Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

06/01/2014

Nên giữ hay nên bỏ Tết âm : Cụ Hồ Chí Minh không cho bỏ

Vẫn là đăng lại entry cũ từ năm 2010, trên blog YH (đã đóng cửa)


Chuyện nên bỏ hay nên giữ Tết ta (Tết Nguyên đán), tức là cái Tết đang đến sát ngoài cửa mỗi gia đình nước Việt Nam này, tưởng là chuyện tầm phào, nhưng thật ra là một bài toán hóc búa.
Hóc là bởi vì, loang quanh thế nào, câu chuyện chuyển sang màu sắc "gìn giữ bản sắc dân tộc".
Cụ Hồ Chí Minh nhất định không cho bỏ Tết ta, cũng là vì cụ nhấn mạnh đó chính là "bản sắc dân tộc". Chuyện là thế này.
Bắt đầu là kể về các nhân vật đã, là hai ông cụ: Nguyễn XiểnHồ Chí Minh.
Cụ Nguyễn Xiển, chắc bây giờ nhắc đến tên, chắc có ít người biết đến. Tôi thì biết cụ từ hồi nhỏ, vì nhiều lẽ, mà đáng nhớ nhất là những cuốn sách của cụ trên giá sách của gia đình. Đó là những cuốn sách về khí hậu nước ta, mà bây giờ tôi đã làm thất lạc, rất lấy làm tiếc.
Cụ Xiển vốn là đảng trưởng của Đảng Xã hội Việt Nam (chúng tôi gọi vui là "đảng trưởng", chứ chắc tên chính thức là "tổng thư kí" hay "chủ tịch" gì đó). Sau này, cụ có giữ chức lớn ở Quốc hội.
Viết đến đây, tôi thử vào mạng tra cứu một chút, thấy có một bài của bác Nguyễn Toán (giáo sư bên ngành toán, con trai cụ Nguyễn Xiển) viết về về cha mình, ở đây. Thú vị là trong bài, bác Nguyễn Toán cho biết 2 chi tiết sau:
- Ngay sau Cách Mạng Tháng Tám, cụ Hồ Chí Minh đã giao cho cụ Nguyễn Xiển "làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc Bộ, sau kiêm GĐ Nha Khí tượng VN từ 1945 với một trong những nhiệm vụ đột xuất là chỉ đạo, tổ chức hàn đê, chống lụt lớn năm Ất Dậu trên 13 tỉnh ở miền Bắc",
- Cụ Nguyễn Xiển rất "sùng bái" cụ Hồ Chí Minh, đến mức "Bác Hồ bảo gì, tôi làm nấy, chẳng từ nan. Từ hàn đê, chống lũ lụt, dự báo thời tiết, dạy học, nghiên cứu và phổ biến khoa học kỹ thuật… cho đến cứu tế xã hội, mặt trận, Quốc hội, đối ngoại.. "
Hai chi tiết trên có liên quan đến đề án BỎ TẾT ÂM LỊCH mà cụ Nguyễn Xiển đã đưa ra, mà tôi sẽ kể dưới đây.
Cụ Xiển đã có một đề án đề nghị chính phủ của cụ Hồ bỏ luôn Âm lịch, cũng tức là bỏ cả Tết Âm lịch. Cụ Xiển đã mang đề án đó lên trình cụ Hồ.
Cụ Hồ suy nghĩ, rồi bảo với cụ Xiển:
- Nếu Dương lịch, theo chú, lợi cho sản xuất thì cứ dùng, nhưng …. bỏ lịch ta thì không nên. Nhất là lúc này, đang vì Hiệp định Geneve mà phải chia cắt Bắc – Nam, miền Nam vẫn dùng cả Dương lịch và Âm lịch, nếu miền Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ta bỏ Âm lịch thì e người ta lại nói mình thêm chia rẽ Bắc Nam.
Lại suy nghĩ thêm một chút, rồi cụ Hồ tiếp:
- À, mà chú định bỏ Âm lịch tức là sẽ bỏ cái Tết à ? Càng không nên ! Tết là một sinh hoạt văn hóa cổ truyền, đã ăn sâu vào đời sống tâm thức của dân gian ta. Bỏ Tết là bỏ mất một nét văn hóa đặc sắc của dân ta chú ạ.
Và thế là, cụ Hồ đã không kí sắc lệnh bỏ Âm lịch như cụ Xiển đề nghị !
(tqv, TĐ, 2009, pp 66-67)
Bạn có suy nghĩ như thế nào về đề án của cụ Nguyễn Xiển và quyết định của cụ Hồ Chí Minh ?

3 nhận xét:

  1. Hồi ấy thì mình làm cái gì cũng dễ, tiêcslà các cụ không dám xuống tay vì con là sinh mệnh chính trị và còn là vần đề Nam - Bắc ai giữ gìn bản sắc dân tộc hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Đang học tập đạo đức của người, giáo chủ đã quyết thế cấm có cãi !

    Trả lờiXóa
  3. vấn đề này chỉ có đồng chí lê duẩn có khả năng làm thôi. tiếc rằng đồng chí ấy đã quên.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.