Ghi chép linh tinh lúc rảnh việc cày ruộng và đọc sách

17/03/2013

Đường mang tên Thiên Lôi (ở Hải Phòng)

Lời dẫn: Đến quận Lê Chân của thành phố Hải Phòng, thấy có đường mang tên THIÊN LÔI. Chắc sẽ ít ai không giật mình khi nhìn thấy cái biển tên đường như vậy.

Thiên Lôi là tên gọi dân gian của Phạm Tử Nghi (còn gọi là Phạm Thành) - một mãnh tướng của thời nhà Mạc. Là một trong không nhiều tướng Đại Việt mang quân đánh vào vùng Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay.

Ở thành phố Hải Phỏng, hơi lạ là có cả đường Phạm Tử Nghi và đường Thiên Lôi, nằm rất gần nhau.

Bài "Đường Thiên Lôi" ở dưới đây lấy về từ Cổng thông tin Hải Phòng (gọi tắt).

---
Thời gian: 04/11/2010 - 15:52
 Đường Thiên Lôi
Từ điểm tiếp giáp phố Trần Nguyên Hãn (Ngã ba Thiên Lôi) đến phố Trần Quốc Toản (tức phố Lạch Tray), dài 4304m, rộng 3,5m. Chưa có vỉa hè. Đường nằm trên địa bàn các làng Nghĩa Xá, Niệm Nghĩa, Đôn Nghĩa, Dư Hàng, Phụng Giáp. Hiện nay đoạn đầu đường Thiên Lôi thuộc đất Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá, quận Lê Chân; đoạn từ phố Lạch Tray đến ngã ba Tổng thuộc phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền. Đoạn giữa vẫn thuộc xã Vĩnh Niệm và xã Dư Hàng Kênh.

Đường Thiên Lôi ngày nay đã là một khu phố buôn bán sầm uất



Đường Thiên Lôi vốn là một đường cổ nổi tiếng đã được sách Đại Nam Nhất thống chí, Đồng Khánh Địa dư chí lược và Hải Dương toàn hạt dư địa chí chép và xếp vào mục cổ tích xứ Hải Dương xưa. Nội dung đại lược như sau: “Đường Thiên Lôi (Thiên Lôi lí) ở địa phận hai xã An Dương và Vĩnh Niệm huyện An Dương. Xưa Phạm Tử Nghi người xã Vĩnh Niệm có sức khỏe từng đắp con đê dài 3 dặm, lại đắp hai đống đất cao 5 thước ở hai đầu trên mặt đê, sau đó cầm gậy chạy đến chỗ đống đất thét to như tiếng sấm, gạt một nhát thì quét sạch đống đất. Đê nay vẫn còn, hàng trăm dân sở tại bồi đắp để ngăn nước mặn”.
Như vậy, đường Thiên Lôi cũ gồm đường Thiên Lôi và đường Niệm Nghĩa hiện nay. Các bản đồ thời Pháp thuộc vẽ đường Thiên lôi từ điểm mút đường Nguyễn Hữu Thu tức Hồ Sen đến sát đầu cầu Rào cũ, cách cầu hiện nay vài trăm mét về phía thượng lưu. Như vậy đường Thiên Lôi xưa vốn là đê ngăn mặn bảo vệ một phần đồng đất, dân cư của cả ba tổng An Dương, Đông Khê, Trung Hành huyện An Dương. Thời thuộc Pháp, được sửa lại, rải đá để làm đường cho xe vận tải thô sơ không được hoạt động trong nội thành. Tuy ở gần khu ven nội, nhưng lại ở gần bãi bồi cửa sông Lạch Tray, sú vẹt, năn lác mọc bạt ngàn, dân cư thưa thớt, nên đường này thường vắng vẻ. Bọn lưu manh trộm cướp thường tụ tập gây tội ác. Trước cách mạng tháng Tám 1945, Thế Lữ đã viết một tập truyện mang tên Bên đường Thiên Lôi khá hấp dẫn. Sau khi tiếp quản ta đã nhiều lần sửa chữa, nâng cấp đường này. Trong chiến tranh phá hoại lại kéo dài đường Miếu Hai Xã nối với đường Thiên Lôi làm đường tránh và giãn mật độ giao thông vận tải ngoại ô phía nam. Công dụng ấy nay vẫn còn cho đến khi đoạn đường bao phía nam hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ngày trước, đường Thiên Lôi không có công trình gì đáng kể. Cạnh những xóm nhà tranh vách đất thưa thớt nhô lên một vài ngôi nhà ngói cao ráo của nhà giàu trên phố dựng lên làm nơi nghỉ ngơi, mà ngày ấy thường gọi khoa trương là biệt thự. Cơ sở sản xuất chỉ có trại lợn xuất khẩu của nhà tư sản Thy Nam là lớn. Từ ngày tiếp quản đến nay, một số cơ sở sản xuất đã được xây dựng dọc hai bên đường này như Nhà máy mì sợi Hải Phòng do chính phủ, nhân dân Cuba giúp ta xây dựng và hoạt động mạnh trong chiến tranh phá hoại, Xí nghiệp Mộc sắt, Công ty Điện nước - lắp máy, Xí nghiệp Thực phẩm xuất khẩu, Xì nghiệp gà công nghiệp, khách sạn Chuyên gia, Siêu thị nội thất Phúc Tăng, …

Siêu thị nội thất Phúc Tăng (Ngã tư Thiên Lôi - Nguyễn Văn Linh)
Về công trình văn hóa, trên tục đường này có nhiều đình miếu thờ Phạm Tử Nghi như từ Nghĩa Xá, Lăng Đôn Nghĩa, đình Niệm Nghĩa.
Phạm Tử Nghi là danh tướng triều Mạc, quê ở xã Vĩnh Niệm (sau chia làm 3 xã Niệm Nghĩa, Nghĩa Xá, Đôn Nghĩa) thuở nhỏ nhà nghèo nhưng có chí lớn lại có sức khỏe lạ thường. Vào tuổi thanh niên, ông đã tập hợp trai tráng chống cướp bảo vệ dân làng và đắp đê ngăn mặn cho cả vùng. Sau làm quan nhà Mạc đến chức Thái úy Tứ Dương hầu. Khi vua Mạc Phúc Khải mất, triều thần tôn con nhỏ tuổi lên thay, ông đề nghị nên tôn Mạc Chính Trung, con thứ của Mạc Đăng Dung, đã quen trận mạc lên làm vua. Triều đình không nghe, ông đem Chính Trung và một số con cháu vua Mạc chống lại. Triều đình vất vả lắm mới đẩy được cánh quân của ông ra biên giới Việt – Trung. Nhà Minh muốn lợi dụng bọn Mạc Chính Trung, Mạc Văn Minh làm con bài dự trữ. Phạm Tử Nghi đã kiên quyết chống lại, mang quaan đánh thẳng vào Trung Quốc. Trung Quốc không thể chế ngự được phải dùng quỷ kế ám hại ông. Tương truyền khi thuyền chở thủ cấp ông đi đến đâu thì dịch tễ xảy ra đến đó, vua Minh sợ sai trả lại nước ta. Do đó những nơi thuyền chở thủ cấp ông đi qua dân thường lập đền thờ, ở Hải Phòng cũng nhiều nơi lập đền thờ Phạm Tử Nghi.
Chùa Đồng Thiện là một ngôi chùa đẹp do Hội Đồng Thiện Hải Phòng hùn công xây dựng vào thập kỉ 20 của thế kỉ trước. Tuy mới làm, nhưng vẫn giữ được nghệ thuật cổ truyền. Đặc biệt chùa có hai mô hình bảo tháp làm bằng gỗ quý, các mặt ghép kính vẽ những bức họa ghi lại hình ảnh thành phố Hải Phòng trong quá trình đô thị hóa như nhà hát lớn, trụ sở chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, Nhà máy Xi-măng, Cảng, chợ Sắt, Phòng thương mại Hải Phòng …



Chùa Đồng Thiện trên đường Thiên Lôi (thờ Phạm Tử Nghi)
Cuối đường Thiên Lôi có trường Cao đẳng nghề Thủy sản miền Bắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là một trường chuyên nghiệp lớn và được thành lập khá sớm.

Trường Cao đẳng nghề Thủy sản miền Bắc
Trước cách mạng tháng Tám 1945, Lăng Đôn thường là nơi cán bộ cách mạng ẩn náu hoạt động. Từ năm 1927, ở Đôn Nghĩa,Vĩnh Khê đã có trụ sở Chi hội thanh niên Cách mạng đồng chí hội do các đồng chí Nguyễn Hới, Vũ Thiện Tấn xây dựng. Những ngày đầu khởi nghĩa, các lực lượng vụ trang ta thường tập luyện, thử vũ khí ở trục đường này. Còn nghĩa trang chùa Đồng Thiện là nơi mai táng số chiến sĩ về quốc đoàn hi sinh trong những trận đầu chống Pháp gây hấn ở Hải Phòng.

7 nhận xét:

  1. Bác đang lãng du Hải Tần Phòng Thủ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MB cũng ở Hải Tần Phòng Thủ nhỉ ? Tuần tới có thời gian vào ngày nào ? Nếu điều kiện cho phép, có thể "kiến diện" ?

      Xóa
    2. Em đi làm cả tuần, nghỉ chủ nhật nhưng được diện kiến bác thì em có thể thu xếp nghỉ dược, bác cứ cho biết thời gian ạ, có gì bác thông tin vào email của em, ở yahoo hoặc gmail, yahoo thì không có đuôi .vn ạ.

      Xóa
    3. Hẹn MB dịp khác sắp tới nhé. Dịp vừa rồi, bản thân mình không có được thời gian rảnh.

      Xóa
  2. Hải Phòng có 2 con phố làn lượt mang tên Phạm Tử Nghi.

    Sau cách mạng tháng Tám, đoạn đường quốc lộ 10 cũ(đoạn từ ngã tư An Dương đến đầu cầu Niệm) và đường Hải Dương (đoạn từ ngã ba Nguyễn Đức Cảnh - Trần Nguyên Hãn đến ngã tư An Dương) được mang tên Phạm Tử Nghi.

    Sau tiếp quản 1955, được đổi tên là phố Trần Nguyên Hãn.

    Phố Phạm Tử Nghi mới nối từ phố Thiên Lôi (là ngõ vào Lăng Phạm Tử Nghi cũ) đến đường Nguyễn Văn Linh.


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chí khí xung thiên của ngài Thiên Lôi vẫn thấy nghi ngút trên các con phố đang và vốn mang tên ông. Sức sống mãnh liệt !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.