Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/12/2014

Cây cầu Long Biên, và một Việt kiều trở về từ Paris

Ghi chú của mình cho bài báo dưới đây của Tuổi trẻ Thủ đô, rằng: lịch tổ chức được lùi xuống tháng 1 năm 2015. Bài báo chạy từ tháng 10 năm 2014, nên kế hoạch lúc ấy là vào tháng 12.

Người Việt kiều ấy là nữ, mình đã điểm ở entry nói về cuộc chiến giữa chiếc đinh và con thiên nga (xem lại ở đây ở đây).


Từ đây là bài báo của Quang Anh.


---

Người phụ nữ "sống chết" cùng cây cầu Long Biên


09/10/2014 18:19
http://tuoitrethudo.vn/van-hoa/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nguoi-phu-nu-song-chet-cung-cay-cau-long-bien-10602-6.html

Thừa hưởng "nghề" kiến trúc từ cha cùng tình yêu văn hóa nghệ thuật từ mẹ, bà Nguyễn Nga dù suốt mấy chục năm sống ở Pháp, vẫn luôn đau đáu về quê hương. Những hoạt động xã hội của bà có rất nhiều nhưng phần lớn tâm sức của bà đều dành cho việc gìn giữ, bảo tồn cây cầu Long Biên.


    Bà Nga "cầu Long Biên"
    Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga sinh năm 1951 tại Hà Nội trong một gia đình có bố là kiến trúc sư yêu hội họa và âm nhạc, mẹ là người phụ nữ Kinh Bắc đảm đang trong kinh doanh. Là người con thứ tư trong 12 anh chị em, Nguyễn Nga thừa hưởng chất nghệ sĩ của cha, nét đảm đang của mẹ. Bà theo gia đình sang Lào rồi sang Pháp từ nhỏ, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ về kiến trúc Quy hoạch đô thị, Paris (1973 - 1979), cử nhân về quản trị kinh doanh tại Viện Quản trị kinh doanh châu Âu (1986).
    Sống bôn ba nơi xứ người, Nguyễn Nga luôn giữ trong mình những kí ức về quê hương đất nước Việt Nam. Những năm sống ở Pháp, bà đã tập hợp bạn bè làm nhiều hoạt động văn hóa để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nguyễn Nga cũng khởi xướng vẽ tranh minh họa cho chuyện cổ tích Việt Nam bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp (1984 - 1986) để bồi đắp văn hóa Việt cho chính con mình và những người Việt sống xa quê. Nguyễn Nga cũng là người sáng lập cho hội người Việt tại Pháp một trung tâm văn hóa Việt Nam đầu tiên tại Paris, mang tên Ngôi nhà Việt Nam (Maison du Vietnam) và đã được đánh giá 5 sao từ một cuộc khảo sát các trung tâm Văn hóa thế giới trên địa bàn Paris.
    KTS Nguyễn Nga
    Đất nước thống nhất, nữ Việt kiều về Việt Nam sống, làm việc và là người làm cầu nối giữa Pháp và Việt Nam qua những dự án kinh tế và hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên có lẽ, toàn bộ tâm sức, thời gian, tiền bạc bà đều dồn vào Dự án Bảo tồn, cải tạo và Phát triển cầu Long Biên. Người dân Hà Nội ưu ái gọi KTS Nguyễn Nga là bà Nga "cầu Long Biên".
    Những năm 2000, cộng đồng những người yêu nghệ thuật và những người nước ngoài đến Hà Nội đều biết đến Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des Arts) - một không gian văn hóa và nghệ thuật tiên phong mà bà xây dựng tại số 31A Văn Miếu, nay chuyển về 22A Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    Những cố gắng để duy trì và bảo tồn cầu Long Biên
    Bà Nguyễn Nga đã cùng rất nhiều tổ chức, đoàn thể và người dân Thủ đô tổ chức thành công 2 kì Lễ hội cầu Long Biên vào năm 2009 và 2010. Bà và mọi người muốn Lễ hội cầu Long Biên sẽ trở thành hoạt động văn hóa thường niên, là nơi hội ngộ, gắn kết, thúc đẩy du lịch, đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tiếc rằng, do kinh phí cá nhân của bà đã bị hạn hẹp nên mãi tới tháng 12 năm nay mới dự kiến tổ chức Lễ hội cầu Long Biên lần thứ ba.
    Nếu không có sự nhìn nhận của toàn dân về tính biểu tượng và tính lịch sử của cây cầu Long Biên qua hai kì lễ hội cầu Long Biên năm 2009 và 2010 thì cây cầu đã bị tháo dỡ, di dời theo 3 phương án được Bộ GTVT đề xuất vào tháng 2/2014. Thủ tướng đã chỉ đạo giữ lại cầu Long Biên, để bảo tồn và Thành ủy đã ra ra thông báo số 797-TB/TU ngày 6/8/2014 về việc “...ứng xử đối với cầu Long Biên, phải gắn bảo tồn với phát triển, gắn bảo tồn với quản lý, khai thác…”
    Khi được hỏi, nguyên nhân nào khiến bà gắng hết sức để bảo tồn, gìn giữ cầu Long Biên, bà Nguyễn Nga nói: Cầu Long Biên đã có hơn 100 năm gắn bó với Hà Nội. Nó chính là chứng nhân lịch sử: "Năm 1945, những đội quân Cách mạng từ chiến khu trở về đã đi trên cây cầu này. Năm 1954, cây cầu cũng chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng đi qua cầu Long Biên, rút khỏi miền Bắc. Những năm chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ ném bom sập nhiều nhịp cầu... Tôi làm tất cả để cứu lấy cầu Long Biên bởi nó là thông điệp hòa bình với thế giới: Pháp xây dựng, Mỹ bắn phá còn Việt Nam thì hàn gắn".
    Trong công cuộc gìn giữ, cải tạo công trình văn hóa vĩ đại này, bà Nga đưa ra một ý tưởng táo bạo: Cầu Long Biên sẽ trở thành một Cây cầu Bảo tàng và Giao thông Không khói (đi bộ, xe đạp, xe điện hoặc tàu điện nhỏ), Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên nghệ thuật, hai đầu cầu là Bảo tàng Cổ vật (Tháp nước  Hàng Đậu) và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (Tháp Sen)
    Dự án Bảo tàng Ký ức cầu Long Biên sẽ là điểm đến của Du lịch Thế giới. Dự án sẽ tạo ra hàng trăm gói dịch vụ và hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân thủ đô Hà Nội và mang hình ảnh Việt Nam – một dân tộc anh hùng ra hội nhập với thế giới.

    Cầu Long Biên        Ảnh: Minh Việt
    Đề xuất mang ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, kinh tế, xã hội đó của bà được rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư cùng đông đảo người dân Thủ đô ủng hộ.
    "Để hiện thực hóa dự án này, kinh phí sửa chữa toàn bộ cầu Long Biên sẽ không quá 2.500 tỉ đồng và đang trong quá trình làm thủ tục để sử dụng nguồn vốn ODA Chính phủ Pháp và từ tổ hợp đầu tư Pháp - Việt, hoàn toàn không sử dụng ngân sách Nhà nước. Chính phủ Pháp đã phê duyệt nguồn kinh phí này nhưng nếu chúng ta không có một phương án phù hợp như trên và tiến hành những thủ tục cần thiết để khởi động lại nguồn vốn này nhân kỉ niệm 40 năm ngoại giao Pháp – Việt thì nguồn kinh phí này sẽ bị “đóng lại” vào cuối năm nay”, bà Nga cho biết.
    Chia sẻ về Lễ hội cầu Long Biên dự kiến thực hiện vào tháng 12 sắp tới, KTS Nguyễn Nga cho biết: "Lễ hội dự kiến tổ chức từ ngày 19 - 21/12/2014, sẽ là dịp để người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế thưởng thức các giá trị văn hóa, nghệ thuật Việt Nam và thế giới với 24 hoạt động diễn ra trên cầu Long Biên, khu vực hai đầu cầu và bãi giữa sông Hồng. Trong 24 hoạt động đó, nổi bật là phần giới thiệu 68 lá quốc kì của 68 quốc gia có đại sứ quán tại Hà Nội với dòng chữ “Hòa bình” bằng mọi thứ tiếng, trên đoạn cầu bị mất nhịp bởi chiến tranh và cùng kí vào cuốn sách khổng lồ “1 triệu chữ kí vì hòa bình cho Việt Nam và thế giới”



    Quang Anh

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.