Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/05/2016

Tình bạn “định mệnh” của một nhà thơ và một bác sĩ

Một bài viết về hai anh: Hoàng Năng Trọng và Đỗ Trọng Khơi (Đỗ Xuân Khơi) ở Thái Bình.

Khoảng giữa những năm 1990, một vài lần mình gặp anh Trọng tại nhà một người thầy, lúc anh lên Hà Nội đi học sau đại học. Anh là con rể của thầy. Thầy thì trở lại Hà Nội, với mảnh vườn xưa của ông bà thân sinh, sau khi đã nghỉ hưu, mang theo cả gia đình.

Anh Trọng kết duyên cùng người con gái lớn của thầy (thực ra là người con gái thứ hai). Ngày cưới (đầu những năm 1990), bọn mình còn sang bên quê anh ở Nam Định.

Bài dưới của Bùi Hoàng Tám, trên tờ SK&ĐS.

Tháng 5 năm 2016,
Giao Blog


---


NGÀY 02 THÁNG 05, 2016 | 18:00



SKĐS - Nói về nhà thơ tật nguyền Ðỗ Trọng Khơi, có thể gói gọn trong mấy chữ: Anh là “Nick Vujicic” của Việt Nam.
Người có thể “so găng” với Nick Vujicic
Có lẽ trước khi chứng minh lý do so sánh, nên nói đôi nét về nhà thơ tật nguyền Đỗ Trọng Khơi.
Đỗ Trọng Khơi tên thật là Đỗ Xuân Khơi (việc thay tên lót là Trọng sẽ viết ở phần sau), sinh năm 1960 (Canh Tý) tại quê của Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm (xã Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình).
Năm lên 8 tuổi, khi mới đang học dở lớp 2, Khơi bị bệnh viêm đa khớp. Ngày đó, thuốc men thiếu thốn, các phương tiện cũng như sự hiểu biết về căn bệnh này còn sơ khai, nhất là ở những làng quê Việt Nam giữa lúc chiến tranh nên di chứng để lại thường rất nặng nề. Sau một trận sốt rất cao, Khơi lên cơn co giật, người quắp lại và cái dáng co quắp đó theo Khơi cho đến tận bây giờ. Nỗi đau chưa dừng ở đó, người cha của Khơi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường ra mặt trận và đã anh dũng hi sinh. Càng xót xa hơn, ông là con trai duy nhất và Khơi cũng là đứa con trai duy nhất của ông. Từ một cậu bé mới gọi là tạm đọc thông, viết thạo, lại mang trên mình tật bệnh nhưng bằng nghị lực của mình, Khơi đã sống và không ngừng học hỏi để trau dồi kiến thức.

Lễ ra mắt tập thơ Ở thế gian của Đỗ Trọng Khơi.
Giờ đây, anh không chỉ là nhà thơ có tên tuổi trong làng văn chương nước Việt, từng đoạt nhiều giải thưởng trên văn đàn đồng thời còn là tác giả của nhiều nhạc phẩm cũng như các thể loại văn học khác như truyện ngắn, phê bình văn học. Không chỉ thế, Khơi còn tự học để trở thành ông thầy “nho y lý số”, biết đoán vận mệnh qua tướng số hay tử vi.
Trở lại việc so sánh với Nick Vujicic đã nói ở trên, có thể nói việc so sánh này không hề khập khiễng bởi ở một góc độ nào đó, Nick còn may mắn hơn Khơi rất nhiều.
Thứ nhất, Nick không bị mồ côi cha từ khi còn nhỏ. Thứ hai, đời sống xã hội bên Australia đầy đủ hơn Việt Nam rất nhiều, ngay tại thời điểm này chứ chưa nói khi đó, Việt Nam còn chiến tranh. Thứ ba, Nick không có chân tay nên anh không bị “dở khóc, dở cười” bởi chính những trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày do cái chân, cái tay “vô dụng” gây ra. Thứ tư, Nick không bị vò xé bởi những cơn đau do bệnh tật mang lại và thứ năm, Nick Vujicic còn có thể hoạt động được tất cả các đốt sống còn Đỗ Trọng Khơi thì chỉ “nhúc nhích” được mấy đốt sống cổ…
Tuy gặp rất nhiều khó khăn như vậy nhưng bằng nỗ lực phi thường, Đỗ Trọng Khơi đã có nhiều cống hiến, đặc biệt là ở lĩnh vực văn học nghệ thuật. Với nhiều cuốn sách các thể loại từ thơ, văn xuôi, phê bình, âm nhạc… đã xuất bản, có thể nói “tài sản” của Đỗ Trọng Khơi là niềm mơ ước của không ít nhà văn, nhà thơ lành lặn khác.
Tình bạn lớn và cảm động của nhà thơ với một bác sĩ
Điều gì đã làm nên một Đỗ Trọng Khơi hôm nay?
Trước hết, đó là tài năng bẩm sinh, nghị lực phi thường của bản thân anh và sự sẻ chia, giúp đỡ của những người ruột thịt. Song, sẽ không là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi của hôm nay nếu không có vai trò của những người bạn anh. Đó là các cố nhà thơ Xuân Đam, Trọng Khánh… và nhiều nhà thơ, nhà văn quê hương Thái Bình như Trần Văn Thước, Đỗ Ngọc Lan, Nguyễn Thị Thu Nguyệt… Đặc biệt là PGS.TS. Hoàng Năng Trọng (hiện đang phụ trách Trường Đại học Y Thái Bình). Đỗ Trọng Khơi kể lại rằng cách đây tròn 30 năm (1986), Hoàng Năng Trọng đi cùng đoàn y tế của Trường Đại học Y Thái Bình về quê Khơi làm chương trình vận động sinh đẻ có kế hoạch. Sau khi hoàn thành công việc, Trọng cùng một người bạn đến thăm Khơi. Lý do là bởi dăm cái truyện ngắn, mươi bài thơ chép trong một cuốn sổ tay mà Trọng tình cờ đọc được ở đâu đó. Những tác phẩm đầu tay còn nhiều non nớt nhưng với tâm hồn nhạy cảm cùng bản năng phát hiện của một nhà giáo tương lai, Hoàng Năng Trọng đã nhận ra được tố chất trên con đường văn nghiệp của Khơi nên ghé vai nâng đỡ.


Đỗ Trọng Khơi (phải) và Hoàng Năng Trọng.
Ngày đó, chỉ riêng việc chép bản thảo sao cho sạch sẽ, không có lỗi chính tả để gửi đến các báo đài cũng là việc rất khó khăn đối với Khơi nếu không có Hoàng Năng Trọng giúp đỡ. Những bài thơ đầu tiên của Khơi được đăng trên báo Thái Bình, Văn nghệ Thái Bình rồi Chương trình Tiếng thơ của Đài tiếng nói Việt Nam… đều nhờ một tay Trọng tuyển chọn, cho đánh máy và gửi tới tận tay các nhà thơ, nhà văn và các biên tập viên.
Ngay cả chùm thơ được Giải Nhì của báo Văn nghệ thời nhà văn Nguyên Ngọc danh giá làm Tổng biên tập cũng do đích thân Hoàng Năng Trọng chọn, đem đánh máy rồi trực tiếp cầm đến 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội (trụ sở của báo Văn nghệ).
Không chỉ ở văn chương, trong đời sống hàng ngày, Trọng cũng là món quà quý giá mà thượng đế đã ban tặng cho Khơi. Có thể nói không có bất cứ việc gì của Khơi và cả gia đình Khơi mà lại thiếu vắng sự giúp đỡ, sẻ chia của Hoàng Năng Trọng. Từ việc tham gia tìm mộ cho người cha liệt sĩ của Khơi cho đến chữa bệnh, khắc phục tình trạng cố tật của đôi chân đã hoàn toàn bị biến dạng, xơ cứng để Khơi có thể lấy vợ, sinh con cho đến lo sắp xếp công việc cho vợ Khơi… đều có sự chăm lo của Hoàng Năng Trọng.
Riêng đối với bệnh tật của Khơi, bằng những mối quan hệ trong nghề, PGS.TS. Hoàng Năng Trọng đã nhờ các GS, BS chuyên khoa giỏi như BS.TS. Lê Đức Tố - chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình ở TP.HCM, GS.BS. Chu Mạnh Khoa ở Bệnh viện Việt Đức cùng nhóm y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Thái Bình chung tay làm phẫu thuật tách đôi chân xơ cứng, cố tật như một cái “gông” ghim chặt đời Khơi cả nửa thế kỉ xuống cái giường.
Ca phẫu thuật rất phức tạp do không chỉ mắc một chứng bệnh này mà Khơi còn mang trong mình nhiều bệnh nội khoa khác. Song rất may, bằng tài năng, sự tận tình của các thầy thuốc, ca phẫu thuật đã thành công. Nhờ ca mổ tách đôi khớp háng đó, Khơi mới có thể cưới vợ và sinh con. Hiện nay, Khơi có 3 cháu, một cháu gái và hai cháu trai rất thông minh, khỏe mạnh.
Trong đời người ta có thể có nhiều bạn song tri kỉ, tri âm thì không nhiều. Đó là những người bạn viết hoa, không chỉ động viên, chia sẻ, lo lắng mà còn ẩn chứa tình cảm thiêng liêng, keo sơn gắn bó như một định mệnh. Với Đỗ Trọng Khơi, NGƯỜI BẠN đó chính là Hoàng Năng Trọng. Trọng luôn dành cho Khơi sự giúp đỡ hiệu quả nhất, thậm chí có thể nói là mang tính quyết định đến cuộc đời cũng như số phận của Đỗ Trọng Khơi hôm nay.
Thật ra thì không chỉ với Đỗ Trọng Khơi mà Hoàng Năng Trọng tốt với nhiều người, tất nhiên là với Khơi còn có tình tri kỉ. Chính vì tình bạn “định mệnh” đó mà Khơi đã quyết định lấy tên Trọng thay cho tên đệm của mình, từ Đỗ Xuân Khơi, anh đổi thành Đỗ Trọng Khơi.
Ngày còn ở Thái Bình, người viết bài này cũng khá thân với Hoàng Năng Trọng. Anh là người thông minh, lịch lãm, quan tâm đến mọi người. Song, nếu như ở một số người, lòng tốt là điều gì đó cần rèn luyện, phấn đấu… thì với một số người khác, tốt như trời sinh ra vốn vậy. Hoàng Năng Trọng là một người trong số “trời sinh” đó. Cái sự tốt với Trọng là bản năng nên anh không phải “cố gắng” hay “nỗ lực” gì cả.
Cách đây khoảng hơn 20 năm, người viết bài này đã tặng Hoàng Năng Trọng bài thơ có tên là Người tốt(sau đó được đăng trên báo Sức khỏe và Đời sống số Xuân 2013) để lý giải hiện tượng này. Đây là bài thơ thứ hai tôi tặng một con người cụ thể bởi tôi rất dị ứng với cách mà không ít người “lạm dụng” là “hào phóng” trong việc đề tặng ai đó trong các bài thơ.
Bùi Hoàng Tám




http://suckhoedoisong.vn/tinh-ban-dinh-menh-cua-mot-nha-tho-va-mot-bac-si-n115955.html




ĐẢNG UỶ - BAN GIÁM HIỆU ĐƯƠNG NHIỆM




NGƯT.PGS.TS Hoàng Năng Trọng

Phó hiệu trưởng - Phụ trách Trường - Phó Bí thư Đảng ủy

ĐC: 26 ngõ 23 Đốc Nhưỡng, TPTB

ĐT: 0903288504

Email:hoangnangtrong@yahoo.com

tronghn@tbmc.edu.vn


Sửa lần cuối vào : Thứ sáu - 01/04/2016 09:20


TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÁI BÌNH
   Địa chỉ: 373 Lý Bôn, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình
   Điện thoại:(+84) 363. 838.545 - Fax: (+84) 363. 837.509
   Administrator :+ ThS. Trần Văn 
Cường - DĐ: 0982.717.802
                             + ThS. Nguyễn Ngọc Tuân - 
DĐ: 0904.131.786
   Website: http://www.tbump.edu.vn







---

---


CẬP NHẬT













1.




12/10/2020 12:58 GMT+7

Căn phòng nhỏ giữa TP Thái Bình chứng kiến cuộc gặp mặt xúc động: PGS.TS Hoàng Năng Trọng, hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Bình, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi - người cả đời gắn với xe lăn và Ngô Minh Hiếu, cậu học trò 10 năm cõng bạn.

Họ gặp nhau trên con đường tử tế

Hai thế hệ, hai vùng quê khác nhau, nhưng có chung một câu chuyện, một số phận mang tên: sự tử tế.

Những ồn ào về việc cậu bé Ngô Minh Hiếu “10 năm cõng bạn” thiếu 0,25 điểm để vào Đại học Y Hà Nội rồi cũng sẽ qua đi. Hiếu tiếp tục như bao thí sinh khác: nhập học vào trường mình đủ điểm - Đại học Y Thái Bình. Ước mơ trở thành bác sĩ chưa bao giờ khép lại.

Tại ngôi trường mà em vừa nhập học, có một tình bạn đẹp được viết hơn 30 năm trước. Người trong cuộc chính là thầy Hiệu trưởng của em, cũng bền bỉ “cõng” người bạn tật nguyền của mình - nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, hơn 30 năm trời.

Cuộc tương phùng của 2 thế hệ

Ngày 8/10, cha con Ngô Minh Hiếu từ Thanh Hóa ra Thái Bình để làm thủ tục nhập học. Câu chuyện của cậu bé 10 năm cõng bạn tới trường đã khiến PGS.TS Hoàng Năng Trọng, Hiệu trưởng ngôi trường em vừa nhập học, xúc động.

Ông gọi Hiếu lên phòng làm việc, trò chuyện, và nói với em về việc, trường sẽ miễn giảm toàn bộ học phí cho em trong 6 năm học ĐH, được ở tại KTX của trường…

Thầy hiệu trưởng 30 năm ‘cõng’ bạn và duyên gặp gỡ với Ngô Minh Hiếu
Thầy hiệu trưởng 30 năm ‘cõng’ bạn và duyên gặp gỡ với Ngô Minh Hiếu
Cuộc hội ngộ hai thế hệ

“Trong nguyện vọng ĐH của Hiếu, em không đủ điểm để vào ĐH Y Hà Nội nhưng nguyện vọng 2 của em, ĐH Y Thái Bình thì đủ điều kiện. Em về nhập học tại trường chúng tôi theo đúng quy chế, sòng phẳng, minh bạch, không có sự ưu ái nào.

Còn việc miễn giảm học phí, cho em ở KTX nhà trường trong thời gian học tập, đây là quyết định của Hội đồng nhà trường. Chúng tôi mong muốn, sự tử tế, nhân hậu ở đâu, bao giờ và khi nào cũng sẽ luôn được xã hội đón nhận”, Hiệu trưởng ĐH Y Thái Bình cho biết.

Tại phòng làm việc, thầy Hiệu trưởng nói với em: “Thầy xúc động trước tình bạn đẹp của em, bởi thầy cũng có một tình bạn đẹp, với một người không được may mắn như chúng ta. Lòng tốt của chúng ta, không phải chỉ giúp họ tồn tại, mà để họ mạnh mẽ sống, có niềm tin sống, yêu cuộc sống”.

Cậu học trò nghèo xứ Thanh vô cùng bất ngờ trước câu chuyện của thầy. Và, cậu đã xin địa chỉ tự tìm đến ngôi nhà nhỏ của nhà thơ tật nguyền Đỗ Trọng Khơi – người có cùng hoàn cảnh như người bạn mà em đã bền bỉ 10 năm cõng trên lưng.

Thầy hiệu trưởng 30 năm ‘cõng’ bạn và duyên gặp gỡ với Ngô Minh Hiếu
Thầy hiệu trưởng 30 năm ‘cõng’ bạn và duyên gặp gỡ với Ngô Minh Hiếu
PGS.TS Hoàng Năng Trọng, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

“Bạn của cháu có bao giờ bi quan không?”

Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi vừa bước sang tuổi 60. Ông đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc: người vợ làm thủ thư trong một thư viện thành phố; hai cậu con trai đang học tiểu học. Đỗ Trọng Khơi vẫn bền bỉ sáng tác trên chiếc giường gắn bó với ông suốt cuộc đời, từ năm ông 11 tuổi, sau cơn sốt khiến ông bị liệt hai chân…

Gần 40 năm qua, ông đã “đi bằng đôi chân” của người bạn mang tên Hoàng Năng Trọng, bây giờ là thầy Hiệu trưởng của Ngô Minh Hiếu.

Ông theo sát câu chuyện của Ngô Minh Hiếu, rồi hoan hỉ viết trên trang cá nhân: “Tên hồ sơ dự tuyển Đại học của em là Ngô Văn Hiếu, báo chí thường gọi là Minh Hiếu, vì lý do lấy tên người bạn liệt chân Nguyễn Tất Minh ghép với tên em thành ra tên gọi Ngô MINH - HIẾU.

Trường hợp tên gọi hai em khiến tôi không khỏi xúc động nghĩ về trường hợp của tình bạn giữa tôi Đỗ Xuân Khơi với thầy Hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Bình Hoàng Năng Trọng. Cũng vì cảm tình bạn mà tôi đã đổi tên bút danh thành ra tên gọi như mọi người biết đến hôm nay, là Đỗ TRỌNG - KHƠI.

Đỗ Trọng Khơi hỏi Hiếu: “Người bạn của cháu có bao giờ bi quan không?”. Cậu học trò xứ Thanh cười bẽn lẽn: “Dạ không ạ. Bạn ấy rất yêu đời, mạnh mẽ”.

Ông hỏi Hiếu, cháu bắt đầu cõng bạn đi học như thế nào? Cậu bé thật thà: “Chúng cháu ở gần nhà nhau, cả hai đứa gia đình đều nghèo như nhau cả. Bố mẹ bạn ấy đi vào Tây Nguyên làm kinh tế mới, bạn ấy không có người đưa đi học, nên buổi đi buổi nghỉ. Cháu không muốn bạn phải nghỉ học nên bắt đầu đưa bạn từ khi đó”.

Bố Hiếu sinh năm 1978, mẹ sinh năm 1981. Hai vợ chồng làm nông, hết mùa thì đi phụ hồ. Việc của trẻ con cõng nhau đi học, với họ, có lẽ cũng chỉ bình thường như một việc hiển nhiên!

Cuộc đời dài lắm…

Năm 1971, cậu bé 11 tuổi Đỗ Trọng Khơi phải từ bỏ những buổi học trường làng. Đôi chân của Khơi bỗng nhiên bị liệt, và teo tóp lại. Cha hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vào năm căn bệnh hiểm ác đổ xuống đầu anh, người mẹ trở thành quả phụ.

Nằm bất động một chỗ, Khơi làm bạn với chiếc đài bán dẫn mà người mẹ mua cho. Khơi thường mở và không bỏ qua bất kỳ chương trình “Tiếng thơ” nào của Đài tiếng nói Việt Nam. Rồi, những câu thơ ngấm vào anh từ lúc nào không biết, anh làm bạn và sáng tác thơ ca.

Năm 1987, một nhóm bác sĩ, sinh viên của trường Đại học Y Thái Bình về làng của Khơi, trong số ấy, có bác sĩ Hoàng Năng Trọng.

Một ngày tình cờ, Trọng đọc được những bài thơ Khơi viết được lan truyền tại Trạm xã xá. Biết được tác giả của những truyện ngắn, những bài thơ là một chàng trai tật nguyền từ nhỏ, Trọng bất ngờ lắm.

Rồi Trọng tìm đến khi Khơi đang nằm một mình buồn bã trên chiếc giường. Anh động viên cậu bạn cùng tuổi: “Cậu hãy tiếp tục viết, và cố gắng giữ lại những bản thảo ấy. Tôi có điều kiện gần các tòa báo, tôi sẽ mang thơ của cậu tới gửi cho họ”.

Và, tình bạn của họ bắt đầu như vậy!

Thầy hiệu trưởng 30 năm ‘cõng’ bạn và duyên gặp gỡ với Ngô Minh Hiếu
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi và cậu học trò 10 năm cõng bạn Ngô Minh Hiếu

Cuộc gặp thành định mệnh

Mùa thu năm 1993, Khơi đổ bệnh. Chạy chữa ở quê cả tháng trời mà không khỏi, Trọng về, nhìn thấy người bạn rạc đi, da tái xám, ho từng cơn như xé phổi, xót xa bảo: “Phải lên bệnh xá (trường ĐH Y Thái Bình) điều trị thôi, Khơi ạ!”.

Đỗ Trọng Khơi nói, những cột mốc đánh dấu cuộc đời anh luôn có bóng dáng của Hoàng Năng Trọng. Năm 1993, trường ĐH Y Thái Bình tổ chức một buổi bình thơ, mời nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi.

Hoàng Năng Trọng đã nhờ nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đọc giúp bản thảo 45 bài thơ của Khơi mà Trọng đã cẩn thận chép tay lại. Sau này, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi tâm sự , khi tiếp nhận tập “Con chim thiêng vẫn bay” từ Trọng, trong ông ánh lên những tia hy vọng về một tâm hồn thơ trẻ, dù người thơ ấy ông chưa gặp.

Tháng 11/1993, Trọng lặn lội từ Thái Bình lên Hà Nội tìm gặp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, đưa cho ông 10 bài thơ mới của Khơi mà Trọng đã đánh máy sạch sẽ.

Con đường bước vào thơ ca của Khơi, cũng nhờ sự bền bỉ của người bạn Hoàng Năng Trọng.

Bên cậu học trò 10 năm cõng bạn, PGS.TS Hoàng Năng Trọng bảo: “Thầy cũng như Hiếu, giúp đỡ bạn, mọi người sẽ thường nghĩ, người tật nguyền đang nhận sự giúp đỡ, nhưng không phải. Từ rất lâu, thầy ỷ vào bác Khơi, coi bác ấy như pho từ điển cất giữ giúp mình những kiến thức về xã hội, bởi mình bận chuyên môn, không có nhiều thời gian để tìm hiểu những lĩnh vực khác. Thế là có việc gì cũng chạy sang để hỏi Khơi, đó là chỗ dựa của riêng mình”.

Và bây giờ, hai người bạn đã có cơ hội ở gần nhau, làm hàng xóm của nhau, cách nhau vài trăm bước chân. Bền bỉ hơn 30 năm qua, họ đã ở bên nhau, với cậu học trò Ngô Minh Hiếu, để minh chứng rằng, cuộc đời luôn có những điều tốt đẹp!

Kiên Trung

Một cơ hội thể hiện tự chủ đại học bị bỏ lỡ

Một cơ hội thể hiện tự chủ đại học bị bỏ lỡ

Việc tranh cãi nên hay không đặc cách cho em học sinh cõng bạn Ngô Văn Hiếu đã không còn cần thiết nữa, ....


https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/thay-hieu-truong-30-nam-cong-ban-va-duyen-gap-go-voi-ngo-minh-hieu-680465.html





..







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.