Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/05/2020

Tình yêu và hạnh phúc gia đình ở tuổi 80 (chú Mạc Văn Trang chính thức công bố)

Vào dịp đầu tháng 5, chú Trang vội vã ra Hà Nội, rồi lại vội về lại Sài Gòn. Chú nhắn đại khái là phải vào lại Sài Gòn với bà hai, nên không có nhiều thời gian. Thế là theo hẹn, gặp chú chớp nhoáng tại nhà riêng của chú ở góc làng. Câu chuyện chính trong cuộc gặp là một tập tài liệu mà chú mang từ Sài Gòn ra --- là tập tài liệu về một cuộc khảo cứu các tấm bia liên quan đến mộ phần của các vua Mạc (sẽ nói dần dần sau).

Lúc đến nhà chú ở góc làng rồi, buổi tối hôm ấy, mới biết "bà hai" mà chú nhắn tin cho ấy, không ai khác chính là nghệ sĩ Kim Chi. Trước khi đến, thì đã tạm đoán vậy rồi, chứ không bất ngờ nhiều.

Chú Trang kể vắn tắt về việc riêng, nhưng đại khái cặp đôi 80s và 70s này được se lại với nhau là từ nhân duyên chung với cụ Nguyễn Trọng Vĩnh (đọc về cụ Vĩnh ở đây).

Đại khái thế. Còn bây giờ là thông báo chính thức của tân lang Mạc Văn Trang ở tuổi 80s và tân nương Kim Chi ở tuổi 70s.

Viết trong Ngày của Mẹ : trường hợp thầy Choi (người Hàn Quốc ở Nhật Bản)

Tôi thì luôn ghi nhớ tên chữ Hán của thầy theo cách đọc âm Hán Việt, là Thôi Cát Thành 崔吉城. Ấn tượng nhất ở cái phần tên là Cát Thành, vì cho liên tưởng đến Thành Cát Tư Hãn đại hoàng đế Mông Cổ lẫy lừng thởi xưa. Thật ra, do đọc âm Hán Việt nên mới có sự liên tưởng vậy mà thôi.

1. Thôi Cát Thành là đàn em của ông thầy tôi (kém một vài tuổi gì đó). Năm nay, cũng đã hơn 80 rồi. Ông vốn là người Hàn Quốc, đi du học Nhật Bản, có một thời gian về lại Hàn Quốc nhưng sau đó là tới làm việc tại đại học ở Nhật Bản. Trong dịp Cô Vy vừa rồi, ở tuổi trên 80, ông vẫn lên lớp cho học sinh qua internet.

Trong zemi của thầy tôi ngày xưa ở Tokyo, có một dịp chúng tôi đọc sách của thầy Thôi viết về thờ cúng tổ tiên của người Hàn Quốc, rồi có một dịp là sách về lên đồng Hàn Quốc. Sau này, thầy Thôi ra loạt sách về chân tướng của cái gọi là "nữ nô lệ tình dục theo quân" (ủy an phụ) trong chiến tranh Đại Đông Á.

Thi thoảng, chúng tôi có gặp thầy Thôi ở đâu đó (Tokyo, Quảng Châu,...) trong các dịp có đại hội nghiên cứu của Học hội Nhân loại học Văn hóa Nhật Bản, hay các hội thảo.

08/05/2020

Đọc lại vào ngày 8/5/2020 : vụ án Cầu Voi (Thủ Thừa) thời điểm tháng 1/2008 và nghi can Nguyễn Văn Nghị

Mình ấn tượng với hai địa danh thú vị nhất của miền Nam, là "thủ" và "châu thành". Từng có mấy dịp đi xe máy nhiều ngày từ "thủ" nọ sang chơi "thủ" kia, để xác nhận sự hiếu kì. Đi bằng xe máy, tiện đâu thì dừng lại, mới thấy thực sự là xác nhận.

Có lần, tới cả hơn 10 năm trước, đã rong ruổi qua một loạt "thủ": Thủ Đức, Thủ Thiêm, Thủ Thừa,...

Ngày hôm nay, trong khi đợi phán quyết của phiên tòa mở tại thủ đô về vụ án ở Thủ Thừa đã xảy ra đầu năm 2008, tức tận 12 năm trước, thì thử đọc lại các thông tin đầu tiên về vụ án đó.

Thông tin đăng trên trang Công an nhân dân, của tháng 1 năm 2008. Thấy tên nghi can Nguyễn Văn Nghị. Bây giờ, nghi can này ở đâu ? Nhiều ngay nay, không, đúng hơn là nhiều năm nhiều tháng nay, thì chỉ nghe thấy tên Hồ Duy Hải.

07/05/2020

Từng có năm kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, mà không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cụ thể là năm 1984, kỉ niệm 30 năm (7/5/1954 - 7/5/1984).

1. Ngay trong cuốn sách của Trần Dân Tiên in năm 1949, thì vốn có chi tiết Võ Nguyên Giáp được sự giúp đỡ của một người Mĩ nên đã hạ được địch cố thủ ở Thái Nguyên lúc mà đoàn quân cách mạng từ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội chuẩn bị cho ngày 2/9/1945 (bản đầu tiên của Trần Dân Tiên ghi rõ như vậy), nhưng sau này, đã được biên tập, chỉ còn lại mỗi Võ Nguyên Giáp. Liên quan đến người Mĩ được gạch bỏ.

Người Mĩ lúc đó (lúc biên tập vào nửa đầu thập niên 1950) không được phép xuất hiện, dù là vào năm 1945, nếu không có người Mĩ thì chưa chắc đã có một ngày 2/9/1945 thành công tại Quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam mới (sự cố của ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn cho phép liên tưởng như vậy).

Xem cụ thể lại sự kiện năm 1945 gắn với Võ Nguyên Giáp ở đây (đã đưa lên Giao Blog từ 2013), hay ở đây.

Hội thảo Ngôn ngữ học Quốc tế lần thứ IV (thông báo bổ sung về việc lùi thời hạn)

Thông báo đăng ngày 1/5/2020, kí tên ở dưới là Trưởng Ban tổ chức - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Hiệp.

Còn lần trước, tức lần thứ III, vào tháng 4 năm 2017, thì có thể đọc nhanh ở đây. Chủ nhân Giao Blog có tham gia và phát biểu tại hội thảo lần thứ III, ở tiểu ban 2 Ngôn ngữ học liên ngành do nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn làm chủ trì (cả phiên sáng và phiên chiều). Tư liệu của tiểu ban 2 thì xem ở đây.

Đàn em thân cận đã ghi lời kể của đàn anh Trường Chinh như thế về Hội nghị TW 7 (1940) và 8 (1941)

Đàn em đó chính là Trần Đĩnh, và tôi đã nhắc thông tin đó từ năm 2014 ngay khi cuốn Đèn cù của cụ Trần vừa ra mắt (xem ở đây).

Ngày xưa, cụ Trường Chinh đã trực tiếp nhờ đàn em chân truyền của mình là Trần Đĩnh viết hồi kí Trường Chinh (đọc Đèn cũ của Trần Đính thì sẽ rõ). Nên đàn anh sẽ kể lại đời mình, để đàn em ghi lại.

Dưới đây, vẫn nhân dịp sinh nhật cụ Phan Đăng Lưu (5/5/1902), chỉ là nhắc lại mà thôi.

Rõ ràng, qua ghi chép của đàn em, chúng ta thấy, bản thân cụ Trường Chinh cũng tự đánh giá về vai trò trọng yếu của Hội nghị Trung ương 7 và Hội nghị Trung ương 8. Trọng yếu với cả cách mạng Việt Nam, và trọng yếu với cả cá nhân đàn anh Trường Chinh.

05/05/2020

Đã trở lại từ "công hàm", và đi vào thực chất văn bản Phạm Văn Đồng 1958

Có một dạo giới luật học Việt Nam và báo giới muốn sử dụng từ "công thư" để gọi "công hàm" 1958 do thủ tướng Phạm Văn Đồng kí.

Với tư cách một người quan sát, ngay lúc đó, tôi đã đặt nghi vấn vào việc tự nhiên sử dụng từ "công thư" một cách vô nghĩa đó. Trên Giao Blog có bàn luận khá rôm rả của nhiều người quan tâm, xem lại ở đây (tháng 5 năm 2014, tức đã 6 năm).

Có lúc bí quá, người ta còn dùng từ "công điện" (ở đây).

Bây giờ, tháng 5 năm 2020, đã có bước tiến mới. Người ta đã quay trở lại gọi đúng tên "công hàm". Rõ ràng là không thể gọi khác đi được rồi.

Nhớ lại chuyện cũ Phan Đăng Lưu - Trường Chinh, nhân chuyện ông Phạm Xuân Thệ

Hôm nay, ngày 5 tháng 5, là ngày sinh của Phan Đăng Lưu (1902-1941). Địa phương và trung ương vẫn thường tổ chức kỉ niệm ngày sinh của cụ (ví dụ năm 2017 thì xem ở đây).

Đợt này, nhân chuyện ông Phạm Xuân Thệ cố tình nhận vơ hết công của toàn bộ đồng đội thành riêng công của mình vào thời điểm buổi trưa ngày 30/4/1975, phớt lờ luôn cả vai trò trọng yếu của một đồng đội khác là Bùi Văn Tùng (đang đi tiếp ở đây), thì:

04/05/2020

Chiến lược trỗi dậy về văn hóa của Trung Quốc

Một bản dịch (biên dịch, lược dịch) của cụ Nguyễn Hải Hoành vừa được công bố.

Thật khâm phục sức làm việc của một cao niên như cụ. Tuy nhiên, khi đọc những bản dịch của cụ Nguyễn, thì nên xem lại nguyên bản ở những chỗ cần thiết (có khi cụ nhầm một cách bất ngờ, có khi cụ đưa thêm một chút tư kiến của cụ vào).

03/05/2020

Người Việt thờ cả Khổng Tử, cả Sĩ Nhiếp, và cả Mã Viện đấy chứ

Trong một bài viết về chữ quốc ngữ trên tuần báo Văn Nghệ (Tp. Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Ngọc Quang viết một câu xanh rờn thế này:

"Dù chữ Hán theo chân kẻ xâm lược, nhưng bản chất nó là kết tinh trí tuệ của nhân dân. Nếu được tiếp thu tự nguyện, qua giao thương trao đổi kinh tế – văn hóa thì Sỹ Nhiếp đáng dựng tượng vàng. Nhưng vì… như thế, nên sự đối xử cũng một vừa hai phải. Người Việt thờ Khổng Tử, bậc vạn thế sư biểu nhưng không thờ Sỹ Nhiếp hay Mã Viện."

Ông Quang thử bình tĩnh tra cứu một chút sẽ biết: người Việt thờ Sĩ Nhiếp ở nhiều nơi, còn tôn cụ ấy là Sĩ Vương hay Nam Giao học tổ. Mã Viện cũng được thờ ở rất nhiều làng xã.

Tôi cũng không làm sao hiểu được đoạn ông viết trên. Làm sao mà "chữ Hán theo chân kẻ xâm lược, nhưng bản chất nó là kết tinh trí tuệ của nhân dân". Vậy là thế nào. Rồi đã "xâm lược", thì lại còn "tiếp thu tự nguyện" nữa, là sao ?

02/05/2020

Về hệ thống Tứ Pháp (quan điểm của nhóm Bách Việt trùng cửu)

Có nhiều điểm chung trong quan điểm của nhóm này với nghiên cứu của tôi (có thể đọc bài mới xuất bản của tôi về thế giới quan Phật giáo Mật tông, ở đây).

Bách Việt trùng cửu là một nhóm học thuật mở, làm việc cần mẫn, bám sát thực địa và luận giải được tư liệu viết. 

Nửa đầu ngày 30 tháng 4 : song song với nhóm Bùi Văn Tùng ở Sài Gòn, là chuẩn bị ở Hà Nội của nhóm Kim Cúc

Người đọc bản tin chiến thắng trên hệ thống VOV vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, là phát thanh viên Kim Cúc. Đọc trực tiếp, nên không có ghi âm.

Tức là ngang thời điểm nhóm Bùi Văn Tùng và Phạm Xuân Thệ ở Sài Gòn chuẩn bị các thứ để tổng thống Dương Văn Minh - thủ tướng Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn phát đi lời đầu hàng vô điều kiện (đọc lại ở đây), thì ngoài Hà Nội, nhóm Kim Cúc cũng đang chuẩn bị cho việc phát đi tin chiến thắng.

01/05/2020

Trùng lặp lịch sử : tranh công ngày 30/4/1975 (làm nhớ chuyện Đàng Trên)

Xem bàn luận các nơi, nhất là mạng xã hội, thì thấy hiện thực vào ngày hôm qua (30/4/2020, kỉ niệm 45 năm thống nhất đất nước), trích dẫn theo bác Hiệu Minh

"Ai là người đã chấp bút soạn thảo văn kiện đầu hàng cho tướng Dương Văn Minh ngày 30-4-1975 tại Đài phát thanh Sài Gòn? Suốt mấy chục năm, cả ông Bùi Văn Tùng và ông Phạm Xuân Thệ đều trả lời: Tôi! Hỏi tờ giấy nháp đâu, cả hai đều nói bị thất lạc.

Tháng 4-1975, trung tá Bùi Văn Tùng là chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2, ông Phạm Xuân Thệ là là đại úy trung đoàn phó trung đoàn 66 bộ binh, cũng thuộc Quân đoàn 2. Cả hai đều vào Dinh Độc Lập sáng 30-4-1975 cùng chứng kiến sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn.
Năm nay 30-4-2020 sau 45 năm, VTV chỉ nói đến Đại tá Tùng, dường như không còn "Alternative Fact - sự thật thứ 2" từ phía tướng Thệ."

30/04/2020

Hầu đồng với văn hóa, nghệ thuật (bài Phạm Tứ)

Một bài viết quan trọng của tác giả Phạm Tứ - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, và hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam (Giám đốc là học giả Ngô Đức Thịnh).

Từ rất nhiều năm trước, đã hẹn với chú Tứ là sẽ tới chiêm bái (thực ra là nhờ chú mở cửa cho chiêm bái) điện thờ Mẫu ở ngay trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

Người ta không ngờ là ở ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại có một điện thờ Mẫu. Nhưng không phải là mới có đâu. Đã có lịch sử khá xưa cũ rồi.