Một sự trùng hợp tựa như ngẫu nhiên, mà bây giờ, ông Lê Kiên Thành mới tiết lộ. Bài viết của chính nhân vật, vừa lên TNO ngày hôm nay.
Tháng 2 năm 2014,
Giao Blog
---
Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai
Tổng bí thư Lê Duẩn
17/02/2014 06:00
(TNO) Hôm nay, 17.2.2014, đúng 35 năm ngày mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, cũng là kỷ niệm 35 năm ngày cưới của tôi.
Năm 1979, tôi 24 tuổi, 7 năm quân ngũ và bắt đầu làm việc tại Viện kỹ thuật không quân.
Năm 1979, đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ được bốn năm. Có thể lớp trẻ bây giờ khó mà hình dung nổi bối cảnh đất nước lúc đó nhưng tôi cũng không thể nói gì cho đủ nghĩa hơn bằng ba chữ: Rất khó khăn! Hồi đó, bộ đội như chúng tôi được phát mỗi tháng 21 kg gạo nhưng vẫn đói bởi thiếu chất. Hồi đó, mỗi năm, mỗi người dân khó có nổi một bộ quần áo mới. Hồi đó, mẹ tôi làm ở Ban tuyên giáo An Giang, thỉnh thoảng lại phải “cứu viện” chất đạm cho các con, khi thì gửi ít tôm khô, hoặc các loại mắm Nam Bộ. Những đứa con miền Bắc của bà tập quen ăn mắm từ những ngày thiếu mặc, đói ăn đó.
Đầu năm 1979, khi quyết định sẽ cưới vợ, tôi vào An Giang thăm mẹ. Bà, người phụ nữ nhiều năm xa chồng con, biền biệt chiến trường có vẻ như chưa hề được sống một ngày của thời bình. Bà cho tôi xem những bức ảnh chụp những người dân bị Pol Pot giết hại. Lần đầu tiên, trong đời, tôi nhìn thấy hình ảnh những con người bị giết một cách khủng khiếp và man rợ như thế. Hàng chục, hàng trăm người đều chết cùng một tư thế: Miệng há ra, mắt mở man dại. Mẹ tôi giải thích họ bị đâm bằng những que nhọn từ hậu môn lên đến đỉnh đầu...
Năm 1979, trước ngày 17.2, những người lính chúng tôi đã được phổ biến về những va chạm lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Nói như thế để nhắc lại rằng, ở thời điểm đó, đất nước chúng ta ở vào thời điểm vô cùng khó khăn. Thiếu, đói... chỉ là yếu tố rất nhỏ trong 2 chữ KHÓ KHĂN đó.
Thế nhưng, cũng sẽ chẳng ai hình dung nổi, khi còn thiếu mặc và đói ăn đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ thử nghiệm chế tạo máy bay...
Ngày 16.2, báo động cấp 1 toàn quân được chuyển xuống cấp 3.
Sáng thứ bảy,17.2.1979, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới.
Tối hôm đó, đám cưới của tôi vẫn diễn ra. Vẫn gần đông đủ những cán bộ cao cấp: Trường Chinh, Tố Hữu, Đại tướng Văn Tiến Dũng... Gọi là đám cưới nhưng thực ra thì cũng là một bữa tiệc nhà có chút rượu, trà thuốc và kẹo. Tôi thoáng thấy sự căng thẳng trên gương mặt của những lãnh đạo đơn vị và quân chủng không quân.
Cha tôi - Tổng bí thư Lê Duẩn - và các lãnh đạo cao cấp vẫn nói chuyện bình thường, không nhắc gì về những gì đang diễn ra ở biên giới. Đặc biệt, nét mặt cha tôi rất bình thản, không hề để lộ (hoặc có thể không có) cảm giác âu lo hay căng thẳng gì. Cũng có thể nhờ thế, chỉ vài chục phút sau khi bắt đầu hôn lễ, không khí căng thẳng trong nhóm sĩ quan quân đội được giải tỏa, trở lại bình thường. Hôm sau, một người bạn binh ngũ nói với tôi: “Hôm qua thấy đám cưới vẫn diễn ra, thấy mọi việc vẫn bình thường, và đặc biệt, nhìn nét mặt của ông già mày, bọn tao tin Trung Quốc chẳng đánh đến Hà Nội được đâu...”.
Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ có một đám cưới như trong nhiều bộ phim mà mình từng xem thời niên thiếu: Sau đám cưới, chú rể trở về ngay đơn vị...
Ngay sau ngày cưới, tôi trở về đơn vị và bắt đầu cuộc sống của người lính thời chiến tranh. Thỉnh thoảng chủ nhật vợ tôi đến thăm chồng; khi ra về mắt đỏ hoe, làm tôi thấy thương cảm vô cùng!
Lúc đó, nghe nói rằng, chúng ta đã chuẩn bị cho một cuộc chiến bằng không quân để bảo vệ biên giới.
Thế nhưng, điều đặc biệt là những ngày tháng đó, Hà Nội vẫn bình thường. Bình thường trong một cuộc chiến hết sức không bình thường. Khi tiếng súng đã nổ ra ở biên giới nhưng mấy tháng sau thì kết thúc, người Hà Nội điềm tĩnh pha chút tự hào kín đáo nhìn lại: Trung Quốc đã không thể kéo dài cuộc chiến và không thể đánh đến Hà Nội...
Cha tôi còn nói: Nếu theo lẽ bình thường, Trung Quốc không nên đánh Việt Nam...
Nhưng có lẽ người Việt Nam là vậy, một khi điều bất bình thường nhất đã xảy ra, họ bình thản đón nhận.
Và tới năm 1980, chiếc máy bay đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và chế tạo mang tên TL-1 đã bay trên bầu trời Tổ quốc. Năm 1981, đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên là Lê Kiên Dũng.
Và cũng là bình thường khi kỷ niệm 35 năm ngày cưới, tôi không thể quên, ngày cưới của mình trùng với ngày nổ ra chiến tranh biên giới. Tất nhiên không nên ôm chặt những chuyện không vui của quá khứ nhưng hãy hiểu quá khứ để nhìn về tương lai một cách chuẩn xác hơn!
Lê Kiên Thành
---
BỔ SUNG
1. Ngày 16/7/2021
Hôm nay, 16/7/2021, sinh nhật lần thứ 40 của con trai đầu.
Thời gian, mỗi khi ngoảnh lại, chỉ là một khoảng khắc.
Nhớ buổi sáng hôm đó ở đơn vị, khi nghe tin con trai chào đời, 2,6 cân, thật bồi hồi khó tả.
Khi mới lập gia đình, người ta hay chỉ có cảm giác thay đổi về lượng, cuộc sống đang 1 bỗng nhiên 2, dẫu gấp đôi nhưng vẫn là lượng. Nhưng khi sinh con lại khác hẳn, thay đổi về chất. Mình đấy nhưng không phải là mình nữa. Cho nên người ta mới nói:” sinh con rồi mới sinh cha!”
Không gì chính xác hơn. Không gì sâu sắc và biện chứng hơn.
Từ lúc đó, tôi cứ nghĩ, đó là con mình thật, nhưng còn là con của trời đất nữa!
Sau này, tôi thật khó chịu khi nghe những người mắng con:” tao đẻ mày ra, nuôi mày, bây giờ mày phải…”
Cái hay, cái tinh vi của cuộc sống là ở chỗ, để duy trì sự tồn tại, nên có tình yêu đầy men say, có khoái cảm đầy cuốn hút, hai người gần nhau bao giờ cũng vì mình, vì sung sướng của mình trước và từ đó những cậu bé, cô bé mới xuất hiện trên trần gian. Nếu làm chuyện đó mà đau đớn, khổ sở, chịu đựng thì hãy kể công với con, đằng này…
Hôm tôi đến xem mặt con ở viện 108, thấy cô y tá đẩy xe thức ăn lên dốc bèn giúp. Xong, cô quay lại cười:” cám ơn bố Dũng nhé!”, tôi cứ ngạc nhiên không hiểu cô ấy nói ai. Rồi sực nhớ con mình định đặt tên là Lê Kiên Dũng.
Rồi con đi những bước chân đầu tiên. Rồi những lý luận đầu tiên:” con thích đi đất giống con gà kia!”
Có những khoảng khắc mà tôi cứ giật mình, thế là con đã lớn, đã trưởng thành:
- Đó là lúc quay lại Mátxcova, con mới học lớp 7, tôi đang lén nhìn một cô gái có chiếc váy cũn cỡn thì con bảo:” cô ấy chân đẹp nhỉ, bố!”
- Đó là lúc con từ chối ở lại học thêm tại nước Mỹ giàu có:” con không muốn đi làm thuê suốt đời, bố ạ!”
- Đó là lúc con nhìn thẳng vào mắt tôi:” cứ như thế này, bố nghĩ đảng còn tồn tại bao nhiêu năm nữa?”
- Đó là lúc con trở về từ cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm phạm lãnh hải, mặt đỏ au và mồ hôi nhễ nhại, chỉ có đôi mắt là sáng rực ngọn lửa yêu nước.
Mấy hôm nay con đang oằn mình cùng thành phố chống chọi với cơn bạo dịch.
Mọi cố gắng gầy dựng của mười mấy năm có thể mất hết.
Nhưng tôi vẫn tin ở con chỉ bởi một điều đơn giản: con tôi đã lớn, đã trưởng thành!
Con được Forbes Việt nam phỏng vấn |
Sau mười năm, làm chủ chuỗi 19 nhà hàng tại thành phố. |
Những ngày học mẫu giáo ở Đup na, Liên xô. |
Học sinh lớp 2, trường số 9, thành phố của khoa học hạt nhân, Đup na. |
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1053893995017088&id=100011894928988
..
..
Ông quảng cáo cho bản thân và gia đình nhiều trong những ngày gần đây, nhũng người như chúng tôi được sống trong thời kỳ bố ông lãnh đạo đất nước, sẽ không một ai quên .song ông nên để lịch sử phán sét là công bằng,phải không thưa ông THÀNH.
Trả lờiXóa