Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/08/2017

Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu : "Trước ngã ba lịch sử" - 3


Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu.

Do các con cháu trong gia tộc Trần Tán công bố lần đầu tiên trên website Tronglang.com năm 2012. Hiện tại, trang này bị hỏng hay đã bị xóa bỏ hoàn toàn.

Bản đăng lại năm 2017 của Giao Blog là lấy từ lưu trữ cá nhân (lấy xuống từ Tronglang.com).


Giao Blog
Tháng 7 năm 2017



Trang Tronglang.com năm 2012 (hiện đã không còn hoạt động)




---




Thế là tôi nhận lời giữ hẳn mục “phóng sự” cho hai tờ báo Ngày Nay “giấy đẹp” và Phong Hóa “giấy thường”. Tôi đưa đăng liên tiếp cho Phong Hóa, những thiên “Trong Làng Chạy”, “Gà chọi”, và cho tờ Ngày Nay, những thiên “Sư Vãi”, “Ðồng Bóng”, và một thiên, mà hôm nay, tôi còn tiếc là không xuất bản thành sách. Ðó là thiên “Ðàn bà hút thuốc phiện”.

Tôi bắt đầu, với thiên phóng sự “Trong Làng Chạy”, đi sâu vào đời sống của những ai có thể gọi là khốn cùng được. Tuy hãy còn thiếu sót nhiều, nhất là thiếu hẳn chất sống thật của những kẻ chuyên nghề móc túi (moi nảy), chắt ô (chật khăn), đưa xế (lấy xe đạp).

Tôi đã thiên hẳn về kỹ thuật của họ, và không có thời gian để nghe “lòng” những kẻ đáng thương ấy lên tiếng. Mỗi lần tìm được dịp gần họ, thì chỉ đủ thời gian nhìn tay họ làm trò ảo thuật ăn cắp, vừa nghe họ kể lại những phương pháp học nghề, những mánh khóe áp dụng khi đi thực tập và hành nghề, hoặc là cảnh bị đòn tra tấn, hoặc cách nuốt thuốc chả hạn như thuốc lào, cho say để chịu đòn. Trong lúc kể chuyện, họ còn đua nhau khoe tài, gây gổ lẫn nhau, thành thử, trông họ không còn gì là đáng thương nữa. Tôi chỉ thực sự cảm động, khi một tối kia, tôi đi đến chỗ hẹn với một anh “chạy vỏ”, thì tôi lại được thấy cảnh một gái thanh lâu hút thuốc phiện.

Chỗ hẹn là một tiệm thuốc phiện hạng tồi nhất, sát vách một nhà chứa thổ chính thức, hạng bình dân, ở ngõ Sầm Công.

Lúc tôi đến, thì thấy một cảnh ít thấy trong xã hội thử thời, dù xã hội ấy chẳng ra quái gì cả.

Anh chạy vỏ của tôi và một thầy đội xếp, vẫn đeo lon, bụng còn thắt lưng da và gậy ma trắc, đang hút thuốc phiện. Vì giường bé, nhà chật, khách hút nhiều, nên cả hai nằm thu lại một bên cạnh mâm đèn. Anh chạy vỏ làm bồi tiêm, thầy đội xếp nằm gối đầu lên bụng hắn.

Anh chạy vỏ thấy tôi, hắn vờ như không quen rồi lắp bắp một câu vào tai thầy Ðội.

Tôi thấy thầy Ðội, mở mắt nhìn tôi, mỉm cười, nói một hơi:

- “Ông nhà báo hả? Ðội xếp và nhà báo, anh em cả. Ngày nào các ông chẳng lên Cẩm lấy tin! Nhưng, cái tin thằng này hút, trong khi đi tuần, chớ có dăng, nhé!”

Thầy Ðội bỗng ngồi dậy, cười sè sè rồi nói:

- “Ðội xếp gối đầu lên bụng thằng cha ăn cắp, cùng ro ro. Mẹ kiếp! Cẩm phạt được đấy chứ!”

Thầy Ðội bỗng liếc nhìn ra cửa, thốt lên:

- “Cái Tuôi đấy phỏng?”

Một bóng người thấp thoáng rồi biến mất.

Thầy Ðội co bớt chân, mời tôi ngồi, và nói với anh chạy vỏ:

- “Con Tuôi từ tối chưa thấy mặt nó đấy! Hôm nay thứ ba, khách khứa chó gì cơ chứ! Gần 11 giờ mẹ nó rồi…”

Anh chạy vỏ nhỏ nhẻ:

- “Thứ ba mới là lắm khứa chứ, vì là ngày các ả đi lục xì mà thầy.”

Ðộ 15 phút sau, tôi thấy một ả sồn sồn đi vào. Ả đến ngay chỗ chúng tôi, quẳng ra một hào bạc, vừa bới lại tóc vừa nói:

- “Cho cháu hút canh ty với!”

Nếu không có bộ mặt đánh phấn chèo, môi má đánh phấn điều nham nhở và đôi mày vẽ to ra như hai con “đỉa”, thì cô ả này có thể là một cô gái quê sạch nước cản ra tỉnh án hạt dẻ đêm được đấy. Vì ả còn biết xưng “Cháu” với thầy đội.

Và cả người ả còn tí duyên là “xưng cháu”, lời đặc biệt của miền quê, mà ả vô tình nhắc nhở lại.

Nhưng thầy Ðội lại bẻ ả:

- “ Loạn luân chưa!”

Nhưng anh chạy vỏ giàn xếp ngay:

- “Xưng em đi! Ngủ với người ta được mà lại xưng cháu, hả khỉ?”

Anh chạy vỏ đã tiêm xong một điếu. Hắn lấy chân đá vào cô ả, nói:

- “Hút!”

Cô ả vừa ghé người vào giường, thì bỗng có tiếng từ cửa thét vào:

- “Tuôi ơi! Về có khách! Mau lên! Mẹ đang chửi mày, cứ thoáng cái là biến mất thôi!”

Cô ả quay ra ngay. Anh chạy vỏ quay rọc tẩu kề vào miệng thầy Ðội, rồi khẽ nóí với tôi:

- “Ông đợi tí nhé! Nửa giờ nữa là xong bữa thầy Ðội”.

Mười lăm phút qua. Tôi thấy cái Tuôi uể oải lê guốc đi vào, tay vấn tóc, miệng nói với lại với anh bán phở đêm:

- “Cho ít thịt thôi, nhưng nhiều nước vào, nhé ông Phở nhé?”

Cô ả nhìn anh chạy vỏ, nói như hết hơi:

- “Tây đen anh ạ. Hùng hục như trâu, mà búa-boa (pourboire) cho mẹ nó có mỗi một hào!”

Anh chạy vỏ xoay rọc tẩu về phía Tuôi, vừa an ủi:

- “Mệt hả?”

Hai tay ôm lấy cái rọc tẩu, Tuôi nằm ghé đầu vào bụng thầy Ðội, nhắm mắt kéo một hơi. Và chỉ thoáng cái, ả đã hút được ba điếu.

Một vẻ buồn thoáng trong ánh mắt. Ả có vẻ đã tỉnh tỉnh trong cái say mới bắt đầu.

Ả sờ cái rọc tẩu, lấy tay véo nó một cái, nghiến răng nói:

- “Thật là từ tối đến giời, bà mới nắm được mày… Tẩu ơi …!”

Nói đến chữ ơi, ả đổi giọng ngâm theo một câu:

- “Chém cha cái kiếp làm người! …

Tôi viết bài tả cái cảnh “nhà thổ gối đầu vào bụng đội xếp, đội xếp gối đầu vào bụng kẻ cắp, cùng hút thuốc phiện, chung hưởng vài giờ mê ly nhất trong đời họ để rồi: mai sẽ hay!”

Xin thú thật là tôi đã quên tôi là người viết phóng sự, mà chỉ nhớ mình còn được là người, rồi hạ một câu lạc lõng, nhưng là … của người:

“Con nhà thổ ấy nó còn là người, vì nó đã biết … chửi cái kiếp làm người.”

Tôi thấy câu đó được đăng chữ lớn. Anh Khái Hưng nói là anh Nhất Linh khoái câu ấy lắm và chính anh yêu cầu cho đang câu ấy bằng chữ đậm, như một sous-titre.

Sau này, có một văn hữu (anh Ngô Bằng Diễn) nhắc lại cho tôi hay là anh đã hỏi thăm anh Tam xem Trọng Lang viết lách có được không, thì anh Tam tự nhiên nhắm mắt lại, rồi gật gù ngâm nga:

“Con nhà thổ ấy vẫn còn là người, chỉ vì nó đã biết chửi cái kiếp làm người.”

Rồi anh Tam hỏi bạn tôi:

“Anh có viết được câu đó không?”

Anh Tam có cái tật rất đáng mến là nếu anh yêu văn của người nào thì anh nhớ và đọc một vài câu mà anh thích, của người ấy.

*

Sau khi Ngày Nay đăng bài “Lạc vào động Chúa Hàng Bạc”, tôi đến Tòa soạn Ngày Nay vào một buổi chiều, do lời mời của anh Nhất Linh.

Tòa soạn có hai buồng, buồng trong là buồng ngủ của vợ chồng anh Khái Hưng. Buồng ngoài rộng hơn, là Tòa soạn. Trông nó như một phòng khách, đang được đổi làm phòng họp, có bàn vuông, trên để lọ hoa.

Mùi hoa thoang thoảng, tiếng đàn tàu tam thập lục thánh thót bài Tiên-Hoa điệu.

Lúc ấy chỉ có một mình anh Nhất Linh. Thấy tôi, anh chỉ mỉm cười, rồi lại cúi xuống viết, có vẻ như tôi đến đây từ lâu rồi.

Anh cười với tôi: một vẻ cười hiền hòa, dìu dịu trong mắt to và đen.

Sau này, Tú Mỡ đã có lần nói cho tôi thêm về lối “đối ngoại” của anh Tam, từ lúc anh chưa làm Ngoại Tướng cho Chính Phủ Liên Hiệp:

- “Tam cười với anh, cười bằng mắt và môi mím chặt, thế là: Khoái anh lắm đó! Trọng Lang biết không? Ðối với Vũ Trọng Phụng, thì anh Tam đi trốn, để khỏi phải cườì, khỏi phải hỏi, khỏi phải bắt tay “xua xua” với Phụng.”

Tôi hỏi Tú Mỡ:

- “Ði trốn anh Phụng hả? Sao vậy?”

- “Anh Tam ghét anh Phụng kha khá. Là vì thế này: có lần anh Phụng đến tòa soạn. Anh ta có cái nhìn lạ lắm: nó vừa chán đời, vừa khinh khỉnh, có vẻ như không thèm nhìn mà vẫn cứ nhìn. Ðại để như cô gái thích mà cứ ra bộ ta không thích đâu. Anh Tam phê bình anh Phụng là: “ Làm ra vẻ điều tra cho đúng điệu ông nhà báo giỏi, thì lại hóa ngay ra một thanh tra mật thám tồi. Tôi tránh để khỏi bị … nhìn, theo lối nhìn để mà không thấy gì cả ấy .”

Sau này nữa, vào năm 1960 gì đó, anh Tam có vào một hiệu thuốc Tây ở Saigon. Ông dược sĩ bạn anh là anh Quế, niềm nở hỏi thăm:

- “Lan của anh đâu rồi?”.

Anh Tam cười mũi, mà nói bằng giọng cũng mũi:

- “Lan hả? Ở trên rừng ấy!”

Ðại khái đó là cách “đối ngoại” của anh Tam. Nó có vẻ như cách làm “mắt trắng mắt xanh” của cổ nhân Tàu vậy.

… Anh Tam vẫn viết. Tôi gọi anh để gọi là có chuyện để nói:

- Ai đánh Dường Khầm thế?

Anh Tam không trả lời thẳng, nhưng cất tiếng gọi:

- Thạch Lam à! Trọng Lang hỏi thăm đấy!

Tiếng đàn im bặt, thì ra nhạc sĩ là Thạch Lam, từ một căn phòng nhỏ, có che màn kín như phòng tối rửa ảnh, anh Thạch Lam gọi tôi hỏi:

- Vào đây Trọng Lang. Thế nào, chép cho bài Nhì Voòng chưa? Hình như tài sìu hay hơn sỉu tìu phải không, anh?

Tôi đáp:

- “Viết rồi, tiểu điệu (sỉu tìu) là ca lý. Ðại điệu là tuồng, kể thì mỗi thứ hay một cách.”

Giờ đây tôi xin nói rõ hơn: anh Thạch Lam đánh đàn tam thập lục khá hay, nhưng anh mới biết mấy bài Tiểu Ðiệu. Nên anh hỏi xin tôi vài bài thuộc đại điệu, như Nhị Vương, như Bang Tứ, vì anh biết tôi còn một nghề riêng là: biết kéo nhị tàu, và là người Việt Nam đầu tiên chơi nhạc tàu, do ông Trần Sềnh đào tạo.

Anh Tam bỗng lên tiếng:

- “Hãy nói chuyện viết đã.”

Tôi cười:

- “Rồi anh thổi Clarinette cho nghe, anh nhé?”

Nhân không thấy Khái Hưng, tôi hỏi:

- “Anh Giư đâu?”

Anh Tam chỉ vào đống giấy và cái gạt tàn thuốc lá đầy mẩu thuốc:

- “Anh Giư đã nằm rồi. Thức cả đêm, hút thuốc lá, nên mệt.”

Tôi thấy một tờ giấy, trên có một câu, của Khái Hưng:

- “Trời ơi! Viết gì bây giờ!”

Tôi hiểu ngay là anh Khái Hưng đã thức cả đêm, hút cả bao thuốc lá, mà chưa viết được một câu tiếp vào thiên tiểu thuyết đang đăng dở.

Anh Khái Hưng có một lối sáng tác đặc biệt. Trên một tờ giấy trắng, anh chia làm ba khoảng: khoảng trên, anh viết tên nhân vật trong chuyện; khoảng giữa, anh viết một chữ nhắc việc phải làm; và khoảng cuối, anh ghi một chữ nào có thể mở đầu cho lời nói của nhân vật ấy. Phần kết thúc của chuyện, thường thì anh vẫn đem ra thảo luận với các anh trong Tòa soạn.

Anh Tam đã viết xong. Bây giờ anh mới nói lý do anh mời tôi cấp tốc đến Tòa soạn:

- “Anh Thế Lữ viết hỏng thiên phóng sự “Kẻ cướp” rồi! Ðang là phóng sự, nó biến thành chuyện … trinh thám ly kỳ một cách không ly kỳ gì cả. Anh nằm bàn đèn 15 hôm, tiêu tiền vô số, rồi hình như nghe một nạn nhân bị ăn cướp ở Hải Phòng thì phải, nó kể chuyện ăn cướp cho bố đẻ ra chú Lê Phong, phóng viên trinh thám, tức Thế Lữ …

Bỗng thấy anh Khái Hưng tự trong buồng bước ra, vừa đi vừa nói:

- Anh Thạch Lam cũng bảo thế! Ðể Thế Lữ nghỉ, và cho Trọng Lang viết thay, có lẽ hơn đấy!




(còn tiếp)



---

Các entry liên quan đã đi trên blog này:

Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu : "Trước ngã ba lịch sử" - 3

-  Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu : "Trước ngã ba lịch sử" - 2

Hồi kí của Trọng Lang Trần Tán Cửu : "Trước ngã ba lịch sử" - 1

Chuyến đi Pháp hồi đầu thế kỉ XX của nhà khoa bảng Trần Tán Bình

Nhân vật Đông Kinh Nghĩa Thục còn ít được biết đến : Trần Tán Bình (1868-1937)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.