Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/09/2014

về hành động gắn với "quả thực", theo giải nghĩa của cụ An Chi (2011 và 2013)

Liên quan đến từ này, đã nêu và đang thảo luận ở entry trước (xem lại ở đây).

Bây giờ, thử để tai nghe cụ An Chi giải thích chút.


Mà hình như cụ đã giải thích từ năm 2011, nhưng trên NLM thì thấy ghi là 2013. Từ đây trở xuống là chép nguyên về, từ NLM.

---

Quả thực là gì?

Học giả An Chi: Quả thực là một cụm từ có tần suất cao trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc, đặc biệt là ngữ vị từ chia quả thực. Đây là một cụm từ mà tiếng Việt đã mượn ở hai từ của tiếng Hán hiện đại, ghi bằng hai chữ 果實, mà âm Hán Việt thông dụng hiện nay là quả thực.
Liên quan đến chữ 實, có vấn đề cần nói về cách phát âm mà trên “Kiến thức Ngày nay” số 283 (ngày 10/6/1998), chúng tôi đã chỉ rõ:
“Tuy có thể “thông” với nhau, nghĩa là dùng thay cho nhau trong nhiều trường hợp nhưng thực và thật là hai chữ riêng biệt. Chữ thực, Hán tự là 寔, có thiết âm là “thường chức thiết (= th[ường] + [ch]ức = thực). Còn chữ thật thì Hán tự là 實 và có thiết âm là “thần chất thiết” (= th[ần] + [ch]ất = thật). Đây là hai chữ riêng biệt, ít nhất cũng là từ thời Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (đời Hán) theo sự ghi nhận của sách này. Vậy, khi người Việt Nam chính thức tiếp xúc với tiếng Hán thì đó đã là hai chữ riêng biệt mặc dù ở thời viễn cổ thì chúng có thể đã chỉ là một”.

Lần này xin nói rõ thêm rằng, chính vì sự nhập nhằng đó nên cách ghi âm cho hai chữ đang xét trong "Từ điển Hán Việt" cũng có những chỗ bất nhất. “Hán - Việt từ điển” của Đào Duy Anh ghi: “Thực 實 (…) – Cũng viết là 寔”. “Hán - Việt tự điển” của Thiều Chửu không có chữ 寔, mà chỉ có chữ “實 Thật”. “Hán Việt tân từ điển” của Nguyễn Quốc Hùng không ghi nhận chữ 寔 mà chỉ có hai mục “Thật 實 (…) Cũng đọc Thực” và “Thực 實 (…) Cũng đọc Thật”. “Từ điển Hán Việt” do Trần Văn Chánh chủ biên không có chữ 寔 mà chỉ có “實 Thực”. “Từ điển Hán Việt” của Viện Ngôn ngữ học do Phan Văn Các chủ biên ghi nhận cả hai chữ 實 và 寔 nhưng đều đọc là “Thực”. V.v… và v.v...
Tình hình chung đại khái là như thế và chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, hai chữ 果實 lẽ ra phải đọc là quả thật, nhưng vẫn được phát âm thành “quả thực” trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Quả thực 果實 có nghĩa gốc là trái, quả và là một danh từ thực vật học còn nghĩa bóng là kết quả vật chất do lao động tạo ra hay do đấu tranh đem lại. Nghĩa bóng này đã được cho trong Từ hải, bản hiệu đính 1989: “Dụ chỉ thông qua lao động hoặc đấu tranh sở thủ đắc đích thành quả”. Đảng Cộng sản Trung Quốc từng quan niệm rằng cải cách ruộng đất ở Trung Quốc là một cuộc cách mạng long trời lở đất và trong cuộc cách mạng này, của cải vật chất của địa chủ hoặc những người bị quy là địa chủ bị tịch thu để chia cho bần cố nông. Những thứ bị tịch thu đó gọi là quả thực. Trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc trước đây, ta cũng mượn hai tiếng quả thực mà dùng theo nghĩa này.
Xin chú ý rằng, trong tiếng Việt, hai tiếng quả thực chỉ được mượn để dùng trong hoàn cảnh lịch sử xã hội đã nói và theo nghĩa đã nói, nghĩa là trong cải cách ruộng đất với nghĩa là vật dụng, của cải của địa chủ hoặc những người bị quy là địa chủ để chia cho bần cố nông. Chứ hiện nay thì nó đã trở thành một từ lịch sử (xin phân biệt với từ cổ) vì cải cách ruộng đất đã hoàn thành từ hơn 40 năm trước. Nhưng trong tiếng Hán hiện đại thì hai tiếng guŏshí 果實 (quả thực) vẫn được dùng một cách bình thường, thí dụ: - 勞動果實 (lao động quả thực = thành quả lao động); - 革命的果實 (cách mạng đích quả thực = thành quả cách mạng); - 利 比 亚 面 临 难 题: 战 争 果 实 和 石 油 红 利 如 何 分 配 (Lợi Tỉ Á diện lâm nan đề: chiến tranh quả thực hòa thạch du hồng lợi như hà phân phối = khó khăn trước mắt của Libya: phân chia thành quả chiến tranh và lợi nhuận từ dầu hỏa như thế nào). v.v…
Cuối cùng, xin phân biệt quả thực 果實 với hỏa thực 火食, có nghĩa là lương thực, thực phẩm dự trữ.
A.C


7 nhận xét:

  1. Bài của cụ An Chi, hôm trước, là tạm đưa về.

    Bây giờ, nghỉ giải lao, ngó kĩ thêm chút, thì thấy có vấn đề. Cụ giải thích lòng vòng và luẩn quẩn quá thế đáng ! Dân dầu khí mà nghe cụ giải thế này thì sao mà hiểu được ! Cơ khổ !

    Trả lờiXóa
  2. Trở lại chuyện chữ nghĩa này. Cụ An Chi là một học giả uyên bác, có khi giải thích "bác học" cho nên hơi khó hiểu. Tôi thử tra thêm từ điển xuất bản tại miền Nam trước năm 1975, không liên quan gì đến chuyện CCRĐ về từ quả, quả thực, quả thật, thấy giải thích như sau:

    = Việt Nam tân Tự điển của Thanh Nghị, NXB Thời Thế - Saigon 1951, ghi nhận:
    Quả: Sự thành tựu của nguyên nhân gì gây ra. (Tôi chỉ ghi nhận nghĩa liên quan đến chuyện đang bàn).
    - Tự điển Việt Nam, Ban Tu Thư Khai Trí - Saigon 1971.
    Quả thật: như Quả thực.
    Quả thực: trạng từ: đúng sự thực là như thế.
    Quả thực: danh từ: Kết quả (kết quả hoa lợi, tiền bạc, về vốn đổ ra cho vay, nhà cho mướn... v.v...)

    Như vậy có thể thấy từ "quả thực" là một từ xưa, trong Nam ngoài Bắc đều dùng, ý nghĩa ban đầu có nghĩa là "sự thành tựu, kết quả đạt được của một sự việc gì". nhưng ở ngoài Bắc sau vụ CCRĐ, thì từ "quả thực" được dùng để chỉ thành quả, kết quả đạt được của CCRĐ, cụ thể là những gì tịch thu được của địa chủ, phú hào... như nhà cửa, ruộng vườn, con trâu...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề bắt đầu thú vị hơn rồi đó bác ạ. Cảm tạ bác đã tra cứu nhanh trong các cuốn từ điền trên, mà thực ra, tôi chưa có dịp nhắc đến trong các trao đổi trước.

      Cụ thể thì như sau:

      1. Cuốn của Thanh Nghị ra đời thập niên 1950, nhưng thật ra, chưa có từ "quả thực".

      2. Còn cuốn của Ban Tu Thư Khai Trí năm 1971 thì là bổ sung thêm từ mới. Có thể có ảnh hưởng từ cuốn từ điển của Văn Tân đã in ở ngoài Bắc năm 1967. Hoặc là ảnh hưởng lại đến từ từ điển Trung Quốc (kiểu tra cứu như cụ An Chi ở trên).

      Chúng ta chưa có cơ sở để thấy rằng từ "quả thực" với nghĩa là "kết quả" đã được dùng phổ biến trong tiếng Việt. Từ điển thế kỉ 17, 18, 19, và đầu thế kỉ 20, đều không có từ này.

      Xóa
  3. Nhờ các bác tra giùm từ "lại quả" với ((TĐ nhà mình bị mối xông rồi:))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay ! Câu hỏi của bác rất hay, không kém "quả thực" đâu. Để bà con sẽ mở mục "lại quả" xem sao !

      Xóa
    2. "Lại quả". Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội-1931).
      - Lại: Tới, trở về.
      - Quả: thứ tráp tròn lớn để đựng đồ vật.
      - Lại quả: nói khi đưa lễ sêu, lễ hỏi, lễ cưới nhà gái biếu lại nhà trai một phần lễ.

      Đấy là từ ngữ được dùng trong cưới hỏi. Từ "lại quả" bây giờ còn được xã hội dùng với nghĩa bóng, để chỉ tiền (hoặc đồ vật có giá trị) chung chi bên B đưa cho bên A. Chẳng hạn bên A là chủ đầu tư công trình, bên B là đơn vị trúng thầu công trình, thì bên B có "nghĩa vụ phải chung chi lại cho bên A. Như mấy vụ nhà thầu Nhật vừa rồi chung chi cho quan chức VN.

      Xóa
    3. Đấy, bắt đầu bà con ta dần dẫn sẽ tìm ra thời điểm ra đời của "lại quả" rồi đó. Quả ở đây đúng là "quả" trong "quả thực". Và đã biến nghĩa, theo phân tích của bác Hiệp.

      Thời sự về cái này, mời bác Hiệp xem cái này, đã đi lâu lâu trên blog này, để thấy tiếng Tây đúng là gồm có phần LẠI và phần QUẢ thật:

      http://giaovn.blogspot.jp/2014/03/vu-hoi-lo-quan-chuc-viet-nam-cua-jtc.html

      Vụ hối lộ quan chức Việt Nam của JTC Nhật Bản : Thông tin bước đầu, tổng lại quả chiếm 1/60 số vốn được nhận

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.