Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

05/08/2013

Thơ đương đại Nhật Bản từ góc nhìn của một nhà thơ Nhật Bản (Hachikai Mimi, 2012)

Thay cho lời dẫn
"Rơi rớt vật đang ôm
Trong tay hoàn toàn trống
Lần lượt ném vào bóng tối ấy
Biển và núi, sóng, sương
Trăng vô tình tròn trịa
Mạch đập nhanh
Chúng ta
Mặc vào cho nhau rồi cởi bỏ
"

("Con đường này tiếp đến cửa miệng của ai đó", thơ Hachikai Mimi)
Nhà thơ trẻ Hachikai Mimi (trái) cùng phiên dịch nói chuyện với độc giả Việt Nam
Tháng 9/2009, GS. Numano Mitsuyoshi của Đại học Tokyo - Nhật Bản tới Việt Nam nói chuyện về “Lịch sử và đặc điểm văn học Nhật Bản”. Đầu tháng 3/2012, nhà văn trẻ Masatsugu Ono có các buổi giới thiệu về tiểu thuyết Nhật đương đại và cuốn sách “Tiếng hát người cá” của anh được xuất bản tại Việt Nam. Nối tiếp chuỗi hội thảo về văn học Nhật, trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa Việt - Nhật, ngày 20/3, nhà thơ trẻ Hachikai Mimi có mặt tại Hội trường tầng 2, Viện văn học, Hà Nội để trò chuyện về văn học đương đại Nhật Bản nhìn từ thơ.


Mimi

---
Lấy từ trang của Quỹ Nhật Bản (tiếng Việt)



Trò chuyện với Hachikai Mimi: Văn học đương đại Nhật Bản 
– Nhìn từ thơ




Bài thuyết trình tại Việt Nam tháng 3 năm 2012



Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước tôi từng muốn đến từ trước đây, nhưng thời gian cứ trôi đi chưa có cơ hội nào cho đến nay. Hôm nay có được dịp quý báu giao lưu với các bạn Việt Nam, tôi xin thành thật cảm ơn.

Tôi không phải là người nghiên cứu, hoặc chuyên gia về Việt Nam, cho nên những kiến thức và ấn tượng của tôi đối với Việt Nam rất hạn chế và rời rạc. Khoảng hơn 10 năm về trước, ở Nhật có chiếu phim “Mùi đu đủ xanh” và “Mùa hè chiều thẳng đứng” của đạo diễn Trần Anh Hùng, được yêu thích, và tôi cũng đã đi đến rạp xem phim. Tôi có ấn tượng, dư âm về ánh sáng và mưa của một miền đất phương nam. Có thể từ lúc đó, đối với người Nhật, Việt Nam trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn. Thiên nhiên phong phú, có những kiến trúc và di tích lịch sử, nghệ thuật dân gian và tranh thêu, các món ăn Việt Nam như phở và chả giò được yêu thích ở Nhật Bản. Nay thì nhiều người Nhật biết đến những hấp dẫn rất riêng này của Việt Nam. Thế hệ trước tôi thì hẳn nặng ký ức về Chiến tranh Việt Nam và phong trào phản chiến. Nhưng thời gian đã trôi qua, tôi cảm thấy chính trị, kinh tế và văn hóa cũng đã thay đổi theo dấu chân của thời gian. Những chương trình giao lưu văn hóa với Việt Nam thông qua Japan Foundation cũng sẽ nhiều hơn và sâu hơn. Tôi thật sự mong được như thế.

Lần này, là người sáng tác thơ tôi được mời sang Việt Nam giao lưu. Trước đây hai lần, được biết có giáo sư Numamo Yoshimitsu – nhà nghiên cứu văn học Nga, và nhà văn Ono Masatsugu – nhà nghiên cứu văn học Pháp đã sang Việt Nam giao lưu. Lần thứ ba này, tôi được mời vì được cho biết rằng, Việt Nam có nhiều nhà văn vừa viết truyện/tiểu thuyết vừa sáng tác thơ. Ở Nhật Bản, văn học Việt Nam chưa được dịch nhiều, cho nên tôi không có cơ hội biết về thơ và truyện/tiểu thuyết của Việt Nam. Đi Việt Nam lần này tôi mới biết về thực trạng đó. Không biết rõ các tác phẩm mà nói về ấn tượng chung là điều rất nguy hiểm. Nhưng khi nghe nói ở Việt Nam có khá nhiều nhà văn vừa viết truyện/tiểu thuyết vừa làm thơ, khiến tôi nghĩ rằng trong văn học Việt Nam hiện nay, trong cái gốc của truyện/tiểu thuyết có thơ, hoặc thơ là thể loại văn học được yêu thích ở Việt Nam. Nếu nói thế, có người sẽ nghĩ, vậy ở Nhật Bản thơ không được yêu thích hay sao.

Về điều này, xin cho tôi trả lời từ nhiều mặt. Có thể tóm tắt một câu là, ở Nhật Bản hiện nay, quả thật, truyện/tiểu thuyết là dòng chính trong văn học. Nhìn danh sách văn học Nhật Bản được xuất bản ở Việt Nam cũng thấy hầu hết các tác phẩm được dịch ra tiếng Việt đều là tiểu thuyết như của nhà văn Oe Kenzaburo, Murakami Haruki v.v. Có nghĩa là truyện/tiểu thuyết được yêu thích hơn vì có yếu tố sự kiện và vụ án được triển khai v.v. Đây cũng là hiện tượng chung trên thế giới. Một mặt, ấn tượng đối với thơ thường là khó tiếp cận, khó hiểu, rối răm.

Tôi vừa dùng chữ thơ, khi nói về thơ đương đại của Nhật Bản thì nó là thơ tự do. Còn khoảng 100 năm về trước, thời Minh Trị, khi nói thơ, nghĩa là Hán thi. Hán thi, nghĩa là thơ đến từ Trung Quốc. Nghĩ lại mà thấy lạ, ở Nhật xưa có nhiều người biết làm Hán thi. Đó là một thước đo văn hóa của thời đó, sinh ra ở Nhật, tiếng mẹ đẻ là tiếng Nhật, nhưng học các quy tắc thơ Trung Quốc mà làm thơ. Hiện nay, rất ít người có thể làm Hán thi. Phải đi học ở lớp chuyên, hoặc đặc biệt trau dồi thì mới làm được. Cho là sở thích, nhưng cũng hiếm ai chọn sở thích như thế. Tôi được biết, trước thế kỷ 20, văn học chữ Nôm đã thịnh hành ở Việt Nam. Tuy Việt Nam khác với tình hình Hán thi ở Nhật Bản, song điều này khiến tôi một lần nữa nhận ra rằng, ở một phạm vi rộng, Việt Nam và Nhật Bản nằm trong vùng văn hóa tiếng Hán.


Vậy, Nhật Bản trước khi vào thời kỳ hiện đại hóa, chỉ có Hán thi đến từ Trung Quốc hay sao. Tất nhiên không phải vậy. Có waka và haikai – sau này thành tanka và haiku. Đây là thơ tiêu biểu của Nhật Bản, tồn tại cho đến nay. Tóm tắt một câu về thơ tanka và haiku là thể thơ có quy định âm tiết: tanka 5-7-5-7-7, haiku 5-7-5. Nói thêm nữa, ở haiku có quy định Quý ngữ, nghĩa là từ miêu tả các mùa. Ở Nhật có bốn mùa: xuân hạ thu đông. Có những từ miêu tả các mùa, có cả cuốn gọi là “Tuế thời ký” sưu tầm các quý ngữ này. Người sáng tác haiku luôn có cuốn này để tìm quý ngữ hợp với âm tiết 5-7-5. Có thể có bạn chưa rõ về văn học Nhật Bản, không biết haiku. Ở Nhật có một bài haiku mà hầu như người Nhật ai cũng đều biết là của Matsuo Basho – thi bá haiku của Nhật Bản ở thế kỷ 17 thời Edo: Ao cũ/Con ếch nhảy vào/Vang tiếc nước xaoi. Hiểu nôm na, con ếch nhảy vào một cái ao cũ, khuấy lên tiếng nước. Nếu giải thích vì sao nó hay, hay chỗ nào, thì chắc sẽ làm khó hiểu hơn. Nghe tiếng nước có nghĩa là cái ao và con ếch không còn trong tầm mắt nữa. Bài này hay ở chỗ diễn đạt được âm vang của tiếng nước khuấy lên và dư âm của nó bằng ngôn từ, làm nên một bài thơ. Nói đến haiku, thì nhớ đến nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer sinh năm 1931 nhận giải thưởng Nobel mùa thu năm ngoái, ông đã gặp gỡ haiku là thể loại thơ ngắn từ sau cơn đột quỵ 30 năm trước đó. Năm ngoái, tôi cũng có dịp đọc thơ ông được dịch sang tiếng Nhật. Vậy, dường như haiku nay được biết trên thế giới. Xin trích hai đoạn haiku từ tập thơ “Chiếc Gondora phiền muộn”:

Bọn ta cần sống với/Tấm thảm cỏ đẹp như tranh/Và cười vang vang hầm rượu.ii
Những chiếc lá khẽ nói/Lợn rừng đang chơi đàn óc gan/Và những quả chuông đồng reo vang.iii


Còn waka, so với haiku, có lịch sử xa hơn. Thế kỷ thứ tám, có tập thơ waka là “Vạn diệp tập”. Có tất cả 20 tập với 4500 câu thơ. Có quy mô khá to tát với nội dung không chỉ về thiên hoàng và quý tộc là những nhân vật của văn hóa thời đó, mà có cả thơ về đời sống và cảm xúc của thường dân. Các câu thơ ấy được nối tiếp làm trong độ thời gian dài khoảng 300 năm. Ở đấy, vốn có trường ca và đáp ca. Đáp ca là thơ phụ, đáp lại trường ca. Rồi dần dần ngắn đi thành cấu trúc âm tiết 5-7-5-7-7 như hiện nay. Ngay cả hiện nay, trong cung nhà vua, vào năm mới, có buổi đọc thơ đầu năm, hoàng tộc và những người được chọn đến đấy đọc thơ về tâm trạng đón năm mới của mình. Như vậy, tanka và haiku là loại thơ truyền thống có từ xưa. Tuy cổ nhưng luôn được làm mới, là một đặc thù của ngôn ngữ Nhật.

Trên đây, tôi có nói thơ đương đại của Nhật Bản là thơ tự do. Vậy khi nào có sự cách tân mang đến cho thơ Nhật Bản vốn là thơ truyền thống có quy định âm tiết và Hán thi đến từ Trung Quốc? Có thể nói là năm 1868, năm bắt đầu cuộc Duy tân Minh Trị. Nói trên lịch sử văn học Nhật Bản thì chính xác là năm 1882 (Minh Trị 15), năm xuất bản tập thơ “Tân thể thơ sao” được cho là tập thơ hiện đại đầu tiên. Các nhà biên soạn thơ là những nhà nghiên cứu luật, xã hội học và thực vật học. Nội dung là ngoài dịch thơ Anh thơ Pháp, có cả quân ca và thơ thể nghiệm của các nhà biên soạn. Ngoài dịch thơ Shakespeare và Tennyson, còn có bài thơ nhan đề là “Luận về nguyên lý xã hội học”. Nhìn lại từ ngày nay, có thể nói đây là tuyển tập thơ khá lạ lùng. Thời kỳ đó, mang nỗi âu lo về hiểm họa các cường quốc phương Tây lấn tràn vào, Nhật Bản đã lao vào cơn sốc đẩy mạnh hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình ấy, về lãnh vực thơ, các học giả đã đưa thơ phương Tây vào học hỏi. Nói ngắn gọn là, các học giả Nhật Bản thời đó nghĩ rằng, thơ truyền thống có thể ca hát về thời tiết và cảm xúc đi nữa, nhưng không thể đưa tính tư tưởng và tính hiện đại vào trong đó. Nói cách khác, họ cho rằng, trong thơ phương Tây có diễn đạt những điều mà trong thơ Nhật Bản trước đó không có. Học điều mới, đưa cái hay vào thơ – tâm huyết của các nhà biên soạn đã khuấy động thơ Nhật Bản thời kỳ đó.

Tôi nói cuốn “Tân thể thơ sao” là tuyển tập thơ, còn nói riêng về các tác giả thì “Mười hai ngôi đá” của Iwasa Hangetsu năm 1885 (Minh Trị 18) là tập thơ đầu tiên thể hiện cách tân này. Đây là trường ca sử thi lấy đề tài từ Cựu ước. Như vậy, có thể nói, thơ hiện đại Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây từ thời điểm bắt đầu xuất hiện. Một mặt, tanka và haiku không hề phai mờ sau đó, sự xuất hiện và cách tân của nhà thơ Masaoka Shiki đã làm mới và khởi sắc nó hơn. Cho nên, hiện nay, ngoài Hán thi đang chìm đi, khi nói về thơ Nhật Bản thì thường gồm có thơ tự do, tanka và haiku. Ở Việt Nam thì như thế nào? Thơ truyền thống và thơ hiện đại cũng đồng hành với nhau phải không?

Nhật Bản từ sau thời kỳ hiện đại hóa, xuất hiện nhiều nhà thơ cách tân là Shimazaki Toson, Kawaji Ryuko, Kitahara Hakushu, Hagiwara Sakutaro, Miyoshi Tatsuji, Kaneko Mitsuharu. Sau Đệ nhị thế chiến, tức từ sau 1945, có tạp chí Arechi của nhà thơ Ayukawa Nobuo và nhà thơ Tamura Ryuichi đăng tải các sáng tác hướng đến sự hồi sinh của Nhật Bản từ những hoang tàn của chiến tranh. Thế hệ nhà thơ sau đó là Ooka MakotoTanikawa Shuntaro nay đã hơn 80 tuổi. Và Yoshimoto Takaaki có thể nói là nhà tư tưởng hơn là nhà thơ, là thân sinh của nhà văn Yoshimoto Banana mà tác phẩm đã được dịch ở Việt Nam, cũng đã cống hiến rất nhiều cho cách tân thơ. Thế hệ trẻ hơn có nhà thơ Arakawa Yoji, Isaka Yoko và Ito Hiromi. Ba nhà thơ nữ này tuổi độ từ năm mươi mấy đến sáu mươi mấy. Từ thế hệ này, nổi lên các nhà thơ nữ. Trong văn học Nhật Bản, thế kỷ 10 – 11 thời Heian, có nữ văn sĩ Murasaki-shikibu viết “Truyện Genji” và nữ văn sĩ Seisho-nagon viết tùy bút “Makura Soshi”. Còn vào thời kỳ đầu văn học hiện đại thì năm 1901 có tập thơ “Tóc rối” của nhà thơ Yosano Akiko. Ba nữ văn sĩ này đã ghi dấu trong văn học sử Nhật Bản. Nhưng về thơ tự do thì bản thân thể loại này còn mới hay sao đó, nên người cách tân chưa thể nói là nhiều. Vào thập niên 1980, rộn lên phong trào thơ nữ, có một thời các nhà thơ nữ được chú ý. Có thể tóm tắt đặc trưng của họ là, đào sâu cảm xúc thân thể của đàn bà, diễn đạt tinh tế hoặc táo bạo hơn. Từ giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970, Nhật Bản vào giai đoạn Kinh tế phát triển cao độ.

Trải qua thời kỳ này, tiếng nói của phụ nữ được nhìn nhận hơn trước, vào năm 1986 thì “Luật nam nữ bình đẳng cơ hội làm việc” được ban hành. Sự kiện này tưởng không liên quan trực tiếp đến thơ, nhưng ở ý nghĩa khi môi trường sống thay đổi, có một sự thật là những biến đổi của xã hội đã tác động sinh ra những cây bút nữ, mang đến cơ hội và nhiệt huyết sáng tác cho các cây bút nữ. Lúc đó tôi còn nhỏ, tình hình và biến đổi lúc đó tuy diễn ra trước mắt nhưng tôi không hiểu lắm. Chỉ cảm nhận rằng, thập niên 1980, quả thật Nhật Bản có sinh động hơn, so với những năm sau đó.

Ở thập niên 1980, không còn thấy loại thơ có ngôn từ sôi sục liên quan đến phong trào chính trị như từng thấy ở thập niên 1960. Cùng với sự phát triển kinh tế khá lên của xã hội Nhật Bản, có nhiều thơ viết về đời sống cá nhân và cảm xúc của cá nhân. Ví dụ như tập tanka “Ngày kỷ niệm xa-lát” xuất bản năm 1987 của nhà thơ nữ Tawara Machi hiện rõ điều này. Ví dụ như câu: “Vị này ngon nhỉ”/anh nói/nên em lấy mùng 6 tháng 7 là ngày kỷ niệm xa-lát của đôi ta. Tất nhiên, những điều này phải nói lên từ mỗi tác phẩm chứ gói đũa thành nắm quả là điều nguy hiểm. Nhưng nếu nói về xu hướng chung của một thời kỳ, thì có thể nói, sự thể hiện cá nhân được mở rộng ra cùng với sự thay đổi của xã hội. Ở đó, dĩ nhiên có mặt tốt và mặt xấu.

Vậy trên đây, tôi đã trình bày khái quát về thơ Nhật Bản. Tức là vừa có thể loại thơ truyền thống có quy định âm tiết, vừa có thể loại thơ tự do xuất hiện từ sau thời kỳ Nhật Bản hiện đại hóa chịu ảnh hưởng thơ của phương Tây. Thơ tự do không bị ràng buộc bởi quy định âm tiết và độ dài của một dòng một bài. Tức là hoàn toàn tự do, nhưng ngược lại điều này ràng buộc người sáng tác một mặt khác. Trước đây, có nhà thơ tanka bảo tôi rằng: “Làm thơ tự do phải suy nghĩ nhịp điệu và độ dài của mỗi bài nên khổ nhỉ”. Lúc đó tôi nghĩ, không phải khổ vì suy nghĩ về nhịp điệu và độ dài, mà ngược lại đó là niềm vui làm nên một bài, ra đời được nó. Tức là có những điều chỉ có thể làm được ở thơ tự do vì nó là thơ tự do.

Điều này, khi viết truyện/tiểu thuyết và tiểu luận tôi càng cảm thấy rõ. Tôi sáng tác thơ là chính. Nhưng cũng có viết truyện/tiểu thuyết, tiểu luận, phê bình và truyện thiếu nhi. Tôi thường bị hỏi: “Viết nhiều thể loại như thế thì giữa chúng khác nhau như thế nào, hoặc, vì sao viết nhiều thể loại như thế”. Tôi trả lời là, giống như bắp thịt của ngôn từ rung cách khác nhau khi đang viết. Nó sinh ra một trạng thái ngôn từ, chính vì đang viết một thể loại khác mà khiến suy nghĩ một cách vô ý thức về một thể loại khác nữa. Tuy thế, rốt cuộc đối với tôi, thơ là sáng tác chính. Viết văn xuôi là để suy nghĩ về thơ hơn nữa. Đây có thể là câu trả lời rành mạch nhất. Nếu muốn bày tỏ ý kiến một cách nhanh chóng và chính xác thì thể loại văn xuôi thích hợp hơn thể loại thơ. Thơ hợp cho diễn đạt cảm xúc một cách tinh tế mà nếu nói rõ ra thì ngược lại có thể đánh mất nó. Thơ tận dụng nhịp điệu và nhịp độ của ngôn từ để diễn đạt một cách cô đọng, điểm này thơ thích hợp hơn văn xuôi.

Tuy nói thế, những điều này, nếu nghĩ về tình hình diễn đạt ngôn ngữ tiếng Nhật hiện nay thì khó mà định nghĩa một cách chuẩn xác. Suy nghĩ điều gì nảy sinh ở giữa thơ và văn xuôi, ở khe hở giữa thơ và văn xuôi, hoặc hơn việc suy nghĩ, cứ thích thú với nó thì sẽ làm nên một chốn sắc sảo của ngôn từ. Ví dụ, nhà thơ Tanikawa Shuntaro trong cuốn “Thơ là gì” viết cho trẻ em đọc có đoạn như sau: “Vì được viết chung bằng tiếng Nhật nên đa số (cả những người trong ngành giảng dạy) thường lẫn lộn ngôn từ văn xuôi với ngôn từ thơ. Hai ngôn từ có lúc là đồng thân nhất thể, nhưng có lúc xa cách nhau gần như đoạn tuyệt. Nếu chỉ lấy ngôn từ dùng trong đời sống hằng ngày làm thước đo, ắc sẽ cho là có những bài thơ khó hiểu, khó tiếp cận”. Tôi cũng nghĩ thơ và văn xuôi quả thật có lúc là đồng thân nhất thể nhưng cũng có lúc đoạn tuyệt. Đây không phải là điều chỉ nghĩ trong đầu mà thực sự tôi cảm thấy như thế trong sáng tác.

Về quan hệ thơ và văn xuôi, ở Nhật Bản hiện nay, gần đây có nhà văn Henmi Yo xưa nay chuyên viết phóng sự đã xuất bản tập thơ “Cái cổ sống” và “Mắt biển”. Hoặc nhà triết học Tsurumi Shunsuke hơn 80 tuổi đã xuất bản tập thơ “Xuân già”. Hoặc nhà văn Kawakami Mieko sau khi được giải thưởng Akutagawa là giải thưởng đăng đàn trong giới văn học về tiểu thuyết “Vú và trứng” đã xuất bản tập thơ “Chém gió, nào đâm nào bị đâm, cũng hay chứ”. Kawakami Mieko là cây bút nữ vừa viết tiểu thuyết vừa làm thơ. Tất nhiên, không phải nhà văn nào cũng làm nên những bài thơ có độ hoàn tất cao, nhưng sáng tác xuyên thể loại như thế đã làm cho văn học Nhật Bản đa dạng và phong phú hơn.

Trên đây, tôi đã nói về thơ từ góc độ hơi trừu tượng một chút. Nhưng điều quan trọng nhất không cần phải nói là, cảm nhận được sự tươi sáng của thơ qua thể hiện ngôn từ. Ở Nhật, có rất nhiều người muốn cả đời được một lần in tập thơ của mình. Không nhất thiết là thơ tự do hay tanka hoặc haiku. Điều này nói lên rằng, không ít người có lòng yêu thơ ở Nhật Bản. Mong muốn này xa vời với yếu tố thương mại xuất bản tiểu thuyết bán được bao nhiêu có bao nhiêu độc giả v.v. Qua thơ, chạm đến cốt lõi của ngôn từ, chạm đến sự sâu lắng mà ngôn từ mới diễn đạt được, là thơ đã có vai trò quan trọng như thế nào đối với cảm xúc con người. Điều này tương tự với nhau trên thế giới, dù vùng miền ngôn ngữ khác nhau.

Trong đời sống hằng ngày, ngôn từ là công cụ để giao tiếp, truyền đạt thông tin với nhau. Nhưng vai trò của ngôn từ tất nhiên không phải chỉ thế. Ngôn từ, là tâm linh của con người. Có thể, đôi khi nó không làm nên gì không mang đến được gì. Nhưng ngôn từ có mặt ở đó, đã là điều gì rồi. Đọc tác phẩm văn học, không nhất thiết đọc xong là phải thấy kết quả hoặc lợi ích như giúp cho độc giả biết thêm về một cách sống tốt hơn, hay góp phần giải quyết được vấn đề nào đó. Chỉ đọc và cảm nhận thế giới của ngôn từ một cách toàn diện là quan trọng. Tôi nghĩ, hành vi chạm đến ngôn từ đã là quý hóa rồi. Ở Nhật Bản hiện nay, có lẽ có nhiều người muốn sáng tác thơ hơn là đọc thơ. Nhất là giới trẻ dường như có xu hướng không đọc nhiều thơ của người đi trước, mà làm thơ chỉ vì muốn thể hiện cảm xúc của mình. Nó được bởi nó không bảo thủ. Nhưng một mặt, có phần chưa chín trong diễn đạt. Ở Nhật, máy vi tính và internet lan tràn. Nhiều người thể hiện sáng tác của mình qua phương tiện này. Nhưng chưa được sự phê bình đích đáng mà chỉ thể hiện thế giới của mình như thế không khỏi gây nên thắc mắc và bộc lộ sự chưa chín của những sáng tác đó. Môi trường này ảnh hưởng đến thơ và văn học Nhật Bản như thế nào, hiện nay có phần chưa rõ. Nhưng thời đại, thế giới và xã hội thay đổi đi nữa, con người vẫn phải tiếp tục chung sống với ngôn từ. Và thời đại thế nào đi nữa, trong thế giới văn học, không có gì là hoàn tất mà luôn luôn làm mới, mở ra một cục diện mới. Tất nhiên điều này đất nước vùng miền nào cũng tương tự như nhau. Con người, ngôn từ, và văn học không ngừng ra đời và được làm mới.

Nói thêm về thơ, thơ có định mệnh gắn liền với tiếng mẹ đẻ. Tiếng Việt Nam có bao nhiêu nguyên âm vậy ạ? Tiếng Nhật có 5 nguyên âm. Thời xưa thì là 7,8 nguyên âm nhưng tiếng Nhật hiện này là 5: a i u e o. Và âm tiết cuối cùng phải là nguyên âm chứ không phải phụ âm. Cho nên âm điệu tiếng Nhật hiện rõ lên 5 nguyên âm này. Về thanh thì tiếng Nhật không phải là mạnh/yếu mà là cao/thấp. Tiếng Nhật so với các tiếng nước khác thì có vẻ nghe đều đều. Và số âm tiết dễ hiểu nên được cho là dễ dàng tạo nhịp. Tanka 5-7-5-7-7 và haiku 5-7-5 cũng dựa vào tính chất này của tiếng Nhật.

Xin nói về trường hợp cá nhân tôi một chút. Tôi có ý thức muốn làm thơ là vào khoảng độ trên dưới mười lăm tuổi, khi đọc tập thơ của nhà thơ Miyazawa Kenji “Mùa xuân và Asura”. Thơ này hoàn toàn thành công về âm điệu và nhịp điệu. Tôi cảm thấy ngôn từ trước hết, hơn cả nội dung là gì motif là gì. Truyện và tiểu thuyết thì có thể đọc từ góc độ viết về gì, câu chuyện triển khai như thế nào, chứ trường hợp thơ thì nặng về từng câu chữ. Có lẽ vì đó, thơ khó dịch. Cho nên khi đọc thơ dịch, song song với đọc bản dịch, tôi nghĩ chạm tới âm vang của ngôn ngữ gốc của bài thơ ấy là điều quan trọng.

Ví dụ, tôi hoàn toàn không biết tiếng Việt Nam, nhưng nếu đọc thơ Việt Nam được dịch sang tiếng Nhật, cùng lúc, tôi muốn chạm đến âm vang của bản thơ gốc tiếng Việt. Sự phong phú về chất nhạc trong ngôn từ thật không kể xiết. Tôi nghĩ, vừa cảm nhận nội dung và ý nghĩa của tác phẩm văn học, vừa chạm đến âm thanh thích thú với chất nhạc của nó là điều rất thú vị. Nói một cách cực đoan, thơ là hiện thân được sinh ra giữa ý nghĩa của ngôn từ và âm nhạc. Ở Việt Nam trường hợp như thế được đón nhận như thế nào?

Ở Nhật trước nay, khi nói về văn học dịch thì đa số là dịch văn học phương Tây, nhưng gần đây có xu hướng chú ý đến văn học các nước châu Á và Phi châu. Do thời Duy tân Minh Trị gắng học hỏi phương Tây nên quên mất các nước khác, nhưng nay đã bắt đầu soi rọi đến. Đây hoàn toàn là một xu hướng tự nhiên. Đặc biệt, tôi mong Nhật Bản chú ý hơn nữa về văn học các nước châu Á. Và đã đến thời chúng ta có thể thực hiện được điều này. Trong xu hướng chung đó, tôi mong văn học và văn hóa Việt Nam càng được giới thiệu thêm ở Nhật Bản. Giống vậy, văn học và văn hóa Nhật Bản cũng được giới thiệu hơn nữa ở Việt Nam. Vì tôi nghĩ, trong thời đại hiện nay, điều đó mang đến niềm vui và sự khám phá giữa những người có đặc trưng khác nhau để biết về nhau. Biết về nhau hơn nữa, cho nhau hơn nữa, cảm nhận nhau hơn nữa, từ đó mang đến sức sống cho văn học và văn hóa là điều tuyệt vời biết bao. Tôi mong rằng xu hướng này, từ nay ngày càng được rõ nét hơn.




Mimi HACHIKAI


Sinh năm 1974

Nhà thơ, nhà văn, nhà viết tự luận
Thạc sỹ Văn học
Trường Văn khoa, thuộc Đại học Waseda

Nhà thơ, nhà viết tiểu luận, nhà văn
Giảng viên bộ môn Văn học, Đại học Waseda

Một số tập thơ tiêu biểu:
- “Imanimo uruotteiku jinchi” [tạm dịch “Nay trận địa ẩm ướt lên”] (1999)
*Được giải Nakahara Chuya(1)
- “Kuumonowa kuwareru yoru” [tạm dịch “Đêm loài ăn thịt bị ăn”](2005)
*Được giải Tác giả mới của Giải thưởng Văn học của Bộ Giáo dục.
- “Kakusu Ha” [tạm dịch “Phủ lên chiếc lá”] (2007)

Một số tiểu thuyết tiêu biểu:
- “Beni suisho” [tạm dịch “Hoa hồng thạch anh”] (2007)
*Được đề cử cho giải thưởng văn học Noma(2)

Một số sách tranh (dành cho trẻ em):
- “Esukarugo no yoake” [tạm dịch “Bình minh của chú ốc sên”] (2006)
- “Ukiwa neko” [tạm dịch “Con mèo với chiếc phao”] (2011)



---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Thơ đương đại Nhật Bản từ góc nhìn của một nhà thơ Nhật Bản (Hachikai Mini)
Tanikawa Shuntaro và bài thơ lừng danh : "Tất cả đều là L..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.