Bài của một người cháu, gọi Nguyễn Sơn là bác, đã in trong tập sách Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân (Nxb Thông tấn, 2006).
Ở đây, lấy về từ bản phổ biến trên mạng từ 2008. Theo bài này, tựa như, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở bên ông lúc lâm chung tại Bệnh viện Việt - Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị).
Tiêu đề: Re: Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân
Gửi bởi: dongadoan trong 05 Tháng Mười, 2008, 06:18:52 PM
Nhớ Bác Sơn
G.S. Vũ Tuấn
Mùa thu 1945...
Cách mạng tháng Tám thành công đem lại độc lập cho Tổ quốc. Cùng với sự kiện vĩ đại đó, gia đình chúng tôi có niềm vui to lớn, bất ngờ: bác tôi, ông Vũ Nguyên Bác, người con thứ tư của ông bà nội tôi đột ngột trở về sau hai mươi năm biệt tích.
Không thể tả xiết niềm vui, sự sung sướng của chúng tôi hồi đó.
Thế rồi, sau những nụ cười và những giọt nước mắt, sau những buổi hàn huyên khôn dứt, ông hỏi:
- Nhà ta có ai nghiện thuốc phiện không?
- Không!
- Có ai làm ở dưới kia không? Ông chỉ về phía trụ sở Quốc dân Đảng ở phố Quan Thánh.
- Không!
Nghe trả lời, ông vui hẳn lên, cởi mở hẳn lên. Và cả nhà chúng tôi cùng hết sức mừng rỡ: Ông không phải là Vũ Hồng Khanh. Ông là Nguyễn Sơn.
Sự kiện đó quyết định con đường của cả họ Vũ chúng tôi: Tất cả đi theo ông.
Sau ngày 23-9-1945, ngày giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ, tất cả thanh niên trong họ (cả trai lẫn gái) lần lượt gia nhập quân đội.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, tất cả các gia đình tản cư theo kháng chiến, chiến đấu vì độc lập, vì lý tưởng của Cụ Hồ.
Nhìn lại...
Đã gần nửa thế kỷ qua. Bao nhiêu biến động! Bao nhiêu đổi thay!
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhiều người trong gia đình chúng tôi đã ngã xuống ở chiến trường hay trên những nẻo đường của chiến tranh. Tất cả đều trung thành với lý tưởng của ông và phấn đấu gìn giữ phẩm chất con người mà ông mong muốn.
Rồi lớp con cháu lại ra trận chống Mỹ...
Không một người nào theo giặc, không một ai sa đoạ, suy đồi. Tất cả chúng tôi đều sống đứng đắn, đều là những công dân tốt.
Ngày nay, con cháu ông có mặt trên hầu hết các ngành quân sự, ngoại giao, giáo dục, y tế, nghệ thuật và đều là những cán bộ có lương tâm, những người lao động chân chính. Đó là nhờ bác tôi dẫn dắt. Chúng tôi biết ơn ông về điều đó.
Thời gian trôi qua...
Rất nhiều điều đã quên. Thế nhưng thời gian không chỉ là quên, mà còn là nhớ nữa.
Tôi nhớ... ông phi ngựa rất giỏi, đi xe đạp thả hai tay còn tài hơn cả lũ trẻ nghịch ngợm chúng tôi. Ông thích xem hát chèo và đêm đêm thức rất khuya, vừa gõ mổ cò trên chiếc máy chữ con con vừa hút thuốc lá.
Tôi nhớ... ông kể, trong những năm đầu ông khổ sở như thế nào vì nhớ mẹ, ông kể, ông đọc nhẩm "Kiều" ra sao để vợi đi nỗi nhớ nhà, nhớ nước, để không quên tiếng mẹ đẻ.
Tôi nhớ... những lần ông diễn thuyết đầy nhiệt tình trên sân vận động. Tôi nhớ những lần ông gánh củi với lính, tập bơi với chúng tôi.
Lúc đó tôi thắc mắc mãi:
- Không hiểu ông làm thế nào mà sống sót được qua Vạn lý trường chinh nếu không biết bơi nhỉ?
Tôi chưa nói điều thắc mắc này với ai bao giờ.
Ông rất quan tâm đến chúng tôi, lũ cháu bộ đội đang tuổi thiếu niên của ông1. Thỉnh thoảng ông lại gọi chúng tôi từ Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV về chơi, cho ăn và hỏi han chuyện học hành. Ông rất vui nếu chúng tôi học tốt, tiến bộ và rất nghiêm mỗi khi có đứa nào phạm lỗi.
Một lần tôi làm gì đó xúc phạm đến một quân nhân. Khi biết, ông đã nói chuyện với tôi rất lâu. Tôi chỉ còn nhớ đó là một đêm trăng rất trong, chúng tôi ngồi trên chiếc chõng tre trong sân một ngôi nhà ở làng quê Nghệ An. Ông buồn, tôi và tất cả anh em tôi cùng ngồi hôm đó đều rất buồn.
Lịch sử dân tộc tạo nên những anh hùng. Nhưng chính anh hùng, danh nhân, những con người kiệt xuất là vinh quang, là khí phách, là niềm kiêu hãnh của một dân tộc. Ở phạm vi hẹp đối với một dòng họ cũng thế. Họ chúng tôi tự hào về ông, hãnh diện về ông, về Tướng Nguyễn Sơn.
Theo chủ trương của anh Vũ Hầu, trưởng tộc, vừa qua họ Vũ chúng tôi đã họp họ lần thứ nhất (ngày 29-6-1993), để giáo dục truyền thống, để xây dựng tình đoàn kết. Anh Hầu - một người lính Cụ Hồ, nguyên Phó Cục trưởng ngành ngoại giao - thường nhắc chúng tôi phải giáo dục con cháu để xứng đáng với ông cha, với dòng họ đã sản sinh ra Nguyễn Sơn.
Tuy nhiên, không một ai trong chúng tôi được đi lên dưới bóng che của ông. Chẳng hiểu tự bao giờ tôi hiểu rằng ông muốn dạy con cháu ông: "Hãy đi lên bằng chính đôi chân của mình". Dựa dẫm, hèn nhát là điều ông ghét nhất.
Toàn thể gia đình chúng tôi kính trọng ông, yêu mến ông. Chắc không phải chỉ vì ông có quyền chức, có tiếng tăm, chỉ vì những năm tháng phong sương, tung hoành của ông. Cũng không phải quyền uy làm nên điều đó. Nào đã có ai buộc được người khác phải yêu mình?.
Tôi nghĩ, ông được cả nhà chúng tôi yêu, trước hết, bởi lẽ ông yêu chúng tôi. Biết tin, biết trân trọng và động viên chân thành người khác là yêu cầu đầu tiên của việc cảm hoá, giáo dục.
Các bác gái tôi, những người chị dâu già của ông rất quý ông vì ông thương các bà phải lặn lội, tần tảo nuôi con, vì ông chẳng bao giờ bài bác việc sùng Phật, chăm cúng lễ của các bà. Trái lại, chính ông ngay sau khi trở về đã yêu cầu được thăm lại làng quê, bạn bầu, thăm lại ngôi nhà của cha ông (lúc ấy đã bán rồi) ở Kiêu Kỵ, thắp hương lên mộ, cúng giỗ ông bà, cha mẹ...
Nhiều chú bác khác thích ông vì ông gần gũi, thân tình và cũng thích đánh tổ tôm như họ vào những dịp thăm nhà, lễ tết. Mãi về sau nhiều người trong nhà vẫn còn khen:
- Ông Sơn thông minh thật. Mới học đánh tổ tôm mà chỉ sau vài buổi đã thắng cả hội.
Lũ trẻ con chúng tôi quý ông bởi ông cũng đá bóng, đá cầu, đánh cờ tướng với chúng tôi. Có lần đứa cháu bé (Vũ Lưu - con ông Năm) thắng ông một ván cờ, ông khoái chí cười lớn: "Thằng bé thế mà khá!". Có hôm, ông còn bảo chị Mai Châu và các bạn chị hát "Thiên Thai" cho ông nghe nữa. Thấy các cháu lưỡng lự, ông nói "Hát ở trong nhà thì được!", rồi ông cười. Chúng tôi thích lắm... Chả là thời đó, những bài hát "lãng mạn" kiểu này bị cấm mà!.
Ông rất yêu con. Thậm chí đó còn là chỗ yếu trong lòng ông.
Chị Vũ Thanh Các, đứa con gái ông bỏ lại lúc mới được ba tháng để ra đi, được ông chăm chút, chiều chuộng như thể để bù lại sự thiếu vắng ông trong những năm dài qua. Thế nhưng ông cũng rất yêu các cháu (con của những người anh, người em ông) chẳng thế mà có lần chị Các phải tỵ:
- Cậu yêu anh Bảo, anh Lân hơn con!.
Anh Vũ Đình Bảo con ông Cả, hy sinh lúc 24 tuổi, khi anh chỉ huy một tiểu đoàn trong trận tấn công đồn Nghĩa Lộ năm 1950. Ông đau xót mãi vì mất người cháu ông yêu quý nhất. Anh Vũ Kỳ Lân, con ông Hai, cũng nhập ngũ năm 1945, đã sống gần 10 năm dưới địa đạo và nguyên là Chính uỷ khu Vĩnh Linh, tác giả ký sự "Miền đất lửa".
Những người con khác của ông còn quá bé cho nên không nhớ nổi mình được bố yêu bao nhiêu và như thế nào.
Năm 1955, khi tôi đang học Đại học Sư phạm Hà Nội, từ Bắc Kinh, ông viết cho tôi nhiều lá thư dài để an ủi, động viên, uốn nắn và dạy bảo tôi (lúc này bố tôi - ông Vũ Thái Sự, công tác ở Quân khu IV - đã mất). Hồi ấy, để mừng Việt Nam giải phóng nửa đất nước, một Đoàn văn công Trung Quốc sang biểu diễn ở Hà Nội. Một lần, lúc đi thuyền ngắm cảnh Hồ Tây, chẳng may bị gió xoáy, có mấy người bị chết. Nghe tin đó, ông thực sự xúc động và đã viết cho tôi một lá thư dài. Ông nói: "... Đó là sự hy sinh vì Việt Nam, vì tình hữu nghị Việt - Trung... Phải hiểu và phải suy nghĩ về điều đó!". Tôi thấy rõ ràng ông hết sức yêu quý Trung Quốc. Không hiểu có phải vì ông đã sống và chiến đấu gian lao suốt những năm tháng dài đẹp đẽ nhất, trẻ trung, sung sức nhất của đời ông vì nhân dân Trung Hoa, vì Cách mạng Trung Quốc?. Hay là vì ông có người vợ Trung Hoa rất mực chung thuỷ - người đã đành lòng để ông sống với người vợ trẻ Việt Nam, nhưng vẫn ở vậy để nuôi dạy cho ông hai người con trai - hai công dân Trung Quốc nhỏ tuổi: Hàn Phong và Tiểu Việt? Cho đến bây giờ, người đàn bà ấy - bà Ngọc Anh - tám mươi tuổi rồi vẫn chưa thôi yêu ông. Bà vẫn khóc mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về ông.
Đầu tháng 10-1956, ông trở về Việt Nam trên một chuyến xe lửa đặc biệt và vào thẳng bệnh viện. Ông ốm nặng đã lâu. Biết không thể qua khỏi, ông tha thiết muốn được chết ở Việt Nam. Ông dặn phải đưa ông về nước an táng, ít nhất cũng là đem về một nắm tro. Ông muốn sinh ra từ đây thì cũng được trở về chính mảnh đất này.
Tôi chỉ được vào thăm ông có một lần. Hai mươi ngày sau, đêm 21-10-1956, tôi được gọi vào để trông thấy ông lần cuối. Khoảng một giờ sáng, khi tôi đến nhà lễ tang Bệnh viện Việt - Xô đã thấy tất cả gia đình tôi và cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đó tiễn biệt ông.
Ông mất quá sớm để lại rất nhiều thương xót cho vợ con, con cháu và đông đảo bè bạn ông.
Mấy hôm sau, một lần đến thăm bà Lê Hằng Huân, người vợ sau cùng của ông và mấy đứa con nhỏ: Mai Lâm, Thanh Hà, Nguyễn Cương, Việt Hồng, Việt Hằng, anh Chúc - một Đại tá, Cục trưởng - ngày xưa làm việc bên ông, đã không cầm được nước mắt, anh khóc mãi:
- Trời! Sao chết sớm quá vậy!... Để lại một đàn con lít nhít thế này sao!
Đó là những năm tháng vô cùng gian nan, vất vả của thời chống Mỹ... Bà Huân - một người phụ nữ hiếm thấy - Bà đã hiến tặng cho Nhà nước hầu hết số tiền lớn quà tặng của nhân dân Trung Quốc cho ông khi ông trở về. Và gần như chỉ bằng tình yêu sâu nặng đối với ông, bà đã can đảm ngoan cường sống, làm việc và nuôi dạy cho ông năm đứa con. Cả năm còn quá bé và vẫn chưa hết ngơ ngác vì mất bố...
Và bà đã được đền đáp. Các con bà đã lớn lên đúng như ông mong mỏi: Có học, tự trọng và trung thực.
Thời gian không chỉ làm nhạt phai. Thời gian còn khắc sâu, tô đậm nữa. Thời gian làm mờ đi những điều không nên nhớ và khắc sâu mãi những điều không thể quên.
Càng nhiều tuổi, nếm trải đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời càng nhiều, tôi như càng "thấy" ông rõ hơn. Trong ký ức tôi bây giờ, ông là một cây sồi già: Hiên ngang và hiền hậu.
Hà Nội, 22-12-1993
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.