Lời dẫn: Bài dưới đây của Vũ Nho được lấy về từ blog của bác (vốn đã đăng trên tờ QĐND). Bác nói khái quát nhiều, còn trường hợp cụ thể thì có nhắc đến thơ Nguyễn Quang Thiều và thơ Hoàng Quang Thuận.
Về thơ của hai vị này, Vũ Nho bày tỏ quan điểm một cách nhẹ nhàng và mực thước như vốn dĩ trong cách viết của bác:
"Chẳng hạn, theo tôi trong cuộc hội thảo về thơ Nguyễn Quang Thiều hồi năm ngoái cũng có một sự quá đà như vậy. Đành rằng cần phải cổ vũ, khuyến khích sự cách tân, sáng tạo. Nhưng mà tất cả đều khen ào ạt, khen không tiếc lời như vậy liệu có thỏa đáng không và có đúng đắn không? Mặt khác, LL-PBVH cần tỉnh táo để khẳng định, nhưng cũng cần dự báo-cảnh báo một cách hợp lý. Tôi đã bị “nhiễu” vì những lời khen hết lời và chê thái quá đối với thơ Nguyễn Quang Thiều. Bây giờ bình tĩnh đọc lại thơ của anh, tôi thấy tiếc khi phải đổi một tài năng thơ đích thực Nguyễn Quang Thiều để lấy một nhà cách tân tầm tầm Nguyễn Quang Thiều. Cái lỗi ấy, theo tôi một phần trách nhiệm ở giới PBVH. Nhân tiện đây, cũng cần nói thêm rằng trong cuộc hội thảo về thơ của Hoàng Quang Thuận do Tạp chí Nhà văn tổ chức năm ngoái, cũng có sự khen quá mức, quá đà như vậy!"
Từ đây trở xuống là toàn văn trích nguyên.
Cần khắc phục sự quá đà, loạn chuẩn…
QĐND - Thứ Năm, 15/08/2013, 9:14 (GMT+7)
QĐND - PGS, TS Vũ Nho là giảng viên Văn học tại Trường ĐHSP Việt Bắc gần 20 năm trước khi về làm chuyên viên ở Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 1986 và nay là nghiên cứu viên ở Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Gia tài văn chương của ông, ngoài một số truyện ngắn, sách tham khảo cho giáo viên và học sinh-sinh viên… còn có 6 cuốn sách dịch và quan trọng nhất là 9 tập phê bình-nghiên cứu. Điều thú vị là với tư cách một nhà văn thì Vũ Nho là một tác giả và dịch giả văn xuôi, nhưng với tư cách một nhà phê bình thì ông lại chuyên về thơ, với nhiều công trình được đánh giá cao, như: Thơ chọn và lời bình (2 tập); Trần Đăng Khoa-Thần đồng thơ ca; Đi giữa miền thơ (3 tập); 33 gương mặt thơ nữ; Thơ và dạy học thơ v.v..
Cuộc trò chuyện của phóng viên Báo QĐND Cuối tuần với PGS, TS Vũ Nho lần này xoay quanh thực trạng hoạt động lý luận-phê bình văn học (LL-PBVH) hiện nay.
Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Vũ Nho, ông là nhà giáo từng nhiều năm đứng trên bục giảng đại học, vừa là dịch giả văn học và là tác giả từng đoạt giải thưởng về truyện ngắn, nhưng các thế hệ học trò, đồng nghiệp và công chúng văn học nhắc về ông nhiều hơn cả là những tập nghiên cứu-phê bình thơ của ông công bố trong hơn 2 thập niên vừa qua. Đây cũng là lĩnh vực hiện nay đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến khác nhau. Là người “trong cuộc”, ông đánh giá như thế nào về hoạt động LL-PBVH ở nước ta hiện nay?
PGS, TS Vũ Nho: Không biết mọi người nghĩ như thế nào, nhưng với tôi lúc nào cũng thấy các đồng nghiệp làm LL-PBVH của mình thật đáng kính trọng, bởi khả năng âm thầm miệt mài làm việc, miệt mài công bố tác phẩm của mình trên báo chí và xuất bản sách… Cổ nhân dạy “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, nhưng với văn chương thì phải có số lượng thật nhiều đã, rồi thời gian và độc giả mới gạn lọc được cái “tinh” chứ? Xin nêu mấy dẫn chứng gần đây: Cuộc hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều năm 2012 do Viện Văn học tổ chức có tới 25 tham luận được in thành sách, chưa kể một số tham luận khác gửi muộn; cuộc hội thảo về thơ Hoàng Quang Thuận do Tạp chí Nhà văn tổ chức dịp ấy cũng hơn 20 bản tham luận; Hoặc như cuộc hội thảo về thơ Vân Long do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức cũng hơn một chục bản tham luận gửi tới, chưa kể những phát biểu trực tiếp tại hội thảo… Đặc biệt, cuộc hội thảo “Sáng tạo VHNT về đề tài lịch sử” do Hội đồng LL-PBVHNT Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, có tới 58 bản tham luận được in thành kỷ yếu, chưa kể một số tham luận gửi muộn… Chưa bàn đến chất lượng các bản tham luận, chỉ riêng những con số trên đây đã cho thấy sức làm việc của các nhà LL-PBVH rất đáng nể!
PV: Vậy nhưng lại có không ít ý kiến cho rằng, hoạt động LL-PBVH ở nước ta hiện nay khá trầm lặng, rất nhiều nhà LL-PBVH đã “gác kiếm, rửa tay”, hoặc chuyển sang viết báo, viết văn, làm thơ… Ngay tại cuộc hội thảo về LL-PBVH do Hội đồng LL-PBVHNT Trung ương chủ trì năm 2012, cũng có không ít bản tham luận đã kêu lên: “Các nhà LL-PBVH đâu rồi?”. Thưa ông, liệu những đánh giá của ông trên đây có mâu thuần với thực tế?
PGS, TS Vũ Nho: Hoàn toàn không! Theo thống kê chưa đầy đủ của tôi, chỉ riêng trong nhiệm kỳ khóa VII của Hội Nhà văn Việt Nam, từ năm 2006 đến năm 2010, cả nước ta đã có hơn 50 tập LL-PBVH của các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên được xuất bản. Có thể do số lượng sách in hạn chế, nên nhiều người chưa được biết, nhưng trên báo chí thì rất “nhộn nhịp” những bài điểm sách, giới thiệu tác giả-tác phẩm… và cả những cuộc trao đi đổi lại nhiều kỳ giữa các tác giả về một vấn đề, một hiện tượng văn học được dư luận rất quan tâm. Vậy nên nếu nói “trầm lắng” là không đúng. Có lẽ chữ “trầm lắng” ở đây là người ta muốn nói đến một vấn đề khác của hoạt động LL-PBVH hiện nay?
PV: Tôi cũng nghĩ như vậy, nói thẳng ra là chất lượng PBVH hiện nay đang có vấn đề, đang “trầm lắng” vì thiếu vắng những bài nghiên cứu-phê bình có giá trị học thuật và giá trị khoa học cao. Có lẽ vì vậy mà liên tục từ năm 2012 đến nay, Hội đồng LL-PBVHNT Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam đã liên tiếp tổ chức 2 cuộc hội thảo cấp quốc gia đều cùng một chủ đề “Nâng cao chất lượng và hiệu quả LL-PBVH”?
PGS, TS Vũ Nho: Theo tôi cũng có thể suy nghĩ về vấn đề theo cách khác đi: Chất lượng và hiệu quả của LL-PBVH hiện nay không tồi, nhưng chúng ta mong muốn nó cao hơn nữa, tốt hơn nữa. Chúng ta không thể thỏa mãn với những gì chúng ta đã làm. Vì vậy, mong muốn chất lượng và hiệu quả của công tác LL-PBVH cao hơn nữa là một mong muốn chính đáng, không chỉ cho lĩnh vực LL-PBVH mà ở hầu hết các lĩnh vực khác của cuộc sống cũng cần mong muốn như vậy.
Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi thì phải nói một cách nghiêm túc rằng hiện nay chúng ta đang thiếu các nhà lý luận và các nhà nghiên cứu lý luận. Cụ thể là nhìn vào hơn 50 tập sách LL-PBVH đã được xuất bản trong nhiệm kỳ VII vừa nêu trên, thấy có quá ít những tên tuổi tầm cỡ như: Nguyễn Văn Hạnh, Đặng Anh Đào, Phương Lựu, Phong Lê, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Văn Dân… Đó nay toàn là các vị cao niên cả, thế mà các công trình của họ cũng chỉ mới đụng đến một phần những lý luận văn học (LLVH) của nước ngoài và một chút ít lý luận về nền văn học nước nhà.
Điều đáng lo hơn cả là chưa thấy xuất hiện một gương mặt trẻ nào cả trong cái khu vực vốn rất kén chọn người đọc ấy. Vâng, một người đọc bình thường, điều quan tâm trước nhất của họ là tác phẩm, rồi nếu có thì sau đó họ quan tâm đến những bài giới thiệu-phân tích- phê bình… tác phẩm đó, chứ họ không quan tâm đến những lý luận rắc rối, khô khan, đau đầu… Và cũng thú thật là bản thân tôi tuy cũng đã từng đọc các loại lý thuyết PBVH, các loại trào lưu văn học, các chủ nghĩa của phương Tây… nhưng cho đến bây giờ, vẫn chua có dịp hoặc chưa có điều kiện để tiếp xúc với những tác phẩm lý luận văn học trong số hơn 50 tác phẩm tôi vừa “thống kê đầu sách” trên đây. Vì vậy, xin miễn cho tôi không phải bàn về chất lượng của các tác phẩm lý luận mà tôi vốn rất “kính nhi viễn chi” ấy.
PV: Ông “xin miễn bàn” về LLVH, nhưng là nhà nghiên cứu-PBVH đã có nhiều công trình xuất bản được dư luận quan tâm, ông có thể nói về chất lượng và hiệu quả của PBVH hiện nay, qua những tác phẩm đã xuất bản trong nhiệm kỳ VII vừa qua mà ông đã nêu trên đây?
PGS, TS Vũ Nho: Vâng! Theo thống kê trên đây thì có thể thấy số lượng ấn phẩm PBVH vượt trội hơn hẳn ấn phẩm LLVH. Lý do có lẽ xuất phát từ nhu cầu quan tâm của độc giả muốn tìm hiểu những bài viết về tác phẩm văn học mà người ta đã đọc hoặc muốn đọc, như tôi vừa nói ở trên. Ngoài ra, hiện nay đội ngũ viết PBVH còn có cả các nhà văn, nhà thơ và nhà báo. Thời đại bùng nổ thông tin mà! Và công bằng mà nói, nhờ sự phát triển của phê bình báo chí (PBBC) mà nó đã kịp thời giới thiệu, đánh giá, bình luận… hầu hết các tác phẩm văn chương, các hiện tượng văn học trong nước và một phần ở nước ngoài. Chẳng hạn như: Tất cả các tác phẩm được trao giải của Hội Nhà văn và các tác phẩm đoạt giải các cuộc thi văn chương những năm gần đây, đều được phê bình và giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo tôi đó là một thành công đáng ghi nhận của PBVH trên báo chí.
Tuy nhiên, là người trong nghề, dù rằng cần phải có một thái độ lạc quan, nhưng không thể không thấy rằng PBBC thời gian qua không hiếm những bài chỉ mới dừng ở mức độ “cảm nhận”, khen-chê nhiều khi chỉ xuất phát từ cái “gu” hết sức chủ quan; nhiều bài gọi là phê bình nhưng chỉ dừng ở mức “đọc sách, điểm sách”, giới thiệu tóm tắt tác phẩm… Lại có những bài phê bình “bốc thơm” quá đà khiến công chúng hoài nghi, phản ứng. Và khi ấy thì uy tín của “nhà phê bình” sẽ tỷ lệ nghịch với những lời khen tặng “lạm phát” của anh ta phát ra. Chẳng hạn, theo tôi trong cuộc hội thảo về thơ Nguyễn Quang Thiều hồi năm ngoái cũng có một sự quá đà như vậy. Đành rằng cần phải cổ vũ, khuyến khích sự cách tân, sáng tạo. Nhưng mà tất cả đều khen ào ạt, khen không tiếc lời như vậy liệu có thỏa đáng không và có đúng đắn không? Mặt khác, LL-PBVH cần tỉnh táo để khẳng định, nhưng cũng cần dự báo-cảnh báo một cách hợp lý. Tôi đã bị “nhiễu” vì những lời khen hết lời và chê thái quá đối với thơ Nguyễn Quang Thiều. Bây giờ bình tĩnh đọc lại thơ của anh, tôi thấy tiếc khi phải đổi một tài năng thơ đích thực Nguyễn Quang Thiều để lấy một nhà cách tân tầm tầm Nguyễn Quang Thiều. Cái lỗi ấy, theo tôi một phần trách nhiệm ở giới PBVH. Nhân tiện đây, cũng cần nói thêm rằng trong cuộc hội thảo về thơ của Hoàng Quang Thuận do Tạp chí Nhà văn tổ chức năm ngoái, cũng có sự khen quá mức, quá đà như vậy!
PV: Theo ông, cần khắc phục, hạn chế những mặt “chưa được” ấy của PBVH hiện nay như thế nào, bằng cách nào?
PGS, TS Vũ Nho: Muốn có một bài PBVH có chất lượng cao, nhất thiết người viết phải có một cơ sở khoa học vững chắc, một cơ sở lý luận đáng tin cậy. Năng khiếu chuyên môn-nghiệp vụ cũng rất cần thiết, nhưng khác với người sáng tác đôi khi “không cần” hoặc phải “quên” lý luận đi để sáng tác theo năng khiếu, thì người viết phê bình phải bám vào lý luận mà viết, nghĩa là phải đọc, phải học, phải được đào tạo hoặc tự đào tạo một cách căn bản…
Và nữa, khi phê bình một tác giả, một tác pẩm hay một hiện tượng văn học nào đó, phải không vì bất cứ sự nể nang nào, không vì bất cứ lý do gì mà đưa ra các đánh giá, các nhận định “loạn chuẩn”. Những người trong giới PBVH cũng cần có sự “quan tâm” lẫn nhau, phải đọc sách của nhau, cùng nhau trao đổi, bàn bạc và lắng nghe nhau khi đứng trước một hiện tượng văn học. Được như vậy thì chắc chắn sẽ tránh được những sai sót không đáng có, những nhận định thái quá về một tác giả, tác phẩm hay hiện tượng văn học. Điều cuối cùng tôi muốn nói là đã mang lấy “nghiệp” PBVH thì phải gắn bó, trung thành với nó. Phải đọc và học suốt đời để sống chết với nó!
PV: Ông vừa nhắc đến tình trạng “loạn chuẩn”, nhưng có người lại nói rằng không nên có một chuẩn mực độc tôn. Theo ông, trong lĩnh vực LL-PBVH thì xác định chuẩn như thế nào? Hay nói cách khác: Như thế nào thì được gọi là chuẩn?
PGS, TS Vũ Nho: Đành rằng, một tác phẩm văn học thì tùy trình độ, khiếu thẩm mỹ và cách tiếp cận mà có thể rất khen hoặc rất chê. Nhưng dù sao cái HAY, cái ĐẸP thì phải có một chuẩn mực cơ bản để xem xét, thừa nhận chứ? Tôi đồng ý là không nên có một cái “chuẩn” độc tôn, nhưng tất cả những “chuẩn” ấy phải hướng đến “chân-thiện-mỹ”, được mọi người thừa nhận. Một tác phẩm ai cũng thấy chưa hay, ai cũng chê là dở, vậy mà anh cứ khăng khăng rằng là hay, là tốt theo quan điểm của riêng anh, thì như vậy là loạn chuẩn. Theo tôi, tiêu chuẩn phổ thông nhất của một tác phẩm VHNT là hiệu quả tích cực mà tác phẩm ấy tác động đến bạn đọc, đến cuộc sống.
PV: Gần đây trên một số diễn đàn văn nghệ, nhiều ý kiến đề cập việc phải xây dựng và phát triển một nền LL-PBVH Việt Nam. Theo ông, có nên và có thể làm được việc đó không? Đặc trưng cơ bản của nền LL-PBVH Việt Nam là gì?
PGS, TS Vũ Nho: Việc đó rất nên và rất cần thiết. LLVH nói riêng và Văn học Việt Nam hiện đại nói chung chịu ảnh hưởng khá nhiều văn học phương Tây. Không chỉ trước đây mà kể cả hiện nay, giáo trình LLVH của ta cũng chủ yếu đề cập các khuynh hướng, trào lưu, chủ nghĩa… có nguồn gốc từ văn học Nga và phương Tây. LLVH phương Tây là một khoa học, nhưng phải vận dụng, tiếp thu như thế nào để phù hợp với đặc điểm văn hóa và tâm lý tiếp nhận của người Việt Nam; nghĩa là phải “Việt Nam hóa” lý luận phương Tây chứ không phải “phương Tây hóa” tác giả và độc giả Việt Nam. Cách nay 7-8 thập niên, phong trào Thơ Mới là của một tầng lớp trí thức Tây học, chịu ảnh hưởng rất lớn văn học phương Tây, nhưng Thơ Mới vẫn rất Việt Nam. Đó là một bài học cần được tiếp tục nghiên cứu.
Một nền LL-PBVH Việt Nam chắc chắn phải tiếp thu những lý thuyết khoa học của phương Tây, nhưng phải “đậm đà bản sắc dân tộc” cả nội dung và phương pháp. Trong quá trình phấn đấu xây dựng một nền LL-PBVH Việt Nam, ngoài sự nỗ lực của các nhà LL-PBVH, thì vai trò của Nhà nước và các tổ chức chuyên ngành là hết sức quan trọng. Một đội ngũ các nhà nghiên cứu, PBVH được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giao lưu… trong nước và quốc tế; được hỗ trợ về vật chất và tinh thần chu đáo… thì chắc chắn họ sẽ chuyên tâm gắng sức làm cho chất lượng và hiệu quả LL-PBVH được nâng cao; đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển đầy thách thức và triển vọng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhà thơ MAI NAM THẮNG (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.