Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

21/02/2017

Ảnh hưởng của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng

Bài của Nguyễn Duy Hùng - một tác giả mới xuất hiện trong nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu, lần đầu tiên tôi thấy.

Bài đăng trên Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật (tạm lấy về từ website, mà chưa rõ trong số nào của tạp chí).



---


Tính thiêng trong lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở phủ Dầy


16/06/2016 9:36 SA.   340 lượt xem

                                                Nguyễn Duy Hùng [*] 

Tính thiêng trong lễ hội thờ Mẫu tứ phủ, Phủ Dầy xuất hiện trong mối quan hệ giữa thần linh và người tham dự ở nhiều phương diện khác nhau, từ việc cầu xin cho đến lòng thành kính tưởng nhớ đến những vị thần linh có công với dân, với nước. Sự xuất hiện tính thiêng đã tạo nên sức hấp dẫn, lan tỏa trong cộng đồng những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu bởi điều này chứng tỏ có “một thế lực siêu nhiên” có khả năng đáp ứng, thỏa mãn được khát vọng về tiền tài sức khỏe..., những ước mơ của một cuộc sống hiện thực.
1. Tính thiêng trong đời sống tinh thần
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, con người có những nhận thức khác nhau về các hiện tượng tự nhiên và xã hội trong không gian mình sinh sống để từ đó hình thành nên những cách ứng xử phù hợp.
Trong giai đoạn đầu hình thành tín ngưỡng của con người, nhận thức của người nguyên thủy còn có nhiều hạn chế nên yếu tố thiêng xuất hiện ở hầu hết những sự vật, hiện tượng xung quanh. Bất kỳ sự biến đổi nào không giống trước, hay chưa hình thành trong kinh nghiệm của họ đều rất khó để lí giải. Khi đó, tính thiêng xuất hiện từ nguồn sáng của mặt trời, sự tròn – khuyết của mặt trăng… hay chỉ đơn giản là một hòn đá mang hình kỳ lạ đối với cộng đồng. Và như vậy, bản chất ban đầu của tính thiêng chính là thể hiện sự sợ hãi, không lí giải được của con người đối với thế giới khách quan.
Trong quá trình phát triển của nhận thức, con người dần cảm nhận được những thay đổi của hiện thực xung quanh, cũng như dần lí giải được những điều mà trước này được xem là huyền bí. Tuy nhiên, quá trình vận động này lại đồng hành với sự phân chia giai cấp và tạo nên nhiều xung lực mới trong xã hội loài người. Cùng với những tác động đến con người từ thiên nhiên, giờ đây chính con người cũng có ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của cộng đồng. Lúc này, ngoài sự sợ hãi, tính thiêng còn có thêm sự biết ơn hay lòng tôn kính đối với người có công với cộng đồng hay có thần tích nào đó. Khi tính thiêng vừa bao hàm sự tôn kính, vừa bao hàm sự sợ hãi thì nó chi phối cách ứng xử cụ thể của con người, con người không chỉ còn “xin” che chở yên ổn làm ăn mà còn “cầu” giúp đỡ cho sức khỏe, công thành danh toại...
Con người tin vào tính thiêng trong tín ngưỡng, tôn giáo không bởi tính hiện thực của nó. Thông qua hành vi cầu xin, con người mong muốn được che chở, được giúp đỡ (ở trạng thái tâm lí), được “phù hộ độ trì” trong những mong muốn của mình về một vấn đề nào đó, ví dụ như khi người dân đến lễ hội Tứ phủ ở Phủ Dầy để cầu xin tiền tài, sức khỏe không phải vì suy nghĩ được Mẫu xuất hiện và ban ngay cho ngay tài, lộc, mà đó là tìm kiếm sự chở che của Mẫu để thỏa mãn được phần nào lời cần khẩn của mình. Chính mối quan hệ giữa cái hiện hữu trong một không gian tâm linh và cái không hiện hữu mang tính thiêng, cũng như yếu tố thỏa mãn được phần nào lợi ích của con người đã hình thành nên những biểu tượng hay hệ thống những biểu tượng mang tính năng và quyền năng riêng biệt, hay lúc này tính thiêng đã phát triển ở mức độ cao. Ví dụ như cầu xin sự bình an thì đến Chùa, cầu xin tài lộc thì đến Phủ… Hay ở mỗi nơi thờ tự cũng có những vị thần linh có những quyền năng riêng. Đến với tính thiêng, con người không quan tâm đến phạm trù đúng, sai mà dường như chịu sự chi phối một chiều, với rất nhiều nghi lễ, quy định, cấm kị và những điều này rất cần đến niềm tin hay nói cách khác khi không có niềm tin thì tính thiêng rất khó có thể tồn tại.
2. Yếu tố thiêng trong lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy
Người dân chỉ cầu xin khi “tin” rằng điều đó sẽ đến và trong lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ, Phủ Dầy, mọi người không phân biệt thân sơ, sang hèn đều có thể được nhận lộc Mẫu. Và họ tin rằng những “lộc” này sẽ đem lại may mắn. Lộc Mẫu không chỉ có tiền mà gồm rất nhiều thứ, từ nén nhang cháy dở, đến điếu thuốc, lá trầu, quả cau, bánh trái... Đối với những người làm ăn buôn bán thì lộc Mẫu nhận được trong lễ hội ở Phủ Dầy có ý nghĩa quan trọng, to lớn về mặt tinh thần giúp họ ăn nên làm ra, may mắn, phát tài trong buôn bán. Trong những người tham dự lễ hội, nhiều người không tiếc tiền để đi lễ Mẫu. Họ tin rằng sẽ được Mẫu phù hộ hay tính thiêng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ được biểu hiện dưới dạng “quyền năng”. Điều này phần nào phản ánh trái ngược với niềm tin trong cuộc sống. Chính bởi không có niềm tin nên nhiều giá trị trong cuộc sống bị đảo lộn, triệt tiêu nhiều lợi ích, con người trở nên nghi ngờ lẫn nhau trong cả công việc, cuộc sống, dẫn đến những hệ quả tai hại. Ví như trong bối cảnh xã hội hiện nay, người nông dân không tin người tiêu dùng có thể trả họ 30.000 đồng/mớ rau muống để họ trồng rau sạch, nên họ chỉ tìm mọi cách để trồng rau bán với giá thấp, kể cả phun thuốc độc hại. Chủ doanh nghiệp không tin nhân viên đơn vị của mình trong từng đấy thời gian có thể làm ra giá trị thặng dư (dù là trực tiếp hay gián tiếp) cao hơn 10 triệu/tháng nên họ chỉ trả lương 2-3 triệu mà thôi và người lao động cũng không tin mình làm chăm chỉ sẽ được trả công xứng đáng...
Như đã phân tích, người dân đến lễ hội cầu xin các thánh Mẫu, chư vị thần linh không phải vì lợi ích trước mắt mà có niềm tin rằng các Ngài sẽ phù hộ giúp mình khỏe mạnh, ăn nên làm ra. Chính niềm tin từ việc cầu xin này giúp họ vượt qua những gian truân của cuộc sống và khi họ thành công thì họ càng tin vào “tính thiêng” từ việc cầu xin đem lại. Những yếu tố như vậy đã dẫn một bộ phận không nhỏ người dân tìm kiếm sự giúp đỡ của các Mẫu trong hệ thờ Tứ phủ. Đối tượng tìm đến sự giúp đỡ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương đối rộng. Đến đây, họ không chỉ tìm được sự thanh thản như khi đến chùa hay sự cứu rỗi khi đi nhà thờ, mà còn cầu được nhiều thứ thiết yếu hơn, đáp ứng các đòi hỏi, nhu cầu tồn tại trước mắt cũng như lâu dài. Người đau yếu có nhu cầu xin sức khỏe, mong khỏi bệnh; người bệnh nặng, không có khả năng chữa trị bằng con đường chính thức, do không đủ điều kiện kinh tế, đến cầu xin được cứu thoát; người tiểu thương mong muốn buôn bán phát đạt; sinh viên, học sinh có nhu cầu học hành thuận tiện, vượt qua các môn thi; người có nhu cầu thăng quan, tiến chức, bổng lộc; người dân lao động với mức thu nhập thấp đến cầu xin lộc để có thể thoát khỏi sự tăng giá như vũ bão, để tồn tại hay người giàu có đến xin lộc để tậu nhà, tậu xe mới… Đến với Mẫu Tứ phủ, trong họ đều có một niềm tin mãnh liệt rằng điều họ cầu xin sẽ được toại nguyện.
Tính thiêng trong lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ, Phủ Dầy còn được thể hiện ở lòng thành kính, biết ơn đối với thế hệ những bậc tiền nhân. Các vị thần linh trong Phủ Dầy hầu hết đã được lịch sử hóa hay đều là những hóa thân từ những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, như Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ - Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi (hay Nguyễn Xí) - Ông Hoàng Mười, trạng nguyên Phùng Khắc Khoan - Ông Hoàng Bơ, Lê Chân - Thánh Mẫu Bát Nàn… Ngoài việc thiêng hóa một số nhận vật huyền thoại, lịch sử thì đây chính là ý thức “hướng về cội nguồn”,“uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh những người có công với dân, với nước. Đứng dưới góc độ nghiên cứu thì nhiều thần linh trong tín ngưỡng Tứ phủ chỉ là một nhân vật huyền thoại song ở đó vẫn mang tính chất hiện thực khi phản ánh một thời kỳ lịch sử văn hóa của dân tộc. Ở đây, người ta tin rằng nếu không thành kính với những bậc tiền nhân có công tích thì sẽ bị báo ứng và những minh chứng về việc báng bổ thần thánh bị trừng phạt trong cộng đồng càng làm thiêng hóa những niềm tin như vậy. Lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ, Phủ Dầy, còn mang tính thiêng liêng khi phản ánh tình cảm, sự ngưỡng mộ về những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là vai trò của người Mẹ với ý nghĩa như một biểu tượng cần được đề cao và luôn ghi nhớ:
Một lòng thờ Mẹ, kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Trong quan niệm của tín ngưỡng này, nếu con người xúc phạm đến Mẫu thì sẽ phải chịu sự trừng phạt của Mẫu. Đó là những tai họa bất ngờ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình và cộng đồng (3). Chính từ quan niệm ngầm định ấy, tín ngưỡng này có khả năng khởi phát mối thiện tâm, khơi dậy tính lương thiện và bản chất chân thành của mỗi con người trong các mối quan hệ xã hội. Có thể nói, giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là cái tâm hướng thiện, bởi mỗi người mẹ đều dạy con sống hướng thiện. Người đến thờ Mẫu tâm phải sáng (1). Trong cuộc sống họ phải thể hiện là người biết ăn ở, biết đối nhân xử thế, thành tâm thờ phụng ông bà tổ tiên, cao hơn là biết ơn những người có công với dân, với nước.
Có thể nói, trong mỗi tín ngưỡng, tôn giáo thì đều có tính thiêng và điều này được biểu hiện ở nhiều dạng thức khác nhau. Tuy nhiên, tính thiêng chỉ thực sự là giá trị khi hướng đến lợi ích cộng đồng và mang giá trị nhân văn. Trong lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy, tính thiêng được xem như sợi dây vô hình gắn kết cộng đồng, biểu hiện sự hòa thuận của con người với thiên nhiên, nuôi dưỡng niềm tin về đời sống văn hóa tâm linh mà mình tham dự và đó cũng chính là những tiêu chí hàng đầu mà lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ, Phủ Dầy hướng đến.

                                   TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Nguyễn Thị Diệp, Bàn thêm về tín ngưỡng thờ Mẫu, http://dantri.com.vn/dien-dan/ban-them-ve-tin-nguong-tho-mau-1369899752
  2. Hồ Đức Thọ (2006), Mẫu Liễu sử thi, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội
  3. Nguyễn Hữu Thụ, Về thái độ ứng xử của người việt với tự nhiên trong tín ngưỡng thờ mẫu, http://mantico.hatvan.vn/dan-gian-viet-nam/ve-thai-do-ung-xu-cua-nguoi-viet-voi-tu-nhien-trong-tin-nguong-tho-mau
  4. Nguyễn Quốc Tuấn (2004), “Mẫu Liễu Hạnh qua góc nhìn tôn giáo học”, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo, số 6
  5. Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (1996), Về tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
____________________________
[*]  ThS.  Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương

http://spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=291&articleid=5192





Ảnh hưởng của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng


01/11/2016 10:14 SA.   195 lượt xem
Nguyễn Duy Hùng [*]



 Những ảnh hưởng của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy đối với cộng đồng khác nhau tùy theo mục đích hướng đến của mỗi thành viên. Sự ảnh hưởng này đến từ nhiều yếu tố như lịch sử, tôn giáo - tín ngưỡng, kinh tế cũng như đến từ chính sự tham gia, tác động của cộng đồng. Cho đến nay, những giá trị của lễ hội này như giáo dục văn hóa truyền thống, củng cố niềm tin, cố kết tình cảm cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của cộng đồng… vẫn có những ý nghĩa trong đời sống văn hóa cộng đồng.

      Lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy diễn ra trong một quần thể di tích có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Về thời gian tổ chức lễ hội: Lễ hội phủ Dầy được diễn ra vào 3 tháng của mùa Xuân hàng năm, từ tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch, bắt đầu từ hội chợ Viềng (8.1 âm lịch). Tuy nhiên, tâm điểm của lễ hội phủ Dầy diễn ra từ ngày mùng Một đến ngày mùng Chín tháng 3 (âm lịch).

1.    Ảnh hưởng của Lễ hội Phủ Dầy đối với mỗi nhóm cộng đồng
      Lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa xã hội của cộng đồng địa phương theo những phương diện sau:
      Một là, điều có thể nhận thấy rõ nét nhất chính là việc một nhóm người dân địa phương cung cấp những dịch vụ cho khách thập phương đến với lễ hội và điều này làm dịch chuyển kinh tế nông thôn, làm thay đổi nhịp sống của một làng quê thuần nông nghiệp chuyển dần sang làm công việc kinh doanh dịch vụ tâm linh. Nguồn thu nhập chính cho phần lớn những hộ dân sinh sống trên địa bàn xã Kim Thái không còn từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đối với cộng đồng cư dân địa phương, lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy đã chuyển dần từ một hoạt động tín ngưỡng gắn liền với đời sống cổ truyền của làng xã, đặc biệt gắn với chu kỳ sản xuất nông nghiệp, sang một dạng thức khác, đó là hoạt động tâm linh gắn liền với phát triển dịch vụ liên quan đến nhu cầu của du khách xa gần.
Hai là, những giá trị của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy giúp cộng đồng địa phương trong việc hướng thiện, cố kết cộng đồng theo những giá trị được xác lập thông qua tín ngưỡng Tứ phủ như giáo dục văn hóa truyền thống, củng cố niềm tin tới các thánh thần, định hướng tâm linh và cố kết tình cảm cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí thông qua những hoạt động văn hóa nghệ thuật trong lễ hội.
Ba là, những tác động của lễ hội Phủ Dầy tới nhóm du khách thập phương chủ yếu hướng đến việc cầu bình an cho bản thân và gia đình, cầu công danh, cầu tài lộc và cầu để tai qua nạn khỏi, thoát được bệnh tật. Theo khảo sát bước đầu thì có đến 82% người được hỏi cho biết việc đi dự lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy giúp họ thanh thản, vững tin hơn trong cả một năm với nhiều lo toan, bận rộn trong cuộc sống.
2. Một số yếu tố tác động đến những ảnh hưởng của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy
Thứ nhất, yếu tố lịch sử
Yếu tố lịch sử đã có tác động mạnh mẽ tới các hoạt động tâm linh nói chung và lễ hội nói riêng bởi yếu tố này quyết định đến sự ra đời, định hình, phát triển, biến đổi của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng hay lễ hội. Trước hết, lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy chịu sự tác động của lịch sử Đạo Mẫu ở Việt Nam khi bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ nữ thần của cư dân người Việt. Với hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ đạo, nền văn hóa của người Việt được hình thành từ những hoạt động như trồng trọt, thu hoạch, cất giữ, chế biến thành thực phẩm từ sản phẩm của lúa nước, đảm bảo sự thặng dư thực phẩm phục vụ cho một xã hội quần cư đông đúc. Trong đó, người phụ nữ tham gia vào hầu hết các khâu trong chuỗi hoạt động đó nên họ luôn nhận được sự tôn trọng của gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, Đạo Mẫu còn như là sự tiếp nối của những quan niệm sơ khai trên vùng đất này khi cho rằng Mẹ/Mẫu (cây, đất, nước và trời) sinh ra muôn loài trong tự nhiên. Và để tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển có hệ thống với điện thờ, chủ thờ, nhân sinh quan, vũ trụ quan, tín đồ cụ thể thì phải đến thế kỷ XVI, với sự xuất hiện của thánh Mẫu Liễu Hạnh, một nhân vật có nhiều phần thật kết hợp với yếu tố hư ảo. Với vị Thần chủ này, Đạo Mẫu vốn là một tín ngưỡng gần với thiên nhiên, trời đất, thì nay gắn liền với những khát vọng của con người, thân phận của con người, nhất là người phụ nữ trong đời sống hàng ngày: tài lộc, chữa bệnh, ban phúc, giáng họa. Đồng thời, Đạo Mẫu cũng khéo léo kết hợp với việc phụng thờ một số nhân vật trong lịch sử như Âu Cơ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Xí, Phùng Khắc Khoan, Lê Chân… để tạo nên một hệ thống điện thần tương đối đầy đủ, giúp cho nghi thức lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Giầy cũng theo đó mà dần hoàn thiện, bài bản hơn. 
Tiếp đến, yếu tố lịch sử cũng tác động tới các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội nói chung và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy nói riêng, đó chính là quan niệm của thời đại, của người dân sống trong thời đại đó. Việc phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thông qua lễ hội Tứ phủ và nghi thức hầu đồng, con người không chỉ thỏa mãn nhu cầu niềm tin tâm linh, mà còn nhận được sự che chở ban phúc của thần linh, giúp họ ổn định về tâm lý, sức khỏe tốt mà làm ra của cải vật chất, hướng đến cuộc sống no đủ thịnh vượng, có tâm thế tốt để ứng xử với những biến động của thời đại. Nói cách khác, yếu tố lịch sử tác động đến lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy chính là sự tổng hợp, hội tụ và kết tinh những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhiều thời đại. Lễ hội hiện nay là sự tổng hòa, hội tụ những giá trị văn hóa tinh hoa của các thời đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thứ hai,  yếu tố tôn giáo - tín ngưỡng

Yếu tố dung hòa cùng tồn tại là một đặc điểm khá tiêu biểu trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt nói chung và trong đạo Mẫu nói riêng. Điều này tạo nên sự khoan dung trong đời sống tinh thần của người dân, không quá phân biệt hệ tín ngưỡng mà ai đó theo đuổi. Một trong những nguyên nhân của điều này được lý giải bởi tác động của tín ngưỡng dân gian, hay chính tín ngưỡng đã buộc các tôn giáo phải bản địa hóa, hòa nhập với tín ngưỡng để tồn tại và phát triển trong đời sống cộng đồng Việt. Trong lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy thì nổi bật lên là sự tác động của đạo Phật và đạo Lão. Ngay trong lễ hội Tứ phủ ở Phủ Dầy chúng ta còn thấy có nghi thức rước kiệu thánh Mẫu từ phủ chính lên chùa Gôi vào ngày đầu tiên khi tiến hành lễ rước như để tưởng nhớ đến đức Phật tiếp dẫn chúa Liễu đến với nhà Phật.
Bên cạnh sự tác động của đạo Phật, đạo Mẫu và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy còn chịu sự tác động của Đạo giáo rõ nét. Những tích truyện mang đậm chất thần tiên về Mẫu Liễu Hạnh là minh chứng cho quá trình hỗn dung giữa đạo Mẫu và Đạo giáo. Bản thân sự phân ngôi thứ trong điện thờ của đạo Mẫu cũng thể hiện rõ điều này.
Ngoài ra, các tín ngưỡng dân gian truyền thống cũng là một trong những nhân tố quan trọng tác động đến đạo Mẫu và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy, với các bước tiến hành lễ hội của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy không khác so với lễ hội dân gian khác. Hay nói theo cách khác, chính các nghi thức, trình tự của lễ hội dân gian đã ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy. Các loại hình tín ngưỡng dân gian như: cầu mùa, thờ cúng tổ tiên, thành hoàng làng, thờ các hiện tượng tự nhiên… đã tác động đến nội dung của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy.  

Thứ ba, yếu tố kinh tế

Cho đến những năm gần đây, lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy đã được tổ chức bài bản, chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu một lượng khách lớn hành hương. Các khâu tổ chức lễ hội đã được khớp nối thành công, ban quản lý được phân công nhiệm vụ cụ thể và vận hành hiệu quả. Chính vì vậy hàng năm sau mỗi mùa lễ hội, Phủ Dầy thu về hàng chục tỉ đồng từ tiền khách thập phương công đức, hoặc các ông đồng bà đồng đóng góp sau những giá hầu Thánh.
Nhờ có nguồn thu ổn định và lớn sau mỗi mùa lễ hội và các hoạt động khác trong năm, Phủ Dầy lại cho tiếp tục tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng như nâng cấp một số công trình kiến trúc chính và các hạng mục công trình phụ trợ khác cũng được quan tâm đầu tư. Hiện nay, quần thể kiến trúc của Phủ Dầy đã trở nên khang trang, đáp ứng cả về không gian hành lễ lẫn phục vụ nhu cầu tham quan. Điều này tạo nên sự tác động hai chiều giữa yếu tố kinh tế với yếu tố tín ngưỡng ở Phủ Dầy. Các nguồn thu từ việc công đức hoặc xã hội hóa thông qua các hoạt động tín ngưỡng trong và sau lễ hội lại tiếp tục tái đầu tư và đóng góp vào ngân sách cho chính quyền địa phương. Đây là những tác động của tác nhân kinh tế tới các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội nói chung và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ nói riêng.

Thứ tư, sự tham gia của cộng đồng

Sự tham gia của cộng đồng là một trong những yếu tố quan trọng, có sức ảnh hưởng trực tiếp đến lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy. Tùy vào mục đích mà mỗi nhóm cộng đồng tham gia vào lễ hội cũng khác nhau, đó là:
Nhóm cộng đồng cư dân địa phương trực tiếp tham gia vào công việc quản lý và vận hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Giầy. Họ là những cá nhân trực tiếp tham gia vào các hoạt động quản lý, thực hành nghi lễ và tổ chức các nghi thức tín ngưỡng, lễ hội, như: Ban quản lý di tích, các thủ nhang đồng đền, đội ngũ phục vụ hậu cần, bảo vệ… Trong nhóm này, những thủ nhang, đồng đền (những người trực tiếp quản lý từng ngôi đề trong quần thể di tích Phủ Dầy) và những cá nhân làm công tác phục vụ… có ảnh hưởng rất lớn đến các sinh hoạt của đạo Mẫu, là những cá nhân đóng vai trò trực tiếp điều hành và tổ chức các sinh hoạt/hoạt động cụ thể của toàn bộ nghi lễ cũng như lễ hội tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy. Không những thế, họ cũng là người nắm nguồn thu kinh phí do khách thập phương công đức, trực tiếp chi trả, trang trải những khâu vận hành liên quan đến ngôi đền và tổ chức xây dựng, tu sửa ngôi đền. Đồng thời, họ cũng là người đứng ra cùng với Ban quản lý di tích, chính quyền sở tại tổ chức lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy, cũng như phát động, khuyến khích người dân trong vùng tham gia vào công việc này.
Nhóm cộng đồng cư dân địa phương tham gia gián tiếp vào các tổ chức hoạt động của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy. Đó là những người dân địa phương tham gia vào các khâu dịch vụ xung quanh ngôi đền, phục vụ cung cấp và đáp ứng những đồ lễ hay hàng hóa cần thiết cho nhu cầu của khách thập phương tới hành lễ. Bên cạnh đó là những người dân địa phương tham gia trực tiếp các nghi thức rước kiệu hay kéo chữ cũng như các hoạt động khác trong những ngày chính của lễ hội. Nhóm cộng đồng dân cư này là nhân tố quan trọng tác động đến lễ hội. Chính họ là những cá nhân làm lễ hội có sức sống và duy trì nó trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử. Người dân địa phương chính là đối tượng chủ thể/chủ nhân của các lễ hội dân gian truyền thống nói chung và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy nói riêng. Họ là người bảo lưu những giá trị của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Có thể nói, nếu không có sự tham gia đóng góp công sức của nhóm cộng đồng này, lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy khó lòng mà phục dựng được sau nhiều năm gián đoạn.
   Nhóm cộng đồng tín đồ, du khách thập phương cũng có vai trò quyết định đến quy mô của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy. Việc khách thập phương đến với lễ hội, tham quan làm lễ… đã làm cho bản thân đạo Mẫu và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy có vai trò nhất định đối với đời sống cộng đồng xã hội. Sự tham dự của đông đảo khách thập phương đã làm nên không khí sôi động trong những ngày chính lễ, mà còn kéo dài trong cả ba tháng mùa Xuân. Chính sự đông đúc của khách thập phương lại càng tăng thêm sự thiêng liêng, uy tín của đạo Mẫu và lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy. Không những thế, khách thập phương đến lễ đông, chính là tạo ra nguồn thu tài chính quan trọng từ việc công đức. Từ việc công đức này, bản thân khách thập phương đem lại cho bản thân gia đình mình sự ổn định về tâm lý, vững tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Các nhóm cộng đồng cư dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, vừa tái đầu tư cơ sở hạ tầng, kiến trúc… vừa tạo thu nhập cho gia đình, làm giàu cho địa phương.
   Như vậy, có thể xem lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy tạo nên những giá trị và tác động không nhỏ đối với đời sống văn hóa của cộng đồng. Những giá trị của loại hình sinh hoạt tâm linh này được nhìn nhận theo những phương diện khác nhau tùy theo mục đích của mỗi cộng đồng. Mỗi giá trị đóng một chức năng, vai trò khác nhau đối với đời sống văn hóa cộng đồng cư dân. Nhưng tựu chung lại, các giá trị của lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ ở Phủ Dầy đã được tạo nên từ những nhu cầu, mong muốn, nhận thức của cộng đồng cư dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc với sự che chở, đỡ đầu về tinh thần của các vị thần linh trong đạo Mẫu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Vũ Dũng (2001), “Sự thoả mãn nhu cầu tinh thần qua hình thức sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng”, Tạp chí Tâm lý học, (số 8).
2.    Nguyễn Duy Hinh (2002), “Bàn về khái niệm phàm và thiêng”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, (3).
3.    Trịnh Quang Khanh (2001), “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức loài người nói chung, người Việt Nam nói riêng và lễ hội Phủ Dầy”, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa dân gian, (số 4).
4.    Ngô Đức Thịnh (1996), Đạo Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
___________________________
[*]  ThS.  Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

http://spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=291&articleid=5531











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.