Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được nhiều nước trên thế giới xem trọng là mối quan hệ mẫu mực. Tình cảm mà nhân dân 2 nước Việt-Nhật dành cho nhau có thể nói vượt qua giới hạn không gian, thời gian và những trở ngại khách quan khác. 

Có một điều đặc biệt rất ít người biết là cách đây hơn 400 năm, vào năm 1591, vua Lê Thế Tông đã cho người viết thư gửi Quốc vương Nhật Bản để đặt mối bang giao 2 nước. Mới đây, tại nhà thờ họ Nguyễn Cảnh ở xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, Nghệ An, con cháu dòng họ đã tiếp nhận phiên bản bức thư ngoại giao nói trên giữa Việt Nam và Nhật Bản do vị tổ đời thứ 6 Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Cảnh Đoan viết gửi cho quốc vương nước Nhật Bản.

Người dịch thuật nội dung bức thư cổ
Khi gặp Trần Mạnh Cường, ở huyện Con Cuông, Nghệ An chúng tôi thực sự bất ngờ, bởi người được mệnh danh là “ông đồ” trẻ nhất xứ Nghệ lại sở hữu một vốn kiến thức rất phong phú về lịch sử, văn hóa dân tộc, đặc biệt là các tư liệu cổ, quý hiếm của đất nước. 

Mới đây, sau khi Bảo tàng quốc gia Kyushu ở thành phố Saifu, tỉnh Fukuoka tuyên bố đã tìm thấy bức thư cổ nhất của Việt Nam gửi đến Nhật Bản đặt mối quan hệ bang giao. Trần Mạnh Cường đã luôn tâm niệm làm sao có được bức thư cổ đó để dịch thuật xem trên thư nói gì. 

Khi cầm trong tay phiên bản bức thư, Cường đã quên ăn, quên ngủ để nghiên cứu. Mặc dù mới bước qua tuổi 27 nhưng làm chủ được ngôn ngữ chữ Hán và nhiều ngôn ngữ cổ khác nên việc dịch thuật của Cường không mấy khó khăn.

Trải qua hơn 400 năm nhưng bức thư còn rất nguyên vẹn, đầu bức thư có tựa đề chỉ tên người viết “An Nam quốc Phó đô đường Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Thư giản”, thời gian ghi trên thư là “Quang Hưng thập tứ niên nhuận tam nguyệt nhị thập nhất nhật” tức là ngày 21/3/1591. Bức thư có chiều rộng 33,3cm và chiều dài 34,9cm. 

Bức thư cổ từ hơn 400 năm trước được gửi từ Việt Nam đến quốc vương Nhật Bản để đặt mối quan hệ bang giao giữa hai nước.
Sau khi đọc bức thư cổ, Trần Mạnh Cường đã nghiên cứu và phát hiện danh tính của người gửi thư là Phúc Nghĩa Hầu Nguyễn Cảnh Đoan, con trai thứ 8 của Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan, ở Thanh Chương, Nghệ An. Để xác nhận lại chính xác thông tin, Cường đã tìm đến dòng họ Nguyễn Cảnh ở xã Thanh Hưng, Thanh Chương nghiên cứu sơ đồ phả hệ và bộ tiểu thuyết lịch sử Hoan Châu Kí. Chàng trai trẻ còn tìm đến tận Hội An (Quảng Nam) và Phố Hiến (Hưng Yên) để tìm hiểu thêm về mối quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản-Việt Nam. 

Phần địa chỉ nơi nhận thư trên bức thư ghi “Nhật Bản quốc quốc vương” nghĩa là “gửi quốc vương Nhật Bản” với nội dung chính của bức thư viết đại ý “Năm ngoái, tôi đã nhờ cậy sứ tiết là ngài Chin Ryo Zan (Trần Lương Sơn) mang các vật phẩm như ngà voi về quý quốc. Năm nay, tiết sứ Ryugen cho biết là không biết ai tên là Chin Ryo Zan nên chúng tôi xin một lần nữa gửi tặng quý quốc các tặng phẩm quý giá này.” Đồng thời trên bức thư ghi rõ việc muốn đặt mối quan hệ bang giao với Nhật Bản “vãng lai giao tín chi nghĩa”. 

Bức thư không đến được tay Quốc vương Nhật Bản lúc bấy giờ, vào năm 1601, sử liệu ngoại giao thời Mạc phủ Edo đã ghi lại bức thư phúc đáp kết tình bang giao của tướng quân Tokugawa gửi nước An Nam. 

Theo sử liệu, các bức thư từ nước An Nam gửi đến Nhật Bản hiện trong giai đoạn này được xác định là khoảng 20 bức. Trong số đó, bức thư gửi tướng quân Tokugawa Ieyasu có tựa đề “An Nam quốc nguyên soái thuỵ quốc công thượng thư” (năm 1601) được mô tả trong thư tịch ngoại giao thời Edo là bức thư cổ nhất từ trước đến nay song bức thư này đã bị thất lạc từ lâu. 

Vì vậy, bức thư nói trên được cho là bức thư cổ nhất được tìm thấy ở Nhật Bản và có trước bức thư gửi tướng quân Tokugawa tới 10 năm. Nội dung bức thư đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam muốn thông thương với Nhật Bản từ hơn 400 năm trước.

Cháy hết mình với lịch sử văn hóa dân tộc

Xuất thân từ huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An, tốt nghiệp loại giỏi ngành Hán Nôm trường Đại học Khoa học Huế, Trần Mạnh Cường khăn gói về lại Nghệ An đến thư viện tỉnh làm việc theo diện thu hút nhân tài của địa phương. 

Hàng ngày, với chiếc xe máy làm bạn Cường rong ruổi khắp mọi ngả đường, thôn quê xứ Nghệ chỉ để sưu tầm, nghiên cứu các tư liệu lịch sử, văn hóa cổ cho thỏa chí đam mê. Chính trong những ngôi đền, miếu mạo, nhà thờ các dòng họ… đã và đang lưu giữ những tư liệu lịch sử, văn hóa lâu đời của dân tộc, tất cả những con chữ im lìm kia đang từ từ được Trần Mạnh Cường đánh thức, với những phát hiện đầy bất ngờ. 

Ngoài chữ Hán, Nôm, Trần Mạnh Cường cũng đang say sưa với chữ Thái để đọc nghiên cứu các tài liệu cổ trong ngôn ngữ này. Bên cạnh đam mê, nghiên cứu giải mã về các tư liệu cổ, Trần Mạnh Cường rất say sưa với mảng tư liệu về chủ quyền biển đảo của đất nước. 

Năm 2013, trong quá trình nghiên cứu cuốn “Giáp Ngọ niên bình Nam đồ”, Trần Mạnh Cường phát hiện những tư liệu cho khẳng định địa danh “Bãi Cát Vàng” trên bản đồ này chính là tiền thân của Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay. Ngay sau đó, Cường cho in khổ lớn tấm bản đồ dán lên tường đồng thời trưng bày các tư liệu, cứ liệu về Hoàng Sa, Trường Sa quanh phòng làm việc. 

Và hiện phòng làm việc của anh ở thư viện Nghệ An được anh sắp xếp thành nơi trưng bày các tư liệu về chủ quyền của Việt Nam. Nhiều học giả trong và ngoài nước, các đoàn khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản... khi đến thư viện Nghệ An đều vào thăm căn phòng của “ông đồ” Nghệ trẻ tuổi.

Dương Sông Lam

http://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Chuyen-ve-buc-thu-ngoai-giao-gui-quoc-vuong-Nhat-Ban-tu-hon-400-nam-truoc-365780/