Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/07/2016

Dân IT Đại Việt luận giải về cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc vừa rồi

Sưu tập về từ các nguồn khác nhau, chọn các ý kiến của người trong làng IT Đại Việt.

Sưu tập chính những bài từ góc độ kĩ thuật, và bổ sung những bài với góc nhìn liên quan.


---

4.

3.


Đừng ru ngủ đám đông bằng tinh thần dân tộc viển vông

   Đoàn kết là để chiến thắng, còn sợ hãi thì chỉ khiến người ta co cụm nép vào nhau. Đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm và cũng đừng ru ngủ đám đông bằng “tinh thần dân tộc” viển vông

Sau sự cố thông tin vừa qua tại hai sân bay lớn của cả nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, một người quen của người viết bài này có mặt tại sân bay Nội Bài vào thời điểm đó thuật lại họ đã rất “lo lắng và không biết phải làm gì” khi không có bất kỳ một thông báo chính thức nào ngay tức thì về sự an toàn cho các chuyến bay sắp tới.
Không còn là thuyết âm mưu nữa khi các tin tặc có thể xâm nhập thành công hệ thống thông tin ở sân bay thì cũng có đủ sức làm như vậy với hệ thống đảm bảo an toàn bay, điều đã xảy ra trước đó. Mọi kết luận để an lòng người đi máy bay vẫn chưa được đưa ra sau một ngày xảy ra sự cố, dù Bộ Công an cho biết đã vào cuộc.
Một bài viết xuất hiện trên tờ báo mạng Vnexpress với tiêu đề: “Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công” đã ca ngợi thái độ trật tự của đám đông hành khách đi máy bay khi sự vụ tấn công mạng xảy ra. Bài viết có vẻ tìm được sự đồng cảm của rất nhiều người khi nhiều tài khoản facebook chia sẻ lại với những câu chữ bày tỏ xúc động. Tinh thần dân tộc dường như là “xương sống” cho sự đồng cảm này.
Không hiểu vì lẽ gì mà nhiều người lại đánh đồng giữa sự đoàn kết của tập thể và sự co cụm của đám đông. Đoàn kết vốn là một từ thường dùng cho hành động cùng nhau phấn đấu vươn lên, cùng chiến thắng. Còn theo lời tường thuật của một nhà báo có mặt tại sân bay thì đám đông khi đó đã trật tự vì “ngơ ngác” và “không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Đó là thái độ rất dễ thấy để bảo vệ nhau khi đứng trước một cuộc tấn công. Dù cho dùng mỹ từ nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận rằng cuộc tấn công của những tin tặc, đến từ Trung Quốc, đã đánh vào những lỗ hổng trong bảo mật thông tin một cách thành công để truyền đi các thông điệp của mình. Và, đây không phải là lần đầu tiên những cuộc tấn công như vậy xảy ra, thậm chí đài không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bị chiếm sóng đến 18 phút vào ngày 16.6.
Cũng không hiểu từ bao giờ sự trật tự, xếp hàng nghiêm túc và giúp đỡ lẫn nhau trong một cộng đồng lại được tôn lên như những điều vĩ đại để rồi tác giả bài viết trên khẳng định: “… thật bất hạnh cho những ai lăm le tấn công dân tộc này”. Có lạc quan quá không khi những điều bình thường nhất như xếp hàng hay trật tự lại có thể trở thành vũ khí tinh thần để đối đầu một cuộc tấn công trên không gian ảo nhưng kết quả không hề ảo chút nào!


Đứng trước những biến cố như vậy, nên chọn thái độ xoa dịu, an ủi đám đông bằng cái lý lẽ “nhờ có cuộc tấn công nên người dân mới đoàn kết lại” hay cần phải cật vấn trách nhiệm đối với những người hoặc lực lượng được xã hội giao cho sức mạnh để bảo vệ cộng đồng?
Một người có suy nghĩ rạch ròi và tỉnh táo hẳn phải chọn vế sau. Cho dù, nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa làm gì được cho đất nước ngoài việc phải đóng rất nhiều khoản thuế cao hơn ở các nước khác, nhưng tất cả chúng ta đều có quyền yêu cầu các lực lượng có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa công việc của mình trong việc sử dụng đồng thuế của dân.
Cũng xin thôi cách nói khó hiểu “Hàng không Việt Nam chủ động đánh sập hệ thống điều hành liên quan đến an toàn bay để không bị hacker tấn công” như báo Người Lao Động đã dẫn. Có ai giao tính mạng mình và gia đình mình cho một hãng bay mà đến an toàn thông tin cũng không bảo vệ được rồi lại đi chống chế như vậy.
Đoàn kết là để chiến thắng, còn sợ hãi thì chỉ khiến người ta co cụm nép vào nhau. Đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm và cũng đừng ru ngủ đám đông bằng tinh thần dân tộc viển vông.

Trung Bảo

http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/dung-ru-ngu-dam-dong-bang-tinh-than-dan-toc-vien-vong-39178.html
















Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công

Hoàng Minh Trí

30-7-2016
Tôi vừa trở về sân bay Nội Bài sau một chuyến bay dài từ TP HCM. Chuyến bay dài hơn thường lệ, bởi một cuộc tấn công điện tử thực hiện vào hạ tầng hàng không Việt Nam, một cuộc tấn công chưa từng có.
Chúng tôi ra sân bay từ 17h. Giao thông trước sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng. Bước vào sân bay, đông nghẹt người vì nhiều chuyến ùn tắc.
Không còn thông báo điện tử, tất cả đều phải thông báo bằng giấy in. Tôi đứng xếp hàng trong hàng người bất tận, đến tận gần 19h mới đến quầy làm thủ tục, dù theo lịch là 19h đã bay. Hệ thống máy tính không hoạt động, thủ tục làm bằng tay. Thứ tự các chuyến bay và cổng ra tàu bay thay đổi liên tục và chỉ được thông báo qua loa phóng thanh. Bởi ngay cả hệ thống loa sân bay cũng đã bị tấn công.
Và trong khung cảnh tưởng như sẽ vô cùng hỗn loạn ấy, lại là một sự trật tự đáng ngạc nhiên. Gần như không ai phàn nàn. Tất cả mọi người đều xếp hàng trật tự. Không thấy sự vội vàng chen lấn như ngày thường. Mọi người nhường nhịn và thông cảm cho nhau lẫn cho hãng hàng không.
Khi tôi bước vào phòng chờ, không còn một chỗ ngồi. Hành khách ngồi la liệt dưới đất, trong một khung cảnh tôi chưa từng chứng kiến ở đâu trên thế giới. Trong phòng lounge cũng không còn chỗ ngồi. Nhưng sự thông cảm và chia sẻ được duy trì đến tận phút cuối.
Trong phòng lounge dành cho thương gia, ngày thường, sự riêng tư vô cùng được tôn trọng. Nhưng hôm qua, mọi người chia sẻ cho nhau từng chiếc ghế. Ngày thường, khách thương gia là những người vội vàng nhất, khó tính nhất. Nhưng hôm qua, tôi chứng kiến những vị khách nhẹ nhàng nói chuyện với tiếp viên, nhờ nhắc giờ lên máy bay, còn cẩn thận dặn lại sợ tiếp viên sốt ruột: “Chị chỉ nhờ vậy thôi, không giục đâu”.
Không có sự cáu gắt hay giục giã, mọi người ngồi trò chuyện với nhau, chia sẻ tin tức. Tất cả đều biết rằng mình đang là nạn nhân của một cuộc tấn công. Một cuộc tấn công không báo trước. Và không ai bảo ai, tất cả quyết định rằng họ sẽ cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau dù chỉ bằng sự im lặng.
Đây là lần thứ 2 tôi chứng kiến một khung cảnh mà tưởng như sẽ có hỗn loạn, cuối cùng lại chỉ thấy sự đoàn kết và sẻ chia.
Tháng 10 năm 2010, tôi vào Minh Hóa, Quảng Bình để đưa hàng cứu trợ cho một xã chịu thiệt hại nặng nề nhất sau lũ. Ngập cả xã, ngập qua cả cột điện, xã gần như bị cô lập. Khi chiếc xe đến, mọi người ùa ra chờ nhận gạo và thuốc lọc nước. Mọi người đã vô cùng mệt mỏi vì bão lũ rồi, và tôi ở trên xe, thấp thỏm lo sợ về một sự hỗn loạn. Nhưng không, mọi người xếp hàng ngay ngắn, đẩy những đứa trẻ lên trước. Những gói quà được trao lần lượt. Cho đến khi hết hàng, vẫn còn nhiều người đứng chờ nhưng chưa được nhận. Không một ai phàn nàn. Mọi người vui vẻ, tự an ủi, rồi ra về.
Hàng ngày, chúng ta phải nghe rất nhiều lời phàn nàn về ý thức của người Việt. Sân bay, bến tàu sẽ là nơi dễ nhìn thấy những câu chuyện như thế nhất. Nào là chen lấn khi xếp hàng, nào là tranh cãi quanh thái độ phục vụ, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách ứng xử, chỗ nào cũng thấy “người Việt xấu xí”. Ngày thường, một chuyến bay delay, một thông báo không chính xác, sẽ nhận không biết bao nhiêu nhiếc móc to tiếng.
Nhưng hôm qua, trước một cuộc tấn công, tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của một dân tộc đoàn kết. Một hành vi phá hoại, vốn chủ đích tạo ra sự hỗn loạn, lại đẩy mọi người xích gần lại với nhau. Chính hành vi của những kẻ tấn công khiến cho người Việt bộc lộ những đức tính tốt đẹp của mình: sự đoàn kết; sự sẻ chia.
Và tôi tin rằng những điều tôi đã chứng kiến ở Tân Sơn Nhất hôm qua không phải là cá biệt, bởi tôi đã nhìn thấy tinh thần ấy hơn một lần. Tôi biết, chứ không phải tin, rằng tinh thần dân tộc của chúng ta chưa bao giờ phai nhạt.
Những kẻ tấn công chiều qua đã tắt đi được những màn hình điện tử vô tri ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng vô tình, lại bật lên ý chí đoàn kết của những con người Việt Nam. Đó là một cuộc tấn công thất bại.
Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này.
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dieu-ky-dieu-sau-cuoc-tan-cong-3443928.html




2.


Thứ bảy, 30/7/2016 | 00:29 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|
Với số lượng đông đảo, các nhóm hacker Trung Quốc đã khiến nhiều nơi trên thế giới e dè và cảnh giác vì hậu quả chúng gây ra. 

1937cn
Đây là nhóm hacker nổi tiếng nhất và nguy hiểm nhất của Trung Quốc hiện tại, theo thống kê của hack-cn.com, trang thống kê và xếp hạng tin tặc của Trung Quốc. 1937cn đã thực hiện tổng cộng hơn 40.000 cuộc tấn công kể từ khi hình thành và Vietnam Airlines là nạn nhân mới nhất của chúng.
nhung-nhom-hacker-khet-tieng-tai-trung-quoc
Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia Việt Nam không phải là mục tiêu duy nhất mà 1937cn hướng tới. Trong quá khứ, có tới hơn 1.000 trang web Việt khác bị nhóm này hỏi thăm, điển hình là Thegioididong.com.vn và Facebook.com.vn vào tháng 8/2013. Không chỉ nhằm vào doanh nghiệp, chúng còn tấn công cả các trang web giáo dục (tên miền .edu) hay chính phủ (tên miền .gov)… Ở mỗi nơi đi qua, 1937cn luôn thay đổi giao diện và để lại những lời lẽ đầy tính khiêu khích.
Không chỉ Việt Nam, rất nhiều nơi tại châu Á bị 1937cn tấn công và cài phần mềm gián điệp nhằm thu thập thông tin, trong đó có cả các thông tin liên quan đến chính trị, thậm chí là bí mật quân sự. Tuy nhiên, do nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, các nạn nhân không thể làm được gì.
Riêng trang 1937cn.net (trang web chính thức của nhóm 1937cn) cũng là nơi tập hợp các cách thức tấn công mạng, đồng thời tồn tại nhiều thành viên quá khích, thường xuyên kích động các hacker tấn công mục tiêu mà chúng cảm thấy không thích, trong đó có Việt Nam hay Philippines.
61398
nhung-nhom-hacker-khet-tieng-tai-trung-quoc-1
Đây được xem là "quân đoàn hacker bí ẩn" nằm dưới quyền điều hành và giám sát của quân đội Trung Quốc, được hãng bảo mật Mandiant (Mỹ) theo dõi từ đầu năm 2012. Nhóm hacker này đã hoạt động từ cách đây 10 năm, tức 2006.
Theo các tài liệu công bố bởi Mandiant, thông tin về 61398 rất bí ẩn, không hề tồn tại trong các tài liệu của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, đơn vị này quy tụ hàng nghìn chuyên gia máy tính, bảo mật và an ninh mạng khắp cả nước. Địa điểm đóng quân của đơn vị này là một tòa nhà cao 12 tầng tại Phố Đông, Thượng Hải, được quản lý và canh gách nghiêm ngặt bởi quân đội Trung Quốc.
Bên trong, tòa nhà được trang bị các công nghệ mạng tân tiến nhất với cáp quang tốc độ cao cùng hơn 1.000 máy chủ để phục vụ cho các hoạt động tấn công và gián điệp mạng bao gồm theo dõi, đánh cắp bí mật công nghệ, bí mật quốc gia.
61398 còn được cho là đã đột nhập thành công vào hơn 20 trang web của các doanh nghiệp nổi tiếng thế giới như Google, Coca-Cola… và lấy đi rất nhiều dữ liệu. Mục tiêu của chúng là các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu… Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận sự tồn tại của đơn vị tin tặc này.
Sky-Eye
nhung-nhom-hacker-khet-tieng-tai-trung-quoc-2
Có rất ít các thông tin liên quan đến nhóm tin tặc này, nhưng theo Security Daily, chúng có mối liên hệ khá mật thiết với 1937cn và kết hợp với nhau để gây ra rất nhiều vụ tấn công tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê năm 2014, đã có gần 100 phi vụ mà Sky-Eye nhằm vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ta, trong đó có cả website chính phủ và các tổ chức giáo dục.
Tương tự 1937cn, Sky-Eye tấn công các trang web theo phương thức DDoS và ở mỗi mục tiêu thành công, chúng đều thay đổi giao diện và để lại những dòng thông tinh đầy khiêu khích.
APT 30
nhung-nhom-hacker-khet-tieng-tai-trung-quoc-3
Theo báo cáo của FireEye - công ty chuyên ngăn chặn các cuộc tấn công mạng của Mỹ - vào giữa năm 2015, APT 30 là một nhóm tin tặc chuyên nghiệp của Trung Quốc. Chúng được đánh giá có trình độ cao, hoạt động kiên trì và rất bài bản. Trong hơn 10 năm, chúng đã thực hiện rất nhiều cuộc tấn công nhằm vào Việt Nam và các nước thuộc khu vực Đông Nam Á cũng như Ấn Độ.
Điểm nguy hiểm nhất của nhóm này là chiến lược bài bản, nhất quán từ đầu đến cuối và phải tấn công thành công mới thôi. Bên cạnh đó, chúng thường xuyên thay đổi các công cụ tấn công và linh hoạt chiến thuật nhằm tránh bị phát hiện. Từ việc phân tích hơn 200 mẫu mã độc được chúng tung ra cho thấy, APT 30 đã phát triển từng loại mã độc riêng cho các mục đích khác nhau, như chính trị, kinh tế, báo chí, ngoại giao… nên rất khó đề phòng.
Mofang
nhung-nhom-hacker-khet-tieng-tai-trung-quoc-4
Được phát hiện vào tháng 11 năm ngoái bởi hãng bảo mật Fox-IT, Mofang cũng là nhóm hacker cực kỳ nguy hiểm. Mặc dù số lượng các cuộc tấn công không cao nhưng quy mô lại rất lớn, và đánh thẳng vào các cơ quan chính phủ, khu quân sự, các cơ sở hạ tầng, trung tâm nghiên cứu và phát triển… và đánh cắp thông tin cho các mục đích riêng, hoặc sửa chữa thông tin theo hướng có lợi cho chúng.
Mofang được cho là có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Các mẫu mã độc sau khi được phân tích cho thấy, một vài dòng mã lệnh (code) trong đó tương tự đoạn mã được dùng bởi các tin tặc từng bị phát hiện được chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, cách hoạt động của chúng có phần khác, khi chủ yếu dựa vào các cuộc tấn công lừa đảo thay vì khai thác lỗ hổng zero-day để xâm nhập vào hệ thống.
Theo thống kê, máy chủ của Bộ Thương Mại Myanmar, một số cơ quan chính phủ Mỹ, hội chợ MSME DEFExpo ở Ấn Độ, CPG Corporation của Singapore (chuyên về đầu tư nước ngoài)… từng là nạn nhân của Mofang.
Xem thêm:
Bảo Lâm




http://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/doi-song-so/bao-mat/nhung-nhom-hacker-khet-tieng-tai-trung-quoc-3444583.html






















1. Hoàng Ngọc Diêu ở Úc cho biết

"
Hôm nay mình nhận rất nhiều những câu hỏi về chuyện phi trường của Việt Nam bị 'hacker TQ' tấn công nhưng đi ngoài đường cả ngày nên không trả lời được.
Xin nói ngay, mình không có trong tay một bằng chứng hoặc một mẫu "tang vật" kỹ thuật nào về sự vụ này cho nên mình không dám có ý kiến cụ thể về vụ việc.
Xét về NGUYÊN TẮC bảo mật, hệ thống giao dịch của một phi trường (không kể đến phần quản lý không lưu) phải có 3 phần tách rời:
1. Internal private: phần này hoàn toàn tách biệt và chỉ có nhân viên của hàng không mới được quyền tiếp cận. Phần này chịu trách nhiệm kiểm soát và hình thành thông tin thông báo các chuyến bay, xử lý đặt vé, sắp xết check-in (qua kiosk hoặc online).
2. External private: đây là phần thông báo các chuyến bay, ngày giờ, địa điểm đi và đến..v.v.. Thông tin này được công bố rộng rãi trên các bảng thông báo tại phi trường và online. Khách chỉ có quyền đọc (hoặc có thêm chức năng tìm kiếm theo số chuyến bay online) và hoàn toàn không có quyền input / thay đổi bất cứ thông tin nào.
3. External public: đây là phần cho phép khách tương tác trong chuyện đặt vé, check-in và các giao dịch trực tiếp liên quan đến vấn đề đi lại ở phi trường. Sự tương tác ở khu vực này phải được kiểm soát chặt chẽ và hoàn toàn tách rời với khu vực 1 ở trên.
Tình trạng hệ thống thông báo tại phi trường ở Việt Nam bị xâm nhập vừa chứng tỏ 2 khả năng:
a. Hệ thống giao dịch của phi trường ở VN không tách rời như trên mà chỉ có một lớp chung và bị xâm nhập ở một điểm nào dó trong lớp chung ấy.
b. Hệ thống giao dịch của phi trường ở VN có tách rời ra như trên nhưng phần "internal private" bi xâm nhập cho nên mới có thể thay đổi thông tin ở vùng "external private".
-----------------------------------
Cách đây vài năm, khi diễn đàn HVAonline còn hoạt động, các anh em có một dịch vụ thiện nguyện được gọi là "site checking". Khi ấy, trong quá trình "checking" cho thấy phần lớn các hệ thống tiếp cận với Internet ở Việt Nam (như web, mail) đều bị lỗi bảo mật lớn nhỏ khác nhau. Phần lớn các software được sử dụng không được cập nhật hoặc thậm chí dùng software lậu (sao chép, không bản quyền, software bị cracked), các hệ thống có cấu hình lỏng lẻo và thiếu sự chăm sóc cần thiết. Không biết vài năm gần đây đã được khắc phục chưa?


Xét về mặt chính trị. Việc làm này chắc chắn sẽ không được chính phủ Trung Quốc chính thức cho phép (endorsed) hoặc thực hiện vì đó là cách chơi bẩn thỉu, không đáng mặt cường quốc.

Nếu Trung Quốc ra mặt tiến hành cyberwarfare (chiến tranh mạng) với Việt Nam thì nên chấp nhận rằng Việt Nam sẽ đi từ chỗ bị thương đến chết. Lý do đơn giản, gần như cơ sở hạ tầng của Việt Nam không chỗ nào mà không có mặt thiết bị của Trung Quốc. Ngay cả hệ thống mạng dân dụng 3G của Viettel cũng do nhà thầu Trung Quốc đã thắng và đã đảm trách việc xây dựng hơn 2000 trạm (chiếm gần một nửa tổng số trạm của Viettel). Bởi vậy, nếu Trung Quốc muốn hạ gục hệ thống mạng của Việt Nam, họ có thể làm một cách dễ dàng là chuyện không đáng để ngạc nhiên. Nếu nhà cầm quyền Trung Quốc thật sự muốn "chơi", có lẽ họ sẽ chơi ở cấp độ khốc liệt chớ chẳng phải những trò ở phi trường gần đây.
Có bạn hỏi, C50 và A68 ở đâu mà để những chuyện "hack phi trường" xảy ra? Xin thưa, C50 và A68 được hình thành là để đối phó với "bọn bất đồng chính kiến" chớ C50 và A68 làm gì có đủ trang bị và kiến thức, ngay cả có muốn, đối mặt với "thiên triều" của họ?

"
https://www.facebook.com/conmale/posts/1183374365018202






0.








Trong khoảng 10 năm qua, Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đã bành trướng từ thị trường nội địa trở thành một thế lực toàn cầu dưới sự hậu thuẫn đắc lực của chính phủ Trung Quốc.

(TNO) Trong khoảng 10 năm qua, Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đã bành trướng từ thị trường nội địa trở thành một thế lực toàn cầu dưới sự hậu thuẫn đắc lực của chính phủ Trung Quốc. Đây là điều không chỉ gây lo sợ cho các đối thủ sừng sỏ trên thương trường mà còn làm nhiều quốc gia quan ngại về những nguy cơ an ninh tiềm ẩn đối với mạng viễn thông toàn cầu.
'Chó sói' Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam - ảnh 1
Huawei bị cáo buộc là "cánh tay nối dài" của chính phủ và quân đội Trung Quốc - Ảnh: AFP
Nhiều cáo buộc cho rằng Huawei (cùng ZTE, một tập đoàn thiết bị viễn thông lớn khác của Trung Quốc) chính là những cánh tay nối tay của chính quyền và quân đội Trung Quốc nhằm theo dõi, đánh cắp thông tin trên toàn thế giới. Các thiết bị của Huawei, ZTE thậm chí còn được cho rằng có thể cho phép Trung Quốc can thiệp thậm chí vô hiệu hóa hệ thống viễn thông, của một quốc gia nào đó trong trường hợp xảy ra xung đột.
Kỳ 1: Khởi nguồn của “chó sói” Huawei
Được thành lập năm 1987, ban đầu là một nhà phân phối tổng đài điện thoại, Huawei giờ đây đã trở thành một công ty sản xuất thiết bị viễn thông toàn diện, đứng thứ hai trên toàn cầu về doanh thu.
Năm 2012 doanh thu của Huawei là khoảng 36 tỉ USD, vượt qua con số 35 tỉ USD của Ericsson, công ty từng là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Do doanh thu từ điện thoại di động (ĐTDĐ), lĩnh vực mà Ericsson đã ngừng hoạt động đang chiếm ¼ doanh thu của Huawei, nên Ericsson vẫn tạm được coi là là nhà cung cấp hạ tầng mạng viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên điều này được dự đoán có thế sẽ sớm thay đổi.
Huawei hiện cung cấp đủ loại sản phẩm và giải pháp từ mạng viễn thông, mạng lõi, các loại tổng đài, thiết bị mạng di động băng thông rộng đến các thiết bị như máy tính bảng, điện thoại di động... Lãnh đạo Huawei từng tuyên bố mục tiêu của Huawei là trở thành số 1 trong cả ba lĩnh vực trong ngành thiết bị viễn thông gồm chuyển mạch, mạng cố định và mạng không dây. Các đối thủ được Huawei xác định gồm hầu hết các công ty sừng sỏ trong lĩnh vực này như Alcatel-Lucent, Cisco, Nokia Siemens, Ericsson và thậm chí là cả “đồng hương” ZTE.
'Chó sói' Huawei và nguy cơ cho an ninh viễn thông Việt Nam - ảnh 2
Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) bị tố cáo là mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia Úc và Mỹ - Ảnh: Reuters
Người sáng lập và hiện là chủ tịch của Huawei là Nhiệm Chính Phi, một cựu quân nhân của quân đội Trung Quốc (PLA). Khác với nhiều lãnh đạo của các tập đoàn và công ty lớn của Trung Quốc, Nhiệm xuất thân không phải là một “thái tử đảng” hay thuộc về một gia đình quyền thế. Nhiệm được cho là từng học tập tại Trường đại học Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh vào khoảng những năm 1960 trước khi phục vụ trong PLA.
Huawei nhiều lần khẳng định công ty này là một doanh nghiệp tư nhân, bản thân Nhiệm chỉ sở hữu trực tiếp 1,42% cổ phần, còn lại thuộc về công nhân viên của Huawei. Tuy vậy chủ nhân thực của Huawei là ai lại là một vấn đề phức tạp mà dư luận không dễ tìm được câu trả lời do những quy chế riêng của Huawei.
Theo quy định hiện tại cổ đông của Huawei được trả cổ tức hằng năm nhưng không được giao dịch cổ phiếu. Mặc dù có hàng nghìn nhân viên quốc tế nhưng Huawei quy định chỉ có công nhân viên Trung Quốc mới được quyền chia và sở hữu cổ phiếu. Số lượng cổ phần của Huawei là bao nhiêu cũng là một con số chưa từng được công bố. Chưa được lên sàn chứng khoán nên giá trị, tài sản thực sự của Huawei hiện tại cũng vẫn là một ẩn số.
Theo một số chuyên gia, cách truyền thông ra ngoài về chuyện Huawei “thuộc sở hữu của công nhân viên” dường như một cách đối phó với nghi vấn về vai trò của chính phủ cũng như quân đội Trung Quốc đối với công ty này.
Thời điểm Trung Quốc bắt đầu mở cửa và cải cách, hạ tầng viễn thông quốc gia của nước này là rất hạn chế. Nhận thức được điều này, chính phủ Trung Quốc đã triển khai chiến lược phát triển viễn thông trên 3 chân kiềng gồm: nhập khẩu thiết bị từ nước ngoài; khuyến khích các liên doanh và thúc đẩy nghiên cứu - phát triển (R&D). Năm 1988 đã có hàng chục nhóm nghiên cứu của Trung Quốc, trong đó có cả các nhóm của PLA tập trung vào việc phát triển các thiết bị tổng đài. Đó là môi trường khi Nhiệm Chính Phi và một vài đồng sự thành lập Huawei.
Theo báo cáo về Huawei do Nathaniel Ahrens thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) công bố hồi tháng 2.2013, Nhiệm Chính Phi từng làm việc trong một cơ quan nghiên cứu của PLA, giữ vị trí lãnh đạo nhưng sau đó chuyển đến một doanh nghiệp dầu khí nhà nước năm 1983. Cuối năm 1987, khi 43 tuổi, Nhiệm rời khỏi doanh nghiệp này và thành lập Huawei. 
Theo các thông tin chính thức, Huawei được thành lập ban đầu chỉ với số vốn khoảng hơn 20 nghìn NDT, tương đương 5.000 USD thời điểm đó. Tuy nhiên cũng có thông tin rằng đã có một khoản vay từ một ngân hàng nhà nước lên tới 8,5 triệu USD cho Huawei trong thời gian mới thành lập. Huawei, tất nhiên, đã phủ nhận sự tồn tại của khoản vay này.
Khi Huawei ra đời, Trung Quốc phụ thuộc 100% vào nguồn thiết bị viễn thông nhập khẩu và hầu hết các đại gia viễn thông quốc tế như Alcatel, Ericsson, Motorola, Nokia và Nortel đều đã có mặt tại Trung Quốc. Trong những năm đầu hoạt động, Huawei tập trung vào việc phân phối tổng đài và một số loại thiết bị khác nhập khẩu từ Hồng Kông.
Năm 1990, Huawei bắt đầu phát triển các tổng đài đơn giản. Cùng thời điểm đó cũng có khoảng ít nhất 200 công ty nội địa khác của TQ cũng có chung chiến lược này. Để sống sót và tạo sự khác biệt Huawei đã quyết tâm phát triển hệ thống tổng đài lớn, đòi hỏi công nghệ phức tạp. Đây cũng là dòng thiết bị mà không công ty nước ngoài nào muốn chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.(còn tiếp)
Trường Sơn
http://thanhnien.vn/the-gioi/cho-soi-huawei-va-nguy-co-cho-an-ninh-vien-thong-viet-nam-530081.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.