Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/12/2014

Pháo cứu sinh cho doanh nghiệp Việt : kiều hối đạt 90 tỉ USD

Tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Con số tính từ năm 1991, tức là sau Đổi Mới. Và kiều hối là nguồn vốn lớn thứ hai, sau FDI (tức là vượt qua cả ODA đã giải ngân). Và đang mong Cu Nỡm phân tích thêm.


Một hồi mình qua chơi với chủ quán H. Anh khoe là mua được một cái khách sạn ở Việt Nam, để cho ông bà già anh ở Cần Thơ kinh doanh. Thời giá năm đó anh bảo 5 tỉ.  Tại sao có khoản tiền đó thì sẽ phải mất nhiều bút mực và thời gian. Nhưng rõ là số tiền rất lớn ở thời điểm ngay sau năm 2000. Đến một thời gian sau, qua anh, anh bảo: ông bà già ăn chơi quá, bán mất khách sạn rồi ! Tiền anh gửi về, bỗng chốc hao đi quá nhiều.


Từ đây trở xuống là của TBKTSG.

---


Hơn 90 tỉ đô la Mỹ kiều hối đã gửi về Việt Nam
Tư Hoàng - Thùy Dung
Thứ Tư,  17/12/2014, 16:45 (GMT+7)
(TBKTSG Online) - Nguồn tiền kiếu hối - hiện đã vượt 90 tỉ đô-la Mỹ kể từ năm 1991 - đang trở thành phao cứu sinh cho nhiều doanh nghiệp, và là nguồn tài chính rất quan trọng với nhiều gia đình ở Việt Nam, theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Đánh giá này được tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó CIEM, đưa ra nhân sự kiện Công ty Western Union kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam chiều 17-12 tại Hà Nội.
Tiến sĩ Thành cho biết, trong giai đoạn 1991-2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm đã tăng trưởng trung bình 38,6%/năm, với tổng giá trị kiều hối là 80,4 tỉ đô la Mỹ, chưa tính lượng kiều hối năm nay 2014, dự kiến vào khoảng 11-12 tỉ đô la Mỹ.
Mỹ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất. Trong giai đoạn 2010-2012, kiều hối từ Mỹ chiếm tới 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Trong cùng kỳ, các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (chiếm khoảng 9%), Canada (8,4%), Đức (6%), Campuchia (4%), và Pháp (4%).
Theo ông Thành, trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn FDI), và lớn hơn cả vốn ODA đã giải ngân.
“Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô,” ông Thành nói.
Ông nói thêm, kiều hối còn giúp tăng tiết kiệm, đầu tư, giảm gánh nợ, giúp cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, giúp ổn định tỉ giá, cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối.
Do đó, “kiều hối có tác động rất tích cực đến vĩ mô ở Việt Nam,” ông Thành nói.
Theo khảo sát của CIEM được tiến hành với hàng trăm người ở bảy tỉnh, thành phố ở Việt Nam, khoảng 16% người tham gia khảo sát cho biết dòng tiền kiều hối chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất; khoảng 17% số người tham gia cho biết tiền kiều hối chiếm đến 80% tổng thu nhập gia đình họ. Có đến 40% số người tham gia khảo sát cho biết, tiền kiều hối đóng vai trò “quan trọng” và “rất quan trọng” đối với đời sống gia đình họ.
“Kiều hối đóng vai trò “phao cứu sinh” cho các nhà đầu tư không thể vay vốn ngân hàng do các quy định nghiêm ngặt về vay vốn,” ông Thành nói thêm.
Tiền kiều hối được sử dụng để chi trả phí sinh hoạt hàng ngày, đầu tư vào sản xuất kinh doanh và trả nợ.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, 187 quốc gia gửi kiều hối về Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Còn theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, có khoảng 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, và học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới với tổng giá trị kiều hối là 11 tỉ đô la Mỹ năm 2013, chiếm đến hơn 8% GDP.
Western Union bao gồm hơn 9.300 điểm giao dịch đại lý ở 63 tỉnh thành, và dịch vụ chuyển tiền của Western Union giúp kết nối với người Việt Nam với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đọc thêm:

---
Bổ sung 1 (2/5/2015): 

 27/04/2015 01:00 GMT+7

Kiều hối về VN đã được dùng làm gì ?

Một tồn tại đang đặt ra là tuy nguồn kiều hối dồi dào như vậy song chủ yếu đang đổ vào bất động sản hoặc các kênh gửi tiết kiệm, ít đi vào sản xuất.
LTS: Kiều bào luôn là một lực lượng hùng hậu đóng góp cho phát triển đất nước ở nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục. Vai trò đó còn được đo lường qua dòng kiều hối gửi về nước suốt thời gian qua, đặc biệt trên địa bàn thành phố HCM. Bởi vậy, sẽ là rất cần thiết để cùng nhìn lại những đóng góp của bà con kiều bào, đặc biệt từ góc độ kiều hối.
Bản đồ kiều hối
“TP.HCM hiện đang có một Hiệp hội khởi nghiệp, tiền thân của hiệp hội này là hàng trăm, nghìn  DN tư nhân, dân doanh được thành lập từ nguồn kiều hối của kiều bào nước ngoài gửi về viện trợ cho bà con trong nước suốt nhiều thập kỷ qua”, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, nguồn kiều hối khác hẳn với tiền ODA hay FDI của nước ngoài vào Việt Nam. Đây là số tiền của bà con sống ở nước ngoài, bà con đi lao động ở nước ngoài gửi về… đó là nguồn tiền không hoàn lại. Trong khi đó, ODA không phải là khoản tiền cho không, biếu không, mà là cho vay dài hạn, còn FDI là đầu tư nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời, và cuối cùng sẽ chuyển trả về nước ngoài.
Kiều hối, Kiều bào, hòa hợp dân tộc, hòa giải, 30 tháng 4
Ảnh minh họa: CafeF
Cùng với dòng lao động dịch chuyển từ trong nước xuất khẩu sang nước ngoài và lượng kiều bào đông đảo ở khắp nơi trên thế giới, hơn hai mươi năm nay, lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 38%, theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong “Nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” mới công bố. Theo con số chính thức tính đến quý một năm nay, tổng lượng kiều hối về VN đạt hơn 90 tỷ USD. Con số này chỉ sau nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào VN và lớn hơn nguồn viện trợ phát triển ODA đã giải ngân.
Khảo sát của CIEM cũng chỉ ra, có những giai đoạn như từ năm 2004-2006, kiều hối thậm chí còn là nguồn vốn lớn nhất của đất nước. Hoa Kỳ là quốc gia chuyển kiều hối về VN nhiều nhất, trong ba năm trở lại đây chiếm 57% tổng kiều hối chính thức. Tiếp theo là Úc, Canada, Đức, Campuchia và Pháp…
Riêng tại TP.HCM, địa phương tiếp nhận kiều hối lớn nhất cả nước, theo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, kiều hối chuyển về các NH trên địa bàn TP.HCM năm 2014 đã tăng 200-300 triệu USD so với năm ngoái, đạt 5 tỉ USD.  Những dòng vốn này thật sự đã có tác động lớn với các cá nhân nhận tiền nói riêng, cũng như sự phát triển của thành phố nói chung.
Lý giải nguyên nhân kiều hối đổ về thành phố ngày càng tăng, đại diện NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, là do số kiều bào và lao động xuất khẩu tăng lên, cộng với nhiều chính sách thông thoáng của nhà nước.
Hiện nay có 4,5 triệu người Việt đang sinh sống tại trên 100 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra có khoảng nửa triệu công nhân Việt Nam đang làm việc ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… qua chương trình xuất khẩu lao động. Đây là lực lượng chủ lực “kiếm tiền gửi về nước”.  Bên cạnh đó, trong những năm qua, nhà nước có chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư; cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng. Mặt khác, dịch vụ chuyển kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp với tính chất cạnh tranh rất cao.
Kiều hối về VN đã được dùng làm gì?
Ông Võ Trí Thành, phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, một trong hai thành viên tham gia xây dựng nghiên cứu về kiều hối, cho hay, tỉ trọng người nhận kiều hối có mục đích chi tiêu hằng ngày lên tới 35,4% tổng lượng kiều hối. Như ở TP.HCM, trong ba năm gần đây tỉ trọng này chiếm 45% tổng lượng kiều hối.
Còn kiều hối đầu tư vào sản xuất - kinh doanh nói chung chiếm khoảng 16% như sản xuất và dịch vụ: 30% đầu tư vào bất động sản, vàng chiếm khoảng 20%...
Có tới 11% tổng kiều hối được gửi tiết kiệm để lấy lãi, còn sử dụng cho các mục đích như chữa bệnh, đi học, trả nợ... chỉ 7-10%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhận định: “Đang có sự dịch chuyển qua lại giữa các kênh đầu tư. Cụ thể theo báo cáo từ các NH trên địa bàn thành phố, năm 2014 có 71,4% lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh (lĩnh vực này năm 2013 là 70,2%), lĩnh vực bất động sản chiếm 22,1%, còn lại dùng vào hỗ trợ, chi tiêu gia đình”.
Còn theo ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài: Kiều hối ngày càng được sử dụng có hiệu quả hơn.
Kiều hối, Kiều bào, hòa hợp dân tộc, hòa giải, 30 tháng 4
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ Việt kiều. Ảnh: Thanh niên
Khảo sát năm 2014 cho thấy tại TP.HCM, nơi tiếp nhận một nửa kiều hối của cả nước cho thấy, 72% kiều hối đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. 22 % đầu tư vào BĐS  Từ chỗ trước đây kiều hối gửi về để giúp đỡ thân nhân thì nay kiều hồi đã chuyển sang góp vốn kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm cho đất nước trong giai đoạn khó khăn và vực dậy sản xuất trong nước.
Cũng theo ông Nam, hiện nay có khoảng 7.000 Việt kiều đã đăng ký sở hữu nhà tại Việt Nam trực tiếp đứng tên, chưa kể có thể không ít Việt kiều mua nhà nhờ người thân đứng tên.
Nếu năm 2004, số lượng người Việt Nam sống ở nước ngoài khoảng 2,7 triệu người thì sau 10 năm, đến năm 2014 tăng lên 4,5 triệu người tại 109 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, mỗi năm có khoảng 500.000 Việt kiều về Việt Nam ăn tết cổ truyền.
Ngoài ra, kiều bào còn tham gia đóng góp trong một số hoạt động từ thiện, thiện nguyện. Trong năm 2014, Ủy ban về người Việt ở nước ngoài TP.HCM đã đứng ra vận động, hỗ trợ kiều bào tham gia nhiều hoạt động xã hội từ thiện như ủng hộ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học vùng sâu vùng xa, học bổng cho HS-SV vượt khó học giỏi; xây cầu bê tộng, xây nhà tình thương, v.v… Ông Trần Hòa Phương, phó chủ nhiệm Ủy ban cho biết: “Từ các nguồn kiều hối, đã vận động xây dựng được 2 nhà tình thương ở Củ Chi và Bình Chánh, xây 19 cây cầu bê tông ở các tỉnh ĐBSCL với tổng giá trị 3 tỷ đồng”…
Tuy vậy, một tồn tại đang đặt ra là tuy nguồn kiều hối dồi dào như vậy song chủ yếu đang đổ vào bất động sản hoặc các kênh gửi tiết kiệm, ít đi vào sản xuất.
Do vậy, về chính sách lâu dài, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, phải coi kiều hối là nguồn tài chính hùng hậu có thể giúp nền kinh tế phát triển thông qua kênh kinh tế dân doanh của mỗi hộ gia đình.  Có chính sách ưu đãi đối với kiều hối không kém hơn đối với đầu tư nước ngoài FDI, đồng thời phải có chính sách ứng xử với Việt kiều như thế nào cho phù hợp, tạo được lòng tin.
(Còn nữa) 
Duy Chiến
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/232623/kieu-hoi-ve-vn-da-duoc-dung-lam-gi-.html




02/05/2015 01:00 GMT+7

'Việt Nam mở cửa hết cỡ rồi'

“Về chính sách thì như hiện nay của nước ta là đã “mở” hết rồi, rất thông thoáng và thuận lợi cho người gởi và người nhận. Trên thế giới các nước nhận kiều hối cũng chỉ “mở” như ta là hết cỡ”, chuyên gia tài chính – ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn khẳng định về dư địa chính sách cho thu hút kiều hối.
>> Xem lại Bài 2:
Theo ông Sơn: Kiều hối là tiết kiệm của người dân ở nước ngoài gửi về. Và là phần thu nhập bổ sung của người trong nước nhận được dưới dạng USD. Thứ nhất, nguồn thu nhập bổ sung đó góp phần làm tăng sức mua của toàn xã hội. Đây là điều rất tốt. Thứ hai, dưới hình thức USD  như vậy, kiều hối làm tăng nguồn cung ngoại tệ, góp phần ổn định mức cung cầu ngoại tệ trên thị trường, giúp cho tỷ giá đồng Việt Nam tương đối ổn định.
Quy định của ngân hàng Nhà nước VN là cho người dân có thể rút ra được nguồn ngoại tệ chứ không phải bán thẳng luôn cho bên ngoài nên không gọi là dự trữ ngoại tệ. Và nó chỉ là một nguồn thanh khoản ngoại tệ cho hệ thống Ngân hàng là đúng. Điều này góp phần làm ổn định trị giá của đồng tiền VN, tăng thu nhập của người dân. GDP của người dân mình ở mức này nhưng người dân được một nguồn ngoại hối như vậy giúp họ lại được thêm một nguồn viện trợ khác cho từng cá nhân. Như thế sẽ làm sức mua của họ tốt hơn. Nhờ đó, trong những khi nguồn kinh tế khá èo uột thì sức mua này sẽ giúp cho một số hoạt động SX KD khá là ổn định so với những nước không có nguồn ngoại hối như ta.
Kiều hối, Việt Kiều, kiều bào, hòa hợp, hòa giải, 30 tháng 4, Huỳnh Bửu Sơn, ngân hàng Nhà nước, ngoại tệ, xuất khẩu lao động
Ông Huỳnh Bửu Sơn. Ảnh: FBNV
Trong nền kinh tế có sự liên quan khăng khít giữa các lĩnh vực, con người. Kiều hối có vai trò rất lớn tăng sức mua của dân, nguồn thu nhập của người này sẽ tạo ra thu nhập cho người khác nếu họ chi tiêu. Cái đó rất quan trọng và có ý nghĩa mà đôi khi ta không thấy hết.
Còn nói kiều hối có tác dụng như thế nào với nền KT đất nước thì dưới góc độ tài chính,  đây là nguồn thanh toán ngoại tệ tất tốt, rất lợi.  Còn việc đầu tư thế nào thì phụ thuộc vào môi trường đầu tư. Nhưng nói gì thì nói, đây là một yếu tố tích cực.  Nếu chúng ta đặt cho nó một vai trò quan trọng thì cũng  phải hiểu rằng cái nguồn trên 10 tỷ USD/năm này phải san sẻ cho biết bao nhiêu triệu người chứ không phải là cho một số ít người.  Nhưng rõ ràng nó sẽ làm cho khung ngoại tệ của đất nước thêm dồi dào, góp phần ổn định tỷ giá đồng tiền VN.  
Hiện nay mỗi năm VN nhận trên 10 tỷ USD từ nguồn kiều hồi.  Như ông thấy, ta đã dùng có hiệu quả nhất chưa?  
Sau 1975 chúng ta “dính” cơ chế bao cấp quá lâu, rồi chiến tranh biên giới, nên  gặp khó khăn. Tới khi Đổi mới năm 1986 thì  kinh tế mới phát triển. Vì vậy các nước trong khu vực đã vượt quá chúng ta khá xa.
Vấn đề là do cách làm. TQ là nước lớn như vậy mà tăng trưởng rất cao và ổn định là do cách làm của họ. Nếu ta cải cách phù hợp để có bước đi đúng thì ta còn có thể nhanh như thế hoặc hơn vì người dân miền Nam đã quen với cơ chế thị trường, rất năng động.
Nói ra như vậy để thấy đúng mức vai trò của từng vấn đề. Kiều hối là quan trọng, rất có ích và đóng góp rất nhiều trong thời gia qua và sắp tới. Nhưng để đất nước phát triển được tốt thì còn các yếu tố khác nữa.
Theo ông, cần có chính sách như thế nào để thu hút thêm kiều hối góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước? Sự năng động của TP.HCM trong việc thu hút kiều hối có giúp gì để thu hút nhiều hơn cho cả nước hay không?  
Về chính sách thì như hiện nay của nước ta là đã “mở” hết rồi, rất thông thoáng và thuận lợi cho người gởi và người nhận. Trên thế giới các nước nhận kiều hối cũng chỉ “mở” như ta là hết cỡ. Ở nhiều quốc gia khác khi người dân nhận được kiều hối phải bán cho Ngân hàng Nhà nước. Còn ta mở rộng cửa hơn như thế cũng không sao, vì cuối cùng đó cũng là tiền ngoại tệ thu về trong hệ thống Ngân hàng VN.
Tuy nhiên, kiều hối giúp cho nền kinh tế có sự ổn định thì nó cũng có hai mặt. Có nghĩa là nếu đồng tiền VN cứ ổn định giá cao kéo dài sẽ ảnh hưởng phần nào tới xuất khẩu. Như vậy sự ổn định có thể giúp tâm lý của người dân ít bị dao động, yên tâm gửi tiền về. Nhưng Nhà nước cũng cần quan tâm tới mặt kia.
Còn để cho người dân nhận tiền kiều hối yên tâm đầu tư vào SX- KD thì phụ thuộc vào môi trường đầu tư và niềm tin vào tương lai nền kinh tế đất nước mà Chính phủ tạo ra. Ví dụ như yên tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán, sự dễ dàng cho các DN mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng được thị trường; tháo gỡ những khó khăn rắc rối về đất đai, bất động sản, giá đất giá cho thuê, v.v…
Nói chung liên quan đến nhiều chính sách khác mà ta hay gọi là môi trường đầu tư, để người dân thấy thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng thì đầu tư vào SX – KD, hay hợp sức với nhau để mở rộng SX, hoặc có thể mua cổ phiếu, v.v... Tức là làm sao cho người dân có nhiều kênh để sử dụng nguồn kiều hối cho hữu ích hơn, vừa “lợi nhà” và “ích nước”.  
Thật sự mà nói, trong nền kinh tế như thế này thì sự đóng góp kiều hối có vai trò rất lớn trong sức mua của người dân, một nguồn thu nhập của người này sẽ tạo ra thu nhập của người khác nếu họ chi tiêu, cái đó rất quan trọng và có ý nghĩa mà đôi khi ta không thấy hết.
Vì vậy, nói rộng hơn thì cần phải làm sao bảo vệ được lợi ích cho người gửi và người nhận kiều hối. Họ có thể yên tâm đầu tư vào nhiều kênh phù hợp với họ. Và quan trọng hơn là những kênh đầu tư này mang lại hiệu quả để họ yên tâm mở rộng, tái đầu tư…  
Kiều hối đã đóng góp rất lớn cho đất nước suốt 20 năm qua là điều không ai có thể phủ nhận. Theo ông, vai trò lịch sử của kiều hồi còn kéo dài đến bao giờ? Ví dụ như nửa thế kỷ trước Malaysia cũng từng là “cường quốc” xuất khẩu lao động như Philippines và VN bây giờ. Nhiều người dân Malaysia cũng phải sống nhờ kiều hối. Song nhờ kinh tế phát triển, nay họ trở thành nước nhập khẩu lao động, nguồn kiều hối giảm xuống còn không đáng kể?
Kiều hối còn kéo dài và không thể biến mất được trừ khi VN ta giàu mạnh hơn nước Mỹ thì mới không còn kiều hối! Vì khi còn một cộng đồng người VN ở nước ngoài có quan hệ với thân nhân của họ ở trong nước thì kiều hối còn tồn tại. Thứ nữa là kiều hối không phải chỉ có từ những người đi lao động ở nước ngoài. Đó chỉ là một phần thôi. Còn lại kiều hối là từ cộng đồng người VN định cư ở nước ngoài nên nó sẽ kéo dài và gần như không ngừng trong tương lai.
Duy Chiến
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/232628/-viet-nam-mo-cua-het-co-roi-.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.