Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

12/12/2013

Đã xác định được danh tính hài cốt cụ bà mai táng 300 năm trước, khỏi cần ngoại cảm

Lại thấy đang rộ lên sự kiện tìm được xác ướp ở địa bàn Hà Nội (có thể xem bên bác tranhung09, xem video clip khai quật ).

Xác ướp cụ bà đang được nhóm bác Nguyễn Lân Cường nghiên cứu. Ở hướng khác, từ tư liệu Hán Nôm (đã dịch), người ta tựa như xác định được cả danh tính của cụ bà rồi:


mo8-2781-1386818775.jpg
Cụ bà Nguyễn Thị Rạ


Vậy là khỏi cần đến ngoại cảm. 

Gần đây, có những trường hợp, người ta phải nhờ những nhà ngoại cảm xác định danh tính, không phải cho hài cốt, mà cho cả một số ngôi tượng nữa. Tượng theo nhóm đặt trong chùa. Người đi nhờ là một chuyện, nhưng nhà ngoại cảm thì quá siêu, đọc luôn được cả tên họ của các vị tượng. Sự kì diệu và không tốn sức đó, phải nói, tôi không thể không ngả mũ kính phục (và cũng là "kính lạy chạy xa" luôn). Lúc khác tôi sẽ kể.

Trở lại sự kiện cụ Nguyễn Thị Rạ, thì đọc nguyên bài dưới đây (của VnE).

---
Thứ năm, 12/12/2013 11:13 GMT+7


Khai quật mộ cổ 300 năm ở Hà Nội

Mấy ngày nay, người dân thôn Phú Mỹ (Ngọc Mỹ, Quốc Oai) bàn tán xôn xao về ngôi mộ có niên đại khoảng 300 năm, bên trong có quan tài chứa thi thể người phụ nữ còn khá nguyên vẹn, thể hiện kỹ thuật mai táng công phu của người xưa.

mo4-8580-1386818774.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cùng đồng nghiệp xem xét thi thể. Ảnh do tiến sĩ Cường cung cấp.
Ngôi mộ trên được cho là của dòng họ Doãn. "10h đêm ngày 10/12, chúng tôi đã mang thi thể cụ đi mai táng ở gò Đìa Đanh trước sự chứng kiến của chính quyền và bà con. Họ Doãn dự định sẽ xây dựng cho cụ một khu mộ mới và khang trang", ông Doãn Mạnh Hà, hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Doãn cho biết.
Chiều 7/12, trong lúc thi công xúc đất hạ đường để làm giao thông thủy lợi nội đồng trên cánh đồng Chằm, thì bất ngờ chiếc máy xúc đụng phải ngôi mộ mất nấm và để lộ ra chiếc quan tài. 
Theo yêu cầu của địa phương, Bảo tàng Hà Nội cùng PGS, TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký hội khảo cổ học Việt Nam đã tới tìm hiểu sự việc. Sau khi làm thủ tục tâm linh, 15h15 chiều 10/12, ông Cường cùng đồng nghiệp đã mở nắp quan tài cổ trong sự chứng kiến của khoảng ba đến bốn nghìn người địa phương. 
Thi thể bên trong quan tài khá nguyên vẹn, hai ngón chân được buộc vào nhau và lồng trong tất làm bằng vải thô. Phần quách của quan tài, bị vỡ gần hết do tác động của máy xúc, có màu cà-phê sữa và rất mịn. "Các quách khác thường còn rõ hạt gạo rang hay vôi vữa xung quanh còn thô, nhưng cái này rất mịn và rắn chắc", ông Cường nói.
mo1-4490-1386818774.jpg
Thi thể còn nguyên tóc và là một khối nguyên vẹn. Ảnh do tiến sĩ Cường cung cấp.
Lật nắp, nhóm khoa học thấy lớp ván trên nối với phần thân của quan tài bằng chốt gỗ chắc chắn, bên dưới còn lớp ván mỏng. Mở lớp ván mỏng thì thấy xác được bọc bằng ba chiếc chăn vải gai và buộc nút trên bụng. "Vì máy xúc tác động mạnh nên nước bên trong đã chảy ra ngoài, tấm vải bị ướt và dễ rách. Chúng tôi đã mang về bảo tàng để phơi khô và nghiên cứu mẫu nước", ông Cường cho biết.
Chuyên gia khảo cổ nhận định, thi thể là của người phụ nữ cao khoảng 1m65, được mặc khoảng 10 cái áo và một chiếc quần, tóc dài, răng nhuộm đen, trong miệng ngậm đồng tiền rỉ nên các chuyên gia không nhìn thấy chữ viết trên đồng tiền.
Trong quan tài, người xưa chèn thêm mấy chục cuộn giấy bản; hai bên thái dương là hai gối vải, bên trong có bông. Một gối vải khác dài 60 cm, đường kính 10 cm đặt ở giữa hai chân thi thể.
"Theo chúng tôi, kỹ thuật mai táng đó chỉ có ở thời Hậu Lê, không thể ở đời Lý hay Trần, với niên đại cách đây khoảng 300 năm. Trong miền nam có thể kéo dài muộn hơn tức là thời Nguyễn vẫn còn hình thức mai táng này", ông Cường nói. 
Có điểm chú ý khác, theo ông Cường là các mộ thường có hiện vật, nhưng ngôi mộ ở Quốc Oai thì không. "Loại hình mai táng này thường là của người theo đạo Phật, hoặc người giàu có, hay vua chúa, chứ dân nghèo không thể mai táng như thế", ông Cường nhấn mạnh.
Trước khi ngôi mộ được cho là thuộc dòng họ Doãn, có rất nhiều người ở nơi khác cũng đến nhận, trong đó có dòng họ Đặng Trần, Nguyễn Lương... Tuy nhiên các dòng họ này không có căn cứ vì vậy đã tự rút lui.
Ông Hà tìm trong gia phả có ghi chép và chứng minh ngôi mộ là của dòng họ Doãn. Ảnh: Hương Thu.
Ông Hà tìm trong gia phả có ghi chép và chứng minh ngôi mộ là của dòng họ Doãn. Ảnh: Hương Thu.
Theo ông Mạnh Hà, dòng họ Doãn có đầy đủ ghi chép trong gia phả. Nhiều người cao tuổi trong làng cũng nói rõ, khu ruộng có ngôi mộ ngày xưa là của dòng họ. "Ngoài ra, các cụ cao tuổi vẫn nhớ khu mồ mả của dòng họ ở khu vực đó", ông Hà nói thêm. Mặt khác, kết luận của các nhà khoa học về niên đại ngôi mộ cũng tương ứng với thời gian mất của cụ bà.
Theo gia phả, cụ bà có tên là Nguyễn Thị Dạ, thuộc đời thứ 4, hiệu là Kiệu Kiên, được phong là tiết phụ. Chồng của bà tên Đặng Khoa, hiệu là Thái Hoa, thọ 31 tuổi và giỗ ngày 3/8.
Về cụ bà, gia phả có viết: "Năm tuổi trẻ (28 tuổi) gặp lúc khốn ách (chồng bị người mưu hại), người thân thuộc không có ai, các con bé dại. Bà hết sức sửa sang việc gia đình, thờ chồng nuôi con. Con cả cho đi học, con thứ cho đi cày, con nào cũng đều làm nên cả. Thọ được 70 tuổi, giỗ cụ về ngày 9 tháng 12".
mo8-2781-1386818775.jpg
Gia phả dòng họ Doãn có ghi chép đầy đủ về cụ bà Nguyễn Thị Dạ. Ảnh: Hương Thu.
Về vấn đề xác định thi thể cụ bà là của dòng họ nào, theo tiến sĩ Nguyễn Lân Cường không khó, chỉ cần mang mẫu tóc đi xét nghiệm DNA là có thể đưa ra kết luận chính xác. 
Hương Thu

---
Bổ sung 1 (13/12/2013):

Lấy về từ Soha

Hé lộ danh phận quyền quý của thi hài trong mộ cổ

theo Công an nhân dân | 12/12/2013 15:51

Thi hài cụ bà còn nguyên vẹn sau 300 năm nằm trong lòng đất.

Đây là mộ của một người phụ nữ giàu có sống cách nay khoảng 300 năm. Thi hài còn nguyên như một xác ướp nên việc giám định ADN có thể tiến hành được.

Những người dân địa phương cho hay, nơi phát hiện ngôi mộ cổ là một gò ruộng thuộc cánh đồng Chằm ven đại lộ Thăng Long (cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km).
 Trước đó, ngày 7/12, trong lúc thi công công trình thủy lợi và giao thông nội đồng, một chiếc máy xúc đã gạt trúng ngôi mộ cổ cấu tạo kiên cố theo kiểu “trong quan, ngoài quách”. Lớp ngoài chiếc quan tài được trám bằng một loại hợp chất mịn như sành và dày khoảng 5cm, tiếp đó là các tấm gỗ dày loại tốt…
Ngay sau khi phát hiện được ngôi mộ, chính quyền địa phương đã lập biên bản, báo cáo với cơ quan chức năng. Phòng VH-TT huyện Quốc Oai và Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP Hà Nội đã cử người về khảo sát và nhận định đây là một ngôi mộ cổ có niên đại khoảng 300 năm, thuộc thời Hậu Lê… 
Ngôi mộ cổ lập tức được bảo vệ chu đáo, chờ cơ quan chức năng về khai quật, giám định. Sự kiện này đã thu hút hàng ngàn người dân đến chiêm bái, thắp hương cho người quá cố.

Hé lộ danh phận quyền quý của thi hài trong mộ cổ
PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhắc các các đồng nghiệp cẩn trọng mở nắp chiếc quan tài cổ.
Chiều 10/12, một đoàn công tác do PGS.TS Nguyễn Lân Cường chủ trì, cùng Hội Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Nội đã có mặt để giám định ngôi mộ. Trước giờ tiến hành mở quan tài, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng đoàn đại diện dòng họ Doãn tại địa phương đã kính cẩn thắp hương, khấn lễ. 
Theo ông Doãn Quang Tuyến (75 tuổi), Trưởng hội đồng gia tộc họ Doãn và ông Doãn Văn Vinh (54 tuổi), thì đây là ngôi mộ đã từ lâu bị thất lạc của một cụ bà trong họ, có ghi chép trong gia phả.
Ông Vinh khẳng định: “Ngôi mộ này nằm trong phần ruộng nhà tôi từ trước 1954; sau cải cách ruộng đất, gia đình tôi vẫn được giao quyền sử dụng, canh tác liên tục cho đến nay. Theo lệ xưa, chỉ có ruộng nhà mình thì mới được an táng những người quá cố trong gia tộc”. 
Ông Tuyến cho biết thêm: "Khi công nhân làm thủy lợi, chúng tôi phát hiện ba chiếc quan tài, hai chiếc được chôn cất bằng quan tài gỗ bình thường còn một chiếc thì được bao bọc trong quan ngoài quách. Hai ngôi mộ kia đã được cải táng, còn ngôi mộ cổ được canh giữ cẩn thận chờ cơ quan chuyên môn giám định".

Hé lộ danh phận quyền quý của thi hài trong mộ cổ
Thi hài cụ bà còn nguyên vẹn sau 300 năm nằm trong lòng đất.
Lớp hợp chất bên ngoài rất mịn và chắc chắn, tách đến đâu tỏa ra mùi hương thơm ngào ngạt đến đấy. Khi tấm ván thiên được cố định bởi chốt gỗ (dạng cá, giống hình chữ X) được bật ra, mặt trên quan tài còn có thêm một tấm ván mỏng hơn nằm dưới ván thiên. Bật nốt tấm ván này, mùi hương càng nhiều; phía trong quan tài được sơn màu đỏ, vẫn tươi mới, hầu như khô ráo.
 Thi hài được chèn, kê bằng hàng chục cuộn giấy bản; hai bên tai chèn 2 gối bông, giữa hai chân cũng được chèn một gối bông hình trụ, dài khoảng 60cm, đường kính khoảng 10cm (như một chiếc gối ôm).
Thi hài được mặc nhiều lớp áo dài từ đầu đến chân có những nút buộc rất khéo và kĩ. Sau khoảng 10 lớp vải (có thể là loại vải gai và một lớp gấm vẫn còn rất chắc chắn), là cái xác khô còn nguyên vẹn của một cụ bà, theo đúng nghĩa “da bọc xương”, bộ tóc dài còn nguyên vẹn; khuôn mặt còn rõ hình, miệng mở; hàm răng dưới vẫn còn đủ, hàm trên còn một số răng nhuộm đen… Chiều dài của thi thể từ đầu đến chân đo được 165cm. Không thấy đồ tùy táng có giá trị.
Hé lộ danh phận quyền quý của thi hài trong mộ cổ
Đại diện dòng tộc họ Doãn cung kính thắp hương trước khi mở nắp chiếc quan tài cổ.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: “Nhiều khả năng đây là ngôi mộ thuộc thời Hậu Lê, có niên đại trên dưới 300 năm. Người quá cố là một phụ nữ, trên 60 tuổi.
 Trong quan tài không thấy dung dịch, có thể đã bị chảy ra ngoài qua kẽ hở. Trước đây, một số ngôi mộ cổ đã được phát hiện, đều có dung dịch (chưa rõ là chất gì) để bảo quản, giữ nguyên xác trong hàng trăm năm… 
Trong miệng của cụ bà này, chúng tôi tìm được một đồng tiền cổ nhưng không đọc được thông tin gì vì nó đã bị ôxi hóa”.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết thêm: “Đây là mộ cổ được làm bằng hợp chất, ở Việt Nam phát hiện hàng trăm ngôi mộ như thế này. Cấu tạo mộ này được người xưa làm theo kiểu trong quan ngoài quách thường có thời Hậu Lê, ở miền Bắc có niên đại khoảng 300 năm, miền Nam thì có vào thời Nguyễn khoảng 200 năm. Lớp quách bên ngoài làm bằng gạo trộn vôi vữa và mật.
 Nguyên tắc làm mộ kiểu này là làm quách trước, đặt quan tài sau. Sau khi đặt quan tài vào, họ sẽ trát lớp bồi vào cho kín. Khi phá quách thì mới thấy quan tài. 
Các mộ cổ khác thường đóng đinh ngang bằng đồng để cố định các tấm ván quan tài, nhưng mộ này họ lại dùng “cá” chốt hai bên. Gỗ đóng quan tài là gỗ Ngọc Am. Chắc chắn cụ bà nằm trong ngôi mộ cổ là một người có danh phận cao quý, giàu có thì mới được an táng như thế này. Kết quả khai quật chính xác phải 4 - 5 tháng mới có".

5 nhận xét:

  1. Mình nghĩ chưa đủ căn cứ để cho rằng người trong quan tài thuộc dòng họ Doãn.
    "Ngôi mộ trên được cho là của dòng họ Doãn. "10h đêm ngày 10/12, chúng tôi đã mang thi thể cụ đi mai táng ở gò Đìa Đanh trước sự chứng kiến của chính quyền và bà con."
    Nghĩa đã chôn lại, nhưng sao thế này:
    "Hiện nay, để xác định ngôi mộ này thuộc dòng họ, gia đình nào cũng khó. Bởi nó đã tồn tại mấy thế kỉ, không có sử sách gia đình nào xác định đó là mộ của họ. Vì thế, phải chờ Bộ VH-TT-DL vào cuộc sau đó mới xác định rõ mộ này của ai, có từ thời gian nào."...
    "Nếu họ muốn biết cụ thể cụ bà trong mộ có phải là người của gia đình mình không, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho gia đình lấy mẫu tóc đi giám định ADN sẽ biết chính xác."
    Chiện này mới ác đạn:
    "Trước sự việc có nhiều dòng họ xin nhận mộ, chính quyền địa phương đã có phương án cho các dòng họ nhận ngôi mộ là của mình làm giấy cam kết nếu trong quan tài là vàng bạc hay các hiện vật có giá trị thì sẽ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, còn nếu chỉ là xương cốt thì phải đợi kết quả xét nghiệm để xác thực."
    Thông tin khá chi tiết trong ở 2 bài này:
    http://www.tienphong.vn/xa-hoi/662543/Phat-hien-xac-uop-phu-nu-trong-mo-co-la-o-Ha-Noi-tpol.html
    http://www.baomoi.com/Dong-ho-nao-duoc-nhan-ngoi-mo-co-o-Quoc-Oai/79/12645221.epi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bắt quả tang Dzao dám cải tên bà cụ nhá, coi lại đi đồng chí! .

      Xóa
    2. Vàng bạc châu báu thì thuộc nhà nước, xương cốt thì lại thuộc về nhân dân. May quá, chắc lần này, chỉ có xương cốt thôi bác Cạo ạ.

      Em theo tên viết trên tờ giấy mà.

      Xóa
  2. Vào khoảng từ năm 1970 đến 1974 dân ở thôn đó cũng đào thấy một ngôi cổ (ở khu vực Quán xanh) nhưng không thấy có dòng họ nào đứng ra nhận như bây giờ.Có lẽ tại hồi đó dân còn .. nghèo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Báo chí hồi đó cũng hạn chế. Và nhất là chưa có mạng và hệ thống thông tin mạng như bây giờ bác ạ.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.