Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

31/10/2013

cô Tích hay Lý Phương Thuận cháu gái ông Lý Thụy

Tên tác giả thì viết tắt là "N.Trung".

Cô này rất biết anh Phùng Chí Kiên. Bài cũ lấy về từ Thanh niên.


---

Nữ đoàn viên đầu tiên được Bác Hồ đào tạo làm tình báo




Sinh năm 1916 ở xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, người con gái ấy được cha mẹ đặt tên cúng cơm là Nguyễn Thị Tích. Ông Nguyễn Trọng Quyến - thân sinh chị là một trong những người sớm được giác ngộ cách mạng, đứng trong hàng ngũ Cộng sản từ những năm 1929-1930. Mẹ đẻ của chị mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi chị mới 3 tháng tuổi.

Năm 1924, một người bạn chiến đấu tên là Cố Khôn đến nhà đưa thư của ông Quyến gửi cho gia đình và đón Nguyễn Thị Tích đi. Ông Khôn đặt cho chị tên mới: Hoàng Lệ Minh. Tiếp đến, Hoàng Lệ Minh được đưa sang Lào để học chữ. Lớp học lúc đó chỉ có 5 người Việt Nam (ba trai, hai gái) do đồng chí Võ Tùng thay mặt đoàn thể phụ trách lớp.
Tròn 10 tuổi, Lệ Minh lại được đoàn thể đưa sang Xiêm (Thái Lan) học tại trường "Hoa Anh Học Hiệu" ngay tại Bangkok. Đây là lớp học do Bác Hồ sáng lập. Cả lớp gồm: Lý Tự Trọng, Lý Phương Đức, Lê Quang Đạt, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Hoàng Lệ Minh với cái tên mới - Lý Tiểu Muội. Học được một năm thì Bác Hồ đến đón tất cả sang Quảng Châu (Trung Quốc) gửi vào học tại trường Trung Sơn tiểu học. Lý Tiểu Muội được đặt tên mới là Ngô Ứng Thuận. Sau này, Ngô Ứng Thuận còn có tên là Lý Phương Thuận, bí danh là Lý Sâm, Lý Tâm hoặc Lê Thị Tâm.
Tốt nghiệp trường Trung Sơn tiểu học, Lý Phương Thuận được phân công nhiệm vụ tại cơ quan bí mật của Chi bộ Hải ngoại của Đảng ta, do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Nhiệm vụ cụ thể của Lý Phương Thuận là chuyển tài liệu bí mật, giao liên dẫn đường kiêm phiên dịch đưa đón các đồng chí của Đảng từ trong nước mới ra hoặc học xong, trở về nước tiếp tục hoạt động.
 
Nữ tình báo Lý Phương Thuận thời kỳ hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: tư liệu 
Thời gian sau, Lý Phương Thuận nhận được chỉ thị của Bác Hồ xin vào làm công nhân ở Nhà máy Điện Kỳ (sản xuất pin đèn).
Làm việc ở Nhà máy Điện Kỳ một năm, lúc đó Lý Phương Thuận đã tròn 18 tuổi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 4.1931, Lý Phương Thuận nhận được chỉ thị về giúp việc trong cơ quan bí mật của Việt Nam Thanh niên Cách mạng ở Hồng Kông, được giao nhiệm vụ dịch tài liệu và giao liên bí mật. Thời kỳ này, Bác Hồ được gọi là đồng chí Lý Thụy và dùng bí danh mới là Tống Văn Sơ. Còn Lý Phương Thuận thì có một bản lý lịch trích ngang mới: Lý Phương Thuận, bí danh Lý Sâm, quê quán: Nam Kinh, Trung Quốc, cháu gái của Tống Văn Sơ.
Nhận công tác ở đây được khoảng hai tháng thì ngày 6.6.1931, cảnh sát Hồng Kông vây chặt ngôi nhà 186 phố Tam Lung (Cửu Long, Hồng Kông) - nơi đặt trụ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Tống Văn Sơ và người cháu gái Lý Phương Thuận cùng bị bắt. Khi bị bắt, Lý Phương Thuận tuy đã 18 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ bé, mảnh khảnh, tự khai mới 15 tuổi và là cháu gái Tống Văn Sơ. Vì không có đủ chứng cứ buộc tội Lý Phương Thuận nên tại phiên tòa xét xử Tống Văn Sơ lần thứ nhất (diễn ra ngày 31.7.1931), Lý Phương Thuận đã được tha.
Biết Lý Phương Thuận sẽ không thoát khỏi sự bủa vây của mật thám Tưởng, Anh, Pháp, vì chị đã hai lần bị bắt trong phong trào công xã Quảng Châu, nên Tống Văn Sơ đã bí mật viết một lá thư cho Cường Để, cháu đích tôn của Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh (con vua Gia Long), được Phan Bội Châu tác động, đưa lên làm Hội trưởng Hội Duy Tân chống Pháp, sau bị truy đuổi sống lánh nạn ở Nhật. Lá thư được chuẩn bị từ nhà tù Victoria (Hồng Kông) cho Lý Phương Thuận và Bác dặn tìm cách sang Nhật tạm thời cư trú nhờ sự giúp đỡ của Cường Để.
Lý Phương Thuận đã thực hiện đúng chỉ đạo của Tống Văn Sơ nhưng chỉ ở nhà Cường Để (Nhật) được một thời gian thì Nhật - Pháp thỏa hiệp trục xuất Cường Để, chị phải trở lại Quảng Châu, tiếp tục làm việc tại Nhà máy Điện Kỳ vừa để kiếm sống vừa tìm thời cơ bắt liên lạc với đoàn thể. Làm việc tại đây vẫn không an toàn, Lý Phương Thuận lại quay về Thượng Hải xin vào làm công nhân ở một nhà máy đóng giày. Tại đây, Lý Phương Thuận gặp đồng chí Đỗ Đăng Trình và biết tình hình Thượng Hải sắp có biến, nên lại chạy về Quế Châu và mất liên lạc hoàn toàn với đoàn thể, làm nghề bán báo để tự nuôi sống.
Cuối tháng 8.1945, đang ở Quế Châu, Lý Phương Thuận được tin trong nước đã tổng khởi nghĩa, chị lập tức tìm đường trở về Tổ quốc.
Về đến Hà Nội, Lý Phương Thuận gặp bà Tống Minh Phương. Bà Phương tin Lý Phương Thuận là người Hoa nên sẵn lòng cưu mang. Vào nhà bà Phương ở phố Hàng Buồm, Lý Phương Thuận thấy trên bàn thờ Tổ quốc treo lá cờ đỏ sao vàng, bên dưới là tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lý Phương Thuận thầm bàng hoàng bởi người trong ảnh chính là ông Tống Văn Sơ - đồng chí Lý Thụy ngày nào.
Với đức tính thận trọng của cán bộ hoạt động bí mật, chị kiên nhẫn tìm người kín đáo liên lạc với Bác Hồ. Được tin, Bác cho bố trí đưa Lý Phương Thuận tới ngay. Không bút mực nào tả xiết sự phấn khởi của chị khi được gặp lại Bác kính yêu sau 14 năm gián đoạn liên lạc.
Ngay sau đó, Bác Hồ gọi đồng chí Lê Giản - Tổng giám đốc Nha Công an Trung ương lên và trực tiếp giới thiệu: "Đây là cô Hoàng Lệ Minh/Lý Phương Thuận, người đã từng trải qua hoạt động bí mật, có nhiều kinh nghiệm. Cô ấy thạo tiếng Trung, Pháp và Anh. Chú đang rất cần những cán bộ như thế này tìm hiểu và đối phó với bọn Tưởng".
Thế là cô Hoàng Lệ Minh/Lý Phương Thuận được trở lại với cái tên “quê mùa” Nguyễn Thị Tích và bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ tình báo với vai bình phong tiếp viên tại khách sạn Thăng Long (trước cửa ga Hà Nội), nơi bọn sĩ quan Tưởng, tiếp đến là sĩ quan Pháp thường lui tới.
Chị Tích đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ của nữ tình báo viên đầu tiên thuộc lực lượng Công an, thu được nhiều tin tức quan trọng. Tiêu biểu là thông tin về âm mưu của bọn Tưởng rắp tâm bắt cóc Bác Hồ tháng 12.1945 và đặc biệt là ý đồ kế hoạch của thực dân Pháp dùng bọn phản động Quốc dân đảng ở trụ sở phố Ôn Như Hầu hòng gây đảo chính vào tháng 7.1946 để bóp chết Chính phủ nước Việt Nam độc lập.
Câu chuyện về cuộc đời chị Tích kết thúc có hậu. Trực tiếp chỉ đạo chị trong công tác trinh sát nắm tình hình âm mưu thủ đoạn giặc Tưởng là đồng chí Trần Lung. Sau này ông được đề bạt các chức vụ như Trưởng ty Công an Hòa Bình, Trưởng ty Công an Hà Nam, Cục trưởng Cục Hình sự Bộ Công an. Từ tình cảm mến phục giữa đồng đội, chị Tích và anh Lung đã nảy nở tình yêu trong sáng, họ trở thành đôi bạn trăm năm, xây tổ ấm hạnh phúc trọn đời. 
N.Trung

7 nhận xét:

  1. Hay tuyệt. Cốt truyện này mà chuyển thành phim thì hay biết mấy. Các nhà văn, viết kịch bản, làm phim VN đi đâu cả rồi???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ quả là cốt truyện hay cho một bộ phim lịch sử đây. Bác tinh ý ghê !

      Xóa
  2. bác Giao có thể cho biết thêm tính xác thực cũng như nguồn dẫn không?
    tôi không có thành kiến gì, chỉ có ý đánh giá chất lượng của thông tin thôi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường dẫn (link) chỉ nguồn tư liệu thì tôi luôn đặt sẵn trong bài rồi. Bác cứ tìm ở một chỗ nào đó, sẽ có mà (cũng đôi khi do vội, có thể quên, nhưng sau sẽ bổ sung ngay). Còn chất lượng thông tin, thì phải từ từ bác ạ.

      Xóa
  3. Vầng, rõ rồi bác Giao, bài của ông viết tắt là "N.Trung" lại đăng ở báo Thanh Niên thì chắc độ tin cậy cũng không được cao lắm

    Trả lờiXóa
  4. Vầng, rõ rồi bác Giao, bài của ông viết tắt là "N.Trung" lại đăng ở báo Thanh Niên thì chắc độ tin cậy cũng không được cao lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chưa tin được bác à. Ngay tên còn viết tắt nữa là.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.