Một trong những khối tài liệu quí hiếm đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, là tài liệu được viết bằng chữ Hán – Nôm. Trong đó, bằng của Bộ Lại cấp cho Phạm Nam, giữ chức thí quan Phòng ngự thiêm sự ty Phòng ngự sứ, để lo việc coi quân dân tại châu Tàm, phủ Thanh Đô. Văn bản này được viết trên giấy dó, khổ giấy 60 x 61 cm, có trang trí hoa văn trong viền khung bao quanh văn bản, chữ viết theo kiểu chữ “lệ”, niên đại năm Hồng Đức 19 (1488). Xin giới thiệu với độc giả bản phiên âm, dịch nghĩa toàn văn bản đó:
Phiên âm :
Lại Bộ vi thí quan sự.
Hồng Đức thập cửu niên thập nhất nguyệt thập ngũ nhật, ty Lễ giám Hữu giám thừa Nguyễn Đôn đẳng khâm phụng sắc chỉ, chuẩn bản bộ phụng thuyên Phạm Nam thí Thanh Đô phủ Tàm châu đoàn ban loát nhị quan quân dân phòng ngự sứ ty phòng ngự thiêm sự. Khâm thử.
Phụng sao đáo Bộ bản niên nguyệt nhị thập nhất nhật, bản bộ quan ư Kính Thiên môn cụ tấu, điền tả thí tự lục thiên ngũ bách bát thập tứ hiệu bán ấn kham hợp phó bản quan chấp chiếu.
Tu chí cấp bằng giả, Phạm Nam Thanh Đô phủ Da Quan châu Vân Lung động thổ tù vi bản xứ. Đô, Thừa, Hiến tam ty quan Trịnh Qúy Thuật đẳng, khám cận tiện bản phủ Tàm châu đoàn ban loát nhị quan nghi quản thúc thổ binh thủ bị. Phụng Thánh chỉ kham vi phòng ngự thiêm sự. Kim phụng thí Thanh Đô phủ Tàm châu đoàn ban loát nhị quan quân dân phòng Ngự sứ ty Phòng ngự thiêm sự.
Hữu cấp phó thí Phòng ngự thiêm sự Phạm Nam chuẩn thử.
Hồng Đức thập cửu niên thập nhất nguyệt nhị thập nhất nhật. Đô lại Nguyễn Duy Ba thừa.
Dịch nghĩa :
Bộ Lại cấp bằng bổ chức thí quan [1].
Ngày 15 tháng 11 năm Hồng Đức 19 (1488), bọn thần Nguyễn Đôn là quan Hữu giám thừa ty Lễ giám khâm phụng sắc chỉ của nhà vua, theo phê chuẩn của bản bộ (bộ Lại) chọn Phạm Nam giữ chức thí quan Phòng ngự thiêm sự ty Phòng ngự sứ, chuyên lo coi giữ quân dân tại châu Tàm phủ Thanh Đô [2]. Khâm thử.
Phụng sao (sắc chỉ) đến Bộ (Bộ Lại) ngày 21 tháng năm này, quan bản Bộ đến cửa điện Kính Thiên [3] tấu đầy đủ việc này, điền vào chữ thí số 6584, cấp bằng bán ấn kham hợp[4] và giao bản quan làm chứng cứ thi hành.
Cấp bằng cho Phạm Nam, người động Vân Lung châu Da Quan phủ Thanh Đô và là tù trưởng xứ đó. Bọn quan Trịnh Quý Thuật ở 3 ty Đô, Thừa, Hiến quan sát thực địa gần châu Tàm phủ này, thấy cầnđiều động người rà soát việc quân dân, quản thúc thổ binh cho thích hợp. Phụng mệnh chiếu chỉ của nhà vua, chọn Phạm Nam có thể đảm nhận được chức Phòng ngự thiêm sự. Nay Phạm Nam nhận chức Thí quan Phòng ngự thiêm sự [5] ty Phòng ngự sứ, lo việc coi giữ quân dân tại châu Tàm phủ Thanh Đô.
Trên đây cấp bằng và giao làm chức thí quan Phòng ngự thiêm sự. Phạm Nam theo đó mà thi hành.
Ngày 21 tháng 11 năm Hồng Đức 19 (1488). Đô lại Nguyễn Duy Ba thừa lệnh thảo. (Dấu vuông màu đỏ: Lại bộ chi ấn).
Tại Việt Nam hiện nay, những bản gốc của thế kỷ 15 trở về trước còn lại không nhiều. Tuổi thọ trên 500 năm, với bao thay đổi của lịch sử và khí hậu nhiệt đới, văn bản này vẫn tồn tại, điều này chứng tỏ ý thức giữ gìn di sản văn hóa dân tộc của nhiều thế hệ cha ông thật đáng để thế hệ trẻ ngày nay học tập và phát huy, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu và truyền lại cho thế hệ sau. Ngoài giá trị về mặt nội dung, văn bản này còn chứa đựng giá trị về mặt hình thức như: ngôn ngữ, kiểu chữ, dấu ấn, vật liệu chế tác....
Ths. Đoàn Thị Thu Thủy – TTLTQG I
Chú thích :
1. Thí quan: Chế độ thực tập đối với những người tập sự trong cơ quan nhà nước. Những người tạm tuyển (chưa bổ dụng chính thức) phải qua một thời gian 3 năm thực tập, khi mãn hạn phải qua một khoá sát hạch mới được bổ chính thức vào chính ngạch.
2. Phủ Thanh Đô: là 1 trong 4 phủ của nội trấn Thanh Hoa, nay thuộc địa phận tỉnh Thanh Hoá.
3. Điện Kính Thiên nằm trong Hoàng cung thời nhà Lê (thế kỉ 15-18) ở Thăng Long - Đông Kinh (Hà Nội).
4. Bằng bán ấn kham hợp: là bằng được đóng dấu đã chia làm 2 nửa, sau khi kiểm tra, đối chiếu 2 nửa, nếu thấy khớp nhau là đúng.
5. Phòng ngự thiêm sự: là chức của viên chỉ huy ở địa phương, có hàm tòng thất phẩm.
http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=104753
Trả lờiXóaHình ảnh thì chưa lục ra, sẽ sớm hầu cụ Giao về sắc phong "Hồng Đức" này. (Hồng Đức nhưng viết chữ Nguyễn sơ và còn chua thêm dòng "Tự vương..." - chứng tỏ kĩ nghệ làm giả của các cụ quá kém).
Mình đã xem tin em gửi trong link (comment trên).
XóaĐúng thế, các cụ đã làm đồ giả từ lâu rồi mà.