Lời dẫn: Bài dưới đây của tác giả Phạm Hoàng Điệp được lấy về từ website của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Hãy chú ý đến những đoạn nói về ông Trương Đức Duy - người phiên dịch tiếng Trung cho Hồ Chủ tịch, sau này là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.
---
TÌNH SÂU NGHĨA NẶNG
20/07/2012
|
Phạm Hoàng Điệp
Từ ngày 13 đến ngày 23 tháng 9 năm 2011 đoàn cán bộ Khu di tích gồm 5 người sang công tác tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mục đích chuyến đi của đoàn là sưu tầm tài liệu, hiện vật, khai thác thêm những thông tin tư liệu từ các nhân chứng là các y bác sĩ Trung Quốc và những người có liên quan tới việc chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời Người để phục vụ cho công tác tuyên truyền tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời có thêm những hiểu biết về lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trực tiếp là Tham tán văn hóa và Hiệp hội hữu nghị Trung- Việt, sáng ngày 15/9/2011, tại trụ sở của Hiệp hội Hữu nghị đặt tại thủ đô Bắc Kinh, đoàn đã có buổi làm việc với các nhân chứng. Buổi làm việc diễn ra trong bầu không khí nghiêm túc nhưng cũng hết sức chân tình, cởi mở với sự tham dự một số bác sĩ, y tá đã vinh dự được trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người lâm bệnh nặng như ông Cao Nhật Tân, bác sĩ Chủ nhiệm khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Bắc Kinh; bà Vương Tinh Minh và bà Lương Hoán Chân là các y tá Bệnh viện Bắc Kinh, đã tham gia trong đoàn y bác sĩ được cử sang Việt Nam chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong buổi làm việc còn có sự có mặt của các ông Trương Đức Duy, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, cũng là người đã từng làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao tại Trung Quốc, ông được Chính phủ Trung Quốc giao nhiệm vụ phụ trách tổ y tế cử sang Việt Nam chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh; ông Viên Khang Anh, tùy viên quân sự, người đã có 17 năm công tác tại Việt Nam. Hai vị khách mời đặc biệt này là những người đã trực tiếp chứng kiến những giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng dự buổi làm việc còn có sự hiện diện của đồng chí Âu Việt Vương, tham tán văn hóa Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc.
Tại buổi làm việc, các nhân chứng đã cung cấp cho đoàn nhiều tư liệu quý cùng những tài liệu ghi chép hết sức cụ thể và tỉ mỉ về diễn biến bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác phối hợp cùng các bác sĩ, y tá của Việt Nam trong quá trình chữa bệnh cho Người. Ông Trương Đức Duy, hồi đó là thư ký của đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, kể lại: “Một ngày đầu mùa hè năm 1967, đang làm việc ở Đại sứ quán, tôi nhận được điện thoại của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Hồ Chủ tịch: “Bác Hồ có việc muốn mời anh tới, đề nghị anh đến ngay nhà Bác, tôi sẽ đợi anh ở đó”. Trước đây đã nhiều lần Hồ Chủ tịch cho gọi tôitới văn phòng của Người để giao cho tôi một số việc. Nhưng lần này qua giọng nói gấp gáp của đồng chí Vũ Kỳ, trong lòng tôi nghĩ chắc Bác có việc gì gấp lắm, liền lên xe đến thẳng Phủ Chủ tịch. Đồng chí Vũ Kỳ dẫn tôi lên nhà sàn gỗ nho nhỏ. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là Bác Hồ đang nằm trên giường nghỉ ngơi, yên lặng. Tim tôi đập thình thịch, trực giác như mách bảo tôi có điều gì không ổn. Vì sao Hồ chủ tịch không ngồi ở bàn làm việc như thường lệ để xem sách hay đánh máy? Tôi nhè nhẹ bước tới bên giường chào Bác. Hồ Chủ tịch giơ tay ra hiệu bảo tôi ngồi xuống, tôi liền ngồi xuống sàn cạnh giường nằm của Người. Hồ Chủ tịch nói: “Thời gian gần đây Bác thấy trong người không được khỏe, một bên cánh tay và chân cử động khó khăn, có lúc cảm thấy như có kiến bò bên trong. Các thầy thuốc bảo vệ sức khỏe đã chữa cho Bác nhưng không thấy tiến triển được bao nhiêu. Vì vậy Bác muốn đi Trung Quốc nhờ các bác sĩ bên đó khám xem, có thể có cách điều trị tốt hơn”. Tôi chào Bác trở về Đại sứ quán, báo cáo ngay việc đó với đồng chí Lục Duy Chiêu, đại biện lâm thời, đồng chí chỉ thị cho tôi dự thảo điện báo cáo về nước ngay. Chỉ mấy ngày sau, Đại sứ quán đã nhận được điện trả lời của Bắc Kinh: “Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ấn Lai nhiệt thành hoan nghênh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Trung Quốc để kiểm tra sức khỏe và điều dưỡng”
Ngày 14/4/1967, Bác cùng các đồng chí Vũ Kỳ, Nhữ Thế Bảo (Cục trưởng cục bảo vệ sức khỏe) và đồng chí Trương Đức Duy lên đường sang Trung Quốc. Thủ Tướng Chu Ấn Lai mời Người đến nghỉ và điều dưỡng tại khách sạn Ôn Tuyền ở Tùng Hóa tỉnh Quảng Đông. Các bác sĩ Trung Quốc đã kiểm tra, hội chẩn và thực hiện liệu pháp điều trị tổng hợp. Do bản thân Hồ Chủ tịch phối hợp chặt chẽ với các thày thuốc nên bệnh tình của Người đã chuyển biến nhanh theo chiều hướng tốt. Ngày 1 tháng 7, Người đáp chuyên cơ về Hà Nội.
Sau đó thấy sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu giảm sút, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lại mời Người sang Trung Quốc chữa bệnh 2 đợt vào tháng 9/1967 và tháng 1/1968, mỗi đợt ba tháng điều trị. Những lần ấy Người đều được mời ở số 1 Ngọc Tuyền Sơn là nơi nghỉ dưỡng dành cho các cán bộ cấp cao Trung Quốc. Theo đề nghị của Việt Nam, tháng 6/1968 và tháng 2/1969 Trung Quốc đã cử hai tổ y tế sang Hà Nội chữa bệnh cho Người. Sau mấy tháng điều trị, sức khỏe của Người đã khá lên, các bác sĩ Trung Quốc tạm về Trung Quốc nghỉ 1 tháng. Nhưng đến tháng 8, bệnh tình của Người bỗng nhiên thay đổi đột ngột, bệnh viêm phế quản chuyển sang viêm phổi cấp, bệnh tim và mạch đồng thời tái phát. Lúc này, Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chu Ấn Lai trực tiếp nghe báo cáo những vấn đề liên quan đến bệnh và phương án chữa bệnh cho Hồ Chủ tịch. Ông căn dặn tổ bác sĩ phải “dốc hết sức mình để cứu chữa cho Hồ Chủ tịch” và dặn chuyển chỉ thị đó cho đồng chí Vương Ấu Bình là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Là người được ở trong Phủ Chủ tịch để làm nhiệm vụ liên lạc giữa tổ bác sĩ với Đại sứ quán trong những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Viên Khang Anh nhớ rất rõ diễn biến tình hình hình sức khỏe của Người. Trong cuốn nhật ký cho chúng tôi xem, ông viết đầy xúc động: “Trung ương Đảng Việt Nam đã gửi gắm sự tin tưởng vào tổ bác sĩ Trung Quốc trong việc chữa bệnh cho Hồ Chủ tịch, nhưng mỗi phương án điều trị của tổ bác sĩ, mỗi loại thuốc sử dụng đều được xin ý kiến Bộ Chính trị Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng Chu Ấn Lai và sự phối hợp chặt chẽ của phía Việt Nam, trong hai ngày 24 và 25 tháng 8, Trung Quốc đã cử hai tổ bác sĩ đem theo thuốc men và dụng cụ cấp cứu, đáp chuyên cơ đến Hà Nội, cùng với tổ bác sĩ có mặt ở đó từ trước ngày đêm thay nhau túc trực, tìm tòi và áp dụng một loạt biện pháp điều trị và cấp cứu. Mặc dù đã được các thày thuốc sử dụng mọi biện pháp cấp cứu nhưng bệnh tình của Hồ Chủ tịch vẫn chuyển biến rất chậm. Ngày hôm sau (tức 2 tháng 9), thủ tướng Chu Ấn Lai cử tổ y tế thứ ba sang nhưng không kịp. Lúc 9 giờ 47 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại và kính yêu nhất của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết nhất của nhân dân Trung Quốc đã vĩnh biệt chúng ta”
Trong tâm trí của nữ y tá Vương Tinh Minh không bao giờ phai mờ hình ảnh những nụ cười của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc lâm chung, chị kể lại: “Căn phòng chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đơn sơ, giản dị, diện tích không đầy 20m vuông, sàn lát gỗ, đồ đạc thật đơn giản. Bác sĩ Trương Hiếu, tổ trưởng tổ điều trị giới thiệu tôi với Hồ chủ tịch: “Chị này là Vương Tinh Minh, y tá trưởng bệnh viện Bắc Kinh”. Hồ Chủ tịch nhìn tôi, nhè nhẹ bắt tay tôi, mỉm cười nói: “Chào cháu! Cảm ơn cháu”. Nhìn nét mặt Người hòa nhã, hiền từ tôi vô cùng xúc động, bất giác tôi không kìm được những giọt nước mắt...Chiều hôm 31/8/1969, tinh thần của Người hơi có dấu hiệu chuyển biến tốt. Người ngỏ ý muốn nghe một bài hát Trung Quốc, mọi người đều đề nghị tôi hát. Tuy tôi hát không hay, nhưng lúc này để đáp ứng nguyện vọng của Hồ Chủ tịch, vì tình hữu nghị Trung-Việt tôi đã hát bài “Ra khơi phải nhờ người cầm lái vững” một bài hát rất phổ biến thời ấy. Hồ Chủ tịch đã lắng nghe và rất vui, trên nét mặt Người lại nở một nụ cười hiền từ. Người nhè nhẹ nắm lấy tay tôi, tặng tôi một bông hoa tươi tỏ ý cảm ơn. Đó là lần thứ ba tôi nhìn thấy Hồ Chủ tịch mỉm cười và đó cũng là nụ cười cuối cùng của Người”.
Trong buổi gặp mặt này chị Vương Tinh Minh đã tặng cho Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chiếc áo sơ mi và bộ quần áo chị đã mặc trong thời gian chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỷ vật này đã được chị cất giữ cẩn thận trong suốt 42 năm qua như một minh chứng cho tình hữu nghị bền vững giữa nhân dân hai nước Trung – Việt. Sự hợp tác nhiệt tình và chân thành của các nhân chứng, mà phần lớn tuổi đã cao, trong buổi làm việc thật sự gây xúc động đối với các thành viên trong đoàn. Qua việc gìn giữ một cách trân trọng những tư liệu quý báu liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hơn 40 năm qua của các nhân chứng đã thể hiện rõ tình cảm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nói riêng và cho nhân dân Việt Nam nói chung.
Những ngày sau đó, đoàn có những buổi những buổi tiếp xúc riêng với các ông Viên Khang Anh, ông Hồng Tả Quân, nguyên trưởng phòng Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Qua những cuộc trò chuyện chúng tôi càng thấy rõ sự tín nhiệm của Việt Nam đối với Trung Quốc thông qua việc chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc
Ngoài những buổi làm việc với các nhân chứng, đoàn đã đi thăm một số di tích lịch sử ở hai thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, trong đó có những địa điểm mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến.
Có thể nói đây là chuyến đi gặp gỡ các nhân chứng rất thành công của cán bộ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Chúng tôi không chỉ có thêm nhiều tư liệu quý giá liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng cuối cùng của Người, mà còn có thêm những hiểu biết về lịch sử quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, vun đắp.
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Trương Đức Duy người phiên dịch tiếng Trung cho Hồ Chủ tịch - 1 (tư liệu chính thức của Việt Nam, 2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.