---
Đã thực sự cùng nhau vui cười?...
Trần Cao Sơn
05-08-2014 02:21:38 PM
Trong Hịch tướng sĩ, Hưng đạo Vương Trần
Quốc Tuấn đã viết: Lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc
nhàn hạ thì cùng nhau vui cười… Điều đó đã trở thành nguyên lý cội rễ
cho sự quy tụ nhân tâm và đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh của quân
dân cả nước dưới thời nhà Trần để 3 lần đánh tan quân Nguyên - Mông hùng
mạnh và hung bạo. Nhà Trần còn để lại bao nhiêu tư tưởng vĩ đại trong
chính sách dựng nước và giữ nước mà cho đến nay còn nhiều điều phải tiếp
tục nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi. Song có thể nói tóm lại, nền tảng
triết học và tư tưởng của nhà Trần là nhân ái. Chính lòng nhân ái đã quy
tụ sức mạnh toàn dân, huy động được tiềm năng trí tuệ và vật chất tổng
hợp của dân tộc. Và cái gọi là Hào khí Đông A bất hủ chính là điều này.
Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng
dân tộc ròng rã suốt hơn 30 năm của thế kỷ trước, và tiếp theo là những
năm tháng khó khăn nghèo thiếu trăm bề của đất nước do hậu quả của chiến
tranh, nhưng chúng ta vẫn giữ được sự công bằng nhất định trong xã hội,
ít nhất là ở việc hưởng thụ vật chất của đội ngũ cán bộ Nhà nước và
nhân dân. Mọi cán bộ đều có chế độ, thang lương và được hưởng sự đãi ngộ
theo thang lương như nhau… Khó khăn, thiếu thốn, nhưng chính sự công
bằng đó lại là cơ sở làm nên sự ổn định trong đời sống xã hội.
Nhưng bây giờ thì khác quá rồi.
Sự khó hiểu bắt đầu từ việc phân chia ra
các loại hình cán bộ hành chính Nhà nước và Viên chức sự nghiệp. Có thể
phân tích cụ thể như sau.
Thứ nhất: Sự phân biệt giữa các loại hình cán bộ cùng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Ở loại này có thể chia ra 3 loại như sau:
1. Cán bộ công tác ở các cơ quan Đảng,
được hưởng phụ cấp công tác Đảng, khoảng trên 50% so với lương chính
thức, cùng những chế độ khác.
2. Cán bộ ở các cơ quan hành chính Nhà nước, được hưởng khoảng 30% phụ cấp so với mức lương cơ bản, cùng các chế độ khác.
3. Cán bộ Nhà nước, trong đó gồm những
người làm việc tại các trường đại học, các viện nghiên cứu khoa học hàng
đầu của đất nước với nhiều trí thức lớn, nhiều nhà khoa học tiêu biểu…
lại được xếp vào loại viên chức sự nghiệp, và không có một chút phụ cấp
nào ngoài lương.
Cùng một hệ số lương như nhau, nhưng
người làm việc tại các cơ quan Đảng và cơ quan hành chính Nhà nước thì
được nhận số tiền từ bảng lương gấp rưỡi hoặc gấp đôi những nhà khoa
học, trí thức, văn nghệ sĩ tại cơ quan sự nghiệp. Câu hỏi đặt ra là tại
sao lại có chuyện như vậy?
Phụ cấp nghề nghiệp là loại phụ cấp dành
cho những loại hình lao động đặc thù. Công tác Đảng gắn với việc đưa ra
chủ trương đường lối, nghị quyết, hay quản lý Nhà nước, công tác quản
lý lãnh đạo, là thứ lao động phổ thông, thời nào chẳng phải thế, tại sao
lại có quyền được hưởng phụ cấp cao hơn; trong khi đó các nhà khoa học,
trí thức, văn nghệ sĩ với lao động nghiên cứu và sáng tạo chuyên biệt,
lại không được hưởng chính sách này?
Đúng là Lúc trận mạc xông pha thì cùng
nhau sống chết…; nhưng Lúc nhàn hạ thì chưa thực sự cùng nhau vui cười…
Không ai có thể nghĩ rằng lương bình quân của đội ngũ giáo sư, phó giáo
sư ở độ tuổi năm mươi, sáu mươi hiện nay là từ 4 đến 6 triệu đồng/
tháng, chỉ bằng non nửa lương của một cán bộ chuyên trách ở xã bãi ngang
(tư pháp, địa chính…). Chưa giám so sánh với lương thực tế của bí thư
và chủ tịch xã. Nếu so với cán bộ cấp cao hơn thì sự chênh lệch còn
khủng khiếp nữa. Trí thức khoa học nói ở đây là muốn nói những nhà khoa
học đích thực, có nhiều cống hiến, chứ không có ý vơ tất cả những người
có bằng cấp, học hàm học vị tràn lan. Còn đối với những người đã nghỉ
hưu thì còn buồn hơn nữa. Có những giáo sư từng kinh qua hai cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ, lại là những nhà khoa học đầu ngành, mà
khi về hưu chỉ nhận số lương khoảng 4 đến 5 triệu đồng/ tháng. Thật
không thỏa đáng chút nào.
Thứ hai: Chính sách đối với thân nhân liệt sĩ.
Trước đây mỗi người mẹ liệt sĩ có một
con hy sinh được hưởng mức tiền tuất là 700.000đ/ tháng; từ tháng
5-2013, được nâng lên là 1.150.000đ/ tháng, bằng một hệ số lương cơ bản.
Những bà mẹ có hai con là liệt sĩ thì được hưởng gấp hai lần, tức
2.300.000đ/ tháng. Những bà mẹ có từ ba con là liệt sĩ trở lên, có thể
là bốn, năm, sáu con là liệt sĩ, thì nhận được ba hệ số lương cơ bản,
tức là 3.450.000đ/ tháng. Một sự tính toán máy móc và rất thiếu nhân
văn. Số con hy sinh được quy ra theo hệ số phụ cấp để dành cho những mẹ
già 90, 95 tuổi, luôn bệnh tật ốm đau và xót xa vì con.
Thử hỏi với 1.150.000đ thì một người mẹ liệt sĩ già yếu, hầu hết không còn khả năng lao động sống thế nào cho đủ một tháng?
Sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh,
hiện nay cả nước còn lại bao nhiêu mẹ liệt sĩ? Sự trả ơn như vậy có xứng
đáng không? Trong khi Chính phủ cho phép ông Giám đốc Công ty kinh
doanh Nước sạch, ông giám đốc công ty Điện lực và các công ty khác của
thành phố được hưởng mức thu nhập đến 30 triệu đồng/ tháng (có ông tự
xếp lương cho mình tới cả trăm triệu đồng), mà một người mẹ liệt sĩ chỉ
có thế thôi ư? Đã thỏa đáng chưa?
Và đằng sau câu hỏi ấy là một câu hỏi
khác còn lớn hơn, day dứt hơn, rằng với cách xử sự như vậy, liệu rồi đây
khi đất nước gặp cơn bình địa can qua, cần huy động sức người ra mặt
trận, có còn dễ như thời chống Mỹ nữa hay không?...
Lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống
chết, lúc nhàn hạ thì không cùng nhau vui cười… Lời của người xưa muôn
đời không cũ. Vì sự an nguy của dân tộc, mong Nhà nước ta nên sớm điều
chỉnh các chính sách cho công bằng, hợp lòng người, lòng trời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.