Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

30/08/2013

Hội thảo khoa học "Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng Di sản tư liệu”

Sáng nay (30/8/2013), tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo khoa học "Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng Di sản tư liệu". Phần lớn là các nhà khoa học và quản lí ở Hà Nội tham dự. Từ Bắc Giang xuống có bác Nguyễn Văn Phong. Ở Huế ra có hai vị Phan Thuận An và Phan Thanh Hải (thầy Đỗ Bang có tham luận nhưng mắc việc không ra được). Tp.Hồ Chí Minh hình như không có ai.

Tôi ngồi cạnh đống chí người Pháp là cán bộ của Viễn đông Bác cổ. Đây cũng là quan khách quốc tế duy nhất.

Có gần 30 tham luận (đóng quyển trong kỷ yếu). Do thời gian hạn vào một buổi sáng (8-12h), nên chỉ có 8 tham luận được phát biểu. 

Qua một đêm, ngủ dậy, đã thấy tin trên báo, của VnExpress thì như sau:

"Thứ sáu, 30/8/2013 19:13 GMT+7

Đệ trình Châu bản triều Nguyễn thành di sản tư liệu thế giới

Việt Nam đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận các bản tấu, sớ thời nhà Nguyễn - khối tài liệu hành chính duy nhất còn lại của vương triều phong kiến trong lịch sử nước ta, thành di sản tư liệu thế giới.

19 Châu bản của triều Nguyễn trong một triển lãm. Ảnh: Hữu Công
19 Châu bản của triều Nguyễn trong một triển lãm. Ảnh: Hữu Công.
Các bản tấu, sớ của triều đình nhà Nguyễn tính từ đầu triều vua Gia Long (năm 1802) cho đến năm cuối triều vua Bảo Đại (năm 1945) đã được nhà vua "ngự phê", "ngự lãm". Trong đó dấu tích ngự phê trên nguyên tắc phải bằng mực son, nhưng cũng có trường hợp chỉ là dấu chì đỏ.

Khối châu bản triều Nguyễn này đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, thuộc Cục Văn thư và Lữu trữ nhà nước. Đây là khối tư liệu hành chính của Hoàng triều, phần lớn được các Hoàng đế triều Nguyễn phê duyệt và để lại bút tích trên văn bản.

Trải qua thời gian hàng trăm năm, châu bản triều Nguyễn tuy có bị hư hỏng, xuống cấp do khí hậu, chiến tranh, điều kiện bảo quản, nhưng vẫn được lưu giữ đến hôm nay, và là một trong những khối tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm. Châu bản thể hiện không những ở tính độc đáo về hình thức, mà các dấu tích ngự phê của các Hoàng đế còn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, có độ tin cậy cao, phản ánh mọi mặt của vấn đề kinh tế xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

Châu bản là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lại của Vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam. "Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng như toàn bộ hoạt động của triều đình và đời sống xã hội thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX", giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Để có thêm căn cứ khoa học cho việc xây dựng hồ sơ, hôm nay Cục Văn thư và Lưu trữ cùng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo "Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng di sản tư liệu" để giới khoa học đánh giá giá trị của khối tài liệu dưới các góc độ nội dung, ý nghĩa, tính độc đáo và tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế của tài liệu Châu bản triều Nguyễn.

Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao giá trị mang tầm quốc gia, quốc tế của châu bản. Không nhà khoa học nào hoài nghi hay phủ nhận tính chất quý hiếm, độc bản, độc đáo, xác thực về độ tin cậy và sự phản ánh trung thực. Giới khoa học đều đặt kỳ vọng châu bản triều Nguyễn sẽ sớm trở thành Bảo vật quốc gia và được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Sau khi tìm hiểu phương thức làm việc hành chính tích cực và hữu hiệu với sự phối hợp chặt chẽ và có hệ thống giữa vua và các quan chức ở Nội các, Lục Bộ và Viện Đô Sát, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế Phan Thuận An nói: "Châu bản với tính xác thực và mức độ đáng tin cậy rất cao, nó đã trở thành một di sản văn hóa mang đậm giá trị học thuật của nước nhà".

"Nếu định nghĩa văn hiến là sách vở và người hiền của thời đại đã qua, thì Châu bản xứng đáng là một bộ phận tổ thành của nền văn hóa Việt Nam", ông An nói.

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Văn Kết (Tạp chí Văn thư lưu trữ Việt Nam) cho rằng, nhìn tổng quan, khối tài liệu hành chính châu bản triều Nguyễn được tạo lập trong suốt 143 năm tồn tại có tính xác thực cao, nó thể hiện các hoạt động nhà nước rõ ràng, cụ thể của toàn bộ hệ thống chính quyền triều Nguyễn.

Theo ông Kết, khối tư liệu này đã góp phần tạo dựng một phong cách  mới trong sự phát triển của hệ thống các văn bản hành chính Việt Nam thời hiện đại.

Tiến sĩ Vũ Thị Phụng, chủ nhiệm khoa Lưu trữ học và quản trị văn phòng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định, văn bản hành chính thời Nguyễn có nhiều đặc điểm chú ý, đó là di sản có giá trị đặc biệt, nó được tạo ra, chu chuyển và quản lý sử dụng rồi lưu trữ lại trên cơ sở chế độ văn thư chặt chẽ của nhà Nguyễn.

"Chính những quy định cụ thể và khoa học trong hệ thống pháp luật hành chính thời Nguyễn về loại hình, công dụng, thể thức văn phong của văn bản hành chính đã góp phần  đảm bảo giá trị pháp lý và độ tin cậy cao cho các thông tin có trong văn bản", tiến sĩ Phụng cho biết.

Cũng theo tiến sĩ, thông qua khối văn bản hành chính trong khối Châu bản, con người không chỉ hiểu về tình hình kinh tế xã hội đương thời, mà còn hiểu thêm về tư duy và phương pháp quản lý chặt chẽ của nhà nước thời Nguyễn thông qua hệ thống văn bản hành chính.

Với những giá trị trên, các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam cần bảo tồn và phát huy giá trị của châu bản triều Nguyễn, trước mắt là hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Về vấn đề này, tiến sĩ Trần Hoàng, Hội Văn thư lưu trữ Việt Nam cho rằng, ban đầu, châu bản cần được chính thức vinh danh như tài liệu lưu trữ quý hiếm và bảo vật quốc gia. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi và thuyết phục hơn khi các cơ quan Việt Nam trình hồ sơ UNESCO đề nghị công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Tiến sĩ Đào Thị Diễn, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thông qua bản thảo công bố của người thầy đáng kính quá cố - giáo sư Philippe Langlets về một tờ Châu bản triều Tự Đức năm 1874 đưa ra thông điệp: "Có lẽ đến lúc tài liệu lưu trữ cần được xã hội hóa để các nhà khoa học Việt cũng như thế giới không phải chấp nhận thực tế nuối tiếc như giáo sư Philippe Langlets".

"Và có như vậy mới tạo điều kiện người nghiên cứu từ bỏ thói quen đi tìm các câu chuyện kể của du khách nước ngoài khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời Nguyễn", bà Diến nói.

Trước đây Châu bản triều Nguyễn chính là nguồn sử liệu gốc quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ dưới triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Khâm định Việt Nam sử thông giám cương mục và Minh Mệnh chính yếu.

Ngày ngay châu bản là nguồn sử liệu đáng tin cậy giúp giới khoa học nghiên cứu phục dựng lịch sử triều Nguyễn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao.

Hương Thu"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.