Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/09/2014

Triển lãm CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT vào năm 1955 tại phố Bích Câu, và tập thơ NGỤC TRUNG NHẬT KÝ

Đã có một cuộc triển lãm về Cải cách ruộng đất, từ năm 1955, tổ chức tại phố Bích Câu (Hà Nội). Triển lãm đó đã được nhắc tới từ lâu, và gần đây, cũng từng được nhắc lại nhiều. Chẳng hạn, chỉ liên quan đến riêng blog này, thì có với Phong Lê năm 2004 ở đây, bản lưu blog YH cũ của tôi năm 2011 ở đây (chỉ là lưu bài của Phong Lê), và với Nguyễn Huệ Chi năm 2011-2012 ở đây.

Cho nên, bảo rằng, lần đầu tiên có triển lãm về Cải cách ruộng đất vừa rồi (năm 2014), là chưa hẳn đúng.

Trong cuộc triển lãm đó, năm 1955, tập Nhật ký trong tù (tức Ngục trung nhật ký) đã được đem ra trưng bày, với sự đồng ý của chính tác giả - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, nguyên bản tập thơ này đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với ý nghĩa là Bảo vật Quốc gia số 11 (xem tư liệu lưu số 1 ở dưới).

Trang 53 trong tập thơ (theo giới thiệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)



1. Hồ sơ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ghi như sau (xem tư liệu số 1 ở dưới):

"Ngục trung nhật ký được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) với nguồn gốc như sau: 

Ngày 14/9/1955, khi đến duyệt nội dung triển lãm về Cải cách ruộng đất tại phố Bích Câu, Hà Nội, Người đã trao tác phẩm này cho đồng chí Nguyễn Việt, trưởng ban tổ chức triển lãm và nói “Tôi có quyển sổ tay cách đây mười mấy năm còn giữ đến bây giờ, các cô, các chú xem có triển lãm được thì dùng”. 

Cuốn Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa ra trưng bày, giới thiệu tới công chúng ngay tại triển lãm ấy. Đồng chí Trần Ngọc Chương, nguyên Phó phòng Sưu tầm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đã được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh giao tác phẩm tại phòng trưng bày. Sau đó, đồng chí đã tiếp nhận hiện vật này tại cơ quan Bảo tồn, bảo tàng số 35, đường 296 (nay là phố Nguyễn Đình Chiểu), Hà Nội, ngày 14/9/1955."


2. Phong Lê nhắc lại việc tập thơ đã xuất hiện như thế nào (kết hợp lời của ông Hoàng Quảng Uyên và lời tựa của cuốn Nhật ký trong tù bản in năm 1960):

"Theo ông Uyên và một số tài liệu khác, ta được biết cuốn sổ đã được trưng bày tại triển lãm Cải cách ruộng đất ở phố Bích Câu, từ tháng 9 đến tháng 11 – 1955; sau đó được trả về cho Phòng lưu trữ của Trung ương Đảng.

Trong Lời nói đầu bản in NKTT năm 1960 của Viện Văn học có đoạn viết: “Trong Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tại Phòng Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế và Mặt trận Việt minh, có một cuốn sổ tay, bìa xanh đã bạc màu. Trang đầu cuốn sổ ghi bốn chữ Ngục trung nhật ký, kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích…” Như vậy là Viện Văn học muốn cho bạn đọc hiểu là Viện đã thực hiện việc dịch trên văn bản Ngục trung nhật ký có ở Viện Bảo tàng Cách mạng."

3. Nguyễn Huệ Chi cũng nhắc lại:

Điều thứ nhất. Viện Văn học đã hoàn thành bản dịch tập thơ trong một thời gian ngắn kỷ lục. Viện thành lập tháng 5 năm 1959, khoảng vài ba tháng sau, người từ các cơ quan khác mới lục tục chuyển về, trong số đó có nhà thơ Nam Trân. Ông có mặt với tư cách trưởng phòng Tư liệu của Viện vào cuối năm 1959. Ông nhận dịch Ngục trung nhật ký với Viện khi đã là trưởng phòng Tư liệu, vì một xấp bản thảo viết tay chép nháp thơ dịch của ông lưu trong hồ sơ được viết trên một tập giấy pơ-luya có một mặt là bản sao chữ Hán những bài thơ trong bản gốc Ngục trung nhật ký do chị Phạm Tú Châu, nhân viên trong phòng chép theo đề nghị của ông. Mặt khác, nói về bản gốc tập thơ của Hồ Chí Minh thì tuy đã xuất hiện trong cuộc triển lãm cải cách ruộng đất năm 1955, nhưng sau đó lại lặng lẽ đi vào kho lưu trữ của trung ương Đảng, cho đến đầu năm 1959 mới được ông Phạm Văn Bình phát hiện lại rồi mới cộng tác với ông Văn Phụng, có thêm sự giúp đỡ của cụ Bùi Kỷ để “lược dịch” thành thơ như cách gọi của các vị. Vậy thì, sớm nhất cũng phải đến tháng 10 năm 1959 mới có cuộc gặp gỡ giữa Giáo sư Đặng Thai Mai và ông Hoài Thanh, Viện trưởng và Viện phó Viện Văn học với ông Tố Hữu để ông Tố Hữu trao bản “lược dịch” của nhóm Phạm Văn Bình (dưới bút danh Văn Trực - Văn Phụng) cho Viện, cùng với chỉ thị của cấp trên yêu cầu Viện chính thức dịch Nhật ký trong tù. Thế mà trong quyển nhật ký làm việc của nhà thơ Nam Trân nhan đề “Về việc xuất bản tập thơ của Bác” cũng lưu trong hồ sơ, ta thấy, ngay trong đầu tháng giêng năm 1960, tiểu ban dịch đã phải lo hàng loạt việc dồn dập, đều xuất phát từ sự chỉ đạo của ông Tố Hữu: liên hệ với các cơ quan hội họa tìm một số họa sĩ danh tiếng cùng nhau trang trí, vẽ bìa Nhật ký trong tù nhằm chọn lựa ra một sản phẩm tốt nhất; liên hệ với các Nhà xuất bản Văn hóa, Phổ thông cho xuất kho hai loại giấy thường và giấy bản, quy định ba khổ sách cỡ to, cỡ bình thường và cỡ nhỏ, tính số lượng in và các mức giá cả; liên hệ với Nhà xuất bản Ngoại văn đưa bản dịch cho họ để họ dịch ra tiếng Pháp tiếng Anh; liên hệ với Vụ Liên lạc văn hóa với nước ngoài của Phủ Thủ tướng để phát hành sách đi các nước xã hội chủ nghĩa, và với Đại sứ quán Trung Quốc để họ cho in lại nguyên văn ở Bắc Kinh; góp ý với cụ Phạm Phú Tiết về một số bản viết chữ Hán chưa đẹp cần viết lại, v.v... Có nghĩa là đến khoảng cuối tháng 12 năm 1959, bản dịch đã xong hoàn chỉnh, đã được Viện và trên thông qua, chỉ còn phải tập trung vào khâu xuất bản. Thử nghĩ xem, trong vòng hai tháng(1) - trong khi lẽ ra phải là hai năm hoặc lâu hơn nữa - một tập thơ 133 bài chọn dịch 114 bài đã được chuyển ngữ nghiêm chỉnh ra thơ mà ảnh hưởng của nó trong năm 1960 và nhiều năm về sau như nhiều người đều chứng giám: làm lay động sâu sắc tâm hồn bạn đọc thuộc nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội, với số lượng cụ thể của lần in thứ nhất 45 vạn bản in phổ thông và 2 vạn bản in có kèm chữ Hán được bán hết và phải nối bản ngay trong cùng năm đó. Vấn đề đặt ra ở đây là: chỉ nói về phía bản dịch chứ không nói uy tín của tác giả Hồ Chí Minh đối với tập thơ, thì ai là người đóng vai trò quyết định thành công tốt đẹp và nhanh chóng thần kỳ đến thế? Những năm sách mới ra mắt, ngoài các cán bộ Viện Văn học và một số nhà thơ, nhà văn nào đấy quen biết với Viện, một số vị lãnh đạo ở Ban Tuyên giáo trung ương, câu hỏi này hầu như không ai rõ. Còn ngày nay thì chúng ta đều biết đó là công lao của Nam Trân, một nhà thơ có danh trong làng thơ mới, cũng là một trí thức có cả vốn Hán học lẫn vốn Tây học sâu rộng. Có thể nói, Nam Trân đã lĩnh nhận một nhiệm vụ rất khó khăn trong phạm vi một thời gian quá hạn hẹp, nhưng bằng nỗ lực và tâm huyết phi thường không một ai sánh kịp, bằng sự cảm thụ thơ tinh tế và tài năng của một nhà thơ đích thực, ông đã biến nhiệm vụ chính trị gian khổ kia thành niềm hứng thú trọn vẹn. Hơn đâu hết, trong phạm vi công việc dịch gấp gáp khẩn trương Ngục trung nhật ký có lẽ đã bắt ông làm ngày làm đêm liền trong hai tháng, Nam Trân đã chứng tỏ cái quy luật sau đây muôn đời vẫn đúng: dịch bao giờ cũng là đồng sáng tạo."





---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:











LƯU TƯ LIỆU

1. Giới thiệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (2013)

Giới thiệu Bảo vật Quốc gia. 11. Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù).


Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) là cuốn sổ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi chép trong thời gian Người bị nhà cầm quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch giam giữ, đầy ải qua 18 nhà tù của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) từ tháng 8/1942 đến 9/1943.
Trong Ngục trung nhật ký, Người đã viết 133 bài thơ chữ Hán, trong đó có 126 bài theo thể tứ tuyệt của thơ Đường. Tập thơ có kích thước 9,5cm x 12,5cm, gồm 79 trang, kể cả trang bìa.
Trang bìa cuốn Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù),Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc năm 1942-1943.
Ngục trung nhật ký được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) với nguồn gốc như sau: Ngày 14/9/1955, khi đến duyệt nội dung triển lãm về Cải cách ruộng đất tại phố Bích Câu, Hà Nội, Người đã trao tác phẩm này cho đồng chí Nguyễn Việt, trưởng ban tổ chức triển lãm và nói “Tôi có quyển sổ tay cách đây mười mấy năm còn giữ đến bây giờ, các cô, các chú xem có triển lãm được thì dùng”. Cuốn Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa ra trưng bày, giới thiệu tới công chúng ngay tại triển lãm ấy. Đồng chí Trần Ngọc Chương, nguyên Phó phòng Sưu tầm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đã được chứng kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh giao tác phẩm tại phòng trưng bày. Sau đó, đồng chí đã tiếp nhận hiện vật này tại cơ quan Bảo tồn, bảo tàng số 35, đường 296 (nay là phố Nguyễn Đình Chiểu), Hà Nội, ngày 14/9/1955.
Tập thơ “Ngục trung nhật ký” là một minh chứng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tác phẩm còn mang nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn học, tư tưởng, nhân văn… của một lý tưởng cao đẹp, phấn đấu giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Trang 53 có đánh số 133 và bút tích bài thơ Kết luận trong cuốn Nhật ký trong tù
Nét nổi bật dễ nhận thấy nhất trong tập thơ “Nhật ký trong tù” là tinh thần yêu nước, lạc quan cách mạng, biến những điều trông thấy, những cảnh khổ cực, đọa đày ở trong tù trở thành niềm tin, tinh thần vươn lên khát khao đối với tự do, bình đẳng. Với Người, tự do chính là ánh sáng, là nguồn sức mạnh tiếp sức cho con người. Do đó, Người luôn luôn khao khát vươn tới tự do dù ở trong ước mơ, trong giấc ngủ, dù đó là một chút tự do hiếm hoi của chế độ nhà tù:
Hai giờ ngục mở thông hơi,
Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do
Những khát vọng tự do mạnh mẽ đó, thực chất là khao khát chiến đấu, giải phóng ách nô lệ cho nhân dân, cho dân tộc đang bị thực dân xâm chiếm. Sức mạnh của lời thơ cũng là lý trí của người chiến sĩ cách mạng, với quyết tâm vượt lên mọi đau khổ về thể xác, tâm hồn, giữ vững niềm tin vào tương lai:
Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân
Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng tinh thần”.
Nhưng bao trùm lên tất cả là tấm lòng yêu thương bao la của Người đối với nhân loại. Tư tưởng của tác phẩm đã phản ánh tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng của người chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục trước kẻ thù.
Trang cuối cuốn Nhật ký trong tù có bút tích ghi chép bằng chữ Hán
Những vần thơ được viết trong tù ngục, những cảm nhận được hàng ngày trong nhà lao, trên đường đi đày từ nhà lao này sang nhà lao khác, phản ánh hiện thực về chế độ hà khắc của nhà tù Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch nhưng vẫn mang đến cho người đọc một cảm giác khoan khoái bởi một tâm hồn nghệ sĩ, một con người yêu thiên nhiên, yêu con người. Mười ba tháng bị đày ải trong nhà ngục đến nỗi:
Răng rụng mất một chiếc,
Tóc bạc thêm mấy phần,
Gầy đen như quỷ đói”
Nhưng những điều đó cũng không làm nhụt chí khí, lay chuyển niềm tin chiến thắng của người cộng sản, mà trái lại, những vần thơ còn thể hiện một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa, một trí tuệ anh minh, linh hoạt và sắc sảo, rất nhạy cảm với vẻ đẹp thiên nhiên:
Mặc dù bị trói chân tay,
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng”.
Những phác họa về thiên thiên dưới cái nhìn của một người mất tự do nhưng vẫn đầy lạc quan tuy sơ sài mà chân thật, thắm tình non nước. Những câu thơ như lời tự sự, trữ tình, thể hiện tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: đó là một tấm gương nghị lực phi thường, một bản lĩnh thép vĩ đại không có gì lung lạc được:
Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao”.
Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, những phút suy tư của Người là lời phản kháng mãnh liệt đối với chế độ hủ bại và tàn bạo của Tưởng Giới Thạch trong nhà lao cũng như ngoài xã hội, phản ánh tất cả nỗi gian nguy, hiểm trở trong cuộc sống lao tù. Tác phẩm thể hiện sự  ung dung như một khanh tướng của tác giả, nhưng cũng đanh thép như một tiếng hô xung phong của người chiến sĩ ngoài mặt trận:
Hôm nay xiềng sắt thay dây trói,
Mỗi bước leng keng tiếng nhạc rung;
Tuy bị tình nghi là gián điệp,
Mà như khanh tướng vẻ ung dung”.
Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tập nhật ký bằng thơ độc đáo, bao hàm hai yếu tố hòa hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn: chất trữ tình và chất thép.
Tập thơ Nhật ký trong tù có giá trị đặc biệt về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật diễn tả, mà tác giả chính là người Anh hùng dân tộc vĩ đại, Danh nhân Văn hóa - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài tất cả những giá trị độc đáo nêu trên, tác phẩm Nhật ký trong tù còn là hiện vật độc bản, một văn bản gốc, là văn bản duy nhất có tại Việt Nam. Chính vì những lý do nêu trên, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã lựa chọn hiện vật gốc cuốn Ngục trung nhật ký (tức Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị công nhận bảo vật quốc gia. Và ngày 1 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho Tác phẩm Ngục trung Nhật ký (Nhật ký trong tù).
Dương Hà
http://baotanglichsu.vn/subportal/en/News/Bao-vat-quoc-gia/2013/02/3A92354C/#


2. Bài của Phong Lê (2004)

TRỞ LẠI HÀNH TRÌNH CỦA NGUYÊN TÁC NGỤC TRUNG NHẬT KÝ
PHONG LÊ
Tạp chí Văn học số 8-2003 đăng bài Hành trình của nguyên tác “Ngục trung nhật ký” và bản dịch “Nhật ký trong tù” của tôi. Bài được viết sau nhiều chục năm nghiên cứu và nói chuyện về Nhật ký trong tù (NKTT) mà vẫn còn một khoảng trống để ngỏ, đó là hai hành trình: hành trình của nguyên tác và hành trình của bản dịch. Luận án Tiến sĩ của chị Vũ Thị Kim Yến: Khảo sát văn bản “Ngục trung nhật ký” bảo vệ vào tháng 4-2003 ở Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp tôi giải quyết được một phần những băn khoăn của mình. Tiếp đó, bài của Hồng Khanh: Niềm vui của Bác Hồ khi nhận lại bản thảo “Nhật ký trong tù” đăng trên báo Nhân dân, số 17-5-2003, cho biết cụ thể hơn một thời điểm quan trọng trên hành trình của nguyên tác, đó là ngày (?) – một ngày nào đó vào giữa năm 1955, Văn phòng Phủ Chủ tịch do đồng chí Tạ Quang Chiến phụ trách nhận được một bì thư dày hơn bình thường, trong có một cuốn sổ tay mang tên Ngục trung nhật ký của Bác, không có địa chỉ người gửi.
Đến đầu 2004, báo Lao động đăng bài “Nhật ký trong tù”, số phận và lịch sử, trên hai kỳ báo, số 65 (5-3-2004) và 66 (6-3-2004); và tiếp đó, bài thứ hai:Trở lại số phận “Nhật ký trong tù” trên số 92 (1-4-2004) của tác giả Hoàng Quảng Uyên. Hai bài kể lại hành trình của ông đi tìm cho được những người có khả năng lưu giữ cuốn sổ tay của Bác, trên hành trình từ 1943 đến 1955, là năm cuốn sổ về được địa chỉ Văn phòng Phủ Chủ tịch; và từ sau 1955 cho đến 1960, khi bản dịch NKTT được Viện văn học ấn hành.
Tôi rất trân trọng sự khổ công, vất vả, đôi khi như “đáy bể mò kim” của ông Hoàng Quảng Uyên, như được kể qua hai bài trên. Những địa chỉ ông tìm đến soi sáng được nhiều điều giúp người đọc có thêm những giả thuyết về con đường đi (hoặc “số phận” của nguyên tác Ngục trung nhật ký(NTNK). Một trong các địa chỉ mà ông tin cậy tìm đến, đó là ông Hoàng Đức Triều (1900 – 1985), tham gia cách mạng từ năm 1928, vào Đảng năm 1932, Chủ nhiệm Việt Minh xã Lam Sơn, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng hồi Tiền khởi nghĩa. Theo như hồi ký Bác lại về Lam Sơn của ông (in trong sáchNhững kỷ niệm về Bác; Nxb Việt Bắc, 1973) – tài liệu chính mà ông Hoàng Quảng Uyên sử dụng để viết phần II bài thứ nhất của mình – thì ông Hoàng Đức Triều đã có thời gian ở cùng Bác, và được Bác xem như “một bạn thơ tri kỷ, tri âm”. Bởi ông có biết chữ Hán và thích làm thơ. Ông Hoàng Đức Triều có cái lán trên hang Pạc Tẻng, để gia đình sơ tán khi có biến, nơi Bác có ghé ở vài ngày.
Trong bài của Hồng Khanh có chi tiết ghi theo hồi nhớ của ông Tạ Quang Chiến: Bác đã dắt quyển sổ “lên mái tranh của một nhà đồng bào”. Mái tranh đó, theo suy nghĩ của ông Uyên là mái tranh nơi cái lán sơ tán của ông Triều, bởi theo ông, hồi này Bác không ở nhà dân. Ông Triều đã tìm thấy cuốn sổ sau khi Bác rời Lam Sơn, về Tân Trào; và giữ cuốn sổ này cho đến năm 1950, thì mới nhờ người con trai thứ ba là nhà thơ Hoàng Triều Ân (sinh năm 1931) lúc này đang công tác ở 372 (tức Văn phòng tỉnh ủy Cao Bằng) chuyển cho Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng là ông Dương Công Hoạt, để nhờ ông Hoạt chuyển cho Bác. Và nếu sự kiện đó là đúng thì ông Hoạt đã giữ cuốn sổ của Bác cho đến giữa năm 1955, mới chuyển cho Văn phòng Phủ Chủ tịch, theo đường Bưu điện, mà không đề tên người gửi.
Ông Hoạt, theo như bài báo của ông Uyên, sau hòa bình là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Trung ương, từ khi nghỉ hưu, lúc ở Hà Nội, lúc ở Cao Bằng.
Câu chuyện hành trình của cuốn sổ tay qua các địa chỉ như trên, có thể là hợp lý, theo suy nghĩ của ông Uyên. Nhưng phần tôi, tôi thấy còn nhiều câu hỏi, và chỉ nên xem là một trong các giả thuyết, chứ không nên khẳng định, bởi các băn khoăn như sau:
- Sao một cuốn sổ tay quý như thế, là một kỷ vật giá trị như thế, với Bác; và chỉ là một cuốn sổ nhỏ 9,5×12,5cm, 82 tờ, không có gì cồng kềnh, nặng nề… mà Bác lại không thể mang theo bên mình ? Hoặc nếu không thể mang theo thì sao không gửi lại cho một ai tin cậy mà phải dắt lên mái nhà tranh? Vậy tình huống gì đặc biệt đã xảy ra với Bác? Mái tranh, qua nắng mưa thì có gì an toàn ? Mà lại là mái tranh ở một cái lán sơ tán khuất nẻo, thỉnh thoảng mới có người đến ở, thì khả năng bị bỏ quên càng nhiều.
- Thời gian ông Triều giữ cuốn sổ từ 1944 đến 1950 là 6 năm; rồi chuyển sang ông Hoạt từ năm 1950 đến 1955 là 5 năm. Trong thời gian này cả hai vị đều là người lãnh đạo ở địa bàn Cao – Bắc -Lạng. Riêng ông Hoạt sau năm 1954 có rất nhiều điều kiện để về Hà Nội, không kể thời gian ông làm Phó Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc Trung ương. Vậy sao ông không thể có cách chuyển cuốn sổ tay đến tay Bác một cách trực tiếp và sớm hơn, mà phải chờ đến giữa năm 1955, qua Bưu điện, và không đề địa chỉ người gửi ?
- Cả hai ông đều mất sau Bác khá lâu. Ông Triều – năm 1985. Ông Hoạt – gần đây. Hai ông đều là người có chữ Hán, thích làm thơ, và là cán bộ cao. Vậy mà sao từ sau 1960, khi NKTT đã được dịch và đi in lại nhiều lần, mỗi lần hàng vạn bản, cả hai ông lại không một lần liên hệ với Bác (trực tiếp hoặc gián tiếp), để cho Bác biết rằng chính đó là cuốn sổ các ông từng giữ, thậm chí giữ trong một thời gian lâu ? Kể cả nhà thơ Hoàng Triều Ân – sự kiện một cuốn sổ tay của Bác mang tên Ngục trung nhật ký, được thấy từ năm 1950, ở tuổi 20, chắc không thể là một sự kiện dễ quên! Một tác phẩm quan trọng như thế, có giá trị lớn như thế, vừa là giá trị lịch sử, vừa là giá trị văn học, không chỉ quý giá đối với Bác mà còn là vô giá đối với dân tộc, mà ai đó giữ được, để không thất lạc, thì người có công giữ nó, hoặc đã có lần nhìn thấy nó, quả là một may mắn lớn, rất đáng tự hào, rất nên “báo công”chứ sao !
Thế mà tất cả vẫn chìm trong yên lặng, cho đến khi các ông qua đời; rồi đến năm 2003, khi có lời kể của ông Tạ Quang Chiến !
Trong bài của ông Uyên có kể lại chuyện ông Triều xướng hoạ thơ với Bác trong một đêm trăng, chứng kiến những giây phút Bác “thăng hoa cùng thơ’, và rất tâm đắc với bài Khán thiên gia thi hữu cảm “chép trong cuốn sổ tay giấy mềm”, ông được Bác trao cho đọc… Ông Triều in bài hồi ký của mình năm 1973, 4 năm sau ngày Bác qua đời, và 13 năm sau ngày NKTT ra đời. Một câu chuyện thú vị và nên thơ như vậy, nếu thật là có, thì sao lại không thể xuất hiện sớm hơn trong không khí nhân dân cả nước đón đọc NKTT ?
Và cả nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Triều Ân. Tôi tin là ông Triều Ân, nếu đã một lần cầm trên tay NKTT, chắc ông không thể không chia sẻ những kỷ niệm quý giá và niềm vinh dự của người cha. Và sau này, khi sự kiện NKTT được công bố, chắc càng không thể ra ngoài mối quan tâm của ông, là người đã có cái duyên biết nó, từ 1950. Vậy sao phải chờ đến 2003, khi có bài trên báo Nhân dân, ông mới nhớ đến chuyện này?
Bây giờ sang chặng đường thứ hai, từ khi cuốn sổ tay đã ở Văn phòng Phủ Chủ tịch giữa 1955, cho đến khi được Viện Văn học tổ chức dịch và ấn hành vào năm 1960.
Theo ông Uyên và một số tài liệu khác, ta được biết cuốn sổ đã được trưng bày tại triển lãm Cải cách ruộng đất ở phố Bích Câu, từ tháng 9 đến tháng 11 – 1955; sau đó được trả về cho Phòng lưu trữ của Trung ương Đảng.
Trong Lời nói đầu bản in NKTT năm 1960 của Viện Văn học có đoạn viết: “Trong Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tại Phòng Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế và Mặt trận Việt minh, có một cuốn sổ tay, bìa xanh đã bạc màu. Trang đầu cuốn sổ ghi bốn chữ Ngục trung nhật ký, kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích…” Như vậy là Viện Văn học muốn cho bạn đọc hiểu là Viện đã thực hiện việc dịch trên văn bản Ngục trung nhật ký có ở Viện Bảo tàng Cách mạng.
Trong bài của ông Hoàng Quảng Uyên thì không có địa chỉ Viện Bảo tàng Cách mạng mà chỉ có địa chỉ Phòng lưu trữ của Trung ương Đảng. Và con đường từ nguyên tác NTNK đến bản dịch NKTT có gì đó như là ngẫu nhiên. Ông dựa vào bài của cụ Trần Đắc Thọ in trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (46) – 2001, để cho biết: Cuốn sổ được để trong “một góc buồng tối” lẫn lộn nơi “một đống sách chữ Hán” của Phòng lưu trữ. Và người phát hiện ra nó là ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban giáo vụ Trường Nguyễn Ái Quốc, do có nhiệm vụ giảng dạy phần lịch sử cách mạng từ 1939 – 1945, nên phải vào kho lưu trữ tìm tài liệu, “tình cờ”, “sau một lúc lục lọi” mà moi ra được. Từ đó việc dịch được tiến hành rất chủ động (chứ không phải do ai đó phân công) bởi hai ông: Ông Phạm Văn Bình (với bút danh Văn Trực) và ông Văn Phụng, là cán bộ phiên dịch chữ Hán của Trường. Rồi qua ông Trường Chinh, ông Tố Hữu mà ông Bình gặp được Viện Văn học… Viện Văn học nhận nhiệm vụ từ ông Tố Hữu rồi tổ chức việc dịch, mà người phụ trách chính và có công dịch nhiều nhất, gần như hầu hết, là nhà thơ Nam Trân, để có bản in NKTT năm 1960, gần 114 bài (trên tổng số 135 bài), không đánh số và tất cả đều không đề tên người dịch.
Bản dịch 133 bài của Văn Trực – Văn Phụng (chứ không phải 113 bài như ông Uyên viết – điều này tác giả và báo Lao động cần phải đính chính sớm) hiện còn lưu ở Viện Văn học. Bản này đến Viện bằng con đường nào, đến nay cũng chưa rõ, vì tất cả những người phụ trách Viện Văn học, và tham gia việc dịch, in NKTT lúc ấy, đều chưa một lần nói đến, và cho đến nay tất cả đều đã qua đời.
Điều tôi muốn nói ở đây là, tôi không tin có sự vô ý và vô tâm của các cơ quan lưu trữ đối với cuốn sổ tay này, khi nó đã được chính Bác tặng và cho phép trưng bày trong một cuộc triển lãm lớn, và đã được sách, báo nhắc đến khá nhiều; sớm nhất là bài trên báo Đồng minh, 6-6-1946 của Lê Tùng Sơn, rồi tiếp đó trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1949)… và bài muộn nhất là bài Quyển “Ngục trung nhật ký” của Bác Hồ,của Nguyễn Tâm đăng trên báo Nhân dân ngày 19-5-1957. Tôi cũng không tin là nó được phát hiện một cách tình cờ. Trái lại, tôi tin là nó đã được cất giữ cẩn thận, và chờ dịp để có thể ra mắt công chúng. Dịp đó là dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Và nơi có thể tin cậy cho việc công bố, cũng phải chờ đến dịp này, đó là Viện Bảo tàng Cách mạng và Viện Văn học, hai cơ quan cùng được thành lập vào đầu 1959.
Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi sau khi đọc hai bài của ông Hoàng Quảng Uyên. Tất nhiên cũng vẫn chỉ là giả thuyết. Và việc tìm kiếm vẫn cứ nên tiếp tục, dẫu có thể cuối cùng không tìm ra được địa chỉ xác thực, với những giả thuyết không còn gây hồ nghi, của người giữ và người gửi. Và nếu vậy thì xin trả địa chỉ ấy về cho nhân dân, cho một người dân nào đó đã trở nên vô danh trong đồng bào các dân tộc miền núi Việt Bắc thân yêu của Bác, và của tất cả chúng ta.
Còn hành trình của bản dịch NKTT, để đi tới một bản dịch trọn vẹn gồm đủ 133 bài (không kể bài đặt ở đầu, không đánh số, và một bài ở ngoài tập thơ), từ 1960, qua các mốc 1983, 1990, và sau đó, tôi đã nói kỹ trong bài báo đã đăng, và thấy không muốn nói gì thêm.
P.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.