Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

26/07/2014

Hóa ra có hai Nguyễn Tường Bách viết văn ở hải ngoại

Trước đây, tôi chỉ quan tâm và đọc sách của cụ Nguyễn Tường Bách (em ruột của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, đã mất năm 2013). Cô cháu họ là nữ văn sĩ Đặng Thơ Thơ đã cho đăng cáo phó trên Damau.

Có thể tạm gọi đó là "Nguyễn Tường Bách một".


Còn "Nguyễn Tường Bách hai" thì là lớp người trẻ hơn, ở Đức, mà đến hôm nay tôi mới biết, vì chưa đọc bao giờ. Mà có lỡ đọc gì mất rồi, thì là vì cứ tưởng là của cụ "Nguyễn Tường Bách một". Hôm nay mới biết, là vì giật mình thấy bài mang tên "Nguyễn Tường Bách" trên Diễn đàn. Tưởng là cụ Bách em trai Nhất Linh lại có thể lái xe đến được Bá Linh để phẩu thuật mắt (mà cụ này cầu kì thực, phải lên Bá Linh bằng được để chỉ thay thủy tinh thể) ! 

Thấy rất nhiều sách đã xuất bản của tác giả "Nguyễn Tường Bách hai", ở đây. Nhưng thú thực là chưa đọc bất cứ cái nào.

Ngày trước, ở Sài Gòn cùng một lúc có tới ba ông nhà văn cùng một tên Nguyễn Đức Nhuận

Cũng rất nhiều người tên Hoàng Ngọc Tuấn thì phải, nên tựa như vì thế, mà Hoàng Ngọc Tuấn của nhóm Tiền Vệ phải viết thành "Hoàng Ngọc-Tuấn" (tức thêm một cái dấu gạch nối) để phân biệt. Không biết có đúng thế không. À, mà tôi cũng quên, không nhớ viết là "Hoàng-Ngọc Tuấn" hay "Hoàng Ngọc-Tuấn" nữa.

Vì đã lỡ đọc, dù chỉ lướt và chỉ thấy nhàn nhạt, nhưng vẫn đưa bài của Nguyễn Tường Bách hai về đây lưu, làm kỉ niệm.

---
http://www.diendan.org/sang-tac/berlin-ngay-he..




Berlin, ngày hè...


Nguyễn Tường Bách



Tôi đến Berlin đúng ngày 13.7.2014. Lần này đi Berlin không phải du lịch, chẳng phải công việc mà tôi phải đi vì chữa mắt, chứng đục thủy tinh thể. Trong ngành nhãn khoa thì phẫu thuật thay thủy tinh thể thuộc loại giản đơn, nhưng tôi chấp nhận lái xe gần 650km vì muốn được một người bạn tư vấn và chữa trị. Anh là giáo sư tiến sĩ, giám đốc của một bệnh viện nhãn khoa tiếng tăm tại Berlin, một trong những người Việt thành đạt nhất trong bọn chúng tôi, sinh viên du học từ 45 năm trước.
Khi định ngày đến Berlin tôi không ngờ nhằm ngày chung kết của giải vô địch bóng đá thế giới. Đến Berlin, thủ đô của Đức, mà đúng dịp Đức vào chung kết thì lại càng nằm ngoài mọi tiên liệu. Không ai tính trước được kết quả bóng đá, tôi nghĩ thế vì cho rằng trong bóng đá yếu tố may rủi đóng vai trò quá lớn. Trong bóng rổ, bóng ném hay bóng chuyền ta có thể loại bỏ tính chất may rủi vì số lượng bàn thắng quá lớn. Còn trong bóng đá bàn thắng quá hiếm hoi.
Khách sạn nằm gần sông Spree, thuộc địa phận Đông Berlin ngày xưa. Berlin đã thay đổi nhanh chóng, không còn phân biệt đông tây. Ngày nay Berlin đúng là thủ đô của một nước lớn với những tòa kiến trúc tráng lệ và hiện đại. Nhưng Berlin cũng là một không gian sống đúng nghĩa cho tất cả mọi giai tầng xã hội. Đi giữa Berlin ta vẫn tìm thấy những góc nhỏ bình yên xanh mướt, những khu vườn hoang phế, những góc rừng âm u, những con đường lát đá cổ xưa như từ thời trung cổ còn sót lại.
Berlin đón tôi bằng một chiều trời nhiều mây sắp mưa. Tối nay 9 giờ trọng tài sẽ thổi còi mở màn trận đấu. Tôi mong đến trung tâm Berlin tại Brandenburger Tor để xem bóng đá cùng hàng trăm ngàn người. Nhưng từ trên xe đài phát thanh đã báo cảnh sát không cho ai vào nữa, Fanmeile đã ngập người. Cũng phải thôi, nếu vào đó, nhỏ người như vợ tôi chắc sẽ không thấy nổi màn hình. Và dù có lọt vào, liệu nàng có chịu nổi đứng suốt trận, có thể 120 phút, có thể đá phạt luân lưu?
Tàu điện ngầm ngập người. Hai cô gái châu Á mang trên đầu vòng hoa đen đỏ vàng đợi xe, nói cười tíu tít. Trên xe nhiều người đã mặc sẵn áo mưa, xem ra họ sẵn sàng đội mưa đêm nay. Những dòng người đi ngược chiều nhau, mỗi nhóm hẳn có một chỗ xem. Xung quanh tôi là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan và vô số ngôn ngữ không thể xác định. Berlin bây giờ đã international thế ư, khác hẳn 45 năm trước?
Chúng tôi vội tìm đường đến Potsdamer Platz, nơi tôi hy vọng sẽ tìm ra một tiệm ăn với màn hình lớn. Ra khỏi ga tàu điện ngầm quả nhiên trời mưa. Còn hơn một tiếng nữa, kịp thôi. Nhác thấy bên kia đường một tiệm ăn Ấn Độ đông người, tôi băng qua quảng trường rộng mênh mông. “Đi đâu, đi đâu”, cô hầu bàn tay bưng cà-ri, miệng hỏi dồn dập. “Fussball”, tôi trả lời. “Hết chỗ, hết chỗ”. Tôi đưa mắt nhìn bàn đang trống, có tiếng “đã đặt từ lâu”. Tôi thầm rủa người Đức cái gì cũng đặt chỗ, lên xe xuống tàu, ăn sáng ăn tối gì cũng đặt chỗ trước. Thế thì những dòng người ngoài kia mang cờ quạt kéo nhau đi đâu? Mưa rơi, những người ngồi ngoài hiên đã ướt. Gần đến giờ, tôi không thể hụt một phút. Tôi chợt nhớ tới sảnh trong khách sạn của mình, màn hình cũng khá lớn.
Ngoài âm thanh trong máy dội ra, cả Berlin dường như nín thở lặng yên. Sau một trận thắng dòn dã, đội cầu Đức thường gặp khó khăn. Thực vậy, họ sắp thua. May quá, Higuain việt vị. Phút thứ 113, một tiếng reo như vỡ tổ, một tiếng reo duy nhất của cả Berlin, một tiếng reo kéo dài cả phút. Không phải chỉ tiếng reo, tôi cảm nhận có một làn sóng vận động trong không gian. Phải chăng niềm vui của hàng triệu dân Berlin đã trở thành năng lực vật chất để ta “nghe” một sự bùng nổ?
Trong phút kỳ diệu đó Götze dùng ngực chặn banh, chân trái làm bàn. Bàn thắng đó không phải chỉ là bàn thắng mà là một tác phẩm nghệ thuật. Bóng vào khung thành qua một góc rất nhỏ. Götze được mệnh danh sẽ đi vào lịch sử bóng đá Đức nhờ thắng trái này, bàn thắng duy nhất của trận đấu. Tôi yêu mến Götze và Özil, hai cầu thủ khiêm tốn và ít nói trong đội cầu và mừng cho anh gặp may. Nếu thủ môn đẩy ra được hay bóng không vào, người ta sẽ trách Götze sao không bình tĩnh chận banh lại và chỉ lách nhẹ là khung thành trống rỗng chờ trước mặt.
Anh tốt nghiệp ngành nhãn khoa năm 1977. Anh kể tôi nghe tiến bộ kỳ diệu của môn phẫu thuật nhãn khoa. Chỉ hai ba mươi năm trước có khi người ta phải chụp thuốc mê để bệnh nhân nằm yên, không được nhúc nhích. Ngày nay việc mổ xẻ cho tôi chỉ là một thao tác kéo dài chưa đầy 15 phút, với thuốc tê nhẹ quanh mắt. Tôi tin anh và thành tựu ngành y khoa, nhưng đối với người ngoại đạo như tôi, “mổ mắt” trước sau là một động tác vô cùng hiểm nghèo.
Trong thời gian gần nửa thế kỷ đã qua của chúng tôi, thành tựu khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trên thế giới. Người Việt xa quê như chúng tôi cũng từ xa chứng kiến cuộc đổi dời của đất nước, trải nghiệm tận mắt sự sụp đổ bức tường Berlin và công cuộc thống nhất nước Đức. Chúng tôi ai cũng mỗi năm mỗi về viếng thăm quê nhà và tuy không nói ra, vẫn quặn lòng về tình trạng ngổn ngang của xã hội Việt Nam.
Sau chúng tôi một thế hệ mới của người Việt ra đời. Đó là những Neue Deutsche (người Đức mới), như tựa đề của một cuốn sách mà con gái anh là đồng tác giả. Những người Đức gốc Việt đó hiện nay đang ở tuổi trên dưới 30, phần lớn đều thành đạt và có cá tính. Họ được đào tạo trong đại học, nói nhiều thứ tiếng và biết mình muốn gì trong đời. Đặc biệt họ rất coi trọng quê hương Việt Nam của cha mẹ, biết rằng Việt Nam là một yếu tố hình thành tính cách của mình.
Potsdamer Platz là một quảng trường đặc biệt tại Berlin. Ngày xưa trước khi nước Đức bị chia cắt, đây đã là một trung tâm giao lưu quan trọng của thành phố. Bức tường Berlin, như một vết dao tàn bạo, cắt quảng trường này làm hai, phố xá phía trên cũng như các tuyến xe điện ngầm phía dưới. Ngày nay quảng trường này là nơi du khách không thể không đến. Tôi đi thơ thẩn tại đây, đợi ngày mai vào phòng mổ và khám phá Berlin ngày nay toàn là những “người Đức mới”. Họ là ai cả vậy? Tại sao ai cũng trẻ đẹp và đầy sức sống? Họ từ đâu đến mà sao đủ màu da, đủ khuôn mặt và nói muôn thứ tiếng? Hay họ là du khách đêm qua đến Đức coi bóng đá và góp vui vào chiến thắng của đội cầu? Hay họ mới đến hôm nay để ngày mai được tận mắt đón chào đội cầu vô địch về đến Berlin?

platz

Quảng trường Potsdamer Platz mênh mông có một đường lằn bằng đá chạy xuyên suốt. Đó chính là dấu tích của bức tường Berlin. Thực ra khắp nơi tại Berlin, dấu tích đó vẫn còn được ghi lại bằng đá chạy xéo trên các con đường tấp nập. Dấu tích này được đắp bằng đá thẫm màu, khách đi qua có thể không ai để ý. Đó là cách ghi nhớ quá khứ của người Đức. Họ không rùm beng ồn ào nhưng họ không quên. Những vết đen lịch sử do các chế độ độc tài của họ gây ra trong thế kỷ 20 không bao giờ phai mờ trong tâm trí họ. Không giống người Pháp, họ sợ nói đến lòng tự hào dân tộc vì tính chất này đã hơn một lần gây thảm họa thế chiến. Hôm nay người dân phất cờ đen đỏ vàng chỉ vì Đức thắng trận bóng đá. Ngoài ra người dân Đức không bao giờ phất cờ.
“Ông là người Việt Nam?”. Chị vừa hỏi vừa đắp lên người tôi tấm vải xanh lục truyền thống trong các phòng mổ. “Vâng, còn các chị?”. “Tôi từ Hàn Quốc”. “Còn tôi từ Ba Lan, chúng ta rất international”. Chị người Ba Lan kể tiếp: “Nhờ sếp chúng tôi mà bây giờ bệnh viện mắt này nổi tiếng thế giới, có cả bệnh nhân Saudi nữa cơ đấy”. Thì ra chiếc giường mổ này đã biết đến các vị công hầu người Saudi Arabia, nổi tiếng giàu có và khó tính.
Lúc anh đang mổ cho tôi cũng là lúc đoàn cầu thắng trận trở về Berlin. Chiều nay sẽ có gần nửa triệu người tụ tập trên quảng trường lịch sử Brandenburger Tor để ca khúc khải hoàn. Tôi sẽ không tham gia dự được, anh cũng không, các chị ấy cũng không nốt mặc dù họ rất hâm mộ bóng đá. Ngày trong tuần, ai cũng tất tả làm việc. Thế nhưng trong phòng đợi, một vòng hoa đen đỏ vàng treo trên tường, dáng hình trái tim.
Tôi không được lái xe trong những ngày tới, con mắt cần được hồi phục. Thực ra cũng không mấy ai thích lái xe trong thành phố lớn như Berlin. Thế nên đây cũng là cơ hội để đi lại những con đường lịch sử. Chúng tôi đứng trước một tòa nhà uy nghiêm, đây là nơi xảy ra cuộc khởi nghĩa đầu tiên ngày 17.6.1953 chống chính quyền Đông Đức. Ngày 17.6 đi vào lịch sử, trở thành ngày lễ của Tây Đức mà 45 năm trước sinh viên chúng tôi vui mừng được nghỉ học và không mấy ai biết tại sao.
Cách chỗ tôi đứng vài trăm mét hàng trăm ngàn người đang reo hò đón đoàn cầu, còn nơi đây vài du khách đang ngẩn ngơ đọc thông tin về một ngày lịch sử mà nếu không có nó thì hẳn cũng chẳng có ngày hôm nay. Đoàn cầu Đức thắng lợi chủ yếu nhờ tinh thần đồng đội, đó là điều mà ai cũng công nhận. Ngày nay Đức trở thành cường quốc số một tại châu Âu cũng nhờ lòng đoàn kết. Kể từ ngày thống nhất, họ không nói về hòa giải, họ làm chuyện hòa giải. Ta không quên, vị Thủ Tướng cũng như Tổng Thống hiện nay của họ đều là người đến từ phía đông.
Tôi lại đến xem những mảnh tường Berlin còn sót lại. Những khối bê-tông này được dựng lên năm 1961. Kể từ đó bức tường Berlin trở thành biểu tượng của chia ly và tang tóc. Bức tường này là tiền đồn của hai phe Đông-Tây, là chứng tích của một cuộc đối đầu vô nghĩa của lịch sử loài người. Năm 1989, 28 năm sau, “chủ nghĩa xã hội” đã bị châu Âu loại bỏ. Năm nay, khi Đức giành chức vô địch bóng đá, bức tường đã biến mất cũng khoảng ngần đấy năm, Berlin đã chuyển mình ngoạn mục. Đức trở thành một nước phồn vinh, trở thành một nước nhập cư, đón mời nhà khoa học, chuyên gia và thợ thuyền đến làm việc. Berlin trở thành nơi hội tụ, là chốn gặp gỡ náo nhiệt nhất của hai phía đông tây.
Tôi đến để anh tái khám. Xe chạy trên trục đường lớn mang tên Karl Marx. Berlin cũng như nhiều thành phố khác vẫn vinh danh triết gia xuất sắc này qua những con đường. Ông là một trong những người Đức được tung hô và thóa mạ nhiều nhất. Từ cả hai phía, những người to tiếng nhất thường là những người không đọc ông, không hiểu gì về ông cả.
Punktlandung” (Đúng ngay điểm rơi), đó là cách nói của anh chỉ một ca phẫu thuật chính xác. Chúng tôi bật cười khi nhớ đến từ “sáng mắt sáng lòng” của ngày tháng xa xưa. Sau 45 năm, phần lớn du học sinh ngày nọ đã đi sâu vào chuyên môn riêng của mình, đã trải nghiệm mọi chuyện đời hay dở. Tất cả không khỏi chạnh lòng khi sống tại một nước như xứ Đức mà nhớ về quê hương. Lịch sử hai nước giống nhau biết bao và cũng khác nhau biết bao.
Cúp vô địch bóng đá vừa qua được mấy ngày mà dường như không còn ai nhắc nhở. Đúng thôi, mới qua mấy ngày mà Kroos đã tuyên bố đầu quân cho Real Madrid, Philipp Lahm giã từ đội cầu quốc gia, Van Gaal đã đi huấn luyện cho Manchester United. Những người hùng của ngày 13.7 đã đi đâu mất cả, chắc họ đi nghỉ hè chuẩn bị cho mùa giải mới. Tuần trước đây họ là đồng đội thân thiết, chỉ vài tuần nữa họ sẽ sống mái với nhau trên các sân bóng châu Âu. Báo chí sẽ không thương tiếc phê bình khi họ đá hụt quả phạt đền, dù trước đây vài tuần họ là cứu tinh của màu cờ sắc áo. Không có gì chóng tàn bằng hào quang bóng đá.
Tôi ra phố Berlin đông người qua lại. Trên các đường đi bộ rộng thênh thang, nghệ nhân đường phố đủ mọi lứa tuổi chơi đàn vẽ tranh làm trò kiếm tiền lẻ. Không khác các thủ đô khác, Berlin cũng có kẻ không nhà, họ ngủ dưới gầm cầu, chú chó trung thành là vật sở hữu duy nhất. Tất cả những điều đó không hề làm phiền đến ai, càng không hề hấn đến khách du lịch. Sau lần trời mưa ngay tối chung kết thời tiết chuyển qua những ngày hè oi bức. Khách du lịch tay cầm chai nước, tay cầm bản đồ tuôn đi bốn phía.
Có tiếng hò reo trên phố và một đám đông mang đầy cờ quạt tiến về phía tôi. Lần này thì không phải màu đen đỏ vàng mà cờ Palestina với sọc xanh lá cây. Họ biểu tình chống Israel đem quân đánh dải Gaza. Tôi đi nhanh về phía trước thì gần đó lại một nhóm khác đang mít-tinh đọc tuyên cáo, ủng hộ “quyền tự vệ” của Israel. Cảnh sát Berlin, mặc đồ đen, đầu để trần, xem như võ sĩ châu Á, cả trăm người đang cách ly hai nhóm để tránh ẩu đả. Như thể tai ương ập đến chưa đủ, một chiếc máy bay Malaysia bị bắn rơi, thêm một lần nữa làm ta nhớ cuộc đối đầu Nga Mỹ trong thế kỷ trước mà Berlin là chứng tích vừa mới lành da.
Buổi tối, tôi kéo ghế của tiệm cà-phê trên vệ đường Kurfürstendamm ngồi nghe một chàng thanh niên chơi nhạc bên kia đường. Tiếng đàn điêu luyện với máy móc hẳn hoi vang hẳn qua bên này. Tôi chợt thấy một chị phụ nữ nép mình dưới gốc cây bên kia đường, xây lưng về phía tôi, đang nhìn anh. Tôi vừa nghe nhạc, vừa nhìn chị. Sau hơn nửa tiếng tôi rảo bước qua đường, gửi cho anh một đồng tiền xu, nhân thể nhìn mặt người đàn bà. Người trẻ tuổi chơi nhạc hào hứng, khẻ gật đầu cám ơn. Chị đăm đăm nhìn anh, khuôn mặt sầu muộn, dễ chừng bằng tuổi mẹ anh. Tôi rảo bước về khách sạn, chị vẫn ngắm nhìn anh.
Ngày qua ngày, đường phố Berlin xuôi ngược hàng vạn con người. Tôi mới đến Berlin chưa đầy một tuần. Cuộc đời tưởng như rất ngắn nhưng thực ra rất dài vì nó trải nghiệm quá nhiều biến cố. Hành tinh của chúng ta tưởng như rất bé nhưng thực ra rất lớn vì nó chứa quá nhiều cảnh ngộ và số phận.
Tôi đến Potsdam, đứng trước lâu đài Cecilienhof. Đây là nơi các nhà lãnh đạo Churchill, Truman và Stalin họp hội nghị trong tháng 7.1945 sau thế chiến thứ hai. Tại căn phòng này, các vị đó phân định lãnh thổ Tây Đức - Đông Đức. Rồi họ đàm phán chia thủ đô Berlin ra làm hai, để Tây Berlin thành một ốc đảo nhỏ bé nằm trong lòng Đông Đức. Sau đó Tây Berlin trở thành ngọn hải đăng cho cả dòng diễn biến lịch sử Đức. Phải chăng đây chính là lỗi lầm “chết người” của Stalin, chấp nhận Tây Berlin tồn tại để rồi nước Đức sụp đổ và kéo theo cả hệ thống chủ nghĩa xã hội Đông Âu ? Một sai lầm duy nhất quyết định cả “trận đấu” chăng?
Không, lịch sử không giống bóng đá, không phải chuyện một hai bàn thắng may rủi. Thành bại của lịch sử dệt nên bằng những biến cố từng ngày, vận hội của một nước có thể thấy trước được.
Hôm nay lại một ngày nắng sáng. Mười ngày sau khi đến Berlin, tôi lên xe trở về Tây Đức.

Nguyễn Tường Bách

23.7.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.