Việt [sau này], như một số học giả ở Việt Nam tin tưởng, thì phải nhận thức rằng thứ ngôn ngữ nói đó đã thay đổi khá đột ngột qua các thế kỉ, đặc biệt là khi khối từ vựng Trung Hoa xâm nhập vào, trước hết là ở một mức độ hạn chế bắt đầu trong thời nhà Hán (206B trước CN – 220 sau CN), và rồi rộng mở hơn trong suốt thời kì trung đại. Vì vậy, nếu những thông tin cốt lõi trong một câu chuyện như Hồng Bàng thị truyện bắt nguồn trong các câu truyện dân gian được lưu truyền từ thời viễn cổ, thì các học giả cần phải giải thích làm thế nào có thể xảy ra điều đó, và những sự lưu truyền nào đã chuyển tải các thông tin khi ngôn ngữ tiếng Việt phát triển qua các thế kỉ và khi những thông tin truyền miệng này rốt cuộc được dịch sang tiếng Hán cổ.”
c. “Hồng Bàng thị truyện” gần gũi với những văn bản Trung Hoa khác như
Thục chí:
“Rõ ràng như mọng đợi, thông tin trong đoạn văn này rất giống với đoạn mở đầu Hồng Bàng thị truyện của Liệt truyện. Đặc biệt, cũng như Hồng Bàng thị truyện, văn bản này tạo nên sự kết nối về phả hệ với một thủ lĩnh Trung Hoa huyền thoại, có một đứa con được sinh ra từ cuộc hôn nhân giữa một phụ nữ địa phương với một hậu duệ của vị thủ lĩnh ấy, và rồi có những thành viên khác của gia đình cá nhân ấy được phong làm người cai trị địa phương ấy. Nói khác đi, cả Liệt truyện và Hoa Dương quốc chí tạo ra một câu chuyện giống nhau nhằm kết nối những địa điểm tương ứng với một nhân vật ở thời cổ đại của Trung Hoa.”
Liễu Nghị truyện:
“Tất nhiên, có vô số câu chuyện về rồng và tiên trong văn học Trung Hoa liên quan đến những khu vực phía Nam sông Dương Tử. Theo đó, để xác định xem liệu có bất kì cái gì thống nhất trong câu chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ hay không, sẽ là khôn ngoan khi trước hết nên đào xới danh mục các câu chuyện Trung Hoa viết về rồng và tiên. Chỗ tốt nhất để bắt đầu có lẽ là Liễu Nghị truyện,và như đã biết, có những mối liên hệ rõ ràng giữa câu chuyện đó với câu chuyện về Kinh Dương Vương và Thần Long. Và hoá ra, cũng có những sự tương đồng giữa Liễu Nghị truyện và đoạn văn trong Liệt truyện  đã dẫn ở trên. Những mối liên hệ ở đây không trực tiếp như những mối quan hệ liên quan đến Kinh Dương Vương và Thần Long, nhưng chúng gợi ý một cách mạnh mẽ rằng câu chuyện này ít nhất gợi một số ý tưởng cho câu chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ.”
d. “Việt/Yue” như là một khái niệm tự xưng.
“Sự ảnh hưởng của lịch sử và văn học Trung Hoa đối với Hồng Bàng thị truyện là cực kì có ý nghĩa, ở chỗ nó hoàn toàn ủng hộ lập luận rằng câu chuyện này là một kiến tạo thời trung đại. Với sự thật đó, chúng ta cần phải xét lại toàn bộ hiểu biết của chúng ta về lịch sử Việt Nam để điều chỉnh cho đúng với thực tế này. Bằng những gì tiếp theo, tôi sẽ cố gắng phác thảo đại lược một đề cương của một sự diễn giải thay thế về lịch sử Việt Nam thời trung đại và sớm hơn, cái có thể giúp lí giải về người viết Hồng Bàng thị truyện và lí do viết.
Thứ nhất, đối lập với niềm tin rằng “nhân dân” của Đồng bằng sông Hồng ở thiên niên kỉ đầu trước CN đã sở hữu bản sắc nào đó mà họ duy trì suốt cả nghìn năm Trung Hoa cai trị, tôi cho rằng chúng ta có thể nhận thấy xu hướng từ từ trong một phần của giới tinh hoa Hán hoá, những người sống ở một khu vực trải dài từ vùng Bắc Việt Nam ngày nay đến tận Quảng Đông là sử dụng khái niệm “Việt” (Yue) để tự xưng,”
Không thể không nói rằng, đó là những chứng cứ có vẻ vững chắc, khiến cho sử gia Việt Nam không có đường phản bác, đành giữ thái độ im lặng.
Tuy nhiên, trên thực tế, tri thức lịch sử về Việt Nam và phương Đông mà tác giả dựa vào để đưa ra những ý tưởng trên, đã lạc hậu, bị thế kỷ XXI phủ nhận, khiến cho những luận cứ đó trở nên vô giá trị!
Nếu thế kỷ XX, khoa học nhân văn phương Đông được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Hoa tâm cho rằng, con người xuất hiện tại Tây Tạng sau đó xâm nhập Trung Hoa rồi từ Trung Hoa tràn xuống Việt Nam và Đông Nam Á, đem theo văn minh “khai hóa” vùng đất này; thì vào cái ngày định mệnh 29 tháng 9 năm 1998, khi công trình Quan hệ di truyền của dân cư trung Quốc (Genetic Relationship of population in China) (1) được công bố, nền tảng của cái “khoa học” thống trị một thời ấy đã sụp đổ!
Phát kiến của khoa học thế kỷ mới khẳng định:
- Người hiện đại Homo sapiens được sinh ra tại châu Phi 180.000 năm trước.
- 70.000 năm cách nay, người tiền sử theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam.
- 50.000 năm trước, người từ Việt Nam di cư ra các hải đảo Đông Nam Á, tới Ấn Độ.
- 40.000 năm trước, do khí hậu phương bắc ấm lên, người từ Việt Nam đi lên khai phá vùng đất ngày nay có tên là Trung Hoa.
Với phát kiến động trời này, tri thức nền tảng về phương Đông đã thay đổi. Xu hướng của lịch sử không phải “Hoa tâm” mà là sự thật ngược lại: Việt Nam chính là trung tâm phát tích của dân cư và văn hóa phương Đông!
Năm 2004, khi tiếp cận thông tin trên, tôi đã dừng mọi công việc văn chương, tập trung toàn tâm lực để khảo cứu thời tiền sử phương Đông. Sau mười năm, cùng hàng trăm bài báo, tôi đã công bố ba cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học, 2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (NXB Văn học, 2011) và cuốn thứ tư đang trên bàn biên tập viên nhà xuất bản Trí thức: Viết lại lịch sử Trung Hoa.
Từ khảo cứu của mình, tôi khám phá rằng, khoảng 5000 năm TCN, tại miền trung Hoàng Hà và cửa sông Dương Tử, do người Việt Australoid tiếp xúc với người Mongoloid phương Bắc (những người cũng từ Việt Nam lên nhưng do di cư riêng rẽ, đã giữ được nguồn gen thuần chủng, sau này sống tập trung trên đất Mông Cổ) sinh ra chủng Mongoloid phương Nam. Người Mongoloid phương Nam tăng nhân số, dần trở thành chủ thể của văn hóa Ngưỡng Thiều, Hà Mẫu Độ và sau đó làm nên văn hóa Long Sơn nổi tiếng. Ở thời điểm này, những thủ lĩnh người Việt là Phục Hy, Thần Nông xuất hiện. Vào khoảng năm 2879 TCN xảy ra việc Đế Minh chia đất và phong vương cho con là Đế Nghi và Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ. Là những người đánh cá và đi biển thành thạo, người Việt đã giao thương bằng thuyền tới Đài Loan, Indonesia, Philippine, Việt Nam và hiểu các vùng đất này. Sử Trung Hoa ghi, khoảng năm 2700 TCN, xảy ra cuộc xâm lăng của người phương Bắc vào Trác Lộc ở bờ nam Hoàng Hà. Trong trận này, Đế Lai (văn bản Trung Hoa ghi là Si Vưu) tử trận còn Lạc Long Quân đưa đoàn quân dân Việt dùng thuyền vượt biển đổ bộ vào Nghệ An Việt Nam. Sau này, do sức ép của quân xâm lăng, người Việt từ vùng Trong Nguồn (nay là Trung Nguyên) và duyên hải phía đông di cư xuống phương Nam. Người di cư mang nguồn gen Mongoloid phương Nam xuống, chuyển hóa đại bộ phận dân cư Đông Nam Á thành Mongoloid phương Nam. Hiện tượng này được nhân chủng học gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Đông Nam Á (2). Trên đất Việt Nam, khảo cổ và nhân chủng học xác nhận cuộc di cư này: khoảng 4000 năm trước, người Phùng Nguyên từ mã di truyền Australoid chuyển sang người Đông Sơn Mongoloid phương Nam. Đặc biệt tại di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình, có tuổi trên 2000 năm TCN, phát hiện khu mộ táng với 30 thi hài người Australoid và Mongoloid được chôn chung (3). Đây là chứng cứ vững chắc cho thấy người Mongoloid từ phía bắc xuống chung sống với người bản địa Australoid để rồi chuyển hóa di truyền toàn bộ dân cư sang Mongoloid phương Nam, là tổ tiên người Việt Nam hiện đại. Như vậy, khảo cổ học và nhân chủng học xác nhận, dân cư đồng bằng sông Hồng hiện nay không phải đám trôi sông lạc chợ mà là cộng đồng được hình thành từ hơn 4000 năm trước!
Trên vùng đất chiếm được cùa tộc Việt ở nam Hoàng Hà, người Mông Cổ lập vương triều Hoàng Đế. Do sống chung, họ hòa huyết với người Việt, sinh ra người Hoa Hạ. Với thời gian, người Hoa Hạ được Việt hóa và thay cha ông Mông Cổ lãnh đạo xã hội vương quốc Hoàng Đế, tạo dựng các triều đại Nghiêu, Thuấn, Vũ… Là con cháu người Việt, sống trên đất đai Việt, người Hoa Hạ thấm nhuần văn hóa Việt, tôn Phục Hy, Thần Nông làm tổ cùng với Hoàng Đế.
Người Việt từ Trong Nguồn (tên cũ của đồng bằng Trung Nguyên) và duyên hải phía đông Trung Hoa di tản về Việt Nam, định cư ở vùng đất cao của đồng bằng sông Hồng đang được bồi tụ, đã mang theo ký ức về Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Kinh Dương Vương… Từ ký ức, họ lập những ngôi mộ gió và sau đó xây đền kính ngưỡng thờ các vị cho đến nay.
Với quá trình lịch sử và sự hình thành dân cư Đông Á như vậy thì bốn “chứng lý” mà tác giả L. Kelley dẫn trên không những không ủng hộ mà trái lại còn  phản bác lập luận của chính ông:
- Không phải là “Không hề có một cộng đồng dân cư ổn định ở đồng bằng sông Hồng vào thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên” mà đó là khối dân cư đông đảo mang mã di truyền Mongoloid phương Nam, hình thành từ hơn 4000 năm trước, tiếp nối truyền thống Việt cổ, làm nên văn hóa Đông Sơn.
- Những ghi chép trong Thục Chí, truyện Liễu Nghị hay Hồng Bàng thị truyện… là những phiên bản của truyền thuyết lập nước Xích Quỷ, Văn Lang lưu truyền trong cộng đồng người Việt vùng Ba Thục, Lưỡng Quảng và Bắc Việt Nam.
- “Việt/Yue” như là “một khái niệm tự xưng” là điều hoàn toàn có thật. Bởi lẽ, khoảng 18.000 năm trước, khi sáng tạo ra chiếc rìu đá mới, người Hòa Bình đã tự hào là chủ nhân công cụ tiên tiến của nhân loại nên tự gọi mình là người Việt  với chữ Qua (戈) . Khoảng 12.000 năm trước, khi phát minh ra cây lúa nước, người Việt tự xưng là tộc Việt với chữ Việt bộ Mễ (粤). Và khoảng 4000 năm trước, khi sáng tạo chiếc rìu bằng đồng, người Việt lại tự xưng bằng danh hiệu mới: chữ Việt bộ Tẩu (越) !
- Về thắc mắc quan trọng của tác giả là ngôn ngữ: Liệt truyện được ghi chép bằng chữ Hán cổ, một ngôn ngữ không được dùng rộng rãi để nói và hẳn là không được những người được cho là thuộc phạm trù vua Hùng biết đến trong hầu hết lịch sử được biết của nó…” có thể giải đáp dễ dàng: Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán (4). Không những vậy, chính chữ tượng hình Trung Hoa cũng do người Việt sáng tạo để ký âm tiếng Việt!(5)
Phân tích ở trên cho thấy, “Hồng Bàng thị truyện” dù được ghi vào thời Trung đại và có những thêm bớt không phù hợp của (những) người chép thì nó vẫn là hồn cốt của sự kiện có thật xảy ra trong quá khứ, được lưu giữ nơi ký ức sâu thẳm của cộng đồng người đông đảo, sống trên địa bàn rộng lớn nay là Trung Hoa và Việt Nam, trong suốt thời gian gần 5000 năm. Đó hoàn toàn không phải một “truyền thống được kiến tạo”!
2. Về bài “Từ ngữ Thái (Tai) và vị trí của người Thái trong quá khứ của người Việt Nam”
Trong chuyên luận dài gần 20.000 chữ: “Từ ngữ Thái (Tai) và vị trí của người Thái trong quá khứ của người Việt Nam,” L. Kelley do chỗ cho rằng “quan lang”, “mị nương”, “bồ chính”, “cổ”… là những từ gốc Thái đi vào tiếng Việt ở thời Trung đại, đã khẳng định:  “Người Thái và người Việt không phải là anh em sống hài hoà thời cổ và sau đó đi những con đường khác nhau. Thay vào đó, họ là những tộc người khác nhau trở thành láng giềng ở thời trung đại và đấu tranh với nhau cho đến khi người Việt rốt cuộc đã giành được sự thống trị lên người Thái ở khu vực lớn hơn Đồng bằng sông Hồng vào thế kỉ XV.”
Lịch sử văn hóa là hoạt động xã hội của con người trong thời gian và không gian. Do vậy, muốn hiểu lịch sử, văn hóa của một cộng đồng người, điều tiên quyết là phải hiểu biết về họ. Xin hỏi giáo sư: Người Việt là ai? Người Thái là ai? Mã di truyền của họ là gì? Nguồn gốc phát tích từ đâu? Trải qua quá trình lịch sử thế nào để rồi cùng sống trên đất Việt? Tôi dám chắc, giáo sư không trả lời được! Do vậy, việc bàn về từ nào của Việt, từ nào của Thái rồi chuyện họ sống với nhau ra sao trong quá khứ chỉ là chuyện nói mò! Tôi rất thông cảm với giáo sư vì biết rằng, cho tới cuối thế kỷ trước, chưa có lời giải cho những câu hỏi trên! Nhưng theo tôi, sự thể thế này:
- 70.000 năm trước, hai đại chủng người Australoid và Mongoloid từ châu Phi tới Việt Nam. Họ gặp nhau, hòa huyết, cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Australoid. Sau khi sống chung với nhau ít nhất 30.000 năm trên đất Việt, họ không chỉ có chung huyết thống mà còn chung văn hóa, trong đó tiếng nói Lạc Việt là ngôn ngữ chung. Từ 40.000 năm cách nay, các chủng người Việt chia tay nhau lên khai phá Trung Hoa. Có cơ sở để cho rằng, từ Tây Bắc Đông Dương, một bộ phận người Thái theo hành lang Ba -Thục lên Tây Bắc Trung Quốc, chiếm lĩnh vùng Thiểm Tây, Sơn Tây, sau này trở thành chủ nhân nền văn hóa Ngưỡng Thiều nổi tiếng. Chính họ đặt tên cho những địa danh có từ “cổ/gu” còn tới ngày nay ở vùng này.  Đó cũng là ngôn ngữ và văn hóa tạo nên kinh Thi như phát hiện của Maspéro như được dẫn trong bài viết. Về người Thái, từ rất sớm, sách sử ghi rằng: vợ Đế Khốc, ông vua thứ tư của vương triều Hoàng Đế là bà Khương Nguyên, một người con gái thị tộc Thái (Thai thị nữ): “Chu Hậu Tắc, tên Khí. Mẹ người thị tộc Thái, tên là Khương Nguyên. Khương Nguyên là nguyên phi của Đế Khốc.” (周后稷,名弃。其母有邰氏女,曰姜原。姜原为帝喾元妃.) Một dòng khác trong Lạc Việt đi lên Trung Hoa, khai phá đồng bằng Trong Nguồn, nơi sau này là đất phát tích của ông vua sáng lập triều Hán. Vị nữ hoàng đế duy nhất của Trung Hoa Võ Tắc Thiên đặt tôn hiệu của mình là Việt Cổ Kim Luân Thánh Thần hoàng đế (越古金轮圣神皇帝) và Từ Thị Việt Cổ Kim Luân Thánh Thần hoàng đế (慈氏越古金轮圣神皇帝).  Điều này chứng tỏ bà là người Việt. Căn cước Việt của bà còn ở chỗ tên sữa, tên gọi khi con gái là Mỵ Nương! Như vậy chứng tỏ “mỵ nương” không chỉ là sở hữu riêng của người Thái mà là chung cho các tộc Việt. Cũng vậy, cổ/gu là từ Việt cổ, được biến âm từ “kẻ” rất phổ biến ở Bắc Bộ! Vì thế, Mỵ Nương trong truyện Sơn tinh, Thủy tinh không hề là cô “công chúa người Thái” như L. Kelley tưởng tượng!
Có thể lịch sử của một bộ phận người Thái là thế này: từ Việt Nam, họ đi lên Tây Bắc Trung Quốc, sáng tạo văn hóa Ngưỡng Thiều, Long Sơn. Khi vùng này bị người Mông Cổ xâm lăng, một bộ phận dân cư chung sống với người Mông Cổ, góp phần sinh ra người Hoa Hạ. Một trong những mỵ nương người Thái lấy Đế Khốc, sinh ra tổ nhà Chu. Sau này, do sự xâm nhập, chèn ép của dân du mục phương tây, người Thái làm cuộc di cư lớn từ Thiểm Tây, Sơn Tây vào Hà Nam rồi vượt Trường Giang xuống Quảng Tây. Tiếp đó, họ di cư vào Lào, Thái Lan, Miến Điện. Tại Việt Nam, do số dân Việt quá đông nên người Thái xâm nhập không nhiều và chỉ có thể sống ở vùng ngoại vi. Như vậy là, sau thời gian đằng đẵng đi xa, một bộ phận người Thái trở về đất tổ tiên của mình. Những người từ Trung Quốc trở về Lào, Thái Lan gọi chi thứ tư của Thập nhị chi là Thỏ. Tuy vậy, vẫn có một bộ phận người Thái không di cư mà sống bám trụ tại Việt Nam và các nước khác như Thái Lan, Lào… Người Thái ở Điện Biên là tộc người đã sống từ xa xưa trên đất Việt bởi lẽ trong sổ Chóng Bang (Một kiểu sách bói toán) của họ chép chi thứ tư trong Thập nhị chi là Mẩu, tức Mão. Phát biểu của W.G. Solheim II: “Có nhiều nét tương đồng và không có sự khác biệt quan trọng giữa người dân thời đá mới ở Bản Kao với người Thái hiện nay” (2) làm chứng cho việc này!
Như vậy, hoàn toàn không như L. Kelley nghĩ, “họ là những tộc người khác nhau trở thành láng giềng ở thời trung đại và đấu tranh với nhau cho đến khi người Việt rốt cuộc đã giành được sự thống trị lên người Thái.” Đó là quá trình hòa nhập của người Thái vào cộng đồng Việt khi nhà nước Việt hình thành!
3. Về bài Kinh Dịch và những thông điệp lạc lõng
Để phản bác bài Kinh Dịch là của người Việt  của học giả Nguyễn Thiếu Dũng, L. Kelley viết:
 “Gần đây có người chuyển tiếp cho tôi một bài báo xuất hiện trên một tờ báo điện tử giật tít “Kinh Dịch là của người Việt”.
Đã có một nỗ lực trong nhiều năm nay trong bộ phận một nhúm người để chứng minh rằng văn bản cổ ấy do người “Việt” sáng tạo ra. Đó là một nỗ lực rất đậm chất dân tộc chủ nghĩa nhằm cố nói lấy được rằng tri thức và văn hoá “Việt” có trước tri thức và văn hoá “Tàu” và rằng Trung Quốc do đó đã vay mượn từ “Việt”, và không có điều ngược lại, như vẫn thường được tin là vậy.
Tôi cần phải đọc nhiều hơn nữa các công trình của Kim Định, nhưng tôi tin rằng nỗ lực nhằm cho thấy “phương Nam” đã sáng tạo ra nền văn hoá mà giờ đây “phương Bắc” ca ngợi đã bắt đầu từ ông ấy (nhưng có lẽ có những ví dụ sớm hơn về tuyến lập luận này chăng?).
Tôi đã băn khoăn từ lâu về cái gì đã thúc đẩy người ta duy trì nỗ lực tạo ra luận điểm này, khi mà hầu hết mọi người không tin vào những gì họ nói. Có phải nó chỉ là chủ nghĩa dân tộc? Liệu lòng tự ái dân tộc chủ nghĩa có thực sự mạnh mẽ đến thế?
Do một sự trùng hợp ngẫu nhiên đáng kinh ngạc, một người bạn của tôi làm việc cho NASA đã gửi cho tôi một file âm thanh vào sáng nay về một loại thông điệp mà các máy ghi âm không gian của NASA đã thu thập được từ một nơi nào đó bên ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Bạn tôi nghĩ kiểu âm thanh đó nghe giống tiếng Việt, nên anh ấy gửi cho tôi.
Có một chút khó nghe, nhưng tôi nghĩ họ đang nói…Kinh Dịch là của người Việt!
Không hề đưa ra một chứng cứ hay luận lý nào để phản bác đối phương mà đã quy kết nặng nề họ là dân tộc chủ nghĩa sao tránh khỏi vội vàng và võ đoán?! Việc “hầu hết mọi người không tin” đâu phải là một chứng lý để phủ định? Biết bao điều nhiều người không tin mà có thật! Nhân loại đã từng không tin là Trái đất tròn thì có gì lạ khi nhiều người không tin kinh Dịch là của người Việt! Của đáng tội, cần gì vị giáo sư đại học phải phí sức đẩy một cánh cửa đã mở sẵn?!
Những câu chữ hùng hồn trên chỉ nói lên rằng: giáo sư chẳng biết gì về điều mình nói! Có sự thực mà giáo sư không ngờ là chính học giả Trung Quốc cũng không dám nhận kinh Dịch là của họ.
Trong một bài được in trên “Thế giới những điều chưa biết” (phần lịch sử, khảo cổ), Nhà xuất bản Giang Tô, Trung Quốc, năm 2008. Sau khi dẫn cổ thư “Bào Hy họa quái”, tác giả đưa ra cật vấn: “người ta liền nảy sinh nghi vấn rằng chẳng lẽ một thứ phức tạp như vậy mà lại do một nhân vật trong truyền thuyết là Phục Hy sáng tạo ra?” Phủ nhận Phục Hy, tác giả dẫn ý kiến cho rằng Bát quái có khả năng là do người triều Thương dùng giáp cốt để chiêm bốc, đã suy diễn từ các đường vân nứt do bị cháy trên mai rùa mà thành, đó là sáng tạo vào đời nhà Thương, chứ không phải là do Phục Hy sáng tạo ra vào thời thượng cổ theo truyền thuyết.”
 Thấy thuyết này không ổn, thuyết khác được đưa ra: “Còn “Kinh dịch” thì rất có thể là tác phẩm của thời nhà Chu, rất khó hiểu, cho nên Khổng Tử thời Xuân Thu đọc “Dịch”, vi biên tam tuyệt, tức ban đầu đến cả Khổng Tử đọc cũng không hiểu, đọc đi đọc lại, khiến cho dây da trâu buộc thẻ tre bị đứt tới 3 lần. Cuối cùng khi đã đọc hiểu rồi, Khổng Tử đã chỉnh sửa thêm, và như thế, “Kinh dịch” liền trở thành kinh điển của Nho gia.”
Nhưng lại cũng có những người cho rằng, Bát quái và “Kinh dịch” đại diện cho quá trình diễn tiến nhận thức của người Trung Quốc cổ đại đối với các hiện tượng tự nhiên, hiện tượng xã hội… Mỗi một giai đoạn phát triển đều không thể chỉ là sự sáng tạo phát minh của một người nào đó, mà là một quá trình diễn tiến có sự kế thừa và phát triển trước sau, liên tục không ngừng. Nói họ Phục Hy sáng tạo ra Bát quái kì thực là đã quá đơn giản hóa vấn đề này.”
Bài viết kết luận: “Giải thuyết cuối cùng trong số 3 giải thuyết trên tuy khá hợp lí, nhưng nó đã phủ định giải thuyết “Bào Hy họa quái” đã được lưu truyền từ mấy ngàn năm nay ở Trung Quốc, nên lại rất khó lòng được mọi người tiếp nhận.

Rút cục Bát quái là do ai sáng tạo? Khi còn chưa tìm ra được lời giải đáp tốt hơn, thì vẫn đành phải dựa theo lời trong sách xưa mà qui công về cho họ Phục Hy theo truyền thuyết thôi.”(6)

Ở đây người ta vì sợ “khó được lòng” đám đông nên đã hy sinh chân lý! Rõ ràng luận thuyết cuối cùng là hợp lý nhưng bị bỏ qua để rồi mèo vẫn hoàn mèo, mọi chuyện lại trở về điểm xuất phát! Đúng là Phục Hy khôngg thể làm ra Dịch mà đó là công trình của hàng nghìn người diễn ra trong hàng nghìn hàng vạn năm. Nhưng một khi đã thành tựu, thì theo tập quán xưa, công quy vu trưởng, người ta phong tặng sáng kiến của cả cộng đồng cho vị thủ lĩnh tôn kính, cũng như từng quy cho Thần Nông công “giáo dân nghệ ngũ cốc” hay Hoàng Đế làm ra Nội kinh… Nhưng Phục Hy là ai? Sách nói, ông sống khoảng 4800 năm TCN. Thời kỳ này, đất Trung Hoa hoàn toàn là giang sơn của người Việt. Phải 2000 năm sau, với cuộc xâm lăng của Hoàng Đế, người Hoa Hạ mới ra đời. Đó là lớp con lai của con cháu Phục Hy, Thần Nông với những chiến binh Mông Cổ của Hoàng Đế. Nhận thức ra gốc gác ấy, người Hoa Hạ gọi mình là Viêm Hoàng tử tôn!
Tại Hội thảo quốc tế Dịch học tại Sơn Đông Trung Quốc năm 2011, học giả Việt Nam Trần Ngọc Thêm đã chứng minh rằng triết lý âm dương hình thành từ thực tiễn đời sống nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á, hai từ “âm dương” bắt nguồn từ hai từ “mẹ” và “trời” trong các ngôn ngữ Đông Nam Á (ina – yang). Cặp khái niệm “âm dương” với trật tự âm trước dương sau được hình thành trên cơ sở tổng hợp hai cặp khái niệm quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của người trồng lúa nước là “mẹ cha” và “đất trời”. Nó mang đậm nét dấu tích của một truyền thống văn hoá trọng nữ Đông Nam Á, khác hẳn truyền thống trọng nam   Trung Hoa thể hiện qua hai cặp từ “phụ mẫu” và “thiên địa”. ThS. Nguyễn Ngọc Thơ đưa ra hàng loạt biểu hiện của tư tưởng âm dương ngũ hành trong mọi lĩnh vực phong tục, tập quán, truyền thuyết, v.v. của Việt Nam từ xưa đến nay như những minh chứng cho tính nguyên thủy, tính tự phát của tư tưởng âm dương, lưỡng phân lưỡng hợp trong truyền thống văn hoá Việt Nam và Đông Nam Á.
Bình luận về các báo cáo của đoàn Việt Nam, GS. Ngô Di (Viện nghiên cứu Chỉnh thể học California, Mỹ) nhận xét rằng: “Lâu nay giới nghiên cứu Dịch học thường chỉ dựa vào sách vở xưa và các tư liệu khai quật được từ lăng mộ mà bỏ qua quá trình phát triển lịch sử của nó. Chu dịch chắc hẳn phải là kết quả sự đóng góp của cư dân nhiều vùng, là sản phẩm phát triển qua nhiều thời đại. Do vậy việc tìm hiểu nguồn gốc Dịch học phải được mở rộng ra để nhìn từ nhiều góc độ như các học giả Việt Nam đang làm, chứ không phải chỉ giới hạn ở một nơi, bằng một loại chứng cứ quen thuộc.
Tổng kết phiên hội thảo này, GS. Vương Tuấn Long (Viện nghiên cứu tư tưởng truyền thống Trung Quốc thuộc Đại học Sư phạm Thượng Hải) kết luận: Trong báo cáo của mình, GS. Trần Ngọc Thêm đến từ Việt Nam đã cho thấy rằng nguồn gốc của Kinh Dịch không thể tìm trong truyền thuyết mà phải đi tìm trong sự phối hợp giữa điều kiện tự nhiên với bối cảnh lịch sử – xã hội của thực tiễn cuộc sống. Bằng những nghiên cứu tỷ mỷ, với những dẫn chứng rõ ràng, trên cơ sở phân tích tính đặc thù của cuộc sống nông nghiệp lúa nước, tác giả đã chứng minh có sức thuyết phục về nguồn gốc Đông Nam Á của tư tưởng âm dương. Hai báo cáo của các nhà khoa học Việt Nam liên kết chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất, cho thấy kiểu văn hoá âm dương ưu tiên mẹ hơn cha, địa hơn thiên, với một tư duy lưỡng phân lưỡng hợp rất thú vị. Nó rất khác lạ với truyền thống trọng nam Trung Hoa và khái niệm lưỡng nghi vốn rất quen thuộc ở Đông Bắc Á. (7)
Đó là sự thật mới được khám phá, không hề có trong cổ thư. Cố nhiên, L. Kelly không biết!
Đáng trách là ở cuối bài, giáo sư L. Kelley diễn trò đùa nhả! Điều này chứng tỏ tác giả đã không biết gì về người mình tranh biện. Nay vào tuổi 73, ông Nguyễn Thiếu Dũng từng là giảng viên Đại học Huế. Sau 1975  ông ở nhà làm thày lang chữa bệnh, nghiên cứu Đông y, Dịch lý. Ông đã phát hiện biểu tượng Âm là những dấu chấm …. Còn biểu tượng Dương là vạch liền -  trên trống đồng. Trung thiên đồ do ông khám phá được nhiều nhà Dịch học Việt Nam ghi nhận, coi như cống hiến mới cho Dịch học. Trong những comments trao đổi giữa ông Dũng và Kelley, tôi thấy lời lẽ của ông nhu thuận chân tình, thực lòng muốn bàn về học thuật nhưng Kelley lại luôn tránh né! Chơi trò bất nhã với học giả đáng kính, tác giả không khỏi mang tiếng là thiếu lễ!
II. Nguyên nhân những sai lầm của L. Kelley
Có thể thấy hai nguyên nhân dẫn tới sai lầm của vị giáo sư Đại học Manoa. Một là bất cập về phương pháp luận. Tác giả đã áp dụng phương pháp luận là chỉ căn cứ vào văn bản. Phương pháp như vậy có thể phù hợp với phương Tây, nơi mà các quốc gia hình thành muộn và các sự kiện lịch sử được ghi chép khá đầy đủ, lại được lưu trữ tốt. Công việc của sử gia là đọc các văn bản rồi đưa ra những ý kiến của mình. Với Việt Nam, phương pháp như vậy chưa đủ. Bởi lẽ, lịch sử Việt Nam quá dài, trong đó có 1000 năm bị nước ngoài thống trị rồi khi giành được nước thì chiến tranh liên miên. Tài liệu lịch sử của Việt Nam không những ít mà còn bị cướp phá, thiêu hủy. Những gì còn sót lại thì nhiều khi đã bị xuyên tạc. Người phương Tây có ngạn ngữ: nửa chiếc bánh mì là bánh mì nhưng nửa sự thật không còn là sự thật! Do vậy, những văn bản hiện có, dù rất quý nhưng cũng không hẳn là sự thật lịch sử. Một khi cho đó là tất cả lịch sử sao tránh khỏi chủ quan, phiến diện? Vì vậy, viết sử Việt Nam rất khó. Đó không chỉ là những trang giấy mà người viết phải hiểu được hồn của sử! Điều này không dễ đối với học giả nước ngoài vốn xa lạ với văn hóa Việt.

Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn là, cũng như học giả phương Tây khác, L. Kelley mắc phải cái mà tôi gọi là bẫy kiến thức. Cái bẫy này do chính học giả phương Tây dựng lên trong thế kỷ trước. Đó là việc áp đặt cho phương Đông quan niệm Hoa tâm. Xuất phát từ thuyết con người xuất hiện ở Tây Tạng, đi vào Trung Hoa rồi sau đó xuống Đông Nam Á, học giả của Viễn Đông Bác Cổ cho rằng, Trung Hoa là trung tâm của châu Á. Người Trung Hoa đã sáng tạo văn minh: tiếng nói, chữ viết, kinh Dịch, Nho giáo, Lễ, Nhạc… rồi truyền bá tới các dân tộc man di Đông Nam Á. Quan niệm như thế trở thành gông cùm trói buộc học thuật thế giới suốt thế kỷ XX!

Nhưng sang thế kỷ XXI, một sự thật khác được phát lộ: Không phải Hoa tâm mà chính Việt tâm mới là dòng chảy của lịch sử phương Đông! Không phải từ Bắc xuống mà từ Việt Nam, người Việt mang nguồn gen, tiếng nói, công cụ đá mới, cây lúa, cây kê cùng văn hóa nông nghiệp đi lên xây dựng Trung Hoa! Đấy là khám phá làm đảo lộn quan niệm về lịch sử, văn hóa phương Đông. Nhưng do sức ỳ trí tuệ, không đủ khả năng tiếp nhận thông tin mới, nhiều học giả phương Tây, trong đó có L. Kelley, vẫn ngụp lặn trong tư duy cũ!
III. Kết luận
Lịch sử Việt Nam từng bị xuyên tạc bằng tiếng Tàu, tiếng Tây và bây giờ bằng tiếng Mỹ. Đấy là sự thật đắng cay không ai chối cãi được!
Bằng những bài viết của mình, L. Kelley dường như muốn đập phá tan hoang ngôi đền sử học Việt Nam được gầy dựng từ xưa và dầy công vun đắp suốt trong nửa thế kỷ của chế độ dân chủ cộng hòa. Đó cũng là sự phủ định quyết liệt chính những sử gia Việt Nam hiện đại, là tác giả hay đồng tác giả của cuốn sử Việt Nam hôm nay!
Điều không bình thường là vì sao giới sử gia Việt Nam hoàn toàn im tiếng?!
Có lẽ, lời đáp sát hợp nhất là họ không thể trả lời! Không thể bởi lẽ cùng đọc chung những cuốn sách mà họ khai thác khía cạnh này, trong khi đối phương khai thác khía cạnh khác, họ không có lý lẽ để phản bác! Một dẫn chứng cụ thể: khi Trần Trọng Dương “eureka” “Kinh Dương Vương chỉ là sản phẩm của văn hóa Tàu” thì các nhà khoa bảng đành ngậm tăm, thậm chí có người còn hùa theo nữa! Điều này cũng giống như trước đây, khi thấy một người tuyên bố: “Những từ như Kẻ, Mơ… chẳng hề là tiếng thuần Việt gì ráo trọi mà tất cả 100% Made in China” thì dù rất bức bối nhưng Trần Quốc Vượng chỉ có thể than thở với Cao Xuân Hạo: “Biết ông ta nói bậy nhưng không làm sao phản bác được!” (8) Sở dĩ vậy vì sử gia Việt và L. Kelley cùng đứng trên hệ quy chiếu Hoa tâm, một hệ quy chiếu chỉ cung cấp cái nhìn lịch sử từ 2000 năm trở lại nhưng là bị nhìn lộn ngược!
Tuy nhiên một khi thoát khỏi hệ quy chiếu này, bước sang hệ quy chiếu Việt tâm, mọi chuyện trở nên sáng rõ. Khi giác ngộ điều này, chắc chắn, L. Kelley sẽ thấy, muốn thành nhà Việt học tử tế, phải viết khác trước! Còn học giả Việt Nam sẽ được trang bị vũ khí tuyệt vời để khám phá lịch sử, văn hóa kỳ vĩ của tổ tiên. Thứ vũ khí ấy đã có và mỗi ngày được rèn thêm sắc bén. Nhưng vì sao họ không dùng để đến nỗi trở thành kẻ tội đồ khi không bảo vệ được bát hương trên bàn thờ tổ tiên?
                                                                          Nguyên Tiêu năm Giáp Ngọ
Tài liệu tham khảo.
1. J. Y. Chu at al. Genetic Relationship of population in China http://www.pnas.org/content/95/20/11763.long
2. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. NXB Đại học&THCN, 1983.
3. TS. Marc Oxenham: Tôi thất vọng về thông tin lệch lạc!
http://vietbao.vn/Van-hoa/TS-Marc-Oxenham-Toi-that-vong-ve-thong-tin-lech-lac/20422593/181/
4. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học 2008
5. Chữ Việt chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa. vanhoanghean.com.vn/index.php?option=com_k2..
6. Nguyễn Trung Thuần: HỌC GIẢ TRUNG QUỐC CŨNG CHƯA DÁM NHẬN KINH DỊCH CỦA MÌNH.
7. Hội thảo Quốc tế Dịch học tại Sơn Đông năm 2011.
http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=2110&Itemid=94
8. Lời Cuối Cùng Thưa Với Ông An Chi ! http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=17094



 http://www.basam.info/2014/02/22/2371-hoc-gia-my-viet-gi-ve-su-viet/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.