Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

02/08/2014

Văn nghệ thứ Bảy: hãy chung tay viết cuốn BÁCH VIỆT ĐẠI TỪ ĐIỂN đi nào !

Nguyên văn lời kêu gọi của ông Hà Văn Thùy như sau (phát đi từ cuối tháng 7 năm 2014):

"Còn nhiều, nhiều lắm những bằng chứng lý thú như vậy. Có lẽ chỉ khi nào những thức giả người Việt Nam, Quảng Đông, Quảng Tây chung tay viết cuốn BÁCH VIỆT ĐẠI TỪ ĐIỂN mới có thể gom đủ ! 22. 7. 2014".

Cả đoạn dài dài thì là như sau:

"Từ truyền thuyết hay những ghi chép hiếm hoi sau này ta biết, người Trung Hoa gọi những vị vua huyền thoại xa xưa là Cộng Công, Nữ Oa… Nếu truy tới tận nguồn, đấy là cách nói biến âm của tiếng Việt: Klong à sông à Cộng Công. Nước à nõa à Nữ Oa. Ông vua thứ tư thời Hoàng Đế là Đế Khốc, tên của con chim Cốc, được mô tả có nước da đen của dân phương Nam. Bà Khương Nguyên vợ của ông là người con gái thị tộc Thái (thai thị nữ), một dòng Việt sống ở Thiểm Tây. Ông vua khởi nghiệp nhà Thương là Thành Thang. Thang là Than đọc trại. Do da đen nên trong Thương tụng Kinh Thư gọi là “thiên mệnh huyền điểu.” Sách cũng nói rằng thời Thương, trên địa bàn Trung Nguyên có nước Dương Việt từng chống lại nhà Thương. Khi nhà Chu mới lập, cũng nổi lên kình chống nhà Chu. Nước Dương Việt hay Ư Việt này là của người Việt từ xa xưa, luôn chống lại sự xâm lăng của người Mông Cổ cùng sự thống trị của Hoa Hạ. Thượng thư nhiều lần ghi lại việc vua Thuấn “dẹp loạn Tam Miêu.” Tam Miêu là một trong những tên mà người Hoa Hạ đặt cho người Việt bản địa.

Chúng ta biết, nữ hoàng đế duy nhất của Trung Hoa là Võ Tắc Thiên. Tuy nhiên khó ai ngờ bà lại là người Việt. Wikipedia ghi: nhũ danh (tên thời con gái) của bà là Mỵ Nương. Một danh xưng dùng cho con gái quý tộc người Việt. Khi làm vua, bà có hai tôn hiệu: Việt Cổ Kim Luân Thánh Thần hoàng đế (越古金轮圣神皇帝) và Từ Thị Việt Cổ Kim Luân Thánh Thần hoàng đế (慈氏越古金轮圣神皇帝). Đáng chú ý là từ Việt cổ được ghi theo ngữ pháp Việt mà không phải ngữ pháp Hán (cổ Việt)!

Năm chục năm trước, khi triết gia Kim Định viết: “tiếng Hán cũng như chữ Hán đều là của người Việt”, đã gây phản ứng dữ dội trong học giả Sài Gòn. Nhiều người cho ông là cực đoan, hoang tưởng. Nhưng nay thì người ta chứng minh được, Kim Định đã đúng. Không chỉ “tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa mà chữ Việt cũng là chủ thể tạo nên chữ viết Trung Hoa.” Chiều hôm qua, anh Đỗ Ngọc Thành, một người bạn Việt gốc Triều Châu gọi về cho tôi từ Sacramento nói rằng: “Người Tàu đọc chữ Hán chỉ là những thằng mù xem voi. Chữ vuông vốn được tạo ra để ký âm tiếng Việt. Nên mọi chữ Hán chỉ được đọc bằng âm Việt, giải nghĩa bằng tiếng Việt mới chính xác.” Đúng hay không, xin quý vị xem thử. Người Trung Hoa gọi tên ông vua cuối đời Thương và Chu là Kiệt và Trụ. Nhưng đó là gọi sai vì hai ông vua tàn bạo dâm bôn được dân đặt là “cặc” và “đụ”. Do không hiểu nghĩa của hai từ Việt này, người Hoa theo âm mà phiên ra như chúng ta thấy hôm nay! Hàng ngàn năm văn nhân tài tử Trung Hoa gọi quê quán nàng Tây Thi là “Trữ La thôn”. Cái tên nghe có vẻ trữ tình nhưng vô nghĩa vì đó chỉ là xóm Trái, xóm Tả trong tiếng Việt! Trên đời chẳng làm gì có cái tên “Câu Tiễn” quái dị mà chỉ có ông vua người việt vốn tên là Cu Tí! Các đại nho Trung Quốc không biết Lệnh Doãn là chức quan gì nên ghi vào từ điển: “Lệnh doãn, chức quan của nước Sở, tương đương tể tướng.” Trong khi đó là quan lang, quan loan, quan loãn của người Việt! Câu cuối bài Quan thư nổi tiếng nhất của Kinh Thi “quân tử hảo cầu” là đã bị cụ Khổng xuyên tạc theo thanh giáo. Câu ca gốc của người Việt là “quân tử hiếu kều”: giữa bãi vắng, gặp người đẹp, quân tử Tàu (của cụ Khổng) mang vòng kim cô thanh giáo nên chỉ đứng đó mà “cầu!” Quân tử Việt thì không thế mà động thủ, sẽ kều khều ve vuốt!
Còn nhiều, nhiều lắm những bằng chứng lý thú như vậy. Có lẽ chỉ khi nào những thức giả người Việt Nam, Quảng Đông, Quảng Tây chung tay viết cuốn BÁCH VIỆT ĐẠI TỪ ĐIỂN mới có thể gom đủ            
22. 7. 2014"

Đọc giải trí ngày cuối tuần, cũng có cái thú. Văn chương thì thoải mái tưởng tượng, mặc sức fiction đến chừng nào có thể. Chẳng làm thiệt hại gì mảy may, mà cũng không tôn chân kính dân tộc lên tẹo nào. Nhưng có một điểm rất thú, thay cho lời cảm ơn: là, đến giờ phút này, đã có người phát tưởng đến mức như vậy. Phải nung nấu, trằn trọc lắm lắm.

Kể ra, bác Thùy nên làm một chuyến du hành về "Trong Nguồn" sang thử Quảng Châu (thủ phủ của Quảng Đông) và du lãng ở Nam Ninh (thủ phủ của Quảng Tây) xem thế nào. 

Một ông bạn người Quảng Đông đi làm ăn ở Mĩ và định cư ở đó, bây giờ chỉ biết nói tiếng Quảng Đông, mù tịt tiếng Bắc Kinh. Nghe không được rồi, và nói thì ngọng toàn tập. Về Trung Quốc, đi sang Nam Ninh, cứ phải kè kè mang theo phiên dịch. Phải phiên dịch tiếng Quảng Đông với tiếng Bắc Kinh, và ngược lại.

Quảng Đông và Quảng Tây đã đếch hiểu nhau rồi. Nói gì đến thêm mấy bố người Kinh ở Việt Nam nữa.

Hôm ông bạn sang Hà Nội, thì loạn phiên dịch. Ông nói tiếng Quảng Đông, một ông người Trung Quốc phải dịch từ đó sang tiếng Bắc Kinh để người Quảng Tây hiểu, sau rồi, lại phải một cầu là dịch từ tiếng Bắc Kinh ra tiếng Việt để mấy ông bà Kinh hiểu ý. Và chiều ngược lại thì cũng thế, cứ phải trùng dịch như vậy. Chuyện vừa mới xong, mùa hè năm 2013. Một ông bạn khoái, nên bám càng theo quay video toàn bộ. Sắp tới, gặp gỡ tiếp, lại vẫn "thủ tục phiên dịch" rườm rà như vậy, không có gì thay đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.