Bài đã thấy đăng trên web Đà Nẵng, của một tác giả tôi đọc lần đầu tiên. Nguyên tên bài thì xem ở dưới (ở tiêu đề entry, tôi có đổi đi một chút).
Từ đây trở xuống là chép nguyên xi từ Đà Nẵng về.
---
Đỗ Bá, người vẽ bản đồ Bãi Cát Vàng
Thứ Sáu, 02/08/2013, 14:06 [GMT+7]
Điểm đầu đường Đỗ Bá giao với đường Trường Sa. |
Ông là người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ Hoàng Sa, góp phần vào những chứng cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam về quần đảo này.
Ông còn có tên là Đỗ Bá Công Luận hoặc Đỗ Bá Công Đạo, quê ở xã Bích Triều, huyện Thanh Mai (nay là xã Bích Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), ông sống vào cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII.
Ông còn có tên là Đỗ Bá Công Luận hoặc Đỗ Bá Công Đạo, quê ở xã Bích Triều, huyện Thanh Mai (nay là xã Bích Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), ông sống vào cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII.
Đầu năm 1672, niên hiệu Dương Đức đời Lê Gia Tông, ông thi đậu Giám sinh, sau được bổ làm Tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan Triều Nam. Làm quan được một thời gian, vào khoảng năm Chính Hòa (1680 - 1705), ông từ quan, giả dạng người buôn sông Lam, vượt vùng biển Thuận Quảng (nay là dải đất từ Quảng Bình đến Phú Yên), qua các nước Chiêm Thành, Chân Lạp, xem xét núi sông, đường biển xa gần, vẽ bản đồ mang ra Bắc, hiến kế Nam chinh mở rộng biên cương. Chúa Trịnh Cán rất mừng, mang bản đồ cất đi. Lại trưng dụng ông soạn vẽ cho “Tứ chí lộ đồ” hay còn gọi là bộ sách Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư. Trong sách có ghi chép và vẽ bản đồ về Bãi Cát Vàng (tức đảo Hoàng Sa) và khẳng định đảo này thuộc về Đại Việt.
Đây là sách ghi chép và bản đồ đầu tiên khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Tập “Tứ chí lộ đồ” do Đỗ Bá Công Đạo vẽ có: 53 phủ, 181 huyện, 49 châu, 14 làng, 8.992 xã, 205 thôn, 335 trang, 451 sách, 43 sở, 442 động, 41 trại. 67 phường, 10 vạn, 8 nhà, 2 tuần, 1 quan, 2 giác, 15 nguyên, 15 châu. Riêng Thuận Hóa có 2 phủ, 8 huyện, 4 châu, Quảng Nam có 3 phủ 9 huyện. Trong tập bản đồ này có rất nhiều thông tin về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là bản đồ quần đảo Hoàng Sa.
Hiện “Tứ chí lộ đồ” đang được lưu giữ tại Viện Hán Nôm Việt Nam. Trong “Tứ chí lộ đồ”có quyển “Đường từ phủ Phụng Thiên đến Chiêm Thành” có phần vẽ và chú giải bằng chữ Nôm về hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ngày nay như sau:
“Ở khu vực phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi phía ngoài biển hình bãi cát kéo dài từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Kỳ với tên gọi Bãi Cát Vàng.
Và ghi rõ: “... hai núi, mỗi núi đều có mỏ vàng, có cơ quan tuần sát. Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng. Dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm đến biển Sa Vinh, mỗi lần có gió Tây Nam, thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mồi. Ngoài cửa biển Sa Kỳ có một hòn núi, trên núi sản xuất phần nhiều là cây dầu, gọi là Trường dầu, có đặt quan tuần sát.....
Nho sinh trúng thức họ Đỗ Bá, tự Đạo Phụ phủ ở Bích Triều (Thanh Giang) biên soạn”.
Bãi Cát Vàng là tên gọi nôm na mà nhân dân xứ Đàng Trong đặt cho 2 quần đảo san hô, chuyển sang âm Hán Việt là “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử”. Tên gọi “Hoàng Sa”, “Hoàng Sa chử” được thông dụng trong các văn kiện thời Lê và thời Nguyễn, như trong Đại Nam Thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ, chỉ chung cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay. Đây là một tập tài liệu quý giá chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
“Tứ chí Lộ đồ” là một tài liệu chính thức của quốc gia, phản ánh cương giới xứ Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý từ cuối thế kỷ XVI, đã mở rộng ra vùng quần đảo ở Biển Đông. Đây là một trong những chứng cứ quan trọng khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường có dài 340m, rộng 10,5m, từ đường Trường Sa đến đường Lê Quang Đạo ở khu tái định cư phía Đông Xưởng 38 và 387, thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết số 42/2013/NQ-HĐND ngày 11-7-2013 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố Khóa VIII diễn ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua.
VIÊN ĐÌNH PHONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.