Ông Chu Hữu Quang (trái) tại nhà riêng ở Bắc Kinh hồi năm 2015. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Chu Hữu Quang, một nhà ngôn ngữ học được coi là cha đẻ của phiên âm chữ Hán, đã qua đời hôm 14/1, hưởng thọ 111 tuổi.

Theo CCTV, ông Chu Hữu Thanh sinh năm 1906 trong triều đại của vị hoàng đế cuối cùng ở Trung Quốc. Ông Chu qua đời tại nhà riêng ở Bắc Kinh một ngày sau khi kỷ niệm sinh nhật của mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông du học Nhật Bản. Năm 1935, ông Chu trở về Thượng Hải, giảng dạy tại Đại học Quang Hoa và làm thêm tại Ngân hàng Thượng Hải.

Trong 10 năm sau đó, ông làm việc tại nước ngoài trong các lĩnh vực kinh tế tài chính.

Năm 1949, ông trở về Trung Quốc, giảng dạy tại Đại học Phúc Đán và nghiên cứu hệ thống phiên âm chữ Hán.

Được thông qua vào năm 1958, phiên âm tiếng Hán gần như trở thành bộ tiêu chuẩn toàn cầu do sự đơn giản và tính thống nhất của nó và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xóa nạn mù chữ của Trung Quốc.

Trong thời đại của máy tính và điện thoại thông minh, phiên âm đã trở thành công cụ hữu dụng hơn bao giờ hết./.