Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

23/05/2013

Đi tìm dấu ấn cha con Mạc Kính Diệu ở Quảng Châu : Phần I (tóm tắt)

Tòa tam bảo chùa Đại Phật (thành phố Quảng Châu) nhìn từ xa qua ảnh chụp của một nhà sư 
[Pháp sư Học Thành 2011]

Theo thông tin từ Nam phương đô thị báo (năm 2005) và Quảng Châu nhật báo (năm 2007) là những tờ báo uy tín ở miền nam Trung Quốc, cũng như theo website của chính chùa Đại Phật (năm 2001, 2006) hay của Cục lưu trữ hồ sơ xây dựng thành thị Quảng Châu (năm 2003), thì câu chuyện có thể tóm tắt như sau. 

Chùa Đại Phật vốn được xây dựng lại trên nền một chùa cũ vào đầu thập niên 1660, bởi vị tướng quân uy danh ở vùng Lưỡng Quảng khi đó là Thượng Khả Hỉ 尚可喜 – lúc ấy đã được vua Thanh phong làm Bình Nam vương 平南王. Trong dịp phát động quyên góp trước khi xây chùa Đại Phật, Bình Nam vương có duyên may gặp được An Nam vương là Mạc Kính Diệu và con trai là Mạc Nguyên Thanh đang trên đường lên kinh đô nhà Thanh. Hai bên trò chuyện bên bàn tiệc, và An Nam vương đồng ý cung tiến gỗ để xây chùa. Số gỗ An Nam vương công đức đã được đưa đến Quảng Châu; sau đó, được sử dụng để cất tòa tam bảo, tức đại điện hay đại hùng bảo điện, là kiến trúc trung tâm của chùa. Ngày nay, sau 300 năm, tòa tam bảo đó vẫn còn, và cũng là công trình kiến trúc duy nhất còn lại từ thập niên 1660. Những chiếc cột trụ lớn của tòa tam bảo hiện còn được xem là làm từ gỗ do An Nam vương cung tiến từ 300 năm trước. 

Khi thông tin trên được tôi gửi đến, cũng là lúc Ngưu Quân Khải vừa đưa bản thảo cuốn sách Nhà Mạc Việt Nam với Trung Quốc/Vietnamese Mac family and China (1593-1771) đến nhà xuất bản. Anh có lẽ có phần bất ngờ, vì chưa từng biết đến thông tin như vậy, đồng thời vui vẻ nhận lời cùng điều tra giúp mảng sử liệu gốc liên quan cũng như sẽ trực tiếp đến chùa Đại Phật để khảo sát. Bản thân tôi cũng tự tra cứu nguồn sử liệu thời nhà Thanh và thời Dân quốc liên quan mà mình có thể tiếp cận trong điều kiện hiện tại, đồng thời cũng viết thư điện tử cho phía chùa Đại Phật để xác nhận thông tin.

Dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày về quá trình, cũng như kết quả ban đầu của việc đi tìm dấu ấn hai vị vua Mạc tại Quảng Châu trong quan hệ với ngôi chùa Đại Phật và tướng quân Thượng Khả Hỉ, thông qua tra cứu sử liệu gốc và xác nhận thông tin với phía nhà chùa, cho đến thời điểm tháng 2 năm 2012. Tức là trước khi chúng tôi trực tiếp đến thăm chùa Đại Phật vào cuối tháng 3 năm 2012.
Cận cảnh tòa tam bảo/đại hùng bảo điện chùa Đại Phật 
[Pháp sư Học Thành 2011]




Xem tiếp bài này trong bản toàn văn ở sách này:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.