Một chi tiết quan trọng của cả loạt bài này là: "Việc bao vây truy kích, bắn chết Phùng Chí Kiên là do đích thân tên Công sứ Bắc Cạn điều động và chỉ huy các lực lượng trấn áp ở địa phương chứ không phải do bọn châu tuần phục kích, bắn chết". Cái này, nói tiếp sau.
Đoàn đi tìm thủ cấp của cụ Phùng Chí Kiên vào năm 2008 có hai người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ông Nguyễn Văn Huyên - thư kí, và Võ Điện Biên - con trai). Đặc biệt, Thạc sĩ Phan Thị Bích Hằng tham gia với tư cách nhà ngoại cảm.
Đoàn đi tìm thủ cấp của cụ Phùng Chí Kiên vào năm 2008 có hai người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ông Nguyễn Văn Huyên - thư kí, và Võ Điện Biên - con trai). Đặc biệt, Thạc sĩ Phan Thị Bích Hằng tham gia với tư cách nhà ngoại cảm.
Tuy nhiên loạt bài này của Tiên Phong cũng ẩn chứa nhiều điểm chưa rõ:
- Các nhà báo đã tham gia với tư cách gì. Trực tiếp tham gia hay chỉ là nghe kể lại. Nếu tham gia thì tham gia từ đầu hay giữa chừng.
- Sự tham gia của Phan Thị Bích Hằng là có thấy, nhưng vẻ như rất mờ nhạt ? Phải chăng, nhà ngoại cảm này chỉ thắp hương ở Mai Dịch, rồi không tham gia nữa ?
Tất cả gồm 5 kì, như thấy từ đây trở xuống. Sau 5 kì của Tiền Phong, là lưu những tư liệu liên quan khác.
Ghi bổ sung (6/11/2013): Sau khi tìm hiểu với sự giúp đỡ về tư liệu hồi cố xác thực của Mr. Khoằm, chúng tôi nhận thấy, loạt bài 5 kì của Tiền phong đã cố tình che đi nhiều sự việc, nhất là quan hệ với Bích Hằng (tựa như đã xóa bỏ toàn bộ: ý thức xóa bỏ ngay lúc viết đầu tiên, rồi sau đó, lại vào âm thầm xóa nốt những gì đã trót viết ở bản trên mạng --- báo giấy thì chắc không xóa được).
(Ghi bổ sung ngày 16/10/2014.
Xin mở thêm cái ngoặc cho rõ như sau:
Theo tra cứu hồi cố của một bạn, và của Mr. Khoằm, thì một đoạn (ghi lời phán của Bích Hằng để Võ Điện Biên ghi) đã bị Tiền Phong xóa bỏ. Cụ thể như sau (dẫn lại tổng kết của Mr. Khoằm ở comment củaentry này):
"Phần nội dung lời dặn (“lời phán”) của bà PTB Hằng đã được các biên tập viên Tiền phong nhanh chóng cắt bỏ, chỉ còn lại nội dung thắp hương tại mộ : “Cũng trong ngày hôm đó, anh Võ Điện Biên đã ghi lại toàn bộ lời hướng dẫn của Thạc sĩ Phan Thị Bích Hằng (vì chị không tham gia đi cùng đoàn ngày hôm sau), trong đó có nêu: “… Đi qua một chợ nhỏ, gần cầu Ngân Sơn, quan trọng là hướng Lũng Sao (phía Bắc huyện lỵ Ngân Sơn – PV), gần đó trước đây có đồi thông, trên đồi lúc đó có mấy mộ của người dân tộc, có cây nêu tượng trưng…
Lúc đó, đầu được bọc trong cái khăn choàng trước ngực của người cắt tóc, cho vào hộp đựng đồ cắt tóc… đem đi chôn buổi đêm … Nhớ nhé, đi qua cầu Ngân Sơn, hướng Lũng Sao, bên trái đường lên trước đây có đồi quân dược…”.
1. Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên
08:33 | 17/08/2009
TP - Đã có lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự với một số nhà báo rằng: “Cứ mỗi khi nghĩ đến anh Phùng Chí Kiên là tôi lại muốn khóc”.
Thấu hiểu nỗi lòng của Đại tướng, từ đầu năm 2002, một nhà báo tâm huyết đã dày công tìm hiểu thân thế và cuộc đời hoạt động cách mạng của bác Phùng Chí Kiên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi với đoàn tìm kiếm một phần hài cốt của Liệt sỹ Phùng Chí Kiên |
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày bác Phùng Chí Kiên hy sinh (1941), cũng mới chỉ có một số ít bài báo, tài liệu đăng tải với nội dung còn sơ sài, chưa đủ khắc họa chân dung vị tiền bối cách mạng.
Song, dựa trên những tài liệu thu thập được, phát hiện ra rằng hàng chữ “Phùng Chí Kiên - Ủy viên Trung ương Đảng” trên bia mộ của ông trong Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội là chưa chính xác. Nhiều tài liệu khẳng định Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng khóa I (1935).
Như vậy, Phùng Chí Kiên được coi như bậc khai quốc công thần; và cũng chính Phùng Chí Kiên là người đầu tiên chính thức được phong hàm tướng bằng Sắc lệnh 89/SL do Hồ Chủ tịch ký ngày 23/9/1947.
Song, có một bất ngờ tới mức khó hiểu là cho tới tận thời điểm đó (2002), nghĩa là sau 61 năm hy sinh anh dũng, vị tướng đầu tiên của quân đội ta vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ. Vì sao vậy?
Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc một số tư liệu, sự việc, tình tiết còn ít được biết đến trong cuộc đời bi tráng của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên, đồng thời lý giải cho câu hỏi nêu trên.
I - Cuộc truy sát 12 năm có lẻ
Phùng Chí Kiên - cái tên do Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) đặt với ý nghĩa “sự gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung” - tên thật là Nguyễn Vỹ, sinh năm Tân Sửu (1901) tại làng Mỹ Quan Thượng, Tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Tốt nghiệp tiểu học, 14 tuổi, Nguyễn Vỹ đã thoát ly gia đình, làm cu ly trong nhà máy xe lửa Tràng Thi sớm được giác ngộ, tham gia một số phong trào yêu nước. Tháng 10/1925, Nguyễn Vỹ tìm đường sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với những người đồng hương như Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong), Phạm Thành Tích (tức Phạm Hồng Thái)...
Trước lúc ra đi, để tránh mật thám, Nguyễn Vỹ nhờ chú ruột lo cho tấm căn cước mang tên Nguyễn Hào; sau này, trước sự truy lùng gắt gao của mật thám Đông Dương, Nguyễn Vỹ còn dùng tới hơn 20 bí danh mà, trong đó, mật thám đã lần tìm ra được những bí danh như Sở Vĩ - Nguyễn Vợi - Nguyễn Như - Nguyễn Hào - Mạnh Văn Liễu - Ma - Kan - Cồ Văn Yên - Hừng Đông - Như Bách - Tho - Pho - Phùng - Phùng Nguôn Bình - Phùng Quốc Nghiêu - Phùng Hừng Đông - Uông Thiệu Nguyên - Đông Hải - Lý Đồng - Lý Như Nam - Lý Duy Tân - Hoàng Hầu...
Những người cùng thời đều đánh giá và ghi nhận Phùng Chí Kiên là nhà cách mạng văn - võ song toàn, cũng là một trong những chiến sĩ cộng sản bị địch theo dõi, truy lùng gắt gao nhất.
Ngay khi được tin Nguyễn Vỹ mất tích, Giám đốc Sở Liêm phóng Trung Kỳ, tên trùm Sô-nhi khét tiếng, ra lệnh truy tìm dấu tích của Nguyễn Vỹ và liên tục thúc ép chánh thanh tra mật thám Vinh Billet phải bằng mọi cách nắm được hành tung của Nguyễn Vỹ.
Đến ngày 6/4/1929, Chánh thanh tra mật thám Vinh đã lần ra được dấu vết đầu tiên của Nguyễn Vỹ thông qua một cuộc hỏi cung một nhân vật có tên Lê Mẫn:
“Billet Vitor (hỏi): “Ngày 20/1 trước anh khai sai, lần này anh có nói đúng sự thật không?”
Lê Mẫn (trả lời): “... Như tôi đã nói với ông trong lần cung khai trước, tôi được Nguyễn Năng Tựu lựa chọn đi. Tôi gặp anh ấy (tức Nguyễn Hào) khoảng 10 ngày trước khi tôi đến nhà cháu tôi là Lê Nhiếp ở làng Yên Lý...”.
Ba ngày sau, hồi 14 giờ ngày 9/4/1929 trong Bản cung HS178-C1 xét hỏi Lý trưởng Nguyễn Đức Hinh:
“Billet Vitor (hỏi): Hộ tịch của ông?”.
Nguyễn Đức Hinh (trả lời): “Nguyễn Đức Hinh, 33 tuổi hiện là Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng, Tổng Vạn Phần, Phủ Diễn Châu, Nghệ An”.
Billet Vitor: “Khi ông nhận làm lý trưởng và ông có biết Nguyễn Vợi (tức Vỹ) bỏ đi, tại sao ông không báo cho Tri phủ Diễn Châu biết?”.
Nguyễn Đức Hinh: “Tôi chỉ biết việc này vào ngày 1/4/1929, nghĩa là ngày mà Tri phủ Diễn Châu bảo tôi điều tra về việc này”.
Billet Vitor: “Kết quả điều tra của ông như thế nào?
Nguyễn Đức Hinh: “Nguyễn Vợi (tức Vỹ) đã đi ra nước ngoài.”
Sang đến Quảng Châu, với bí danh Mạnh Văn Liễu, Nguyễn Vỹ được cử đi học trường quân sự Hoàng Phố, sau đó, đến đầu năm 1931, được Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) giới thiệu sang học trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva.
Trên đường đi, Mạnh Văn Liễu bị phát xít Nhật bắt giam chín tháng. Sau không tìm được bằng chứng, địch phải thả, Mạnh Văn Liễu tiếp tục sang Mátxcơva.
Tin tức Mạnh Văn Liễu bị bắt ở Quảng Châu, Trung Quốc đã đến tai chánh mật thám Trung kỳ Sô Gay và hắn liền gửi một chỉ thị mật vào ngày 10/10/1931 tới “các ông chánh Cẩm” ở Vinh và Hà Tĩnh.
“Một thám tử của mật thám Đông Dương báo tin là trong những người tham gia hồng quân bị bắt có tên Mạnh Văn Liễu - cựu học sinh trường Hoàng Phố, tham gia Đảng Thanh niên, được Nguyễn Ái Quốc chỉ định đi học ở Mạc Tư Khoa...Mạnh Văn Liễu lấy căn cước ở Vinh ngày 14/2/1925 với tên Nguyễn Hào, số hiệu căn cước là A93634, do Lý trưởng làng Mỹ Quan Thượng Nguyễn Khải giới thiệu...
Mạnh Văn Liễu khi thì như một người Bắc Kỳ nói giọng Ninh Bình, khi thì như người Trung Kỳ, nói giọng Nghệ Tĩnh. Nếu không đúng, phải chỉ thị truy nã Lý trưởng Nguyễn Khải là người đã đảm bảo tính chất chính xác của những điều đã ghi trong căn cước và cho tôi biết ngay những tồn nghi về việc này.
Đính theo đây là một bản hồ sơ về Mạnh Văn Liễu
Chánh Mật thám Trung Kỳ
Đã ký So Gay”.
Sau bức điện mật này, địch tìm về tận quê Nguyễn Vỹ lùng sục gắt gao và gần hai tháng sau, 2/12/1931, Tri phủ Diễn Châu đã hoàn tất bản phúc trình số 25, lột tả khá chính xác về Nguyễn Hào - Mạnh Văn Liễu:
“Kính phúc trình về khoản tên Nguyễn Hào mà các quan lớn ủy tôi dò xét như sau: Nguyễn Hào ấy là con Nguyễn Khoản, 59 tuổi, và Trần Thị Cúc (đều còn sống), lúc bé tên Nguyễn Vỹ, đi học trường Tổng.
Tháng 6 năm Khải Định thứ 10 (1925) làm thư ký cho một người Hoa buôn ngô gạo ở ga Yên Lý, đến cuối năm ấy bỏ đi không thấy về, giấy căn cước A93634 là của Nguyễn Hào chú nó, tuổi xấp xỉ như nó, diện mạo cũng như nhau...”.
Dựa trên bản Phúc trình của Tri phủ Diễn Châu, chánh Cẩm Vinh điện cho chánh Mật thám Trung kỳ Sô Gay, ngày 15/1/1932: “Tiếp theo mật thư của ông ngày 10/10/1931, tôi hân hạnh báo cáo với ông, theo sự điều tra của Sở, kết luận rằng: -Tên Mạnh Văn Liễu tức Nguyễn Hào, tức Như Bách A8310, không ai khác là tên Nguyễn Vỹ, tức Sở Vỹ, tức Nguyễn Vợi, tức Nguyễn Như A8411, đã bỏ quê ra đi từ tháng 10/1925 cùng với tên Lê Mẫn A8299.
Thẻ căn cước số A93634 được cấp ở Vinh ngày 14/2/1925 không phải của Nguyễn Vỹ mà của chú nó - tức Nguyễn Hào...hiện ở trong liên đội thứ 4, đội lính khố đỏ Bắc Kỳ ở Nam Định. Tuy vậy, để đảm bảo chính xác hơn, cần hỏi Nguyễn Hào về việc mất thẻ căn cước”.
Hơn một tháng sau, ngày 23/2/1923, trùm mật thám Trung kỳ Sô-Nhi lại gửi tin mật cho chánh Cẩm Vinh:
“Kính gửi ông chánh Cẩm Vinh!
Tiếp theo công văn số 85-CS ngày 15/1/1932 của ông, việc tầm nã được tiến hành dưới sự kiểm soát của liên đội 4 bộ binh, vẫn không tìm được tên lính khố đỏ Nguyễn Hào mà Nguyễn Vỹ bí danh Mạnh Văn Liễu đã đánh cắp thẻ căn cước A93634, nên cần tiến hành gấp cuộc điều tra, báo cho tôi biết mọi tin tức thu thập được, có thể tìm được dấu vết của Nguyễn Hào”.
Trong khi bọn địch vẫn loay hoay với tấm thẻ “căn cước Nguyễn Hào” thì Mạnh Văn Liễu đã an toàn tới Mátxcơva và theo học Đại học Phương Đông và Trường Quân sự Lục quân.
Năm 1934, sau khi tốt nghiệp hai trường trên, Mạnh Văn Liễu và Hà Huy Tập được Quốc tế Cộng sản phái về tăng cường cho Ban Lãnh đạo Hải ngoại - Đảng Cộng sản Đông Dương ở Hồng Công. Sau khi Mạnh Văn Liễu rời Mátxcơva, trùm mật thám Sô-Nhi mới nhận được mật thư số 170 ngày 24/5/1935:
“...Tiếp theo thông báo số 1152 ngày 15/5/1934, sự có mặt của Nguyễn Hào tức Kan, tức Mạnh Văn Liễu, tức Như Bách, tức Cồ Văn Yên, tức Nguyễn Vợi, tức Nguyễn Vỹ, tại trường Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa, đã được mấy tên người Nam kỳ là Nguyễn Văn Dut (tức Sắn) và Trần Văn Minh (tức Nam) xác nhận”.
Tháng 8 năm 1936, theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế Cộng sản và Hội nghị Lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương (Khóa I), Phùng Chí Kiên và Hà Huy Tập về Sài Gòn chỉ đạo phong trào cách mạng.
Ngày 22/3/1938, Trùm Sô-Nhi nhận được điện báo cáo mật số 599 của Thanh tra An ninh: “Về hội nghị BCH T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở Bà Điểm - Gia Định trong tháng 8+9/1937..., tên cộng sản từ Trung Quốc về tham gia Hội nghị Toàn thể BCH T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương, họp ở Bà Điểm (Gia Định) trong tháng 8+9/1937 là Mạnh Văn Liễu, tức Kan, tức Nguyễn Hào, quê ở Mỹ Quan Thượng, Phủ Diễn Châu (Nghệ An).
Nó đã được các đại biểu hội nghị cử vào ban lãnh đạo, đúng như những lời khai báo mà Nha An ninh đã thu thập được trong ngày 27+28/5, nói về thành phần ban lãnh đạo ở Ma Cao, năm 1935”.
Có lẽ, báo cáo mật trên nhắc đến việc tại Đại hội lần thứ I của Đảng (Ma Cao - 1935), Mạnh Văn Liễu (tức Phùng Chí Kiên) là một trong năm người được bầu vào Ban Thường vụ (có tài liệu nêu Ban Thường vụ chỉ có ba người gồm Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên và Đinh Thanh (Tổng Thư ký - Tổng Bí thư là Lê Hồng Phong - PV).
Biết rõ Mạnh Văn Liễu trở về nước hoạt động trong một khoảng thời gian khá dài, và cũng đã giăng lưới khắp nơi nhưng đám tay chân của Sô - Nhi vẫn không sao nhổ được cái gai trong con mắt của tên trùm mật thám này.
Sau một thời gian hoạt động trong nước, theo yêu cầu của tổ chức, Mạnh Văn Liễu trở lại Hồng Công thay cho Lê Hồng Phong, hoạt động trong Ban Hải ngoại (còn gọi là Ban Chỉ huy ở Ngoài của Đảng), dưới cái tên mới Phùng Nguôn Bình, người Trung Quốc (Theo Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, Phùng Chí Kiên rất giỏi tiếng Trung Quốc, trong giao tiếp hàng ngày, không ai biết được ông là người ngoại quốc).
Vào ngày 25/10/1938, khi Phùng Nguôn Bình đang ở trong căn nhà số 71 phố Đại Nam - Hồng Công thì bị cảnh sát Anh vây bắt. Do không phát hiện được tài liệu, chứng cứ gì, Thống đốc Hồng Công phải ký lệnh trả tự do cho Phùng Nguôn Bình và trục xuất khỏi Hồng Công vào ngày 6/12/1938.
Rất tức tối sau bao năm truy lùng vẫn không bắt được Nguyễn Vỹ - Mạnh Văn Liễu, liên tục trong hai năm 1938 - 1939, trùm mật thám Trung Kỳ Sô - Nhi liên tục ra hết mật lệnh này đến mật lệnh khác.
Ngày 16/3/1938, Sô - Nhi lại ra tiếp một mật lệnh số 4762 gửi chánh cẩm các tỉnh Trung Kỳ, nêu rõ “...Tiếp theo Thông báo số 1152 ngày 18/5/1934 của tôi: Tên xuất dương Nguyễn Hào tức Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, ủy viên Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, bị các nhà chức trách Anh bắt ở Hương Cảng ngày 25/10/1938, đã bị trục xuất về Sán Đầu ngày 6/12 cùng năm. Nguyễn Hào, tức Mạnh Văn Liễu có ý định trở về Đông Dương, với một căn cước giả làm người Trung Quốc”.
Gần một tháng sau, ngày 9/1/1939, Sô - Nhi lại gửi tiếp mật thư số 92: “Tiếp theo Thông báo số 4672 ngày 16/12/1938 của tôi: Lúc bị bắt ở Hồng Công ngày 25/10/1938, trong người tên Nguyễn Hào, tức Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, bắt được một mảnh giấy chứng nhận người Hoa kiều, cấp ở Sài Gòn ngày 18/10/1937 cho Phùng Nguôn Bình 36 tuổi, là tên Hoa kiều A - Ka, mang thẻ căn cước số 117076...”
Hơn ba tháng sau, không biết xuất phát từ nguồn tin nào, Sô - Nhi lại ra tiếp mật thư số 1130 khẳng định... Mạnh Văn Liễu, tức Phùng có ý định trở về Đông Dương, nó đang tìm cách kiếm tiền để về”.
Cùng thời gian này, Tổng đốc An Tĩnh - Vinh cũng nhận được mật lệnh... tên Nguyễn Hào, bí danh Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, có ý định đi thăm bà con bạn bè... Tôi yêu cầu ông chỉ thị cho Tri phủ Diễn Châu, tìm mọi cách để bắt được tên lãnh tụ cộng sản này”.
Trong khi Sô - Nhi lồng lộn tìm tung tích và đón lõng Nguyễn Hào tại quê, thì Phùng Chí Kiên vẫn đang hoạt động tại Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Tại đây, Phùng Chí Kiên gặp ông Trần (bí danh của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian hoạt động tại Côn Minh).
Đầu năm 1941, ông Trần cùng Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh, Đặng Văn Cáp... mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ Việt Nam.
Sau khi bế mạc lớp học này, sáng mồng 2 tết Tân Tỵ (tức 28/1/1941), Phùng Chí Kiên cùng già Thu (bí danh mới của Nguyễn Ái Quốc) và một số cán bộ khác vượt biên giới về bản Pắc Bó...
Gần hai tháng sau khi Phùng Chí Kiên về nước cùng già Thu, ngày 19/3/1941, từ Huế, Sô - Nhi đã gửi nhanh cho Giám đốc Sở Liêm phóng Trung Kỳ và viên công sứ Vinh mật thư số 1530 với nội dung: “Về việc xuất dương trở về Đông Dương của Mạnh Văn Liễu...
Tên Mạnh Văn Liễu có thể vừa trở về từ Đông Dương, tôi yêu cầu các ông cho tích cực truy nã... Ảnh của Mạnh Văn Liễu đã đính kèm Thông báo số 256 ngày 20/1/1924 của tôi, gửi tất cả các ông cảnh sát trưởng ở Trung Kỳ”.
Bẵng đi một thời gian dài cho đến ngày 2/12/1941, Giám đốc Sở cảnh sát Đông Dương, Rô-be Pê-rô-sơ, ra bản Thông báo số 8801-C gửi các viên cảnh sát trưởng ở Trung Kỳ về việc nhận dạng một tên phiến loạn bị giết ở Khau Pàn, tỉnh Bắc Cạn ngày 22/8/1941:
“... Những vật và tài liệu tìm được trong xác tên phiến loạn, đã bị giết ở Khau Pàn (Bắc Cạn) là của tên Phùng quê ở Trung Kỳ... Ngoài ra, một cuộc thẩm tra các tang vật... đã khám phá ra một bó dây điện trong người tên phiến loạn, còn có một con dấu có những chữ Hán sau đây: Phùng Quốc Nghiêu - Ấn - con dấu của Phùng Quốc Nghiêu.
Những tang vật trên đây, cho phép chúng ta nhận ra Phùng Quốc Nghiêu là tên của tên phiến loạn bị giết. Đến nay, chưa có đích xác về căn cước của tên An Nam này, vì vậy, tôi yêu cầu các ông báo cho tôi biết tất cả những điều gì các ông biết hoặc thu thập được về vấn đề này.
Tên phiến loạn này có đặc điểm sau đây: khoảng 38 tuổi, cao 1,65 mét, thân hình vừa phải, mặt bầu dục, gò má cao, tóc hất ngược ra sau.”
16 ngày sau, 18/12/1941, thanh tra an ninh Vây - Ren từ Vinh có thư trả lời số 535: “... Trả lời Mật thư số 8801-C ngày 2/12/1941 của ngài: Tôi xin báo cùng ngài rõ, tên Phùng, tức Phùng Quốc Nghiêu, nói trong thông báo mật thư trên của ngài, có thể đúng là tên xuất dương đã được chúng ta biết rõ là Mạnh Văn Liễu, tức Phùng, tức Ma ( A8310) quê ở Mỹ Quan Thượng, Tổng Vạn Phần, Phủ Diễn Châu, Nghệ An”.
Nghiên cứu kỹ lưỡng các mật thư cũng như thủ đoạn của Trùm Sô - Nhi và đối chiếu với những bước đi, chặng đường hoạt động của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên thì thấy rõ một điều rằng, mặc dù với mạng lưới mật vụ giăng tỏa khắp nơi, lại được sự hỗ trợ đắc lực của mật thám Anh ở Hồng Công và Trung Quốc, trong cuộc đấu trí này (nếu có thể gọi như thế) thì Sô - Nhi và đám tay chân của y luôn luôn là người đến sau.
Phải mất ngót bảy năm trời, Sô - Nhi mới xác định được Nguyễn Hào - Mạnh Văn Liễu chính là Nguyễn Vỹ. Rồi đến những đợt truy lùng trước đây đều thể hiện cứ mỗi khi Sô - Nhi nắm được tung tích thì Mạnh Văn Liễu đã rời khỏi nơi đó...
Còn lần này thì sao? Phải chăng Phùng Chí Kiên đã rơi vào cái bẫy do Sô - Nhi giăng sẵn?
Còn nữa
Mạnh Việt
---
Xả thân vì đồng đội
TP - Có thể nói, nhân vật được mô tả trong bản Thông báo số 8801-C của Rô-be Pê-rô-sơ, đúng là Phùng Chí Kiên. Nhưng hoàn toàn không có chuyện Sô - Nhi và đám thuộc hạ đã phát hiện ra tung tích, dấu vết của Phùng Chí Kiên để giăng bẫy.
Sau khi sát hại Phùng Chí Kiên, hơn ba tháng sau, mật thám Pháp cũng vẫn chưa xác định được “tên phiến loạn” là ai và đành phải có bản thông báo nêu trên. Vậy, vì sao Phùng Chí Kiên lại rơi vào ổ phục kích của địch?
Mạnh Văn Liễu (Nguyễn Vỹ – Phùng Chí Kiên) trong hồ sơ của mật thám Pháp |
Như đã biết, khoảng cuối tháng 6/1941, thực dân Pháp đã huy động trên 4000 quân đủ các binh chủng cùng với mạng lưới tay sai, phản động ở các địa phương mở cuộc càn quét lớn vào Bắc Sơn nhằm tiêu diệt lực lượng Cứu Quốc quân non trẻ của ta mới thành lập do Phùng Chí Kiên chỉ huy, đồng thời, truy sát Ban Lãnh đạo Trung ương Đảng.
Để bảo toàn lực lượng, Cứu Quốc quân đã chia làm hai nhóm rút khỏi vòng vây của địch. Nhóm thứ hai có bảy đồng chí gồm Phùng Chí Kiên, Lương Văn Chi, Mã Thành Kính, Bế Sơn Cương, cùng hai người tên là Lâm, Thành và một người dẫn đường là Hà Khai Lạc.
Thông qua hồi ức của người dẫn đường, chúng ta có thể phần nào hình dung được nguyên nhân và diễn biến cuộc chiến đấu hy sinh của Phùng Chí Kiên.
Cụ Hà Khai Lạc kể: “Sau mấy ngày len lỏi trong rừng, phải tránh các đường lớn, lội dọc theo nhiều con suối nhằm xóa dấu vết trên đường mòn, ngày 14/8/1941, chúng tôi đến Yên Hùng thuộc châu Bình Gia, Lạng Sơn, rồi đi qua Nà Pan, Sắc Sái thuộc Tư Lễ, châu Na Rì. Đến đây, chúng tôi phát hiện một tên mật thám cứ lẵng nhẵng theo sau. Nhận thấy tung tích có thể bị lộ vì tên chó săn đó, chúng tôi buộc lòng phải thanh toán hắn.
Sau đó, chúng tôi lại phải di chuyển ngoằn ngoèo vào rừng rậm, leo qua những đoạn đường rất hiểm trở để đánh lạc hướng săn lùng của bọn tay sai Pháp.
Ngày 16 và 17/8/1941, chúng tôi đến được Pò Kíp, xã Văn Học thuộc châu Na Rì. Đây là vùng khá quen thuộc vì tôi đã làm gạch ngói vài năm ở xã này. Hồi đó, tôi lấy tên là Tảo. Xã này có tên Chánh Thượng phản động, cần phải đề phòng.
Riêng tôi hồi đó còn rất ngây thơ và kém cảnh giác về chính trị nên cho rằng hồi còn làm thợ đóng gạch ở đây, tôi đã làm không công cho bọn chúng hàng vạn viên gạch, ngói, chắc chúng cũng phải nghĩ đến ơn xưa mà dành cho chúng tôi những sự dễ dàng.
Tôi đã tính lầm. Đến trạm gác Pò Kíp, chúng tôi chạm trán Chánh tổng Lương Thượng và năm tuần đinh. Tên Chánh Thượng ngăn chúng tôi lại, đòi xét hỏi giấy tờ. Lúc đầu nói dối là bọn tôi đi buôn lậu ở biên giới, đề nghị nó cho đi rồi sau này sẽ hậu tạ.
Chánh Thượng, mặt đỏ gay, vung ba -toong một vòng rồi quắc mắt quát: “Chúng mày có biết Thượng này làm gì ở đây không?”. Tôi gãi tai, vờ nịnh cho qua chuyện: “Dạ, đất này ai mà không biết tiếng cụ Chánh”.
Tên Thượng sừng sộ, nó hà cả hơi rượu vào mặt tôi: “Ở đâu cũng vậy, “Đất có thổ công, sông có hà bá”, sao chúng mày không đến trình tao trước? Tất cả đứng im cho tao khám thẻ và khám người xem có đồ quốc cấm không đã”.
Chúng tôi ôn tồn nói chuyện và khuyên chúng nên để chúng tôi đi. Chánh Thượng không nghe, nó chỉ ba -toong vào mặt tôi, giọng lè nhè: “Thằng Tảo kia, mày cũng đi với lũ ăn mày này à? Ông thì bắt trói cả lũ xem chúng mày có phải là buôn lậu không”. Nói xong, nó hô tuần đinh khám xét chúng tôi.
Đứng trước tình thế đó, anh Lâm đưa mắt dò hỏi anh Phùng Chí Kiên, còn tay thì luồn vào áo, rút ra khẩu súng ngắn. Anh Kiên gật đầu, thế là anh Lâm chĩa súng vào mặt Chánh Thượng và bóp cò. Tiếc thay, đạn không nổ! Tên Chánh Thượng hốt hoảng nhảy lùi về phía sau hai bước, nó quát tuần đinh “Cứ xông vào, súng giả đấy!”.
Ngay lúc đó, đồng chí Sơn Cương đã lia khẩu Pạc - khoọc khiến Chánh Thượng ngã khuỵu xuống. Bọn tuần đinh chạy rẽ ra hai bên. Anh Kiên hạ lệnh “Chúng ta đi thôi”.
Chúng tôi chạy vào rừng, rút sang lối Pò Mát. Tên Chánh Thượng tuy bị thương nhưng vẫn cay cú, hô tuần đinh đuổi theo chúng tôi. Bọn tuần đinh trù trừ, nhưng có hai tên xách súng kíp xông lên. Hai đứa bám rất sát chúng tôi. Cực chẳng đã, chúng tôi đành nổ súng trừng trị bọn chúng.
Tên Trương tuần Nông Văn Tạc bị thương ở cánh tay, còn tên tuần đinh Bế Văn Lô bị viên đạn của anh Mã Thành Tích kết liễu. Thế là bọn chúng đành bỏ dở cuộc săn đuổi.
Chúng tôi tạm dừng chân để hội ý. Ban đầu có một ý kiến nêu lên là rẽ qua đường Khuổi Lếch - Khuổi Cạn lên Nậm Chẳng (Lạng Sơn) rồi đi Pắc Bó Cao Bằng, nhưng lại có vài ý kiến đề nghị anh Kiên cho đi lối Ngân Sơn.
Anh em có một ý định hết sức táo bạo là phục kích ngang đường, chặn bắt một ô tô địch, phóng thẳng lên lối Cao Bằng. Đây là việc mà kẻ địch sẽ không thể ngờ tới. Ngồi ô tô vừa đỡ mệt, vừa đánh lạc hướng theo dõi của địch. Bọn tuần đinh, lính canh sẽ không dám ngăn bắt một ô tô đang chạy, vì không thể nào chúng đoán được ô tô đó có chúng tôi và người lái xe tải sẽ là anh Bế Sơn Cương.
Lúc đầu, anh Kiên trù trừ, cho kế ấy phiêu lưu, nhưng rồi chúng tôi mỗi người nói một câu, phân tích thêm là chỉ cần vượt mấy chặng nguy hiểm rồi lao xe xuống vực, sau đó lại đi bộ. Sau này, khi bọn địch phát hiện ra thì chúng ta đã cao bay xa chạy rồi. Cuối cùng, anh Kiên miễn cưỡng tán thành. Thế là chúng tôi đi về phía Ngân Sơn, định men theo đường cái lớn để chặn bắt ô tô.
Buổi chiều 20/8, chúng tôi đến nhà một người Dao ở khuất nẻo trong rừng thuộc xóm Khâu Long, châu Ngân Sơn, định nấu cơm ăn rồi lại tiếp tục đi. Chúng tôi không thể ngờ tên chủ nhà đã đi báo cho Chánh mục Bằng, tên Bằng báo tên Châu úy Bảo.
Cơm chưa chín đã có tin quân địch bao vây. Ai nấy vội vã len rừng đi về Khau Pàn, định vượt đường phụ số 3. Lúc này khoảng 4 giờ chiều, bao vây chúng tôi là quân lính của bọn khét tiếng vùng này gồm Châu úy Bảo, Châu Đoàn Phát, Quản Lợi và Đội Quận.
Bọn chúng dàn hàng ngang để lùng tìm. Khi phát hiện ra chúng tôi, bọn địch nổ súng. Chúng tôi nằm rạp xuống cỏ, tìm mô đất trong gốc cây để nổ súng bắn trả.
Hai anh Phùng Chí Kiên và Lương Văn Chi (xứ ủy viên) đều bị thương. Chúng tôi vừa bắn vừa lùi nhưng quân địch lố nhố ở khắp nơi, trên đỉnh núi và ở ngay dưới khe suối. Mặt anh Kiên đầy máu. Anh bị một vết thương khá nặng ở đầu. Đôi lúc anh không còn bò đi được nữa.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn nghe được tiếng anh Kiên hạ lệnh “Tập trung súng bắn một loạt rồi mở đường máu chạy đi!”. Tôi ôm lấy vai anh Kiên cố dìu anh đi nhưng anh gạt tay ra và dặn nhỏ: “Phải chạy ngay, thoát một người là có lợi cho cách mạng, dùng dằng ở đây thì chết hết. Về Cao Bằng nhớ báo cáo lại với cấp trên. Tôi sẽ ở lại bắn chặn để các đồng chí thoát”.
Thời gian lúc này cấp bách quá. Đạn của địch cứ chiu chíu ở phía trên đầu. Có viên cắm phập xuống bụi cỏ trước mặt chúng tôi. Tôi xông lại cố kéo anh Kiên đi. Một toán lính rời chỗ nấp, khom lưng lao đến định bắt sống chúng tôi.
Anh Kiên quát lên: “Các đồng chí phải rút ngay”. Nói xong, anh quay phắt người về phía bọn địch đương chạy tới và nổ súng. Tôi đành chạy, vừa chạy vừa ngoái lại, còn thấy tay anh Kiên vẫn chĩa súng về phía địch nhưng đầu anh đã ngả sang một bên.
Nhờ loạt đạn của anh Kiên, chúng tôi thoát khỏi vòng vây giặc. Trời đã xế chiều, lại có cơn mưa lớn ập tới, bọn địch mất phương hướng truy lùng. Thấy đã thoát khỏi vòng vây, chúng tôi lặng lẽ tìm nhau và rất hoảng sợ vì ngoài anh Phùng Chí Kiên, còn anh Lương Văn Chi cũng không thấy đâu.
Sau này, chúng tôi mới được đồng bào trong vùng kể lại là đồng chí Chi bị thương ở cánh tay, máu ra nhiều quá, anh đuối sức và ngã xuống một hồ làm vàng rồi không leo lên được. Anh bị địch bắt và chết ở nhà giam Cao Bằng.
Về anh Phùng Chí Kiên, sau khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, anh bị địch bắt được. Bọn địch reo hò là bắt được giặc cỏ cộng sản.
Anh Kiên đã tập trung tất cả sức lực còn lại để nói với binh lính (đây là lời quần chúng kể lại), đại ý: “Chúng tôi là người yêu nước đi đánh Pháp đuổi Nhật chứ không phải giặc cướp. Chúng ta là người Việt Nam, cần đoàn kết nhau lại, chống quân thù...”.
Bọn Bảo, Phát rất sợ những lời chính nghĩa đó ảnh hưởng đến bọn tay chân, chúng đánh anh Kiên đến chết và, sau đó, theo lệnh quan thầy Pháp, cho chặt đầu anh đem bêu ở đầu cầu Ngân Sơn”.
Trên đây là hồi ức của cụ Hà Khải Lạc - người trực tiếp dẫn đường cho đoàn cán bộ của Cứu Quốc quân, vượt vòng vây giặc.
Riêng về ngày hy sinh của đồng chí Kiên, trước đây có một số tài liệu ghi là 21/8/1941. Gần đây, dựa trên một số tài liệu mới khai thác được, có ý kiến cho rằng, Phùng Chí Kiên bị bắn trọng thương vào khoảng 18 giờ ngày 22/8/1941 và hy sinh ngay sau đó; trước khi tắt thở, đồng chí có nói mấy câu nhưng địch nghe không rõ, không có chuyện đồng chí “ bình tĩnh giải thích làm xiêu lòng một số lính dõng”;
Việc bao vây truy kích, bắn chết Phùng Chí Kiên là do đích thân tên Công sứ Bắc Cạn điều động và chỉ huy các lực lượng trấn áp ở địa phương chứ không phải do bọn châu tuần phục kích, bắn chết. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến nêu khá chi tiết cụ thể về sự hy sinh của Phùng Chí Kiên như sau:
“...Bị trọng thương, nằm lại trong rừng, đồng chí Kiên bị địch tra tấn dã man rồi khiêng về đồn Bằng Đức (thuộc châu Ngân Sơn) báo lên Cao Bằng để lĩnh thưởng (Châu Ngân Sơn lúc ấy thuộc tỉnh Cao Bằng). Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bọn địch khi ấy treo thưởng cho thủ cấp của Nguyễn Ái Quốc là năm tạ muối, của Phùng Chí Kiên là ba tạ muối.
Giám binh Đờ Pông Tích đang ở đồn Bắc Cạn, lệnh cho đồn trưởng và Tri châu Ngân Sơn, báo động lính khố xanh, bít các ngả đường đi biên giới, hòng bắt nốt số Cứu Quốc Quân còn lại.
Tên Châu úy Vi Văn Bảo (về sau bị đền tội) bắt đồng chí Kiên nằm quằn quại qua đêm ngoài trời mưa giữa sân đồn, tiếp tục tra tấn cho đến khi đồng chí trút hơi thở cuối cùng vào sáng 21/8/1941 giữa lúc trời mưa to. Rồi chúng chặt đầu đem bêu ở cầu Ngân Sơn, nhằm khủng bố tinh thần quần chúng”.
Dẫu còn đôi chỗ chưa thống nhất về ngày hy sinh và một vài tình tiết khác, song sự hy sinh anh dũng của Phùng Chí Kiên là có thật, cũng như việc Phùng Chí Kiên là vị chỉ huy quân sự, vị tướng đầu tiên là có thật. Vậy, vì sao cho mãi tới năm 2002, nhà cách mạng – chiến sỹ này vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ?
Còn nữa
Mạnh Việt
---
III - Đương đầu với “Thủ tục Hành chính”
TP - Hai năm sau sự hy sinh anh dũng của Phùng Chí Kiên, trên báo “Cờ Giải Phóng” - Cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 2 ra ngày 26/8/1943, đã đăng một bài điếu nhan đề “Gương hy sinh - nhớ tiếc anh Phùng” của tác giả Sóng Biển (Có ý kiến cho là bút danh của Trường Chinh - PV).
Nguyễn Vỹ (Phùng Chí Kiên) ở Trung Quốc |
“Anh Phùng hay Lý đã vĩnh biệt chúng ta được hai năm rồi...”. Sau khi sơ lược quá trình hoạt động cách mạng của Phùng Chí Kiên, tác giả viết tiếp: “... Thôi! Thế là một chiến sĩ tài ba, lỗi lạc đã bỏ mình nơi ngàn cây dặm cỏ.
Anh Phùng! Chỉ vì Tổ quốc, đồng bào... nên, trong mười mấy năm lận đận anh phải vật lộn với bao sự thế biến thiên, trên đường đời đầy cát bụi, và rốt cuộc anh phải gửi tính mạng trên bãi sa trường!
Than ôi! Rồi đây trong những đêm trường lặng lẽ, văng vẳng bên tai những tiếng dế kêu, cú rúc của núi rừng, khác nào như những bản đàn luyến tiếc một chiến sĩ bất hạnh đã hy sinh trên trường cứu quốc giữa tuổi thanh xuân chứa chan hy vọng.
Cái chết của anh thật là một sự thiệt thòi cho Đảng. Nó còn gieo biết bao nỗi thương tiếc cho các đồng chí.
Anh Phùng đã khuất. Nhưng tinh thần anh vẫn sống mãi với non sông cây cỏ!...”
Có thể nói, kể từ sau bài điếu trên, trải qua hai cuộc kháng chiến và hàng chục năm sau khi nước nhà thống nhất vẹn toàn, việc làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho vị tướng đầu tiên, đã bị lãng quên.
Như đã biết, Nguyễn Vỹ - Phùng Chí Kiên rời khỏi nhà khi mới 15 tuổi, sau ra nước ngoài hoạt động cách mạng khi mẹ cha vẫn còn sống, cho đến khi trở về nước và hy sinh, vẫn chưa một lần được về lại quê hương thăm gia đình, họ tộc.
Cũng đã có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với giọng xúc động: “... Hiện nay ở quê anh Kiên còn có gì nữa không? Không vợ con gia đình, không nhà cửa tài sản, không bàn thờ, hương tự...”
Trong dòng họ tại quê cũng có một số người cháu dù chưa một lần được biết mặt nhưng vẫn luôn luôn nhớ về bậc tiền nhân của mình, trong đó có Nguyễn Văn Việt, thượng tá quân đội, cháu ruột gọi Nguyễn Vỹ là chú.
Ngay từ thuở còn cắp sách tới trường, nghe các thầy cô, các cụ trong làng kể về sự hy sinh bi tráng của chú Vỹ, anh cảm phục vô bờ và coi đấy như thần tượng của mình. Ngay sau khi nước nhà thống nhất, anh cất công lên Bắc Cạn, lần tìm đến những nơi trước đây chú Kiên từng hoạt động để tìm hiểu xem trước lúc hy sinh, chú có để lại di vật nào đặng đem về quê thờ tự.
Bao nhiêu bận đi lại, sưu tầm khắp nơi, cuối cùng anh cũng có được một tấm ảnh đen trắng mà chú Kiên chụp từ khi còn hoạt động bên Trung Quốc. Tấm ảnh đó rất mờ, cho nên anh phải thuê người truyền thần lại rồi trân trọng đặt trên bàn thờ.
Hàng năm cứ đến ngày 18/5 (Ngày sinh của Phùng Chí Kiên - PV), một số cháu trong dòng tộc lại làm mâm cơm nho nhỏ, rồi thắp mấy nén nhang, khấn vái, mời người chú cô đơn ghé về quê cha đất tổ.
Cứ mỗi lần thắp hương, mấy người cháu không khỏi mủi lòng bởi cái bàn thờ nho nhỏ cũng cô đơn như người trên đó: Không một tấm huy chương hay một tấm bằng ghi nhận nào đó...
Vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của chú Nguyễn Vỹ, ngày 18/5/1981, mấy người cháu bàn với nhau phải tìm cách đề nghị cấp trên xem xét cấp bằng tổ quốc ghi công để công nhận chú Kiên là liệt sĩ.
Có người phân vân: “ Quy định của nhà nước là chỉ có cha mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng mới được quyền đề nghị. Liệu mình có được phép kiến nghị không?” Anh Việt bảo: “Mình đề nghị ở đây không phải đòi quyền lợi vật chất cho các cháu, mình chỉ đề nghị nhà nước chính thức công nhận chú Kiên là liệt sĩ, có cái bằng để lên bàn thờ cạnh di ảnh của chú Kiên cho vong linh của chú đỡ tủi phần nào...”.
Kể từ khi có ý tưởng đó, hết năm này sang năm khác, nguyện vọng chính đáng của mấy người cháu vẫn chưa được đáp ứng mặc dù chính quyền từ các cấp từ xã - huyện - tỉnh đều ủng hộ.
Cho đến cuối tháng 2/1990, anh Việt nghe một tin vui lớn, ấy là Nhà nước đang chuẩn bị đưa hài cốt của chú Phùng Chí Kiên về an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.
Ngày 3/3/1990, buổi lễ rước di cốt của Phùng Chí Kiên từ Nghĩa trang huyện Ngân Sơn về Nghĩa trang Mai Dịch được tổ chức long trọng, với sự có mặt của các vị lão thành cách mạng Hoàng Quốc Việt, Chu Huy Mân, lãnh đạo các ban ngành trong tỉnh Nghệ An, dưới sự chủ trì của Phó ban Tổ chức T.Ư Đảng Nguyễn Đình Hương...
Anh Việt cảm động lắm và thầm nghĩ rằng, như vậy là nhà nước không quên và đã ghi nhận công lao của chú Kiên. Cũng nhân đó, anh Việt lại tiếp tục thực hiện ý tưởng của dòng họ.
Anh nghĩ những năm trước, có lẽ do chưa biết thủ tục, mấy người trong dòng họ cứ lặng lẽ đi gõ cửa một số cơ quan nên họ chẳng có cơ sở nào để giải quyết. Nay rút kinh nghiệm, sau khi thảo đơn, anh Việt tới gặp chính quyền xã đề đạt nguyện vọng.
UBND xã rất hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ, đồng thời soạn cả công văn gửi cơ quan chức năng đề nghị giải quyết. Sau đó, anh Việt lại gặp lần lượt đủ mọi cấp từ huyện đến tỉnh, lòng vòng tới mấy năm sau cũng không đạt được kết quả gì.
Mãi tới giữa năm 1994, một hôm, có người báo đi nhận phần thưởng to lắm do Chủ tịch nước ký. Anh Việt vui mừng khôn xiết, tắm gội đâu ra đấy, thay quần áo mới, nghĩ rằng cuối cùng mong mỏi của dòng họ đã được đáp ứng. Nhưng cho đến khi tiếp nhận phần thưởng thì mọi người thấy đó chưa phải là tấm bằng công nhận liệt sĩ mà là Huân chương Chiến công Hạng III do Chủ tịch nước Lê Đức Anh truy tặng.
Vui thì có vui, nhưng trong lòng anh vẫn còn một nỗi buồn rồi tự hỏi mình: “Vì sao chú Kiên vẫn chưa được công nhận liệt sĩ?”. Anh tự hỏi nhưng không thể tự trả lời được, và rồi anh đi hỏi các nơi khác trên huyện trên tỉnh thì nhận được sự trả lời khá chung chung, không rõ ràng, rằng: ... chú Phùng Chí Kiên sinh ra ở quê nhưng không hoạt động và cũng chưa có hồ sơ thể hiện sự hoạt động ở quê nên địa phương không có căn cứ để giải quyết; và địa phương cũng không có cơ sở nào để xác nhận lý lịch của chú Kiên. Hơn nữa, chú Kiên là diện thuộc Trung ương quản lý.
Khi địa phương có công văn gửi Bộ Quốc phòng thì Bộ Quốc phòng giao cho Tỉnh đội Nghệ An thực hiện, song, ông Việt (thời gian trôi qua, nay phải chuyển từ “anh” sang “ông” - PV) đặt vấn đề thì nhận được câu trả lời là không giải quyết được vì chú Kiên không thuộc đơn vị nào của quân đội!
Tiếp đó, ông Việt lại được nghe những hồi âm kiểu như bên quân đội thì bảo chú Kiên là người thuộc địa phương quản lý, vì chú ấy chết trước khi có quân đội hơn ba năm ?!
Trong khi đó, nhiều tài liệu và nhân chứng sống khẳng định rõ ràng chú Kiên là chỉ huy Đội Du kích Bắc Sơn, chỉ huy Cứu Quốc Quân, không những thế lại là vị chỉ huy quân sự đầu tiên đồng thời là vị tướng đầu tiên. Vậy chú không phải là người của quân đội thì là người của ai?
Ông Việt chịu thua. Mệt mỏi, buồn bã, về đến nhà, ông thắp một nén hương rồi thì thầm trước bàn thờ người chú họ Nguyễn Vỹ: “Chú ơi, còn một hơi thở, cháu cũng sẽ không bỏ cuộc. Nếu không làm được thủ tục liệt sĩ cho chú, cháu có chết cũng không nhắm mắt được”.
Cho đến một hôm vào khoảng cuối năm 2002, có một đoàn nhà báo từ Hà Nội vào công tác ở Nghệ An và dừng chân tại Huyện ủy Diễn Châu.
Chả là trước đây, các nhà báo này đã mất khá nhiều thời gian công sức, đấu tranh gay gắt với đối thủ có tên là “Thủ tục hành chính” để đem lại danh phận liệt sĩ cho 36 thanh niên xung phong hy sinh ngày 28/4/1966 khi đang làm nhiệm vụ ở Mỏ đá Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An).
Trong lúc trò chuyện, các đồng chí Bí thư Huyện ủy và Trưởng ban Tuyên giáo có gợi ý đoàn nhà báo về thăm quê và thắp hương tưởng nhớ bác Phùng Chí Kiên.
Nơi đoàn nhà báo đến thăm chính là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Việt (lúc đó đã nghỉ hưu) đang thờ chú Phùng Chí Kiên. Tại đây, các nhà báo đã được nghe kể về hành trình đi làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho chú Phùng Chí Kiên.
Trước lúc chia tay, đại diện lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện, cũng như dòng họ đã đề đạt đại ý rằng: - Từng biết các nhà báo đã đóng góp công sức giúp cho 36 TNXP hy sinh ở Mỏ đá Hoàng Mai được công nhận là liệt sĩ. Về việc làm thủ tục công nhận liệt sĩ đối với chú Phùng Chí Kiên, địa phương đã tiến hành hơn chục năm nay nhưng không hiểu ách tắc ở chỗ nào, khâu nào. Cho nên, địa phương đề nghị các nhà báo cùng chung tay, góp sức...
Sau khi trao đổi với nhau, nhóm nhà báo thống nhất rằng, một mặt địa phương (xã - huyện - tỉnh) cùng với Quân khu IV có công văn đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý kiến về việc công nhận liệt sĩ đối với bác Phùng Chí Kiên; mặt khác, các nhà báo sau khi tập hợp đủ tài liệu thể hiện Phùng Chí Kiên là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng khóa I, nhà chỉ huy quân sự đầu tiên, vị tướng đầu tiên ...v v, rồi cử một nhà báo xin gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó là tướng Phạm Văn Trà để trình bày sự việc và nguyện vọng của dòng họ cũng như kiến nghị của địa phương...
Sau khi tiếp nhận ý kiến và tài liệu của nhóm nhà báo (tháng 4/2003), Bộ trưởng Phạm Văn Trà giao cho Cục Chính sách giải quyết trong thời gian sớm nhất... Ít lâu sau, cùng với ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, công văn của Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ - TBXH..., vị tướng đầu tiên Phùng Chí Kiên đã chính thức được công nhận là liệt sĩ theo Quyết định 1228/QĐ - TTg ngày 10/11/2003 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký.
Vậy là tròn 62 năm sau ngày hy sinh, liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An long trọng tổ chức lễ báo tử.
Cầm tấm bằng trên tay, sau hàng chục năm trông đợi, ông Việt nghẹn ngào không nói nên lời. Gần hai năm sau, ông lên đường theo chú Phùng Chí Kiên...
*
* *
Trước khi ông Việt qua đời, có người nói với ông: “Lẽ ra, với tầm vóc của bác Phùng Chí Kiên, phải có hẳn một khu tưởng niệm tại quê hương chứ không để cụ an nghỉ ở nơi chật hẹp như nhà ông...” Ông Việt đáp: “Nhà nước không lãng quên chú Kiên, đã công nhận chú là liệt sĩ. Tôi hàng ngày được hương khói cho chú là vinh hạnh và mãn nguyện rồi”.
Ông Việt không đề đạt nhưng, năm sau, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh liệt sĩ Phùng Chí Kiên, Tỉnh ủy Nghệ An quyết định để các cơ quan chức năng lập thủ tục đề nghị Trung ương cho phép xây dựng khu tưởng niệm nhà cách mạng Phùng Chí Kiên.
Sau khi có công văn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thông tin, Tỉnh ủy Nghệ An và Quân khu IV cũng gửi thư tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau khi nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Quân khu IV, Đại tướng viết thư gửi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh với nội dung: “Tôi vừa nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu IV đề nghị vấn đề làm nhà lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên và cho biết trước đây đã có công văn gửi đến Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa - Thông tin...”.
Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một lãnh đạo cao cấp của Đảng, được Bác và Trung ương phân công phụ trách quân sự đầu tiên. Đồng chí là một cán bộ đức độ và tài năng cả chính trị và quân sự, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi hòa mình với đồng chí đồng bào, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bác và Trung ương.
Đồng chí Phùng Chí Kiên đã có công lao to lớn đối với Đảng ta, quân đội ta. Năm 1947 Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm tướng đầu tiên cho đồng chí.
Do khuyết điểm về công tác chính sách nên đến năm 2004 (chính xác là 10/11/2003 - PV) đồng chí mới được công nhận liệt sĩ, nhận Bằng Tổ quốc Ghi công và chỉ truy tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba. Đồng chí ra đi làm cách mạng từ nhỏ, không vợ con gia đình, nay chưa có nơi thờ tự”.
Tiếp đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu ba đề nghị tóm tắt như sau:
1 - Chính phủ cấp kinh phí giao cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu IV, Tỉnh ủy Nghệ An tiến hành xây dựng khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên.
2 - Tổ chức hội thảo để tôn vinh công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên...
3 - Đề nghị đi tìm phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên...
Kể từ khi Tỉnh ủy Nghệ An có chủ trương xây dựng khu tưởng niệm Phùng Chí Kiên, mặc dầu các công văn đi - lại khá nhiều, song, cũng phải mất mấy năm trời mới hoàn tất mọi thủ tục và hiện tại. Khu tưởng niệm bắt đầu được xây dựng trên một khuôn viên rộng khoảng 1.500m2 - nơi Nguyễn Vỹ chào đời.
(còn nữa)
Trong lịch sử quân đội ta có hai vị tướng được gọi tướng khi chưa có sắc lệnh phong hàm: đó là Phùng Chí Kiên và Lê Thiết Hùng.
Theo một số cán bộ lão thành, khi quân đội Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam, Bác Hồ đã phong đồng chí Lê Thiết Hùng hàm thiếu tướng để phụ trách “Tiếp phòng quân”.
Còn Phùng Chí Kiên được truy phong hàm tướng nhưng không ghi rõ bậc bằng Sắc lệnh số 89/SL, do Bác Hồ ký ngày 23/9/1947. Điều này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định nhiều lần trong các bức thư gửi cơ quan chức năng về trường hợp đồng chí Phùng Chí Kiên.
Nguyễn Thị Giang
Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 4 |
Mạnh Việt
---
4. Khúc bi tráng của vị tướng đầu tiên - Kỳ 4
IV - Mò kim đáy biển
TP - Việc đi tìm thủ cấp của người chú ruột là nguyện vọng tha thiết mà họ tộc, đặc biệt là người cháu Nguyễn Văn Việt ấp ủ từ lâu.
Cất bốc những gì nhóm tìm kiếm tìm thấy ngày 7 - 8/5/2008 |
Quả thực, công việc này chả khác gì, thậm chí còn khó hơn cả mò kim đáy bể. Dẫu vậy, xuất phát từ lòng trân trọng và biết ơn, nhất là sau khi có ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một đoàn đi tìm thủ cấp của liệt sĩ Phùng Chí Kiên hình thành gồm:
Đại tá Nguyễn Huyên (Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đại tá Nguyễn Huy Văn, tức Kim Sơn (Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc Việt Nam Giải phóng Quân do Trưởng ban, Thượng tướng Phùng Thế Tài ủy nhiệm), Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nguyễn Văn Quang (đại diện họ tộc). Ngoài ra, còn có Đậu Xuân Đồng (phó đoàn luật sư Hà Tĩnh) cùng một số nhà báo.
Trước khi lên đường, đoàn đã nghiên cứu kỹ lưỡng một số tài liệu liên quan, gặp gỡ một số bậc lão thành cách mạng, giáo sư sử học Phan Huy Lê; đồng thời cử người tham khảo ý kiến và kinh nghiệm tìm hài cốt của một số chuyên gia và cả nhà ngoại cảm.
Cuối buổi chiều 19/4/2008, Đại tá Nguyễn Huy Văn, anh Võ Điện Biên và Thạc sĩ Phan Thị Bích Hằng đã đến thắp hương trên mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Chủ nhật, ngày 20/4/2008, đoàn xuất phát từ Thủ đô, tới Bắc Cạn, đoàn được Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Dương, phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch HĐND tỉnh - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dương Đình Hân, thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Ngân Sơn thịnh tình tiếp đón.
Đoàn rất vui mừng khi được nghe đồng chí Dương Đình Hân tâm sự đại ý rằng: "Những năm qua, địa phương cũng đã tổ chức một số đợt tìm kiếm và khai thác thông tin liên quan đến phần đầu còn lại của bác Phùng Chí Kiên nhưng thực sự rất khó khăn, những người cùng thời với bác Kiên hầu như mất cả.
Hôm nay, đoàn lên đây, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, làm hết sức mình, tạo điều kiện một cách tốt nhất để Đoàn hoàn thành việc xác định thủ cấp bác Phùng Chí Kiên".
Bí thư huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí cũng xác định: "Coi đây là một nhiệm vụ của cơ sở địa phương cho nên huyện đã thông tin rộng rãi, tìm một số bác lão thành biết được thông tin lịch sử có liên quan. Huyện sẽ làm hết sức mình vì công việc chung, vì tấm lòng đối với bác Phùng Chí Kiên".
Tối 20/4/2008, tại phòng họp giao ban Tỉnh ủy Bắc Cạn, trong buổi trao đổi ý kiến, anh Võ Điện Biên cũng báo cáo với đồng chí Dương Đình Hân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND Tỉnh, và Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí về những thông tin mà đoàn nắm được.
Sáng hôm sau, đoàn đến làm việc với lãnh đạo Huyện ủy Ngân Sơn, thống nhất phương pháp tìm kiếm, khoanh vùng, định vị khu vực, sau đó, đoàn chia làm hai nhóm, một bộ phận đi thực địa tìm kiếm, bộ phận còn lại thì đi tìm gặp các nhân chứng.
Các đồng chí ở huyện cho biết, trước đây, huyện cũng từng tổ chức đợt tìm kiếm thủ cấp của bác Phùng Chí Kiên một cách khá quy mô bao gồm bộ đội, dân quân tự vệ, học sinh các trường trên địa bàn thị trấn và các địa phương lân cận cùng nhiều đồng bào dân tộc.
Lực lượng đông đảo này đã tập trung đào bới ven núi, đồi cây và tất cả những nơi nghi vấn nhưng đều không tìm thấy vết tích gì. Khi kiểm tra lại phương hướng những địa điểm đã tìm thì được biết tất cả đều nằm ở phía nam thị trấn Ngân Sơn.
Tìm hiểu sơ đồ, biết được những địa điểm ấy đều nằm quanh đồn Pháp đóng, nên khó có khả năng ai đó đem chôn hoặc cất giấu gần đấy khi mà thời điểm đó ngày đêm có lính canh gác, đi tuần nghiêm ngặt.
Bộ phận đi tìm nhân chứng đã gặp khá nhiều bô lão trên 80 tuổi là thổ dân ở vùng này, nhất là quanh khu vực cầu Ngân Sơn, như các cụ Lý Coỏng Sáng, Lý Ả Mạn, Nông Quốc Hưng, Bàn Kim Thành.
Các cụ đều kể rằng, dạo ấy, tháng 8/1941, các cụ nhà đều gần khu vực cầu Ngân Sơn, vào một buổi sáng mùa thu, nghe tin một người cộng sản bị giặc giết chết, sau đó chúng chặt đầu cắm vào chiếc cọc tre cao chừng ba mét rồi đem bêu trên cầu Ngân Sơn. Các cụ đều nhìn thấy cái đầu đó, được mấy hôm thì biến mất, không biết vì sao.
Cả ngày đi tìm, hỏi han khắp mọi nơi, gặp hàng mấy chục nhân chứng nhưng cả hai bộ phận vẫn không phát hiện được bất kỳ một mẩu tin tức nào khả dĩ gợi lên một tia sáng.
Lúc đó, anh em trong đoàn mới nhớ tới lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi tìm kiếm phải chú ý đây là công việc nhạy cảm nên phải hết sức lắng nghe ý kiến của cấp ủy, chính quyền, đồng thời phải biết dựa vào dân, nhất là các vị lão thành cách mạng, đặc biệt ở đó còn có đồng chí Doanh Hằng, lão thành cách mạng, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Đây là địa bàn hoạt động trước đây của cụ Doanh Hằng trong nhiều năm, nên cụ rất thông thạo địa hình và hướng đi của nhóm đồng chí Phùng Chí Kiên năm đó.
85 tuổi, nhưng cụ Doanh Hằng vẫn rất nhiệt tình đưa đoàn đi gặp từng nhân chứng. Một tia hy vọng đã lóe lên khi Đoàn cùng cụ Doanh Hằng gặp được vị lão thành cách mạng Lục Thị Ninh cũng đã 83 tuổi, nhà cách đầu cầu Ngân Sơn không xa.
Cụ Ninh nhớ lại dạo ấy, cụ chừng 15 - 16 tuổi. Khi nghe đồng bào kháo nhau bọn Tây đem bêu đầu một cán bộ cách mạng trên cầu Ngân Sơn, tò mò, cụ rủ mấy người bạn cùng tuổi chạy tới xem; khi nhìn thấy cái đầu bị bêu trên cầu, cụ cùng các bạn tuy khiếp sợ nhưng trong lòng rất nể phục cộng sản nên cứ thầm thì bàn bạc nhau suốt...
Cụ còn cho biết, dân kháo nhau, sau khi chặt đầu cán bộ, bọn giặc vứt xác ra bìa rừng. Thấy cái xác bị bêu, nhiều người rất thương xót nên cứ mỗi người đi qua lại tìm cách hất đất đá lên, nên dần thành nấm mồ nổi (không ai dám chôn vì bọn lính lúc đó lùng sục, theo dõi rất gắt gao).
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, năm 1946, phần thân đó được lập mộ ngay tại khu rừng nhưng hài cốt cũng chẳng còn được bao nhiêu. Đến năm 1964 thì được di chuyển về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vân Tùng rồi lại quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngân Sơn.
Tuy nhiên, thông tin đáng giá nhất của cụ Lục Thị Ninh là, một vài ngày sau ra đầu cầu Ngân Sơn thì không thấy đầu đâu nữa, hỏi chuyện thì được tin là có người đã đem phần đầu đó đi chôn trong đêm tại khu đồi tòa án gần suối nước chảy, nhưng bây giờ không nhớ rõ vị trí.
Tổng hợp lại, đoàn đã phân tích, ít nhất thì phần đầu được đem đi chôn ở nơi nào đó vẫn có khả năng tìm ra. Điều quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi rằng "ai đã đem phần đầu đó đi chôn?".
Rồi một đầu mối quan trọng bỗng phát lộ.
Bữa đó, anh em tập trung đi tìm theo hướng Lũng Sao, khu vực có quả đồi phía Bắc thị trấn, cạnh Quốc lộ 3. Trong đội hình hôm ấy, Huyện ủy Ngân Sơn cử đồng chí Đồng Quang Huân đi cùng.
Trên đường đi, chuyện trò được một lúc thì bỗng nhiên Đồng Quang Huân vỗ trán nhớ ra bố của anh là cán bộ lão thành cách mạng. Hồi còn sống có lần cụ kể cho anh nghe, trước đây, thi thoảng cụ ra quán ông phó cạo để cắt tóc.
Hai người có vẻ hợp chuyện nên mau chóng thân quen và tin nhau. Một hôm nhân nói chuyện quá khứ, ông cụ cắt tóc có kể cho cụ Tuân nghe rằng, cái dạo địch bêu đầu cán bộ trên cầu Ngân Sơn ấy, cụ thương lắm, tuy rất sợ giặc phát hiện, nhưng cụ vẫn canh lúc đêm hôm mưa gió, lừa khi tụi địch không để ý, đã gỡ lấy cái đầu rồi giấu vào hang đá ven suối, rồi sau đấy đưa đi chôn trong đêm.
Kể xong, cụ cắt tóc còn dặn cụ Tuân phải giữ kín chuyện... Cho đến lúc sắp qua đời thì cụ Tuân mới kể lại chuyện đó cho anh Huân nghe.
Vì không để ý tên ông cụ cắt tóc là gì và cụ cũng đã chuyển nhà đi đâu không rõ nên, đến nay, anh Huân cũng không biết ông cụ cắt tóc nhân từ ấy ở đâu, còn sống hay đã mất?
Nghe được lời kể của anh Huân, cả đoàn mừng rỡ, tỏa đi tìm dấu tích của cụ phó cạo. Chiều hôm đó, bà Hoàng Thị Thiềm ở xã Bằng Khẩu cho hay: Ngày trước có vợ chồng ông Bảo, bà Bạch, nhà ở cạnh trường mầm non thị trấn là bạn chơi với con trai ông phó cạo từ hồi nhỏ...
Chiều cùng ngày, Chuyên viên Ban Tổ chức Huyện ủy Ngân Sơn Trương Văn Lĩnh dẫn đoàn tới gặp ông Bảo. Ông Bảo cho hay, đúng là ông có chơi với con trai cụ phó cạo. Ông cụ tên Vẹo, còn con trai tên là Vò. Nhưng ông Vò đã chuyển nhà lên thị xã Bắc Cạn (cách Ngân Sơn khoảng 60 km) đã lâu, mấy chục năm nay không gặp lại nhau nên không rõ nhà ở đâu.
Cả đoàn lên xe kéo về thị xã Bắc Cạn quần khắp thị xã cũng không tìm đâu ra được cụ Vẹo và ông Vò. Đêm đó, mệt bở hơi tai mà hầu như chẳng ai chợp mắt được. Cái kim vừa nổi lên mặt nước thì lại lặn mất tăm xuống đáy bể...
Sáng hôm sau, trong lúc đợi anh Phạm Huy Hoàng - Trưởng phòng Hành chính - quản trị Tỉnh ủy Bắc Cạn đến dẫn đường, cả đoàn đều đăm chiêu, lo lắng. Đúng lúc đó thì anh Phạm Huy Hoàng xuất hiện với nụ cười rất tươi, khoe luôn, sáng sớm nay, trước khi sang đây, anh Hoàng có báo cáo sơ qua việc đoàn hôm qua đi tìm nhà ông Vò, con trai người thợ cắt tóc, cho đồng chí phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dương Đình Hân.
Vừa nghe xong, đồng chí Phó Bí thư cười bảo, nếu tìm ông Vò thì chắc cả thị xã này chẳng ai biết vì khi chuyển từ Ngân Sơn lên thị xã Bắc Cạn thì ông ấy đổi tên là Hùng, nhà ở gần bến xe, thuộc khu chợ Mới...
Cả đoàn mừng rỡ, lập tức lên xe đi đến nhà "cụ Vẹo ông Vò". Tới nơi thì Đoàn gặp được bà Phạm Thị Hoàn, vợ ông Vò. Để khách quan, Đoàn mời cụ Doanh Hằng tới nói chuyện với bà Hoàn, còn mọi người trong đoàn thì ghi chép.
Bà Hoàn kể rằng, bà về làm dâu từ năm 1974, sinh được bốn con, bố chồng tên là Vũ Công Vẹo, sinh năm 1910, có tham gia cách mạng và là Đảng viên; chồng bà hồi bé tên Vũ Công Vò sau đổi thành Vũ Công Hùng, sinh năm 1951, trước đây là cán bộ tiếp phẩm ở trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Cạn.
Cụ Vẹo sinh được hai người con, chị gái ông Hùng lấy chồng ở Lạng Sơn, Bắc Cạn. Cụ Vẹo đã mất năm 1976, còn ông Hùng cũng đã qua đời năm 2005...
Về chuyện liên quan đến phần đầu đồng chí Phùng Chí Kiên trên cầu Ngân Sơn, bà Hoàn kể lại đại ý, từ khi về làm dâu, bà và bố chồng rất hợp tính nhau nên thường hay chuyện trò, tâm sự, hai bố con hầu như không giấu nhau điều gì. Đã nhiều lần, bố chồng kể lại cho bà nghe về chuyện đem đầu đó đi chôn.
Bà còn nhớ rằng, cụ bảo tuy làm nghề cắt tóc nhưng cụ cũng có tham gia hoạt động cách mạng. Một hôm đang cắt tóc thì cụ nghe tin địch đem cái đầu người cộng sản cắm vào cọc tre bêu trên cầu Ngân Sơn, làm cho không ít người hoảng sợ không dám qua cầu. Cái đầu treo ở đó đến 2 - 3 ngày. Thấy thế cụ thương xót lắm liền nghĩ cách trèo lên lấy đầu đem chôn.
Lần đầu vừa ra gần tới nơi thì có động nên đành phải quay về. Đêm hôm sau, nhân lúc trời mưa to gió lớn, các nhà đều đóng kín cửa, bọn địch cũng chui trong đồn, cụ lẻn ra, trèo lên lấy đầu bọc vào trong cái khăn cắt tóc rồi cho vào trong một cái hộp nhỏ, và thận trọng đem giấu vào một ngách hang đá cạnh suối chờ đến gần sáng thì đem đi chôn. Bà Hoàn còn kể nhiều thông tin liên quan đến vị trí chôn cất đầu...
Tạm biệt bà Hoàn, buổi chiều, Đoàn lại tiếp tục đi gặp thêm nhiều nhân chứng, trao đổi lại với các cụ lão thành cách mạng và những người dân am hiểu địa hình.
Tổng hợp lại tất cả mọi thông tin sau gần ba ngày cật lực tìm kiếm, 11 giờ 55' ngày 23/4/2008, mọi người trong đoàn xác định được vị trí mà có thể cụ Vũ Công Vẹo đã chôn cất thủ cấp.
Khoảng 21 giờ tối hôm đó, đoàn đã có buổi gặp gỡ và báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Mai Thế Dương về sự việc trên đồng thời xin ý kiến chỉ đạo công tác bảo vệ hiện trường và thời điểm để cất bốc thủ cấp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhất trí và định thời gian khai quật là sau ngày 5/5/2008.
Chiều 7/5/2008, đông đảo các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Bắc Cạn cùng đoàn tìm kiếm thủ cấp Liệt sĩ Phùng Chí Kiên có mặt tại Tiểu khu I, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn.
Đang điều trị tại Bệnh viện Quân đội 108, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn theo sát từng bước đi tìm kiếm của đoàn. Đại tướng điện cho con trai Võ Điện Biên, sau đó, nói chuyện trực tiếp với Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Nông Văn Chí và Đại tá Nguyễn Huyên rồi gửi lời chúc sức khỏe, cảm ơn và động viên tất cả mọi người.
Cũng trong buổi tối hôm đó, Đại tá Nguyễn Huyên đã gọi điện tới Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, để báo cáo tình hình ...
Đúng 1 giờ 30 ngày 8/5/2008, công việc khai quật được bắt đầu. Cho đến 7 giờ 40' sáng cùng ngày thì hoàn tất. Các hiện vật tìm được đã được niêm phong vào trong một bọc đỏ. Sau đó, "Biên bản đào bới, khai quật mộ liệt sĩ" được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Cạn lập, các cơ quan chức năng và đoàn thể địa phương cùng đại diện gia đình là ông Nguyễn Văn Quang ký vào biên bản.
Cùng ngày, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, thay mặt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Cạn, Trung tá Hoàng Bình Tĩnh bàn giao bọc đỏ được niêm phong cho ông Đào Tất Vinh, đại diện Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng dưới sự chứng kiến của Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Cạn Hoàng Thị Tảo, đại diện gia đình và đoàn tìm kiếm.
Việc tìm kiếm một phần di cốt của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên đã kết thúc ở đây chưa? mời độc giả xem tiếp trên số báo tới.
Mạnh Việt
---
5. Chưa có hồi kết
10:13 | 21/08/2009
TP - Việc tìm kiếm phần còn lại của hài cốt (phần đầu) của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên những tưởng đã khép lại có hậu. Tuy nhiên, theo kết quả giám định của cơ quan chức năng, những gì mà đoàn tìm kiếm được không phải là hài cốt của đồng chí Phùng Chí Kiên.
Như Tiền Phong đã thông tin trên số báo trước, từ lời kể của một số nhân chứng, sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm của gia đình và một số cơ quan chức năng, đoàn tìm kiếm đã khoanh vùng nơi mà cụ Vũ Công Vẹo (sinh năm 1910, đảng viên từng hoạt động cách mạng), đã chôn cất phần đầu của một chiến sỹ cách mạng bị địch sát hại tháng 8 năm 1941 mà họ nghĩ là đồng chí Phùng Chí Kiên.
Thời gian đã hơn 60 năm, mọi thứ nghi nghi hoặc hoặc. Với niềm tin vào lời kể của nhân chứng, đoàn tìm kiếm đã quyết định đào vị trí được chỉ dẫn là nơi táng phần đầu của nhà cách mạng.
Rạng sáng 8/5/2008, công việc khai quật đã được thực hiện. Các hiện vật được tìm thấy không nhiều, mọi thứ được bốc lên, niêm phong cẩn thận và chuyển giao cho đại diện Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng với những thủ tục cần thiết.
Với bất kỳ ai, việc giám định, xác định đúng hài cốt là không thể bỏ qua, với nhà cách mạng tiền bối Phùng Chí Kiên càng phải cẩn trọng hơn.
Các cơ quan có trách nhiệm đã vào cuộc, giám định những gì mà đoàn tìm kiếm khai quật được. Tiếc thay, kết quả giám định cho thấy đó không phải là phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên.
Cần tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm
Cho đến hôm nay, có thể nói, mới chỉ có những kết quả nghiên cứu bước đầu, nhưng các nhà nghiên cứu, sử học quân sự đều có chung đánh giá, nhà cách mạng tiền bối Phùng Chí Kiên có những đóng góp to lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng. Ông là một trong những vị cách mạng tiền bối lỗi lạc.
Theo những tài liệu chính thức, Phùng Chí Kiên tham gia cách mạng từ năm 1924 (khi 23 tuổi), vào Đảng năm 1931. Từ năm 1924, ông cùng một số thanh niên đầy nhiệt huyết, được tổ chức xuất dương sang Trung Quốc. Tại đó ông đã tìm mối liên lạc với Hội Thanh niên và năm 1925 được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Năm 1926, ông dự lớp huấn luyện Trường Quân sự Võ bị ở Hoàng Phố. Năm 1931, ông được cử sang học ở trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, sau đó hoạt động trong Ban Hải ngoại của Đảng. Năm 1932, ông tham gia khởi nghĩa tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Tháng 3/1935, ông cùng các cán bộ của Đảng chuẩn bị soạn thảo Đề cương Đại hội Lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, Trung Quốc, và được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (Trong Bằng Tổ quốc Ghi công Liệt sỹ Phùng Chí Kiên còn ghi chức vụ trong Đảng của ông là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng).
Tháng 2/1941, khi Bác Hồ trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, ông cùng về nước với Bác. Tại hội nghị lần thứ tám, ngày 19/5/1941, ông được Trung ương phân công phụ trách lực lượng quân sự của Đảng. Ngày 21/8/1941, nhà cách mạng lỗi lạc Phùng Chí Kiên bị địch hành hình sau khi bị bắt và tra tấn dã man tại Cầu Ngân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng.
Hôm nay, đúng ngày giỗ của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên. Đã 68 năm ông rời xa trần thế. Những gì mà Tiền Phong đăng tải trong năm số báo mới là những gợi mở ban đầu từ kết quả nghiên cứu còn chưa đầy đủ về nhà cách mạng tiền bối Phùng Chí Kiên.
Những đóng góp của ông cho Đảng, phong trào cách mạng, rất cần được tiếp tục nghiên cứu. Và trên hết, chúng ta cầu mong phần di cốt chưa tìm thấy của ông tiếp tục được tìm kiếm.
Đó chắc chắn vừa là ước nguyện vừa là nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước, của nhân dân và gia đình người chiến sĩ cách mạng Phùng Chí Kiên.
Bá Kiên - Lê Sơn
--
BỔ SUNG 1 (1/11/2013): Để lưu dự phòng tư liệu, đưa thêm một bài từ năm 2008 trên Tạp chí Cộng sản về đây. Thư của Đại tướng trích dẫn trong bài là thư viết vào cuối năm 2007.
"
BỔ SUNG 1 (1/11/2013): Để lưu dự phòng tư liệu, đưa thêm một bài từ năm 2008 trên Tạp chí Cộng sản về đây. Thư của Đại tướng trích dẫn trong bài là thư viết vào cuối năm 2007.
"
Về thăm quê Tướng Phùng Chí Kiên
19:12' 18/8/2008
(Bài và ảnh: Trần Hoài)
Ngày 18-12-2007, sau khi nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ tư lệnh Quân khu 4 đề nghị làm nhà lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư đến đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy trung ương và Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thư có đoạn: “(…) Đồng chí Phùng Chí Kiên là một đồng chí tiền bối cách mạng. Đồng chí tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ rất sớm, sang Trung Quốc hoạt động từ 1915, được dự lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng của Bác Hồ ở Quảng Châu, được Bác cử đi học trường quân sự Hoàng Phố. Về sau, đồng chí sang Nga học trường Đại học Phương Đông. Trở lại hoạt động ở Trung Quốc, đồng chí tham gia chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, được bầu vào Trung ương và sau đó được bầu vào Thường vụ TW Đảng. Năm 1940, tôi và anh Phạm Văn Đồng được Đảng cử sang Trung Quốc để gặp Bác. Chúng tôi có gặp anh Phùng Chí Kiên và một số đồng chí. Tôi may mắn cùng ở chung một nhà với anh Phùng Chí Kiên một thời gian, chúng tôi sống với nhau rất thân thiết. Lúc đó anh phụ trách chúng tôi và tổ chức cho chúng tôi đi gặp đồng chí Vương tức Bác Hồ ở Thúy Hồ. Chuẩn bị về nước, anh được Bác phân công tham gia viết tài liệu “Con đường giải phóng” để mở lớp huấn luyện cho thanh niên yêu nước ở Nậm Quang. Về nước, anh tham gia hội nghị Trung ương VIII tháng 5 năm 1941 đề ra đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Anh được phân công chỉ đạo khởi nghĩa Bắc Sơn. Khi địch khủng bố trắng, Anh dẫn một bộ phận lực lượng vũ trang rút về hướng Cao Bằng. Trên đường rút lui bị địch phục kích, Anh đã bị thương, bị địch bắt, hành hạ rất dã man, Anh vẫn kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng; chúng đã chặt đầu Anh để khủng bố tinh thần quần chúng(…) Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng được Bác và Trung ương phân công phụ trách quân sự đầu tiên (…) Năm 1947 Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm tướng đầu tiên cho đồng chí. Do khuyết điểm về công tác chính sách nên đến năm 2004 đồng chí mới được công nhận là liệt sĩ, tặng bằng Tổ quốc ghi công và chỉ truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Đồng chí ra đi làm cách mạng từ nhỏ, không vợ con gia đình, nay chưa có nơi thờ phụng…”.
Cuối thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị lãnh đạo Đảng và quân đội ba việc cần làm ngay: 1-Tiến hành xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên như Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An đề nghị. 2- Tổ chức hội thảo kỷ niệm về đồng chí Phùng Chí Kiên để tôn vinh công lao của đồng chí. Đề nghị truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng. 3- Đề nghị sử dụng phương pháp ngoại cảm để đi tìm phần hài cốt còn lại của đồng chí Phùng Chí Kiên.
Tháng 8 - 2008, chúng tôi về Diễn Yên, đến thăm ngôi nhà, mảnh vườn, nơi Tướng Phùng Chí Kiên đã sinh ra và lớn lên. Mảnh vườn nhỏ, ngôi nhà nhỏ, hàng dừa lao xao… Ông Lê Hồng Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Diễn Yên cho chúng tôi biết, xã, huyện đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập hồ sơ xây dựng Nhà tưởng niệm Tướng Phùng Chí Kiên, dự kiến sẽ được xây dựng ngay chính nơi đây. Anh Nguyễn Đức Đợu(1), sinh năm 1960 là cháu gọi Tướng Phùng Chí Kiên bằng ông hiện đang sống ở đây cùng gia đình riêng. Anh Đợu nói: “Là con, cháu của một bậc tiền bối cách mạng, chúng tôi rất tự hào, vinh dự. Chúng tôi làm hết sức mình để cố gắng giữ nguyên vẹn ngôi nhà gỗ, tường bao bằng gạch xưa cũ các cụ để lại, lưu dấu kỷ niệm một thời tuổi trẻ ông chúng tôi đã sống”. Nơi góc nhà, con trai anh Đợu, đang miệt mài ôn bài, chuẩn bị cho một năm học mới. Ông Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1925, người trong gia tộc Tướng Phùng Chí Kiên, nguyên cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An kể cho chúng tôi nghe sự kiện: Năm 1957, Trung ương có gửi về Ban lịch sử Tỉnh ủy Nghệ An một tấm ảnh người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi, cùng với bản ghi chú đây là đồng chí Phùng Chí Kiên, một cán bộ cao cấp của Đảng, kèm đề nghị xác minh quê quán, gia đình. Ông Nguyễn Văn Hồng nhìn tấm ảnh, thấy gương mặt quen, hình như đã nhìn thấy một lần đâu đó rồi, nhưng cái tên Phùng Chí Kiên, lúc này đối với ông hoàn toàn lạ lẫm. Trong gia tộc họ Nguyễn của ông nghe đâu có một người tên là Nguyễn Vĩ, nhưng hình như đã xuất dương từ lâu rồi, không rõ giờ còn sống hay đã chết, ở đâu. Chưa hết nghi hoặc, ông Hồng xin phép được mang tấm ảnh về quê Diễn Yên để hỏi các cụ lão thành cách mạng hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Có ông Nguyễn Ấn Trúc, là bạn bè thuở nhỏ, lớn lên cùng tham gia hoạt động cách mạng ở phủ, ở tổng nhận ra ngay đó chính là Nguyễn Vĩ. Bấy giờ, mọi người mới biết Phùng Chí Kiên chính là Nguyễn Vĩ, đã hy sinh năm 1941 tại Bắc Cạn, là người con của làng Mỹ Quan, xã Diễn Yên. Ngay từ năm 1925, Diễn Yên đã có người tham gia phong trào Văn thân Cần Vương. Từ 1925 đến 1929 có 19 thanh niên tham gia tổ chức Việt Nam cách mạng đồng chí hội, có 10 người xuất dương tìm đường cứu nước. Thời kỳ 1930 - 1931 đây là điểm khởi đầu nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình của nông dân chống phong kiến, đế quốc. Trong Cao trào Xô Viết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng ngàn người dân Diễn Yên đã dùng gậy gộc tiến vào thành Phủ Diễn biểu tình, bị địch khủng bố, hy sinh 24 người. Tính đến Cách mạng Tháng Tám, Diễn Yên có 68 người hoạt động cách mạng bị địch sát hại, tù đày. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Diễn Yên đã huy động 22.000 lượt người đào đắp gần 100.000 m3 đất đá làm đường cho xe ra mặt trận, có gần 2000 thanh niên nhập ngũ, 202 liệt sĩ. Xã có 8 bà mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, năm 1996, Đảng bộ và nhân dân xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã từ 15 – 16%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11,4%; vùng đồng ga Yên Lý có nhiều mô hình cá – lúa, kết hợp chăn nuôi gia cầm của các hộ gia đình cho thu nhập 100 – 150 triệu đồng/năm. Toàn xã có 215 ha cá nước ngọt, là đơn vị dẫn đầu tỉnh Nghệ An về phong trào này. Hệ thống trường học, trạm xá xã được kiên cố hóa. 100% hộ dân đã có nhà ngói, nhà cao tầng. Trường Trung học cơ sở của xã được vinh dự mang tên Phùng Chí Kiên…
(1) Anh Nguyễn Văn Đợu là con của người em trai tướng Phùng Chí Kiên "
Bổ sung 1b (27/5/2017): Xem lại đường link cũ của Tc Cộng Sản thì đã thấy hỏng, mà chuyển sang đường link mới (ở đây).
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=6634&print=true
Bản chép ngày 27/5/2017:
"
(1) Anh Nguyễn Văn Đợu là con của người em trai tướng Phùng Chí Kiên
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=6634&print=true
"
BỔ SUNG 2 (1/11/2013): Vẫn là dự phòng tư liệu, đem về đây bức thư của Võ Đại tướng gửi cho Hội thảo Phùng Chí Kiên được đăng ở một chỗ khác, là Tạp chí Hướng nghiệp Hòa nhập (cái này đã trích đoạn sử dụng ở một entry khác rồi, hôm nay là chép toàn văn). Thư của Đại tướng được đăng toàn văn trong bài là thư viết tháng 8 năm 2008. Có một phần của bức thư này giống hệt với thư đã viết cuối năm 2007 (xem Bổ sung 1).
"
LTS: Đồng chí Phùng Chí Kiên sinh năm 1901 tại Nghệ An. Năm 1925, đồng chí rời quê hương đi hoạt động cách mạng với nhiều tên gọi khác nhau để tránh sự theo dõi của địch. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được huấn luyện trong Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Quảng Châu (Trung Quốc), được học tập tại Trường Quân sự - Chính trị Hoàng Phố của Tưởng Giới Thạch, dưới thời Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc, học Đại học Phương Đông ở Liên Xô.
BỔ SUNG 3 (1/11/2013): Cũng thấy cần thiết lưu về đây bài gồm 2 kì của Thiếu tướng Lê Mã Lương (đã đăng trên tờ Quân đội Nhân dân hồi giữa tháng 8 năm 2008).
Ông Lê Hồng Chinh, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự với chúng tôi: Mới đây Đoàn tìm kiếm của Bộ Quốc phòng và gia đình đã tìm thấy phần hài cốt còn lại của đồng chí Phùng Chí Kiên tại tiểu khu 1, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, đó là một niềm vui đối với chúng tôi. Phần hài cốt tìm được lần này chính là phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên do nhân dân huyện Ngân Sơn mai táng trước đây, hiện được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội… Sắp tới, tại cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Phùng Chí Kiên do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Nghệ An dự kiến tiến hành vào ngày 18-8, xã có một bài tham luận với tiêu đề “Phùng Chí Kiên – cội nguồn và sức sống”. Vậy là, những mong muốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn của Đảng bộ và nhân dân Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An và đồng chí, đồng bào cả nước đã hoàn thành.
Chúng tôi ra Nghĩa trang liệt sĩ, mộ hương hồn Tướng Phùng Chí Kiên nằm khiêm nhường giữa đội ngũ hàng trăm người con liệt sĩ của quê hương. Một cành hoa sứ trắng tinh khôi ai đó vừa đặt lên mộ, hương hoa thanh nhẹ trong gió chiều./.
(1) Anh Nguyễn Văn Đợu là con của người em trai tướng Phùng Chí Kiên "
Bổ sung 1b (27/5/2017): Xem lại đường link cũ của Tc Cộng Sản thì đã thấy hỏng, mà chuyển sang đường link mới (ở đây).
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=6634&print=true
Bản chép ngày 27/5/2017:
"
18/8/2008 19:12'
Trong danh sách liệt sĩ của xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An, Phùng Chí Kiên (tên khai sinh là Nguyễn Vĩ) là chiến sĩ cách mạng, một trong những người con của quê hương Diễn Yên hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng chí Phùng Chí Kiên sinh ngày 18-5-1901, hy sinh ngày 21- 8-1941, khi đó, ông là Ủy viên thường vụ Trung ương Đảng (khóa 1), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường.
Năm 1990, sau khi hài cốt Tướng Phùng Chí Kiên được đưa từ Bắc Cạn về Nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và gia đình, nhân dân xã Diễn Yên, một ngôi mộ Tướng Phùng Chí Kiên cũng được lập tại Nghĩa trang liệt sĩ xã, để làm nơi vào dịp 27-7, lễ, tết, mùng một, ngày rằm gia đình, bà con lối xóm đến thắp hương, viếng hương hồn người chiến sĩ cách mạng tiền bối…
Mộ phần Tướng Phùng Chí Kiên
tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Diễn Yên
|
Ngày 18-12-2007, sau khi nhận được công văn của Tỉnh ủy Nghệ An và Bộ tư lệnh Quân khu 4 đề nghị làm nhà lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư đến đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy trung ương và Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Thư có đoạn: “(…) Đồng chí Phùng Chí Kiên là một đồng chí tiền bối cách mạng. Đồng chí tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ rất sớm, sang Trung Quốc hoạt động từ 1915, được dự lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng của Bác Hồ ở Quảng Châu, được Bác cử đi học trường quân sự Hoàng Phố. Về sau, đồng chí sang Nga học trường Đại học Phương Đông. Trở lại hoạt động ở Trung Quốc, đồng chí tham gia chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao, được bầu vào Trung ương và sau đó được bầu vào Thường vụ TW Đảng. Năm 1940, tôi và anh Phạm Văn Đồng được Đảng cử sang Trung Quốc để gặp Bác. Chúng tôi có gặp anh Phùng Chí Kiên và một số đồng chí. Tôi may mắn cùng ở chung một nhà với anh Phùng Chí Kiên một thời gian, chúng tôi sống với nhau rất thân thiết. Lúc đó anh phụ trách chúng tôi và tổ chức cho chúng tôi đi gặp đồng chí Vương tức Bác Hồ ở Thúy Hồ. Chuẩn bị về nước, anh được Bác phân công tham gia viết tài liệu “Con đường giải phóng” để mở lớp huấn luyện cho thanh niên yêu nước ở Nậm Quang. Về nước, anh tham gia hội nghị Trung ương VIII tháng 5 năm 1941 đề ra đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Anh được phân công chỉ đạo khởi nghĩa Bắc Sơn. Khi địch khủng bố trắng, Anh dẫn một bộ phận lực lượng vũ trang rút về hướng Cao Bằng. Trên đường rút lui bị địch phục kích, Anh đã bị thương, bị địch bắt, hành hạ rất dã man, Anh vẫn kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng; chúng đã chặt đầu Anh để khủng bố tinh thần quần chúng(…) Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng được Bác và Trung ương phân công phụ trách quân sự đầu tiên (…) Năm 1947 Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm tướng đầu tiên cho đồng chí. Do khuyết điểm về công tác chính sách nên đến năm 2004 đồng chí mới được công nhận là liệt sĩ, tặng bằng Tổ quốc ghi công và chỉ truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Đồng chí ra đi làm cách mạng từ nhỏ, không vợ con gia đình, nay chưa có nơi thờ phụng…”.
Cuối thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị lãnh đạo Đảng và quân đội ba việc cần làm ngay: 1-Tiến hành xây dựng Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên như Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An đề nghị. 2- Tổ chức hội thảo kỷ niệm về đồng chí Phùng Chí Kiên để tôn vinh công lao của đồng chí. Đề nghị truy tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng. 3- Đề nghị sử dụng phương pháp ngoại cảm để đi tìm phần hài cốt còn lại của đồng chí Phùng Chí Kiên.
Ngôi nhà nơi Tướng Phùng Chí Kiên
sinh ra và lớn lên
|
Tháng 8 - 2008, chúng tôi về Diễn Yên, đến thăm ngôi nhà, mảnh vườn, nơi Tướng Phùng Chí Kiên đã sinh ra và lớn lên. Mảnh vườn nhỏ, ngôi nhà nhỏ, hàng dừa lao xao… Ông Lê Hồng Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Diễn Yên cho chúng tôi biết, xã, huyện đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập hồ sơ xây dựng Nhà tưởng niệm Tướng Phùng Chí Kiên, dự kiến sẽ được xây dựng ngay chính nơi đây. Anh Nguyễn Đức Đợu(1), sinh năm 1960 là cháu gọi Tướng Phùng Chí Kiên bằng ông hiện đang sống ở đây cùng gia đình riêng. Anh Đợu nói: “Là con, cháu của một bậc tiền bối cách mạng, chúng tôi rất tự hào, vinh dự. Chúng tôi làm hết sức mình để cố gắng giữ nguyên vẹn ngôi nhà gỗ, tường bao bằng gạch xưa cũ các cụ để lại, lưu dấu kỷ niệm một thời tuổi trẻ ông chúng tôi đã sống”. Nơi góc nhà, con trai anh Đợu, đang miệt mài ôn bài, chuẩn bị cho một năm học mới.
Ông Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1925, người trong gia tộc Tướng Phùng Chí Kiên, nguyên cán bộ Tỉnh ủy Nghệ An kể cho chúng tôi nghe sự kiện: Năm 1957, Trung ương có gửi về Ban lịch sử Tỉnh ủy Nghệ An một tấm ảnh người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi, cùng với bản ghi chú đây là đồng chí Phùng Chí Kiên, một cán bộ cao cấp của Đảng, kèm đề nghị xác minh quê quán, gia đình. Ông Nguyễn Văn Hồng nhìn tấm ảnh, thấy gương mặt quen, hình như đã nhìn thấy một lần đâu đó rồi, nhưng cái tên Phùng Chí Kiên, lúc này đối với ông hoàn toàn lạ lẫm. Trong gia tộc họ Nguyễn của ông nghe đâu có một người tên là Nguyễn Vĩ, nhưng hình như đã xuất dương từ lâu rồi, không rõ giờ còn sống hay đã chết, ở đâu. Chưa hết nghi hoặc, ông Hồng xin phép được mang tấm ảnh về quê Diễn Yên để hỏi các cụ lão thành cách mạng hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Có ông Nguyễn Ấn Trúc, là bạn bè thuở nhỏ, lớn lên cùng tham gia hoạt động cách mạng ở phủ, ở tổng nhận ra ngay đó chính là Nguyễn Vĩ. Bấy giờ, mọi người mới biết Phùng Chí Kiên chính là Nguyễn Vĩ, đã hy sinh năm 1941 tại Bắc Cạn, là người con của làng Mỹ Quan, xã Diễn Yên.
Ngay từ năm 1925, Diễn Yên đã có người tham gia phong trào Văn thân Cần Vương. Từ 1925 đến 1929 có 19 thanh niên tham gia tổ chức Việt Nam cách mạng đồng chí hội, có 10 người xuất dương tìm đường cứu nước. Thời kỳ 1930 - 1931 đây là điểm khởi đầu nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình của nông dân chống phong kiến, đế quốc. Trong Cao trào Xô Viết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng ngàn người dân Diễn Yên đã dùng gậy gộc tiến vào thành Phủ Diễn biểu tình, bị địch khủng bố, hy sinh 24 người. Tính đến Cách mạng Tháng Tám, Diễn Yên có 68 người hoạt động cách mạng bị địch sát hại, tù đày. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Diễn Yên đã huy động 22.000 lượt người đào đắp gần 100.000 m3 đất đá làm đường cho xe ra mặt trận, có gần 2000 thanh niên nhập ngũ, 202 liệt sĩ. Xã có 8 bà mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, năm 1996, Đảng bộ và nhân dân xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của xã từ 15 – 16%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11,4%; vùng đồng ga Yên Lý có nhiều mô hình cá – lúa, kết hợp chăn nuôi gia cầm của các hộ gia đình cho thu nhập 100 – 150 triệu đồng/năm. Toàn xã có 215 ha cá nước ngọt, là đơn vị dẫn đầu tỉnh Nghệ An về phong trào này. Hệ thống trường học, trạm xá xã được kiên cố hóa. 100% hộ dân đã có nhà ngói, nhà cao tầng. Trường Trung học cơ sở của xã được vinh dự mang tên Phùng Chí Kiên…
Ông Lê Hồng Chinh, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự với chúng tôi: Mới đây Đoàn tìm kiếm của Bộ Quốc phòng và gia đình đã tìm thấy phần hài cốt còn lại của đồng chí Phùng Chí Kiên tại tiểu khu 1, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, đó là một niềm vui đối với chúng tôi. Phần hài cốt tìm được lần này chính là phần đầu của đồng chí Phùng Chí Kiên do nhân dân huyện Ngân Sơn mai táng trước đây, hiện được quàn tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội… Sắp tới, tại cuộc hội thảo về thân thế, sự nghiệp của đồng chí Phùng Chí Kiên do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Nghệ An dự kiến tiến hành vào ngày 18-8, xã có một bài tham luận với tiêu đề “Phùng Chí Kiên – cội nguồn và sức sống”. Vậy là, những mong muốn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn của Đảng bộ và nhân dân Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An và đồng chí, đồng bào cả nước đã hoàn thành.
Chúng tôi ra Nghĩa trang liệt sĩ, mộ hương hồn Tướng Phùng Chí Kiên nằm khiêm nhường giữa đội ngũ hàng trăm người con liệt sĩ của quê hương. Một cành hoa sứ trắng tinh khôi ai đó vừa đặt lên mộ, hương hoa thanh nhẹ trong gió chiều./.
(1) Anh Nguyễn Văn Đợu là con của người em trai tướng Phùng Chí Kiên
"
BỔ SUNG 2 (1/11/2013): Vẫn là dự phòng tư liệu, đem về đây bức thư của Võ Đại tướng gửi cho Hội thảo Phùng Chí Kiên được đăng ở một chỗ khác, là Tạp chí Hướng nghiệp Hòa nhập (cái này đã trích đoạn sử dụng ở một entry khác rồi, hôm nay là chép toàn văn). Thư của Đại tướng được đăng toàn văn trong bài là thư viết tháng 8 năm 2008. Có một phần của bức thư này giống hệt với thư đã viết cuối năm 2007 (xem Bổ sung 1).
"
Một bức thư chứa chan tình cảm và trách nhiệm đối với người đã khuất
LTS: Đồng chí Phùng Chí Kiên sinh năm 1901 tại Nghệ An. Năm 1925, đồng chí rời quê hương đi hoạt động cách mạng với nhiều tên gọi khác nhau để tránh sự theo dõi của địch. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được huấn luyện trong Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Quảng Châu (Trung Quốc), được học tập tại Trường Quân sự - Chính trị Hoàng Phố của Tưởng Giới Thạch, dưới thời Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc, học Đại học Phương Đông ở Liên Xô.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần nhất, họp ở Ma Cao (Quảng Đông – Trung Quốc), đồng chí được cử làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I). Tháng 5-1941, sau khi Đại chiến thế giới thứ II bùng nổ, đồng chí và một số lãnh đạo khác của Đảng cùng đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Bác Hồ) về Cao Bằng hoạt động. Tại cuộc họp Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941) tổ chức ở Pắc Bó (Cao Bằng), đồng chí Phùng Chí Kiên đã được Trung ương phân công phụ trách Cứu quốc quân và chiến khu Bắc Sơn – Đình Cả.
Ngày 21-8-1941, đồng chí bị địch bắn bị thương, bị địch bắt và giết hại trên đường chỉ huy bộ đội hành quân.
Tháng 8-2008, nhân kỷ niệm 67 năm ngày đồng chí Phùng Chí Kiên hy sinh, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức cuộc Hội thảo Khoa học “Phùng Chí Kiên, người Cộng sản mẫu mực, kiên trung, nhà chính trị - quân sự song toàn”.
Trước khi diễn ra Hội thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐNDVN đang ở tuổi gần trọn một thế kỷ sinh thành đã gửi đến cuộc Hội thảo một bức thư rất tâm huyết, đậm đà tình nghĩa đồng chí, đồng đội, thể hiện trách nhiệm cao cả đối với người đã anh dũng hi sinh vì dân, vì nước.
Khi Xuân Canh Dần đang đến với đất nước, HNHN trân trọng đăng toàn văn bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bạn đọc tham khảo và noi theo.
Các đồng chí thân mến !
Đồng chí Phùng Chí Kiên tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội rất sớm, sang Trung Quốc hoạt động từ năm 1925, được dự lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng của Bác Hồ ở Quảng Châu, được Bác Hồ cử đi học Trường quân sự Hoàng Phố. Về sau đồng chí sang Liên Xô học ở Trường Đại học Phương Đông. Trở lại hoạt động ở Trung Quốc, đồng chí tham gia chuẩn bị và dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng tại Ma Cao, được bầu vào Trung ương, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách Ban Hải ngoại. Đầu năm 1940, tôi và anh Phạm Văn Đồng được Đảng cử sang Trung Quốc để gặp Bác Hồ. Chúng tôi có gặp anh Phùng Chí Kiên và một số đồng chí ở Côn Minh. Tôi may mắn được cùng ở chung nhà với anh Phùng Chí Kiên một thời gian, chúng tôi sống với nhau rất thân thiết. Lúc đó anh phụ trách chúng tôi và tổ chức cho chúng tôi đi gặp đồng chí Vương tức Bác Hồ ở Thúy Hồ.
Đến tháng 6 năm 1940, chúng tôi về Quế Lâm. Một thời gian sau, anh Phùng Chí Kiên, anh Vũ Anh và một số đồng chí khác tập họp ở Quế Lâm, do anh Phùng Chí Kiên phụ trách. Sau đó, chúng tôi chuyển về Tĩnh Tây. Tại đây, chúng tôi mở lớp học cho số anh em thanh niên từ Cao Bằng sang. Bác Hồ phân công chúng tôi viết các chuyên đề về điều tra, tuyên truyền, tổ chức. Viết xong, anh Kiên được phân công ngồi trên nhà sàn đọc lại, sau đó biên soạn thành cuốn “Con đường giải phóng”. Bác Hồ, anh Kiên, tôi, các anh Phạm Văn Đồng, Cao Hồng Lĩnh, Vũ Anh, Đặng Văn Cáp… cùng nhau ăn Tết Tân Tỵ ở Nậm Quang. Đến ngày mồng 2 Tết, Bác Hồ, anh Kiên và một số đồng chí khác về Pác Bó.
Về nước, Anh tham gia Hội nghị Trung ương 8, tháng 5 năm 1941. Hội nghị đã đề ra nghị quyết về cách mạng giải phóng dân tộc – một nghị quyết rất quan trọng và cực kỳ cơ bản cho cách mạng nước ta tiến lên mạnh mẽ, có thể tập hợp mọi người yêu nước vào Mặt trận Việt Minh. Anh Kiên được phân công phụ trách Cứu quốc quân, chiến khu Bắc Sơn. Khi địch khủng bố trắng, Anh dẫn một lực lượng vũ trang rút về hướng Cao Bằng. Trên đường rút lui bị địch phục kích. Anh đã bị thương, bị địch bắt, hành hạ rất dã man, Anh vẫn kiên cường giữ vững khí tiết cách mạng; chúng đã chặt đầu Anh để khủng bố tinh thần quần chúng.
Đồng chí Phùng Chí Kiên đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng để lại tấm gương anh hùng, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu cho Đảng ta, quân đội ta.
Đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tiền bối cách mạng, một cán bộ cấp cao của Đảng, được Bác Hồ và Trung ương phân công phụ trách quân sự đầu tiên. Đồng chí là một cán bộ có đức độ và tài năng, cả chính trị và quân sự, được đào tạo cơ bản, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi, hòa mình với đồng chí, đồng bào, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bác và Trung ương. Đồng chí Phùng Chí Kiên là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối đã có công lao to lớn đối với Đảng ta, quân đội ta, không chỉ về mặt tổ chức mà cả về đường lối cách mạng. Năm 1947, Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm cấp tướng đầu tiên cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây là lần phong hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta.
Tôi hoan nghênh Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học về đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa, vừa để nghiên cứu lịch sử, hiểu biết rõ hơn, đầy đủ hơn về quá trình hoạt động cách mạng và tôn vinh công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội và nhân dân ta; vừa nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Qua kết quả cuộc Hội thảo này, tôi đề nghị Viện Lịch sử quân sự, Viện Lịch sử Đảng cần nghiên cứu, bổ sung vào lịch sử Đảng, lịch sử quân đội đầy đủ hơn về hoạt động và vai trò đồng chí Phùng Chí Kiên trong thời kỳ đầu cách mạng nước ta.
Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc.
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Chào thân ái!
Hà Nội, ngày 1 tháng 8 năm 2008
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
"
BỔ SUNG 3 (1/11/2013): Cũng thấy cần thiết lưu về đây bài gồm 2 kì của Thiếu tướng Lê Mã Lương (đã đăng trên tờ Quân đội Nhân dân hồi giữa tháng 8 năm 2008).
Phùng Chí Kiên – Một tài năng quân sự kiệt xuất
Trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có phần trưng bày thể hiện quá trình ra đời và phát triển của Đội du kích Bắc Sơn - Đội Cứu quốc quân I.
Tháng 6 năm 1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp buộc Chính phủ Pê-tanh ở Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng tình hình đó, phát xít Nhật tiến hành xâm chiếm Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9 năm 1940, quân Nhật đánh vào Lạng Sơn. Quân Pháp tuy có chống đỡ nhưng bị tổn thất nặng buộc phải bỏ chạy khỏi Lạng Sơn về Thái Nguyên qua Bắc Sơn. Nắm bắt thời cơ, đêm 27 tháng 9 năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, gần 600 tự vệ và quần chúng cách mạng Bắc Sơn tiến hành khởi nghĩa, đánh chiếm Mỏ Nhài, chiếm châu lỵ Bắc Sơn, thành lập chính quyền cách mạng. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng quyết định cử đồng chí Trần Đăng Ninh, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ lên tăng cường cho Đảng bộ Bắc Sơn. Phong trào cách mạng ở Bắc Sơn phát triển mạnh mẽ, Đội du kích Bắc Sơn ra đời, chiến khu cách mạng được thành lập. Sau khi Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức thì ở Đông Dương toàn quyền Đờ-cu cũng đầu hàng phát xít Nhật và câu kết với chúng bóc lột nhân dân và đàn áp phong trào cách mạng của nước ta. Trước tình hình đó, nhiệm vụ đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước, giành độc lập dân tộc đối với Việt Nam trở nên cấp thiết.
Năm 1938, từ Liên Xô, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Trung Quốc hoạt động cách mạng. Năm 1940, Người lấy bí danh là Hồ Chí Minh. Tại Côn Minh, Vân Nam - Trung Quốc, Lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp gồm các đồng chí lãnh đạo cách mạng Việt Nam tại hải ngoại và nhận định: “Thời cơ cho cách mạng Việt Nam đã đến. Mọi người không nên ở lại Quế Lâm nữa, phải tìm cách về nước ngay để hoạt động. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng...”. Một trong số ủy viên Trung ương Đảng ở hải ngoại, thường xuyên trao đổi và xin chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh là đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Những năm từ 1939 đến 1941, đồng chí thường xuyên đưa đón Người đến các nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chí Thôn của tỉnh Vân Nam để nắm tình hình. Năm 1941, đồng chí cùng với Người trở về nước hoạt động. Sự kiện này mở ra bước ngoặt đối với cách mạng Việt Nam.
Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ. Trong quá trình hoạt động, đồng chí có những tên khác là Nguyễn Vợi, Nguyễn Hào, Mạnh Văn Liễu, Phùng, Lý Đông, Phùng Nguôn Bình, Đông Hải, Can, Hừng Đông, Như Bạch, Phùng Quốc Nghiên… Đồng chí sinh năm 1901, quê ở làng Mỹ Quan Thượng, xã Vạn Phần, Phủ Diễn Châu, Nghệ An (nay là làng Mỹ Quan, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, được Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội chọn lựa đưa sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện cách mạng đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức năm 1926 cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng, Trương Văn Lĩnh, Phạm Hồng Thái…. Sau lớp học này, đồng chí Phùng Chí Kiên vào học tại Trường Võ bị Hoàng Phố (Quảng Đông) của Chính phủ Tôn Trung Sơn và gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tại đây, đồng chí Phùng Chí Kiên có dịp bộc lộ năng khiếu quân sự bẩm sinh. Tốt nghiệp khóa học với điểm ưu, đồng chí tham gia giảng dạy tại một trường quân sự chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc rồi cùng với một số cán bộ của Việt Nam tham gia khởi nghĩa Quảng Châu (12-12-1927) do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, được cử làm Liên đội trưởng Hồng quân công nông Trung Quốc. Năm 1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 2 năm 1931, được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí được sang học Trường đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản tại Mát-xcơ-va. Trên đường đi, đến Mãn Châu, đồng chí bị bọn phát xít Nhật bắt. Ra tù, Phùng Chí Kiên đổi tên là Can (Hừng Đông) rồi tiếp tục sang Liên Xô học tập lý luận của chủ nghĩa Mác Lê-nin và kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ xây dựng đất nước của nhân dân Liên Xô, từ năm 1933 đến năm 1934.
Cuối năm 1934, Phùng Chí Kiên trở về Hương Cảng, hoạt động trong Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập chuẩn bị triệu tập đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất tại Ma Cao - Trung Quốc, tháng 3 năm 1935. Trong số 13 ủy viên Trung ương do đại hội bầu ra, đồng chí có tên cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hoàng Đình Giong, Đình Thanh, Võ Nguyên Hiến, Võ Văn Ngân, Phạm Văn Xô... Tại đại hội, đồng chí được bầu vào Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác Đảng ở nước ngoài.
Năm 1936, đồng chí trở về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Năm 1937, đồng chí trở lại Hương Cảng với tấm thẻ căn cước mang tên Phùng Nguôn Vĩnh, sau bị cảnh sát Anh bắt và trục xuất. Năm 1938, đồng chí trở về Côn Minh - Trung Quốc, tham gia củng cố ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và xuất bản tờ báo “Đấu tranh”.
Cuối năm 1937, đồng chí Phùng Chí Kiên đến Hồng Công, phụ trách liên lạc giữa Đảng và quốc tế. Cuộc chiến tranh Trung - Nhật đã làm cho đường giao thông Hoa Nam bị gián đoạn, do vậy đồng chí phải rời Hồng Công về Quảng Đông cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đội du kích chống Nhật ở đó.
Năm 1938, Nguyễn Ái Quốc từ Mát-xcơ-va về Trung Quốc. Tháng 2 năm 1939, Người tham gia lớp huấn luyện du kích tại Nam Nhạc, Hồ Nam. Cuối năm 1939, Người mới bắt liên lạc với Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng ta tại Côn Minh - Vân Nam. Cùng thời gian này đồng chí Phùng Chí Kiên trở về Vân Nam hoạt động. Tại đây, đồng chí Phùng Chí Kiên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, báo cáo Lãnh tụ Hồ Chí Minh về tình hình của Đảng và xin chỉ thị của Người về hoạt động của Ban lãnh đạo hải ngoại. Đồng chí còn thường xuyên đưa đón Người đến các nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chí Thôn của tỉnh Vân Nam nắm tình hình. Năm 1941, đồng chí cùng Người và một số cán bộ của Đảng từ Trung Quốc về nước. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện còn lưu giữ khẩu súng ngắn Mauser, Lãnh tụ Hồ Chí Minh trao cho đồng chí Đào Mạnh Vi (tức Thế An) dùng tổ chức con đường giao thông, bảo vệ đoàn cán bộ này từ Trung Quốc về nước, năm 1941.
Khi Lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thụ, Đào Mạnh Vi… về đến Nậm Quang, một vùng nằm sát biên giới Việt Trung, tại đây, đồng chí Phùng Chí Kiên đã tập hợp 40 đồng chí thanh niên yêu nước để Lãnh tụ Hồ Chí Minh huấn luyện, đào tạo về cách tổ chức đoàn thể quần chúng, cách tuyên truyền và huấn luyện, phương pháp đấu tranh cách mạng. Số cán bộ này sau trở thành những cán bộ cốt cán đưa về Cao Bằng xây dựng thí điểm ở các đoàn thể Việt Minh, lập khu căn cứ cách mạng. Dựa theo tài liệu huấn luyện của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Phùng Chí Kiên đã cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn thành bài giảng huấn luyện cho cán bộ trong nước. Những tài liệu này sau được in thành sách: “Con đường giải phóng”.
Ngày 28 tháng 1 năm 1941, tức ngày 3 Tết Tân Tỵ, Đoàn cán bộ của Đảng từ Nậm Quang vượt qua cột mốc biên giới 108 về Cốc Pó, Hà Quảng, Cao Bằng. Tại đây, đồng chí Phùng Chí Kiên đã tham gia tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt minh cho các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn và một số tỉnh miền xuôi chuẩn bị lực lượng cho các tổ chức cách mạng. Năm 1959, ông Thi Văn Lùng ở Nà Sác, Hà Quảng, Cao Bằng, trao cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) khẩu súng pháo hiệu, số nòng 26.7. Trong hồ sơ hiện vật của Bảo tàng có ghi: Được đồng chí Đào Mạnh Vi (Thế An) vận động, ông Thi Văn Lùng đã mua khẩu súng pháo hiệu này ủng hộ cách mạng. Súng được sử dụng báo hiệu khi có địch để bảo vệ Lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ… tại Cao Bằng, năm 1941.
- Chiếc đánh lửa bằng sừng trâu của gia đình ông Mạn ở thôn Nà Mạ, xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đã dùng đánh lấy lửa, dẫn đường, phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ, Lê Quảng Ba… trong thời gian các vị hoạt động tại Cao Bằng, năm 1941. Hiện vật này được ông Mạn trao cho Bảo tàng năm 1959.
(còn nữa)
(Tiếp theo và hết)
Tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941, Lãnh tụ Hồ Chí Minh với tư cách là đại biểu của Quốc tế cộng sản, đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh, đổi tên các tổ chức trong mặt trận thành hội cứu quốc. Về xây dựng lực lượng vũ trang, Hội nghị quyết định xây dựng Đội tự vệ cứu quốc Việt Nam . Hội nghị quyết định giao cho Ban Thường vụ Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt trực tiếp chỉ đạo duy trì và phát triển lực lượng du kích Bắc Sơn, đồng thời cử đồng chí Phùng Chí Kiên, Bế Sơn Cương, Mã Thành Kính, Đặng Văn Cáp, Trần Văn Phấn về giúp Ban chỉ đạo Đội du kích Bắc Sơn và bổ sung lực lượng cho Đội du kích Bắc Sơn.
Tháng 6 năm 1941, Phùng Chí Kiên cùng các đồng chí được giao nhiệm vụ chỉ đạo và tăng cường cho Đội du kích Bắc Sơn. Đồng chí cùng một số đồng chí cán bộ của Đảng từ Cao Bằng trở về Lũng Páy, Lân Táy Bắc Sơn, khu vực đóng quân của Đội du kích Bắc Sơn.
Tại đây, cán bộ, chiến sĩ Đội du kích Bắc Sơn được nghe đồng chí Trường Chinh phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đội du kích Bắc Sơn đổi tên là Đội cứu quốc quân 1. Đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách quân sự được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao làm chỉ huy trưởng, đồng chí Lường Văn Tri, Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ làm chỉ huy phó. Toàn đội có 37 người, được biên chế thành 3 tiểu đội, vũ khí có 15 súng trường, súng kíp còn lại là dao găm, mã tấu.
Một số hiện vật gắn với Đội Cứu quốc quân hiện đang được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam lưu giữ:
- Lưỡi mác: Đội cứu quốc quân đã sử dụng chiến đấu tại Đình Cả, Võ Nhai, năm 1941.
- Bát ăn cơm, liễn, ấm đun nước nhân dân Bắc Sơn sử dụng phục vụ cơm nước cho Đội Cứu quốc quân, năm 1940-1941.
- Chiếc ấm sành của gia đình ông Dương Công Cao ở xã Hương Vũ, Bắc Sơn, Lạng Sơn dùng đun nước phục vụ Đội du kích Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân.
- Chiếc nồi đồng chí Mã Viết Minh, Mã Viết Phấn dùng nấu cơm phục vụ các đồng chí Trung ương ở Khuổi Nọi, Vũ Lễ, Bắc Sơn, năm 1941.
- Súng kíp của ông Hón xã Tân Hưng dùng chiến đấu khi tham gia Đội cứu quốc quân, năm 1941, chiến đấu giết một tên sếp đội đồn Canh Tiến.
Với cương vị chỉ huy trưởng Đội cứu quốc quân 1, đồng chí Phùng Chí Kiên đã đem những kiến thức quân sự được học tập tại Trung Quốc và Liên Xô truyền đạt cho toàn đội và tự vệ, hội viên cứu quốc các tổ chức quần chúng ở châu Bắc Sơn. Những kiến thức đó được cán bộ, chiến sĩ tham dự truyền đạt, phổ biến rộng rãi cho tự vệ và quần chúng cách mạng châu Bắc Sơn, góp phần làm cho phong trào cách mạng ngày càng phát triển rộng thêm.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng Bắc Sơn, thực dân Pháp tăng cường lực lượng mật thám và bọn tay sai phản động theo dõi hòng đàn áp khủng bố phong trào cách mạng. Bọn địch dùng mọi thủ đoạn đối với nhân dân, chúng hết đe dọa, bắt đóng sưu cao thuế nặng quay sang dụ dỗ, mua chuộc, lập đồn bốt dày đặc, thực hiện chính sách đốt sạch, phá sạch. Chúng còn mở những cuộc tiến công càn quét lớn, có cuộc lên tới 4.000 quân gồm cả lính Pháp, lê dương, lính khố đỏ, lính khố xanh, mật thám vào khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai. Bọn địch triệt hạ một số làng, bản, khủng bố, bắn giết các gia đình cơ sở cách mạng và nhân dân, cướp bóc gia súc, phá hoại ruộng nương, dựng trại tập trung nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta hòng “tát nước bắt cá”. Nhưng nhân dân Bắc Sơn đã không nao núng trước kẻ thù, vẫn bí mật nhường cơm sẻ áo, tiếp tế lương thực, thực phẩm nuôi giấu bảo vệ cán bộ của Đảng, ủng hộ Cứu quốc quân chống địch khủng bố, duy trì lực lượng và giữ vững phong trào cách mạng.
Trước tình hình địch truy lùng ráo riết, Trung ương Đảng quyết định phân công đồng chí Phùng Chí Kiên và Lường Văn Tri ở lại đấu tranh chống địch càn quét, khủng bố, giữ vững phong trào, các đồng chí Trung ương khác rút khỏi vòng vây của địch từ Bắc Sơn xuống Võ Nhai để đến vùng an toàn. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã họp ban chỉ huy, cử một tổ cứu quốc quân đi bảo vệ các đồng chí Trung ương, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chống địch khủng bố, càn quét và bảo vệ căn cứ.
Ngày 25 tháng 7 năm 1941, địch huy động lực lượng lớn, có sĩ quan Pháp chỉ huy, chia thành 4 hướng tiến công vào Mỏ Pia để lùng bắt các đồng chí Trung ương và Ban chỉ huy Đội cứu quốc quân trước đó đóng tại đây. Khi địch tiến công vào thì các đồng chí Trung ương đã sớm rút khỏi Lán Táy đến Khuổi Nọi. Bọn địch điên cuồng đàn áp nhân dân trong vùng, nhiều nhà cửa của đồng bào bị đốt phá, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ.
Trước những cuộc tấn công dồn dập của quân địch, dưới sự chỉ huy của đồng chí Phùng Chí Kiên và Lường Văn Tri, Đội cứu quốc quân đã chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều thiệt hại như trận Giá Huần xã Vũ Lễ. Thế nhưng kẻ thù liên tục càn quét, khủng bố, lực lượng so sánh giữa ta và địch chênh lệch, một số cơ sở của ta bị vỡ, Ban chỉ huy Cứu quốc quân chủ trương rút hai tiểu đội ra khỏi Bắc Sơn tiến lên vùng biên giới phía Bắc, duy trì lực lượng, xây dựng căn cứ. Còn một tiểu đội bí mật ở lại Bắc Sơn hoạt động chống địch khủng bố, giữ vững cơ sở cách mạng. Thực hiện chủ trương đó, tháng 8 năm 1941, lực lượng cứu quốc quân chia làm hai cánh rút khỏi Bắc Sơn. Cánh thứ nhất gồm các đồng chí Hoàng Văn Thái, Đặng Văn Cáp, Dương Công Bình, Hoàng Văn Hán, Hoàng Như Ý… do đồng chí Hoàng Văn Thái và Đặng Văn Cáp chỉ huy. Cánh thứ hai gồm đồng chí Phùng Chí Kiên, Lường Văn Tri, Hà Khai Lạc, Bế Sơn Cương do đồng chí Phùng Chí Kiên và Lường Văn Tri chỉ huy.
Ngày 10 tháng 8 năm 1941, cánh quân của đồng chí Phùng Chí Kiên rút khỏi Khuổi Nọi qua các xã Bắc Sơn, Hữu Vĩnh, Vĩnh Đống, châu Bắc Sơn rồi đến châu Na Rì, Ngân Sơn - Bắc Kạn để lên Cao Bằng. Ngày 19 tháng 8 năm 1941, cánh quân đến Pò Kép xã Văn Học, châu Na Rì thì bị phục kích. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Phùng Chí Kiên các chiến sĩ cứu quốc quân đã chiến đấu đánh trả quyết liệt mở đường tiến. Nhưng con đường lên Cao Bằng đã bị bọn địch vây chặt, ngày 22 tháng 8 năm 1941, khi cánh quân của đồng chí Phùng Chí Kiên đến làng Khau Pàn, xã Bằng Đức, châu Ngân Sơn, Bắc Kạn bị địch phục kích. Đồng chí Phùng Chí Kiên chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bắn chặn địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Đồng chí bị thương và bị địch bắt. Không thể lay chuyển được người cộng sản, người chỉ huy kiên cường của Đội cứu quốc quân, bọn địch tra tấn, hành hạ và chặt đầu đồng chí bêu ở cầu Ngân Sơn (ngày 22 tháng 8 năm 1941).
Những hiện vật Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam lưu giữ trưng bày về Đội du kích Bắc Sơn, Đội cứu quốc quân I thể hiện phần nào cuộc sống, chiến đấu và tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sĩ của đội trong đó có đồng chí Phùng Chí Kiên - một nhà cách mạng, một tài năng quân sự kiệt xuất của Đảng và nhân dân ta.
Năm tháng qua đi nhưng Đội cứu quốc quân và tên tuổi của đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn được đồng đội và nhân dân ghi nhớ bởi đó là một trong những đội quân tiền thân của Đảng, là những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng ta, quân đội ta trong những năm chông gai nhất của cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Phùng Chí Kiên đã được tiếp cận với Lãnh tụ Hồ Chí Minh, được Người huấn luyện, đào tạo trở thành cán bộ cách mạng, một chỉ huy quân sự kiệt xuất đầu tiên của Đảng. Đồng chí đã được Nhà nước tuyên dương công trạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 89/SL truy phong hàm tướng đầu tiên, ngày 23 tháng 9 năm 1947. Năm 1994, đồng chí được Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương và bằng Huân chương Chiến công hạng ba.
Ngày 24 tháng 6 năm 2008, anh Nguyễn Văn Quang (cháu của ông Nguyễn Mỹ, em ruột của đồng chí Phùng Chí Kiên) đã trao cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam bằng, huân chương và những kỷ vật: Mâm gỗ, đĩa, nậm rượu, lọ sành là những đồ dùng sinh hoạt của gia đình cụ Nguyễn Khoản và Trần Thị Cúc (cha và mẹ của đồng chí Phùng Chí Kiên).
Thiếu tướng LÊ MÃ LƯƠNG
Phần nội dung lời dặn (“lời phán”) của bà PTB Hằng đã được các biên tập viên Tiền phong nhanh chóng cắt bỏ, chỉ còn lại nội dung thắp hương tại mộ: : “Cũng trong ngày hôm đó, anh Võ Điện Biên đã ghi lại toàn bộ lời hướng dẫn của Thạc sĩ Phan Thị Bích Hằng (vì chị không tham gia đi cùng đoàn ngày hôm sau), trong đó có nêu: “… Đi qua một chợ nhỏ, gần cầu Ngân Sơn, quan trọng là hướng Lũng Sao (phía Bắc huyện lỵ Ngân Sơn – PV), gần đó trước đây có đồi thông, trên đồi lúc đó có mấy mộ của người dân tộc, có cây nêu tượng trưng…
Trả lờiXóaLúc đó, đầu được bọc trong cái khăn choàng trước ngực của người cắt tóc, cho vào hộp đựng đồ cắt tóc… đem đi chôn buổi đêm … Nhớ nhé, đi qua cầu Ngân Sơn, hướng Lũng Sao, bên trái đường lên trước đây có đồi quân dược…”.
Mít sờ tơ Khù Văn Khoằm 09:34 Ngày 26 tháng 10 năm 2013
Có thế chứ ! Cái này, anh Võ Điện Biên đã ghi lại rồi, và nội dung ấy cũng đã xuất hiện trên báo, nhưng Tiền Phong bây giờ đã đem cất biệt tích đi !
XóaCảm ơn Khoằm đã trình ra cái mà Tiền Phong giấu nhẹm.
Trong Google Drive em có lưu ảnh chụp màn hình đoạn mà Tiền Phong giấu nhẹm, bác lấy dùng nhé.
XóaOK, cảm ơn Khoằm !
XóaDấu ấn của Đại tướng với quê hương cách mạng Cao Bằng
Trả lờiXóaTrích: Cuối tháng 12/1940, tại làng Nặm Quang, Tịnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc (cách biên giới Việt - Trung khoảng 20 km), các đồng chí: Dương Hoài Nam (tức Võ Nguyên Giáp), Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng), Phùng Chí Kiên cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp soạn tài liệu và giảng dạy lớp huấn luyện ngắn ngày cho hơn 40 học viên là thanh niên cách mạng từ Cao Bằng lánh sang, nhằm đào tạo cán bộ cho công tác thí điểm phong trào Việt Minh ở Cao Bằng.