Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/04/2013

Cộng hòa Xã hội (không Chủ nghĩa) Việt Nam năm thứ 57, là năm nào ?

Đang trên đường du lãng xứ Thanh. Lần này, sau khi vượt đèo Ba Dội - Tam Điệp, đi miền núi trước, khu vực tổng Hòa Luật ngày trước, nay tên xã là Thành Vân. Rồi hướng về phía đảo dưa tây qua ngày trước của cụ Mai An Tiêm, mà ra ven biển.

Loanh quanh với những quãng đường đê bất tận ở khu vực sông Lèn. Sông này còn được gọi là sông Đò Lèn, là một trong ba nhánh chính của sông Mã trước khi đổ ra biển.


Xa trông đã thấy ngôi đền ở dưới chân núi. Dáng vẻ của một tòa kiến trúc trùng tu vừa mới đây. Chúng tôi hạ mã, tạm đóng quân ở khu này độ vài ngày đã.




Ảnh: Câu đầu của tòa chính điện ngôi đền (Giao chụp)

Khi khảo sát, mới biết câu đầu của toàn chính điện ngôi đền ghi bằng chữ Hán mực Tàu. Đọc là: Cộng hòa Xã hội Việt Nam ngũ thập thất niên... Tạm hiểu là: Cộng hòa Xã hội Việt Nam năm thứ 57.


26/04/2013

Đọc lại văn chương Việt 1990s - 2 ("Kiêm ái", Phạm Thị Hoài, 1990)

Đăng đang đi tìm lai lịch cho Đức Ông của làng mình

Lời dẫn: Đăng là một người bạn blog của tôi từ thời còn ở Yahoo, hiện đang sống và làm việc ở Vinh. Đăng làm bên kĩ thuật, nhưng rất tâm huyết với văn hóa cổ truyền, văn hóa làng xã, văn hóa dòng họ.

Đăng đang đi tìm lai lịch cho vị thần của đền thờ làng mình hướng đến việc tái thiết đền trong tương lai. Đền ấy dĩ nhiên đã bị phá từ lâu. Nay chỉ biết tên của thần bằng một danh xưng rất chung chung là ĐỨC ÔNG.

24/04/2013

Viên đá góc đền Hùng : Không thấm gì với những thứ lạ khác cũng đang ở đó - 1

Gần đây, thấy trên mạng lùm xùm chuyện viên đá "lạ" đang đặt ở một góc đền Hùng. Báo chí nước Việt như để thể hiện trình độ lá cải "ăn theo nói leo" của mình đến đâu, cũng đã bu lại xúm xít trong ngoài.

1. Nhìn lại thì thấy, theo quan sát của phuocbeo, khởi phát đầu tiên là entry mang tựa đề không kém phần khiêu khích như thường thấy trên blog Tễu, là:  "KINH HOÀNG! PHẢI CHĂNG ĐỀN HÙNG ĐÃ BỊ TÀU TRẤN YỂM ?". 


Tễu đưa ra thông tin gây nhiễu rằng "Nhiều khách hành hương về Đất Tổ đã rất hoang mang lo lắng về hai đạo bùa này. Họ cho rằng đây là đạo bùa do người Tàu trấn yểm nhằm triệt hạ long mạch của Đất Tổ và qua đó triệt hạ cả dân tộc ta", và những lời đề nghị rất thống thiết, như: "Đồng thời đề nghị khẩn cấp vô hiệu hóa đạo bùa này và di dời nó khỏi khu vực di tích Đền Hùng trước lễ hội Giỗ Tổ năm nay. Và huy động các phương tiện thông tin đại chúng giải thích rõ để đồng bào yên lòng hành hương về chiêm bái Đất Tổ.".

2. Bây giờ, đã biết rõ cái hòn đá ấy chẳng phải ông Khách bà Tàu nào hết, mà là do phía nhà đền nhận công đức mà đặt vào một góc. Công đức của người Việt gốc Việt nhé.

Sự kiện trên làm chúng ta nhớ lại gần 3 năm trước, hồi tháng 9 năm 2010, bác chủ blog Tễu bây giờ cũng đã từng la lên với ngôi chùa Vân Hồ ở Hà Nội, rằng: "NHỤC QUÁ! GIỮA THỦ ĐÔ MÌNH MÀ NÓ BẢO MÌNH LÀ KHÁCH". Giới Phật tử và bạn đọc bình thường lúc đó đã thực sự "rất hoang mang lo lắng". Tôi đã đành phải lên tiếng, và đưa lời khuyên: "Mong bác lần sau hết sức cẩn trọng, và hãy đừng chống Tàu một cách mù quáng như vậy nữa!" (xem bản lưu của Tranhung09).

3. Đành phải bỏ quá. Không quá câu chấp vào cách đưa tin kiểu lu loa gây sốc không cần thiết, mà hãy đặt trọng tâm vào thực chất của nội dung vấn đề, đó là: viên đá đó nên được xử trí như thế nào ? 

- Cứ giữ nguyên trạng, hệt như đã thế trong nhiều năm qua, vì bản thân nó chẳng có ảnh hưởng gì cả (cả về mặt tâm linh tín ngưỡng, cả về mặt kiến trúc, cả về mặt quản lí). Tức là, về cơ bản, nó là hòn đá vô hại. Không biết nói, không phải nuôi ăn, không cần canh giữ cẩn mật. Không phải đạo bùa của người Tàu, cũng chẳng phải máy ghi âm tàng hình của Hoa Kì.

- Hay là phải ngay lập tức loại bỏ ? Lí do chính yếu là cứ theo luật di sản, cái nào không có trong hồ sơ di tích, tức "không nguyên gốc", thì bỏ. Cái nào tự tiện đem vào mà không rõ mục đích, chỉ để phục vụ ý đồ tự tư tự lợi, thì bỏ.

23/04/2013

Đọc lại văn chương Việt 1990s - 1 ("Nguyễn Thị Lộ", truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, 1990)

Đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ đang bị rác độc bao vây (tháng 3 năm 2012)

Lời dẫn: Entry dưới đây đã đi trên Yahoo Blog của tôi vào tháng 3 năm 2012. Đã hơn một năm trôi qua, không biết rác độc bao vây đền Mẫu Âu Cơ như thấy ở dưới đây đã được dọn đi chưa ?

Bác nào đang ở khu vực đền Hùng ở Phú Thọ hãy xác nhận giùm.

Từ đây trở xuống là entry cũ.

---


03/26/2012 01:53 pm

Vừa rồi, nhân chuyến ngược lên phía bắc tổ quốc, chúng tôi có ghé thăm đền Mẫu Âu Cơ ở Phú Thọ. Gần đến ngày giổ tổ Hùng Vương, dạo bước trên Đất Mẹ, nên lòng không khỏi bồi hồi pha chút khấp khởi.

Xa trông Đền Mẹ nguy nga. Có ai đó ở bên kia đường chỗ mua lễ hình như vừa ứa lệ. Có lẽ đó là người từ phương trời xa tít tắp, từ vùng Tây Nguyên hay Tây Nam Bộ, lần đầu tiên đến với Mẹ.


Nhưng vừa qua cửa tam quan (còn đang làm dở dang), thì cảm xúc bỗng thành ra chưng hửng. Lại đầy rác, toàn là rác, rác cao cấp và độc bày la liệt ra trước mắt. Có thể nói không ngoa rằng, Mẫu Âu Cơ, vị quốc tổ của đất nước này, đang bị rác cao cấp vây ráp !

Tín ngưỡng thờ các vua Hùng từ góc nhìn khảo cổ học (Trịnh Sinh, 2012)

Lời dẫn (vốn là lời dẫn trong lần đăng đầu tiên trên Yahoo Blog, ngày 31/5/2012)

Theo bác Trịnh Sinh, thì bài này đã đăng trên Lao Động, với thông số như sau: "Báo lao dong. ThứSáu, 30.3.2012 | 09:11 (GMT + 7)". Nhưng bây giờ, tìm vào Lao Động thì chưa thấy, mà lại thấy trên Dân Trí.

Bài quan trọng hơn về tín ngưỡng thờ các vua Hùng của bác Trịnh Sinh thì lại chưa xuất bản chính thức. Nên đành đợi. Quan điểm về tín ngưỡng thờ các vua Hùng của tôi khác nhiều so với bác Trịnh Sinh, sẽ trình bày ở một entry khác. Ở đây chỉ đánh dấu bằng tô đậm những chỗ đáng chú ý (hoặc là chỗ nhấn mạnh, hoặc chỗ đang cần thảo luận thêm, hoặc cũng là chỗ sai nhầm).



Từ đây trở xuống là bài lấy về từ Dân Trí.

---

22/04/2013

Hùng Vương với ý thức dân tộc (Nguyễn Đăng Thục, 1971)



Lời dẫn (vốn là lời dẫn của lần đăng đầu tiên trên blog Yahoo vào ngày 26/3/2012, hôm nay cho đăng lại và tu chính chút xíu):

Bài viết dưới đây của học giả Nguyễn Đăng Thục đã đăng trên tạp chí Việt Nam Khảo cổ tập san số 7 năm 1971

Trong số tạp chí này có những bài như sau:
- Hùng Vương với ý thức dân tộc - Nguyễn Đăng Thục
- Mâu Tử hay lý hoặc luận - Nguyễn Đăng Thục

- Sắc thái kiến trúc Phật giáo Việt Nam thời Bắc Thuộc - Nguyễn Bá Lăng

- Cổ điển học Trung Hoa ở Việt Nam xưa - Nguyễn Khắc Kham

- Tín ngưỡng đồng bóng - Trần Thị Ngọc Diệp

- Vua Poromé trong lịch sử và tín ngưỡng của người Chàm - Nguyễn Văn Luận
- Hoạt động của Viện Khảo Cổ trong năm 1971
- Đại quan tư tưởng thời đại nhà Trần (1225-1400) - Nguyễn Đăng Thục.


Nguyễn Đăng Thục có tới 3 bài trong cùng số tạp chí. Như nhiều người đã biết, Nguyễn Đăng Thục (Việt Nam cộng hòa) là anh trai ruột của Nguyễn Đăng Mạnh (Việt Nam Dân chủ cộng hòa).

Trong khi chờ đợi tôi đưa bản chụp (ảnh kĩ thuật số) lên, hãy tạm đọc bản đang thấy phổ biến trên mạng (nguồn ở đây).

Từ đây trở xuống là bài của Nguyễn Đăng Thục.


---

21/04/2013

Thử xem lại tên nước - 2 (giấy bạc khi ghi NƯỚC, lúc lại không)


Tiền giấy được gọi rất rõ là "Giấy bạc". 


Giấy bạc hay gọi ngược lại thành Bạc giấy, vẫn cùng một nghĩa. Trong tờ 50 đồng ở trên, thấy có cả tiếng Việt, tiếng Tàu, và tiếng Thái. Tờ này không có chữ "Nước" ở trước "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Lúc đó, cụ Phạm Văn Đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính.

20/04/2013

Thử xem lại tên nước - 1 (từng có thời song hành cả VNDCCH, cả DCCHVN)

Xem thử lại tư liệu gốc, thì thấy rất rõ rằng, từng có một thời gian, về tên nước, đã song hành cả hai cái tên sau:

- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
-  Dân chủ Cộng hòa Việt Nam.

Đó là năm 1945. Mà cụ thể là ngày 1 tháng 9 năm 1945, tức trước ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình. Xem tư liệu gốc ở dưới đây.

Tư liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. 

Có thể là ở thời điểm đó, phía "chính-phủ Dân-Chủ Cộng-Hòa Việt-Nam" vẫn đang còn suy nghĩ tiếp về cái tên "Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa".

Hãy chú ý điểm sau:
- là Dân chủ Cộng hòa Việt Nam (DCCHVN),
- mà không phải là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam (CHDCVN).





"Người quân tử làm việc thiện, ví như là ăn cơm" : Gặp cụ Đoàn Huyên ở Hà Nội - 1

Lời dẫn: Mấy ngày nghỉ nhân dịp lễ giỗ quốc tổ Hùng vương 2013, ngẫu nhiên phát hiện một cô bạn là dâu của gia tộc họ Đoàn ở Thanh Oai, mà nhân vật tôi quan tâm nhất là Đoàn Triển (1854-1919, người từng giữ chân Tổng đốc Nam Định, đã cho trùng tu Phủ chính Tiên Hương trong thời gian đó). Tên quen dùng của Đoàn Triển là "Thanh Oai Đoàn Triển", tức là gắn tên mình với tên quê hương.

Thân phụ của Đoàn Triển là một người cũng không kém phần nổi tiếng, là cụ Đoàn Huyên (1808-1885), với câu nói trứ danh: "Người quân tử làm việc thiện, ví như là ăn cơm".

Ở nhà cô bạn, hiện thấy một số tư liệu căn bản về cha mẹ của Đoàn Huyên (đời cụ Đoàn Trọng Khoái), về bản thân Đoàn Huyên, và một số con cháu đời kế tiếp. Từ nhà tôi đến nhà cô bạn chỉ khoảng 15 phút xe máy.

Dưới đây, tạm lấy về đăng lại một bài giới thiệu chung về Đoàn Huyên của bác Nguyễn Thị Oanh (Viện Hán Nôm). Bài trên Tạp chí Hán Nôm (số 1 năm 1992).

---

Quốc tổ Hùng Vương (Ngô Đức Thịnh, 2011)

Lời dẫn: Đây là bài viết của Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã đăng trên Nhân Dân năm 2011, dịp giỗ tổ Hùng Vương năm đó. Bây giờ tạm tìm được nguồn còn thấy từ Giáo dục và Thời đại.

Năm 2007, ông đã xuất bản một cuốn sách từ tập hợp các bài liên quan đến tín ngưỡng và lễ hội Việt Nam với tiêu đề Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền. Sách đó, không có bài riêng về quốc tổ Hùng Vương. Vì vậy, có thể tạm nghĩ rằng, ý tưởng của bài này được hình thành sau này và liên quan đến quá trình Việt Nam đệ trình hồ sơ đăng kí di sản phi vật thể cho lễ giỗ vua Hùng lên UNESCO.

Từ đây trở xuống là bài nguyên.

---

19/04/2013

Quốc tổ và Quốc lễ 2013

Thử xem lễ giỗ tổ Hùng Vương năm nay qua ảnh của hai tờ báo mạng lớn của Việt Nam, là VNN (3 ảnh đầu) và VnExpress (2 ảnh cuối).

Chủ lễ là ông Hoàng Dân Mạc - Bí thư tỉnh ủy đồng Chủ tịch tỉnh Phú Thọ.


---

Giỗ tổ Hùng Vương 2013, đền Hùng 2013, dâng hương

Nguyên chú thích ảnh của VNN: Các đồng chí lãnh đạo nghiêm trang trong buổi lễ Dâng hương(Ảnh Nguyễn Hoàng)

18/04/2013

Hồ Bá Quỳnh đề nghị đổi tên Thủ đô Hà Nội - 2 (tờ trình gửi Quốc hội suốt từ năm 2006)

Tư liệu gốc thì có lẽ từ từ hãy đưa lên đây. Để còn thư thư cho bà con ta thử đoán xem bác Quỳnh định đổi tên thủ đô hiện nay (Hà Nội) thành ra cái tên gì đây ?

Đúng vào dịp người ta đang rục rịch đổi tên nước, nên có khi cái đề nghị của bác Quỳnh có cơ may được xem xét tới. Mà đổi tên nước, thì đổi luôn cả tên thủ đô cho gọn cũng thật "kinh tế" - đúng chuyên ngành của bác Quỳnh.

17/04/2013

Hồ Bá Quỳnh, kẻ sĩ độc nhất ở xứ Nghệ - 1 (một đời vẫn mang tiếng hoang tưởng)

Lời dẫn: Đã rất lâu không thấy anh Quỳnh tới chơi, mà mấy lần đi xứ Nghệ gần đây thì tôi cũng không có thời gian ở Vinh lâu. Do quan hệ gia đình, mà tôi gọi ông là "anh", dù thua cả tuổi người con nhỏ của ông nhiều.

Tủ sách gia đình, ở chỗ trang trọng, có một khoang dành cho anh. Trong có một cuốn Hưu nông dân (vốn là luận văn Phó Tiến sĩ mà anh đã đệ trình trường đại học Kinh tế Quốc dân). Và đặc biệt, có hàng trăm tờ trình được anh gửi ra, thường ở dưới cùng sẽ là đề dòng chữ: "Người trình: PTS Hồ Bá Quỳnh". 

Từ đây trở xuống là một bài báo lấy về từ tờ Pháp luật Việt Nam. Bài báo có một số chi tiết không chính xác.

---

“Vua hiến kế” tiền tỉ cho người nhưng không nuôi được vợ con



Cập nhật 13/06/2012 10:13 (GMT+7)



Vị Tiến sĩ được coi là một trong những cha đẻ của ý tưởng “Hưu nông dân”, có hàng trăm tờ trình ở tầm kinh bang tế thế, quốc kế dân sinh... làm lợi cho cộng đồng nhiều tỉ đồng, nhưng lại không nuôi nổi vợ con. Lần đầu tiên những góc khuất trong cuộc sống của ông “vua hiến kế” Hồ Bá Quỳnh (82 tuổi, nguyên cán bộ Ủy ban vật giá tỉnh Nghệ An, ngụ xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) được hé lộ.

“Vua hiến kế” và chiếc xe đạp cà tàng
“Vua hiến kế” và chiếc xe đạp cà tàng

16/04/2013

"Phan xứ Nghệ" và "Phan xứ Quảng" : Dân chủ mới là gì ?

Trên Tia Sáng, mới thấy có bài "Đường lối cách mạng của Cụ Phan xứ Nghệ" của bác Nguyễn Đình Chú. Ở đây, tác giả bài viết gọi cụ Phan Bội Châu là "cụ Phan xứ Nghệ", và cụ Phan Châu Trinh là "cụ Phan xứ Quảng".

Bài viết đặt vấn đề: "gần đây, hoặc trên sách báo hoặc ở các cuộc nói chuyện, xuất hiện khuynh hướng đặt cụ Phan xứ Quảng lên trên hết - không chỉ của giai đoạn đầu thế kỷ XX - mà còn như là người mở đường đi vào tương lai cho lịch sử ". ... "Tuy nhiên đáng tiếc là trong khi đề cao cụ Phan xứ Quảng lại có sự hiểu chưa đúng về cụ Phan xứ Nghệ, do đó vô tình hay hữu ý hạ thấp cụ Phan xứ Nghệ một cách phi lý. Sự hiểu chưa đúng là ở chỗ đã đơn thuần hóa, tuyệt đối hóa cái gọi là đường lối cách mạng bạo động của cụ Phan xứ Nghệ, coi Cụ như là người chỉ có bạo động và bạo động, chẳng dính dáng gì đến duy tân, đến dân chủ".

Triển lãm Đại Việt Nam ở Nhật Bản (16/4-9/6/2013, Bảo tàng Quốc lập Cửu Châu)

Lời dẫn: Mấy hôm trước, người Cửu Châu gửi mail nhắc đến triển lãm Đại Việt Nam tại Cửu Châu sắp được khai mạc. Triển lãm này là một hoạt động kỉ niệm 40 năm quan hệ hữu nghị Việt - Nhật.

Hồi bảo tàng còn đang xây dựng dang dở, đã có một nhóm nghiên cứu về Việt Nam âm thầm chuẩn bị hiện vật liên quan đến Việt Nam. Một lần, tôi được mời đến để hướng dẫn cách chơi của một số trò chơi dân dã dành cho trẻ em: ô ăn quan, đánh chuyền, cá ngựa.


大ベトナム展


Lần này, có tất cả 165 hiện vật sẽ được trưng bày. Ngoài mượn từ các cơ sở công và tư ở Nhật Bản, Bảo tàng Quốc lập Cửu Châu còn mượn hiện vật từ Việt Nam và Indonexia.

Từ đây trở xuống là thông tin công khai lấy về từ website của Bảo tàng Quốc lập Cửu Châu.

---


14/04/2013

Đền Hùng và tục thờ vua Hùng từ góc nhìn văn hóa sử


Lời dẫn: Tối qua (13/4/2013), trên VTV1 lại rộn ràng màn trình diễn về lễ hội đền Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bây giờ, ngẫu nhiên thấy một bài của mình về tín ngưỡng thờ vua Hùng đang nằm trên website của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia (nhà xuất bản Sự thật trước đây), mà đã lên trang từ tháng 5 năm ngoái (khi mà lễ hội đền Hùng chưa được UNESCO vinh danh).

Từ đây trở xuống là bài lấy về từ Sự thật (phát hiện thấy bản của Sự thật có chỗ mất chữ, nên mình bổ sung lại cho đúng). 

12/04/2013

Giảng viên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đây: "Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền" !

Lời dẫn: Đọc trên blog Beo, thấy entry Thầy của quan ta. Đọc lướt, bỗng giật mình, tưởng bác Beo viết chơi chơi đùa đùa. Đành phải tra cứu một chút. Thì hóa ra đúng là vậy. Đúng là thầy của các quan dạy các quan thế thật. Đăng trên Đất Việt thật, mà là do Bích Ngọc thực hiện đấy.

Các quan ta được đào tạo tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia.

Từ đây trở xuống là nguyên văn bài phỏng vấn trên Đất Việt. Có lẽ, đã đến lúc, người ta sẽ đưa câu "Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền" (và định nghĩa "phép chạy chức, chạy quyền") vào luôn Hiến pháp cho gọn và chắc chăng ?

---
Chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền


Chúng ta không quan niệm cơ chế thị trường trong công tác tổ chức cán bộ nên mới dẫn đến tình trạng để cho nó phát triển ngầm của quy luật này, mới sinh ra chạy chức, chạy quyền. ảnh: Bích Ngọc


Cập nhật lúc 06:01, 23/01/2013

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri:

"Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền"

(ĐVO) - Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.

Phủ Giầy mồng 3 tháng 3 năm Quí Tị (2013)

Mồng 3 tháng 3 âm lịch được xem là ngày tiệc (ngày hóa) của Mẫu Liễu. Năm nay, nhằm vào ngày 12/4/2013 (thứ Sáu).

Đưa lên đây một tấm ảnh đại diện.

Để khi khác, lần theo số 3 mà sẽ so sánh ảnh của năm 2013 với các năm 2003, 1993, 1983, 1963, 1943, và nhất là 1933. Chỉ cần so sánh ảnh với nhau, ở cùng một địa điểm này, đã thấy 100 năm đi qua chỉ tựa như thời gian một hạt sương trên lá rớt xuống nền đất mềm.





Tháng 4 năm 2013,
Giao Blog


11/04/2013

Hồ Chủ tịch chuyên được thết tiệc thịt chó ở Quảng Châu (năm 1963)

Lời dẫn: Entry dưới đây đã đi trên blog cũ (Yahoo) vào ngày 18/5/2012, tức gần một năm trước. Bây giờ, cho đi lại nhân thấy khắp nơi râm ran bàn về thịt chó và quốc hồn quốc túy.


Từ đây trở xuống là entry cũ.



---

Hồ Chủ tịch với Đặng Tiểu Bình, Lưu Thiếu Kì, Chu Đức, vào tháng 6 năm 1958


Hôm trước, khi đang còn ở Quảng Châu, tôi đã kể chuyện tướng Trần Độ ăn thịt chó ở đây.


10/04/2013

Bùi Chát, Phạm Thị Hoài và Đoàn Văn Vươn

1. Hôm trước, ngày 1/4/2013, thấy chị Hoài đưa lên trang riêng của mình bài "Một tuyên ngôn ôn hòa, sáng rõ và đàng hoàng". Trong đó, Phạm Thị Hoài viết lời giới thiệu có thể nói là hết sức trang trọng: 

"Tuyên ngôn “Công lý cho Đoàn Văn Vươn” do ba sinh viên luật, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh – Nguyễn Trang Nhung, Bùi Quang Viễn (Bùi Chát) và Phạm Lê Vương Các – đồng khởi xướng là một phát ngôn sáng rõ về nội dung, ôn hòa trong lời lẽ và đàng hoàng trong thái độ. Thêm vào đó, cách tổ chức lấy chữ kí trên mạng của Nhóm Khởi xướng đã vượt khỏi hình thức “thủ công” phổ biến trong các phong trào thu thập chữ kí ở Việt Nam hiện nay. Tôi tự hào được ủng hộ bản tuyên ngôn này.".

Hãy chú ý đến cái tên Bùi Quang Viễn với mở ngoặc là Bùi Chát. Đó chính là thi sĩ Bùi Chát thuộc nhóm Mở Miệng ở Sài Gòn. Sát cánh cùng Bùi Chát, còn có Phạm Lê Vương Các và Nguyễn Trang Nhung.

2. Bây giờ, ngày 10/4/2013, thấy Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh ra đòn như thế này với các sinh viên tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn:

"Bên cạnh đó, sự hạn chế về mặt tư duy pháp lý của những sinh viên này còn được thể hiện phần nào qua sự hạn chế về kết quả học tập. Điển hình như: sinh viên Phạm Lê Vương Các điểm tích lũy học tập chỉ đạt 5.23 (xếp loại Trung bình yếu theo điểm tín chỉ)  và có nhiều môn thi chưa đạt, trong đó có môn Luật Hình sự phần chung; sinh viên Bùi Quang Viễn là học viên văn bằng hai với điểm tích lũy là 5.19 và cũng trong tình trạng còn nợ nhiều môn. Như vậy, phải chăng bản “tuyên ngôn” này là sản phẩm của những người có tư duy pháp lý chặt chẽ hay thực chất chỉ là hình thức đánh bóng tên tuổi cá nhân? Mượn "mác" sinh viên Luật để đánh bóng tên tuổi cá nhân?".



Như vậy, theo thông tin này, Bùi Chát đang học văn bằng hai tại đại học trên. Thành tích học tập hình như là yếu kém.

Về với non Côi sông Vị





Đang trên đường đi.

09/04/2013

Chuyên gia Bộ Văn hóa bảo Đức Thánh Trần, dân địa phương lại bảo Đức Thánh Niệm (Phạm Tử Nghi)

Lời dẫn: Hôm trước, lúc du lãng ở Quảng Ninh, đã mắt thấy tai nghe chuyện dưới đây (đăng trên Thể thao Văn hóa). Dân thì khẳng định một phía, còn các chuyên gia của Bộ Văn hóa (các ông Trần Lâm Biền, Đặng Văn Bài) thì kết luận ở một hướng khác.

Bây giờ, về quê của Đức Thánh Niệm thì lại được nghe lại.


Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Chuyên gia Bộ Văn hóa bảo Đức Thánh Trần, dân địa phương lại bảo Đức Thánh Niệm (Phạm Tử Nghi)
Lại đến đường Thiên Lôi, nối sang đường Nguyễn Văn Linh
Đường mang tên Thiên Lôi (ở Hải Phòng)
Đành chỉ còn biết tin và cậy vào một mình ông Bao Công (loạt entry cũ năm 2012)



---


Bỏ tượng cổ, đục tượng mới vì... thờ nhầm?



Thứ Hai, 25/03/2013 12:57 

(Thethaovanhoa.vn) - Vì không phân biệt được “cụ” Trần Hưng Đạo với “cụ” Phạm Tử Nghi, hai pho tượng cổ vài trăm năm tuổi tại di tích đình Quỳnh Biểu (Quảng Ninh) sắp phải dỡ bỏ và thay bằng hai pho tượng... mới làm.

Đó là nội dung chính trong biên bản làm việc giữa đại diện Sở VH,TT&DL Quảng Ninh, chính quyền địa phương và một số phụ lão thuộc làng Quỳnh Biểu (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) vào cuối tháng Hai vừa qua. Ngoài việc đề nghị những phụ lão này “thuyết phục nhân dân đồng ý”, biên bản (có chữ kí của lãnh đạo Sở VH,TT&DL) cũng ghi rõ về việc áp dụng hình thức “lễ hóa giải” cho những pho tượng cổ, sau khi tượng mới được hoàn thành.
Rất nhiều lá đơn khiếu nại từ nhân dân làng Quỳnh Biểu đã được gửi tới báo giới và các cơ quan chức năng sau kết luận trên. Theo đó, quyết định này được đưa ra một cách hoàn toàn trái với nguyện vọng của những người đã chứng kiến câu chuyện oái ăm về hai pho tượng này.
Đình làng Quỳnh Biểu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Lại đến đường Thiên Lôi, nối sang đường Nguyễn Văn Linh

Chúng tôi lại đến. Nơi mà chúng tôi cần đến.




Ai về thành phố Hải Phòng,
Đừng quên thăm quãng đường vòng Thiên Lôi.
Một nơi di tích truyền đời,
Công lao Thánh Niệm tay người làm nên.
Một anh hùng đã bao phen,
Giữ yên bờ cõi, tuổi tên không nhòa.
Vốn làng Vĩnh Niệm quê ta,
Tổng An Dương, huyện cũng là An Dương.
Phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương,
(....)


Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, 1991, trang 5.



Thánh Niệm đem chúng tôi qua nhà người này, giới thiệu sang nhà người kia, từ dãy phố này sang dãy phố kia. Việc ai người ấy làm. 

07/04/2013

Đành chỉ còn biết tin và cậy vào một mình ông Bao Công (loạt entry cũ năm 2012)

Chúng tôi lại đang ở Hải Phòng. Rất gần với nơi diễn ra phiên tòa lịch sử mang tên phiên tòa Đoàn Văn Vươn.

1330597057-chuyen-la-1.jpg
Không chú thích ảnh, không lời bình


Blog Yahoo đã bị đóng lại, nên loạt bài cũ về vụ anh Vươn (2012) ở dưới đây chỉ còn thấy tít mỗi entry. Nội dung đã bị bay toàn bộ.

Cái ảnh trên cũng phải đi mượn lại từ blog của bạn MB. Loạt bài trên đã được tôi chủ động khép lại ngay từ năm 2012, và được kết thúc với tấm ảnh trên. Kết thúc ngay từ khi đó, để ngưng hoàn toàn sự quan sát dù xảy ra bất kể gì tiếp sau đó. 

04/04/2013

Cụ Hồ chê thơ Đường : thừa chữ, rườm rà !

1. Tư liệu cho biết cụ Hồ từng bình luận một bài thơ của Đỗ Mục trong tập Thiên gia thi (Thơ của nghìn nhà). Đó là bài Thanh minh như sau:

Thanh minh thời tiết vũ phồn phồn,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.
Tá vấn: Tửu gia hà xứ hữu ?
Mục đồng dao chỉ: Hạnh hoa thôn.

(Có người dịch thành:
Thanh minh lất phất mưa phùn
khách đi đường muốn đứt hồn...xót xa
hỏi thăm:”Quán rượu đâu à?"

trẻ chăn trâu chỉ:”Hạnh Hoa thôn kìa”! )

2. Cụ đưa các ý bình luận, đại khái là bài này có nhiều chữ thừa, có thể lược bỏ. Cụ thể là:

 - Câu đầu nên bỏ hai chữ "Thanh minh", chỉ cần "thời tiết vũ phồn phồn" là đủ ý tả cảnh trời mưa lất phất rồi.

- Câu hai cũng thừa hai chữ "Lộ thượng". "Hành nhân là khách đi đường rồi, cần gì phải Lộ thượng nữa ? Thừa".

- Câu ba cũng lại thừa "Tá vấn". "Cứ hỏi Tửu gia hà xứ hữu ? thì người ta cũng đã biết là Hành nhân hỏi rồi, việc gì còn phải Tá vấn nữa".

- Câu bốn thừa "Mục đồng". Chỉ cần "dao chỉ Hạnh hoa thôn" là đủ nghĩa rồi.


Như vậy, theo ý của cụ, thì bài thơ của Đỗ Mục có thể sửa thành:
Thanh minh thời tiết vũ phồn phồn,
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn.
Tá vấn: Tửu gia hà xứ hữu ?
Mục đồng dao chỉ: Hạnh hoa thôn.


3. Ở mức tổng quát cao hơn, cụ đưa quan điểm sau: "Làm thơ phải biết tiết kiệm lời đúng mức. Đừng dùng thừa chữ. Cũng đừng quá bủn xỉn, khiến bài thơ đọc lên, người nghe không hiểu gì cả".

4. Thiển ý của tôi thì, nếu "bủn xỉn" hơn (so với tứ tuyệt của Đường luật) thì chỉ còn Haiku của Nhật Bản thôi. Haiku là dạng thơ mini của mini, giản tắt của giản tắt, nhiều khi đến mức bủn xỉn.

Không biết ông cụ có từng đọc Haiku của Nhật Bản chưa ? Trong thơ Việt Nam, có ông Lê Đạt đã biến haiku của Nhật thành ra hai-kâu (2 câu) của Việt Nam, để sau này, hình như chỉ có bà Thụy Khê mới đi đu trên dây mà hiểu thủng được nghĩa của loại thơ mini ấy trong gia tài Lê Đạt.

Còn riêng với bài tứ tuyệt của Đỗ Mục ở trên, bỏ đi mất 8 chữ như vậy, e thành ra bủn xin rồi.

---  
Entry liên quan đã đi trên blog này:  
- Cụ Hồ chê thơ Đường: thừa chữ, rườm rà !
- Cụ Hồ tự in ấn và quảng cáo cho tác phẩm của mình (1942, cuốn "Sử nước ta")  
Hồ Chí Minh viết về Lê Lợi và Mạc Đăng Dung (1942)

03/04/2013

Cụ Hồ tự in ấn và quảng cáo cho tác phẩm của mình (1942, cuốn "Sử nước ta")

Như đã viết ở entry trước, năm 1942, lúc ở hang Pắc Bó, cụ Hồ Chí Minh đã viết và tự in cuốn sách sau (tức tập thơ lục bát "Lịch sử nước ta"):




Giá sách 1 hào. Thời đó, 1 hào, theo đúng lời của ông cụ, là ngang giá với một tháng tổ chức phí (hãy thử đoán xem đây là phí gì).

Cùng thời gian, trên báo Việt Nam độc lập số 117 (ngày 1/2/1942), ông cụ cho đăng bài ngắn "Nên học sử ta". Đây là bài văn, không phải thơ, và ngắn hơn "Lịch sử nước ta" về trường độ. Tuy nhiên, cũng mở đầu bằng cặp lục bát: "Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Thú vị nhất là ở cuối bài "Nên học sử ta", ông cụ có quảng cáo như sau:
"Vừa xuất bản cuốn Sử nước ta bằng thơ. Hay lắm, giá mỗi quyển 1 hào, ai muốn mua hỏi cán bộ địa phương". (q3, 216).

Không biết doanh số của tập thơ "Lịch sử nước ta" hay "Sử nước ta" này như thế nào. Nhưng rõ là ông cụ đã cho xuất bản sách, rồi viết bài điểm sách ấy trên báo. Từ dùng của ông cụ thật gọn: "Hay lắm" !

---
Entry liên quan đã đi trên blog này:
- Cụ Hồ tự in ấn và quảng cáo cho tác phẩm của mình (1942, cuốn "Sử nước ta")
Hồ Chí Minh viết về Lê Lợi và Mạc Đăng Dung (1942)