Lời dẫn: Bà Trần Thu Dung thì gần đây, blog tôi mới đăng lại bài bà viết về mối tương liên giữa Hội Tam Điểm và Võ Nguyên Giáp.
Bà Trần Thu Dung (ảnh lấy từ trang Nguyễn Trọng Tạo) |
Còn ông Phạm Trọng Chánh, thì blog cũng đã giới thiệu bản dịch Nhã Ca do ông thực hiện mới đây.
Các biểu tượng của Hội Tam Điểm: Mắt, êke, compa (DR)
Trước khi đọc bài điểm sách của Phạm Trọng Chánh, hãy đọc bài phỏng vấn tác giả của đài RFI.
---
Bài phỏng vấn của RFI.
THỨ HAI 04 THÁNG HAI 2013
Cuốn sách về Hội Tam Điểm ở Việt Nam. Phỏng vấn tác giả Trần Thu Dung
---
Bài giới thiệu của Phạm Trọng Chánh
Điểm sách:
Hội Tam Điểm của TS Trần Thu Dung
TS Phạm Trọng Chánh
Nói đến Hội Tam Điểm, ta có cảm giác là một tổ chức quốc tế kỳ lạ và bí mật, có mặt nhiều vị tổng thống các nước, những nhân vật ưu tú từ chính trị đến, văn hóa, khoa học . Họ trong Hội Tam Điểm và vừa có trong các tổ chức chính trị đối nghịch khác nhau, các tôn giáo khác nhau. Chúng ta trải qua một cuộc chiến giành độc lập, và qua cuộc chiến tranh, quen với cái nhìn qua lăng kính : trắng, đen, thực dân, đô hộ, yêu nước, bán nước, cách mạng, tay sai… Thật ngỡ ngàng khi khám phá ra có một tổ chức Tam Điểm có sự tham gia của những quan toàn quyền thuộc địa, và có cả « những nhân vật cách mạng yêu nước », những người gọi là thực dân lẫn những người đối nghịch !
Biểu tượng thước vuông góc và compa của hội Tam Điểm. Ảnh :http://vi.wikipedia.org/wiki/Hội_Tam_Điểm
Hội Tam Điểm là gì ? Nó có một vai trò gì trong lịch sử đấu tranh giành độc lập ? Tại sao những nhân vật Việt Nam ưu tú trong lịch sử cận đại tham gia ?. Lần đầu tiên một quyển sách bằng tiếng Việt do chị Trần Thu Dung, Tiến sĩ văn học Pháp Viện Đại Học Tổng Hợp Paris VII, đã mở ra cho chúng ta cánh cửa bí mật của Hội Tam Điểm của thế giới, của Pháp và Việt Nam. Link : http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130128-cuon-sach-ve-hoi-tam-diem-o-viet-nam-phong-van-tac-gia-tran-thu-dung
Đọc sách Hội Tam Điểm với những đóng góp của các thành viên Việt Nam đầu tiên trong công cuộc giải phóng thuộc địa và bảo tồn văn hóa ngôn ngữ dân tộc, do nhà xuất bản Sáng Illumanati xuất bản năm 2013 tại Paris. Cám ơn chị Trần Thu Dung đã chịu khó tìm tòi những tài liệu thuộc loại hiếm quý khó tìm, trong kho tàng sử học Việt Nam tại Paris. Sách chị đã mở rộng thêm cánh cửa, giúp ta tìm hiểu thêm tâm trạng và suy tư của thế hệ cha ông trên bước đường tranh đấu giành độc lập cho dân tộc, giúp cho chúng ta có cái nhìn thoáng hơn về những người Việt Nam yêu nước từ những vị trí khác nhau, những con đường khác nhau.
Thuở ấy « Tuấn kiệt như sao buổi sớm, anh tài như lá mùa thu », cha ông chúng ta phải mò mẫm trên từng bước đường. Không có gì phải « dấu giếm » hay « hổ thẹn » khi nói rằng : Nguyễn Ái Quốc làm đơn xin học Trường Thuộc Địa hay gia nhập Hội Tam Điểm hay tham gia Đảng Xã Hội Pháp. Và bao nhiêu nhân vật khác từ Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, vua Duy Tân, Trần Trọng Kim, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Thinh, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Huyến, Trịnh Đình Thảo, Tạ Thu Thâu, Trần Quang Vinh, Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Trung, Dương Văn Giáo, Lê Thước… từng là Hội Viên Hội Tam Điểm. Thời đại ấy chưa có sự chia rẽ đối cực giữa những người Việt Nam. Thuở ấy chỉ có hai tiếng đồng bào của cụ Phan Bội Châu, cùng một bào thai mẹ Việt Nam, và chưa có hai chữ đồng chí là đồng chung chí hướng. Kẻ nào không cùng chí hướng là không còn đồng bào ư ? Trong Hội Đồng bào thân ái có Nguyễn Tất Thành là bạn thân của Nguyễn Thế Truyền. Nguyễn Ái Quốc là tên chung của một nhóm người Việt Nam yêu nước : Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành.
Sở dĩ chúng ta thắc mắc vì chúng ta chưa hiểu rõ trên bước đường mò mẫm : từ chiến đấu chống Pháp cực đoan bằng vũ lực như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, sang cuộc đấu tranh vận động dân chủ, nâng cao dân trí, chấn hưng công thương nghiệp của Phan Chu Trinh cũng không thể thực hiện được, nếu chúng ta vận động đơn độc. Cuộc vận động giành độc lập ấy chỉ có thể thành công khi được khi có sự ủng hộ của những thành viên huynh đệ người Pháp Hội Tam Điểm và những người Pháp cánh tả đảng Xã Hội, đảng Cộng Sản. Đó là lý do những người Việt Nam từ Nguyễn Ái Quốc đến Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu ... đều tham gia Hội Tam Điểm.
Hội Tam Điểm là gì ? Vai trò của Tam Điểm trong chính trường Pháp và Tây Phương như thế nào ? Quyển sách Hội Tam Điểm của Tiến sĩ Trần Thu Dung giúp cho chúng ta hiểu biết nhiều hơn về những suy tư và đấu tranh của thế hệ cha ông.
Quyển sách của TS Trần Thu Dung có thể khiến độc giả bị ngỡ ngàng. Vì sách sử bao năm qua chỉ nghiên cứu về những phong trào đấu tranh bạo động và hầu như quên lãng hay ít để ý đến các phong trào đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam. Tuy nhiên sách chị Trần Thu Dung, không đề cập đến chủ trương Bất Bạo Động của cụ Phan Chu Trinh trong tiến trình suy tư của cha ông chúng ta : Từ đấu tranh bạo động sang Pháp Việt đề huề, hội Tam Điểm , người đọc có thể rơi vào cái lập luận đơn giản : Yêu nước là bạo động chống Pháp bằng vũ lực, chủ trương khác là … thoả hiệp là Việt gian, bán nước ?
Khi người Pháp đem quân chiếm Nam Kỳ năm 1862 , những người kháng chiến đầu tiên Trần Thiện Chánh, Nguyễn Trung Trực đến Đinh Công Tráng, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám bị thất bại, cha ông ta đã sớm nhận thức tiếp tục cuộc chiến đấu như thế thì cũng sẽ như những người Da Đỏ Nam Mỹ, Bắc Mỹ, sẽ bị xóa sổ trước súng đạn tối tân của Tây Phương. Đến nhận thức của Phan Chu Trinh : Khai dân trí, Chấn dân khí, Cải cách dân chủ, Chấn Hưng công thương nghiệp. là một bước tiến dài. Cụ Phan Châu Trinh phải đấu tranh với cụ Phan Bội Châu muốn sang Nhật nhờ cầu viện, đối với cụ nhờ người khác cũng như thay người cỡi ngựa. Việc quan trọng mình phải khai dân trí, làm cho dân tộc mình thoát khỏi ngu dốt, thoát thân phận làm trâu ngựa cho người khác. (Xem Nguyễn Q Thắng, Phan Chu Trinh, cuộc đời và tác phẩm, nxb Văn Học Hà Nội 1992). Vận động dân chủ bằng chủ trương bất bạo động. Nhưng đó là việc làm không dễ, vì quyền lực thuộc địa trong tay người Pháp, dễ dàng gì người đang nắm quyền phải mất quyền lợi để cải cách dân chủ ? Trường Đông Kinh Nghĩa Thục khai thông dân trí hoạt động một thời gian rồi cũng bị đóng cửa. Chủ trương Chấn Hưng Công Thương Nghiệp các nơi các Hội Thương lần lượt bị đóng cửa.
Sáu sáng lập viên của Liên Thành Thương Quán (LTTQ): Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh (hàng trên),
Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng (hàng dưới). Ảnh http://vi.wikipedia.org/wiki/Công_ty_Liên_Thành
Chỉ trừ một nơi duy nhất là tại Phan Thiết : Công Ty Liên Thành, Trường Dục Thanh, Liên Thành Thi Xã là tồn tại lâu dài nhờ sự khôn khéo của ông Trần Lệ Chất, tú tài kép Hán Học, thông ngôn viên công sứ Pháp tại Bình Thuận Léon Lucien Garnier, đã tranh thủ được sự ủng hộ của viên công sứ và của Ernest Barbut, nhà báo, chủ bút Đăng Cổ Tùng Báo tại Hà Nội. Tại Phan Thiết, Phong Trào Duy Tân, do cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp thành lập năm 1905, kết hợp hài hòa giữa những người cựu học như Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Trần Đình Phiên, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Hiệt Chi, và những người Tây học làm thông ngôn, ký lục toà sứ như Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, Huỳnh Đình Điển… Ngược lại, chủ trương Đông Du và « thiết huyết », dựa trên chủng tộc màu da vàng để chống lại người da trắng, ngày nay chúng ta thường lầm lẫn giữa hai chủ trương của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, thậm chí gán cho Phan Bội Châu cái phong trào Duy Tân.
Phan Chu Trinh
Thật ra hai chủ trương khác nhau như nước và lửa : bạo động và bất bạo động . Cụ Phan Chu Trinh từng xuất ngoại để thuyết phục Phan Bội Châu và khiến cụ Phan Bội Châu phải khóc ròng ; đối với cụ Phan Chu Trinh điều bất hạnh cho cụ là hai phong trào cùng sinh ra một lượt, người tham gia lại lẫn lộn vào nhau, cụ Phan Bội Châu với chủ trương bạo động đã phá nát tất cả các xây dựng bất bạo động của cụ Phan Chu Trinh, (vụ Kháng thuế Trung Kỳ, Hà Thành đầu độc...) khiến bao nhiêu người bị tù tội, Tiến Sĩ Trần Quý Cáp bị chết oan, bản thân các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn bị tù tội. Cụ Phan Chu Trinh đã từng lên án những trấn áp tàn bạo lại xuất phát từ các quan lại Việt Nam như Phạm Ngọc Quát giết bạn là Trần Quý Cáp, Cao Ngọc Lệ giết thầy là Tống Duy Tân. Khi ra tù, người Pháp công nhận các cụ bị oan. Khác biệt với cái nhìn dựa trên màu da chủng tộc, da trắng là thực dân, cụ Phan Chu Trinh chủ trương Tây Du, đến tận nước Pháp để học hỏi, và tranh thủ những người bạn Pháp.
Đó là lý do người thanh niên Nguyễn Tất Thành tìm đến Phan Thiết dạy học Trường Dục Thanh, và đích thân ông Hồ Tá Bang tổ chức cho thầy Nguyễn Tất Thành lên đường đi sang Pháp. Cụ Phan Chu Trinh sau khi mãn hạn tù Côn Đảo cũng được cơ sở Liên Thành đưa sang Pháp cùng con trai Phan Chu Dật, cụ muốn đến nước Pháp để tận mắt thấy những văn minh tiến bộ của Tây Phương đương thời. Qua kinh nghiệm của phong trào Duy Tân tại Phan Thiết, các cụ đã tiến đến một sự hợp tác giữa các nhà khoa bảng cựu học với các thanh niên tân học và tìm đến một sự ủng hộ của những người Pháp tiến bộ, có cảm tình với người Việt Nam. Tác phẩm chị Trần Thu Dung không nói đến phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh mà đi thẳng đến Hội Tam Điểm.
Tham gia hội Tam Điểm cũng là một hình thức đấu tranh nhân quyền của trí thức Việt Nam thời kỳ này. Một con đường đấu tranh khôn khéo, và lôi kéo những người bạn Pháp dân chủ tiến bộ chân chính ủng hộ trong việc đòi độc lập và bình đẳng dân chủ. Hội Tam Điểm ở Việt Nam hầu như ít người biết đến. Cha ông ta đã tương kế tựu kế, tìm một con đường chống thực dân, ít hao tổn xương máu nhất. Nhiều người cho đây là con đường thoả hiệp. Thỏa hiệp không đồng nghĩa với chấp nhận, đầu hàng, và không yêu nước. Hoàn cảnh không cho phép sức yếu, dân tộc còn trong tình trạng « bán khai » , khoa học kỹ thuật tân tiến của Tây Phương vẫn còn là xa lạ.
Hội Tam Điểm có một vai trò tích cực trong cuộc cách mạng Pháp 1789, phần lớn những lãnh tụ cách mạng Pháp đều có trong Hội Tam Điểm. Con đường từ cuộc cách mạng đẩm máu đến dân chủ cũng trải qua nhiều kinh nghiệm xương máu. Sau 1789 các phe nhóm thanh toán lẫn nhau, đưa nhau lên máy chém. Trong Quốc Hội, người khác biệt chính kiến, thách nhau ra rừng Vincenne hay Boulogne đấu kiếm, hay đấu súng, cho đến khi có lúc phân nửa đại biểu quốc hội chết vì đấu kiếm đấu súng, thanh toán lẫn nhau. Họ mới đi đến giải pháp cấm đấu kiếm, đấu súng, và bày ra giải pháp dân chủ tả, hữu, trong Quốc Hội. Tam Điểm đã đóng góp phần quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa nước Pháp.
Tại Pháp có một mâu thuẫn gần như đối nghịch giữa Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và Hội Tam Điểm. Thời kỳ thuộc địa hầu hết các toàn quyền Đông Dương và những nhân vật nắm giữ then chốt thuộc địa Đông Pháp đều là hội viên Hội Tam Điểm. Tại Hà Nội Toàn quyền De Lanessan đã không đồng ý với giám mục Puginier trong chủ trương thủ tiêu tầng lớp sĩ phu Nho sĩ Việt Nam, mà chỉ đồng ý với chủ trương dùng chữ quốc ngữ để cách ly người Việt Nam ra khỏi nền văn hóa xây dựng trên chữ Hán, chữ Nôm. (Xem TS Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897). California TGXB 1995, tr 436). Các nhà cách mạng bất bạo động cũng như các hội viên Tam Điểm Việt Nam đã làm vô hiệu hóa chủ trương này, đã nắm lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện canh tân đất nước, xóa nạn mù chữ, dịch thuật các tác phẩm cổ điển Việt Nam, dịch thuật các tác phẩm văn học triết học Tây Phương ra chữ quốc ngữ, chấn hưng Phật Giáo bằng chữ quốc ngữ...
Công lao hàng đầu phải kể đến các hội viên Tam Điểm người Việt Nam đầu tiên : Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim. Nguyễn Văn Vĩnh là người đứng tên xin phép thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tuy nhiên hiện nay cũng còn khá nhiều sách từ chữ Hán chưa chuyển qua hết chữ quốc ngữ, nhất là kho tàng thi ca Việt Nam, từ một ngàn năm nay phần lớn đều sáng tác bằng chữ Hán hay Nôm.
Nguyễn Văn Vĩnh
Nguyễn Văn Vĩnh. Ảnh : http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Văn_Vĩnh
Cùng hoàn cảnh với Nhật Bản, vua Minh Trị Thiên Hoàng đã hy sinh 80% tài sản của hoàng gia để gửi 3002 sinh viên đầu tiên đi du học và mướn 142 kỹ sư về dạy công nghệ, tổ chức cải cách giáo dục, thì vua Tự Đức nước ta, 36 năm trị vì chỉ biết sai người đi mua đồ sứ Giang Tây về đập bể để cẩn trên lăng mộ của mình, để khi Pháp tấn công vào triều đình Huế, thì toàn bộ kho tàng vàng bạc châu báu triều Nguyễn cũng bị chất xuống tàu Pháp ròng rả trong một tháng trời. Còn Nhật Bản họ thấy trước, vua Minh Trị đã hy sinh gia tài hoàng gia đ ểđào tạo nhân tài và nhân tài đó đã làm nên một nước Nhật cường thịnh và Việt Nam bị mất nước. Thời nhà Nguyễn cũng có những chuẩn bị để canh tân, nhưng quá chậm chạp, trước những biến chuyển thời cuộc thế giới. Cuộc đánh chiếm của Pháp vào Nam Kỳ 1862 và Bắc Kỳ 1883, áp đặt Triều đình nhà Nguyễn bồi thường chiến phí, khiến cho Việt Nam rơi vào tình trạng kiệt quệ ngân sách, không còn một khả năng canh tân nào nữa.
Bao nhiêu triệu người đã hy sinh cho cuộc tranh đấu dành độc lập ? Khi nước mất rồi, thì không thể trở lại chủ trương canh tân, như thời Minh Trị Thiên Hoàng được nữa. Những vị vua Thành Thái, Duy Tân, hay Bảo Đại có muốn canh tân cũng không thể tự mình làm được, mà phải vận động canh tân từ những người đang nắm quyền tại thuộc địa và tại mẫu quốc.
Theo truyền thuyết Hội Tam Điểm có từ thời xây đền Salomon năm 70 trước CN, nhưng thực tế Hội Tam Điểm xuất hiện ở Âu Châu vào cuối thế kỷ 17. Thời trung cổ giáo hội Thiên Chúa giáo và Triều đình là hai thế lực mạnh nhất. Những người xây dựng đền đài, cung điện và nhà thờ được ban nhiều ân sủng, vì họ là những người tài giỏi biết tính toán, vẽ kiểu, điều hành mua sắm vật liệu, điều khiển thợ lấp ráp đá, gỗ, kính, họa sĩ, điêu khắc gia chạm trổ, vẽ trên kính màu, trên vách.. tạo nên các cung điện, nhà thờ, chủng viện hoành tráng. Các kiến trúc sư giỏi được ưu đãi, cho hành nghề tự do. Họ thành lập hội đoàn riêng, họ được mời dự các yến tiệc. Do bí mật nghề nghiệp, họ hội họp kín đáo, không công khai, những người trong nghề xây dựng, để trao đổi kiến thức, bí mật giúp đỡ nhau. Những công trình to lớn như lâu đài, thành quách cần công trình các thợ Cả thiên tài. Vì vậy vua đặc ân cho họ có quyền hội họp gọi là Hội Franc-Maçon, nghĩa là « Hội những người thợ nề tự do ». Các cụ ta dịch là Hội Tam Điểm, Ba chấm, chính thức dùng từ năm 1775, tượng trưng ba tiêu chí cơ bản đề cao của hội là « Tự do , Công bằng và Huynh đệ » . Hội Tam Điểm còn gọi là Illuminati, tiếng La Tinh có nghĩa lá những người được thần linh khai sáng, cũng có nghĩa là ánh sáng lan toả. Vì thế những chi nhánh của hội thường mang tên như Ánh Sáng, Phương Đông (nơi mặt trời mọc). Từ bóng tối con người khám phá ra ánh sáng để vượt qua mọi thử thách cuộc đời và đạt được chân lý.
Biểu tượng của Hội Tam Điểm là lòng hiếu học. Khát vọng nắm bắt, chinh phục vũ trụ là nguyên nhân chính đã gắn chặt với ham muốn tồn tại, tình yêu chân lý và cuộc sống... Khởi đầu là những người thợ Cả xây dựng, nên biểu tượng của Tam Điểm là : Com -pa, thước vuông Ê ke, Con mắt, hình tam giác, và ngoài ra còn những biểu tượng khác : con số ba, kim tự tháp, gà trống, đồng hồ cát, lửa và nước, cây ô liu, vòng nguyệt quế, hoa hồng, tổ ong, trần nhà trang trí đầy sao, thang vẽ, kiếm, tạp dề, găng tay, chìa khóa…
Hệ thống tổ chức Tam Điểm tùy thuộc vào Đại Đường của mỗi nước. Trải qua ba thế kỷ thăng trầm, hệ thống tổ chức của hội có nhiều thay đổi. Năm 1817, Hội Tam Điểm các nước trên thế giới thống nhất tập hợp dước sự chỉ đạo chung của Đại Đường Luân Đôn. Năm 1723, James Anderson người Ecosse đã thảo ra một bản Hiến Chương cho toàn Hội Tam Điểm trên thế giới gọi là Hiến Pháp Anderson. Hiến chương có mục tiêu phục vụ con người, thành viên Tam Điểm phải là người tốt, chân thật, tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo mỗi cá nhân. Hiến chương cũng ghi rõ nhiệm vụ của Tam Điểm là kết hợp người tốt trên thế giới không phân biệt chủng tộc, tôn giáo.
Đáng kể nhất của công trình nghiên cứu chị Trần Thu Dung là tìm được những tư liệu về tổ chức Tam Điểm tại Đông Dương. Chi nhánh Tam Điểm đầu tiên ra đời lấy tên Đông Phương Thức Tỉnh (Le réveil de l’Orient) ngày 10/11/1886 tại Sài Gòn. Chi Hội thứ hai lập tại Bắc Kỳ lấy tên Tình Huynh đệ Bắc Kỳ (La fraternité Tonkinoise) tại Hà nội ngày 9 /9/1887 . Tiếp theo sau đó là Ngôi sao Bắc Kỳ (L’Etoile de Tonkin ngày 21 /7/ 1892, Những người nhiệt huyết vì tiến bộ (Les fervents du Progrès) ngày 16 /4 /1913.. nhưng mãi đến năm 1924, 1925 mới nhận những người bản xứ : Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Văn Thinh là hai người đầu tiên ở Đông Dương. Nguyễn Văn Vĩnh là người bản xứ đầu tiên được đưa sang Pháp để kết nạp.
Sự ra đời của Hội Tam Điểm Khổng Tử, Phạm Huy Lục đảng viên đảng Xã Hội SFIO, chủ tịch dân biểu Bắc Kỳ, 6/10 là thành viên bản xứ. Hội trở thành nơi sinh hoạt của các trí thức lớn như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Huy Lục, Trần Trọng Kim… Tại Sài Gòn chi hội Khổng Tử thành lập ngày 4/1/1930 gồm Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Tý, Nguyễn Xuân Bái và thành phần Việt Nam Tam Điểm từ Pháp du học về như Cao Triều Pháp, Trịnh Đình Thảo tham gia.
Qua 291 trang tác giả đã dẫn ta qua nhiều thời kỳ phát triển của Hội Tam Điểm Đông Dương, trong việc kết nạp người bản xứ. Phần IV. Những thành viên Tam Điểm đầu tiên. Mục III Hội Tam Điểm và tôn giáo mới ở Việt Nam. Cung cấp cho ta những tài liệu về Hội Tam Điểm và Đạo Cao Đài rất thú vị, quan hệ giữa Louis Viadal con rể Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, cắt nghĩa cho biết nguồn gốc thờ Victor Hugo trong Đạo Cao Đài.
Lịch Sử Việt Nam, không diễn biến như Nhật Bản có một vị vua anh minh Minh Trị Thiên Hoàng, một triều đình đầy người giỏi, có những kế hoạch lâu dài cho đất nước, đặt nền tảng lâu dài cho một sự phát triển bền vững.
Triều đại nhà Nguyễn không làm tròn, trách nhiệm với lịch sử, để mất nước, thế hệ cha ông ta là những người sắp chết đuối, gặp mảnh ván nào trôi gần thì bám vào mảnh ấy, trôi theo thời cuộc thế giới. Có khi người ngồi trên mảnh ván này đánh người ngồi trên mảnh ván kia, có khi người ngồi cùng mảnh ván đánh nhau để dành chổ tốt. Khi dòng nước trôi xuôi thì hí hửng tưởng mình nắm được vận mạng lịch sử, chẳng bao giờ xem mảnh ván mình ngồi đã mục rả hay chưa.
Người suy nghĩ như cụ Phan Châu Trinh : Cải cách dân chủ, Nâng cao dân trí, Chấn hưng công thương nghiệp. Trăm năm qua chẳng có ai như cụ, làm được một phong trào Duy Tân như cụ, nói chi đặt nền tảng lâu dài cho đất nước. Trong hoàn cảnh hèn kém của đất nước của cha ông, ta trân trọng những người trong tầm tay của mình đã gắng hết sức để làm những công việc văn hóa, lập trường học, phổ biến chữ quốc ngữ, dịch các sách văn học, tư tưởng để nâng cao trình độ dân trí và quan trí, thu nhặt những di sản văn hóa tổ tiên : như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Hoàng Minh Giám, Lê Thước…Nhiều chi tiết, ta không khỏi ngậm ngùi, pho tượng nữ thần tự do được Hội Tam Điểm Tình Huynh đệ Bắc Kỳ, một thời đặt trên tháp Hồ gươm, cha ông ta không biết giá trị nghệ thuật cũng như biểu tượng, đã đem đập vỡ nấu chảy đúc thành tượng A Di Đà chùa Ngũ Xã, cạnh hồ Trúc Bạch năm 1953.
Đọc xong quyển sách, ta ngậm ngùi, ta học được bài học gì nơi thế hệ cha ông ?
Ngày nay khi nhìn lại các nước trên thế giới, không phải nước nào cũng giành độc lập bằng con đường bạo động như nước ta. (1) Không phải nước nào cũng trả giá bằng xương máu quá đắt như nước ta, và ảnh hưởng một cuộc xâu xé dân tộc, nồi da xáo thịt vẫn còn kéo dài. Quan điểm cho rằng ta đấu tranh giùm cho toàn thế giới cũng chỉ là một huyền thoại. Nhiều nước khôn khéo như Nhật Bản không những giữ độc lập mà còn trở nên hùng mạnh tiến bộ. Như Thái Lan không một ngày bị mất chủ quyền, ngày nay họ đi trước hơn ta hai ba chục năm. Như Ấn Độ, Miến Điện, In -đô nê- sia, Phi Luật Tân, Mã Lai, Tân Gia Ba, Brunei, Maroc, Sénégal, Côte d’ Ivoire… có phải trả giá bằng máu nhiều như chúng ta đâu ?
(1) Chú thích của SH: Tại các thuộc địa của Pháp, vai trò của Giáo Hội La Mã rất thô bạo và tích cực. Vì thế ta không thể so sánh với các nước không có vấn đề Ca-tô Rô-ma giáo trong đại cuộc giành độc lập cho dân tộc.
Xin đọc "Về Luận Điệu: Không Cần Phải Phát Động Chiến Tranh - Pháp Cũng Phải Trao Trả Độc Lập Cho Việt Nam.", Chương 10 của tập sách NGƯỜI VIỆT NAM & “ĐẠO GIÊ-SU” (Trần Chung Ngọc & Nguyễn Mạnh Quang viết chung)
Lịch sử đã đi qua, không thể làm trở lại, có làm được chăng là hàn gắn vết thương làm xâu xé dân tộc, để thống nhất tình cảm dân tộc. Người viết lịch sử ngày nay không nên chia hai : nhân vật này yêu nước, nhân vật kia bán nước. Bài học Vua Trần Nhân Tôn đốt tráp thư những kẻ hàng giặc, đáng cho chúng ta suy nghĩ. Vua Trần có thể làm việc đó, nhưng ích lợi gì khi sau một cuộc chiến đất nước cần bàn tay của tất cả mọi người để xây dựng lại. Sau một trận chiến tranh rồi cũng phải nối lại bang giao, hàn gắn lại những đổ vỡ. Nước yếu kém rồi cũng phải gửi những con dân ưu tú nhất nước đi học hỏi những tiến bộ. Cũng phải gia nhập vào những tổ chức chung của thế giới. Người lãnh đạo đất nước sáng suốt phải nghĩ đến một tổ chức chung nào tất cả mọi người đều có thể tham gia, và chọn lựa những nhân tài ưu việt của xứ sở lãnh đạo đất nước.
Trong một giai đoạn lịch sử, nếu nước ta không chịu canh tân để tiến kịp với thế giới, nếu chúng ta cứ hèn yếu, thì không bị nước này chiếm cũng bị nước khác xâm lăng bóc lột. Giải pháp cầu viện đồng chủng da vàng, giúp ta cũng không hẳn là giải pháp tốt. Cụ Phan Bội Châu đi vận động cả nước để gửi hơn 200 sinh viên sang Nhật, đang còn học tiếng Nhật ở Thư Viện Hội Đông Á Đồng Văn thì Pháp ký kết văn kiện ngoại giao với Nhật để bị đuổi đi. Sự bóc lột tàn bạo của Nhật tại các nước Á Đông thời Đệ Nhị Thế Chiến còn tàn bạo hơn thời Pháp thuộc. Sự bóc lột của Trung Quốc, chẻ trúc Nam Sơn cũng không ghi hết tội ác chúng ta từng biết.
Sau Đệ Nhị Thế Chiến 1939-1945, lần lượt các nước thuộc địa đều được độc lập. Nhiều nước như Maroc, Sénégal, Tunisie, Côte d’Ivoire đã đi đến độc lập dễ dàng trong khi nước ta mất thêm 30 năm xương máu chiến tranh. Ngày nay chúng ta đã thoát chưa thân trâu ngựa cho một nước hay một chủ thuyết, hay vẫn lay hoay tìm người cỡi ngựa ? Cầu mong nước ta có những người lãnh đạo sáng suốt, đặt lại nền tảng hiến pháp để nhân dân chọn lựa được những người ưu tú, tài ba và sáng suốt để lãnh đạo đất nước. Cầu mong những trí thức ưu tú được đào tạo, được « nhà vua » xuống chiếu cầu hiền, gióng ngựa quý đến thăm, mời tham gia bàn thảo việc nước thay vì bị giam trong tù ...
Paris 17-2-2013
TS Phạm Trọng Chánh
Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.