Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

30/06/2016

Kho sách của Nguyễn Hiền ở Bằng Đắng (Bạch Hạc, Sơn Tây cũ)


Bài của Nguyễn Hữu Mùi, năm 1995.

---
http://hannom.vass.gov.vn/noidung/thongbao/Pages/baiviet.aspx?ItemID=118


22. Về kho gia thư thần tích của Nguyễn Hiền ở xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc (TBHNH1995)

04/01/2009
VỀ KHO GIA THƯ THẦN TÍCH CỦA NGUYỄN HIỀN Ở XÃ BẰNG ĐẮNG, HUYỆN BẠCH HẠC
NGUYỄN HỮU MÙI
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Trước đây, khi nói đến loại hình văn bản thần tích, chúng ta thường nghĩ nó được lưu trữ tại bộ Lễ triều Lê. Nhưng có một nơi tàng trữ quan trọng, từng đóng vai trò cung cấp văn bản cho khắp các làng xã người Việt, là kho gia thư của Nguyễn Hiền ở xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây (cũ). Bài viết về kho gia thư này sẽ dựa trên kết quả khảo sát văn bản, kết hợp với điều tra tư liệu tại quê của Nguyễn Hiền.
1. TÓM TẮT TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP NGUYỄN HIỀN.
1. Nguyễn Hiền sinh năm 1666 tại xã Bằng Đắng, huyện Bạch Hạc, trấn Sơn Tây. Nay là thôn Cao Bình, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú. Ông có ba tên gọi khác nhau: Tô Thế Huynh, Tô Thế Huy và Nguyễn Hiền. Lúc nhỏ có tên là Tô Thế Huynh. năm 32 tuổi đổ tên làTô Thế Huy để thi Tiến sĩ và đỗ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa 18 (1697) đời Lê Hy Tông.
Năm 1720, ông giữ chức Tả thị lang, tước Hầu. Năm 1721, được cử đi sứ mang cống vật sang nhà Thanh. Năm 1725, bị giáng chức từ Tả thị lang bộ Công xuống Hữu thị lang bộ Công. Năm 1729, được thăng Bồi tụng Lễ bộ Hữu thị lang. Năm 1732, bị giáng làm Thừa chính sứ An Quảng.
Đếnniên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740), ông được điều về làm việc tại bộ Lễ. Vì là người giỏi chiêm tinh nên được giao chức Quản giám bách thần, lo vệc sao lục thần tính theo bản cũ của Nguyễn Bính soạn từ niên hiệu Hồng Phúc (1572), đồngthời kiêm coi giữ ngôi điện thờ bách thần của nước. Giai đoạn này ông lấybút danh Nguyễn Hiền.
Ông về trí sĩ khoảng năm 1740. Mất ngày 24 tháng 4 (chưa rõ năm) tại quê nhà. Triều đình truy tặng chức Thượng thư bộ Lễ.
2. KHO GIA THƯ THẦN TÍCH CỦA NGUYỄN HIỀN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI LÀNG XÃ NGƯỜI VIỆT
Như một lẽ thường, đối với nhiều nhà khoa bảng Việt Nam khi về trí sĩ thường tích lũycho mình rất nhiều sách vở. Đối với Nguyễn Hiền khi về trí sĩ, ông có dựng một ngôi điện thờ bách thần tại quê nhà. Trong ôi điện này lưu giữ những bản hần tích do ông sao chép được trong thời gian làm Quản giám bách thần. Nhưng không bao lâu sau thì bị nghĩa quân của Nguyễn Danh Phương (tức Quận Hẻo) đến cướp phá. Theo xác định của chúng tôi thì ngoi điện náy bị cướp phá vào quãng những năm từ 1748 đến 1751, vì đây là thời gian nghĩa quân Nguyễn Danh Phương hoạt động mạnh ở địa bàn huyện Bạch Hạc ghi rõ trong Đại Việt sử ký tục biên(1). Hậu duệ Nguyễn Hiền hiện còn kể rằng, chỉ trong một đêm, nghĩa quân Nguyễn Danh Phương đến dỡ điện mang về xã Hội Hợp của huyện Tam Dương, cách đó chừng sáu cây số dựng thành một quán mới, gọi là QUÁN TIÊN làm nơi tập hợp quân sĩ chống lại trièu đình. (Quán Tiên này nay vẫn còn, gòm ba gian nhà gỗ, nằm cạnh đường quốc lộ số 3, thuộc địa phận thôn Hôi Hợp, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Đảo , tỉnh Vĩnh Phú).
Theo nhiều văn bản thần tích được sao tại từ đường xã Bằng Đắng vào thời Tự Đức (1848-1883) cho biết sau vụ việc ấy, con cháu Nguyễn Hiền mới thu thập những bản thần tích còn sót lại cất vào hòm đồng, giấu trong tường nhà. Sau tường nhà đổ mới chuyển lên lưu giữ tại từ đường dòng họ. Đến giai đoạn này, nhờ điều kiện xã hội dần đivào ổn định, việc dựng đình và tìm thần tích trở thành nhu cầu của nhiều làng xã. Trong khi đó bộ hồ sơ thần tích cũ đặt tại bộ Lễ của triều đình đã thất lạc. Do vậy, nó nhanh chóng trở thành nơi đáp ứng cho yêu cầu đó.
Khảo sát trên văn bản thần tích có tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được biết vào năm 1850 đã có xã tìm đến dao thần tích tại cơ sở này(2). Tiếp đó, ảnh hưởng của nó ngày một lan rộng. Theo văn bia khắc thần tích của xã Thiên Lộc, huyện Nghi Dương, tỉnh Kiến An (tác bản 20579-20580), vào năm 1860 đã thấy "khắp các nơi xa gần đến sao đều được rõ ràng". Ở khía cạnh khác, thần tích của xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (AEa2/40 tờ 20a) cho biết dòng họ này còn mang các bản cũ đến nhà ở tại Cửa Nam thành Hà Nội giao lại cho dân các nơi mang về thờ. Người trong dòng họ Nguyễn Hiền cũng mang thần tích về các tỉnh xa như Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa. Nơi nào có nhu cầu thì cho sao lại. Tiền thù lao trả cho sao thần tích đều tùy vào hảo tâm của từng làng xã, cũng được ghi nhận ở nhiều văn bản.
Đến đầu thế kỷ này, tình hình các địa phương đến tứ đường xã Bằng Đắng sao lục thần tích vẫn được duy trù trước khi chuyển lên lưu giữ tại đền Hùng Vương.
Như vậy, nếu tính từ cơ sở ban đầu là từ đường xã Bằng Đắng, đến trụ sở của dòng họ ở Cửa Nam Hà Nội, lại trở về từ đường dòng họ, rồi chuyển lên đền Hùng là quãng thời gian dài hàng thế kỷ, chuyên cung cấp một loại hình văn bản thần tích cho khắp các làng xã người Việt từ Thanh Hóa trở ra. Số lượng văn bản thần tích được sao tại các điểm nêu trên chắc chắn là rất lớn. Bước đầu, chúng tôi mới thu thập được trên 40 văn bản loại này thuộc 11 tỉnh thành sau đây đã đến sao.
1. Bắc Ninh
2. Hà Đông
3. Hà Nam
4. Hà Nội
5. Hải Dương
6. Hưng Yên
7. Kiến An
8. Ninh Bình
9. Phú Thọ
10. Thái Bình
11. Thanh Hóa.
Câu ca: Xứ Đông Ba Trẽ thuốc tiên; Xứ Đoài Bằng Đắng có thêm bách thần còn lưu truyền ở vùng này là sự khái quát trên cơ sở đó.
3. NHẬN DIỆN NHỮNG VĂN BẢN LOẠI NÀY
Để nhận diện những văn bản được sao tại ba nơi tàng trữ nêu trên, chúng tôi dựa vào mấy cách ghi sau đây.
+ Cách thứ nhất: Ghi ở phần đầu văn bản (Thần tích của xã Cao Xá, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, AEa2/75, tờ 1b).
+ Cách thứ hai: Ghi ở phần cuối văn bản, sau cột niên đại Hồng Phúc và Vĩnh Hựu (Thần tích của khu Bảo Tháp, trang Đông Cứu, huyện Gia Định, tỉnh Bắc Ninh, A262, tờ 116).
Cách ghi thứ nhất và thứ hai đều ghi rõ ngày, tháng, năm sao.
+ Cách thứ ba: Ghi theo twn từ đường Nguyễn Hiền. Loại này ghi sau tiêu đề văn bản, có dòng chữ: Quốc triều Lễ bộ Thượng thư quan từ đường chính bản (Bản chính ngọc phả lưu tại từ đường quan Thượng thư bộ Lễ ở thời Lê).
Ngoài ba cách ghi xuất xứ nêu trên, hiện trong kho sách Hán Nôm (AE) có nhiều văn bản thần tích chỉ ghi " phụng sao" gắn với một năm cụ thể thuộc niên hiệu Tự Đức. Có người gọi đây là "loại thần phả xuất hiện đời Tự Đức"(3)Theo chúng tôi, những văn bản dạng này được sao tại từ đường xã Bằng Đắng hoặc tại Cửa Nam, vì vào thời điểm đó việc sao thần tích ở hai nơi này trở thành bình thường. Do vậy, chúng tôi coi đây là những văn bản nằm trong hệ thống sao tại từ đường Nguyễn Hiền. (Thần tích của thôn Lại, xã Quảng Phúc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, AEa4/37, tờ 7a).
Gần đây, trong chuyến công tác tại thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng, chúng tôi được các cụ ở đây cho xem cuốn Hùng Duệ Vương triều tứvị thủy thần ngọc phả đang lưu giữ tại đình làng. Các cụ cho biết cuốn phả này do dân làng sao được tại đền Hùng khoảng 70 năm trước. Nhưng xem vào văn bản không thấy ghi nhận điều đó, chỉ ghi Nguyễn Bính soạn năm Hùng Phúc 1 (1577), Nguyễn Hiền sao năm Vĩnh Hựu 2 (1736) (tờ 13b). Cách làm này đã bỏ qua một yếu tố về văn bản học. Trường hợp phả thôn Hương Quất nêu ở đây chắc không phải là nhiều.
4. NHẬN XÉT
Kho gia thư thần tích của Nguyễn Hiền ở xã Bằng Đắng, huỵên Bạch Hạc, tỉnh Sơn Tây là nét độc đáo từng tồn tại trong lịch sử và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người Việt. Việc xác định văn bản do Nguyễn Bính soạn, Nguyễn Hiền sao đã có cơ sở khoa học. Nhưvậy, với việc tập hợp ngày một nhiều những văn bản loại này sẽ góp phần xác lập một hệ thống văn bản thần tích thời Lê, tạo điều kiện cho việc tìm hiểu, đánh giá mảng thư tịch thần tích Việt Nam.

Chú thích:
1. Đại Việt sử ký tục biên(1676-1789). Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng sịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính. Nxb Khoa học ã hội, Hà Nội, 1991, các trang từ 213 đến 227.
2. Thần tích của hai xã Do Nghĩa và Vịnh Lan, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Tho. AEa9/26, tờ 31b.
3.Xem: Cần chú ý khi sử dụng thần tích ngọc phả của Lê Xuân Quang. Tạp chí Xưa và nay. Số 9 (10) XII. 1994.tr.20.

(Thông báo Hán Nôm học 1995 tr.213-219).

Nguyễn Hữu Mùi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.