Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/02/2016

Tục thờ Thổ Công vào dịp năm mới ở vùng người Nùng (bài Lý Viết Trường)






TỤC THỜ THỔ CÔNG TRONG LỄ TẾT
MỘT BIỂU HIỆN CỦA TÍN NGƯỠNG NÔNG NGHIỆP
(nghiên cứu ở xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)
Tín ngưỡng thờ cúng Thổ Công đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thờ cúng của người Nùng. Đồng bào quan niệm ma tổ tiên có vai trò quan trọng như thế nào trong nhà thì thần Thổ Công cũng có vai trò quan trọng như thế ở ngoài bản. Ở xã Thạch Đạn bản nào cũng có miếu thờ Thổ Công[1]. Thổ công của người Nùng là vị thần đất có nhiệm vụ cai quản mảnh đất bản và mọi hoạt động diễn ra trên mảnh đất mà dân bản đang sinh sống, ngoài ra Thổ công còn có nhiệm vụ phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, cuộc sống bình an. Thổ Công được thờ ở miếu. Miếu của người Nùng là nơi dùng để thờ thần Thổ Công, miếu được dựng ngay khi chọn đất lập bản, miếu thường có diện tích nhỏ, sơ sài, lụp xụp và thường nằm ở đầu hoặc cuối bản. Người Nùng quan niệm miếu nào càng lụp xụp, cổ kính thì càng thâm nghiêm. Thổ Công được thờ trong nhiều dịp như lễ tết, hội hè và các nghi lễ khác như: ma chay, cưới xin, sinh đẻ, làm nhà, làm then, trong bản có chuyện xích mích… Những nghi lễ sinh hoạt cộng đồng xung quanh tục thờ Thổ Công mang nhiều ý nghĩa vật chất và tinh thần như: ý nghĩa gắn kết cộng đồng, ý nghĩa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống… tuy nhiên nổi bật hơn cả có lẽ là tín ngưỡng nông nghiệp thể hiện trong các dịp lễ tết.
1. Tết Nguyên Đán (Nèn bươn chiêng)
Nèn bươn chiêng theo tiếng Nùng là tết tháng giêng hay còn gọi là tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán của người Nùng cúng thần Thổ Công lớn nhất của người Nùng, tết diễn ra vào tháng giêng đây là lúc lương thực – thực phậm dồi dào, khi mùa vụ đã gặt hái xong. Trong dịp tết này vào ngày mùng 1 hoặc mùng 2 tết tất cả mọi nhà ở xã Thạch Đạn đều mang theo lễ vật gồm: 1 con gà trống thiến, 2 cái bánh chưng, 1 chai rượu, 1 bát khảu xà, 1 phong cao phung... để cúng Thổ Công. Đây là dịp đông vui nhất, cúng thần to nhất vì đây chính là dịp ăn mừng thắng lợi của một năm sản xuất và gửi lời cảm ơn của dân bản đến thần Thổ Công, người đã phù hộ bảo vệ trong cả năm vừa qua và mong thần sẽ tiếp tục phù hộ cho dân bản trong năm mới này (Lê Sỹ Giáo 2014: 16).
2. Tết Thanh Minh (Sinh Mình)
Sinh Mình chính là Thanh Minh (Sinh Mình = Thanh minh). Ngày mùng 2 tháng 3 âm lịch người được phân công phụ trách việc mua đồ lễ sẽ đến từng nhà trong bản thông báo và thu gạo hoặc tiền (đồng bào thường nộp gạo vì tiền thường không có) để mua vịt về cúng Thổ Công tại miếu. Số vịt cúng không quy định mà tùy vào điều kiện của bản, thường từ 1 – 2 con miễn là đủ để liên hoan sau khi cúng Thổ Công. Trong lúc đi thu gạo hoặc tiền nhóm người được phân công sẽ thông báo giờ giấc để mỗi nhà trong bản đều cử một người con trai đến Thổ Công để cùng nhau ăn một bữa cháo ngay tại miếu.
Đồng bào quan niệm tết Sinh Mình là thời gian bắt đầu một mùa sản xuất mới nên họ đến cúng Thổ Công, thần sẽ chúc cho một mùa sản xuất diễn ra thuận lợi và mùa màng bội thu. Điều này thể hiện trong lời khấn của vị slạo slay hoặc người đại diện cho bản: “Kính thưa thần Thổ Công, nhiều cây mới thành rừng nhiều nhà mới thành bản, cái nghĩa này không thể nào quên. Nhớ ơn tới vị thần Đất bảo vệ bản còn nay đến mùa tết con cháu trong bản làm lễ cúng lên thần Thổ Công mong thần phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa vụ tốt tươi, làm gì cũng được, làm ít được nhiều làm nhiều được vô tận. Mọi điều xấu sẽ bay đi xa và những điều tốt đẹp sẽ luôn đến với bản còn. Cầu tiền tài và sức khỏe, cầu trăm ngàn điều tốt đẹp…”[2].
Tết Thanh Minh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, lúc đó là thời điểm chuẩn bị mùa cấy vụ xuân. Đồng bào cấy vụ xuân từ tháng 3 âm lịch đến thàng 6 – 7 âm lịch là được thu hoạch. Ở Thạch Đạn một năm chỉ làm được 2 vụ là vụ xuân và vụ hè – thu vì nơi đây chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc vào mùa đông nên đến cuối tháng giêng sau tết Nguyên Đán mới gieo mạ được. Dịp này người ta đi cúng Thổ Công để mong thần Thổ Công chúc cho một mùa vụ sản xuất diễn ra thuận lợi và thu hoạch bội thu. Như vậy ngoài ý nghĩa về mặt tín ngưỡng dân gian còn có ý nghĩa quan trọng hơn đó là tín ngưỡng liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp trồng lúa nước.
3. Tết So Loọc (6/6)
So Loọc theo tiếng Nùng được hiểu: sô là ngày, loọc (六) nghĩa là 6, số đếm mang ảnh hưởng của ngôn ngữ Hán; So Loọc = mùng 6, dùng để chỉ tết mùng 6 tháng 6 tết của người Nùng. Lúc này là thời gian giữa mùa hè, thời tiết nóng nực tạo điều kiện cho sâu bọ và dịch bệnh phát triển. Sợ cây trồng sẽ bị sâu bệnh phá hoại nên đồng bào có tết cúng thần Thổ Công phù hộ cho cây cối phát triển, chống lại mọi loại sâu bọ, cho một mùa màng sắp tới được bội thu. Đây là thời gian cây lúa sắp chín, dân bản đang chuẩn bị bước vào thời gian bận rộn nhất trong năm, thu hoạch vụ xuân. Sau dịp tết 6/6 xong cả làng sẽ gặt lúa vụ xuân và cấy lúa vụ mùa.
Người Nùng mang lễ vật ra miếu cúng thần Thổ Công, mọi thủ tục chuẩn bị được làm giống tết Sinh Mình (mùng 3/3). Ngày mùng 5 tháng 6, nhóm người (chủ của vài nhà cạnh nhau) được phân công chịu trách nhiệm chuẩn bị lễ vật cúng sẽ đến tất cả các nhà trong bản thu gạo hoặc tiền để mua vịt và vàng hương. Sau khi thu xong họ sẽ mang vịt ra miếu thịt rồi cúng, lễ vật đặc trưng của tết này là thức quà làm từ gạo tẻ như bún và bánh tẻ. Sau khi bày biện mâm lễ đồng bào đốt vàng hương, cúng xong họ sẽ mời cả bản mỗi nhà một người đến miếu ăn một bữa trước sự chứng kiến của thần Thổ Công.
Vì sao ngày tết So Loọc người Nùng cúng thần Thổ Công? Điều này được thể hiện rõ trong bài văn khấn của vị trưởng bản hoặc Thầy Cúng. Nội dung bài khấn nhằm cảm ơn thần Thổ Công và mong thần tiếp tục phù hộ cho trâu bò khỏe mạnh để giúp người dân kéo cày trong vụ cấy sắp tới. Đồng thời mong thần bảo vệ cho bản còn không bị kẻ xấu đến trộm cắp hoặc phá hoại mùa màng.
Như vậy cúng thần Thổ Công dịp tết mùng tháng 6 chính là nghi thức nông nghiệp, đồng bào sắm sửa lễ vật để tạ ơn thần đã phù hộ cho một mùa màng tốt tươi. Hết ngày tết này đồng bào sẽ bước vào gặt vụ xuân và cấy vụ mùa, thời gian bận rộn nhất trong năm của người Nùng.
4. Tết Slíp Slí (14/07)
Nèn Slíp Slí diễn ra vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Nèn Slíp Slí của người Nùng diễn ra từ tối 13 kéo dài đến hết ngày 15, đây là tết lớn thứ hai trong năm của người Nùng. Đây là thời điểm vừa kết thúc những ngày mùa vất vả nhất, cấy gặt đã xong, cả dân bản bắt đầu được thảnh thơi hơn, người Tày, Nùng có câu: “Bươn chét slíp sli hu nhùng – tết 14/07 cười tươi” (Hoàng Lương 2013).
Trong dịp Nèn Slíp Slí đồng bào đi cúng thần Thổ Công từ chiều 13/07, tại miếu người ta kiểm tra xem mái, cột, tường, vách… của miếu có bị hư hỏng không, nếu bị hư hỏng do trời mưa gió thì đồng bào sẽ tu sửa lại. Sau khi tu sửa miếu xong đồng bào tổ chức cúng Thổ Công để cảm ơn thần đã phù hộ cho vụ xuân cấy hái xong, cũng là để nhằm mong thần tiếp tục bảo vệ che chở cho vụ mùa vừa gieo cấy.
Lễ vật đặc trưng của nèn Slíp Slí là bún và bánh gai, loại bánh được làm từ cây lá gai. Ngoài bánh gai nhóm người được phân công sẽ đi từng nhà trong bản thu gạo (hoặc thu tiền, số lượng đủ để trả cho một con lợn khi mổ số thịt đủ để chia mỗi nhà trong bản một miếng nhỏ) rồi đem số gạo/tiền đó đổi lấy một con lợn. Lợn được thịt ngay tại miếu, sau khi thịt xong người ta cúng lợn cùng với tiết của nó. Bài văn khấn có nội dung: “Cảm ơn Thổ Công trong thời gian vừa qua đã che chở cho bản còn yên ổn, phù hộ cho một vụ xuân bội thu, cho gia súc có sức khỏe để giúp người dân kéo cày. Nhân dịp Nèn Slíp Slí dân bản thịt lợn đến cúng thần để bày tỏ lòng cảm ơn đồng thời mong thần sẽ tiếp tục phù hộ để vụ mùa cấy xong sẽ sinh sôi nảy nở và mang về một vụ mùa thành công”[3].
Sau khi cúng lễ hoàn tất mọi người sẽ chia con lợn thành các phần đồng đều, mỗi nhà được một phần. Ví dụ bản Nà Lẹng có 48 nhà người ta sẽ chia con lợn thành 48 phần rồi chia cho mỗi nhà trong bản một phần. Miếng thịt tuy nhỏ nhưng ai cũng háo hức vì đây là miếng thịt của thần Thổ Công chia cho dân bản, khi mang miếng thịt về nhà người ta chế biến và ai trong gia đình cũng đều được ăn dù ít hay nhiều. Ngoài thịt lợn ra lễ vật đặc trưng của tết này còn có bánh gai (pẻng pán) và bún.
Tết Slíp Slí diễn ra vào giữ tháng 7, lúc đó đồng bào đã cấy xong vụ mùa mọi công việc nặng nhọc của một năm đã gần như hoàn tất. Đồng bào mang lễ vật đến cảm ơn thần Thổ Công với ý cảm tạ thần đã phù hộ cho dân bản một cấy gặt thuận lợi, đồng thời mong muốn thần Thổ Công sẽ phù hộ cho vụ mùa sinh sôi nảy nở.
5. Tết cơm mới (Phung Toòng)
Tết Cơm Mới hay còn gọi là nèn Phung Toòng/ xì xà khẩu mấư. Tết diễn ra vào khoảng tháng 10 – 11 âm lịch (tháng 10 hay tháng 11 là tùy vào thời điểm thu hoạch lúa), nèn Phung Toòng không có ngày xác định vì để tổ chức nèn này người ta còn xem mùa vụ như thế nào. Thời gian diễn ra Phung Toòng là khi vụ mùa đã thu hoạch xong mọi người chuẩn bị để ăn mừng cơm mới.
Phung Toòng của người Nùng có ý nghĩa gần giống như tết Cơm Mới của các dân tộc khác đều nhằm tạ ơn thần lúa sau một năm với 2 mùa sản xuất. Để chọn ngày cúng thần Thổ Công đồng bào thường nhờ Thầy Tào giúp, sau khi Thầy Tào chọn ngày xong cả bản sẽ chuẩn bị gạo nếp để làm bánh dầy, bánh dầy là thức cúng không thể thiếu trong dịp tết Cơm Mới. Ngoài bánh dầy ra đồng bào còn chuẩn bị lợn để cúng thần Thổ Công.
Gạo để làm bánh dầy do nhà trưởng bản hoặc Thầy Tào người lo nhiệm vụ cúng giỗ, gạo nếp được chọn phải là loại gạo nếp vừa gặt xong (khảu nu mù) vì gạo nếp vụ mùa thơm ngon và dẻo hơn gạo nếp vụ xuân (khảu nu pét nhẹt), gạo phải không bị lai tạp với gạo tẻ, hạt gạo phải căng tròn. Bánh dầy được làm từ loại gạo vừa mới gặt và được lựa chọn kỹ lưỡng sẽ làm ra những chiếc bánh dầy thơm ngon.
Bánh dầy cùng với con lợn được thịt ngay tại miếu (giống nèn Slíp slí) cúng lên Thổ Công để tỏ lòng cảm ơn thần đã phù hộ cho một năm mùa màng bội thu, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở, con người mạnh khỏe, bản còn yên vui… Lời khấn trong lần cúng này có nội dung: “Cảm ơn thần Thổ Công trong một năm vừa qua đã phù hộ cho mưa nắng thuận hòa, mùa màng tốt tươi. Thần đã bảo vệ cho gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở. Cảm ơn thần đã phù hộ cho bản còn sức khỏe dồi dào, cầu cho mọi người tránh điềm xấu gặp điềm lành. Cảm ơn thần Thổ Công đã bảo vệ che chở cho bản còn yên ổn…”[4].
Tết Cơm Mới diễn ra vào khoảng tháng 10 – 11 âm lịch, tết này mang ý nghĩa mừng lúa mới. “Sau một thời gian cày cấy, chăm bón, diệt trừ sâu bọ, thú rừng phá hoại… đây là thời điểm thu hoạch kết quả của quá trình lao động vất vả đó” (Hoàng Lương 2013: 77 – 78). Đồng bào Nùng quan niệm khi trồng cấy mùa vụ muốn có mùa màng bội thu họ phải cầu khấn thần Thổ Công bảo vệ, thần là người vì vậy tết này nhằm bày tỏ sự tri ân và lòng thành kính của dân bản đối với thần Thổ Công. Như vậy tết Cơm Mới (Phung Toòng) chính là dịp dân bản cảm ơn thần Thổ Công đã phù hộ cho dân bản một năm sản xuất thuận lợi, mùa màng bội thu. Đây cũng là lần cúng cuối cùng trong năm và là lễ cúng to nhất đối với một số bản như Thông Cùm.
6. Thổ Công trong lễ hội cộng đồng
Hội lồng tồng của người Nùng mang yếu tố của tín ngưỡng nông nghiệp truyền thống. Mục đích của ngày hội là họp mặt sau một mùa vụ làm lụng vất vả, để cầu mùa. Ngày hội diễn ra trên một cánh đồng và các hoạt động vui chơi diễn ra trong ngày hội đều có ý nghĩa cầu Mong mùa màng năm mới bội thu như: múa sư tử, tung còn… Hội lồng tồng là dịp ăn mừng mùa vụ thu hoạch ở quy mô một bản hay vài bản gần nhau, hội cũng là dịp để chuẩn bị cho một mùa vụ sản xuất mới đầy ước vọng. Tạ ơn thần Thổ Công và mong thần sẽ phù hộ cho một mùa vụ làm ăn tốt đẹp (Viện Dân tộc học 1992: 302 – 303).
Kết luận
Thổ công của người Nùng là vị thần đất có nhiệm vụ cai quản mảnh đất bản và mọi hoạt động diễn ra trên mảnh đất mà dân bản đang sinh sống, ngoài ra Thổ công còn có nhiệm vụ phù hộ cho dân bản khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi, cuộc sống bình an. Thổ Công được thờ ở miếu. Miếu của người Nùng là nơi quan trọng dùng để thờ vị thần Đất gọi là Thổ Công, miếu được dựng ngay khi chọn đất lập bản, miếu thường có diện tích nhỏ, sơ sài, lụp xụp và thường nằm ở đầu hoặc cuối bản.
Tục thờ cúng Thổ Công vào dịp lễ tết là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng nông nghiệp trong đời sống tín ngưỡng của người Nùng. Tết nguyên đán – ăn mừng một năm làm lụng vất vả và phát nương chuẩn bị trồng ngô, trồng chàm; tết thanh minh – chuẩn bị bước vào vụ xuân đồng bào bỏ phân bón lót ruộng, gieo mạ, đồng thời trồng lạc, đỗ, vừng; tết so lọoc – chuẩn bị gặt và xuân và cấy vụ hè – thu; tết slíp slí – cấy xong vụ hè – thu; tết cơm mới – tạ ơn thần Thổ Công và ăn mừng lúa mới; hội lồng tồng – một biểu hiện của lễ nghi nông nghiệp (Trần Văn Hà 1999: 75 – 76). Đồng bào Nùng xã Thạch Đạn sinh sống chủ yếu dựa vào canh tác cây lúa nước và làm nương rẫy nên kinh tế nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của họ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Minh Anh (2012), Tín ngưỡng thờ cúng của người Nùng Phàn Slình ở vùng cao biên giới (nghiên cứu ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 6, tr.49 – 57.
2. Bế Viết Đẳng (2006), Dân tộc học Việt Nam định hướng và thành tựu nghiên cứu (1973 - 1998), Nxb Khoa học Xã hội, H.
3. Lê Sỹ Giáo (2014), Thời gian đón năm mới của các dân tộc tại sao lại không giống nhau?, Tạp chí Bảo tàng & Nhân học, Số 1, tr.14 – 16.
4. Trần Văn Hà (1999), Các dân tộc Tày, Nùng với tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, Nxb Khoa học Xã hội, H.
5. Lã Văn Lô – Đặng Nghiêm Vạn (1968), Sơ lược giới thiệu các nhómdân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H.
6. Hoàng Lương (2013), Giới thiệu một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb Thông tin và Truyền thông.
7. Hoàng Nam (1992), Dân tộc Nùng ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.
8. Hoàng Văn Páo (2002), Lễ hội lồng tồng của người Tày Bản Chu xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.
9. Hoàng Văn Páo (2012), Cao Thị Hải, Lễ hội dân gian dân tộc Tày, Nxb Văn hóa Dân tộc, H.
10. Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng & văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Trẻ.
11. Hà Văn Thư - Lã Văn Lô (1984), Văn hóa Tày - Nùng, Nxb Văn hóa, H.
12. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn (1999), Địa chí Lạng Sơn, Nxb Chính trị Quốc gia, H.
13. Viện Dân tộc học (1992), Các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam, H.
14. Nguyễn Thị Yên (2009), Tín ngưỡng dân gian Tày - Nùng, Nxb Khoa học Xã hội, H.
Bài đã công bố tại Hội nghị Thông báo Văn hóa Dân gian năm 2015.
[1] số liệu điều tra về số miếu của xã Thạch Đạn (Nguồn: điều tra thực địa tháng 2/2015).1
[2]Lý Viết Cổ, bản Nà Lẹng, xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cung cấp.
[3]Cụ Lý Viết Cổ cung cấp
[4]Cụ Lý Viết Cổ cung cấp

https://www.facebook.com/notes/l%C3%BD-vi%E1%BA%BFt-tr%C6%B0%E1%BB%9Dngls/t%E1%BB%A5c-th%E1%BB%9D-th%E1%BB%95-c%C3%B4ng-trong-l%E1%BB%85-t%E1%BA%BFt-m%E1%BB%99t-bi%E1%BB%83u-hi%E1%BB%87n-c%E1%BB%A7a-t%C3%ADn-ng%C6%B0%E1%BB%A1ng-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9/587114621443463




Xứ Lạng là mảnh đất phên dậu phía bắc tổ quốc, là mảnh đất sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng…
Xứ Lạng mảnh đất có sự giao lưu tiếp xúc mạnh mẽ giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa Trung Hoa. Vì nằm ở vị trí tiếp giáp như vậy nên văn hóa Xứ Lạng có những nét đặc sắc và độc đáo riêng. Một trong số đó là tục lệ độc đáo ngày mùng 1 tết nguyên đán.
Tục lấy nước sáng mùng 1 tết
Sáng sớm ngày mùng 1 tết nguyên đán khi trời còn chưa sáng người Tày – Nùng mang theo vài nén hương, chút vàng mã và đôi thùng ra con suối hay chiếc giếng đầu bản để lấy nước đem về. Người Tày – Nùng quan niệm rằng nước suối hay nước giếng buổi sáng đầu năm có sự tinh khiết chưa bị ô uế và mang trong nó sự may mắn nên người Tày – Nùng dùng nước đó để rửa mặt nhằm mong muốn một năm gặp nhiều điều may mắn, phần còn lại đem đun sôi dùng để pha trà tiếp khách.


Người Tày – Nùng coi dòng suối, chiếc giếng là nơi bắt đầu sự sống, nước được dùng làm chày giã gạo, nước theo những chiếc “cọn nặm” (cọn nước), nước từ suối theo dòng mương đổ về ruộng lúa cằn khô, nước cung cấp tôm, cua, cá nguồn thức ăn tự nhiên cho đồng bào.
Tục lấy gia súc, gia cầm mùng 1 tết
Cứ mỗi khi năm hết tết đến tôi lại được ông tôi dặn rằng “Ông chuẩn bị ăn hùng [1] rồi năm nay cháu lại đi lấy lợn, gà, vịt nhé” nói xong ông tôi chỉ vào cái lồng làm bằng tre nhỏ xíu vừa được làm xong để ở góc nhà.
Thế rồi sáng mùng một tết nguyên đán khi gà vừa gáy ông đã gọi tôi dậy để ra bờ suối lấy gia súc, gia cầm. Tôi cầm đi theo vài nén hương, dăm ba tờ vàng mã ra bờ suối và cắm xuống rồi nhặt lấy những hòn đá cho vào chiếc lồng bằng tre đã chuẩn bị sẵn, hòn to là gà vịt, hòn to hơn nữa là lợn là trâu là bò…
Khi đi trên đường người Tày, Nùng thường kêu những tiếng như: “Cú, cú, cú”[2], “Dú, dú, dú”[3]… như đang gọi gà, vịt về nhà theo mình, họ tin rằng những hòn đá kia mang trong mình linh hồn những con gia súc, gia cầm nên nếu năm đó nhà nào đi lấy thì năm đó nhà đấy sẽ có nhiều gia súc gia cầm. Ngoài ra trên đường đi và về họ không chào cũng chẳng thưa dù gặp người quen hay họ hàng ở trong xóm bởi họ quan niệm rằng nếu mở miệng chào người khác thì gia súc, gia cầm sẽ theo người đó về nhà hay nó sẽ bỏ về rừng về suối chứ không về nhà nữa.
Do có điểm chung là đều ra bờ suối và cầm theo nén hương vàng mã nên người Tày – Nùng thường kết hợp hai tục này để đi một lần.
Chục năm về trước khi tục lệ này còn phổ biến thì cứ sáng mùng một tết ra bờ suối hay bờ giếng ta sẽ thấy có rất nhiều hương và vàng mã cắm ở hai bên bờ. Thế nhưng vài năm trở lại đây tục lệ này đã mất dần, hiện nay còn rất ít gia đình thực hiện tục lệ này vì thế những nén hương và vàng mã cũng đã ít dần bên dòng suối, bờ giếng.
Tục thăm và quét dọn Thổ Công sáng mục 1 tết
Tục này thường chỉ có các cụ cao niên trong bản thực hiện vào lúc sáng sớm tinh mơ ngày mùng một tết bởi người Tày, Nùng quan niệm ngày tết con gái không được bước chân vào Thổ Công.
Các cụ khi đi sẽ cầm theo chai rượu, “Lì xì”[4] và cây chổi để quét dọn trang hoàng Thổ Công.
Tục này thể hiện ước nguyện sống lâu (thọ) của con người, đồng thời cũng thể hiện sự tôn trọng người lớn tuổi vì Thổ Công là nơi thành kính tôn nghiêm nên chỉ có các cụ cao niên mới có thể “Xông”[5] đầu tiên.
Tục lệ này bây giờ cũng đang mất dần khi chỉ có các cụ ở tuổi “thất thập cổ lai hi”[6] thực hiện. Tác giả thiết nghĩ đây là một tục lệ đẹp cần phát huy. Tuy nhiên cũng cần bỏ đi cái chưa tích cực như chỉ có con trai mới được đến Thổ Công, chính cái tục lệ đó mà đồng bào Tày, Nùng luôn coi trọng “Con trai nối dõi tông đường”.
Tục cúng Thổ Công vào ngày mùng 1 tết
Tục này ở mỗi làng lại thực hiện khác nhau, có bản chọn thời gian buổi sáng khoảng 7h đến 8h, có bản chọn đúng giữa trưa khi qua 12h nhưng cũng có bản lại đi vào buổi chiều, thời gian nào là do quan niệm của từng làng nhưng tựu chung lại vẫn nhằm mục đích.
Cầu mong cho một năm mới mùa màng bội thu, gia súc gia cầm đầy nhà năm mới làm ăn khấm khá hơn năm trước, sức khỏe dồi dào nhà nào chưa có con sẽ sớm có tin vui, nhà nào chưa có con trai sẽ sinh con trai, nhà nào chưa có con gái sẽ sinh con gái và người nào lớn tuổi mà chưa cưới vợ cưới chồng năm mới sẽ cưới được vợ được chồng…
Người ta mang theo rất nhiều đồ cúng như bánh chưng, khẩu sli[7], bánh khảo, rượu, hương, vàng mã và một thứ không thể nào thiếu đó là con gà trống thiến. Người ta quan niệm rằng con gà nào càng to càng đẹp mã thì năm đó sẽ càng làm ăn thuận lợi vì vậy không ai bảo ai nhà nào cũng cố làm cho con gà của mình đẹp nhất.
Cũng chính những dịp như thế này mà tình làng nghĩa xóm càng có dịp được thể hiện đầy đủ nhất, người ta bỏ qua mọi thù hằn thường ngày để cùng nhau nâng ly rượu xuân chúc nhau năm mới sức khỏe. Những dịp như thế này là nơi để những giá trị văn hóa truyền thống được phát huy như múa sư tử, phát sỏi, hát sli, hát cỏ lảu… lại vang lên.
Đây là một tục lệ vẫn được đồng bào Tày – Nùng phát huy những giá trị tốt đẹp và những hủ tục cũng đang được loại bỏ dần. Hiện nay con gái đồng bào Tày, Nùng đã có thể đến Thổ Công vào sáng mùng một tết, đó là một nét đổi mới thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ đã không còn nặng nề như xưa.
Tục xông đất ngày mùng 1 tết
Tục lệ này có những điểm chung so với tục lệ xông đất trong Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính. Tuy nhiên nó cũng có những nét đặc sắc như:
Người Tày – Nùng sẽ chọn người xông nhà vào buổi sáng ngày mùng 1 tết trước khi đi thăm Thổ Công. Sau khi thăm Thổ Công về người ta không còn coi trọng vấn đề xông đất, xông nhà nữa.
Những người già, gia chủ thường sẽ không đi đâu vào ngày mùng 1 và những ngày tết bởi họ phải ở nhà để tiếp khách đến thăm. Nhà họ lúc nào cũng phải mở cửa và luôn sẵn lòng mời mọi người dù quen biết hay không quen vào chơi tết, đồng bào Tày, Nùng nhà nào càng có nhiều người vào chơi tết thì năm đó càng làm ăn tấn tới.
Văn hóa là nguồn cội của cuộc sống, văn hóa góp phần trang hoàng và làm cho cuộc sống càng đẹp hơn. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều nét văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một dần, thiết nghĩ đảng và nhà nước cần có biện pháp khôi phục.
[1] Ngôn ngữ Tày – Nùng, nghĩa là chiếc lồng, lồng gà, lồng vịt.
[2] Tiếng Tày – Nùng dùng để gọi Gà.
[3] Tiếng Tày – Nùng dùng để gọi Lợn.
[4] Tiếng Tày- Nùng, tờ giấy gián trước cửa thường in hình sao vàng, cờ đảng…
[5] Cúng như tục lệ xông nhà.
[6] Tuổi 70.
[7] Một loại bánh của dân tộc Tày – Nùng.
Sáng mùng một tết Bính Thân (2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.