Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn bia-đá. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn bia-đá. Hiển thị tất cả bài đăng

21/10/2023

Số hóa để phát huy giá trị di sản Hán Nôm - chương trình thác bản văn bia của Brian Wu

Bạn Brian Wu - một Việt kiều (đúng hơn là người Việt gốc Hoa) đang ở Mĩ - mình chưa từng gặp, chưa từng liên lạc, nhưng có để ý đến các việc làm của bạn ấy liên quan đến học thuật Việt Nam mà đặc biệt là mảng Hán Nôm (có thể đọc lại ở đây hay ở đây).

Những năm gần đây, thấy bạn ấy đã xây dựng gia đình với một "cô gái Hán Nôm" (cách gọi của bạn ấy).

Cũng những năm gần đây, thấy bạn ấp ủ và thực hiện dần một chương trình số hóa để phát huy giá trị di sản Hán Nôm. Đáng kể sắp tới là số hóa thác bản văn bia (dựa trên các bộ biên mục và ấn ảnh thác bản văn bia đã xuất bản).

11/09/2023

Tư liệu Phủ Giầy - những nhầm lẫn để lại nhiều di hại của vị đại quan Cao Xuân Dục (1)

Có những nhầm lẫn vô hại.

Cũng có những nhầm lẫn hữu ích, hay nhầm lẫn có ý nghĩa tham khảo quan trọng. Ví dụ các nhầm lẫn của cụ Trần Đĩnh trong bộ sách Đèn cù (mới xuất bản gần đây) trong liên quan với nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, thì tôi gọi là "nhầm lẫn hữu ích" - xem lại trên Giao Blog ở đây (tháng 11/2014) và ở đây (tháng 9/2014).

Bây giờ, nói về các nhầm lẫn để lại nhiều di hại cho đời sau.

Cao Xuân Dục là một trí thức lớn, đồng thời cũng là một đại thần trải qua nhiều chức vụ quan trọng của nhà Nguyễn. Trong đó, đáng chú ý nhất đối với tôi, là cụ đã từng là vị quan đứng đầu tỉnh Nam Định (nơi có Phủ Giầy/ Phủ Dầy quê hương của Liễu Hạnh công chúa), đồng thời cũng từng là vị quan đứng đầu Quốc sử quán triều Nguyễn (nơi biên soạn rất nhiều bộ sách lớn của quôc gia, trong đó có phần đề cập đến Phủ Giầy ở Nam Định).

26/03/2023

Thái tổ Thái tông nhà Mạc bình thản cho "dựng lại" và "dựng mới" bia đề danh tiến sĩ của khoa thi nhà Lê trong Văn Miếu

Đại khái là có một câu chuyện vẻ như rất bình dị, nhưng thật ra không bình dị !

Các tâm bia ấy vẫn được bảo lưu tốt trong vườn bia của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) hiện nay.

Có những cách gọi như sau trong học giới Việt Nam đối với văn bia:

- truy dựng,

- truy lập,

- trùng lập (dựng lại),

- lập (dựng mới).

Một nước văn hiến cả ngàn năm, sản sinh ra hàng vạn tiến sĩ và hàng chục vạn cử nhân nho học (chưa tính bậc thấp hơn), nhưng rất lạ ở điểm sau: không có bản chép toàn bộ bia Văn Miếu (Hà Nội) cho đến khi chúng bị hao mòn, đổ sập một số vào nửa đầu thế kỉ XIX. Nhà nước bỏ bê, không cho người sao chép. Các trường học và bản thân các nhà khoa bảng cũng không có thời gian đến sao chép ư ?

Hay là có bản chép nằm ở đâu mà nay chúng ta chưa phát hiện ra ? Ai có thông tin hữu ích, mong hãy chia sẻ.

Bây giờ, cơ bản vẫn phải dựa vào thác bản do người Pháp chỉ đạo thực hiện đầu thế kỉ XX (sau khi đã có những hư hại đáng tiếc, nhiều tấm bia đã mất luôn). Tại hiện trường thì chỉ còn lại 82 bia.

Liên quan đến việc vua Mạc thời kì Thăng Long - Dương Kinh cho dựng lại và dựng mới bia đề danh tiến sĩ của các khoa thi do triều Lê tổ chức, thì mở đầu là một bài viết cũ của học giả Nguyễn Hữu Mùi.

25/03/2023

Phủ Thái Bình (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) - Nguyễn Mậu trên bia Văn Miếu số 2 (khoa thi 1448, dựng năm 1484)

Cùng năm 1484, vua Lê Thánh Tông (1442-1497, lên ngôi năm 1460) cho dựng nhiều bia Văn Miếu dể ghi danh các tiến sĩ đã đỗ nhiều khoa trước đó (khoa đầu tiên được khắc bia trong Văn Miếu hiện nay là khoa năm 1442, tiếp theo là các khoa: 1448, 1463, 1466, 1475, 1478, 1481).

Năm 1442 thuộc niên hiệu Đại Bảo (vua Lê Thái Tông).

Năm 1448 thuộc niên hiệu Thái Hòa (vua Lê Nhân Tông).

Năm 1463 và năm 1466  thuộc niên hiệu Quang Thuận (vua Lê Thánh Tông).

Các năm 1475-1478-1481 thuộc niên hiệu Hồng Đức (vua Lê Thánh Tông).

24/02/2023

Tên địa danh "huyện Yên Lãng" và nhà khoa bảng Nguyễn Li Châu trên bia Văn Miếu (dựng năm 1484)

Đây là tấm bia cổ nhất trong 82 tấm bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) ghi tên địa danh "huyện Yên Lãng".

Huyện Yên Lãng thời xưa, sau nhiều lần biến đổi địa danh hành chính, phần cơ bản ngày nay là huyện Mê Linh (hiện huyện này đang thuộc Hà Nội - xem về sự thay đổi khá thú vị của huyện Mê Linh ở đây).

Tên "huyện Yên Lãng" xuất hiện năm 1484 này đi kèm với tên tuổi nhà khoa bảng Nguyễn Li Châu. Hay chính xác hơn, là nhà vua, vào năm 1484 đã cho dựng tấm bia ghi tên các nhà khoa bảng đã đỗ trong kì thi năm 1475 (tức bia được dựng muộn lại 9 năm), mà tên đó thì được ghi kèm với địa danh quê hương.

Bia có ghi dòng đó như sau: NGUYỄN LI CHÂU 阮驪珠 người huyện Yên Lãng phủ Tam Đới.

Quê nhà của cụ Nguyễn Li Châu hiện là xã Văn Khê huyện Mê Linh.

31/01/2023

Trúc Lâm tư tưởng : tấm bia niên đại 1366 tạc hình tượng "vua Bụt" Trần Nhân Tông vừa được ghi danh bảo vật quốc gia

"Vua Bụt" là cách gọi của chính thời Trần để chỉ vua Trần Nhân Tông. Ngày nay, chúng ta quen gọi là "Phật Hoàng" (cũng có nghĩa nôm là "vua Bụt").

Hơn 20 trước, giới khoa học Việt Nam đã phát hiện một tấm bia chùa có niên đại 1366 (niên hiệu Đại Trị 9, thời Trần) có tạc hình tượng vua Bụt (cũng có ý kiến cho là hình tượng Ngọc Hoàng). Đó là bia chủa Giàu (Giầu/Dầu), tức Khánh Long tự, ở thành phố Phủ Lý - tỉnh Hà Nam. 

Bia này gắn với công lao phát hiện và nghiên cứu của các học giả: Dương Văn Vượng, Hồ Đức Thọ, Tống Trung Tín, Phạm Văn Thắm, Chu Quang Trứ,...

Do tính trọng yếu về phương diện tư liệu lịch sử và mĩ thuật, nhiều học giả đã đề cử tấm bia 1366 này là bảo vật quốc gia.

Vào ngày 30/1/2023, chính phủ đã ra quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia mới, trong đó có tấm bia chùa Giàu.

25/03/2022

Mộ và bia mộ của Đô úy quận Giao Chỉ họ Thẩm thời Hán (thế kỉ 2) tại quê nhà Tứ Xuyên

Đây là một di sản văn hóa trọng yếu của Trung Quốc.

1. Nhân vật họ Thẩm đã từng được nhà Hán cử xuống trấn nhậm quận Giao Chỉ với chức danh đô úy. Tên của họ Thẩm không xuất hiện trong chính sử, mà chỉ thấy trên bia mộ hiện còn tại Tứ Xuyên. Đại khái là nhân vật sau thời Hai Bà Trưng (những năm 40 SCN) khoảng hơn nửa thế kỉ.

Cũng đại khái mường tượng là nhân vật đời sau của các nhân vật sau: Nhâm Diên (thái thú quận Cửu Chân từ năm 25 SCN), Tô Định (thái thú quận Giao Chỉ, đã bị Hai Bà Trưng trừng trị do tham lam), Lý Thiện (thái thú quận Nhật Nam rồi lại chuyển sang thái thú quận Cửu Chân). 

Họ Thẩm tới trị nhậm Giao Chỉ trước thời của Trương Tân (nhân vật đã tâu xin đổi "Giao Chỉ quận" thành "Giao Châu"), của Sĩ Nhiếp (nhân vật được tôn xưng là Nam Giao học tổ).

Bởi vậy, có thể tạm định vị họ Thẩm là sau thời Hai Bà Trưng và trước Sĩ Nhiếp.

11/05/2021

Quê hương Cao Bằng - một bài viết mà tôi đã công bố đúng 20 trước trên "Nghiên cứu Lịch sử"

Đó là năm 2001. Lúc bài in ra thì tôi đang ở Tokyo, sau ít tháng thì đọc được trong thư viện trường (trường tôi đặt dài hạn nhiều tạp chí của Việt Nam).

Lúc ấy, tức thời điểm các năm 1997-2001, xã Phúc Sen vẫn thuộc huyện Quảng Hòa. Sau đó, thì huyện Quảng Hòa tách ra làm hai thành "huyện Quảng Uyên" và "huyện Phục Hòa". Rồi bây giờ, sau 20 năm, thì hai huyện ấy lại nhập lại thành ra "huyện Quảng Hòa" như ngày xưa !

Hôm nay, ngẫu nhiên phát hiện là mới có bản PDF trên mạng (xem ở đây).

12/05/2020

Những mảnh vỡ còn lại của thời kì Bắc thuộc ngàn năm : bia xá lị năm 601 (thời thuộc Tùy) ở Bắc Ninh

Mảnh bia này mới được tìm thấy ở vùng Bắc Ninh - được xem là chỗ đóng đô của bộ máy cai trị phương Bắc thời xưa. Cũng khoảng gần chục năm về trước rồi.

Đó là thời nhà Tùy ở Trung Quốc. Còn Giao Châu, thì là thời thuộc Tùy - một đoạn trong cả một ngàn năm Bắc thuộc.

Thời thuộc Tùy cách chúng ta tới khoảng 1600 năm. Vượt qua quãng thời gian tới tận 16 thế kỉ, với bao nhiêu binh hỏa chiến tranh, bao nhiêu đổi thay, mà vẫn có một vài mảnh bia sót lại (mảnh ở Thanh Hóa liên quan đến Lê Ngọc thì đọc ở đây, còn mảnh đang nhắc đến là ở Bắc Ninh).

Về không khí của nhà Tùy trong quan hệ với các đạo sĩ thời đó, thì có thể đọc một truyện truyền kì do đạo sĩ trứ danh Đỗ Quang Đình viết - bản dịch tiếng Việt của chủ nhân Giao Blog từ đầu thập niên 1990 (xem lại bản dịch ấy ở đây hay ở đây).

20/01/2020

Cuối năm xem lại văn bia cổ nhất (năm 618 thời thuộc Tùy) trong liên quan với Tam Giới

Bây giờ, đang xem lại văn bia khắc chữ Hán cổ nhất hiện còn ở Việt Nam, là bia dựng năm Đại Nghiệp 14 thời nhà Tùy (tức năm 618).

Suy nghĩ về mối quan hệ của nó với Tam Giới (vừa là Phật giáo, vừa là Đạo giáo).

Đi một ít bài liên quan.

17/03/2019

Cuối tuần xem lại một bài văn bia viết năm 1339 của ông Thăng Phủ (tức Trương Hán Siêu)

Vừa rồi du lãng chốn Non Nước, có tạt ngang tạt dọc vào những di tích có liên quan đến cụ Thăng Phủ nổi danh ở đời Trần.

Con cháu họ Trương đang trùng tu tôn tạo nơi thờ tự cụ.

Về nhà, xem lại một tấm bia cụ đã viết năm 1339 cho một ngôi chùa ở Bắc Ninh. Bia sau này mờ đi, nên người địa phương đã khắc lại vào thời Tây Sơn hay thời Nguyễn gì đó. Nghe đâu là bác Nguyễn Huệ Chi có về địa phương khảo sát năm 1969.

16/02/2019

Mĩ thuật Việt Nam : bia Văn Miếu Hà Nội dưới góc nhìn của nhóm Trần Hậu Yên Thế

Gần đây, gặp Trần Hậu Yên Thế, có nhắc về chuyến tàu liên vận quốc tế Bắc Kinh - Hà Nội khoảng 20 năm về trước. Thế vẫn nhớ rất rõ. Chuyến đó chúng tôi du lãng Bắc Kinh về, ngẫu nhiên gặp lưu học sinh họ Trần cũng về Hà Nội nghỉ hè gì đó. Trong khoang xe lửa có mấy vị Việt Nam sau: một Giáo sư Dân tộc học ở Nam Bộ, hai bà buôn chuyến sang Nga (các bà có hộ chiếu Ba Lan và hộ chiếu Việt Nam), hai lưu học sinh Trung Quốc (bản thân hai vị ngẫu nhiên gặp mà không phải cùng trường, trong đó có một người là Thế), và tôi. 

Đấy là lần gặp đầu tiên.

Lần ấy, vị Giáo sư Dân tộc học bất ngờ với việc người Trung Quốc khá ưa chuộng nước hoa Sài Gòn. Đến mức, ông tính mua một lọ trên tàu liên vận năm ấy.

09/06/2018

Văn nghệ Thứ Bảy: tự nhiên thấy bia đá quí thời Mạc rớt xuống !

Người chủ xướng ra sự kiện hai tấm bia Mạc tự nhiên rớt xuống này là ông Nguyễn Văn Vịnh. Từ nhiều năm trước, trong liên quan đến ông Trần Đại Sỹ, tôi đã chú ý đến ông (đọc lại ở đây).

Bởi vậy, từ khá lâu, lúc nhận được một mail qua hộp thư (mail là một bức thư của một ông cụ rất bí ẩn gửi cho ông Nguyễn Văn Vịnh), tôi đã ngầm đoán ra sự thể rồi. Lúc đó, chỉ thảo luận trong nhóm một cách lặng lẽ. Không đưa ra bên ngoài.

Sau đó thì sự kiện lên mặt báo và các mạng xã hội. Trong nhóm, không ai tham gia. Chỉ quan sát.

Bây giờ là một chia sẻ gần đây nhất của ông Vịnh (do ông Đỗ Minh Tuấn thực hiện việc phỏng vấn). Để cho rộng đường dư luận.

23/03/2018

Tên gọi "Việt Nam" trong bia đá thời Lê Trung Hưng (năm 1994, Phạm Thị Vinh)

Có nhiều cứ liệu được đưa ra trong bài.

Nhưng không có hai trường hợp ở ngôi làng mà chúng tôi vừa tới thăm hôm qua (một mang niên đại 1675, và một mang niên đại 1681). Đọc lại ở đây. Hai trường hợp này bổ sung cho nhau, vì một cái là Nam Việt, và một cái là Việt Nam. Với tôi, chúng quí ở chỗ gắn được với Cao Bằng.

01/02/2018

Bia đá chữ Chăm ở cao nguyên xứ Thượng, đã có người giải mã được

Thông tin về tấm bia này, đã đi ở đây (hồi đầu tháng 1/2018).

Bây giờ là tin mới nhất. Đã có người giải mã được. 

Với bia đá Chăm cổ, bây giờ, Việt Nam mình chưa có người đọc được, cần nói rõ thêm là: giới nghiên cứu Chăm của Việt Nam (là người Chăm, hoặc người không phải Chăm) đều mù tịt. Về cơ bản chỉ là đem bản dịch cũ của người Pháp trước đây ra mà dịch ra tiếng Việt. 

Phải nhờ vả vào người Pháp, hoặc người Nhật.

17/01/2018

Tấm bia đá mang niên đại cổ nhất Việt Nam ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh)

Niên đại đang được xem là thế kỉ 4.

Di vật tìm thấy gần đây ở huyện Thuận Thành - một địa bàn đặc biệt quan trọng, nơi còn thấy các di tích liên quan đến Sĩ Nhiếp và xung quanh thời điểm đó. Cũng liên quan với Sĩ Nhiếp (Nam Giao học tổ) là hệ thống Tứ Pháp.

Tấm bia này thì liên quan tới nhân vật Đào Hoàng - người Hán được cử tới làm quan ở Giao Châu.

02/05/2017