Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/10/2013

Một đám tang, hồi chưa có truyền hình

Bài viết của nhà văn Hồ Dzếnh trên tờ Văn nghệ (Hà Nội) số 146 ra ngày 9.11.1956 ở trang 10 - 11. Sau được Lại Nguyên Ân tìm thấy và sao lục, rồi cho đăng lại trên talawas hồi năm 2008.

Trước đó một thời gian, bài cũng được in lại vào sách Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân (Nxb Thông tấn, 2006; bản phổ biến trên mạng từ 2008).

Dưới đây, lấy về từ bản trên talawas (2.8.2008).

---
Nhớ Nguyễn Sơn

Hồ Dzếnh


Mười năm về trước, cuộc kháng chiến toàn quốc mới bắt đầu, trên vườn hoa Ba Đình, Thanh Hóa, nhân dân thị xã lần đầu được dự một cuộc nói chuyện giữa trời. Người nói chuyện, chân giẫm trên một pho tượng tàn tích thực dân, quay lưng lại phía "tòa sứ", nâng cao tiếng nói của mình trên bể người, càng nói càng sang sảng, càng nồng nàn, càng hấp dẫn. Người dân Thanh Hóa xưa nay vốn quen với cái phong vị êm ả, cách ăn nói nhẹ nhàng, bỗng bị cuốn vào những âm thanh át cả gió bể thổi lại, phấn khởi theo một câu chuyện chiến sự còn cách đây hàng trăm cây số. Nắng soi tròn bóng diễn giả trên hông pho tượng lở, cho đến lúc hàng cây phượng kéo dài mình trên bãi cỏ lúc nào không hay. Lần đó là lần thứ nhất, thiếu tướng Nguyễn Sơn ra mắt bà con khu Tư với một tác phong chất phác, giản dị, một lối hùng biện bén lửa vào lòng người. 

Con người đặc biệt đó mà vốn hiểu biết phong phú thao thao trên bất cứ vấn đề gì bàn luận, quân sự, văn chương, ca kịch, âm nhạc, con người mà tính tình hào hùng đến thành ra nóng nảy, đã trở nên, song song với nhiệm vụ tư lệnh Liên khu Tư, người bạn chân thành của văn nghệ sĩ.

Những mệnh lệnh đặc biệt − chữ mệnh lệnh đôi lúc đáng yêu bao nhiêu − đã tạo cho người văn nghệ khu Bốn buổi cách mạng khởi sơ, những phương tiện suy nghĩ và làm việc, khuấy động không khí tản cư buổi đầu thành những luồng hoạt động mới. Nhưng tâm hồn Nguyễn Sơn vốn vẫn là một lò lửa, một khi bốc là bốc tràn, hào hứng là rừng rực. Do bản tính khác thường như thế, nhiều khi ông quên cả ngoại giới, hoàn cảnh khách quan, để chỉ lăn sả vào những điều mình tin là hay, là đúng.

Liên khu Tư văn nghệ đã chứng kiến cảnh diễn xuất hai vở kịch mà tác giả bị nhà quân sự tư lệnh cho "treo giò" giữa hai lá màn còn chưa đóng hẳn.

Bên cạnh những hành động làm sửng sốt và nghẹn ngào tác giả ấy, thiếu tướng Nguyễn Sơn đã dám vượt thời đại lúc đó bằng những cử chỉ trọng đãi, ân cần "ba ngày tiệc nhỏ, một ngày tiệc lớn", nhà diễn viên lâu năm Nguyễn Đình Nghị, để khai thác tinh hoa nghệ thuật chèo cổ. Chiến dịch bắt đầu hấp thu văn nghệ sĩ. Guồng máy ấn loát quân đội chuyển ầm ầm trên những trang báo chí mà Nguyễn Sơn là cây bút chính viết những loạt bài về chỉnh phong, chỉnh Đảng. Dầu sao đi nữa, hoạt động miên man kia cũng hấp nóng được tư tưởng và cây bút, cứu nó ra khỏi cái bình tịch của một an toàn khu.

Là tư lệnh liên khu, tuy nhiều khi áp đảo đùng đùng những tác phẩm văn nghệ, thiếu tướng Nguyễn Sơn bằng lòng nhận những cuộc bút chiến và tranh luận trên tinh thần tự do dân chủ cao độ, duy trì tận lực những lý thuyết của mình, đồng thời cũng để tận lực khai triển những ý nghĩ đối lập của người khác. Những lúc chứa chan và sôi nổi như thế, nhà quân sự như quên hẳn cây súng bên mình, để chỉ đắm chìm vào những rung động sảng khoái.

Rồi khi vừa dứt ra khỏi cuộc tranh luận hào hứng, Nguyễn Sơn đã lại tiếp ngay vào công tác quân đội, một sức bền bỉ, dẻo dai, không phân biệt ngày đêm, đã khắc sâu vào những ai gặp ông, cái ấn tượng không thường về con người và sức mạnh.

Nói, nói và viết, nói hàng giờ, viết một mạch, lời nói cháy bỏng làm rung động hàng ria mép và mái tóc cứng, quăn, nước da ngăm đen do vạn lý trường chinh để lại, ở thiếu tướng Nguyễn Sơn có những luồng lửa khích động, một sức hấp dẫn khó cưỡng lại mà lần đầu người văn nghệ tìm thấy ở một chiến sĩ quân nhân. Bằng cả hai tay đưa ôm và diễn xuất hình ảnh trong lời nói, Nguyễn Sơn, khi đề cập đến một vấn đề văn nghệ, Lôi vũ của Tào Ngu hay Kiều của Nguyễn Du chẳng hạn, không bao giờ nhớ đến thời gian và không gian ấn định cho phạm vi bài nói. Từ khi mặt trời lên đến khi mặt trời lặn, đó thường là quãng thời gian trung bình cho một buổi diễn thuyết.

Trải mấy chục năm đấu tranh cho lý tưởng cách mạng trên lãnh thổ Trung Quốc, nhà quân sự văn nghệ Nguyễn Sơn vẫn tỏ ra thấm nhuần khá sâu tinh thần dân tộc tổ quốc bằng cách trả lại cho tác gải Kim Vân Kiều một phần lớn chỗ ngồi xứng đáng. Giữa lúc Nguyễn Du bị gán đứng cho một lý luận đầy giáo điều và máy móc, nó làm thương tổn những ai đầy lòng kính trọng bậc tiền bối của nhân dân, Nguyễn Sơn đã đưa được ra một cô Kiều nạn nhân của xã hội phong kiến thống trị và bóc lột, nêu bật được cái chết đứng của Từ Hải, đồng thời nói lên được cái hoài bão, khao khát tự do − một phía hiện thực lãng mạn − của thi hào tác giả. Ít nhất thì, bên những khuyết điểm rải rác đó đây về chủ quan, về cá tính, Nguyễn Sơn đã phân tách được tương đối nhuần nhị và tinh vi, cái kho tàng văn chương dân tộc.

Có người cho rằng, trong thuở bình sinh, Nguyễn Sơn đã áp dụng lối "độc tài" và "quân phiệt" vào lãnh đạo văn nghệ. Nhưng có người lại nghĩ khác hơn: Nguyễn Sơn đã gắn được, cùng với chính trị vào văn chương, quân sự vào văn nghệ. Cái tham vọng, nếu có là như thế, thì cũng chỉ là tham vọng lãnh đạo muốn bế xốc lên một phong trào văn nghệ cho kháng chiến, nở đủ mặt, áp dụng đủ mọi hình thức tốt tươi.

Đây đó chan hòa vào đại chúng, ở hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, những nhà văn có lần đã ở khu Bốn, quen biết hoặc công tác với thiếu tướng Nguyễn Sơn, đều chưa quên được điểm đáng nhớ này ở người vừa khuất: lòng ưu ái mặn nồng đối với những cuộc đời lao động nghệ thuật. Lòng ưu ái đó thể hiện qua những hành động rất thân mật, cụ thể, có khi là… thiếu cả nể nang: ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu với văn nghệ, để rồi… hùng hổ cắt ngang một vở kịch đương công diễn xét ra là không thích hợp.

Nhưng trên những khuyết điểm thông thường của một người văn nghệ, nhất lại là người văn nghệ quân nhân, sáng mãi lên một tấm lòng chân thành bên những tấm lòng nghệ thuật, kề vai sát cánh với văn chương, hiểu sâu vào tâm tình nghệ sĩ.

Cảm thông đó trở nên một khuyến khích to lớn, đối với nhà văn trên chặng đường sự nghiệp phức tạp và gian nan, một nguồn sống thứ hai không có không được.

Chiều hôm nay, thiếu tướng Nguyễn Sơn đã nhắm mắt vĩnh viễn. Trời Hà Nội vào thu, mùa thu dạt dào sức mạnh kiến thiết, ở ngọn cột cờ cao nhất trên Thủ đô, lá quốc kỳ mở rộng từ hai năm nay ném mình theo gió. Xe linh cữu quàn màu cờ đỏ thắm, chầm chậm đi giữa hai giòng cây loáng nắng. Những chiếc mũ hai bên đường lần lần ngả xuống. Hà Nội rộn ràng sức sống, giới văn nghệ vững chân trên con đường hoàn thành độc lập và thống nhất Tổ quốc, ngừng lại một phút để tưởng nhớ thiếu tướng Nguyễn Sơn.

Bánh xe linh cữu trôi từ từ, quay những vòng lưu luyến, như muốn in rõ từng nét xuống mặt đường Thủ đô xôn xao gió, nắng. 


22.10.1956
Nguồn: Báo Văn nghệ, Hà Nội, s. 146 (9.11.1956), tr. 10, 11. Lại Nguyên Ân biên soạn.


---

TƯ LIỆU BỔ SUNG

CÁO PHÓ

  Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam rất đau đớn và thương tiếc báo tin để đồng bào và toàn thể cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam biết:

  Thiếu tướng Nguyễn Sơn Nguyên Tư lệnh Liên khu IV

  Sau một thời gian bị bệnh ung thư, đã tạ thế lúc 15 giờ 30 ngày 21-10-1956, tại Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô ở Hà Nội.

  Thi hài Thiếu tướng đã đưa về Câu lạc bộ Quân nhân ở đường Hoàng Diệu, Hà Nội.

  Tang lễ sẽ cử hành hồi 15 giờ ngày 22-10-1956.

Báo Nhân Dân, số 961
ngày 22-10-1956


Tiêu đề: Re: Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân
Gửi bởi: dongadoan trong 25 Tháng Mười, 2008, 01:35:16 PM

Lễ an táng
Thiếu tướng Nguyễn Sơn
đã cử hành trọng thể tại Hà Nội



  Sau một thời gian trị bệnh, Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã từ trần hồi 3 giờ 30 chiều ngày 21-10-1956 tại Bệnh viện Hồng thập tự Liên Xô ở Hà Nội.

  Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập Ban tổ chức tang lễ do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Trưởng ban, gồm có Tổng tham mưu phó Trần Quý Hai, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng Cục Quân huấn Cao Văn Khánh, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiếu.

  Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Hoàng Anh, các cán bộ cao cấp trong quân đội và gia đình Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã đến bệnh viện dự lễ khâm liệm Thiếu tướng.

  Sau đó, linh cữu Thiếu tướng đã đưa về đặt tại Câu lạc bộ Quân nhân. Tại đây, các đại diện Bộ Tổng Tư lệnh và một đơn vị bộ đội danh dự đã thay phiên nhau túc trực suốt đêm 21 và ngày 22-10-1956.

  Sáng 22-10-1956, Hồ Chủ tịch đã đến viếng, đặt vòng hoa trước linh cữu. Tiếp đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trường Chinh, các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng, các vị đại diện ban Thường trực Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam, Đảng Xã hội Việt Nam, các cơ quan Trung ương và Hà Nội, đại biểu các Tổng cục thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, đại biểu các đơn vị Quân đội ở Liên khu V, Liên khu IV là nơi Thiếu tướng đã hoạt động trong những năm kháng chiến, cùng nhiều đại biểu các đơn vị quân đội, anh hùng, chiến sĩ lần lượt đến viếng và đặt vòng hoa.

  3 giờ chiều, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ làm lễ truy tặng Thiếu tướng Nguyễn Sơn Huân chương Quân công hạng Nhì.
3 giờ 30 lễ an táng bắt đầu.

  Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều cán bộ cao cấp trong quân đội khiêng linh cữu Thiếu tướng lên xe hơi bọc vải đen viền trắng.
Đi đầu là xe hoa rồi đến xe mang Quân kỳ "Quyết Thắng", xe ảnh Thiếu tướng Nguyễn Sơn và xe chở linh cữu phủ quốc kỳ, một đơn vị danh dự đi hộ tống. Tiếp đó là xe của gia đình Thiếu tướng, đại diện Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cán bộ cao cấp của quân đội, đại biểu của chính đảng, cơ quan, đoàn thể ở trung ương và Hà Nội, đại biểu nhân dân, cùng các bạn chiến đấu của Thiếu tướng. Các đồng chí công tác tại Đại sứ quán Trung Quốc cũng tới viếng và dự lễ an táng Thiếu tướng. Ngoài ra còn có một tiểu đoàn và một đội nhạc của quân đội.

  Thi hài Thiếu tướng Nguyễn Sơn được an táng tại ngoại thành Hà Nội.

  Trong lễ an táng, đồng chí Hoàng Anh thay mặt Tổng quân uỷ và Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đọc lời điếu, nhắc lại đời hoạt động của Thiếu tướng Nguyễn Sơn

  Lễ an táng xong hồi 5 giờ chiều.

Báo Nhân Dân, số 962,
 ngày 23-10-1956

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.