Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/11/2017

"www" và "Doi Moi" : 20 năm Internet Việt Nam (1997-2017)

Lấy về từ nhiều nguồn.


Bài báo viết năm 1996, của Giang Công Thế (blogger Hiệu Minh)






---






.

2.

20 năm Internet Việt Nam: Những kịch tính giờ mới kể

 - “Tôi còn nhớ như in văn bản ấy được ban hành vào ngày 10/05/1997. Sau đó vài ngày, anh em trong Ban điều phối, Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ đọc, đánh giá văn bản ổn dù chúng ta đều mới tiếp cận, nhưng cần xem xét thêm vì nó khác với lĩnh vực báo chí”, ông Đỗ Quý Doãn kể.
Năm 1997, năm đánh dấu Việt Nam hòa mạng Internet, ông Đỗ Quý Doãn đang giữ cương vị Vụ trưởng tại Bộ Văn hoá Thông tin, được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia khâu hoạch định chính sách, quy định của Nhà nước về thông tin mạng. Lúc ấy, ông Phạm Gia Khiêm là Bộ Trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường, trưởng Ban điều phối quốc gia được thành lập từ Ban quản lý Internet của Chính phủ (ra đời ngày 24/03/1997) để chuẩn bị cho việc hoà mạng Internet vào cuối năm 1997.
Nhận thấy sự cấp thiết trong việc xây dựng văn bản, ông Khiêm đã chỉ đạo Bộ Văn hoá Thông tin, cụ thể là ông Đỗ Quý Doãn và ông Mai Linh cùng xây dựng văn bản quy chế về cung cấp thông tin lên mạng Internet. Quản lý nội dung thông tin trên mạng Internet là vấn đề rất quan trọng và đau đầu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới lúc bấy giờ.
“Tôi còn nhớ như in văn bản ấy được ban hành vào ngày 10/05/1997. Sau đó vài ngày, anh em trong Ban điều phối, Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ đọc, đánh giá văn bản ổn dù chúng ta đều mới tiếp cận, nhưng cần xem xét thêm vì nó khác với lĩnh vực báo chí”, ông Doãn kể.
Internet,Đỗ Quý Doãn,công nghệ thông tin
Ông Đỗ Quý Doãn. Ảnh: Zing.vn
Thời điểm đó, một văn bản vừa được ban hành mới vài ngày lại phải sửa đổi thì có vẻ gay go. Nhưng chúng ta rất cầu thị, từ Bộ Chính trị đến Chính phủ, và các cấp chính quyền, nếu thấy không phù hợp thì sẵn sàng sửa ngay, để phục vụ thật nhanh cho việc hoà mạng có cơ sở hoạt động.
Không ít những khó khăn và trở ngại vấp phải trong quá trình xây dựng văn bản, mà ông Doãn ví von như “đười ươi giữ ống”, tưởng là quản lí rất chặt nhưng cuối cùng lại tuột hết. Chúng ta không thể mang tư duy quản lí báo chí truyền thống vào quản lí Internet, bởi không thể nào lường trước được tốc độ truy cập và lan truyền đến chóng mặt của nó. Vì thế mà cần xác định trách nhiệm của từng đơn vị, bộ phận trong quá trình tham gia đưa nội dung lên Internet. Cấp cơ quan quản lí chỉ đưa ra các chính sách pháp luật, cấp cơ quan chủ quản trực tiếp phải chịu trách nhiệm. Thứ nữa là trách nhiệm của bản thân người thực hiện việc đó.
Ông Doãn không thể quên cuộc điện thoại của ông Phạm Gia Khiêm để hỏi: ông có hiểu Internet là như thế nào không? Khi đó ông đã phải thú thật, do mới được nhận nhiệm vụ nên cũng chưa hiểu lắm. Sau đó ông Doãn đã lập tức cử nhân viên tập hợp lại 100 bài viết, tài liệu liên quan đến Internet và in thành một quyển sách, xin giấy phép in theo dạng tài liệu với tên gọi: Internet và “Lĩnh vực quản lý”. Tài liệu này cung cấp những kiến thức cần thiết để giúp Internet phát triển.
Cũng theo ông Doãn, một trong những điểm rất quan trọng trong 20 năm phát triển Internet là ngay từ đầu ta đã xác định đúng nguyên tắc phát triển, hay còn gọi là tư duy phát triển. Mọi người đều không thể biết được Internet sẽ phát triển như thế nào, phương thức quản lí ra sao. Việc quản lí thông tin trên mạng rất khác với những gì có trong kinh nghiệm của chúng ta, bởi tính cập nhật thông tin nhanh chóng, tính tương tác rộng mở. Nhưng chưa hiểu không có nghĩa là cấm đoán. Vì thế Ban điều phối đã cùng thống nhất là phát triển đến đâu thì quản lí đến đó, có nghĩa là quản lí phải theo kịp với sự phát triển, vừa làm vừa xem xét và rút kinh nghiệm.
Theo đó, điểm rất đáng ghi nhận là chúng ta đã thực sự chủ động trong xây dựng các chính sách phát triển, đã có nhiều văn bản được ban hành về cung cấp thông tin tiếp sau đó và đặc biệt là Thông tư Liên tịch của Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công an và Tổng cục Bưu điện. Những văn bản ấy đưa ra các quy định, cơ chế quản lý, cách thức một cách rất chủ động và mang nhiều ý nghĩa đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà cung cấp thông tin Internet về mặt pháp lý.
Hồi đó sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, như giữa Bộ Văn hoá và Thông tin, Tổng cục Bưu điện, Bộ Khoa học Công  nghệ Môi trường và Bộ Công An rất tốt. Các bộ duy trì thế mạnh của nhau để phối hợp. Có hai đơn vị rất quan trọng là các nhà cung cấp dịch vụ Internet (gọi tắt là ISP) và các nhà cung cấp nội dung thông tin lên Internet (gọi tắt là ICP). Chẳng hạn, Bộ Công An xem xét việc cấp phép cơ sở hạ tầng kĩ thuật, Bộ Văn hoá Thông tin xem xét cung cấp nội dung thông tin lên mạng. Tất cả đều phối hợp tốt tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nội dung thông tin.
“Các cuộc trao đổi giữa các lãnh đạo và các bộ ban ngành rất thoải mái và cởi mở. Đặc biệt họ không tuyệt đối hoá, cũng không cực đoan hoá các biện pháp quản lý Internet”, ông Doãn kể.
Trong thực tiễn, sự phát triển bất cứ quốc gia nào cũng phải phù hợp với xu thế phát triển chung, chứ không thể quay lưng với nó. Vì vậy phương thức quản lí được đưa ra cần phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội quốc gia ấy.
Nhìn lại, Internet ở Việt Nam đã đi qua chặng đường 20 năm và 4 năm thai nghén, tổng cộng là 24 năm. Bài học rút ra trong suốt quãng thời gian đó vẫn còn nguyên giá trị cho chặng đường sắp tới. Đó là những bài học quý báu từ quyết định kết nối và cung cấp dịch vụ Internet, về đón nhận cái mới, lắng nghe từ thực tiễn và chủ động, khuyến khích để các đơn vị thử nghiệm dù xé rào mà không bị quy chụp, ngăn cấm. Đó là bài học về lựa chọn công nghệ và hướng đi, về việc đặt lợi ích phát triển đất nước lên cao nhất. 
Nếu cho rằng, giai đoạn 20 năm qua là thận trọng, thì giai đoạn 20 năm tới cần phải vượt lên. Đây là con đường cho chính phủ kiến tạo, là nền tảng đưa Việt Nam hòa vào thế giới văn minh. Khi Internet, mạng di động và trí tuệ nhân tạo được đánh giá là chìa khóa cho các cuộc cách mạng sâu rộng thì đây đúng là vận hội to lớn cho Việt Nam bứt phá đi lên.
“Bốn năm thai nghén”
Đã có 4 đơn vị đi tiên phong thử nghiệm Internet trước ngày Chính phủ Việt Nam cho phép chính thức kết nối và cung cấp dịch vụ Internet, đó là, Viện CNTT với mạng Varenet được Đại học quốc gia Úc giúp kết nối bằng thủ tục truyền tin UUCP, chạy trên hệ điều hành SCO UNIX để gửi email vào cuối năm 1993. Liên hiệp khoa học sản xuất công nghệ phần mềm CSE tạo thủ tục truyền tin riêng Tnet, chạy trên hệ điều hành SCO UNIX từ năm 1993.
Trung tâm tin học Teltic trực thuộc Bưu điện Khánh Hoà từ năm 1994 đã thử nghiệm kết nối gửi email, sau đó ngày 15/8/1995 chính thức đưa lên mạng E-news, Báo điện tử đầu tiên, được cấp giấy phép thử nghiệm do Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Nguyễn Khoa Điềm ký. Sau đó vào cuối tháng 12/1995, hoàn thành Xa lộ Thông tin VietNet, và tháng 1/1996 Teltic chính thức khai trương cung cấp dịch vụ trên Xa lộ Thông tin  VietNet, mạng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ TCP/IP của Internet cung cấp đầy đủ các dịch vụ của Internet như email, truyền file ftp, web… Đơn vị thứ tư là Công ty FPT xây dựng mạng Trí Tuệ Việt Nam với giao thức truyền tin riêng, từ cuối năm 1996.
Lan Anh
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/20-nam-internet-viet-nam-nhung-kich-tinh-gio-moi-ke-412604.html



1. Một bài viết vào năm 1996 của một Phó Tiến sĩ về IT được đào tạo từ Đông Âu (lấy từ Fb của tác giả, vừa đưa lên tháng 11/2017)







20 năm Internet Việt Nam

Hội thảo Internet với FPT. Ảnh tư liệu gia đình.
Cách đây 10 năm (2007), tôi từng tâm sự trên báo, nếu hỏi những biến đổi về lịch sử đất nước mà tôi đã chứng kiến, tôi sẽ nói ba thời điểm sau: 1975 – kết thúc chiến tranh, 1986 – Đổi mới và 1997 – mở cổng internet.

Hôm nay internet Việt Nam kỷ niệm 20 năm, tâm sự ấy không hề thay đổi, mà sự phát triển của internet tại xứ này với tăng trưởng 31,000% so với năm 2000, hơn một nửa dân số dùng internet và mạng xã hội, càng củng cố cho tôi niềm tin ấy.
….
Trong hội thảo và dự luật An ninh mạng mấy ngày trước, cựu bộ trưởng Bộ TTTT, ông Lê Doãn Hợp, đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không nối mạng với thế giới trong 20 năm qua. Một bộ trưởng như ông kinh qua các công tác quản lý ở tầm cao nên hiểu thế nào là vai trò của IT, chính sách đi kèm thúc đẩy hay chỉ vì lợi ích riêng.
Từ “Đổi mới” cách đây 30 năm vẫn còn nguyên giá trị: đất nước đang cần sự đổi mới về công nghệ trong tư duy lãnh đạo. Thiếu vắng công nghệ thì sẽ tụt hậu tiếp tục trong những thập kỷ tới dù ý chí muốn chính phủ kiến tạo, xã hội tri thức, văn minh, công bằng.
Thế kỷ 21 thuộc về công nghệ hãy tìm giải pháp phát triển bằng công nghệ, chứ nhất định không thể là đáp án có từ thế kỷ 20 với tư duy thế kỷ 19.
IT Cua từng chém gió bên FPT. Ảnh tư liệu gia đình
https://hieuminh.org/2017/11/23/20-nam-internet-viet-nam/





Cảm xúc đặc biệt của người chứng kiến cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới

Hiệu Minh | 
Cảm xúc đặc biệt của người chứng kiến cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới
Ảnh minh họa.

Cách đây 10 năm (2007), tôi từng tâm sự trên báo, nếu hỏi những biến đổi về lịch sử đất nước mà tôi đã chứng kiến, tôi sẽ nói ba thời điểm sau: 1975 – kết thúc chiến tranh, 1986 – Đổi mới và 1997 – mở cổng internet.

Hôm nay internet Việt Nam kỷ niệm 20 năm, tâm sự ấy không hề thay đổi, mà sự phát triển của internet tại xứ này với tăng trưởng 31,000% so với năm 2000, hơn một nửa dân số dùng internet và mạng xã hội, càng củng cố cho tôi niềm tin ấy.
Internet Việt Nam – 20 năm ấy
Năm 1995, tôi phụ trách IT cho văn phòng World Bank (WB) với 25 nhân viên cũng chỉ nhận email qua modem với trung tâm bên Washington DC, mỗi ngày hai lần, mỗi lần kéo dài khoảng 1 tiếng. 
Thư đến thư đi chỉ trong khoảnh khắc ấy, thời gian còn lại chỉ dùng cho công việc sở tại, dường như mọi thứ như ngừng trôi. 
Giữa năm 1996 thuê được đường truyền thuê bao 64K (leased line) với dịch vụ 24/7 thì mọi việc trở nên khác thường. 
Nhớ hồi đó là mùa hè, tôi làm việc 3 ngày đêm liền với trung tâm và một anh IT ngồi bên văn phòng Bắc Kinh chỉ để lập trình, kết nối qua các thiết bị mạng có audio, video, data gọi là RLX đắt ngang cái xe Toyota. 
Lắp lên, hạ xuống, lôi chip ra, gắn vào, thay tháo lung tung, cuối cùng thì đèn báo data chuyển sang màu xanh, anh chàng IT bên Bắc Kinh hét toáng lên, trời đất quỷ thần, vào rồi, vào rồi, như đang sút vào gôn đối phương.
Tôi không biết đó là một cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới cho dù viện cũ của tôi từng kết nối modem với Australia theo cách như WB từng làm. 
Tôi lên phòng báo cho ông sếp là Bradley Babson, Trưởng đại diện WB khi đó. Ông chẳng nói chẳng rằng, nhấn chuột vào biểu tượng Internet Explorer, gõ CNN và thấy hiện lên trang. 
Ông hét toáng lên, nối rồi, nối rồi, và cầm điện thoại gọi cho bà vợ bên DC qua đường truyền thuê bao (không mất tiền). Đầu dây bên kia vui vẻ và nói, từ nay vợ chồng nói chuyện không phải nhìn đồng hồ. Chả là gọi qua điện thoại thường qua VNPT thì giá 3-4$/phút, thuộc loại đắt nhất thế giới.
Hôm sau thử nốt video, Hà Nội nhìn thấy DC và sự vui mừng là vô tận dù đường truyền 64K hình ảnh chậm hơn cả phim câm thời hề Sác Lô (Chaplin).
Làm ở viện cũ, tôi chẳng biết email và internet mặt mũi ra sao, dường như đó là bí mật của một vài người. Nhưng ở WB thì tôi làm chủ cả hệ thống nối internet toàn cầu, nghĩ thấy thật may mắn.
Các bạn biết tin thi nhau đến xem internet ra sao. Thỉnh thoảng một đoàn khách từ các tổ chức quốc tế rồi bạn IT cũ. 
Một nhóm các doanh nhân Hà Nội do anh Bùi Việt Hà chủ trì mời tôi trình diễn internet. Sau một hồi ba hoa theo kiểu dân IT, tôi dẫn vài đường link vào CNN, Fox, BCC… cho các bạn xem.
Trong khi đó ở Hà Nội và TP HCM chưa được biết mùi vị internet ra sao cho tới 11-1997 và phải cảm ơn ông Mai Liêm Trực, Thứ trưởng khi đó. 
Những thời khắc lịch sử 
Nhớ lại một thời và tôi chợt nhận ra sự trùng lặp kỳ lạ về ba thời khắc, hòa bình, đổi mới và internet, mỗi thời kỳ 11 năm gợi nhiều điều suy ngẫm.
Sau thời gian dài chiến tranh tàn khốc, năm 1975 không còn tiếng bom rơi. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ vì không còn chiến tranh và chết chóc, đó là sự hứa hẹn sáng lạn cho tương lai đất nước. 
Nhưng sau 11 năm, hình như người ta nhận ra những thất bại trong mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.
Rất may xuất hiện từ "Đổi mới" năm 1986. Trong vài mục tiêu "Đổi mới" tôi thích nhất mục "Trao quyền sử dụng đất (Khoán 10)", nôm na là nông dân (80% dân số) có thể lựa chọn ở trong hợp tác xã hoặc ra ngoài cá thể và được làm chủ ruộng đồng của mình. 
Để ý đến điều này vì tôi là con nhà nông nên biết giá trị "người cầy có ruộng" như thế nào. 
Vài năm sau, dù diện tích không đổi, dân số tăng 1-2 triệu hàng năm, thế mà từ một nước từng đi xin bột mỳ và hạt bo bo viện trợ cho dân ăn lại trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Tỷ lệ 80% đói nghèo những năm 1980 nay chỉ còn dưới 10%, Việt Nam được coi là quốc gia có sự phát triển kỳ diệu.
Cảm xúc đặc biệt của người chứng kiến cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới - Ảnh 1.
Rồi lại 11 năm sau tiếp (1997)… có của ăn của để đôi chút, người ta nghĩ đến đi ra ngoài xem thế giới họ sống ra sao. Khi đó, 70 triệu người Việt không có tiền mua vé máy bay đi ra nước ngoài nhưng họ có thể du lịch qua "thế giới ảo". 
Đó chính là thế giới thông tin World Wide Web và giấc mơ internet cho Việt nam. Sau trì hoãn mấy năm và cuối cùng năm 1997, giới trẻ Việt Nam lần đầu biết đến mùi vị thế nào là lướt web, thư tình bằng email và yahoo chatting như vài bạn quen biết tôi đến World Bank chỉ để xem các cô tây ra sao.
Internet vào 10 năm rồi 20 năm, nước Việt đâu có mất mà tăng 7-8% năm, từ nước nghèo hiện đã thuộc câu lạc bộ thu nhập trung bình thấp với 2300$/người/năm từ dưới 100$/người/nămnhững thập kỷ 1970-1980.
Trong hội thảo và dự luật An ninh mạng mấy ngày trước, cựu bộ trưởng Bộ TTTT, ông Lê Doãn Hợp, đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không nối mạng với thế giới trong 20 năm qua. Một bộ trưởng như ông kinh qua các công tác quản lý ở tầm cao nên hiểu thế nào là vai trò của IT, chính sách đi kèm thúc đẩy hay chỉ vì lợi ích riêng.
Internet chính là đòn bẩy cho kinh tế đất nước, là "cái cày" của người dân trong "đồng ruộng" toàn cầu hoá. Đưa internet đến từng người dân giống như ta đã trả lại ruộng đất cho nông dân thuở trước. Họ tự biết làm thế nào để tạo ra sản phẩm trên "đồng ruộng tri thức" ấy để xuất khẩu loại "gạo" mới. Vai trò của nhà nước là tạo ra hành lang phát triển.
Muốn tiến tới xã hội tri thức phải phát triển IT, công nghiệp 4.0, IOT, ngoài nông nghiệp là thế mạnh thì "ruộng đồng internet" phải là ưu tiên hàng đầu. 
Từ "Đổi mới" cách đây 30 năm vẫn còn nguyên giá trị: đất nước đang cần sự đổi mới về công nghệ trong tư duy lãnh đạo. Thiếu vắng công nghệ thì sẽ tụt hậu tiếp tục trong những thập kỷ tới dù ý chí muốn chính phủ kiến tạo, xã hội tri thức, văn minh, công bằng.
Thế kỷ 21 thuộc về công nghệ hãy tìm giải pháp phát triển bằng công nghệ, chứ nhất định không thể là đáp án có từ thế kỷ 20 với tư duy thế kỷ 19. 
theo Trí Thức Trẻ

http://soha.vn/cam-xuc-dac-biet-cua-nguoi-chung-kien-cu-noi-internet-lich-su-giua-ha-noi-va-the-gioi-20171122114605212.htm




0.





---



Những entry liên quan đã đi trên blog này:
















Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.