Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

11/03/2014

Chuyện gì đang xảy ra tại đền thờ Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa ở Quảng Bình ?

Chuyện gì đang xảy ra tại đền thờ Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa?



Có thể nói luôn: chẳng có chuyện gì cả. Phóng viên đặt một cái tít có mang tính giật gân. Còn thực trạng như thấy ở Quảng Bình, hiện nay, nhìn đâu cũng thấy. 

Bài mới đăng trên trang Một thế giới (từ đây trở xuống là chép nguyên xi).


---


Chuyện gì đang xảy ra tại đền thờ Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa ?

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) là di tích lịch sử cấp tỉnh. Sở VHTTDL đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh ký quyết định giao cho công ty cổ phần Trí Nhân Tâm (Đồng Hới) làm chủ đầu tư trùng tu tôn tạo nhưng sở không có biện pháp giám sát, khiến không gian khu đền chính bị thi công khác trước ở cổng tam quan, thêm thắt trụ biểu.
Cây cối trong di tích bị chặt không thương tiếc, việc hành hương không được tổ chức đón tiếp nền nếp đã diễn ra cảnh “buôn thần, bán thánh” công nhiên.

Biến dạng di tích, chặt cây cổ thụ
Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa ở xã Quảng Đông là đền thờ một trong những tứ bất tử của tâm linh dân gian Việt Nam. 
Tương truyền hơn 500 năm trước, Mẫu Liễu Hạnh từng giáng thế ở đây để bảo vệ người nghèo ở vùng Đèo Ngang khỏi cướp bóc, giặc giã cũng như tránh nạn thú rừng. Năm 2003 đền được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Hằng năm từ Tết Nguyên Đán đến rằm tháng ba có hàng chục vạn du khách từ khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...hành hương về đây chiêm bái.
Năm 2013, công ty cổ phần Trí Nhân Tâm có công văn xin được đầu tư tôn tạo lại đền trong khuôn khổ xã hội hóa. Ông Lương Văn Luyến, Giám đốc sở VHTTDL đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và ngày 15.3.2013, ông Trương An Ninh, Chánh văn phòng UBND tỉnh đã ký thông báo số 426/TB-VPUBND thông báo kết luận của ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch tỉnh về việc phê duyệt trùng tu tôn tạo ngôi đền này.
Trong thông báo có nêu: “Hạng mục trùng tu, tôn tạo đền (...) phải đảm bảo giữ nguyên được các giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử của đền”.
Cổng tam quan trước khi xây dựng là quần thể thống nhất, có cây xanh um tùm cổ kính
Tuy nhiên, đơn vị Trí Nhân Tâm vừa là chủ đầu tư, vừa ôm cả tư vấn, cả thiết kế và thi công đã đốn hạ nhiều cây cổ thụ khiến không gian bị mất đi nhiều mảng xanh. Thay vào đó dựng lên các trụ biểu kỳ lạ mà Phó chủ tịch xã Quảng Đông, ông Nguyễn Văn Hoàng nói Trí Nhân Tâm lấy mô típ từ Phủ Dầy từ miền Bắc vào.
Một người dân ở thôn Vĩnh  Sơn, Quảng Đông, ông Võ Văn M cho biết: “Họ chặt cây vô tội vạ, chặt cây ở cổng tam quan, cây trước cửa đền, cây bên phải của đền, một số cây sau đền, toàn cây cổ thụ”. Ngoài ra cổng tam quan ngày trước nền nã, nay phết xi măng lên xơ cứng. Vị trí của ông thiện, ông ác ở cổng tam quan trước đây được xây miếu, nay bị đập rã miếu, trơ trọi lạ kỳ.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết cây bị chặt không được báo cáo, cổng tam quan hiện không như trước, nhiều chi tiết xấu cần phải làm lại.
Thầy cúng “nộp cheo”, bán sớ phong long
Chúng tôi có mặt ở đền Liễu Hạnh Công Chúa trong những ngày tháng 2.2014, thấy nhiều cảnh chưa từng có ở đây. Ở nhà biện lễ, người ta cho dán thông báo bán các loại sớ: “Cầu phúc, giải hạn, cầu siêu, cầu duyên, sớ phong long, sớ cầu con”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, bán sớ mỗi cái 10.000 đồng, mỗi ngày lễ tết thu vào chừng 10 triệu tiền sớ, đều do công ty Trí Nhân Tâm quản lý. Trong khi đó, phía sân hành lễ, xuất hiện hàng loạt thầy bói xem quẻ, ông Hoàng cho biết, đó là các thầy từ Hà Tĩnh vào, cũng do đơn vị này đứng ra mời.
Những người xem quẻ bói đông đúc, mỗi lần coi tuy tâm từng người 10.000 đồng hoặc cao hơn, cuối ngày, mỗi thầy phải đóng “cheo” cho đơn vị 200.000 đồng để hôm sau có chỗ tiếp tục xem bói.
 Bói toán các loại ở trong sân đền
Phía bàn ngoài, một nhân viên nữ của Ban quản lý đền ngồi bán từng chồng sớ được photo sẵn, người mua đắt như tôm tươi. Cảnh buôn thần, bán sớ chưa bao giờ diễn ra ở đây, nay được phô diễn công khai.
Những năm trước khi địa phương quản lý đền Liễu Hạnh Công Chúa, người dân hành hương được tổ chức phát phiếu thứ tự để dâng lễ, thắp hương, và có các quy định phù hợp phong tục. 
Năm nay Công ty Trí Nhân Tâm không tổ chức như thế, và nhân viên ngồi sẵn cạnh các hòm công đức để canh hòm tiền, có người mãi mê viết tiền cúng viếng, mặc cho lượng người vào như thế nào, thắp hương bất cứ ở đâu trong khuôn viên.
Ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết, tiền “giọt dầu” ở các hòm công đức mà người dân tự nguyện thì cuối ngày thống kê chừng 45-50 triệu, trong khi đó tiền công đức được ghi danh đều không được đơn vị công bố công khai mà phải cuối tháng hoặc cuối quý báo cáo qua sổ sách.
Sở văn hóa buông lỏng quản lý?
Trong các công văn chỉ đạo việc trùng tu tôn tạo đền cũng như quản lý ngân sách vận động để xây dựng các hạng mục xây mới, UBND tỉnh Quảng Bình luôn chỉ đạo sở VHTTDL cử cán bộ giám sát đầy đủ các hạng mục.
Nhưng làm việc với ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc sở được biết việc chặt cây không hề hay biết, không được báo cáo. Về các vấn đề bán sớ, xem bói trong sân hành lễ đền, ông Lương Văn Luyến cho biết là chỉ đạo kiểm tra để chấn chỉnh. Nhưng ngày 10.2 sự việc vẫn diễn ra bát nháo.
 Bán sớ trong sân đền
Trước đó, ngày 25.1, tại thông báo số 141/TB-VPUBND, ông Trương An Ninh đã thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Hữu Hoài: “Sở VHTTDL chỉ đạo chủ đầu tư rà soát lại hồ sơ thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết và dự toán, các hồ sơ thiết kế phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thi công”.
Ông Hoài cũng nhấn mạnh: “Việc huy động vốn của các tổ chức, cá nhân để thực hiện dự án giao cho UBND huyện Quảng Trạch chủ trì, UBND huyện Quảng Trạch quản lý nguồn vốn huy động theo phép luật”.
Chỉ đạo của tỉnh Quảng Bình cũng cho thấy, sở VHTTDL cần thành lập tổ giám sát, chỉ đạo Trí Nhân Tâm trong dự án trùng tu tôn tạo nhưng sở VHTTDL Quảng Bình hiện chưa thành lập tổ chỉ đạo này. Chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh là trước Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ về việc vạch rõ UBND huyện Quảng Trạch quản lý nguồn vốn cá nhân tổ chức, tức là cả tiền công đức, như Trí Nhân Tâm vẫn độc diễn.


Bài, ảnh: Quốc Nam


---
Đọc thêm từ Kiến thức

Đền thờ nổi tiếng trên quê hương Đại tướng

Thứ Năm, 17/10/2013 - 13:00

(Kienthuc.net.vn) - Đền thờ Liễu Hạnh công chúa tại Đèo Ngang, Quảng Bình vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của người Việt.

Đền thờ Chúa Liễu Hạnh nằm dưới chân Đèo Ngang, ở một khu đất khá bằng phẳng, ngay cạnh Quốc lộ 1A, phía sau Đền là dãy Hoành Sơn, trước là hồ nước, mặt đền hướng ra biển.
Ngôi đền nằm trong cụm di tích - danh thắng Đèo Ngang (Hoành Sơn Quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, Hòn La...).
Đây là cụm di tích còn tiềm ẩn nhiều khả năng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình.
Bậc thang dẫn vào điện chính khu Đền thờ Chúa Liễu Hạnh.
Phối cảnh khu tâm linh đền Bà Chúa Liễu Hạnh.
Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, Quảng Bình vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.
Đền thờ có diện tích khoảng 335m2. Từ đường thiên lý Bắc - Nam đi vào, lần lượt qua cổng đền, bức bình phong, cổng Tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ và đền Tiền, đền Hậu.
Toàn cảnh khu Đền Chúa Liễu Hạnh.
Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, chúng ta thấy đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang đậm truyền thống mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc.
Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí đối xứng, hài hòa, làm toát lên vẻ trang nghiêm của cả công trình kiến trúc đền.
Nhìn tổng quan, chúng ta có thể thấy được sự tài hoa về kỹ thuật xây dựng, về hội họa, tài ghép sành sứ của con người nơi đây.
Di tích Đền thờLiễu Hạnh công chúa, xét về quy mô, phong cách và vị trí trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để trân trọng, bảo tồn.
Điện sau, nơi thờ Chúa Liễu Hạnh đang được tu sửa.
Nhìn từ phía sau Đền thờ.
Những hoa văn trên hông phải điện thờ.
Điện thờ chính của Đền Chúa Liễu Hạnh.
Mái Đền thờ.
Khu nhà của Ban quản lý Đền.



---
Đọc thêm từ trang Du lịch Quảng Bình

Đền thờ Liễu Hạnh công chúa

Đền Liễu Hạnh Công Chúa
Đền nằm dưới chân núi Đèo Ngang, ở một khu đất khá bằng phẳng, sát đường thiên lý Bắc - Nam trước đây, phía sau đền là dãy Hoành Sơn, ngay trước mặt là hồ nước ngọt của xã Quảng Đông, mặt đền quay hướng Nam cũng là hướng biển.
Đền thờ Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, Quảng Bình vừa có sự tích riêng, vừa là hình tượng Mẫu Liễu Hạnh chung trong đời sống tâm linh của nhân dân ta.  Đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang có diện tích khoảng 335m2. Từ đường thiên lý Bắc - Nam đi vào, lần lượt qua cổng đền, bức bình phong, cổng Tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu. 
Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, chúng ta thấy đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách đối xứng, cân đối và hài hòa, sự cân xứng và đăng đối, hài hòa ở đây là nói lên sự trung chính, ngay thẳng và cũng là ước mơ của con người. Mặt khác, lối cấu trúc cân xứng, đăng đối và hài Hòa đó còn tạo ra vẽ đẹp cho kiến trúc, nghệ thuật và thể hiện sự trang nghiêm của cả công trình kiến trúc đền. Nhìn tổng quan, chúng ta có thể thấy được sự tài hoa về kỹ thuật xây dựng, về hội họa, tài ghép sành sứ của con người ở đây. Chủ đề trang trí với đền thường gắn liền với những quan niệm, tư tưởng và những ước mơ hoài vọng tốt đẹp của xã hội phong kiến Việt Nam nói riêng và cư dân văn minh nông nghiệp lúa nước phương Đông nói chung. Đó là các hình tượng như Tứ Linh (long, lân, quy, phụng), tứ thủ (cầm, kỳ, thi, họa), tứ quý (tùng, trúc, mai, sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long...Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối và đăng đối, chính bố cục này đã làm thêm phần trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa.
Đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang nằm trong cụm di tích-danh thắng Đèo Ngang (Hoành Sơn Quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, Hòn La...). Đây là cụm di tích còn tiềm ẩn nhiều khả năng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình. Nằm ở điểm cuối phía Nam còn nguyên vẹn về kiến trúc đền thờ Mẫu Liễu Hạnh như tục thờ Mẫu ở Phủ Giầy, Đền thờ như một minh chứng cho sự tích Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, trong truyền thuyết dân gian có từ lâu đời đã trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng đối với nhân dân Quảng Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Vì vậy, di tích đền Liễu Hạnh công chúa, xét về quy mô, phong cách và vị trí của nó trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để chúng ta trân trọng, bảo tồn.
print

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.