Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/11/2015

Tích hợp hay là lai ghép môn : cần yêu nước, không cần giỏi Sử


Phát biểu của một ông thầy cũ ở Tổng hợp. Người từng ở chung khu vực bầu cử với chị Nga (xem lại ở đây).


Tóm tắt:



Dưới là toàn văn.


---


GS Đào Trọng Thi: 'Không cần sinh viên giỏi Sử, cần con người có lòng yêu nước'


(VTC News) – GS Đào Trọng Thi  cho rằng giáo dục Việt Nam không cần sinh viên giỏi Lịch sử, mà cần những con người có lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước. 
Hiện nay, dư luận có nhiều ý kiến cho rằng môn Lịch sử phải tồn tại độc lập mới tương xứng với vị thế cũng như đảm bảo được ý nghĩa, giá trị của môn học với sự sống còn của dân tộc.



GS Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thịnh)


Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đặt vấn đề Lịch sử là môn học độc lập hay tích hợp không phải cách đặt vấn đề hơp lý. 

Phẩm chất năng lực liên quan đến môn Lịch sử là phải giáo dục được lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với Tổ quốc, góp phần hình thành nhân cách học sinh. 

“Nếu nhóm kiến thức đó quan trọng thì phải bắt buộc. Đặc biệt là Lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, nó có vai trò rất lớn để  giáo dục lòng yêu nước bảo vệ duy trì sự tồn vong của một quốc gia”, GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.

Ông Thi cho rằng mục đích của giáo dục không phải giữ các môn học. Không có môn học nào là “bắt buộc phải tồn tại cả”. 

“Chúng ta cần phẩm chất năng lực, để có phẩm chất, kỹ năng phải có kiến thức và cách thức vận dụng kiến thức đó. Chúng ta có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau tích hợp, liên môn. Cái nào đạt được mục đích giáo dục thì chúng ta làm. Nếu dạy độc lập không đạt hiệu quả thì môn học tồn tại độc lập không để làm gì. 

Chúng ta không cần chứng minh rằng chúng tôi giữ được môn Lịch sử và môn Lịch sử của chúng ta thật hoành tráng. Chúng ta không cần sinh viên chúng ta giỏi Lịch sử, mà cần những con người có lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, hiểu được truyền thống dân tộc”, GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.

Vì vậy, vấn đề cần đặt ra là dùng hình thức nào dạy, truyền thụ được kiến thức Lịch sử cho học sinh để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc, giáo dục tinh thần trách nhiệm trước tổ quốc xã hội

Việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học tích hợp trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã khiến dư luận tranh cãi gay gắt trong thời gian qua

Kiến thức Lịch sử có thể kết hợp với kiến thức văn học để giáo dục lịch sử văn hóa, kết hợp với Địa lý để có lịch sử địa lý, lãnh thổ quốc gia hoặc kết hợp với Quốc phòng – An ninh để có những bài học về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, các bài học về quân sự.

“Nếu kiến thức lịch sử kết hợp với kiến thức của các môn học khác để hình thành một kiến thức tổng hợp, thành kỹ năng, nhận thức, phẩm chất để con người sử dụng nó giải quyết các vấn đề của công việc, cuộc sống và đạt được mục tiêu là giáo dục được lòng yêu nước thì chúng ta đã đạt được mục tiêu cao nhất”, GS Đào Trọng Thi nhận định. 

Vì vậy, ông Thi cho rằng môn Lịch sử không phải mục tiêu của giáo dục. 

“Kể cả môn Lịch sử có còn hay không, đó cũng không phải là mục tiêu của một nền giáo dục”, ông Thi khẳng định.

Video: Giật mình với câu trả lời hồn nhiên: ‘Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố con’


VTV
Nhiều chuyên gia cho rằng chưa có cơ sở vững chắc cho việc học tích hợp môn Lịch sử nên việc dư luận  nghi ngờ và lo lắng cho sự tồn vong của một môn Lịch sử là có cơ sở.


Chúng ta không cần sinh viên chúng ta giỏi Lịch sử, mà cần những con người có lòng yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, hiểu được truyền thống dân tộc
GS Đào Trọng Thi
Khi anh đưa ra nhận định anh phải có lập luận, cơ sở thực tế để chứng minh môn Lịch sử phải tồn tại độc lập thì mới giáo dục được lòng yêu nước và truyền thống dân tộc”, ông Thi bày tỏ quan điểm.

Vì vậy, những người làm chương trình phải chứng minh được “làm tích hợp sẽ tốt, hiệu quả, đạt mục tiêu đào tạo năng lực phẩm chất người học hiệu quả hơn là môn học độc lập”.

Khi các chuyên gia phản bác lại ý kiến của những người xây dựng chương trình thì cũng phải chứng minh.

“Các nhà khoa học phải chứng minh bằng khoa học, chứ không thể áp đặt bằng định kiến. Nói thế thì không còn là khoa học và không xứng để mang ra bàn giữa một cộng đồng khoa học”, GS Đào Trọng Thi nói.

Tuy nhiên, ông Thi cho rằng những nhà khoa học có quyền nghi ngờ. Vì vậy, những thành viên ban soạn thảo chương trình cần phải tìm mọi lý lẽ, kinh nghiệm từ nước ngoài và kết quả đã thực nghiệm trên thực tế làm cơ sở chứng minh để thuyết phục họ. 

Quốc hội đã ra nghị quyết xác định sẽ tăng cường dạy tích hợp. Nhưng điều đó không có nghĩa là dạy tích hợp một cách mù quáng, 

“Cả thế giới đã chứng minh dạy tích hợp là một phương pháp tiên tiến, nhưng người ta cũng không nói cái gì cũng có thể tích hợp và tích hợp bất cứ lúc nào…Phải lựa chọn những nội dung nào có thể tích hợp”, GS Đào Trọng Thi nêu quan điểm.

Ông Thi cho rằng dạy tích hợp hay độc lập nó chỉ là phương tiện để đạt mục đích giáo dục. Do đó, phương pháp nào hiệu quả phù hợp thì chúng ta lựa chọn. 

“Câu chuyện vẫn còn ở phía trước, chưa thể nói được ngay là tích hợp tốt hơn hay độc lập mới đúng. Vì bây giờ ban xây dựng chương trình mới đưa ra môn học, chưa nói cụ thể nó sẽ như thế nào, ra sao vậy tại sao chúng ta lại có thể chủ quan duy ý chí quy kết nó là không tốt?”, ông Thi nói.


http://vtc.vn/gs-dao-trong-thi-khong-can-sinh-vien-gioi-su-can-con-nguoi-co-long-yeu-nuoc.538.582136.htm

4 nhận xét:

  1. Tôi không tin GS mà ăn nói kì quái như vậy. Lịch sử là một khoa học, chẳng liên quan chuyện yêu nước, hình thành nhân cách người học... hay không. GS cũng phán bừa, chẳng thấy dẫn chứng (hay chứng minh), “Cả thế giới đã chứng minh dạy tích hợp là một phương pháp tiên tiến..." Rất giông phong cách một ông giáo viên cấp 1 trường quê hehe.

    Trả lờiXóa
  2. Dân ta phải biết sử ta
    Nếu mà không biết thì tra Gu Gồ

    Sao mà ông Thi này lại phán bừa phán ẩu như thía nhể ( !? ) Lịch sử là lịch sử , nhân cách con người và lòng yêu nước thì đâu liên quan gì đến nhau . Lòng yêu nước thì nó đã ngấm vào tâm khảm của người dân Việt từ hàng ngàn năm nay . Trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm những người nông dân một nắng hai sương , họ hoàn toàn mù chữ thế mà vẫn sẵn sàng buông cày để cầm vũ khí chống giặc
    Trong quá trình dựng nước và giữ nước thì bất cứ dân tộc nào cũng trải qua những trang sử hùng tráng lẫn bi thảm . Cái quan trọng là phải viết thật trung thực để những thế sau soi chiếu vào đó làm bài học tránh được những sai lầm của tiền nhân, chứ không phải cứ suốt ngày tụng ca
    Một điểm thi chỉ có một thí sinh thi môn sử mà có cả một hội đồng thi hơn 60 người thì ta phải xem lại môn Sử tại sao lại bi đát như vậy . Nếu cần thiết thì phải viết lại hoàn toàn môn sử, đièu quan trọng là không được thêm thắt hay bóp méo lịch sử , dám chỉ rõ những sai lầm mà nó đã xảy ra trong quá khứ . Có nhiều bộ sử cũng đáng đọc : Đại Việt sử ký toàn thư , Việt sử cương giám thông mục , Việt sử tiêu án cỉa các Sử gia Ngô sĩ Liên , Ngô thì Sĩ , Lê văn Hưu vvv . Ngay gần đây thì có Việt sử yếu của Cụ Hoàng cao Khải , Việt Nam sử lược của Cụ Trần Trọng Kim . Chúng ta có thể tham khảo mấy bộ sử trên khi chưa có bộ sử mới

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Salam quả là chịu khó đọc Sử đó.

      Riêng bộ của Hoàng Cao Khải, bác cũng đã đọc, chứng tỏ bác là "sinh viên giỏi Sử" đấy !

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.