Phúc Sinh Trường là điện thờ tư nhân của gia đình bà Nguyễn Thị Nhỡ ở thôn Tứ Cường, xã Thụy Quỳnh. Toàn bộ diện tích khu điện thờ rộng khoảng 10.000m2 nằm giữa bốn bề đồng lúa xanh ngát. Một số người dân ở đây cho biết, diện tích đất này do gia đình bà Nhỡ mua của người dân.
Bản phủ Phúc Sinh Trường nằm giữa bốn bề đồng lúa. 
Nói đến bản phủ Phúc Sinh Trường, ai cũng phải trầm trồ trước đôi rồng chầu và cặp lục bình “khổng lồ” ở cổng dẫn vào điện thờ. Đi trên Quốc lộ 37, cách xa hàng trăm mét, người đi đường đã có thể nhìn thấy đôi rồng này đang vươn cổ sừng sững giữa trời. Theo quan sát của chúng tôi, đôi rồng này được xây dựng song song với nhau, có màu vàng, chiều cao lên tới 15m và chiều dài hơn 40m. Ở hai bên đôi rồng là cặp lục bình rất lớn.
Con đường từ Quốc lộ 37 dẫn vào khu điện thờ dài hàng trăm mét, được đổ bê-tông sạch sẽ, mặt đường rộng khoảng 2m. Càng vào sâu, bản phủ Phúc Sinh Trường càng hiện lên nguy nga, lộng lẫy với khuôn viên và nhiều hình tượng được xây dựng một cách công phu, không khác gì ở những ngôi chùa nổi tiếng. Ngôi chánh điện của bản phủ Phúc Sinh Trường nguy nga, tráng lệ theo lối kiến trúc cổ. 
  Đôi rồng và cặp lục bình “khổng lồ” xây dựng không phép, nằm trên hành lang Quốc lộ 37.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2016, khi công trình khởi công, dư luận địa phương đã có nhiều bất bình vì công trình xây trên đất nông nghiệp và không có giấy phép xây dựng, đặc biệt là khi gia đình bà Nhỡ tiến hành xây cặp rồng trên. Ông Nguyễn Duy Cam, Phó chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết, toàn bộ các công trình trong bản phủ Phúc Sinh Trường đều không xin phép cũng như không thực hiện các quy định về xây dựng. Cặp rồng được xây dựng trên đường đi chung, phần đầu rồng lấn vào hành lang Quốc lộ 37. Phần lớn diện tích đất của biệt phủ đều là đất vườn, không được phép xây dựng các công trình kiên cố. Ngoài ra, theo một số chuyên gia về lĩnh vực văn hóa và mỹ thuật, hoàn toàn có thể coi đây là một công trình tượng đài hoành tráng nên cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP và Thông tư số 18 hướng dẫn thực hiện nghị định này.
Khi phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng tại công trình này, UBND huyện Thái Thụy đã giao cho UBND xã Thụy Quỳnh tiến hành xử lý. Tháng 4-2016, UBND xã Thụy Quỳnh đã yêu cầu gia đình bà Nguyễn Thị Nhỡ dừng thi công và làm các thủ tục, nhưng gia đình không chấp hành. Sau đó, UBND xã Thụy Quỳnh đã báo cáo lại sự việc với UBND huyện Thái Thụy, đề nghị huyện hỗ trợ xã ngăn chặn việc thi công. Tuy nhiên, công trình này vẫn tiếp tục được xây dựng và hoàn thành vào cuối tháng 9-2016.
Ngày 24-4, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Văn Nghiên, Chánh văn phòng UBND huyện Thái Thụy cho biết, toàn bộ diện tích đất của bản phủ Phúc Sinh Đường đều là đất nông nghiệp. Hơn nữa, cặp rồng và đôi lục bình ở cổng còn lấn chiếm hành lang Quốc lộ 37. Trong quá trình xây dựng, gia đình bà Nguyễn Thị Nhỡ không báo cáo và xin phép chính quyền địa phương. Hiện nay, huyện đang giải quyết và đã báo cáo lên UBND tỉnh Thái Bình.
Đáng chú ý, mặc dù công trình có nhiều vi phạm trong xây dựng, thế nhưng trong bảng ghi công đức tại bản phủ Phúc Sinh Trường lại có tên nhiều cán bộ ở tỉnh Thái Bình và một số địa phương khác.
Tính đến nay, bản phủ Phúc Sinh Trường đã hoàn thành và đi vào sử dụng được gần một năm. Để xảy ra sự việc này có trách nhiệm không nhỏ của lãnh đạo UBND xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy khi phát hiện sai phạm nhưng không kiên quyết xử lý, phối hợp cùng cơ quan chức năng làm rõ các sai phạm liên quan. Trước thực trạng trên, đề nghị lãnh đạo huyện Thái Thụy và tỉnh Thái Bình nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của địa phương, vi phạm tại bản phủ Phúc Sinh Trường, xử lý nghiêm và dứt điểm, tránh gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - SỸ CƯỜNG