Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn sắc-phong. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn sắc-phong. Hiển thị tất cả bài đăng

23/03/2024

Báo Nhân Dân : Tránh sử dụng bản sao sắc phong thiếu chính xác

Bài đã đăng trên báo Thời Nay (ấn phẩm của báo Nhân Dân; Tổng Biên tập Lê Quốc Minh) số 1463 (Thứ Hai, ngày 22/1/2024). Sau đó, xuất hiện trên trang web của báo Nhân Dân.

Tác giả là một nhà báo lâu nay có chuyên về mảng sắc phong.

22/03/2024

Học giả Vũ Ngọc Khánh (1926 - 2012) và cuốn "Đạo Thánh ở Việt Nam" (2001)

Cuốn sách được thầy Vũ Ngọc Khánh hoàn thành vào tháng 9 năm 1999. Ở tập bản thảo đánh máy vi tính và đóng bìa mềm hôi đó, tại trang 93, ông viết lạc khoản: "Hà Nội, ngày 9 tháng 9 năm 1999". Toàn số 9.

Bản thảo nói trên gồm có 94 trang khổ A4, cộng thêm mấy chục trang phụ lục, để toàn bộ là 115 trang.

06/03/2024

Di sản dòng họ Nguyễn ở Đông Tác - bản sao sắc Cảnh Hưng 6 (1745) cho cụ Nguyễn Hy Quang

Tư liệu được dòng họ chia sẻ trên hệ thống Fb, gồm cả ảnh bản sao và bản phiên âm dịch nghĩa.

Dòng họ Nguyễn làng Đông Tác là dòng họ đã sản sinh ra học giả Phật giáo Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (đọc lại ở đây) và nhà giáo danh tiếng Nguyễn Hữu Tảo (anh trai của cụ Thiều Chửu, đọc lại ở đây).

Đây cũng là dòng họ có nhà giáo Nguyễn Hải Đạm (1934-2000) - vị sư biểu của ngành giáo dục tỉnh Thái Bình trong thế kỉ XX (đọc lại ở đây). Thầy Đạm là con trai thứ của cụ Nguyễn Hữu Tảo, nên gọi cụ Thiều Chửu là chú ruột.

03/03/2024

Câu chuyện hơn 40 đạo sắc phong ở chùa Am (Đức Thọ, Hà Tĩnh) - tiếp theo

Theo dòng sự kiện, cần đọc các bài trước ở đây.

Diễn biến mới của đầu tháng 3 năm 2024.

Ở diễn biến mới này, chúng ta biết các điểm chính yếu sau:

- Ở địa phương, từ sau năm 2001, người ta bắt đầu có ý thức về Luật Di sản văn hóa (bắt đầu từ 2001). Ở entry trước, tôi chủ trương rằng, mấu chốt là việc thực thi Luật trong đời sống thực tế như thế nào.

- Từ sau năm 2006 (năm mà nhóm nhà báo Trần Đức Thọ chụp ảnh toàn bộ số sắc phong đang được bảo quản tại chùa Am lúc đó) đến nay, sau gần 20 năm, là người quan sát, tôi thấy Luật chưa thực sự được thực thi nghiêm túc (dù đã có vận dụng) ở trường hợp sắc phong chùa Am.

Mong nhóm nhà báo Trần Đức Thọ tiếp tục công việc bảo vệ di sản văn hóa từ góc chuyên môn báo chí. Mong các anh có thêm các điều tra chi tiết và công bố cho bạn đọc bốn phương.

22/02/2024

Câu chuyện hơn 40 đạo sắc phong ở chùa Am (Đức Thọ, Hà Tĩnh) sau gần 20 năm (2006-2024) và 30 năm (1994-2024)

Câu chuyện cần nghe thông tin tư nhiều phía (thông tin của nhóm nhà báo Trần Đức Thọ đã thấy nhóm sắc phong vào năm 2006 và có chụp ảnh kĩ thuật số; thông tin của nhóm nhà báo Phan Văn Thắng đã thấy nhóm sắc phong vào đầu thập niên 1990 và có chụp ảnh bằng kĩ thuật cũ; thông tin từ địa phương,...).

Nhóm năm 2006 thì có máy ảnh hiện đại, chụp và lưu giữ được toàn bộ - một nhóm ảnh vô cùng quí giá. Nhóm này, lại có sự tham gia của cụ Đỗ Bá Hiệp - một nhà ngoại cảm có tiếng thời đó.

Nhóm năm 1994 thì chỉ có máy ảnh chụp phim, nên thực sự, tôi muốn xem được ảnh còn giữ được của họ. Nhóm này, có sự tham gia của cụ Thái Kim Đỉnh - một nhà Hán Nôm có tiếng của xứ Nghệ thời đó.

1. Phán đoán bước đầu của tôi: đây là nhóm sắc phong của nhiều nơi (nhiều làng xã) ở xung quanh chùa Am, mà có thể không phải của chính chùa Am, đã được qui tập về sau năm 1954 - trước năm 1986. Sở dĩ nói 1954-1986, vì giai đoạn đó, sắc phong từ đình đền miếu hay nhà thờ đã phải gửi vào chùa lưu giữ giúp (sau này, sau Đổi Mới, nhiều nơi đi xin lại). Chùa giữ hộ sắc phong của cả một vùng vào thời kì 1954-1986 là câu chuyện chúng tôi thường xuyên thấy trên thực địa.

2. Chùa Am cũng đã được xếp hạng di tích quốc gia đầu thập niên 1990, nên chắc Bảo tàng hay Sở Văn hóa đã có hồ sơ di tích --- những hồ sơ này, như kinh nghiệm xem trực tiếp tại xứ Nghệ những năm qua, thì tùy từng nơi, có nơi làm tốt, có nơi làm sơ sài. Ví dụ, hồ sơ Đền Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì làm tương đối cẩn thận, có ảnh chụp và bản vẽ kèm theo,...

3. Việc hoàn trả (từ phía nhà chùa) hay xin lại (từ phía các địa phương) tư liệu cũ (bao gồm cả sắc phong) sau Đổi Mới là điều hoàn toàn dể hiểu, thấy ở nhiều nơi.

Dĩ nhiên, sau năm 2001, Việt Nam đã có Luật Di sản văn hóa, thì việc hoàn trả hay xin lại đều cần làm theo luật và các nghị định liên quan.

4. Đi vào cụ thể hơn, qua đọc nhanh 3 bài báo vừa lên trên tạp chí mạng Văn Hiến Việt Nam (TBT Nguyễn Thế Khoa), lại trao đổi nhanh với một trong các nhân chứng phát hiện ra nhóm hơn 40 đạo sắc phong vào năm 2006, thì hiện tôi đã tạm biết được mạch chuyện đại khái như sau của nhóm nhà báo này.

31/01/2024

Cập nhật ghi chép nhanh về Phủ Giầy - cuối tháng 1 năm 2024 (NNC Bùi Hùng) : 2 (Mộ tổ tiên của dòng họ Trần Lê)

Vào hạ tuần tháng 1 năm 2024, nhà nghiên cứu Bùi Hùng có chuyến khảo sát nhanh tại Phủ Giầy Nam Định. Xưa nay, anh thường ghi chép bằng ảnh và video các nơi tới khảo sát (vùng Nam Bộ, vùng miền Trung, vùng Bắc Bộ, Hà Nội,...), rồi đưa dần lên mạng.

Chúng ta biết, Bùi Hùng có blog, Fb, kênh đăng video mang tên anh. Chỉ tính riêng ảnh và video mà anh ghi chép dần trong nhiều năm qua thì cũng đã vô cùng quí giá. Các tư liệu của anh, đúng như nghĩa của từ "tư liệu" là thiên về tư liệu, có gì thì đưa lên như thế. Ví dụ, loạt ảnh thú vị từ mười mấy năm về trước của anh chụp tại chùa Tây Hồ, đã được đưa về Giao Blog, thì có thể xem lại ở đây (năm 2009).

Loạt bài về Phủ Giầy vào cuối tháng 1 năm 2024 của anh, tôi cũng đưa dần về Giao Blog, ưu tiên ảnh và video (các luận giải của anh thì tôi cũng đưa về nhưng để ở cuối bài; sở dĩ làm thế là vì các luận giải của anh hiện có nhiều điểm chưa đúng, chưa chuẩn xác, cần phải đầu tư nhiều thời gian và công sức để biên tập tiếp trong tương lai).

15/01/2024

Trở về đền Gióng ở xã Phù Đổng sau nhiều năm

Bắt đầu là câu chuyện từ hồi còn niên hiệu Bình Thành.

Đến tháng 3 năm Bình Thành 12 (tức năm 2000) thì một báo cáo chung được chế bản. Tính từ năm 2000 đến nay, là đã hơn 20 năm.

Quan tâm của mình, bây giờ, cùng vấn đề Gióng/Phù Đổng, còn là chùa Kiến Sơ (gần đây, có một số gợi ý nói về chùa này trong liên quan đến sư Khương Tăng Hội - người mà vào thế kỉ III đã từ Giao Châu lên kinh đô nhà Ngô để giảng kinh Phật; có thể tạm xem ở đây).

13/11/2023

Tư liệu Phủ Giầy : sắc phong 1683 (Chính Hòa 4) ở tháng 11 năm 2023

Đã khoảng nửa năm, tính từ tháng 4 năm 2023 (xem bài ở phần bổ sung), nhóm ông Nguyễn Xuân Diện liên tục lên tiếng trong không gian mạng về tư liệu Phủ Giầy Nam Định. Về mặt học thuật, nhóm này cơ bản là tung hỏa mù để hòng đánh lừa dư luận, những người không có kiến thức chuyên ngành sâu sắc dễ bị tin theo những lời thêu dệt.

Đến ngày 13/11/2023, trên trang Fb của mình, với tư cách học giả, ông Nguyễn Xuân Diện (từ đây viết tắt là NXD) vừa đưa bài có tính học thuật nhất sau nửa năm, mà là phản biện về đạo sắc phong 1683 hiện đang bảo quản tại dòng họ Trần Lê (Phủ Nội thuộc quần thể Phủ Giầy Nam Định). Đầu tiên, tôi đưa toàn văn bài viết đó về lưu trên Giao Blog.

Về mặt học thuật, bài phản biện của NXD thất bại toàn tập. Một bài viết của tôi, trong hệ thống bài đang triển khai nhiều năm qua về tư liệu Phủ Giầy Nam Định - Phủ Giầy Sài Gòn, đăng tải trên tạp chí học thuật và sách học thuật vào thời gian tới đây sẽ cung cấp những căn cứ để cho thấy tất cá luận điện mà NXD đưa ra bị bẻ gãy như thế nào. NXD chỉ biết có 0.1, chưa từng khảo sát trực tiếp (ngôn ngữ bình dân là "sờ tay vào") đạo sắc phong 1683, mà dám nói 100, thì đã biết kết quả ra sao.

24/09/2023

Bài của báo Nhân Dân: Giấc mơ hiện đại hóa sắc phong

Toàn văn bài báo thì đọc ở bên dưới.

Trong bài, có đoạn:

"

Chúng ta có thể ứng dụng hoa văn sắc phong lên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như trên quạt, bìa sách, bookmark, ấm chén, áo thun… để làm quà lưu niệm. Chúng tôi cũng đã tìm tòi và đang thử nghiệm ứng dụng đồ án hoa văn sắc phong trên quạt nan. Sản phẩm này được kết hợp nhiều yếu tố, vẫn từ chất liệu giấy dó nhuộm vàng, kết hợp với nan quạt bằng tre, mặc dù là truyền thống, nhưng vẫn mang được hơi hướng hiện đại. Về nội dung, chúng tôi không chỉ sử dụng hoa văn sắc phong, mà còn kết hợp những yếu tố điêu khắc, nghệ thuật của đình làng như hình tượng rồng kết hợp với hình tượng tiên mang ý nghĩa con rồng cháu tiên…”, họa sĩ chia sẻ.

"

Ý tưởng, cũng tức là giấc mơ của họa sĩ, là: có thể sử dụng được những yếu tố mĩ thuật của sắc phong gốc (trọng tâm là các hoa văn) vào mĩ thuật đương đại.

Tiêu đề của bài báo có thể chưa đúng với ý tưởng của họa sĩ.

11/09/2023

Tư liệu Phủ Giầy - những nhầm lẫn để lại nhiều di hại của vị đại quan Cao Xuân Dục (1)

Có những nhầm lẫn vô hại.

Cũng có những nhầm lẫn hữu ích, hay nhầm lẫn có ý nghĩa tham khảo quan trọng. Ví dụ các nhầm lẫn của cụ Trần Đĩnh trong bộ sách Đèn cù (mới xuất bản gần đây) trong liên quan với nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, thì tôi gọi là "nhầm lẫn hữu ích" - xem lại trên Giao Blog ở đây (tháng 11/2014) và ở đây (tháng 9/2014).

Bây giờ, nói về các nhầm lẫn để lại nhiều di hại cho đời sau.

Cao Xuân Dục là một trí thức lớn, đồng thời cũng là một đại thần trải qua nhiều chức vụ quan trọng của nhà Nguyễn. Trong đó, đáng chú ý nhất đối với tôi, là cụ đã từng là vị quan đứng đầu tỉnh Nam Định (nơi có Phủ Giầy/ Phủ Dầy quê hương của Liễu Hạnh công chúa), đồng thời cũng từng là vị quan đứng đầu Quốc sử quán triều Nguyễn (nơi biên soạn rất nhiều bộ sách lớn của quôc gia, trong đó có phần đề cập đến Phủ Giầy ở Nam Định).

28/07/2023

Sắc phong ở nhà người Hoa tại Hội An 20 năm trước (2003 - 2023)

Hôm nay, phải xử lí nhanh một ít tư liệu Hội An. Hồi đó, có nhiều chuyến khảo sảt chung, có sự tham gia của Trung tâm Bảo tồn Di tích Hội An. Hiện thấy nhiều ảnh chụp sắc phong được bảo quản trong cộng đồng người Hoa tại Hội An có niên đại Nguyễn.

Nhiều gia đình người Hoa ở Hội An bảo lưu được sắc phong.

Trước năm 1986, hầu như các gia đình phải cất sắc phong rất kĩ ! Rồi từ sau Đổi Mới, nhất là khi Hội An phát triển du lịch thì sắc phong được lấy ra, nhiều đạo được treo tự nhiên (treo nguyên vật, mà không lồng trong khung kính).

Việc mang sắc phong nguyên vật được cất trữ cẩn mật trước đây ra treo ở phòng khách hay chỗ nào bắt mắt trong ngôi nhà, cũng được xem là một hình thức của "làm mới sắc phong" ở Việt Nam từ sau Đổi Mới.

11/07/2023

Hiện tượng "làm mới sắc phong" hiện nay - ghi nhanh mấy điểm về "sắc phong" Phủ Vân

Hiện tượng "làm mới sắc phong" đang diễn ra ở qui mô toàn quốc. Thuật ngữ "làm mới sắc phong" là do tôi đề xuất trong mấy năm gần đây. Đề xuất chính thức là vào năm 2022, và hiện nhóm chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu chung.

Sắc phong làm mới sắc phong hiện nay tại Việt Nam, là một hiện tượng văn hóa, chúng tôi tiếp cận từ góc nhìn văn hóa. 

Trong nhóm làm việc chung của chúng tôi, có người chuyên về sắc phong và văn bản Hán Nôm, có người chuyên về mảng di sản văn hóa và quản lí văn hóa, có người chuyên về mảng bảo tàng (cơ quan thường phải làm phiên bản cho hiện vật/nguyên vật). 

Làm mới sắc phong, theo phân loại cụ thể của chúng tôi gồm có 8 loại hình (sẽ nói cụ thể ở dịp khác). Làm mới sắc phong ở Phủ Vân Cát (tính từ sau mùa hè năm 2011) là 1 trong 8 loại hình mà chúng tôi đề xuất.

Liên quan đến hiện tượng làm mới sắc phong ở Phủ Vân Cát, hôm nay, ngày 11/7/2023, trước khi cùng học trò đi về xứ Đoài, tôi viết nhanh mấy điểm như dưới đây.

01/07/2023

Cập nhật tình hình nhóm sắc phong ngụy tạo ở Phủ Vân Cát : đã được thiêu hủy tại chính Phủ Vân Cát

 Vào chiều Thứ Tư ngày 28/6/2023, theo thông tin từ địa phương thì:

- 17 tờ tư liệu làm nhái sắc phong đã bị thiêu hủy tại chính Phủ Vân Cát, trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng của địa phương,

- người trực tiếp mang thiêu hủy tại lò hóa vàng của Phủ Vân Cát là thủ nhang Phủ Vân Cát.

Do nhận tin báo rất muộn từ địa phương, chỉ cách giờ thiêu hủy một chút thời gian, mà chiều cùng ngày thì tôi lại đã có việc theo kế hoạch không thể bỏ được (lên lớp theo lịch dạy từ tháng 5), nên không có cách nào bay được về Phủ Giầy để chứng kiến sự kiện. Có cánh cũng không bay về kịp !

Bây giờ, trước hết xem thông tin từ báo chí chính thống - bài báo của tác giả Vũ Dương trên tờ Văn hóa.

15/06/2023

Chúng tôi chuẩn bị du lãng Thất Khê, xem lại giật mình: hồi 1930s, người Kinh cũng mới lên

Chúng tôi sắp đi mạn Bắc, lần này là khu vực thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn). Đại khái, ở mạn Lạng Sơn - Cao Bằng thì có nhiều địa danh nổi tiếng xưa nay, như Thất Khê, Đông Khê, Nà Cham,... Vùng ấy, vốn là địa bàn của các tộc người thiểu số mà trung tâm là Tày - Nùng (cũng có khi được gọi là "người Thổ" hay "người thổ"). Dĩ nhiên, nhóm Kinh già hóa Thổ ở khu vực ấy khá nhiều (truy gia phả một lúc, sẽ thấy là người họ Định, họ Hoàng, họ Bùi,...ở đồng bằng lên từ xa xưa --- gắn nhiều với thời kì Cao Bằng của vương triều Mạc từ khoảng 1593 đến tận 1683).

Xem lại một chút tư liệu cũ, thì cũng hơi giật mình: khoảng 100 năm trước, vào hồi thập niên 1930, người Kinh (với nghĩa là người Kinh mới, không phải "Kinh già hóa Thổ") mới chỉ là thiểu số ở trong vùng ấy.

Một thế kỉ trước, việc một người Kinh được bầu vào hội đồng làng xã vùng Thất Khê, là một sự kiện đáng quan tâm. Nếu so sánh nhanh, thì khéo từa tựa như việc một người Kinh được bầu vào hội đồng thành phố ở bên Mĩ bây giờ (đầu thế kỉ 21) !

Anh em người Kinh ở Thất Khê lúc bấy giờ tính lập một xã riêng, và dự kiến gọi là "Thất Khê Kinh" (người Kinh ở Thất Khê). Tựa như lập "Hội đồng hương Kinh" ở vùng Thất Khê lúc ấy.

Quả thực, đầu thế kỉ 20, Thất Khê được xem như ngang ngang với "thành phố Lạng Sơn" hay "thị xã Lạng Sơn". Có khi người ta gọi Thất Khê là "thành phố", tức "thành phố Thất Khê". Cũng có khi chỉ gọi "Thất Khê" hay "vùng Thất Khê" một cách phiếm chỉ.  

Bây giờ, năm 2023, thì là "thị trấn Thất Khê". Cái tên "thị trấn Thất Khê" đi kèm với "huyện Tràng Định", để thành "thị trấn Thất Khê huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn" đang được tôi xác định là ngày sau năm 1945. Đến năm 1945, Thất Khê mới chính thức là "thị trấn Thất Khê" thuộc "huyện Tràng Định".

20/05/2023

Câu chuyện sắc phong Đại Việt - thời điểm 2023 : rao bán trên mạng Trung Quốc và xung quanh

Các tháng 3 và 4 năm 2023, dư luận trong nước bùng lên với sự kiện sắc phong nguyên vật (bản gốc, nguyên bản) của Việt Nam được rao bán trên mạng Trung Quốc.

Trước đó khoảng nửa năm, vào tháng 10 năm 2022, nhóm Facebook "Hội mê sắc phong" đã trao trả của làng Tri Chỉ (Hà Nội) 22 đạo sắc phong. Đọc lại sự kiện này ở đây hay ở đây

Đại khái, làng Tri Chỉ hiện thuộc xã Tri Trung huyện Phú Xuyên thành phố Hà Nội. Làng vốn có gần 30 đạo sắc phong, được lưu giữ cẩn mật hàng trăm năm tại đình làng. Đến năm 2006, kẻ trộm đã đột nhập vào đình, lấy đi gần hết số sắc phong (chỉ còn duy nhất 1 đạo thời Nguyễn). Sau 16 năm lưu lạc, có 22 đạo sắc phong được trở về làng vào ngày 30 tháng 10 năm 2022.

Có rất nhiều làng cũng bảo lưu được mấy chục đạo sắc phong, tương tự như Tri Chỉ trước năm 2006, nhưng tiếc thay, vào khoảng các năm 2019-2022 (coi như 3 năm đại dịch) thì đã bị kẻ gian cuỗm toàn bộ ! Sau một đêm, cả mấy chục đạo săc phong đều đã bay ! Rồi bẵng cái, vào đầu năm 2023, có nhiều sắc phong bị mất được rao bán như bán sách vở hay tài liệu trên mạng của Trung Quốc !

Có một con đường rõ ràng như sau: trộm sắc phong ở các đình đền chùa Việt Nam --- lưu lạc sang Trung Quốc --- được rao bán trên mạng Trung Quốc.

05/12/2022

"Làm mới sắc phong" tháng 12 năm 2022 : hoàn trả sắc phong cho thôn Đào ở thành phố Phủ Lý

Lễ giao nhận được thực hiện vào Chủ Nhật ngày 4 tháng 12 năm 2022. Nhà văn Nguyễn Thế Vinh thay mặt nhóm nhân sĩ Hà Đông (nhà thơ Nguyễn Quang Thiều) trao lại 2 đạo sắc phong cho thôn Đào.

Nhận lời mời của nhà văn Nguyễn Thế Vinh, tôi đã có kế hoạch về Phủ Lý. Nhưng cuối cùng đành lỗi hẹn do mắc việc đột xuất.

30/10/2022

Nhóm Facebook "Hội mê sắc phong" tặng 22 đạo sắc cho làng Tri Chỉ

Thông tin đến hết ngày 29/10, về việc làng Tri Chỉ tổ chức đón nhận 22 đạo sắc phong do nhà sưu tầm Đặng Vũ Khương (một thành viên cốt cán của Hội mê sắc phong) hiến tặng cho làng Tri Chỉ, thì đọc trên Giao Blog ở đây.

Bây giờ là cập nhật buổi trao nhận sắc phong và lễ rước sắc phong về làng Tri Chỉ vào sáng ngày hôm nay, Chủ Nhật ngày 30 tháng 10 năm 2022.