Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

29/11/2013

ĐỒNG BÓNG theo cách giải thích của cụ An Chi (1993, 2013)

Vừa rồi, bác Lý có đi một entry khá dí dỏm là Anh ngố, anh biết quái gì về ngoại cảm. Nhờ bác nhắc đến khái niệm đồng bóng, thì tôi mới nhớ ra là cụ An Chi ngày trước đã có dẫn giải.


1. Trích nguyên từ entry của bác Lý, để biết rằng, dẫn giải của cụ An Chi đã xuất hiện trên tờ Kiến thức ngày nay từ hồi tháng 8 năm 1993.

"
Tôi trích theo cụ An Chi (Huệ Thiên), Kiến thức ngày nay số 115, ngày 01-8-1993, cho nó có "máu" học giả:
“Đồng là một từ cổ có nghĩa là cái kiếng, cái gương. Thật vậy, A. de Rhodes đã ghi như sau: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng.Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính” (Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb Khoa học xã hội, 1991).
Cứ theo những điều trên đây, thì các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ sử dụng để hành nghề. Đặc điểm của nghề đồng bóng còn được phản ánh trong thành ngữngồi đồng chiếu kính mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị.
Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiếng, trong gương. Cũng chính A. de Rhodes đã giúp cho chúng ta khẳng định điều này. Ông đã ghi: “Soi gương: Nhìn trong gương. Soi đồng: Cùng một nghĩa; cũng là phù phép mà người lương dân ngây thơ nghĩ rằng mình có thể nhờ tấm gương để biết sự dữ nào bởi đâu sinh ra cho mình, nghĩa là bởi ma quỷ dối trá bằng những hình ảnh khác nhau trong tấm gương”. “Những hình ảnh khác nhau trong tấm gương” chính là những cái bóng.
Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong ông đồng bà đồng, lên đồng, đồng cô bóng cậu, v.v… là nghĩa phái sinh” 
Như vậy, mấy chữ  “đồng bóng” hoặc “đồng cô bóng cậu” (nghĩa phái sinh) dùng để chỉ  những người bây giờ ta gọi một cách “khoa học” là “nhà ngoại cảm” bắt nguồn từ cái dụng cụ hành nghề của họ, đích thị là cái gương soi, ban đầu được làm bằng đồng (nghĩa gốc).
Vậy đấy, cách đây vài trăm năm, nếu bạn không cần quay đầu ngoái cổ mà nói vanh vách những chuyện xảy ra phía sau lưng thì hẳn dân tình thời ấy phải tôn vinh bạn là “nhà ngoại cảm” rồi chứ còn gì nữa.

"

2. Sau này, vào năm 2010, cụ An Chi đã đưa dẫn giải trên lên FB cá nhân. Tôi chỉ chép nguyên về như dưới đây.

"
3 Tháng 11 2010 lúc 0:31

Về hai tiếng ĐỒNG BÓNG (KTNN 115, ngày 01-8-1993)


ĐỘC GIẢ: Tại sao lại gọi là “đồng bóng”? Có phải “đồng” là do “tiên đồng ngọc nữ” mà ra hay không? Nhưng nếu thế thì “bóng” là do đâu?

AN CHI trả lời: Đào Duy Anh đã giảng từ đồng trong đồng bóng như sau: “Người đệ tử của thần tiên trong Đạo giáo tự xưng là đồng tử của thần tiên nên người ta thường gọi là ông đồng” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr.136). Đây chỉ là một lối giảng có tính chất suy diễn chủ quan vì đồng là một từ cổ có nghĩa là cái kiếng, cái gương. Thật vậy, A. de Rhodes đã ghi như sau: “Đồng, cái đồng: Gương, kiếng. Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính” (Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb Khoa học xã hội, 1991). Cứ theo những điều trên đây, thì các ông đồng bà đồng đã được gọi bằng tên của chính cái đồ vật mà họ đã sử dụng để hành nghề. Đặc điểm của nghề đồng bóng còn được phản ánh trong thành ngữ ngồi đồng chiếu kính mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị.

Khi đồng đã là cái gương, cái kiếng thì bóng tất nhiên là hình ảnh của cảnh và vật phản chiếu ở trong kiếng, trong gương. Cũng chính A. de Rhodes đã giúp cho chúng ta khẳng định điều này. Ông đã ghi: “Soi gương: Nhìn trong gương. Soi đồng. Cùng một nghĩa; cũng là phù phép mà người Lương dân ngây thơ nghĩ rằng mình có thể nhờ tấm gương để biết sự dữ nào bởi đâu sinh ra cho mình, nghĩa là bởi ma quỷ dối trá bằng những hình ảnh khác nhau trong tấm gương”. “Những hình ảnh khác nhau trong tấm gương” chính là những cái bóng.

Vậy đồng bóng là gương và hình ảnh của cảnh vật phản chiếu ở trong gương. Đó là nghĩa gốc. Còn nghĩa trong ông đồng bà đồnglên đồngđồng cô bóng cậu, v.v... là nghĩa phái sinh.

"


3. Cụ An Chi từng được xem là cây bút uyên bác, làm rất nhiều mẩu ngăn ngắn về những từ những ngữ những vấn đề trong tiếng Việt trên một số tạp chí có nhiều độc giả.

Cụ cũng từng bị một cụ khác, là Cao Tự Thanh, viết như thế này:

"

XE THỔ MỘ LÀ XE MỘT NGỰA


Mình vốn hiếu kỳ (tò mò nói cho sang vậy mà), lang thang thấy thiên hạ bàn về chuyện nguồn gốc tên gọi “xe thổ mộ”, thấy nói chuyện văn chương mà chửi người khác phát … chướng, bèn nổi cơn … hiếu kỳ, hỏi bác Cao vốn từ lâu kính như huynh trưởng, đã được khai sáng thêm, nay góp thêm cho rộng đường dư luận về chuyện thổ mộ. Còn những chuyện bí mật về ông AC thì ông CTT không nói, nên không biết có gì bí mật trong cái tên An Chi không.
 May N mến,
Chuyện bạn hỏi thì buồn cười nhưng hơi zic zac, đại khái là thế này.
Cái entry ấy tôi viết hồi trước trên blog, lười tra từ điển nên viết qua loa không giải thích rõ ràng như viết báo viết sách. Đúng là độc mã Việt Hán phải thành Tục mã Hoa Hán giọng Quảng Đông chứ không phải T’ủ mỏ như tôi đã viết. AC nắm riết lấy chỗ hở ấy chê tôi không biết tiếng Quảng Đông thì kệ y, những kẻ nghiệp dư rất cần có những cái sai loại ấy để phô trương cái sai mà họ nghĩ là đúng. Bởi vì thổ mộ trong xe thổ mộ mà giải thích là là cái mộ đất như AC nếu không phải ngu dốt cũng là tào lao.
Thứ nhất, không phải bất cứ từ Hoa Hán nào được du nhập vào tiếng Việt cũng còn giống hệt như người Hoa đọc, ví dụ món giải khát mà người Triều Châu nói là xiên xáo (tiên thảo – cỏ tiên) qua tiếng Việt bị nói trại thành sương sáo, món thịt muối nhồi ruột heo mà người Quảng Đông nói là lạp xường qua tiếng Việt bị nói trại thành lạp xưởng vân vân. Thứ hai, không biết cái xe ngựa được gọi là xe thổ mộ ở Nam Kỳ đã xuất hiện từ bao giờ, nhưng chắc chắn là dưới thời Pháp thuộc từ 1862 đến 1945 và cả 1954 nó là một phương tiện kinh doanh vận chuyển phải đóng thuế, do đó phải được ghi nhận bởi người Pháp, tức bị đọc và viết trại qua tiếng Pháp và chữ latin. Bản thân chữ tục trong tục mã đọc theo giọng Quảng Đông cũng không hẳn như người Việt đọc, vì nó mang âm sắc kiểu giọng mũi. Tóm lại ở đây đã xuất hiện quá trình tôộc mã Quảng Đông chuyển thành T’ủ mỏ (hay một cái gì đó tương tự) trong tiếng Pháp rồi mới thành thổ mộ trong tiếng Việt, việc nó trùng âm với thổ mộ (mộ đất) trong từ Việt Hán hoàn toàn là ngẫu nhiên. Không phải bất cứ từ thổ nào trong tiếng Việt hiện nay cũng có ý nghĩa là thổ (đất) hay thổ (nôn mửa) trong từ Việt Hán, gái nhà thổ không thể hiểu là gái nhà đất hay gái nhà nôn mửa được, là ví dụ thế. Xã hội vốn phức tạp hơn ngôn ngữ, không thể truy nguyên từ ngữ đơn thuần theo con đường ngôn ngữ mà còn đầy sự suy diễn chủ quan như ông AC.
Tôi có vài tư liệu về việc thu thuế xe thổ mộ ở Sài Gòn – Chợ Lớn bằng tiếng Pháp trước 1945 trong đó xe thổ mộ được giải thích là xe một ngựa kéo nhưng nhất thời chưa thể tìm lại ngay được, khi nào có dịp viết sách viết báo sẽ đưa ra. Ở đây chỉ tạm đưa ra một chứng cứ mà bạn có thể kiểm tra.
Trong quyển Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais, Saigon, 1957 của Eugène Gouin (Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris) có vài từ liên quan tới vụ xe thổ mộ này được giải thích như sau:
Thổ mộ: Voiture trainée par un cheval (Saigon).
Xe độc mã: Voiture à cheval.
Xe ngựa: Voiture à cheval.
Xe song mã: Voiture à deux chevaux.
Xe thổ mộ: Coupé (voiture).
Tạm dịch:
Thổ mộ: Xe được kéo bằng một con ngựa (ở Sài Gòn).
Xe độc mã: Xe một ngựa.
Xe ngựa: Xe một ngựa.
Xe song mã: Xe hai ngựa,
Xe thổ mộ: Xe bốn bánh có mui kín (xe bốn bánh).
            Tóm lại đây là một trong những chứng cứ rõ ràng về việc xe thổ mộ là xe một ngựa, tức thổ mộ có liên quan với độc mã. Dĩ nhiên để cẩn thận thì còn phải tìm thêm trong ba phương ngữ Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam xem họ đọc từ độc mã này ra sao, nhưng tôi vẫn cho rằng nó là giọng Quảng Đông bị lệch đi qua tiếng Pháp và chữ viết latin.
Riêng chuyện ông AC ra sức chửi bới mỉa mai tôi không hề gì, tôi là dân chuyên nghiệp, không thèm hạ mình cãi cọ với đám người học hành không tới nơi tới chốn mà còn làm phách như y, với lại tôi không chơi blog lâu rồi. Hơn mười năm trước y đã hứng thú với chuyện mồ mả thì hiện nay nhiều tuổi hơn có hứng thú hơn cũng không phải lạ, chỉ là vụ xe thổ mộ = xe giống như cái mả đất của y quả là thuộc trường phái từ nguyên học dân gian bá láp, đúng là có tác dụng phi thường trong chuyện làm cho em cháu ngu đi.
CTT."

Duyên cớ của trả lời như trên, là do một giải thích như sau của cụ An Chi:

"

Chuyện TÀO LAO về (xe) THỔ MỘ (Đại Học Quốc Gia TPHCM,số 144)

23 Tháng 4 2012 lúc 11:30

Bạn đọc : Có người nói rằng thổ mộ là cách đọc Việt hóa của từ “t’ủ mỏ”, tức độc mã (một ngựa), đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông. Xe thổ mộ tức xe (một) ngựa. Xin cho biết có đúng không.

An Chi Chúng tôi không biết “t’ủ mỏ” là cái thứ tiếng gì nhưng chắc chắn đó không phải là âm Quảng Đông của hai chữ   độc mã, mà chữ Hán là 獨馬 Âm Quảng Đông của hai chữ này là:

– dug6 ma5 (Nhiêu Bỉnh Tài chủ biên, Quảng Châu âm tự điển, Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, in lần thứ 26, 1997, tr.232 & 260);
        – duk ͵ma (Hoàng Tích Lăng, Việt âm vận vựng [A Chinese Syllabary Pronounced According to the Dialect of Canton], Trung Hoa thư cục, trùng bản, 1973, tr.1 & 49);
        – tục mạ (Hà Thủ Văn, Việt Quảng ngữ đối chiếu, Chin-Hoa, Chợ Lớn, 1965, tr.53 & 105).

Tuy cách phiên âm của mỗi sách một khác nhưng âm được phiên thì hoàn toàn thống nhất :tục mạ, theo cách dễ đọc nhất cho người bình thường của Hà Thủ Văn trong Việt Quảng ngữ đối chiếu. Và cứ như trên thì người kia đã sai ở ba điểm căn bản : – một, phụ âm đầu của chữ 獨 là [t] (viết bằng “t”) chứ không phải [t’] (viết bằng “th”); – hai, cách đọc thành “t’ủ” của người đó không có âm cuối vần trong khi chữ 獨 có âm cuối vần là [k]; – và ba, nguyên âm chính của chữ 馬 là [a], một nguyên âm không tròn môi chứ không phải “o”, là một nguyên âm tròn môi.

Cứ theo ba điểm hoàn toàn chắc chắn trên đây thì ta có thể  dứt khoát khẳng định : – “t’ủ mỏ” không phải là âm Quảng Đông của hai chữ độc mã 獨馬; – do đó, thổ mộ tuyệt đối chẳng có dây mơ rễ má gì về mặt từ nguyên vói hai chữ mà âm Quảng Đông đã bị “chế biến” như trên. Huống chi có phải chỉ có xe thổ mộ mới do một con ngựa kéo đâu! Bởi vậy xin mượn lời của tác giả Cao Tự Thanh mà nói rằng thứ từ nguyên dân gian ấy dùng để tào lao thì được chứ nếu tưởng là học vấn thì chỉ làm cho con cháu ngu đi mà thôi.


"


4. Không phải chuyện nọ xọ chuyện kia. Nhưng nguyên là như vậy, biết vậy, chỉ là lưu tư liệu.

10 nhận xét:

  1. Ngày trước, cứ mua cuốn Kiến thức ngày nay về là bới bới tìm đọc mục chuyện Đông - chuyện Tây trước (Huệ Thiên - An Chi). Đúng là có nhiều thú vị, mở mang tầm mắt.

    Nhưng nhiều lúc cũng tức anh ách, ví dụ cụ An Chi bảo cụ Nguyễn Du do bí vần mà đặt câu "Vai năm tấc rộng thân mười thước cao" trong Truyện Kiều. Hoặc cụ luận một thôi một hồi thì ra từ "cô nương" lại dùng chỉ đàn ông bênTàu (chỗ này nhớ láng máng, không chắc có phải từ "cô nương" không).

    Tức thì chịu một mình, trong bụng thì cho là cụ khiên cưỡng lúc nào cũng lôi "từ nguyên" ra dùng. Nhưng muốn cãi cũng chả được, vì mình không có vốn liếng. Cho nên, có ai cãi lại cụ AC (như cụ Cao trên đây chẳng hạn) là tôi khoái lắm. Tiểu nhân mà, hìhì...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ An Chi nói cụ Tiên Điền ép vận cũng là phải mà (cuốn Kiều của cụ Tiên Điền dài chừng ấy mà không bị thất vận, sai vận câu nào, quả là tài tình, nhưng vì tài tình như vậy nên đôi chỗ chữ nghĩa chúng bị cụ gò ép cho đi với nhau).

      Thật ra tôi viết "cụ Cao Tự Thanh" là để đùa thôi, chứ về tuổi tác thì đúng ra chỉ "bác" (vì ông An Chi và ông Cao Tự Thanh là hai thế hệ khác nhau). Tại sao lại gọi đùa như vậy, bác phải đợi tôi đi entry từ từ. Kiểu hồi sau sẽ rõ mà !

      Xóa
  2. Riêng về từ " đồng bóng ", còn có thêm một nghĩa khác, là từ để chí tính hay thay đổi, thay đổi đột ngột. Vậy đây là nghĩa gốc hay là phái sinh từ tính cách của các đồng cô bóng cậu?

    Còn về nghĩa của từ "thổ mộ", nếu cho rằng nó xuất phát từ âm Hán Việt của từ "độc mã", vậy có ai nghĩ rằng - tôi đi xa 1 chút - " độc mã" là từ thuần Việt rồi bị giả định chạy sang Hán rồi lại quay ngược lại Việt với biến tướng như trên không nhỉ.

    Tôi nêu vài trường hợp ( theo thứ tự Việt - Quảng - Quảng )

    - cô - cú - cúa
    - chồng - chẻng
    - chồng của cô - cú chẻng - cúa chẻng
    - dì - dí - día
    - chồng của dì - dí chẻng - día chẻng

    Còn rất nhiều nữa mà không thể liệt kê hết. Vậy những từ trên là Hán Việt hay là từ thuần Việt và biến âm địa phương?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bác, là đồng bóng còn có nghĩa tính từ như vậy. Kiểu sớm nắng chiều mưa, hay sáng một đằng chiều lại một đằng khác. Quả thực, sợ nhất là không may làm việc với các ông/bà đồng bóng, không biết đâu mà lần.

      Suy luận về nguồn gốc Việt của Cu Tí Dở Hơi, làm tôi liên tưởng đến tài luận giải bằng ngữ âm học của các bậc tiền bối: Kim Định, Cung Đình Thanh, và gần đây là Nguyễn Cung Thông. Suy luận kiểu này, cũng nhiều khi "đồng bóng" lắm, chưa biết đâu mà lần !

      Xóa
  3. Cụ An Chi bàn về chữ "PHỞ" http://www.facebook.com/notes/an-chi/lai-l%E1%BB%8Bch-c%E1%BB%A7a-m%C3%B3n-ph%E1%BB%9F-v%C3%A0-t%C3%AAn-g%E1%BB%8Di-c%E1%BB%A7a-n%C3%B3-an-ninh-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi/651618074877365/?ref=bookmark

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Khoằm đã chỉ dẫn. Nhưng lần này, lí luận của cụ An Chi nghe có vẻ như mùi nước phở Nam Định ấy (mình không khoái phở Nam Định với mùi mắm quá đậm).

      Xóa
    2. Thà em ăn phở Hải Phòng (trong một con ngõ gần chợ Ga) chứ phở NĐ ăn chán lắm.

      Ở HN chưa ăn nhiều, nhưng có một tiệm em từng tình cờ ghé ăn và nhận ra mùi vị mang chất phở cũ Hà Nội, ở đường Nguyễn Văn Cừ, chéo với lối vào bến xe Gia Lâm, chiều HN-HP, tiệm chỉ bán tới nửa chiều là nghỉ.

      Xóa
    3. Còn có cả phở thịt lợn nữa. Không biết Khoằm đã biết, hay thưởng thức bao giờ chưa ?

      Xóa
    4. Em có biết nhưng chưa xơi, nghe bố em kể hồi hòa bình chưa lập lại ông cụ còn ăn phải phở thịt chuột ở HN cơ, ông kể tối tối thấy người ta đi bắt chuột, không biết để làm gì, sao có lần ông ăn phở ở quán quen, thấy cái móng chân chuột, cho tới giờ ông không ăn phở.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.